KHÁI NIỆM DÂN CHỦ

Posted on
  • Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh

    GIỚI THIỆU
    Trong thế giới đương đại, với trên 200 quốc gia, tồn tại đa dạng các kiểu chế độ chính trị khác nhau. Làm thế nào chúng ta biết được một quốc gia là dân chủ hay không? Chẳng hạn Cambodia, Philippines là dân chủ hay độc tài?
    Và ngay cả trong các quốc gia mà chúng ta coi là dân chủ, thì giữa chúng cũng có sự khác nhau rất nhiều, có những nền dân chủ (chất lượng thấp) như Philippines, song có những nền dân chủ (chất lượng cao) như Đài Loan. Đâu là tiêu chí phân biệt giữa hai nền dân chủ này?
    Về mặt định nghĩa, thì chúng ta thường định nghĩa đơn giản rằng: Dân chủ là chính quyền của dân. Điều này có thể được thể hiện thông qua hai cách:
    -         Người dân trực tiếp tham gia vào công việc cai trị, và ta gọi kiểu tổ chức dân chủ này là DÂN CHỦ TRỰC TIẾP. Nền dân chủ trực tiếp ra đời từ rất sớm, cách đây 2500 năm trong thế giới Hi Lạp cổ đại, mà nổi tiếng nhất trong số đó là Athen.
    -         Sau khi Athen cùng các thành bang của Hi Lạp cổ đại sụp đổ, nền chính trị thế giới dần bị chi phối bởi các chính thể chuyên chế. Dân chủ chỉ xuất hiện trở lại vào đầu thế kỷ 19, nhưng ở một hình thức rất khác. Do quy mô về dân số và diện tích của các nhà nước – dân tộc hiện đại, cũng như các vấn đề phát sinh từ sự cai trị trực tiếp của người dân, thường được so sánh với sự cai trị của đám đông, nên kiểu cai trị trực tiếp không còn được đề cao. Lúc này, người dân thay vì cai trị trực tiếp, họ ủy quyền cho những người đại diện của mình để cai trị nhân danh mình, và ta gọi kiểu dân chủ này là DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN. Trong khoảng hơn 200 năm tính đến nay, dân chủ đại diện đã nhanh chóng lan rộng, và hiện trở thành dạng chế độ chính trị phổ biến nhất trên thế giới.
    Phương tiện qua đó người dân thực hiện sự ủy quyền của mình chính là BẦU CỬ. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy, chính phủ hình thành từ “bầu cử” không phải lúc nào cũng là chính phủ của dân – hay chính phủ dân chủ. Có rất nhiều chính phủ hình thành từ các cuộc bầu cử song được xếp vào dạng độc tài.

    DÂN CHỦ BẦU CỬ
    Vậy đâu là tiêu chí tối thiểu để một cuộc bầu cử có thể đảm bảo rằng chính quyền được bầu lên là chính quyền của dân. Đó là các cuộc bầu cử phải đảm bảo tự do, công bằng, và toàn diện.
    -          Bầu cử tự do: Mọi người được tự do tham gia bầu cử và ứng cử. Không có bằng chứng cho thấy có sự can thiệp, đe dọa, hay bạo lực đối với cử tri, ứng viên, đảng đối lập đến mức ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử.
    -       Bầu cử công bằng: Áp dụng chính xác và công bằng luật bầu cử. Chính phủ đương nhiệm không cản trở phe đối lập gây quỹ hay tiếp cận đến truyền thông, cũng như không có các báo cáo về gian lận bầu cử.
    -        Bầu cử toàn diện: Mọi công dân trưởng thành có quyền bầu cử. Không có báo cáo cho người dân bị tước bỏ quyền bầu cử vì các vấn đề về giới tính, giai cấp, sắc tộc, hay tôn giáo.
    Tuy nhiên, để cho các cuộc bầu cử thực sự đạt được các tiêu chí trên, thì cần phải có một sự đảm bảo tối thiểu về một số quyền tự do dân sự trong và giữa các cuộc bầu cử. Đó là các quyền tự do lập hội, tự do biểu đạt, tự do thông tin, và không phân biệt đối xử.
    -         Tự do lập hội: Các công dân được tự do hình thành và tham gia các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, các nhóm lợi lích, các phong trào. Không có bằng chứng cho thấy nhà nước cấm các tổ chức trên hay chúng chỉ được phép tồn tại dưới sự kiểm soát của chính quyền.
    -         Tự do biểu đạt: Công dân tự do thể hiện sự bất đồng của mình thông qua các cuộc thảo luận, các bài phát biểu, các cuộc biểu tình, hay các kiến nghị. Không có bằng chứng cho thấy nhà nước trừng phạt hay kiểm duyệt một cách hệ thống những quan điểm trái chiều.
    -         Tự do thông tin: Công dân tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau. Có nhiều kênh thông tin khác nhau nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền hay đảng cầm quyền.
    -         Không phân biệt đối xử: Các nhóm thiểu số về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo.. không bị cấm bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Không có báo cáo cho thấy một nhóm nào bị ngăn cấm thể hiện quan điểm của họ trong tiến trình chính trị trên các cở sỏ trên.
    Đây là bảy tiêu chí (mà có thể tóm lại thành hai nhóm tiêu chí lớn là tiêu chí về bầu cửtiêu chí về tự do) mà một quốc gia phải thỏa mãn mới được coi là một nền dân chủ - dân chủ bầu cử.

