Chuyển đổi dân chủ ở Hàn Quốc

Posted on
  • Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Vào ngày 25/2/1998, ông Kim Dae-jung, ứng cử viên của đảng Hội đồng quốc dân vì một nền chính trị mới, đã chính thức lên nắm quyền và trở thành Tổng thống thứ 15 của Hàn Quốc. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau khi Hiến pháp Đại Hàn Dân Quốc được sửa đổi vào năm 1987, một ứng cử viên của đảng đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống theo phương thức bầu cử trực tiếp. Nói cách khác, phe đối lập đã ghi dấu ấn vào lịch sử khi lần đầu tiên giành được quyền lực một cách hòa bình.

    [Bầu cử tổng thống trực tiếp có chỗ đứng vững chắc nhờ cuộc đấu tranh tháng 6 năm 1987]
    Niềm mong mỏi một nền dân chủ thực sự của người dân đã bùng nổ thành cuộc đấu tranh đòi dân chủ tháng 6 năm 1987, đưa đến kết quả là lật đổ chính quyền quân sự tưởng đã “vững như bàn thạch”. Đó chính là bước đi quan trọng của phong trào vận động dân chủ hóa, làm nền tảng chắc chắn cho việc tiến hành hình thức bầu cử tổng thống trực tiếp. 10 năm sau, sự chuyển giao quyền lực từ đảng cầm quyền sang đảng đối lập mới đi đến thành công. Giáo sư Lim Hyung-jin thuộc trường Nhân văn, Đại học tổng hợp Kyunghee, nêu bật ý nghĩa của sự kiện này: “Có thể nói là chủ nghĩa dân chủ đã có được chỗ đứng tại Hàn Quốc vào năm 1987 cùng với việc sửa đổi Hiến pháp qua sự đồng thuận của nhân dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã xong hoàn toàn. Một việc quan trọng không kém là phải củng cố vững chắc nền dân chủ. Quá trình này chỉ có thể thấy được thông qua việc chuyển giao quyền lực. Bởi vì chỉ khi đảng cầm quyền và đảng đối lập sở hữu thế lực tương đương nhau và việc trao quyền được thực hiện một cách hòa bình thì mới là minh chứng cho sự phát triển của chủ nghĩa dân chủ. Việc đảng đối lập lên nắm quyền năm 1997 chính là một sự kiện tiêu biểu cho thấy chủ nghĩa dân chủ của Hàn Quốc đang trở nên vững mạnh hơn.”

    Để đi đến cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình nói trên là cả một chặng đường gian nan, xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc bầu cử tổng thống từ ngay sau khi sửa đổi Hiến pháp vào năm 1987. Lúc bấy giờ, người dân Hàn Quốc đều mong mỏi hai chính trị gia từng hợp tác trong suốt 30 năm là ông Kim Young-sam, đại diện cho vùng Gyeongsang và ông Kim Dae-jung đại diện cho vùng Jeolla, liên minh tranh cử tổng thống. Nhưng cả hai chính khách này đều tuyên bố tranh cử độc lập và vì vậy lá phiếu đã bị phân tán. Kết quả là, vào ngày 25/2/1988, ứng cử viên Roh Tae-woo của đảng Dân chủ công lý đã giành được đa số phiếu và trở thành Tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc. Giáo sư Lim Hyung-jin phân tích: “Trước đó, Hàn Quốc nằm dưới thể chế độc tài quân sự của Tổng thống Park Chung-hee và Tổng thống Chun Doo-hwan. Điều đó đã dẫn tới phong trào vận động dân chủ quyết liệt vào tháng 6 năm 1987, lật đổ chính quyền Chun Doo-hwan và buộc đảng cầm quyền Dân chủ công lý phải đưa ra tuyên bố 29/6 với trọng tâm là sửa đổi Hiến pháp. Người dân Hàn Quốc khi đó đã rất kỳ vọng vào một chính phủ vì nhân dân. Nhưng sự chia rẽ giữa hai ông Kim Young-sam và Kim Dae-jung đã khiến cho việc chuyển giao quyền lực thất bại, tạo điều kiện cho ứng cử viên của đảng cầm quyền Roh Tae-woo trúng cử và lên nắm quyền.” 

    Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 13 được tổ chức vào ngày 26/4/1988, một sự kiện bất ngờ đã xảy ra.

