Vĩnh Sính
University of Alberta
(Canada)
Cao trào khai sáng
(Anh: enlightenment, Đức: Aufklärung) ở Âu châu tuy đã
bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, nhưng phải chừng một thế kỷ sau, khi tác
phẩm Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? (1784) của Immanuel
Kant ra đời, danh từ này mới trở thành một thuật ngữ có chỗ đứng hẳn hoi trong
ngôn ngữ triết học và lịch sử tư tưởng.
“Khai sáng”, theo định
nghĩa của Kant, “là sự thoát ra của con người khỏi tình trạng chưa trưởng thành
(nonage) do chính con người tự gây nên. Chưa trưởng thành vì không có
khả năng sử dụng lý trí của mình mà không cần đến sự dẫn dắt của kẻ khác. Sự
chưa trưởng thành này, nếu chính nguyên nhân không nằm ở sự thiếu lý trí mà ở
sự thiếu quyết định và thiếu can đảm [trong việc] tự sử dụng lý tính của chính
mình mà không cần sự dẫn dắt của kẻ khác, thì chính là lỗi do chính mình gây
nên. Bởi vậy, ‘Hãy dám biết và hãy can đảm sử dụng lý trí của chính mình’ là
phương châm của khai sáng”.[2] Nói cách khác, khai sáng là sự thức
tỉnh của lý tính, từ đó con người có thể sử dụng lý tính của mình để vượt ra
khỏi những thiên kiến và mê muội. Sự dẫn dắt (tutelage) của kẻ khác
trong bối cảnh lịch sử của các nước Âu châu mà Kant nói đến trong định nghĩa
trên là do ảnh hưởng quyền uy của tôn giáo.
Không phải ngẫu nhiên
mà khoảng thời gian mười năm sau Minh Trị Duy tân (1868-1878) ở Nhật Bản thường
được gọi là thời kỳ “văn minh khai hóa” (bunmei kaika, civilization
and enlightenment). “Khai hóa” ở đây có nghĩa giống như khai sáng mà chữ
Hán gọi là “khai minh”. Tuy nhiên, vì điều kiện lịch sử và văn hóa ở Nhật Bản
khác với các nước Âu châu vào thế kỷ XVII và XVIII, đối tượng khắc phục của tư
tưởng khai sáng ở Nhật vào đầu thời Minh Trị do đó cũng khác với các nước Âu
châu. Ở Nhật trước đó, dưới thời Tokugawa, không có một
quyền uy tôn giáo nào có tính cách phổ biến và siêu việt. Ông “Trời” (ten,
thiên) trong Nho giáo và muôn ngàn vị “thần” (kami) trong Shinto (Thần
đạo) không trang bị quyền uy nhằm khuất phục những người cầm quyền ở trần thế,
ngược lại trên thực tế lắm khi lại bị họ lợi dụng để củng cố trật tự và uy
quyền chính trị của họ. Nói cách khác, với sự vắng bóng của uy quyền tôn giáo
có tính cách phổ biến và siêu việt ở nước Nhật, những thiên
kiến và mê muội trong xã hội Nhật vào đầu thời Minh Trị là di sản của “uy quyền
cùng những tùy tiện và lạm dụng quyền lực gần như quái đản” của chính con
người.[3] Ngoài ra, cần để ý là phong trào
khai sáng ở Nhật Bản được thúc đẩy bởi tinh thần và ý thức quốc gia về nhu cầu
tiếp thu những yếu tố tiên tiến của văn minh Tây phương nhằm canh tân đất nước
với mục đích tối hậu là bảo vệ nền độc lập của Nhật Bản.[4] Bởi vậy, những người đi tiên phong
trong việc tiếp thu văn hóa Tây phương chính là những nhà Tây học mà tiếng Nhật
gọi là Yôgakusha (Dương học giả), trong đó thành viên của hội
trí thức Meirokusha là những học giả có ảnh hưởng sâu rộng nhất.
1. Thuật ngữ
Trước khi bước vào chủ
đề, xin có đôi dòng về vấn đề thuật ngữ. Đồng nghĩa với khai sáng và khai hóa,
“khai thành” (kaisei) cũng là một danh từ thông dụng vào cuối thời
Tokugawa và đầu thời Minh Trị -- tương ứng với hai thập niên 1860 và 1870.
“Khai thành” (còn gọi là “khai vật” hay “khai vụ”) đi từ tứ tự thành ngữ “khai
vật thành vụ” trong Kinh Dịch (“Hệ từ”, thiên Thượng), có
nghĩa là “mở mang tri thức của con người nhằm hoàn thành nhiệm vụ xã hội”. Vào
đầu thế kỷ XIX, Satô-no-Mabuchi (Tá-đằng Tín-uyên; 1769-1850) chủ trương cần áp
dụng “khai vật học” (kaibutsugaku) trong công nghiệp, cụ thể là “khai
khẩn đất đai, khai thác vật sản nhằm làm cho đất nước giàu có và cuộc sống
của dân chúng phồn vinh”.[5] Trung tâm nghiên cứu và giảng dạy về
Tây học đầu tiên do chính quyền Tokugawa xây dựng năm 1864 và sau này được
chính quyền Minh Trị tiếp quản, cũng mang tên là Kaiseijo (Khai-thành-sở),
thường được chuyển ngữ sang tiếng Anh là Institute of Enlightenment, tức Trung
tâm Khai sáng.[6] Những danh từ “khai hoang”, “khai
sơn” (xẻ núi, từ thời cận đại có thêm nghĩa mới là khai mỏ), “khai thác”, “khai
cảng” (xây dựng bến cảng) thịnh hành vào đầu thời Minh Trị đều dựa trên khái
niệm “khai vật”.
Mặc dù đã có các
từ “khai minh”, “khai hóa”, và “khai thành”, nhưng khi nói về phong trào khai
sáng ở Nhật đầu thời Minh Trị, người Nhật lại thích dùng từ “keimô”
(khải-mông). “Khải” có nghĩa là thức tỉnh, mở mang; “mông” là tối tăm, mê muội;
“khải mông” theo định nghĩa, là “thức tỉnh, mở mang những người ngu muội hay có
kiến thức thức nông cạn”.[7] Trong tiếng Nhật, khi nói về enlightenment
thought, người ta ít khi nói là kaimei shisô (tư tưởng
khai minh, tức tư tưởng khai sáng) mà thường nói là keimô shisô,
tức “tư tưởng khải mông”. Trong bài này, người viết sẽ dùng cả hai từ “khai
sáng” và “khải mông” tùy theo văn cảnh.
2. Thành
viên hội trí thức Meirokusha
Tháng 7, 1873, sau khi hoàn thành nhiệm vụ
công sứ Nhật Bản đầu tiên ở Hoa Kỳ và về lại Tokyo, Mori Arinori (Sâm Hữu-lễ;
1848-89) hội ý với Nishimura Shigeki (Tây-thôn Mậu-thụ; 1828-1902) về khả năng
thành lập một hội trí thức dựa theo mô hình của Hoa Kỳ. Theo lời thuật lại của
Nishimura trong hồi ký Ôjiroku (Vãng-sự-lục), Mori nhận thấy
“ở Hoa Kỳ mọi ngành nghiên cứu đều có học hội, nhờ vậy các học giả có dịp trao
đổi ý kiến về học thuật, tổ chức những buổi nói chuyện có lợi ích cho người
đời; trong khi đó ở Nhật, các học giả ai cũng cô lập, không chịu liên lạc với
nhau, vì thế nên những năm gần đây đạo đức của dân chúng bị suy thoái trầm
trọng”. Nhằm cứu vãn tình thế đó, Mori đề nghị “thiết lập một học hội vừa để
chấn hưng học thuật vừa để làm gương mẫu đạo đức”.[8] Vì Mori vừa mới về lại Nhật sau
những năm công cán ở nước ngoài, việc tuyển chọn hội viên chắc hẳn đã dựa theo
lời đề nghị của Nishimura. Hội mang tên là Meirokusha (Minh-lục-xã), bởi lẽ
việc thành lập hội được thảo luận vào năm thứ 6 thời Minh Trị (1873) -- “Minh”
là Minh Trị, “lục” là 6, và “xã” là hội. Tôn chỉ thiết lập của hội công bố một
năm sau đó, được tóm tắt như sau: “Nhằm xúc tiến giáo dục trong nước, nhóm hữu
chí chúng tôi thương nghị về các biện pháp, hội họp các người đồng chí để trao đổi
ý kiến, mở mang kiến thức”.[9] Qua tháng 2 năm 1875, Meirokusha
được chính thức thành lập.
