- Với quan điểm Quốc hội phải
mạnh, tập hợp những cá nhân có tư duy và năng lực, Giám đốc Công ty cổ phần
sách Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình quyết định nộp đơn ứng cử.
'Tôi thấy đã đến lúc'
Lý do nào thôi thúc anh đi đến
quyết định tự ứng cử vào thời điểm này mà không phải sớm hơn hay muộn hơn?
- Trở thành đại biểu Quốc
hội(ĐBQH) là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm về lập
pháp, tổ chức, năng lực lãnh đạo, tầm nhìn và bản lĩnh. Chứ không phải chỉ cần
nhận dễ dàng, rồi tìm hiểu vài tháng, xem xét qua loa, đi đây đó, gặp gỡ cử tri
là làm được.
4 năm trước, tôi thấy mình chưa
đủ năng lực, cũng chưa sẵn sàng. Nhưng lúc này, nhiều thách thức đang đặt ra cho
đất nước. Tôi cảm thấy những người trẻ cần tham gia nhiều hơn vào công việc
chung, thể hiện trách nhiệm với đất nước.
Với kiến thức và kinh nghiệm
thu nhận được cả về lĩnh vực lập pháp, tổ chức, kinh doanh, điều hành doanh
nghiệp, tôi cảm thấy đã đến lúc mình đủ năng lực tự ứng cử vào QH.
Tôi cũng muốn cổ vũ cho những
trí thức - doanh nhân trẻ tự tin vào bản thân hơn và nếu ai đó muốn ứng cử
nhiệm kỳ tới thì sẽ chuẩn bị tốt hơn, ngay từ bây giờ.
Tới đây, QH cần thu hút được
nhiều cá nhân xuất chúng, tiêu biểu cho các thế hệ để gánh vác trách nhiệm
chung của đất nước. Tôi muốn họ tự tin, bản lĩnh hơn, ý thức được trách nhiệm
với cộng đồng
Anh đã tích lũy được gì để trở
thành một nghị sĩ?
- Tôi tốt nghiệp ĐH Bách khoa
Hà Nội, làm việc tại Petrolimex 8 năm, hiện là chủ doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh của tôi
gắn với việc viết, dịch và biên soạn sách. Một số cuốn điển hình tôi trực tiếp
làm hoặc tham gia như: Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? Sách về Alexander
Hamilton, về vị Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ, người kiến trúc sư
của nền kinh tế và chính trị Mỹ...
Tôi còn giảng dạy, nói chuyện
với doanh nghiệp, sinh viên.
Tôi có điều kiện nghiên cứu về
lập pháp, hiến pháp và tổ chức nhà nước khi xuất bản một số cuốn sách, viết báo
về hoạt động QH.
Tôi có thể đóng góp cho QH các
kiến thức về luật, nhất là luật hiến pháp và tổ chức nhà nước, về tổ chức hoạt
động QH.
Bên cạnh đó, tôi muốn áp dụng
các lý thuyết về quản trị, tổ chức doanh nghiệp vào hoạt động QH để hướng tới
việc xây dựng một QH chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn…
Từ góc nhìn của người điều hành
doanh nghiệp, tôi hiểu thách thức và khó khăn của các cơ quan nhà nước khi thực
thi những quy định luật pháp và chính sách. Với tư cách ĐBQH, tôi hy vọng chia
sẻ kinh nghiệm điều hành và quản lý, phối với chặt chẽ giữa QH với Chính phủ
trong việc đề xuất và thực thi các giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Là chủ một doanh nghiệp tư
nhân, tôi tin mình sẽ trở thành đại diện tốt cho giới doanh nhân ngoài quốc
doanh để nói lên nhu cầu, nguyện vọng và vướng mắc của họ.
Sẽ hoạt động hiệu quả
Nếu trúng cử, anh sẽ làm gì cho
cử tri bầu mình?
- Tôi muốn tập trung ba lĩnh vực.
Thứ nhất là cải cách thủ tục bầu cử và thủ tục hoạt động tại nghị trường. Hai
là các chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là về doanh
nghiệp tư nhân, về nguồn vốn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và việc làm.