    [Đảng đối lập chiếm quá bán số ghế Quốc hội]
    Đảng cầm quyền Dân chủ công lý chỉ giành được 125 ghế, trong khi phe đối lập giành được 164 ghế, hình thành nên cục diện đảng cầm quyền yếu thế hơn đảng đối lập. Được sự ủng hộ của toàn dân đang khao khát một nền chính trị dân chủ, phe đối lập chiếm đa số ghế tại Quốc hội đã thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra tham nhũng của Chính phủ Tổng thống Chun Doo-hwan và Ủy ban đặc biệt điều tra sự thật về phong trào dân chủ Gwangju 18/5. Những quan chức trong Chỉnh phủ Tổng thống Chun Doo-hwan đã phải giải trình trong các phiên điều trần tại Quốc hội tổ chức từ ngày 2/11. Sau đó bản thân ông Chun Doo-hwan cũng trở thành vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị điều tra trước Quốc hội. 

    [Đảng Dân chủ tự do ra đời, tạo thế lực cầm quyền lớn]
    Ngày 21/1/1990, đảng cầm quyền Dân chủ công lý của Tổng thống Roh Tae-woo hợp nhất với hai đảng đối lập là đảng Dân chủ thống nhất của Chủ tịch Kim Young-sam và đảng Dân chủ cộng hòa mới của Chủ tịch Kim Jong-pil thành đảng Dân chủ tự do. Đảng Dân chủ tự do đã trở thành một thế lực cầm quyền lớn khi giành được 216 ghế, vượt quá hai phần ba số ghế trong Quốc hội, và đẩy chính giới vào tình trạng hỗn loạn. Giáo sư Lim Hyung-jin cho biết: “Sự ra đời của đảng Dân chủ tự do đã thực sự khiến người dân hoang mang. Bởi vì nó ra đời dựa trên sự kết hợp giữa thế lực dân chủ hóa và phi dân chủ, đưa đến sự lẫn lộn, khó phân biệt giữa công lý và phi công lý.”

    Và vào năm 1992, một loạt các cuộc bầu cử đã diễn ra. Trong cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 14 vào ngày 24/3, đảng cầm quyền Dân chủ tự do đã phải hứng chịu sự lạnh nhạt của cử tri, chỉ giành được 149 ghế, tức là chưa được một nửa tổng số 299 ghế tại Quốc hội. Và tiếp đó vào cuối năm là cuộc bầu cử tổng thống làn thứ 14, một cuộc tranh đua quyết liệt giữa ba ứng cử viên tổng thống. Một trong số đó là ứng cử viên đảng Dân chủ tự do Kim Young-sam. Và người đối đầu với ứng cử viên Kim Young-sam chính là ứng cử viên của đảng Dân chủ Kim Dae-jung. Hai chính trị gia này đã từng thất bại trong việc hợp nhất trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13. Ứng cử viên thứ ba là nhà sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung, đồng thời là người đứng đầu giới tài phiệt lúc bấy giờ, đại diện cho đảng Nhân dân thống nhất. Kết quả là là ứng cử viên của đảng Dân chủ tự do Kim Young-sam đã giành thắng lợi chung cuộc. Một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, ứng cử viên của đảng Dân chủ Kim Dae-jung đã tổ chức họp báo thừa nhận thất bại và tuyên bố rút lui khỏi chính giới. 

    [Mở ra thời đại “Chính phủ lấy nhân văn và nhân dân làm gốc”]
    Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 với sự tham gia của những ứng cử viên có xuất thân dân sự đã đánh dấu chấm hết thời đại thống trị của các tướng lĩnh quân sự. Trong diễn văn nhậm chức vào ngày 25/2/1993, Tổng thống Kim Young-sam đã nhấn mạnh việc cải cách để mở ra kỷ nguyên của “Chính phủ lấy nhân văn và nhân dân làm gốc”. Chính phủ mới đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân với tỷ lệ trên 90%. Trước yêu cầu gắt gao của người dân về cải cách chính trị, Chính phủ Kim Young-sam đã thúc đẩy xóa bỏ tàn dư của chủ nghĩa độc tài quân sự kéo dài suốt 30 năm qua. Giáo sư Lim Hyung-jin giải thích thêm: “Ta có thể thấy Chính phủ của Tổng thống Kim Young-sam đã thể hiện quyết tâm không để cho mầm mống độc tài quân sự quay trở lại. Một số vây cánh trong quân đội, có đôi chút ảnh hưởng thời đó như Hội Hanah, hội Aljja đều bị dẹp bỏ. Tiếp đó, Chính phủ mới còn đưa ra tòa xét xử hai cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, những người phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự ngày 12/12/1979 và cuộc thảm sát Gwangju vào tháng 5/1980 .”