Thoạt kỳ thủy hội viên
Meirokusha có 10 người gồm các “danh sĩ” đương thời. Ngoài Mori và Nishimura,
còn có các nhân vật sau đây: Fukuzawa Yukichi (Phúc-trạch Dụ-cát; 1834-1901),
Katô Hiroyuki (Gia-đằng Hoằng-chi; 1836-1916), Mitsukuri Rinshô (Ky-tác
Lân-tường; 1846-97), Mitsukuri Shûhei (Ky-tác Thu-bình; 1825-86), Nakamura Masanao
(Keiu) (Trung-thôn Chính-trực, hiệu là Kính-vũ; 1832-91), Nishi Amane (Tây Chu;
1829-97), Sugi Kôji (Sam Hanh-nhị; 1828-1919), và Tsuda Mamichi (Shindô)
(Tân-điền Chân-đạo; 1828-1903). Số hội viên sau đó tăng lên 30 người: thêm 5
hội viên chính thức, 5 hội viên thông tin và 10 hội viên đặc biệt gồm những
người đang cư trú ở nước ngoài và các hội viên danh dự.
Giữa các hội viên
Meirokusha có một số điểm tương đồng rất đáng chú ý. Trước hết, tất cả hội viên
(Sugi là ngoại lệ) đều xuất thân từ gia đình samurai cấp dưới
(kakyû bushi, hạ-cấp vũ-sĩ). Vì xuất thân là samurai, nên họ
mang niềm hãnh diện, tự hào cùng ý thức trách nhiệm của giai cấp đã nắm quyền
gần 700 năm đối với tiền đồ đất nước. Tuy nhiên, bởi lẽ họ chỉ là samurai cấp
dưới nên tổ tiên họ đời đời bị bạc đãi và chịu không biết bao nhiêu nỗi cay
đắng của chế độ phong kiến. Bởi vậy, hơn ai cả, họ ý thức về những mặt phi lý
trong xã hội. Fukuzawa là trường hợp điển hình. Xuất thân từ Nakatsu-han,
một lãnh địa nhỏ ở miền Bắc đảo Kyushu, Fukuzawa đã ghi lại trong hồi ký niềm
phẫn uất của ông khi nghĩ về thân phận của phụ thân như sau: “Cha tôi vốn có
căn tính của một học giả ..., nhưng công việc mà cha tôi đảm đang ở Osaka là
phải giao dịch với những nhà giàu có ... nhằm mượn tiền cho Nakatsu-han.
Cha tôi bất mãn cùng cực về công việc này .... Tuy vậy, hình như cha tôi không
bao giờ nghĩ tới chuyện rời Nakatsu để đi tìm một công việc khác. Cha tôi
thường cam chịu mọi nỗi bất bình, an phận với số bổng lộc chẳng đáng bao nhiêu.
Chắc hẳn cha tôi biết vào thời đó chẳng mấy ai có khả năng thay đổi số phận của
mình. Cho đến nay tôi thường nghĩ lại điều đó mà nuối tiếc, thương hại cho cha
tôi. Dưới chế độ phong kiến, thứ bậc xã hội ở Nakatsu-han cứng
nhắc, không thể nào thay đổi tựa như thân phận những con cá nằm chặt cứng trong
hộp, qua mấy trăm năm cũng chẳng có gì thay đổi. Conkarô (gia-lão,
trọng thần trông nom tất cả công việc trong lãnh địa) thì làm karô,
con ashigaru (túc-khinh, cấp thấp nhất trong các hàngsamurai)
thì làm ashigaru, đời này sang đời khác karô vẫn
là karô, ashigaru vẫn là ashigaru.
Những cấp bậc ở giữa cũng thế, không hề xê dịch. Đối với cha tôi, cho dầu có cố
gắng mấy đi chăng nữa cũng chẳng tới đâu”.[10]
Hội viên Meirokusha
còn giống nhau về quá trình hấp thụ giáo dục. Lúc nhỏ họ đều theo học chữ Hán (Kangaku,
Hán-học), sau đó chuyển sang Rangaku (Lan-học), tức học tiếng
Hà Lan và nghiên cứu khoa học Tây phương bằng tiếng Hà Lan, rồi cuối cùng
chuyển từRangaku sang Yôgaku (Dương-học) -- tức là
ngành nghiên cứu Tây phương qua những ngôn ngữ Tây phương khác như tiếng Anh,
tiếng Pháp hoặc tiếng Đức. Trình độ Hán học của mỗi thành viên dĩ nhiên khác
nhau. Nishimura có lẽ là người có bản lĩnh Hán học thâm hậu nhất. Nishimura
được gọi là Gojusha (Ngự-nho-giả), cấp bậc cao nhất trong các
chuyên gia Hán học, lúc mới 31 tuổi (!). Nishi là giảng viên Hán học
trong hankô (phiên-hiệu), tức là trường dành riêng cho giai
cấp vũ sĩ trong lãnh địa của mình. Fukuzawa tuy hấp thụ Hán học từ nhỏ, nhưng
đến mười bốn, mười lăm tuổi mới bắt đầu chú tâm đến việc học hành. Tuy vậy, với
trí thông minh và óc phân tích bén nhạy có một không hai, Fukuzawa học rất
chóng, đặc biệt thích nhất là Tả truyện. Trong tự truyện, Fukuzawa
kể lại như sau: “Tả truyện có mười lăm tập, học trò phần đông đọc
ba bốn tập là xếp sách lại ngay. Tôi đọc toàn bộ trước sau cả thảy mười một
lần, thậm chí thuộc lòng những đoạn lý thú nhất trong Tả truyện”[11]
Ảnh hưởng của Hán học
đối với các thành viên Meirokusha dĩ nhiên có mức độ khác nhau tùy theo cá nhân
và ít nhiều đã thể hiện qua quá trình tiếp thu tư tưởng Tây phương của mỗi
người. Có điều là khác với sĩ phu Trung Quốc và Việt Nam, trí thức Nhật Bản đọc
sách chữ Hán để trau dồi trí thức chứ không có mục đích giùi mài kinh sử để đi
thi. Chính nhờ vậy, họ có tư duy độc lập, khách quan và không suy nghĩ một cách
rập khuôn. Trong trường hợp các thành viên Meirokusha, họ đã dùng vốn liếng Hán
học của mình để chuyển ngữ hay giới thiệu những khái niệm mới mẻ của Tây phương
mà trước đó chưa từng có trong chữ Hán. Các tự vựng chữ Hán do người Nhật sáng
chế thường có tính thuyết phục cao nên dễ được chấp nhận hơn các từ chữ Hán do
sĩ phu Trung Quốc chuyển ngữ, có lẽ vì các trí thức Nhật Bản đã cân nhắc khách
quan hơn những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai môi trường văn hóa Tây
phương và Đông phương. Như sẽ đề cập trong phần sau, có khá nhiều hội viên
Meirokusha đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo từ và chuyển ngữ này.
