BÙI VĂN NAM SƠN
Ngày Xuân cho
phép ta mơ mộng và tưởng tượng. Tuy không tài nào dự đoán được tương lai, ta vẫn
khao khát muốn biết rồi sẽ ra sao. "Ra sao" ở đây là nói chuyện... vĩ
mô, chuyện "toàn cầu" thôi nhé!
Thế giới đang đầy
rẫy xung đột, nhưng tiến trình toàn cầu hóa dường như vẫn cứ tiếp diễn. Hai hiện
tượng mâu thuẫn ấy sẽ triệt tiêu nhau, sẽ tiếp tục song hành hay sẽ hòa giải với
nhau một cách nào đó?
Việc đánh giá
tình hình tùy thuộc vào sự lựa chọn lý thuyết nào về toàn cầu hóa. Ngay bản
thân khái niệm "toàn cầu hóa" cũng rắc rối. Người bảo rằng nó đã bắt
đầu vào thế kỷ 15, người bảo từ thế kỷ 19, hoặc chỉ mới từ vài thập niên gần
đây thôi. Xu hướng chung sẽ dẫn đến sự thống nhất hoặc sự đa dạng hoặc cả hai vẫn
còn gây tranh cãi. Khó khăn, trước hết, có lẽ nằm ngay trong bản thân khái niệm
"toàn cầu hóa".
Trong từ
"toàn cầu hóa" có chữ "toàn cầu", hiểu như quả địa cầu,
hình như xuất hiện lần đầu tiên năm 1492 nơi Martin Behaim, đầu thời cận đại.
Nhưng, nó không còn mang nghĩa biểu tượng vừa thần học vừa chính trị như quả
táo trong lòng bàn tay các bậc đế vương ngày trước. Nó đã bắt đầu mang nghĩa thế
tục như là biểu trưng của thời đại mới, trong đó mọi địa điểm đều có hai tính
chất: có thể đến được và có thể khai thác được. Từ đó, "địa cầu" và
các lý thuyết về "toàn cầu hóa" đi liền với nhau như bóng với hình.
Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt. Một số lý thuyết toàn cầu hóa xem "quả địa
cầu" như một tấm địa đồ với nhiều góc cạnh phức tạp hơn là một quả táo
tròn vo. Cách nhìn này lập tức bị nhiều lý thuyết khác lấn át. Theo đó,
"quả địa cầu" lần đầu tiên cho phép ta nhìn và mô tả trái đất theo
không gian ba chiều một cách toàn vẹn, không cần quan tâm lắm đến những góc cạnh
lồi lõm! Họ nhìn trái đất từ bên ngoài bằng cái nhìn "toàn cầu",
không khác mấy với nhà du hành vũ trụ nhìn về quả đất từ không gian xa thẳm.
Tùy theo chổ đứng, ta nhìn sự vật một cách khác nhau. Ở đậy, các lý thuyết về
toàn cầu hóa cũng giống như thế.
Bước vào thập kỷ
thứ hai của thế kỷ 21, ai cũng thấy cần phải điều hòa hai lối nhìn nói trên: thấy
cây không thấy rừng lẫn thấy rừng không thấy cây. Từ đó có khẩu hiệu: tư duy
toàn cầu, hành động địa phương! Toàn cầu hóa, như thế, phức tạp hơn mới thoạt
nhìn. Nó thực chất chỉ là "tây phương hóa" với kẻ thắng người bại? Hoặc
là cơ hội lich sử cho mọi người cùng thắng? Chưa ai biết, nhưng ít ra có hai thực
tế không thể phủ nhận: các thị trường tài chính được toàn cầu hóa (với tất cả
các nội hàm phong phú của chúng, gồm cả công nghệ, thương mãi và truyền thông)
đang ngày càng gia tăng áp lực lên các quốc gia, và, trào lưu dân chủ hóa -
cũng trên phạm vi toàn cầu - đang và sẽ là dòng thác chảy xiết với ngày càng
nhiều những định chế và tổ chức quốc tế cùng với các tác nhân phi nhà nước
khác. Các nhà nước-dân tộc, thành tựu của thời cận đại, ngày càng bị thu hẹp quyền
năng và phạm vi hoạt động.
Câu hỏi đặt ra:
có thể giữ nguyên ba hình thức chính trị quen thuộc trước nay: nhà nước đô thị
cổ đại - các đế chế - các nhà nước dân tộc? Có thể có hình thức "cai trị"
mới vượt ra khỏi khuôn khổ nhà nước-dân tộc? Và nếu có, làm sao diễn ra được với
tinh thần và phương thức dân chủ đích thực như khát vọng
chung? Nói ngắn, có triển vọng về một nền dân chủ toàn cầu?