Thứ ba, tìm giải pháp cho các vấn đề cấp bách của đất nước, như nhà ở, đô thị,
thiên tai...
Anh có thể nói rõ hơn?
- Nhiều vị lãnh đạo QH trăn trở
trong việc xây dựng một QH mạnh hơn, hiệu quả hơn và chuyên nghiệp hơn. Tôi
muốn đóng góp phần nào đó cho quá trình sửa đổi Luật bầu cử QH, để chọn lựa và
thu hút những nhà lãnh đạo có năng lực, có trí tuệ của đất nước vào QH.
QH cần trở thành một cơ quan
mạnh, tập hợp những cá nhân xuất sắc, có trí tuệ và năng lực, hiểu biết các vấn
đề xã hội, đại diện cho tiếng nói của cử tri, có tầm nhìn xa, trông rộng…
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn
góp phần xây dựng QH theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ để cùng tìm
các giải pháp đối với những vấn đề lớn của đất nước.
Là một doanh nhân, tôi muốn đề
xuất những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích các ngành
sản xuất trong nước, như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Cuối cùng, tôi muốn góp sức
thảo luận và tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề xã hội cấp bách như tắc đường,
tệ nạn, ô nhiễm môi trường, thiên tai. Động đất, sóng thần gần đây ở Nhật Bản
cho thấy các thảm họa và tai họa ngày càng tăng. Tôi đề xuất lập Bộ Tình trạng
khẩn cấp để tập trung nguồn lực và dự phòng trước các hoạt động đối phó. Hoặc
tôi đề xuất đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Đô thị và Phát triển Nhà ở để tập
trung xử lý các vấn đề đô thị, đặc biệt là nhà ở cho người dân.
Nếu trúng cử, tôi tin là mình
sẽ hoạt động hiệu quả.
Nhờ mạng xã hội
Được biết anh đã xây dựng
chương trình hành động rất rõ ràng. Anh có sẵn sàng tranh luận với các ứng viên
khác để thuyết phục cử tri?
- Tôi chưa hoàn toàn hài lòng
với chương trình hành động của mình. Chỉ với vài tháng chuẩn bị, thật khó để
ứng cử viên, nhất là những cá nhân mới ra ứng cử có thể đưa ra đầy đủ, chi tiết
một kế hoạch hành động khả thi và hiệu quả. Tôi nghĩ tối thiểu cần ít nhất
từ 3 đến 6 tháng, một ứng cử viên mới có thể xây dựng được một chương trình
hành động hiệu quả.
Tuy nhiên với những gì đã
chuẩn bị, tôi có thể tham gia và mong có những trao đổi, tranh luận. Qua
đó, các quan điểm sẽ được làm rõ. Năng lực ứng cử viên, chương trình hành động
sẽ được xem xét phân tích.
Có lẽ việc tranh luận này chưa
thể diễn ra ngay, nhưng tôi cũng mong Ủy ban bầu cử hoặc các cơ quan báo chí có
thể tổ chức các buổi thảo luận công khai và trực tuyến, giữa những người ứng
cử.
Các buổi trao đổi như vậy không
chỉ hữu ích với cử tri mà cũng là dịp để người ra ứng cử nhìn nhận lại kế
hoạch.
Anh sẽ dùng những kênh thông
tin nào để tiếp xúc với cử tri?
- Tôi có nhiều kênh thông tin để
trao đổi với các bạn trẻ, giới sinh viên, trí thức, doanh nhân, các nhà nghiên
cứu, rồi độc giả... thông qua các buổi nói chuyện, hội thảo, hoặc bằng điện
thoại, email, trên mạng xã hội …
Mạng xã hội ở nước ta vẫn còn
tương đối mới mẻ, giống như việc tự ra ứng cử vậy. Nên có lẽ việc vận động
tranh cử thông qua mạng xã hội lại càng mới mẻ hơn. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ
được các bạn trẻ ủng hộ.
Nguồnhttp://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/13160/-nghi-truong-can-nhung-ca-nhan-xuat-chung-.html