Những trí thức Trung Quốc có đầu óc cải lương như Khang Hữu Vi và Lương Khải
Siêu sau đó đã tiếp thu và sử dụng những tự vựng do người Nhật sáng chế, và
cuối cùng sĩ phu nước ta khi đọc say mê những tư tưởng cận đại qua các sách Tân
thư và Tân văn của Khang Lương vào đầu thế kỷ XX, vô hình trung đã đưa các tự
vựng này vào tiếng Việt. Vào một trăm năm trước đây, những tự vựng đó là nhịp
cầu bắt nối giữa sĩ phu nước ta với các hội viên Meirokusha -- một nhịp cầu mà
chúng ta ngày nay vẫn sử dụng thường xuyên nhưng không còn mấy ai ý thức. [12]
Thứ đến, một điểm
giống nhau khác giữa các hội viên Meirokusha là ít nhiều họ đã khắc phục sự
được bức tường phân chia giữa khoa học và luân lý mà Sakuma Shôzan (Zôzan) đã
đề ra qua khẩu hiệu “Đông phương đạo đức, Tây phương kỹ thuật” (Tôyô dôtoku,
Seiyô geijutsu). Họ ý thức về nhu cầu tiếp thu không những khoa học và kỹ
thuật mà còn cả các giá trị tinh thần của văn minh Tây phương. Là người đi tiên
phong trong phong trào khai sáng ở Nhật, Fukuzawa cho rằng trong quá trình tiếp
thu văn minh Tây phương, động tác cơ bản nhất là đổi mới phong khí (kifû,
“khí-phong”, spirit/temperament) trong học giới ở Nhật bằng cách
tiếp thu cốt lõi của văn minh Tây phương. Tương tự, Nishi cũng đã viết như sau
trong bức thư gửi J. J. Hoffmann, vị giáo sư mà Nishi đã thụ giáo trong thời
gian du học ở Leiden, Hà Lan, vào thập niên 1860: Nhằm cải thiện quan hệ với
các nước Âu châu, nội chính và các cơ chế ở Nhật cần phải được đổi mới. Nhưng
muốn đổi mới thì phải có kiến thức về các ngành thống kê, luật pháp, kinh tế,
chính trị học, quan hệ ngoại giao, nhưng các ngành này chưa có ai dạy ở Nhật.
Bởi vậy, mục đích của chúng tôi là học đủ mọi thứ và nghiên cứu cơ sở triết học
của các ngành đó. Vì cơ sở tôn giáo trong luật pháp của nước chúng tôi khác với
triết học của Descartes, Locke, Hegel, và Kant, chúng tôi sẽ nghiên cứu tất cả
.... Chúng tôi cảm thấy việc nghiên cứu các đề tài này sẽ có ích cho việc nâng
cao trình độ văn hóa của chúng tôi.[13]
Một điểm tương đồng
khác nữa giữa các hội viên Meirokusha là họ đều là bakushin (mạc-thần),
nói nôm na là họ là “di thần” (ishin) của cựu chính quyền Tokugawa bakufu.
Nishi, Katô, Sugi, Tsuda, Mitsukuri Rinshô là giảng viên của trung tâm nghiên
cứu thư tịch Tây phương, ban đầu hãy còn gọi là Bansho Shirabesho (Phiên-thư
Điều-sở), tiền thân của Kaiseisho đã nói ở trên. Mặt khác, Fukuzawa và
Mitsukuri Shûhei là chuyên gia ở Nha dịch thuật (Hon’yakukata) do chính quyền
Tokugawa thiết lập năm 1864.
Sau khi chính quyền
Tokugawa bị lật đổ và chính phủ Minh Trị ra đời, ngoại trừ Fukuzawa, các hội
viên Meirokusha trở thành những viên chức cao cấp trong chính phủ mới. Cụ thể,
vào thời điểm Meirokusha được thành lập, Katô vừa làm thị giảng (thầy giảng
sách cho thiên hoàng) vừa làm thư ký Kunaichô (Cung-nội-sảnh) -- cơ quan lo tất
cả mọi việc có liên hệ tới hoàng tộc, tương đương với Tôn nhân phủ ở Việt Nam
ngày trước; Nishi là thứ trưởng Quốc phòng; Mori là phụ tá thứ trưởng bộ Ngoại
giao; Nishimura làm trưởng phòng biên tập của bộ Giáo dục, v.v. Đương nhiên có
người sẽ hỏi tại sao các hội viên Meirokusha nguyên là công nhân viên của chính
quyền cũ (Tokugawa) mà sau khi chính quyền đó bị lật đổ lại tham gia, hay có
thể tham gia, chính quyền mới (Minh Trị)? Vào cuối đời Tokugawa, quả đúng là
nhóm vận động lật đổ chính quyền Tokugawa do Satsuma-han và Chôshû-han dẫn
đầu có khuynh hướng bài ngoại, và những trí thức Tây học sau này quy tụ trong
hội Meirokusha không mấy thích họ cũng chính vì lý do đó. Tuy nhiên, sau khi
lật đổ chính quyền Tokugawa, chính phủ Minh Trị lại hết sức tích cực áp dụng
chính sách “Văn minh khai hóa”, thâu dụng nhân tài trong nỗ lực tiếp thu văn
minh Tây phương nhằm bắt kịp với liệt cường, do đó các trí thức trong chính
quyền cũ, trong đó có các thành viên Meirokusha, có được đất dụng võ nên đã đem
hết lòng ra cộng tác.
3. Tư
tưởng khai sáng của thành viên Meirokusha
Vì Meirokusha quy tụ
những nhà Tây học có tư tưởng khai sáng tiêu biểu ở Nhật lúc bấy giờ, có thể
xem tư tưởng khai sáng của họ cũng chính là tư tưởng khai sáng của nước Nhật
nói chung. Ernst Cassirer đã từng viết: “Chính người khởi đầu bộ Bách
khoa toàn thư là Diderot đã nói rằng mục đích của bộ Bách khoa
toàn thư quyết không phải để cung cấp những tri thức đặc biệt mà để
biến đổi phương pháp tư duy, hay nói cách khác là được biên soạn nhằm [khuyến
khích người đọc] biến đổi cách suy nghĩ nói chung. Khi đã tự giác về nhiệm vụ
này, các tư tưởng gia đương thời cảm thấy phấn chấn và náo nức trong lòng”.[14] Đối với những thành viên Meirokusha, họ
tự giác về nhiệm vụ phải cung cấp cho dân chúng những kiến thức mới, nhưng đồng
thời họ cũng ý thức việc đổi mới tư duy dựa theo lối mòn của Nho giáo nói chung
mới chính là nhiệm vụ cơ bản.
3.1 Chúng ta thử lướt
qua một vài tác phẩm tiêu biểu của các thành viên trước khi Meirokusha được
thành lập.
Những tác phẩm khải
mông tiêu biểu vào thập niên 1860 là Tonarigusa (Lân-thảo, tức
Cỏ nhà láng giềng; 1861) của Katô, Seiyô jijô(Tây-dương sự-tình;
1866-70) của Fukuzawa, và Hyakuichi shinron (Bách-nhất-tân-luận)
của Nishi.
Tonarigusa là trước tác đầu
tay của Katô và cũng là tác phẩm đầu tiên ở Nhật Bản bàn về chế độ lập hiến.
Tác phẩm này đồng thời thể hiện nhận thức của tác giả về tầm quan trọng của vai
trò “chế độ” trong chính trị. Vào thời điểm này Katô hãy còn dùng toàn những
kích thước Nho giáo để đánh giá văn minh Tây phương. Theo Katô, để có được
“nhân hòa”, cần thực hiện một nền “chính trị công minh chính đại với cốt lõi là
nhân nghĩa”, nhưng yếu tố quan trọng của “nhân chính” không tùy thuộc vào tư
chất hay tấm lòng của người cầm quyền (iseisha, vi chính giả) mà là vấn
đề “chính thể”. Katô kết luận: “Xem như thế, chính thể do các vua đời trước
(tiên vương) đặt ra cũng có chỗ bất đạt”. Katô cho rằng lý do khiến Trung Quốc
thất bại trong chiến tranh Nha phiến không phải vì yếu kém về quân sự mà tại vì
Trung Quốc không có một chính thể thích hợp. Theo Katô, thể chế thích hợp nhất
cho Trung Quốc là chế độ lập hiến, đặc biệt chế độ nghị hội. Trong sách này, kỳ
thật Katô đã mượn chuyện Trung Quốc dưới triều Thanh để bàn về Nhật Bản. Ông
lấy tên sách là Lân thảo vì sợ đụng chạm tới chính quyền
Tokugawa. Tuy vậy, tác phẩm này cũng chỉ lưu hành dưới dạng chép tay chứ không
được xuất bản trước thời Minh Trị.
