Cuộc
cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại. Nga và Trung Quốc – hai cường quốc
được lèo lái bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – đang tích cực thử thách độ bền
của trật tự quốc tế khi phương Tây dường như đang thoái trào. Tổng thống Nga
Vladimir Putin, không hề bối rối vì những cuộc cấm vận của phương Tây, không chỉ
dẫn dắt một chiến dịch tung tin giả mạo ở các nước dân chủ phương Tây để lũng
đoạn các cuộc bầu cử quan trọng mà còn tiếp tục duy trì sự chiếm đóng của Nga ở
bán đảo Crimea và vùng Donbas ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình đang khai triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc ra Biển Đông
và sức mạnh kinh tế trên khắp châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.
Cả
hai quốc gia này đều tìm cách tác động tới các nhà nước dân chủ thông qua việc
sử dụng “sức mạnh bén” (sharp power). Nhận biết tầm với của Nga và
Trung Quốc đang mở rộng, chính phủ của ông Trump đã có quyết định đúng đắn khi
nhìn nhận hai quốc gia này là những đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong bản Chiến
lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng quốc gia mới công bố gần đây. Lần
đầu tiên kể từ ngày 11/9/2001, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc chứ không phải
là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu được coi là ưu tiên số một của an ninh quốc gia
Hoa Kỳ.
Dường
như không có biện pháp hiệu quả nào để kiểm soát những tham vọng ngày càng lớn
của Putin và Tập. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo này có thể đang thực hiện một
lỗi lầm chiến lược. Họ đang đặt cược tương lai và triển vọng quốc tế của đất nước
họ vào một chỗ: chính bản thân họ. Trong suốt sự thống trị của mình, Putin và Tập
đã có những bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát cá nhân của họ đối với quyền lực.
Trong ngắn hạn, đây có thể là một cơ chế tạo sự ổn định nhưng về lâu dài, nó có
thể làm trầm trọng thêm những mối căng thẳng nội bộ cố hữu đến mức cuối cùng có
thể xói mòn sự cai trị của họ.
Là
nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm của hai quốc gia lớn, Putin và Tập cùng đối mặt
với hai tình trạng khó xử tương tự nhau: đó là quản lý cuộc cạnh tranh khốc liệt
trong giới tinh hoa để thể hiện lòng trung thành và giành quyền kế vị, và cân bằng
các tham vọng quốc tế với tình trạng căng thẳng sâu sắc giữa chính phủ trung
ương và các khu vực bất ổn trong nước. Khi cả hai nhà lãnh đạo này tìm cách
giành thêm nhiều “thắng lợi” để biện minh cho quyền kiểm soát cá nhân của họ ở
trong nước, có khả năng họ sẽ theo đuổi mạnh mẽ những chính sách đối ngoại rủi
ro hơn, liều lĩnh hơn.
Trong
khi Hoa Kỳ cân nhắc cách tiếp cận của mình cho thời kỳ mới của chính trị siêu
cường, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ cần phải tính tới chuyện tình trạng
căng thẳng nội bộ trong nước cố hữu của các hệ thống cá nhân sẽ tác động tới
nghị trình và chính sách ngoại giao của Putin và Tập như thế nào.
DAO
KIẾM ĐÃ CHÌA RA
Các
nhà lãnh đạo chuyên quyền phải là những người quản lý tốt. Vị trí của một nhà độc
tài chỉ được bảo đảm bởi mạng lưới các thành viên trung thành trong giới tinh
hoa của ông ta. Nhưng lòng trung thành chính trị, ngay cả dưới các chế độ
chuyên chế, cũng thường xuyên thay đổi. Hoàn toàn có thể chắc chắn rằng Putin sẽ
chiến thắng trong cuộc tái tranh cử chức tổng thống vào tháng Ba tới. Như vậy,
cuộc cạnh tranh thực thụ nằm ở cuộc đấu đá nội bộ trong giới tinh hoa ở Kremlin
– có thời những cuộc chiến tranh nội bộ này được giấu kín nhưng nay chúng ngày
càng được phơi bày ra trước mắt công chúng. Ngay cả các đồng minh của Putin, chẳng
hạn như Igor Sechin – người đứng đầu tập đoàn Rosneft, cũng đang chấp nhận các
rủi ro chính trị để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Hồi tháng 11 năm
2016 Sechin đã thực hiện một chiến dịch đột ngột để hạ bệ bộ trưởng bộ kinh tế
Nga Aleksei Ulyukayev qua việc tiết lộ sự tham gia của ông này trong một âm mưu
hối lộ. Đã có những dấu hiệu cho thấy vòng kiềm tỏa của ông Putin với giới tinh
hoa, và với Sechin nói riêng, đã bị nới lỏng. Được biết ông Putin đã yêu cầu
ông Sechin ra điều trần về vụ Ulyukayev nhưng Sechin từ chối, giáng một cái tát
công khai vào nhà lãnh đạo Nga.
