Cơ chế dường như chưa đủ
để cho người trí thức phát huy hết năng lực của họ. Tôi tin chúng ta đủ khả
năng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay nếu biết tổ chức, quản lý và
quan trọng hơn là cần tạo điều kiện bình đẳng cho mọi tiềm năng được giải phóng.
LTS: Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức Chu Hảo học phổ thông ở Trung Quốc, học đại học và làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở Pháp. Con đường quan chức của ông cũng dài không kém con đường học tập nghiên cứu: từng đảm nhiệm các vị trí Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử (Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia), Chánh văn phòng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ thông tin, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến lúc đã có thể nghỉ ngơi, ông lại tiếp tục chọn cho mình con đường mới nhiều thử thách: thành lập NXB Tri Thức với tôn chỉ là góp phần phổ biến những kiến thức tinh hoa của thế giới tại nước nhà. Người từng dành nhiều công sức để đưa Internet vào Việt Nam này lại một lần nữa mong mỏi nguồn tri thức mới mà mình góp phần mang về sẽ đúc nên những viên gạch đầu tiên cho nền kinh tế tri thức của đất nước. Tháng 9/2009 cũng là kỷ niệm bốn năm ngày thành lập NXB và nhân dịp họp mặt cộng tác viên tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở.
LTS: Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức Chu Hảo học phổ thông ở Trung Quốc, học đại học và làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở Pháp. Con đường quan chức của ông cũng dài không kém con đường học tập nghiên cứu: từng đảm nhiệm các vị trí Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử (Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia), Chánh văn phòng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ thông tin, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến lúc đã có thể nghỉ ngơi, ông lại tiếp tục chọn cho mình con đường mới nhiều thử thách: thành lập NXB Tri Thức với tôn chỉ là góp phần phổ biến những kiến thức tinh hoa của thế giới tại nước nhà. Người từng dành nhiều công sức để đưa Internet vào Việt Nam này lại một lần nữa mong mỏi nguồn tri thức mới mà mình góp phần mang về sẽ đúc nên những viên gạch đầu tiên cho nền kinh tế tri thức của đất nước. Tháng 9/2009 cũng là kỷ niệm bốn năm ngày thành lập NXB và nhân dịp họp mặt cộng tác viên tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở.
- Được biết thời gian gần đây
và sắp tới, NXB Tri Thức có nhiều hoạt động văn hóa như tổ chức kỷ niệm và in
kỷ yếu về các danh nhân thế giới; phối hợp tổ chức những hoạt động tọa đàm;
thảo luận các chủ đề về thói quen đọc sách, giáo dục, kinh tế; nói chuyện với
sinh viên các trường đại học... Xem ra hoạt động của NXB Tri Thức không chỉ là
tổ chức dịch và xuất bản sách?
Trong số những việc bạn vừa kể,
có nhiều việc lẽ ra thuộc trách nhiệm tổ chức của Nhà nước, nhưng do không thấy
ai làm nên chúng tôi xin tự nguyện làm thôi. Năm 2009 đã được Liên Hiệp Quốc
tuyên bố là "Năm Vũ trụ học", kỷ niệm 400 năm nhà bác học Galileo
Galilei người Ý phát minh ra kính viễn vọng, cũng là kỷ niệm 200 năm sinh nhà
khoa học Charles Darwin người Anh. Các nước trên thế giới có nhiều hoạt động để
tưởng nhớ hai danh nhân đã có đóng góp rất lớn cho loài người này, còn tại Việt
Nam cho đến nay các cơ quan hữu quan hầu như chưa hề nhắc tới.
Chúng tôi cũng đã từng làm như
vậy đối với 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (2007), 100 năm Khai sáng Thuyết Lượng
tử (2008); và đang chuẩn bị làm cuốn Lev Tolstoi nhà Văn hóa và Tư tưởng để
cùng thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông (2010). Cho đến nay, các cơ quan
chức năng của Nhà nước vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của những hoạt
động văn hóa như thế. Tổ chức kỷ niệm, in kỷ yếu về các danh nhân là việc làm
thiết thực để truyền bá tri thức và nuôi dưỡng tình yêu đối với nghiên cứu khoa
học và tôn vinh các giá trị văn hóa.
Đối với chúng tôi, ngay cả dịch
sách cũng không đơn thuần là công việc kỹ thuật mà đó là hoạt động văn hóa.