Bìa
sách Seiyô jijô (Tây-dương sự-tình) của Fukuzawa Yukichi
Seiyô jijô của Fukuzawa là
tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất vào thập niên 1860 và đầu thời Minh Trị. Tác
phẩm này một phần dựa theo những điều mắt thấy tai nghe của tác giả qua 3 lần
viếng thăm các nước Âu Mỹ vào thập niên 1860, một phần dựa trên những kiến thức
mà tác giả đã thu thập từ không biết bao nhiêu sách vở và từ điển mà tác giả đã
chọn lựa mua về để tham khảo. Sách có nhiều hình minh họa, bàn về những điều cụ
thể mà độc giả đương thời náo nức muốn tìm hiểu về các nước Tây phương trên các
lãnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, phong tục tập quán, v.v. Ngoài
các nước Tây phương, Fukuzawa cũng đề cập đến tình trạng đen tối ở các nước
thuộc địa ở Á châu và Phi châu. Ý thức sâu sắc về vai trò giáo dục của người
cầm viết, văn phong của Fukuzawa sáng sủa, gẫy gọn mà hàm súc. Bởi vậy, không
phải ngẫu nhiên mà Seiyô jijô và nhiều tác phẩm khác sau đó
của Fukuzawa là những cuốn sách được độc giả đủ mọi tầng lớp yêu thích và bán
chạy nhất. Từ thập niên 1860 cho đến lúc Fukuzawa từ trần vào năm 1901, các tác
phẩm của Fukuzawa được phát hành đến hơn 1 triệu cuốn.
Nhằm dịch từ philosophie,
Nishi là người đã sáng tạo từ “triết học” (tetsugaku) mà ngày nay chúng
ta dùng trong tiếng Việt. Nishi đặc biệt quan tâm đến lý luận triết học và đã
để lại nhiều trước tác về luân lý học, luận lý học và các hình thái học thuật
nói chung. TrongHyakuichi shinron, một tác phẩm viết dang dở, Nishi phê
phán Nho giáo (chắc hẳn Nishi muốn nói Tống Nho) trên hai điểm. Điểm thứ nhất
là không phân biệt giữa “chính” và “giáo”. Theo Nishi, trong Nho giáo, cách
hiểu chữ “nhân đạo” bao gồm cả cách “trị nhân” (trị người) là sai lầm. Chẳng
hạn như câu “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” trong Đại học bị
hiểu lầm theo nghĩa là “tu thân trị nhân”, tức là một khi đã tu thân thì có thể
trị người, hoặc một khi có “thành ý chính tâm” thì có thể “bình thiên hạ”.
Nishi cho rằng Đại học chỉ là một loại sách chỉ nam. Nishi
viết: “Đối với Khổng Tử, chữ lễ hàm ý là ‘làm chính sự thì không thể không
học’, giống như Ogyû Sorai[15] đã nói là ‘Đạo của tiên vương chính là lễ
nhạc” hoặc “Đạo là đạo tiên vương’.... Khổng Tử là học giả về chính sự, nên
những học thuyết về ‘đạo đức nhân nghĩa’ bất quá chỉ là nội tạng”. Điểm thứ hai
mà Nishi phê phán Nho giáo là không phân biệt giữa “tâm lý” và “vật lý”: “Ở
Trung Quốc, khi có nhật thực, người ta cho rằng vì nhà vua bỏ bê triều chính
nên Trời mới ra dấu hiệu đó để răn bảo; thả hoặc, [ở Nhật] người ta nói nhờ
[nhà sư] Nichiren[16] cầu nguyện nên sóng thần mới trỗi
lên đánh bạt chiến thuyền của quân Mông Cổ.... Nói như vậy tức là đã gom “vật
lý” và “tâm lý” lại làm một, và thật sai lầm khi cho rằng có thể biến sức mạnh
của lòng người (tâm lực) thành sức mạnh vật lý trong thiên nhiên”.[17] Có thể nói tư tưởng của Sorai mà
Nishi đã kế thừa và phát triển là viên gạch nối giữa tư tưởng truyền thống ở
Nhật Bản và văn hóa Tây phương.
Meiroku zasshi, số 2
3.2 Một tháng sau khi hội Meirokusha được chính thức thành lập, số báo đầu tiên của hội mang tên là Meiroku zasshi (Minh-lục tạp-chí; MRZ) ra đời vào tháng 3, 1874. Là “tạp chí tổng hợp” (composite magazine) đầu tiên ở Nhật Bản, mặc dầu không “trường thọ”, MRZ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử khai sáng ở Nhật Bản. Trong 8 tháng đầu, MRZ là một bán nguyệt san và được dự trù phát hành mỗi tháng 3 lần từ tháng 11, 1874. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ phát hành cũng thay đổi tùy theo tháng. Theo báo cáo của Mori vào tháng 2 năm 1875, 25 số báo được phát hành trong năm 1874 với số lượng tổng cọng là 105.984 số, tính trung bình số lượng phát hành là 3.200 mỗi kỳ. Cũng vào lúc đó, nhật báo bán chạy nhất ở Nhật là tờ Tokyo Nichinichi phát hành mỗi ngày 8.000 số. Xem thế, ta cũng có thể ước chừng ảnh hưởng to lớn của MRZ.
Cho đến khi đình bản,
MRZ phát hành được tất cả 43 số báo. Đề tài của hơn 100 bài tiểu luận bao quát
hầu hết mọi ngành: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, triết học, tôn
giáo, luật pháp, khoa học thiên nhiên, v.v. Với mục tiêu khai sáng, những ý
tưởng trình bày trong MRZ là luồng gió mới thổi vào luận đàn trí thức ở Nhật
lúc bấy giờ. Chúng ta thử xem đề tài và nội dung của một số bài tiêu
biểu.
Trong số báo đầu tiên,
Nishi đề nghị nên dùng mẫu tự La Tinh để biểu thị tiếng Nhật. Theo Nishi, giống
như nước Nhật ngày xưa đã dùng chữ Hán để tiếp thu văn minh Trung Hoa, ngày
nay, nhằm phát triển Tây học hơn nữa, người Nhật nên dùng mẫu tự La Tinh. Một
khi đã sử dụng mẫu tự La Tinh, việc học các ngôn ngữ Tây phương sẽ dễ dàng hơn,
việc dịch thuật sách vở, các ngành kế toán, v.v. cũng sẽ tiện lợi hơn.[18] Trong “Kyômonron” (Giáo-môn-luận,
tức “Bàn về tôn giáo”), Nishi triển khai những ý tưởng từ Hyakuichi
shinron đã đề cập ở trên, cực lực đả kích chính sách kết hợp Shinto và
chính trị của chính phủ Minh Trị trong những năm đầu, gọi chính sách đó
là shinkyô seiji(thần-giáo chính-trị, theocracy). Theo
Nishi, chính phủ Minh Trị “phải tách rời chính trị ra khỏi tôn giáo và không để
cái hại (gai) của tôn giáo trở thành cái hại của chính trị”. Nhằm thay
đổi quan niệm luân lý của người Nhật, Nishi chủ trương cần xem 3 tiêu chuẩn quý
báu nhất của con người là “sức khỏe” (mame), “trí thức” (chie) và
“tài sản” (tomi), thay cho các tiêu chuẩn trước đó là “ôn nhu” (onju),
“đôn hậu” (tonkô), “cung khiêm” (kyôken, tức khiêm tốn) và “quả
dục” (kayoku, tức bỏ bớt lòng ham muốn). Trong bài “Kaika o susumeru
hôhô o ronzu” (Bàn về phương pháp phát triển khai sáng), Tsuda nhấn mạnh
nhu cầu xây dựng một nền “thực học” (jitsugaku) nhằm thay thế “hư học” (kyogaku)
là cái học rỗng tuếch. Trong những bài khác, Tsuda chủ trương phải có tự do xuất
bản,[19] bãi bỏ chế độ tra tấn[20] và án tử hình.[21] Tsuda cũng là người chủ trương nên
dùng Âu phục thay thế cho trang phục Đông phương, bởi lẽ khác với trang phục Đông
phương, Âu phục không phân biệt sang hèn.[22] Mặt khác, trong loạt bài “Bàn về
thê thiếp”, Mori chỉ trích việc có vợ lẽ[23]
So với các thành viên
khác trong Meirokusha, Fukuzawa giữa thái độ bàng quan đối với tạp chí MRZ.