Trong
lúc trò chơi cung đình ở Moscow gia tăng cường độ trong thời gian trước cuộc bầu
cử tháng Ba, ông Putin sẽ cần chứng tỏ cho giới tinh hoa đang lo âu và dao động
rằng ông ta vẫn là nhà lãnh đạo được nhân dân chọn lựa. Để tái khẳng định sứ mệnh
được người dân giao cho, ông Putin được biết đang tìm cách đạt được mục tiêu
70/70: thắng một cuộc bầu cử có 70% số cử tri đi bỏ phiếu và giành được 70% số
phiếu bầu. Ít ra ông ta cũng cần phải vượt qua kết quả bầu cử năm 2012 (65% số
cử tri đi bầu và giành được 64% số phiếu). Về khía cạnh này, hầu như không phải
là trùng hợp ngẫu nhiên khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức đúng vào dịp kỷ
niệm [4 năm] ngày nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea, một canh bạc ngoại giao đã
giúp cho tỷ lệ ủng hộ ông Putin tăng thêm 21 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất
từ trước tới nay. Trái lại, việc nước Nga can thiệp vào Syria chỉ mang về cho
ông Putin thêm 5 điểm phần trăm, từ 83% lên 88%. Ngoài những cuộc bầu cử, ông
Putin còn phải nạp lại năng lượng cho đám đông cử tri ủng hộ ông bằng cách thúc
đẩy những cảm xúc dân tộc-dân túy chủ nghĩa – cho đến nay, xâm lấn nước ngoài
đã là công thức duy nhất để đạt được mục đích ấy.
Không
giống như nước Nga của ông Putin, cuộc cạnh tranh trong giới tinh hoa Trung Quốc
bị thu gọn trong hệ thống độc đảng đã được thiết chế hóa. Nhưng công cuộc củng
cố quyền lực nhanh chóng của ông Tập đang thử thách những giới hạn của mô hình
lãnh đạo tập thể của Trung Quốc. Tập được coi là nhà cai trị quyền lực nhất của
Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông. Cuộc thâu tóm các chức vụ chính thức của Tập
(hiện thời ông ta nắm 13 chức vụ khác nhau) đã lên đến cực điểm khi đại hội 19
của đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thánh hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong
hiến pháp của quốc gia [chi tiết này có thể tác giả nhầm, đại hội đảng chỉ có
thể đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào cương lĩnh của đảng chứ không đưa vào hiến
pháp của quốc gia – ND]. Hơn thế nữa, chiến dịch chống tham nhũng khắc nghiệt của
Tập, gọi là “đả hổ diệt ruồi” đang thử thách lòng trung thành của giới tinh hoa
Trung Quốc. Cho dù Tập lên cầm quyền với sứ mệnh làm trong sạch hàng ngũ của đảng,
việc Tập nhổ tận gốc các cán bộ cấp cao và cấp trung đã làm cho nhiều người
trong đảng cảm thấy phân vân, không biết sự ưu ái của ông này sẽ đặt ở đâu – và
không muốn thử nghiệm chuyện này. Những trường hợp nổi tiếng liên quan tới các
“con hổ” bao gồm cả các tướng lãnh như Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và
Quách Bá Hùng (Guo Boxing) – cả hai đều là phó chủ tịch quân ủy
trung ương và đều bị buộc tội tham nhũng nghiêm trọng. Việc các ông tướng này bị
thất sủng là lời nhắc nhở rằng trong đảng không có vị trí cao cấp nào là an
toàn – một cảm xúc sẽ mang lại cho ông Tập nhiều kẻ thù hơn là tay chân thân
tín.