    DÂN CHỦ TỰ DO
    Tuy nhiên, bảy tiêu chí trên chỉ các các điều kiện tối thiểu để trở thành dân chủ. Rất nhiều nền dân chủ thỏa mãn các tiêu chí trên, song trong thực tế khi vận hành xảy ra các vấn đề tham nhũng, lạm quyền, và bất công. Những nền dân chủ như vậy được gọi là dân chủ chất lượng thấp, hay do chỉ đơn thuần thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu về bầu cử, nên gọi là dân chủ bầu cử.
    Còn có những tiêu chí khác đối với một nền dân chủ ngoài các tiêu chí tối thiểu trên, để cho nó trở thành một nền dân chủ chất lượng cao, hay còn gọi là dân chủ tự do. Đó là các tiêu chí sau:
    -         Chính phủ dân bầu thực sự nắm quyền, và không bị chi phối bởi các tác nhân - không do dân bầu - như quân đội, hoàng gia, giới đầu sỏ hay ngoại bang.
    -         Ngoài trách nhiệm giải trình theo phương đứng của người cai trị đối với người dân (đạt được chủ yếu thông qua bầu cử), thì cũng phải đảm bảo trách nhiệm giải trình theo phương ngang giữ các quan chức, các nhánh chính quyền với nhau thông qua các cơ chế kiểm soát và đối trọng, điều này nhằm kiềm chế quyền lực của các nhánh, bảo vệ hiến pháp và pháp luật.
    -         Cung cấp nền tảng đa nguyên về chính trị và dân sự cũng như tự do cho cá nhân, tổ chức để cho các giá trị và lợi ích đối lập có thể được bày tỏ, tác động đến tiến trình chính trị.
    -         Và cuối cùng, sự tự do và đa nguyên chỉ có thể được đảm bảo thông qua một nền pháp quyền, trong đó luật pháp được áp dụng công bằng, nhất quán, và có thể dự đoán. Trong một nền pháp quyền như vậy, mọi công dân có sự bình đẳng chính trị và pháp lý, và nhà nước và các cơ quan của nó chịu sự ràng buộc của luật pháp.
    Hiện nay (2018), theo đánh giá của Freedom House thì khoảng 60% các quốc gia trên thế giới được xếp hạng là dân chủ, và 2/3 trong số đó được xếp hạng là dân chủ tự do. Phần lớn các quốc gia dân chủ tự do là các quốc gia phát triển, nằm ở Tây Âu, Bắc Mỹ và một số nước Châu Á như Nhật Bản, Đài loan.

    VÍ DỤ THỰC TẾ
    Dựa trên các tiêu trí trên chúng ta có thể đánh giá xem một quốc gia có phải là dân chủ hay không, và nếu có thì nó là dân bầu cử hay dân chủ tự do thông qua một số ví dụ thực tế.
    -         Cambodia dù hiện có hệ thống bầu cử đa đảng với phổ thông đầu phiếu song không được coi là một nền dân chủ (bầu cử). Vì thủ tướng Hun Sen cùng đảng CPP cầm quyền thao túng tiến trình bầu cử, kiểm soát truyền thông, và dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn và đánh phá đảng đối lập chính khiến cho các cuộc bầu cử gần nhất của Cambodia không được coi là cạnh tranh, tự do và công bằng.
    -         Philippines hiện được coi là một nền dân chủ bầu cử, vì theo tổ chức quốc tế như Freedom House, các cuộc bầu cử của nó thỏa mãn các tiêu chí bầu cử cũng như các tiêu chí tự do tối thiểu như kể trên. Tuy nhiên, nó chỉ là một nền dân chủ bầu cử chứ không phải là một nền dân chủ tự do, vì không thỏa mãn các tiêu chí về trách nhiệm giải trình, cũng như pháp quyền. Philippines là một trong những nước có chính quyền yếu kém, tỷ lệ tham nhũng cao, sự chi phối của giới đầu sỏ đối với tiến trình chính trị, và nền pháp quyền nghèo nàn.
    -         Đài Loan hiện được coi là một nền dân chủ tự do, vì theo tổ chức quốc tế như Freedom House, thì nó thỏa mãn hết các tiêu chí chúng ta đề cập ở trên. Đài Loan có hệ thống bầu cử đa đảng, tự do công bằng, chính quyền dân sự thực sự nắm quyền, hệ thống tư pháp tốt, xã hội tự do và đa nguyên. Hiện Đài Loan được coi là nền dân chủ tốt nhất Châu Á.

    Tài liệu tham khảo
    1. Báo cáo của Freedom House năm 2018, https://freedomhouse.org/report/freedom-world/freedom-world-2018
    2.    Larry Diamond, Tinh thần dân chủ, Phạm Nguyên Trường dịch
    3.    Larry Diamond, Defining and Developing Democracy, The Democracy Sourcebook
    4.    Mikael Wigell, Mapping ‘Hybrid Regimes’: Regime Types and Concepts in Comparative Politics.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org