Nền dân chủ,
trong lịch sử, chỉ mới biết đến hai hình thức: nền dân chủ ở quy mô nhỏ nơi các
thành quốc Hy lạp cổ đại, rồi ở quy mô rộng hơn nơi các nền cộng hòa đại diện với
tư cách các nhà nước dân tộc đa nguyên ngày nay như là thành quả của Cách mạng
Mỹ và Cách mạng Pháp. Liệu có thể có một nền dân chủ rộng lớn ở quy mô toàn cầu
với số lượng công dân khổng lồ, hết sức đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống?
Làm sao bảo đảm quyền tham dự và quyền cùng quyết định ở quy mô như thế?
May thay, chính
trị thế giới không phải là hiện tượng tự nhiên của trời đất mà kỳ cùng là do
quyết định của con người, nghĩa là, có thể biến đổi được nếu người ta muốn.
Ngày Xuân, thử
điểm qua bốn mô hình chính trị về toàn cầu hóa đang được thảo luận: Nhà nước thế
giới, Cộng hòa thế giới, Dân chủ toàn cầu (global democracy) và
Quản trị toàn cầu (global governance). Từ không tưởng đến kỹ
trị, từ mơ mộng đến vận hành thông qua những tác nhân và tổ chức quốc gia,
xuyên quốc gia, siêu quốc gia, bốn mô hình đều ít nhiều chia sẻ một cao vọng: hợp
nhất dân chủ với các cấu hình chính trị quy mô lớn. Nếu chưa phải là giải pháp
thì cũng là một gợi mở!
MÔ HÌNH 1: NHÀ
NƯỚC THẾ GIỚI
Trước hết là hai
mô hình... phản dân chủ vào đầu thế kỷ 20: một của Huxley (1932) và một của
H.G. Wells (1903). Huxley vẽ ra một nhà nước thế giới sẵn sàng hy sinh sự tự do
của con người nhân danh sứ mạng mang lại hạnh phúc. Wells thì đề xướng sự cai
trị của một tầng lớp ưu tú, độc lập và trung lập đối với mọi thế giới quan. Thật
ra, đây chỉ là phiên bản mới của "nhà nước cộng hòa" của Plato với sự
cai trị của những ông vua-triết gia.
Phiên bản khác
đáng chú ý hơn là của Arnold Toynbee qua công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa
đồ sộ gồm 12 tập (1934-1946). Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, để bảo đảm hòa
bình, năm 1969, Toynbee càng thấy nhà nước thế giới là cần thiết. Nhưng, sự hợp
nhất chính trị không thể bền vững nếu thiếu một cơ sở tinh thần thống nhất: ông
đề nghị một sự hòa đồng tôn giáo, gọi là tôn giáo phổ quát, hợp nhất Ki tô
giáo, đạo Islam, Ấn độ giáo và Phật giáo đại thừa! Mô hình của Toynbee ngày nay
đã bị lãng quên, nhưng hai ý tưởng lớn của ông vẫn còn giá trị: ý tưởng về một
lịch sử phổ quát của nhân loại, vượt khỏi khuôn khổ và lịch sử của nhà nước dân
tộc để quan tâm nhiều hơn đến lịch sử các nền văn minh. Thứ hai là ý tưởng về sự
thống nhất tinh thần của nhân loại làm cơ sở cho trật tự thế giới mới. Nếu Karl
Jaspers nhấn mạnh đến "bước nhảy của ý thức" nơi các đại triết gia,
thì Toynbee cũng đòi hỏi một sự "tăng tiến tâm linh chưa từng có trước
đó" khiến cho nhân loại có ý thức về sự thống nhất của chính mình. Bước nhảy
của các "đại" triết gia thì quá cao xa, đặc tuyển, còn ý thức nhân loại
của Toynbee - thể hiện qua "tôn giáo phổ quát" - thì lại quá nhân tạo,
khó thành hiện thực!