Hiện
thực mới của Trung Quốc cho thấy nếu ông Tập thể hiện sự ủng hộ cho một cuộc
thay đổi chính sách – cho dù quyết đoán hơn hay thận trọng hơn – quyết định của
ông ta sẽ không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào từ hàng ngũ chóp bu của giới
lãnh đạo Trung Quốc. Điều này có thể mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một
ý thức sai lầm về niềm tin vào những khả năng của đất nước họ và dẫn tới kết quả
là sự đồng tâm nhất trí trong các cố vấn của Tập. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng tỏ,
các chiến lược ngoại giao được nghĩ ra dưới hai tiêu chuẩn này thường kết thúc
bằng các thảm họa.
CĂNG
THẲNG TRUNG TÂM-NGOẠI VI
Các
nước lớn cai trị bởi các nhà lãnh đạo chuyên quyền – những người tập trung quyền
kiểm soát – tất yếu sẽ đương đầu với những căng thẳng nội bộ giữa trung tâm và
ngoại vi. Theo cơ cấu chính trị, sự quản lý tài chính của nước Nga có tính tập
trung cao: các nguồn tài chính như doanh thu sản xuất dầu khí và thuế chảy về
Moscow từ các khu vực giàu tài nguyên để phân bổ về những tỉnh nghèo tài
nguyên. Trong khi nền kinh tế bùng nổ đầu thập niên 2000 nhờ giá dầu cao thì điện
Kremlin có thể duy trì vũ điệu cân bằng, giữ hòa bình giữa 85 tỉnh thành của nước
Nga. Nhưng khi giá dầu lao dốc năm 2015 và tiếp tục giữ mức thấp một cách ngoan
cố thì ngân sách nhà nước dựa vào dầu khí bị tổn hại rất trầm trọng. Những cuộc
cấm vận của phương Tây cũng bắt đầu có tác dụng, góp 1,5% vào sự sút giảm tổng
sản lượng quốc gia (GDP) của Nga năm 2015.
Khi
ngân khố nhà nước co lại cùng với nền kinh tế nói chung, Moscow đã gia tăng rất
nhiều phần ngân sách mà các tỉnh phải nộp về trung ương, và các tỉnh này đã bắt
đầu phản kháng công khai. Nỗi oán giận đang tăng lên ở vùng Sakhalin giàu tài
nguyên dầu mỏ, nơi mà Moscow đòi chia phần lớn hơn từ doanh thu dầu khí. Mùa thu
năm ngoái, Moscow thông qua một đạo luật liên bang mới, tìm cách thâu tóm khoảng
75% tiền thuế và tiền chia phần từ dự án Sakhalin-2 đang có nhiều lợi nhuận.
Theo luật hiện hành, Moscow chỉ được chia 25%. Các thống đốc và dân chúng địa
phương, hiện sống nhờ thu nhập khiêm tốn, đã công khai bày tỏ nỗi phẫn uất của
họ thông qua các cuộc biểu tình phản kháng. Cũng trong thời gian này, các vùng
miền đối mặt với sự cắt giảm ngân sách cũng than phiền rằng họ không nhận được
đủ tiền từ Moscow để duy trì các dịch vụ căn bản và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.
Trên khắp nước Nga, các chính quyền vùng miền đang đòi hỏi nhiều quyền tự chủ
hơn, nhiều quyền kiểm soát ngân sách của họ hơn. Khả năng của điện Kremlin nhằm
xoa dịu tình hình hoặc đàn áp đối lập đã bị hạn chế bởi nhu cầu liên tục có
thêm nhiều tiền và tầm kiểm soát giới hạn ở bên ngoài thủ đô Moscow và thành phố
St. Petersburg. Không có sự tăng trưởng kinh tế trong tầm nhìn, Putin sẽ phải đối
mặt với tình trạng Catch-22 (bế tắc không lối thoát): nỗi oán hận gia tăng ở
các tỉnh đi kèm với nhu cầu thường xuyên phải thúc đẩy sự ủng hộ của dân chúng
thông qua các chiến dịch tốn kém ở nước ngoài.