Thái độ này thể hiện qua số bài Fukuzawa viết cho tạp chí. Cụ thể, trong khi
Katô đóng góp 6 bài, Mori 11 bài, Nishi 25 bài, Tsuda 29 bài, Fukuzawa chỉ viết
3 bài. Bài đóng góp đầu tiên của Fukuzawa mang tên là “Seitai wagi no
enzetsu” (Bài diễn thuyết về đàm phán hòa bình về Đài Loan) rất đáng chú ý,
bởi lẽ đây cũng là bài “diễn thuyết” đầu tiên ở Nhật Bản. Fukuzawa đọc bài diễn
thuyết này vào ngày 16 tháng 11, 1874 trong buổi họp định kỳ của thành viên
Meirokusha tổ chức vào ngày 1 và ngày 16 mỗi tháng ở nhà ăn Seiyôken, nơi tụ
họp của tao nhân mặc khách ở khu Ueno, Tokyo. Bài diễn thuyết của Fukuzawa có
mục đích đả kích quan điểm của Mori và các hội viên khác vì họ cho rằng tiếng
Nhật bất quá chỉ là một thứ tiếng dùng hàng ngày chứ không phải là ngôn ngữ có
thể dùng nói trước đám đông. Lúc này, nhân chính phủ Minh Trị đang đàm phán hòa
bình với Trung Quốc về việc xung đột quân sự ở Đài Loan giữa hai nước, Fukuzawa
dùng đề tài này để tự mình diễn thuyết bằng tiếng Nhật trước các hội viên khác.
Cũng cần nói thêm là để dịch chữ public speech, chính Fukuzawa là
người đã sáng tạo từ “diễn thuyết” (enzetsu) mà chúng ta vẫn dùng trong
tiếng Việt ngày nay.
Thái độ bàng quan của
Fukuzawa đối với MRZ còn thể hiện qua việc Fukuzawa quyết định, ngay trước khi
số báo MRZ đầu tiên ra đời, xuất bản tờ Minkan zasshi (Dân-gian
tạp-chí; People’s Magazine) với sự cộng tác của các môn đệ ở trường Khánh Ứng
Nghĩa thục (Keiô Gijuku) do Fukuzawa sáng lập. Tôn chỉ của tạp chí này là cung
cấp cho độc giả sống ở đô thị những thông tin về đời sống của người dân ở vùng
thôn quê, tường trình những nguyện vọng của nông dân và tìm kiếm phương sách
giải quyết những nguyện vọng đó bằng cách tra cứu sách vở Tây phương. Nếu chỉ
xem tôn chỉ, ta có cảm tưởng Minkan zasshi chú trọng đến đời
sống nông dân, nhưng kỳ thực nội dung của tạp chí này so với MRZ cũng không mấy
khác nhau. Khi viết tôn chỉ đó, chắc hẳn Fukuzawa đã ý thức về sự khác biệt
giữa ông, một học giả không làm việc cho chính quyền (tiếng Nhật gọi là zaiya
gakusha, tại-dã học-giả), và những thành viên khác đều là nhân viên chính
phủ.
Trong cuốn Gakumon
no susume (Khuyến học) xuất bản vào tháng giêng năm 1874, thiên 4,
nhan đề là “Gakusha no shokubun o ronzu” (Bàn về chức phận của học giả),
Fukuzawa lần đầu tiên dùng những lời lẽ khá nặng nề để công kích các thành viên
khác trong Meirokusha. Trước hết, Fukuzawa nhận
định rằng trong một nước, “những việc có nội dung
liên quan đến chính sự nói chung thì do chính phủ đảm nhiệm”, còn
“trong những công việc của người dân có nhiều chuyện chính phủ không nên can
dự”. Fukuzawa khẳng định rằng “công việc của một nước nói chung chỉ có thể
thuận buồm xuôi gió một khi nhân dân và chính phủ độc lập với nhau (ryôritsu,
lưỡng lập)”. Theo ông, sự nghiệp duy tân ở Nhật cho đến lúc bấy giờ chưa có “hiệu
quả” bởi vì “chính phủ thì vẫn là chính phủ chuyên chế như trước mà dân thì trước sau vẫn là một đám
dân ngu (gûmin, sic) không có khí lực; thả hoặc, nếu có tiến
bộ chăng nữa, thì rất ít khi thấy có trường hợp nào có thể nói
là xứng công xứng của”.[24] Nhằm phát triển văn minh ở Nhật
Bản, Fukuzawa cho rằng “không thể chỉ trông đợi vào sức của chính phủ”. Muốn
thay đổi phong khí của nước Nhật, theo Fukuzawa, ngoài những nhà Tây học (yôgakusha)
thì chẳng còn có ai khác nữa. Có điều là “khó phó thác trách nhiệm này cho họ
được”. Lý do? Fukuzawa giải thích như sau: “Các học giả quân tử samurai này
chỉ biết cóquan chứ không biết tư (ngoài chính
phủ, private sector), chỉ biết nhìn từ chính phủ ở trên chứ không
biết nhìn những gì phía dưới chính phủ. Rốt cuộc, họ không tránh được những tệ
tục của những nhà Hán học (Kangakusha) – tựa hồ như thân thể của họ là
Tàu mà áo mão của họ là Tây”.[25] Fukuzawa kết luận: “Trước hết, tôi
sẽ là người bắt tay vào công việc ấy, không những chỉ dẫn dắt ngu dân [sic],
mà còn làm người đi tiên phong cho các nhà học giả Tây học”.[26]
Trước sự đả kích của
Fukuzawa, Katô, Mori, Tsuda và Nishi tức thì phản bác đồng loạt trong số 2 của
MRZ. Katô viết: “Lập luận của tiên sinh [Fukuzawa] là lập luận khai phóng (liberal).
Khai phóng cũng không sao cả. Các nước Âu châu gần đây sở dĩ có thể phát triển
được như thế cũng là nhờ chủ nghĩa khai phóng. Nhưng nếu chủ nghĩa khai phóng
đi quá mức thì quốc quyền (kokken) chắc chắn sẽ bị suy yếu.... Nếu nghĩ
rằng việc nước (kokumu, quốc-vụ) và việc dân (minji,
dân-sự) hai đàng thảy đều quan trọng, thì những học giả Tây học sẽ cứ tùy theo
tài năng và tùy theo ngành học, người làm cho chính phủ, người đi làm tư --
thiết nghĩ như thế mới là không có thành kiến”[27]
Nhằm biện hộ cho những
học giả làm trong chính phủ, Mori cho rằng Fukuzawa đã đi quá mức khi chủ
trương rằng “nhân dân và chính phủ” phải “độc lập với nhau mới có hiệu quả”.
Theo cách nhìn của Mori, “nhân viên chính phủ (kan’in, quan-viên) cũng
là dân, quý tộc cũng là dân, và người bình dân cũng đều là dân cả. Mỗi một
người mang quốc tịch Nhật Bản không thể không gọi là người dân nước Nhật và do
đó phải san sẻ trách nhiệm. Chính phủ là chính phủ của muôn họ, thiết lập vì
dân, và dựa vào dân.... Nếu nói như tiên sinh [Fukuzawa] là tất cả học giả phải
rời chính phủ, thì hóa ra lợi ích chung kết cục sẽ được phó thác vào tay của
toàn những người thất học trong chính phủ hay sao? Bởi vậy, thiết nghĩ cao kiến
của tiên sinh cũng chưa hẳn là đúng”.[28]
Tsuda có thái độ gần
Fukuzawa hơn, nhưng ít nhiều ông vẫn giữ lập trường của một nhà cựu học. Tsuda
so sánh quốc gia với thân thể con người: chính phủ tựa như “sinh lực” hay “tinh
thần”, nhân dân tựa như “phần ngoài” hay “thân xác”. “Tinh thần và thân xác có
hòa hợp với nhau mới gọi là thân thể con người, chính phủ và nhân dân hòa hợp
với nhau mới có quốc gia”, quốc gia sẽ không còn tồn tại nếu thiếu chính phủ
hay thiếu nhân dân. Tsuda nhận xét: “Ở Nhật Bản xưa nay ít có tinh thần tư
lập, hay nói đúng hơn là hầu như không có. Đây là điều rất đáng ưu
lự. Chế độ quân chủ với quyền lực vô hạn định là thông lệ ở nước Nhật xưa nay.