Dịch thuật góp phần rất lớn trong việc làm nên tính đa dạng văn hóa của xã hội
tri thức. Đặc biệt, việc dịch những sách có hàm lượng tri thức cao sẽ tạo ra
những thuật ngữ mới, mang về nhiều khái niệm mới. Nhờ đó, ngôn ngữ và vốn văn
hóa nước nhà được làm giàu thêm đáng kể. Dịch giả ngoài việc nắm vững ngoại ngữ
phải tinh thông ngôn ngữ Việt, phải có kiến thức văn hóa sâu rộng.
- Nhưng cũng vì mang về những
khái niệm quá mới đó mà thời gian gần đây, một số sách của NXB Tri Thức bị xem
là "có vấn đề"?
Bất cứ nhà xuất bản nào xuất
bản những sách giới thiệu tri thức cổ kim nước ngoài đều dễ bị xem là "có
vấn đề" chứ không riêng NXB Tri Thức. Sách của NXB Tri Thức (kể cả sách
liên kết) phần lớn là dịch từ tác phẩm nước ngoài nên có những chỗ quan điểm
của các tác giả không phù hợp với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta
hiện nay. Tuy nhiên, tôi tin là trong quá trình phát huy dân chủ theo đường lối
của Đảng, cùng với quá trình đổi mới thì phạm vi của "vùng nhạy cảm"
đã và sẽ ngày càng được thu hẹp.
Trước đây, cũng nhờ những nguồn
tham khảo kiến thức và lắng nghe, mà Đảng đã đi đầu trong việc thay đổi tư duy,
quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
hay cho đảng viên làm kinh tế tư nhân... Ngoài ra, muốn hội nhập quốc tế thì
phải biết thế giới quanh ta nghĩ gì và phải chấp nhận sự đa dạng văn hóa. Hơn
nữa, những sách chúng tôi chọn đều là những kiến thức tinh hoa nhân loại, không
chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn cần thiết cho sự phát triển toàn diện và
bền vững của đất nước trong tương lai. Chừng nào xã hội còn tồn tại, những sách
này sẽ vẫn còn hữu ích.
- Ông thường dẫn lời của Karl
Marx rằng trí thức là người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến về
những vấn đề trong xã hội. Vậy theo ông, thế nào gọi là đủ tri thức và làm thế
nào có đủ tri thức để có chính kiến về những vấn đề trong xã hội?
Tùy từng giai đoạn lịch sử, xã
hội càng phát triển, càng phức tạp thì đòi hỏi trình độ của trí thức càng phải
cao hơn. Trước 1945, một thầy giáo tiểu học trường làng đã có thể được coi là
trí thức vì đã đủ trình độ để hiểu biết và có thể thảo luận về những vấn đề xã
hội thời đó. Bây giờ một người tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ cũng
chỉ là người lao động trí óc nếu không có nhận thức đúng đắn về thời cuộc. Bằng
cấp không phải là thước đo người trí thức.
Trong một nền giáo dục tốt, một
người học hết chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến (chứ không phải như của
ta hiện nay!) cũng có thể trở thành trí thức nếu có sự quan tâm và luôn tự đặt
ra những câu hỏi về các vấn đề xã hội. Rồi đi tìm câu trả lời qua sách vở kết
hợp với chiêm nghiệm thực tế để có thể phản biện và phân tích một cách khoa học
và trung thực những bất cập trên tinh thần xây dựng và thiện chí, có sức thuyết
phục.
Cao hơn nữa là đề xuất được
phương án khắc phục vấn đề. Chẳng hạn, đến năm 1945 một số trí thức nước ta như
GS Nguyễn Văn Chiển (mới từ trần tháng trước) vừa học xong bậc đại học, GS
Hoàng Tụy mới hết tú tài, còn nhà văn Nguyên Ngọc thì chưa hết tú tài... Sau
đấy, họ hoàn toàn tự học, tự trau dồi tri thức và nhân cách của mình, với cái
nền vững chắc có được từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, họ trở thành những
trí thức có rất nhiều đóng góp giá trị cho đất nước.
- Vậy theo ông, đâu là tiêu
chuẩn đánh giá trí thức?