Tập
Cận Bình cũng phải xử lý vấn đề mối căng thẳng giữa trung ương và ngoại vi,
trong lúc ngự trị trên sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ái quốc
sôi nổi trên khắp Trung Quốc. Bài diễn văn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà Tập đọc trước
đại hội 19 [của đảng Cộng sản] hồi tháng 10 đầy những xúc cảm dân tộc chủ
nghĩa. Ông ta tái khẳng định lời hứa sẽ thúc đẩy một “cuộc trẻ hóa vĩ đại của đất
nước Trung Hoa” và thề sẽ khôi phục vị trí xứng đáng của nước này trên thế giới.
Bằng một giọng điệu huênh hoang, Tập khoe khoang dự án Trung Quốc bồi đắp các đảo
nhân tạo ở Biển Đông như là một trong những thành quả vĩ đại nhất của ông ta.
Nhưng những kế hoạch đầy tham vọng của Tập đối với Trung Quốc, cả với trong nước
lẫn quốc tế, đều có giá của chúng. Tập đã phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để
trấn áp những cộng đồng dân chúng bất mãn của Trung Quốc, như ở Hong Kong và
Tân Cương. Những nỗ lực này có nghĩa là phải bảo đảm sự ổn định quốc nội, sự an
toàn của chế độ và cảnh cáo tất cả các công dân Trung Quốc phải hậu thuẫn cho
“giấc mộng Trung Hoa” của Tập.
Vào
tháng 11-2017, đại hội nhân dân toàn quốc [tức quốc hội] Trung Quốc yêu cầu
vùng lãnh thổ bán tự trị Hong Kong phải tuân thủ “Luật quốc ca” của Trung Quốc,
theo đó mọi hành vi sỉ nhục hoặc không tôn trọng bài quốc ca Trung Quốc đều là
phi pháp và bị phạt tù giam. Hành động này có lẽ là một phản ứng chống lại những
người biểu tình không phục tùng ở Hong Kong, những người đã từng la ó khi bài
quốc ca Trung Quốc được cất lên trong các trận đấu bóng đá gần đây. Có thời là
hình mẫu cho một nước Trung Quốc cởi mở và phồn vinh, khả năng của Hong Kong
trong việc chống chọi với hệ thống chuyên chế ngày càng lấn tới của Trung Quốc
đang phai mờ dần. Ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc, Tập đã thực thi sự giám sát hà
khắc và áp bức của cảnh sát đối với toàn bộ khối dân Uighur thiểu số. Trong khi
Bắc Kinh tuyên bố rằng những biện pháp này là nhằm xử lý mối đe dọa khủng bố,
những quan hệ căng thẳng cũng nhắm tới nỗi oán hận đang gia tăng trong cộng đồng
dân chúng địa phương đối với chính quyền trung ương.
Sự
bất đồng nội bộ đặt đảng Cộng sản Trung Quốc vào vị trí khó khăn. Một mặt, ông
Tập nhắm tăng cường tính chính danh nội bộ của ông ta thông qua những lời kêu gọi
dân tộc chủ nghĩa, trong khi mặt khác, ông tìm cách tái bảo đảm cho các lân
bang đang lo ngại rằng đất nước ông mong muốn hòa bình và hợp tác. Nhìn về phía
trước, nếu Tập nhận thấy rằng, dập tắt sự bất ổn nội bộ bằng tuyên truyền dân tộc
chủ nghĩa và thể hiện sức mạnh về những lợi ích cốt lõi như Biển Đông quan trọng
hơn là trấn an các quốc gia láng giềng thì sự ổn định có thể sẽ bị tổn hại.