Mệnh lệnh của chính phủ cho dù vô lý đến đâu chăng nữa, người dân cũng phải
phục tùng”. Tuy nhận xét của Tsuda rất giống Fukuzawa, nhưng ông chọn giải pháp
ôn hòa hơn: “Tôi mong mỏi rằng khi ra sức chủ trương tự do dân chủ cho nhân
dân, chúng ta sẽ nuôi dưỡng phong khí tự chủ tự do trong dân chúng để người dân
biết rằng họ có thể cự tuyệt những yêu cầu, những đòi hỏi không hợp lý của
chính phủ. Cho dù học giả làm việc trong chính phủ hay ở ngoài chính phủ, mỗi
người sẽ tùy theo cương vị của mình mà tận tâm tận lực”.[29]
Nishi cho rằng “lập
luận của Fukuzawa tuy nghe sướng tai (meikai, minh-khoái) nhưng không
khỏi không có vấn đề”. Nishi xác nhận là ông hoàn toàn đồng ý với nhận xét của
Fukuzawa rằng “chính phủ thì vẫn là chính phủ chuyên chế như trước mà dân thì
trước sau vẫn là một đám dân ngu không có khí lực”. Tuy nhiên, theo Nishi, tệ
trạng đó đã không xảy ra một sớm một chiều nên cũng không dễ gì có thể cải
thiện trong chốc lát. Ông cho rằng cần có những học giả có tinh thần khai sáng
ở trong chính phủ mới có thể “kích thích sinh lực của chính phủ”. Đồng thời,
cũng phải có những học giả ở ngoài chính phủ mới có thể gây tác dụng kích thích
dân chúng, có điều là những tác dụng này phải có mức độ thích nghi”.[30]
Ngoài cuộc tranh luận
về vai trò của học giả đối với chính phủ, vấn đề điều trần nhằm kêu gọi chính
phủ thành lập “dân tuyển nghị viện” (minsen giin, tức quốc
hội ngày nay) cũng là một đề tài được bàn cãi nảy lửa trên MRZ. Bản điều trần
được Itagaki Taisuke (Bản-viên Thoái-trợ; 1837-1919), một chính trị gia có tư
tưởng dân quyền không tham gia Meirokusha, đề xuất cho chính phủ vào tháng 1
năm 1873 -- tức trước khi hội Meirokusha được thành lập. Khá nhiều thành viên
Meirokusha không đồng ý với bản điều trần với lý do là “dân trí ở Nhật chưa
được khai sáng”.
Katô nổ phát súng đầu
tiên. Ông cho rằng vì dân chúng Nhật Bản chưa được mở mang bao nhiêu, nên nếu
phó thác quốc sự cho những dân biểu chưa mở mang để rồi họ sẽ đảm nhiệm việc
soạn thảo luật lệ hay hiến pháp thì chẳng khác gì “trèo cây bắt cá”. Dựa trên
lý luận của Bluntschli,[31] Katô viết bài “Bàn về tính bất khả
thi của dân tuyển nghị viện”,[32] sau đó đăng trên MRZ số 3, nhằm
chống lại bản điều trần. Cuộc tranh luận về đề tài này kéo dài trong 25 số báo
tiếp. Giống như Katô, Nishi cho rằng một khi dân trí hãy còn chưa được mở mang
thì chưa nên nghĩ tới việc thiết lập dân tuyển nghị viện. Theo ông, mọi cơ chế
chính trị phải được áp dụng “tùy thời tùy lúc”. Mặt khác, Nishimura cho rằng
mặc dù ông tin rằng chính thể cộng hòa (republicanism) là chính thể tối
ưu, tuy nhiên, do lý do thực tế, ông thấy chính thể “quân chủ lập hiến” (constitutional
monarchy) sẽ thích hợp hơn cho nước Nhật vì theo ông, dân chúng ở Nhật chưa
được khai sáng đến mức độ có thể áp dụng chính thể cộng hòa.[33]
Thái độ của Fukuzawa
đối với bản điều trần khác với các thành viên khác và cũng khác với quan điểm
của chính ông trước đó. Fukuzawa không phát biểu trên MRZ, nhưng bày tỏ ý kiến
của mình trên tạp chí Minkan zasshi. Trước hết, về chủ trương của
Katô là dân tuyển nghị viện chỉ nên thành lập một khi dân trí đã được mở mang,
Fukuzawa cho rằng Katô đã có nhận định sai lầm, bởi lẽ ngay tại các nước tiên
tiến Tây phương, giới thức giả cũng chỉ ở trong các giai cấp thượng lưu hay
trung lưu mà thôi. Theo Fukuzawa, ở Nhật Bản thật ra cũng
có thức giả và chính do “sinh lực” của họ mà chính quyền Tokugawa đã bị
lật đổ và sinh lực này đang được thể hiện qua các nhà lãnh đạo trong chính phủ
Minh Trị. Fukuzawa cho rằng trên thực tế, chính phủ Minh Trị
không phải là một chính phủ chuyên chế như Tokugawabakufu, nhưng sở dĩ
người ta thấy chính phủ Minh Trị có vẻ chuyên chế bởi vì các chính trị gia hãy
còn bị câu thúc bởi những tệ tục và những lối suy nghĩ đã bám rễ từ lâu đời. Họ
lầm tưởng rằng ngoài những biện pháp chuyên chế thì không còn cách nào khác để
lèo lái chính quyền. Bởi thế, theo Fukuzawa, việc cần kíp nhất là phá vỡ các tệ
tục và tư duy lỗi thời bằng cách thiết định những cơ chế để chính phủ phải san
sẻ “quốc quyền” với dân chúng, cụ thể là dân tuyển nghị viện và nghị hội ở các
cấp huyện và thành phố.[34]
Bản điều trần của
Itagaki về dân tuyển nghị viện trở thành một đề tài nóng bỏng từ đầu năm 1875.
Hầu hết báo chí ở vùng Tokyo-Yokohama tập trung thảo luận về vấn đề này. Mặt
khác, nhóm chủ trương cử quân sang Hàn Quốc cũng muốn khích động báo chí nhằm
chống lại chính quyền trung ương. Trước tình thế đó, chính phủ Minh Trị ban
hành đạo luật mới về báo chí, bắt buộc tác giả phải ký tên thật khi đăng bài
hay gửi thư đăng báo, đồng thời cấm chỉ việc chỉ trích nhân viên chính phủ hay
kêu gọi lật đổ chính quyền. Sự ra đời của đạo luật mới này khiến việc phát hành
tạp chí MRZ, một tờ báo có mục tiêu khai sáng, đi vào ngõ cụt. Trong buổi họp
vào tháng 9, 1875, Mitsukuri Shûhei đề nghị đình bản MRZ. Mori thì muốn tiếp
tục xuất bản vì theo ông hội Meirokusha hãy còn nhiều công việc phải làm về văn
hóa và giáo dục. Fukuzawa cho rằng đạo luật báo chí mới đi ngược lại đường lối
khai sáng của hội Meirokusha, do đó, giải pháp thích hợp nhất là ngưng chỉ phát
hành MRZ, sau đó các hội viên khi chấp bút mỗi người sẽ chịu trách nhiệm cho
chính mình. Ý kiến của Fukuzawa được đưa ra biểu quyết và được thông qua. Tuy
nhiên, trên thực tế, phải đến tháng 11, 1875 MRZ mới đình bản thực sự.
"Độc
lập tự tôn nghênh tân thế kỷ"
(Đón
thế kỷ mới trong tinh thần độc lập tự tôn)
Thủ
bút của Fukuzawa Yukichi trước khi mất vào năm 1901
4. Thử
đánh giá vai trò khai sáng của Meirokusha
Hội trí thức
Meirokusha rốt cuộc chỉ tồn tại chừng 21 tháng. Như chúng ta đã thấy, trong
khoảng thời gian ngắn ngủi này, các thành viên có nhiều ý kiến khác nhau về các
vấn đề quan trọng như chức năng của học giả đối với chính quyền hay bản điều
trần về dân tuyển nghị viện. Trong bối cảnh của Nhật Bản cận đại, chúng ta nên
đánh giá vai trò và ý nghĩa của hội trí thức Meirokusha trong phong trào khai
sáng ở Nhật như thế nào?