Tiêu chuẩn đánh giá người trí
thức không phải là trình độ chuyên môn mà là tầm nhìn của người đó có vượt lên
hẳn tầm nhìn chung của quần chúng hay không. Dựa trên tiêu chí đó, theo tôi
nước ta chỉ có một số cá nhân trí thức chứ chưa có tầng lớp trí thức với lý
tưởng, quan niệm riêng và có sự tranh luận, thảo luận một cách công khai, thẳng
thắn và dân chủ.
Những năm gần đây, một nhóm trí
thức Nga đã có những nghiên cứu, thảo luận rộng rãi và nghiêm túc về thực trạng
giới trí thức nước này trong gần một thế kỷ qua (xin xem quyển Về trí thức Nga
NXB Tri Thức 2009). Họ đã đi đến kết luận rằng tầng lớp trí thức Xô viết thực
chất chỉ là những người lao động trí óc chứ chưa phải là tầng lớp trí thức theo
đúng nghĩa là có tầm nhìn và hiểu biết xã hội vượt trội. Chúng ta học hỏi Liên
Xô cũ rất nhiều về các mô hình giáo dục - đào tạo và tôi cảm thấy tầng lớp
"có học" của nước ta có nhiều điểm, nhiều vấn đề rất giống họ.
Tuy nhiên, để biết tầng lớp có
học của Việt Nam có trình độ nhận thức, có tầm nhìn và hiểu biết xã hội ở mức
nào thì phải cần những nghiên cứu cụ thể. Liên Xô đã làm việc này, Trung Quốc
cũng bắt đầu làm còn ở Việt Nam thì vẫn chưa.
- Làm thế nào để hình thành
tầng lớp trí thức theo tiêu chí vừa nói, thưa ông?
Trong một xã hội bình thường,
tầng lớp trí thức được hình thành theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Trong xã
hội, ngoài số đông học để làm giàu, học để làm quan, vẫn thường có một tỷ lệ
người nhất định có sự ham học hỏi và coi việc học để nâng cao nhận thức là niềm
vui tự thân. Ngoài cơ chế và tính dân chủ để trí thức có môi trường thảo luận
như đã nói ở trên, điều quan trọng là cần có nền giáo dục lành mạnh để một
người học hết phổ thông là đã có thể tự đọc sách, tự nghiên cứu để trau dồi
kiến thức.
Nền giáo dục ở các nước tiên
tiến dạy cho học sinh thói quen đọc sách và thảo luận về sách. Ở cấp phổ thông,
học sinh đã biết phần nào những kiến thức nhập môn để lên đại học sẽ nghiên cứu
sâu. Còn ở nước ta, nhiều học sinh giỏi khi thi đậu đại học rồi mà vẫn chưa hề
nghe đến các sách nhập môn của chính ngành mình sẽ học ở đại học.
- Theo ông thì phẩm chất và
trình độ của tầng lớp trí thức có vai trò thế nào trong việc tạo nên số phận
của một đất nước?
Chắc chắn là có vai trò rất
lớn. Có thể làm một ví dụ so sánh: cách đây hơn một trăm năm, trước sự phát
triển mạnh mẽ của phương Tây, nước Nhật thời Minh Trị đã thực hiện canh tân, nỗ
lực tiếp nhận những kiến thức tinh hoa của thế giới tạo nên một tầng lớp trí thức
có tiếng nói và có tầm nhìn bao quát được thời cuộc, đưa nước Nhật trở thành
quốc gia hùng mạnh ở châu Á.
Sau năm 1945, Nhật Bản có thể
vươn lên một cách thần kỳ từ đống tro tàn là nhờ xã hội vẫn giữ được tầng lớp
trí thức có tầm nhìn xa và tâm huyết, đưa ra những chiến lược phục hồi để hơn
30 năm sau đất nước họ trở thành cường quốc. Tại Trung Quốc thế kỷ XIX, vì đóng
cửa với thế giới nên việc truyền bá tri thức diễn ra sau Nhật 50 năm và không
tạo được tầng lớp trí thức đủ mạnh để tồn tại qua những biến động thời cuộc.
Đó cũng là lý do xã hội Trung
Quốc giai đoạn tiếp theo xảy ra nhiều bi kịch như cách mạng văn hóa và kinh tế
kém phát triển hơn Nhật Bản nhiều. Tầng lớp trí thức là bộ phận nhận thức, là
bộ não của cơ thể xã hội. Não trạng ù lỳ thì mắc sai lầm dẫn đến bi kịch là
chuyện dễ xảy ra.