    [Tổng thống Kim Young-sam gặp nguy cơ, chính khách Kim Dae-jung trở lại]
    Mặc dù ban đầu nhận được sự ủng hộ cao, nhưng đến nửa sau của nhiệm kỳ thì Chính phủ của Tổng thống Kim Young-sam đã phải đối mặt với thực tế tỷ lệ ủng hộ giảm xuống chỉ còn 10%. Những biến cố lớn liên tục xảy ra, như vụ sập cầu Seongsu trên sông Hàn, rồi đến vụ sập trung tâm thương mại Sampoong cộng với khó khăn về kinh tế dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp lớn bị phá sản, đã làm lung lay lòng tin của người dân đối với Chính phủ. Giữa lúc đó, vào năm 1995, ông Kim Dae-jung, người tuyên bố rời khỏi chính trường sau cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14, đã quyết định quay trở lại với việc lập nên một đảng mới và làm Chủ tịch Đảng Hội đồng quốc dân vì một nền chính trị mới.

    Hai năm sau, bất chấp những ánh mắt soi mói của dư luận đối với việc trở lại chính trường của mình, ông Kim Dae-jung lại một lần nữa tiếp tục chạy đua ứng cử Tổng thống thứ 15. Lúc này, cảm nhận được nguy cơ mất quyền lực, phe cầm quyền đã tiến hành hợp nhất với đảng Dân chủ do Jo Sun đứng đầu và cử ông Lee Hoi-chang làm ứng cử viên tổng thống của phe cầm quyền. Như vậy, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 15 đã trở thành cuộc chạy đua giữa ba ứng cử viên. Đó là ông Lee Hoi Chang của đảng Đại dân tộc, một ngôi sao chính trị mới nổi được biết tới với hình ảnh thanh liêm, trong sạch; ông Kim Dae-jung, Chủ tịch đảng Hội đồng quốc dân vì một nền chính trị mới; và ứng cử viên Rhee In-je, người đã rời bỏ đảng cầm quyền để thành lập đảng Quốc dân mới. Ba ứng cử viên này đã khiến cho cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 15 trở nên vô cùng quyết liệt.

    Tuy nhiên, vào ngày 21/11/1997, tức là chỉ còn chưa đầy một tháng là đến thời điểm diễn ra bầu cử thì Chính phủ tuyên bố rằng đã quyết định cầu cứu gói viện trợ kinh tế từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm chống đỡ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Vào thời điểm đó, người dân nói chung đều cho rằng đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng tài chính. Cũng theo đó, vấn đề khủng hoảng tiền tệ châu Á trở thành những luận điểm nóng nhất trong suốt thời gian diễn ra vận động tranh cử.

    [Lần đầu tiên đảng đối lập lên nắm quyền khi ông Kim Dae-jung đắc cử tổng thống năm 1997]
    Cuộc bầu cử tổng thống thứ 15 này là một trận chiến quyết liệt đến nghẹt thở. Trong quá trình kiểm phiếu, đã có tới 40 lần diễn ra sự đổi ngôi dẫn đầu giữa hai ứng cử viên Kim Dae-jung và Lee Hoi-chang. Và cuối cùng, người chiến thắng chính là ứng cử viên Kim Dae-jung của đảng đối lập. Sự ra đời của Chính phủ của Tổng thống Kim Dae-jung vào năm 1998 đã đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ phe cầm quyền sang phe đối lập dựa trên bầu cử. Giáo sư Lim Hyung-jin của trường Nhân văn, Đại học tổng hợp Kyunghee nhận định: “Những lá phiếu bầu đã thể hiện khát vọng của người dân mong muốn thay đổi chính quyền vào thời điểm đó. Trải qua một thời gian dài dưới chế độ độc tài quân sự, rồi năm năm dưới chính quyền của Tổng thống Kim Young-sam, tự nhận là “lấy nhân văn và nhân dân làm gốc”, nhưng xã hội vẫn không có gì biến chuyển, gây thất vọng lớn. Bởi vậy mà người dân đã đặt hết hy vọng lên vai tân Tổng thống Kim Dae-jung. Kết quả bầu cử cho thấy người dân đã nhận ra được những thiếu sót của Chính phủ tiền nhiệm và mong muốn Chính phủ mới phải sửa chữa những sai lầm đó. Điều này cũng cho thấy chủ nghĩa dân chủ ở Hàn Quốc đã thực sự đến giai đoạn chín muồi. Tóm lại, việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình vào năm 1997 là minh chứng tiêu biểu cho thấy chủ nghĩa dân chủ tại Hàn Quốc đang có những bước đi rất vững chắc.”
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org