Trước khi tham gia
Meirokusha, như chúng ta đã thấy, các thành viên đã nổi tiếng là những trí thức
khai sáng. Tư duy và cá tính của họ không đồng nhất. Thoạt nhìn, có người chắc
hẳn không khỏi thắc mắc về tình trạng thiếu đoàn kết giữa các hội viên. Tuy
nhiên, những tranh luận trên MRZ – tiêu biểu là những ý kiến xung đột giữa
Fukuzawa và Katô – nên xem như những cuộc cãi cọ trong nhà, bởi lẽ mỗi thành
viên đều thao thức bởi sứ mạng khai sáng quần chúng.
Thứ nữa, vì Meirokusha
là một nhóm trí thức khai sáng, lập trường và quan điểm khác nhau giữa các
thành viên cần được đánh giá tích cực vì chính sự khác biệt cùng những cuộc
thảo luận thẳng thắn trên MRZ đã đóng góp cho nguyên tắc tương đối trong việc
hình thành tính đa dạng của tư duy. Ta thử lấy ví dụ: Cuộc bàn cãi về vai trò
của người trí thức đối với chính quyền giữa Fukuzawa, một học giả ở ngoài chính
phủ, và Katô, đại diện cho những trí thức phục vụ trong chính quyền, đã đưa đến
hai trào lưu học thuật ở nước Nhật cận và hiện đại. Với tư cách là người sáng
lập trường Khánh Ứng Nghĩa thục (Keiô Gijuku), Fukuzawa được xem là người mở
đầu cho truyền thống học thuật và trường ốc độc lập với chính phủ (shigaku,
tư-học), tức private academy. Ngược lại, Katô, sau đó trở thành
hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Đông kinh (1877), là cha đẻ của truyền
thống học thuật và trường ốc do nhà nước thiết lập và nâng đỡ (kangaku,
quan-học), tức official academy. Những thành quả này có thể xem là
một đóng góp quan trọng của hội Meirokusha, bởi lẽ trước đó vì không có truyền
thống tự do thảo luận nên người ta thường chụp mũ, đơn giản dán nhãn hiệu tà
thuyết (kyotan bôsetsu, hư-đản vọng-thuyết) cho những ý kiến đối
lập.[35]
Nếu nhìn như trên thì
việc đình bản của tạp chí MRZ không có nghĩa là những hoạt động khai sáng của
các thành viên Meirokusha cũng đã cáo chung. Trên thực tế, từ tháng 11, 1875,
các thành viên hoạt động độc lập và đã đóng góp hết sức hết lòng cho sự nghiệp
canh tân đất nước Nhật Bản cho đến giờ phút cuối cùng. Cần nói thêm là khi
Tokyo Gakushi Kaiin (Đông Kinh Học-sĩ-hội Viện)[36] được thành lập vào năm 1879 dựa
theo mô hình của các hàn lâm viện Âu châu, Fukuzawa được cử làm Viện trưởng, 7
hội viên trong tất cả 11 hội viên được bầu ra là cựu thành viên của Meirokusha.
Cần lưu ý là sở dĩ hội
trí thức Meirokusha đã có những đóng góp quan trọng cho xã hội Nhật Bản vào đầu
thời Minh Trị là vì các thành viên không bao giờ xa rời thực tế của đất nước
họ. Chính vì gắn bó với thực tế nên mỗi thành viên đã trang bị với những kiến thức
“bách khoa toàn thư” nhằm đáp ứng nhu cầu của nước Nhật lúc bấy giờ. Ngoại trừ
Kanda Kôhei và Tsuda Sen không bao giờ ra khỏi lãnh vực chuyên môn của họ là
Nông học và Kinh tế tài chánh, những thành viên khác đều có kiến thức uyên bác
và hoạt động trên nhiều lãnh vực. Họ là cha đẻ của nhiều ngành nghiên cứu ở
Nhật. Fukuzawa được xem là người đóng vai trò cốt cán, người Nhật gọi ông
là “người cha của nước Nhật cận đại” hoặc “Voltaire của Nhật Bản”. Nishi là
người đi tiên phong về ngành triết học. Katô là người đi mở đường của ngành
chính trị học mà lúc bấy giờ hãy còn gọi là “quốc gia học” (kokkagaku; statism).
Mitsukuri Rinshô là người sáng lập ngành nghiên cứu luật học dựa theo truyền
thống Pháp. Sugi là cha đẻ của ngành thống kê học (statistics) và cũng
là học giả người Nhật đầu tiên chú tâm tới phương pháp phân tích các hiện tượng
xã hội bằng số lượng. Tinh thông cả Hán học lẫn Tây học, Nakamura Masanao để
lại nhiều tác phẩm dịch thuật có giá trị, tiêu biểu là hai cuốn Self-help (Tự
trợ luận; 1859) của Samuel Smiles và On Liberty (Tự do luận;
1859) của J. S. Mill,[37] v.v. Tên tuổi của mỗi thành viên
đều dính liền với lịch sử giáo dục ở Nhật Bản trong thời cận đại. Tinh
thần samurai của bushidô (vũ-sĩ-đạo) và ý
thức dấn thân của kẻ sĩ trong Nho giáo chắc hẳn là động cơ thúc đẩy sứ mạng
khai sáng của mỗi thành viên.
Cuối cùng, như đã nói
ở trên, động cơ chính yếu trong việc tiếp thu văn hóa tiên tiến của Tây phương
vào đầu thời Minh Trị là nhu cầu canh tân đất nước nhằm bảo vệ độc lập quốc
gia. Bởi vậy, trong tư duy của các nhà tư tưởng vào thời Minh Trị nói
chung, minken (dân-quyền) luôn luôn đóng vai trò thứ yếu so
với kokken (quốc-quyền), tức quyền lợi quốc gia của nước Nhật.
Ngay chính khi các nhà tư tưởng khai sáng kêu gọi mở rộng dân quyền, mục tiêu
tối hậu của họ cũng là nhằm củng cố kokken của nước Nhật. Bởi
vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nishi đã viết về nhiệm vụ của người trí thức khai sáng trong
Meirokusha như sau: “Các bậc hiền trí hiếm hoi trong nước
phải dần dần dẫn dắt mở mang những kẻ ngu muội, tựa như khi nhổ sạch cỏ dại mà
tránh không động đến những hạt mầm đã gieo”.[38] Nói cách khác, mục tiêu khai sáng
theo cách nhìn của Nishi và các thành viên khác trong Meirokusha là nâng cao
kiến thức của quần chúng nói chung chứ không hẳn là làm thức tỉnh lý tính của mỗi
cá nhân để họ có thể tự mình suy nghĩ và hành động. Phải chăng vì thế nên người
Nhật, ý thức hay vô ý thức, chuộng dùng chữ keimô (khải mông)
thay vì kaimei (khai sáng)? Đàng nào đi nữa, đây có lẽ là điểm
khác biệt quan trọng giữa phong trào khai sáng ở nước Nhật đầu thời Minh Trị và
phong trào khai sáng ở Âu châu vào thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Cho dầu đó là
hạn chế nhất định của phong trào khai sáng ở Nhật Bản, chắn hẳn cũng không ai
có thể phủ nhận vai trò trọng yếu cùng những thành quả lớn lao mà các trí thức
Meirokusha đã đóng góp nhằm đưa đất nước họ lên địa vị phú cường. Ngoài ra, sau
tạp chí MRZ đã đình bản, luồng tư tưởng khải mông của các thành viên Meirokusha
vẫn tiếp tục lan rộng trong quần chúng như nước vỡ bờ. Trong ý nghĩa đó, có thể
nói những nhà lãnh đạo của phong trào đòi tự do dân quyền (Jiyû minken undô)
vào thập niên 1880 như Ueki Emori (Thực-mộc Chi-thạnh; 1857-1892) hay Nakae
Chômin (Trung-giang Triệu-dân; 1847-1901) cũng chính là con đẻ của phong trào
khải mông đầu thời Minh
Trị.