Đã có nhiều bài học cho thấy để
đưa đất nước ra khỏi khó khăn, tầng lớp trí thức phải có tầm nhìn xa và tính
quyết đoán cao. Ông Asher, Chủ tịch Degem - Tập đoàn điện tử hàng đầu của
Israel đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện thực tế: Gần 60 năm trước, khi
Nhà nước Israel mới được thành lập, những người Do Thái lưu lạc khắp nơi trên
thế giới trở về xây dựng đất nước riêng của mình.
Một hôm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục
của Israel, sau khi tham khảo ý kiến của những người bạn trí thức đã xin được
gặp ngay Thủ tướng để trình bày đề án xây dựng 10 trường đại học kỹ thuật đầu
tiên của Israel, với lý do: Nhà nước Do Thái lúc bấy giờ (năm l950) chỉ có
người đi buôn chứ không có người làm kỹ thuật và nhà nước ấy sẽ lại tiêu vong
nếu không có khoa học - kỹ thuật.
Thủ tướng Israel lúc đó là một
người có tầm nhìn xa và dám quyết. Ngay trên bàn ăn sáng hôm ấy với Bộ trưởng
Bộ Giáo dục, ông đã quyết định xây dựng năm trường đại học kỹ thuật đầu tiên
của Israel (vì chỉ đủ kinh phí xây dựng năm trường). Ngày nay, Israel đã có nền
khoa học kỹ thuật rất phát triển, thu nhập bình quân hơn 33 ngàn USD/đầu người.
- Từng đảm trách cương vị Thứ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông băn khoăn điều gì nhất trong nền khoa học
nước nhà?
Đó là nghiên cứu khoa học tại
nước ta hiện nay chưa được chú ý đúng mức. Hẳn chúng ta còn nhớ việc ra quyết
định sai lầm trong cơn bão Chanchu năm 2008, và cũng có thể là như vậy đối với
cơn bão mới vừa đây đã dẫn đến tác hại nghiêm trọng như thế nào. Đây chắc chắn
là hậu quả của sự thiếu được đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản về
khoa học khí quyển.
Chẳng những khoa học khí quyển,
mà còn nhiều bộ môn khoa học cơ bản khác của nước ta cũng không được chú trọng
đúng mức. Về việc này, các nhà khoa học, có uy tín ở trong và ngoài nước đã
nhiều lần cảnh báo, nhưng cũng ít được lắng nghe... Tôi e rằng đất nước sẽ còn
phải trả giá đắt trong nhiều năm nữa!
Trên thực tế, chỉ những nghiên
cứu ứng dụng vụn vặt, nhưng có hiệu quả tính được ra bằng tiền là đang được
khuyến khích, còn những nghiên cứu cơ bản thì từ lâu đã dần dần bị bỏ rơi.
Thái độ nhấn mạnh kỹ thuật
(công nghệ), coi nhẹ khoa học (đặc biệt là các nghiên cứu cơ bản) là tình trạng
phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển. Tâm lý sốt ruột muốn nhanh chóng
thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, cùng với nguồn lực eo hẹp và sự
thúc bách của cơ chế thị trường đã làm cho các nhà hoạch định chính sách phát
triển ở những nước này dễ có khuynh hướng ưu tiên cho những đầu tư sớm có hiệu
quả theo kiểu "mì ăn liền".
Đầu tư cho công nghệ dễ thấy
hiệu quả hơn là đầu tư cho khoa học nhưng nếu không có một trình độ khoa học
vững vàng thì không thể phát triển công nghệ một cách có hiệu quả bền vững.
Nước ta còn nghèo thì phải cân nhắc thật kỹ tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa
học và cho phát triển công nghệ để vừa dần dần xây dựng tiềm lực khoa học mạnh
mẽ, vừa tiến hành đổi mới công nghệ một cách có hiệu quả. Gần đây tôi vui mừng
nhận thấy Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm hơn nhiều đến khu vực nghiên cứu
khoa học cơ bản.