Nhìn chung, mô
hình nhà nước toàn cầu khó có thể giải quyết hai nghịch lý mà Kant cũng đã thấy
khi đề xướng "nền hòa bình vĩnh cửu" qua hình thức liên hiệp các nhà
nước ( thật ra dự kiến chỉ cho châu Âu hơn là cho toàn thế giới). Nghịch
lý thứ nhất: nếu không có nhà nước toàn cầu, các nhà nước dân tộc tiếp tục
tự tung tự tác như trước nay. Có nhà nước toàn cầu, chủ quyền của các nhà nước
dân tộc bị xâm phạm. Ngay cả các siêu cường cũng không ưa thích gì nhà nước
toàn cầu, một hình thức trói buộc họ, trừ khi cả nhân loại phải đương đầu với
thảm họa diệt vong hiện thực. Nghịch lý thứ hai liên quan đến
hòa bình thế giới. Khái niệm "nhà nước thế giới", một măt, không cho
phép một ai đứng ngoài nó cả, mặt khác, phải cương quyết loại trừ những ai tỏ
ra chống lại nó! Viễn tượng nội chiến - bây giờ là nội chiến toàn cầu - là
không thể tránh khỏi. Khái niệm "nhân loại" và "hòa bình thế giới"
sẽ không còn hồn nhiên vô tội khi đi vào lĩnh vực chính trị và khi ai cũng có
quyền nhân danh chúng. Một mô hình giàu thiện chí nhưng đậm nét viễn vông,
không tưởng!
MÔ HÌNH 2: CỘNG
HÒA THẾ GIỚI
Do Otfried Höffe
gợi ý, phát triển mô hình liên hiệp các nhà nước trước đây của Kant. Các nhà nước
dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại, còn nền cộng hòa thế giới chỉ là phần bổ sung,
như một nhà nước thứ cấp. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ nhân quyền và hòa bình cùng
với các tiêu chuẩn tối thiểu về an sinh xã hội và an toàn môi trường.
Cộng hòa thế giới
phải là nhà nước pháp quyền toàn cầu, đồng thời là một xã hội dân sự toàn cầu,
nhưng... "mềm" (soft legislation, soft world republic). Mô
hình này gần thực tế hơn mô hình trước, nhưng lại vấp phảinghịch lý thứ ba:
quyền lực của nó phải lớn hơn quyền lực của mọi siêu cường cộng lại, lớn hơn mọi
liên minh cục bộ. Tìm đâu ra quyền lực ấy? Sự song hành của nhà nước dân tộc và
cộng hòa thế giới đặt ra vấn đề tranh chấp quyền lực. Ai giải quyết nó và giải
quyết thế nào để không trở nên bất lực như các đinh chế Liên Hiệp quốc hiện tại?
Sự bảo vệ nhân quyền dựa trên quan niệm nào về con người? Con người cá nhân
nguyên tử theo kiểu Hobbes thông qua tiến trình thương thảo và trao đổi như nơi
thị trường? Nếu ai đó không có gì để "cho" và "nhận", làm
sao trao đổi và nhân quyền sẽ còn là gì? Höffe chỉ còn cách quay về với đạo đức
học siêu nghiệm của Kant: nhân quyền là giá trị bất khả thương thảo, bất khả
chuyển nhượng và không cần biện minh!
MÔ HÌNH 3: DÂN
CHỦ TOÀN CẦU
Tiêu ngữ của
Anthony Giddens, David Held và Ulrich Beck. Một xu hướng dân chủ xã hội, tìm
con đường thứ ba giữa cánh tả (sau sự sụp đổ của Liên xô và Đông Âu) và cánh hữu
(chủ nghĩa tân-tự do). Cả ba thống nhất ở cách nhìn xã hội hiện đại như là hậu-truyền
thống, phản tỉnh và cá nhân hóa, nhưng có đặc điểm chung là một xã hội
"thiếu an toàn" (Giddens) và "đầy nguy cơ" (Beck).
Xã hội cá nhân
hóa cần bắt tay với viễn tượng dân chủ hóa toàn cầu, như là sự thống nhất của
hai mặt đối lập. Đi vào cụ thể, cần cải cách Liên Hiệp Quốc một cách sâu rộng với
các hình thức mới: nghị viện thế giới, hành pháp thế giới, tòa án thế giới và hội
đồng thỉnh nguyện. Nơi đó, các tác nhân phi nhà nước, các tổ chức quốc tế và
xuyên quốc gia cùng hợp tác hành động.
Ulrich Beck đưa
ra thuyết "Hiện đại thứ hai". Hiện đại thứ nhất đã hướng đến sự
tiến bộ và phát triển qua quá trình công nghiệp hóa. Hiện đại thứ hai nhằm giải
quyết những hệ quả do Hiện đại thứ nhất gây ra và để lại.
Để hướng đến nền
dân chủ toàn cầu, cần "tái phát hiện cái chính trị", vượt
ra khỏi ranh giới giữa cái riêng tư và cái công cộng, giữa bên trong và bên
ngoài. "Chính trị", theo Beck, không còn là một lĩnh vực riêng biệt,
mà trở thành việc làm phi không gian, không để cho nhà nước độc quyền nữa.