Tháng giêng, 2005
[1] Một phiên bản
ngắn hơn của bài này đã được đăng trên Diễn Đàn số 148,
tháng 2, 2005.
[2] Beantwortung
der Frage: Was ist “Aufklärung”, 1784. Người viết bài này thành thật
cảm ơn úy hữu Trần Văn Cung đã sốt sắng giải thích những ý tưởng của Kant trong
nguyên văn tiếng Đức của đoạn văn này. Trước đó, chúng tôi đã tham khảo bản
dịch tiếng Anh trong cuốn The Enlightenment: A Comprehensive Anthology ([Tư
tưởng] Khai sáng – Tổng tập) do Peter Gay biên tập và dịch thuật (New York:
Simon and Schuster, 1973), trang 384, và bản dịch tiếng Nhật của Shinoda
Hideo, Keimô to wa nani ka? (Khải mông là gì?) (Tokyo: Iwanami
Bunko, 1950), trang 7, nhưng vẫn không
nắm hết ý của
Kant.
[3] Matsumoto
Sannosuke, “Keimô shisô no tenkai” (Quá trình triển khai tư tưởng khải mông)
trong Hashikawa Bunzô và Matsumoto Sannosuke chủ biên, Kindai Nihon
seiji shisôshi (Lịch sử tưởng cân đại Nhật Bản) (Tokyo: Yûhikaku,
1968), trang 152.
[4] Về quan niệm độc
lập quốc gia của Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng khải mông quan trọng vào thời
Minh Trị (so sánh với Phan Bội Châu), xin xem thêm Việt Nam và Nhật
Bản: Giao lưu văn hóa (Tp Hồ Chí Minh: Nxb Văn Nghệ Tp HCM và Trung
tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000) của cùng tác giả bài viết này, trang 112-152.
[5] Xem Nakazawa
Morito và Mori Kazuo, Nihon no kaimei shisô (Tư tưởng khai
minh ở Nhật Bản) (Tokyo: Kinokuniya Shoten, 1970), trang 134.
[6] Trung tâm Khai
sáng sau đó được sáp nhập vào trường Đại học Đông Kinh.
[7] Daijigen (Đại-từ-nguyên)
(Tokyo: Kadokawa Shoten, 1992), trang 325.
[8] Ôkubo Toshikane
biên tập, Meiji keimô shisô shû (Tư tưởng khải mông thời Minh
Trị: Tuyển tập) (Tokyo: Chikuma Shobô, 1967), trang 412.
[9] Như trên, trang
403.
[10] Fukuzawa
Yukichi, Fukuô jiden (Phúc-Ông Tự-truyện, tức Tự truyện của
Fukuzawa) (Tokyo: Iwanami Bunko, 1985), trang 10-13. Toàn văn tác phẩm này hiện
đang được người viết dịch thuật và chú giải; hy vọng sẽ có dịp ra mắt độc giả
trong một tương lai không xa.
[11] Như trên, trang
15-16.
[12] Về trục giao lưu
văn hóa giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, xin xem thêm
Vĩnh Sính, sách đã dẫn, trang 153-186.
[13] Trích lại từ
Roger, F. Hackett, “Nishi Amane: A Tokugawa-Meiji Bureaucrat” (Nishi Amane: Một
quan viên của hai chính quyền Tokugawa và Meiji), trong Journal of
Asian Studies, XVII, 2 (Tháng 2, 1959), trang 214.
[14] Ernst
Cassirer, The Philosophy of the Enlightenment (Triết học khai
sáng) (Boston: Beacon Press, 1955), trang 14.
[15] Ogyû Sorai
(Đích-sinh Tô-lai; 1666-1728). Học giả Nho học thời Tokugawa. Lúc đầu học Tống
Nho, sau đó Sorai sáng lập học phái Kobunjigaku (Cổ-văn-tự-học). Sorai cho rằng
muốn tìm hiểu tư tưởng Khổng Mạnh chưa bị khúc xạ bởi Tống Nho, cần phải biết thơ
văn chữ Hán và lịch sử thời cổ đại.
[16] Nichiren
(Nhật-Liên; 1222-1282). Tăng sư thời Kamukura, sáng lập Nichirenshû
(Nhật-Liên-Tông). Nichiren tin rằng tinh túy của Phật pháp có thể tìm thấy ở
bộ Pháp hoa kinh.
[17] Xem Watanabe
Kazuyasu, Meiji shisô shi: Jukyô-teki dentô to kindai ninshikiron (Lịch
sử tư tưởng thời Minh Trị: Truyền thống Nho giáo và nhận thức luận cận đại)
(Tokyo: Perikansha, 1970), trang 70-74.
[18] “Yôji o motte
kokugo o sho suru ron” (Bàn về việc dùng mẫu tự Tây phương để viết tiếng Nhật”,
MRZ, số 1. Tất cả 43 số báo MRZ được in lại trong Meiji bunka zenshû (Văn
hóa thời Minh Trị: Toàn tập) (Tokyo: Nihon Hyôron Shinsha, 1955), tập 5, trang
43-268.
[19] “Shuppan jiyû
naran koto o nozomu ron” (Tại sao tôi mong mỏi sẽ có tự do xuất bản?), MRZ, số
6.
[20] “Gômon-ron” (Bàn
về tra tấn), MRZ, số 7 và 8.
[21] “Shikei-ron”
(Bàn về án tử hình), MRZ, số 41.
[22] “Fukushô-ron”
(Bàn về trang phục), MRZ, số 8.
[23] “Saishô-ron”
(Bàn về thê thiếp), số 8, 11, 15, 20, 27.
[24] Fukuzawa
Yukichi, Gakumon no susume, in lại trong Fukuzawa Yukichi do
Nagai Michio chủ biên (Tokyo: Chûô Kôronsha, 1984), trang 66-67.
[25] Như trên, trang
69.
[26] Như trên, trang
70.
[27] MRZ, số 2.
[28] Như trên.
[29] Như trên.
[30] Như trên.
[31] Johann Kaspar Bluntschli, 1808–81, học
giả Thụy Sĩ về các ngành luật pháp, quốc tế công pháp, tư pháp và chính trị
học. Giảng dạy ở các đại học Zürich, Munich, and Heidelberg. Tác phẩm Allgemeines
Staatsrecht của Bluntschli được Katô dịch sang tiếng Nhật và xuất bản năm 1874 với
nhan đề là Quốc pháp phàm luận.
[32] “Minsen giin
fukaritsu no ron”, MRZ, số 3.
[33] “Seitai sanshu
setsu” (Bàn về ba loại chính thể), MRZ, số 28.
[34] Trích dẫn lại từ
Itô Masao, Fukuzawa Yukichi ronkô (Luận khảo về Fukuzawa
Yukichi) (Tokyo: Yoshikawa Kôbunkan, 1969), trang 274.
[35] Xem Tôyama
Shigeki, “Meiroku zasshi” (Minh-lục tạp-chí) trong Shisô (Tư
tưởng), số 447 (Tháng 9, 1961), trang 124.
[36] Năm 1947 đổi tên
thành Nihon Gakushiin (Nhật-Bản Học-sĩ Viện).
[37] Nhan đề bản dịch
tiếng Nhật của cuốn Self-help là Saikoku risshi-hen (Tây-quốc
lập-chí-biên) xuất bản năm 1871 và bản dịch tiếng Nhật của cuốn On
Liberty mang tên là Jiyû no ri (Tự-do-chi-lý), xuất
bản năm 1872. Người ta ước lượng trong khoảng 40 năm sau khi phát hành, bản
dịch tiếng Nhật của Self-help được tiêu thụ hơn một triệu
cuốn. Bản dịch của On Liberty cũng được lưu hành rất rộng rãi.
Vì cả hai bản dịch được Nakamura chuyển ngữ rất cẩn thận và điêu luyện, hai bản
dịch này trở thành khuôn mẫu cho các sách dịch thuật suốt thời Minh Trị.
[38] Nishi Amane,
“Yôji o motte kokugo o sho suru ron” (Bàn về việc dùng mẫu tự Tây phương để
viết tiếng Nhật”, MRZ, số 1.