Một điều đáng buồn khác là Việt
Nam với gần 90 triệu dân mà chưa có một tạp chí phổ biến khoa học nào kiểu như La
recherche (Pháp), New scientist (Mỹ) v.v... Các cơ
quan nghiên cứu và các đại học của Nhà nước không quan tâm và không cấp kinh
phí đã đành, khi chúng tôi đề nghị được liên doanh với Tập đoàn IDG của Mỹ để
xuất bản một tạp chí như vậy thì lại không được vì luật không cho phép liên
doanh với nước ngoài để xuất bản báo chí. Trong khi tại Trung Quốc, có đến 30
đầu báo khoa học liên doanh với IDG đã ra đời.
- Vậy muốn thay đổi thực trạng
này chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Từ giáo dục và đào tạo! Ngày
nay, không nền kinh tế nào có thể phát triển bền vững nếu không dựa vào khoa
học và công nghệ của chính mình. Khi khoa học và công nghệ đã trở thành lực
lượng sản xuất trực tiếp đúng như lời tiên đoán của Karl Marx từ giữa thế kỷ
XIX thì bản thân các nhà khoa học - công nghệ, trong một số lĩnh vực, cũng đồng
thời là nhà sản xuất.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn
là tiềm năng khoa học và công nghệ bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc của sự
phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại lịch sử nhân loại, chúng ta có thể thấy sự
xuất hiện và suy vong của các nền văn minh thường gắn liền với khả năng nắm bắt
hoặc bỏ lỡ cơ hội đối với các kỹ thuật mới. Ở thời đại ngày nay, điều ấy càng
đúng. Khi thông tin và tri thức là tài nguyên quan trọng nhất thì tài nguyên
con người với tiềm năng trí tuệ cao là quý giá nhất. Đó là ai?
Trước hết, đó là các nhà khoa
học - công nghệ giỏi. Muốn có các nhà khoa học - công nghệ giỏi thì ưu tiên
hàng đầu là phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền giáo dục quốc dân
lành mạnh và hiệu quả. Không có một nền khoa học và công nghệ nào có thể phát
triển được trên cơ sở một nền giáo dục như của nước ta hiện nay.
- Là người chủ trì tổ chức Hội
thảo hè 2008, một hội thảo để giới trí thức trong và ngoài nước có cơ hội gặp
gỡ, thảo luận về những vấn đề của đất nước, theo ông, trí thức Việt Nam trong
và ngoài nước có tầm nhìn và trình độ như thế nào? Có đủ sức giúp đất nước giải
quyết nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay?
Số lượng trí thức trong và
ngoài nước trên tổng số dân nước ta còn ít so với các nước khác, nhưng tầm nhìn
và trình độ của nhiều người trong số ít ỏi đó có lẽ cũng không thua kém. Vấn đề
là cơ chế dường như chưa đủ để cho người trí thức phát huy hết năng lực của họ.
Tôi tin chúng ta đủ khả năng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay nếu biết
tổ chức, quản lý và quan trọng hơn là cần tạo điều kiện bình đẳng cho mọi tiềm
năng được giải phóng.
- Một câu hỏi cuối, ông nghĩ gì
về doanh nhân Việt Nam?
Tôi ngưỡng mộ sự năng động và ý
chí làm giàu một cách chân chính của đại đa số trong số họ.
Trong ba loại người tài giỏi mà
xã hội ta cần hiện nay là: 1) Những người lãnh đạo ở các cấp Đảng và chính
quyền. Thiếu những nhà lãnh đạo tài ba thì mọi hoạt động khác của xã hội sẽ kém
hiệu quả. Ước mong sao ở tất cả các cấp này phải là những người có tầm, có tâm
và hết sức chuyên nghiệp. 2) Các nhà doanh nghiệp tầm cỡ. 3) Các nhà khoa học
giỏi.
Tôi đã cố tình xếp các nhà
doanh nghiệp lên trước các bạn đồng nghiệp khoa học và công nghệ của mình mà
không lo không được sự đồng tình của họ. Đơn giản là bởi vì ngày nay "sức
kéo" của thị trường vẫn mạnh hơn "sức đẩy" của khoa học - công
nghệ. Ước mong sao cho đất nước ta sớm có một tầng lớp doanh nhân tài ba và
giàu lòng yêu nước như các nhà tư sản dân tộc trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò
chuyện thú vị này.
Nguồn:http://tuanvietnam.net/2009-10-18-bang-cap-khong-phai-la-thuoc-do-nguoi-tri-thuc