MÔ HÌNH 4: QUẢN
TRỊ TOÀN CẦU
Không đi theo mô
hình nhà nước hay dân chủ mà nhấn mạnh đến "kỹ thuật điều hành", đến
"thể thức thực thi", bao gồm mọi hình thức, dù dân chủ hay không. Tất
cả xuất phát từ thực tế gia tốc của tiến trình toàn cầu hóa hầu như trên mọi
lĩnh vực: truyền thông, thương mãi, giao thông, v.v.. trong một thế giới ngày
càng nhỏ dần với sự đan xen lẫn nhau và xóa bỏ khoảng cách. Cần xem trọng đúng
mức vai trò của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các NGO và các
loại mạng lưới kết nối, thay vì chỉ tập trung vào mô hình nhà nước thế giới hay
cộng hòa thế giới. Giống như mô hình 3, cần mở rộng và cải cách triệt để Liên
Hiệp Quốc với nhiều định chế mới mà không cần đến "chính quyền thế giới".
"Quản trị" (governance) là cai trị không cần đến chính
quyền thế giới, đồng thời cũng không nhất thiết phải là cai trị mà không có
"các chính quyền". Khái niệm "governance" không chỉ
khó dịch mà còn khó xác định nội dung! Nó cần phải tiếp tục nghiên cứu và làm
rõ tính chất lẫn vai trò của các tác nhân dân sự vừa kể: trong chừng mực nào
chúng đồng đẳng với các chính quyền được bầu lên một cách dân chủ? Cấu trúc nội
tại của chúng có dân chủ và minh bạch không? Với bản chất thiện nguyện, chúng
hành xử ra sao khi dính đến tiền bạc và quyền lực? Chúng có thể bị các chính
quyền sử dụng và lung lạc không? v.v..
Trước mắt, mô
hình này muốn được thử thách ở quy mô trung bình trước khi lan tỏa toàn cầu:
các "khối liên kết khu vực" như Cộng đồng chung Châu Âu, và sắp tới
đây, cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Ngay ở Cộng đồng EU với nhiều thuận lợi,
cơ chế dân chủ và hợp tác còn không ít quan liêu, trở ngại, tình hình sẽ ra sao
đối với các "khối" ít thuần nhất hơn?
Con đường phía
trước còn rất dài và gian nan, nhưng đã xác định được một điểm mới mẻ: cần có sự
chuyển dịch về ngữ nghĩa trong khái niệm dân chủ. Khái niệm cổ điển về dân chủ
đã thích hợp với nền dân chủ cổ đại và các nhà nước dân tộc cận và hiện đại. Thể
thức tiêu biểu là bầu cử và bỏ phiếu. Bây giờ, khái niệm dân chủ cần điều chỉnh
cho phù hợp với khuôn khổ của "khối" và toàn cầu. Tính cách tham dự cổ
điển được dần thay thế bằng hình thức ít khắc khe hơn: tức thông qua biện pháp
"kỹ trị", hướng đến "đầu ra" (output) hơn
là "đầu vào" như đang được áp dụng ở khối EU. Nổi bật là sự chuyển đổi
âm thầm từ sự tham dự sang tham vấn(deliberation), từ chỗ cùng quyết
định sang cùng bàn bạc (J. Habermas). Mô hình 4 chia sẻ với mô hình 3 sự lạc
quan đối với "lý thuyết diễn ngôn" nói chung.
Người ta không
thể nói "nửa sự thật" về Hiện đại cũng như về toàn cầu hóa, nếu không
muốn tô hồng, xuyên tạc hay đơn giản hóa nó. Ba đặc điểm chủ đạo của Hiện đại
là sự biến đổi văn hóa gia tốc, sự tiêu biến của khoảng cách không gian và sự
tương đẳng của các nền văn minh đều đã và đang đi những bước quanh co. Thêm vào
đó, như Antonio Gramsci tiên đoán trước giữa thế kỷ 20 khi nhìn thấy những đám
mây đen đang cuộn lên ở chân trời: "Thế giới cũ đã chết. Thế giới mới đang
ló dạng. Nhưng trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy đã xuất hiện những con quái vật".
Lời tiên đoán u ám ấy lại hiệu nghiệm? Chúng có thể đẩy lùi lịch sử? Một cách tỉnh
táo, sống trong Hiện đại một cách hiện đại là chấp nhận sống với và sống trong
xung đột, vì không có một "hòa điệu tiền lập" nào hết.
Xuân
Ất Mùi
Nguồn: triethoc.edu.vn