ỔN
ĐỊNH ĐẾN KHI KHÔNG CÒN NỮA
Khi
Putin và Tập xử lý những mối căng thẳng nội bộ trong giới tinh hoa và dân
chúng, [thế giới] sẽ trở nên ngày càng khó đấu tranh với chiến lược đối ngoại của
họ. Trong lúc theo đuổi những lợi ích an ninh quốc gia của mình, Hoa Kỳ sẽ cần
phải cân nhắc chống lại một Trung Quốc hung hăng hơn và một nước Nga hay thay đổi.
Mặc dù những thách thức mà Putin và Tập đặt ra sẽ xâm chiếm suy nghĩ của Hoa Kỳ
trong nhiều năm tháng sắp tới, nhưng trong ngắn hạn, chính phủ Trump cần phải
có những bước đi cụ thể để ứng phó với hai nhà nước cạnh tranh này.
Cuộc
can thiệp của Putin vào Ukraine và Syria dường như bất ngờ với chính quyền
Obama, và hậu quả là phản ứng của Hoa Kỳ diễn ra chậm chạp và thận trọng. Cần
phải phản ứng nhanh và quyết liệt hơn đối với những cuộc can thiệp của Nga
trong tương lai. Trong khi không thể nào biết chính xác ông Putin có thể nắm bắt
cơ hội sắp xảy ra để phát động một cuộc tấn công quy ước hoặc phi quy ước vào đất
nước nào, lãnh thổ nào, chính phủ Trump vẫn cần phải chuẩn bị cho hàng loạt
hành vi xâm lấn có thể xảy ra, cho dù đó là một cuộc chiến tranh nửa bí mật nửa
công khai chống lại các quốc gia chung biên giới với Nga hoặc tiếp tục các chiến
dịch tung tin giả ở phương Tây.
Tuy
vậy, những tham vọng toàn cầu của Tập mới đặt ra thách thức lớn nhất trong dài
hạn cho nước Mỹ. Trung Quốc có được lợi thế thời gian; năng lực quân sự và kinh
tế của Trung Quốc đang gia tăng tương đối so với Hoa Kỳ. Vì vậy, chính phủ
Trump ngay bây giờ nên tận dụng lợi thế hiện có. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên
đầu tư vào các mối quan hệ đối tác đã thiết lập từ lâu, xây dựng quan hệ với
các quốc gia khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để làm giảm những khích lệ cho hành
vi xâm lược từ phía Trung Quốc.
Cuối
cùng, sự củng cố quyền kiểm soát của Putin và Tập sẽ buộc họ phải chịu trách
nhiệm cá nhân về những thành công và sai lầm của chính phủ của họ. Họ không thể
đổ trách nhiệm cho ai được. Đổi lại, Putin và Tập sẽ có thể ứng phó với áp lực
tăng trưởng kinh tế và chính trị bằng cách tìm thêm nhiều quyền kiểm soát ở
trong nước trong khi chấp nhận rủi ro lớn hơn ở nước ngoài. Đối nội, điều đó có
nghĩa là những biện pháp hà khắc hơn để bịt miệng phe đối lập, trung hòa cuộc cạnh
tranh chính trị và hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Nhưng đàn áp là phương
cách tốn kém để bảo đảm sự tuân phục lâu dài của công dân. Có thể Putin và Tập
sẽ thấy cách thức dễ dàng hơn để nâng cao tính chính danh là mô tả chế độ của họ
như là “người bảo vệ của nhân dân”, chống lại những thế lực thù địch bên ngoài
và như vậy họ có thể cảm thấy nhu cầu theo đuổi những chiến thuật hung hăng ở
nước ngoài cho dù những động lực này cuối cùng sẽ chỉ làm sâu thêm sự rạn nứt
trong mỗi chế độ. Putin và Tập trông giống như những nhà lãnh đạo độc tài quyền
lực nhất thế giới, nhưng câu châm ngôn xưa cũ vẫn còn áp dụng được: các chế độ
chuyên chế ổn định cho đến khi chúng không còn nữa.
Alina
Polyakova là nhà nghiên cứu thuộc chương trình Chính sách đối ngoại, Viện
Brookings, Mỹ; còn Torrey Taussig là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chương trình
Chính sách đối ngoại của Viện Brookings và tại Trung tâm Belfer về khoa học và
những vấn đề quốc tế thuộc trường Kennedy của Đại học Harvard.