Đảng phái chính trị (P1)

Posted on
  • Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • Giới thiệu
    Chính trị là quá trình tổ chức phương thức mà theo đó chúng ta sống chung với nhau trong một xã hội. Trong một nền dân chủ, mọi công dân có thể tham gia vào quá trình này - bằng cách tự do tiếp cận các thông tin về vấn đề chính trị, bằng cách công khai bày tỏ ý kiến riêng về các vấn đề công cộng, bằng cách xây dựng các nguyện vọng, kiến nghị, yêu cầu mà không sợ bị đàn áp, bằng cách bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, bằng cách tham gia các tổ chức xã hội dân sự hoặc đảng phái chính trị, hoặc bằng cách đứng ra làm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử dân chủ. Bằng cách này, dân chủ là "chính phủ của dân, do dân, và vì dân", như trong câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln, Tổng thống Hoa Kỳ từ 1861 đến 1865.
    Để đáp ứng đầy đủ tất cả các yêu cầu của một chính phủ của dân, do dân và vì dân, nền chính trị trong một thể chế dân chủ cần phải đáp ứng một số điều kiện:
    • Chính trị đòi hỏi phải có các ý tưởng và các giá trị mà thiết lập nên các mục tiêu và tiêu chuẩn của tổ chức chính trị. Tự do, công lý và đoàn kết là những nguyên tắc mà có thể hướng dẫn việc tổ chức chính trị của bất kỳ xã hội nào.
    • Chính trị đòi hỏi kiểu tổ chức xã hội mà thu thập các mối quan tâm, tổng hợp lại và trao đổi chúng với các thiết chế chính trị và chính phủ. Đảng phái chính trị, và cả hiệp hội kinh doanh và hội đoàn công nhân cũng như các các tổ chức phi chính phủ của xã hội dân sự là những tổ chức thu thập và tổng hợp các mối quan tâm xã hội.
    • Chính trị đòi hỏi các thiết chế thu thập các đề xuất cho việc tổ chức xã hội, và sau đó trình bày, thảo luận, quyết định và thực hiện các đề xuất đó. Quốc hội và chính phủ-mà thường dựa vào đảng chính trị-là những thiết chế chính trị quan trọng nhất trong một nhà nước dân chủ.
    • Chính trị yêu cầu các công dân tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị với những ý tưởng, yêu cầu và kỳ vọng, và tích cực đóng góp cho hoạt động của các thiết chế chính trị:
    Trong một nền dân chủ, hầu hết nếu không phải tất cả các công dân nên tham gia vào hoạt động chính trị. Tuy nhiên, một nền dân chủ trực tiếp mà mỗi công dân là trực tiếp tham gia vào tất cả các quyết định chính trị là không thể có được trong xã hội đại chúng hiện đại. Đây là lý do tại sao một nền dân chủ hiện đại cần các thiết chế và tổ chức đại diện cho ý chí và quyền lợi của công dân càng chân thực nhất càng tốt. Đây có thể là các hiệp hội, các nhóm không chính thức hoặc các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, thực hiện chức năng đại diện đó là các đảng chính trị. Các đảng cung cấp cho các công dân khả năng gây ảnh hưởng đến chính trị và các quyết định chính trị. Đảng là một công cụ và thiết chế chính trị quan trọng.
    Nếu không có đảng phái chính trị, một nền dân chủ đại diện hiện đại không thể hình thành được. Chỉ bằng cách này, các đảng đảm bảo rằng các công dân vĩnh viễn có khả năng hành động chính trị. Các chính đảng kết hợp và tích hợp các mối quan tâm, tầm nhìn và ý kiến khác nhau. Đảng cũng là nguồn tuyển chọn chính giới tinh hoa chính trị.
    Để tham gia thành công các cuộc bầu cử, các đảng phái chính trị phải là tiếng nói của các tầng lớp rộng lớn của xã hội. Các hiệp hội, tổ chức xã hội hoặc các sáng kiến công dân thường tập trung hơn vào một phạm vi riêng biệt và giới hạn của các vấn đề. Đảng phái chính trị, ngược lại, được yêu cầu thể hiện lập trường về tất cả những vấn đề và các chủ đề có liên quan đến trật tự công cộng và tổ chức xã hội.
    Các đảng cạnh tranh nhau về những phương cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề chính trị. Đảng cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng và quyền lực. Nếu không có sức mạnh để thực thi tầm nhìn chính trị thì không thể tổ chức nên một xã hội. Các cuộc thảo luận nội bộ và xung đột bên trong đảng, cũng như giữa các đảng phái, thường đi kèm việc cạnh tranh về ý tưởng và quyền lực. Chúng là hợp pháp và cần thiết.
    Trong cuốn sách này, chúng tôi trình bày các đảng chính trị như các thiết chế trung tâm của một nền dân chủ hiện đại. Các đặc tính và chức năng của đảng, các yếu tố cơ bản của tổ chức đảng, bối cảnh chính trị và xã hội của các đảng, cũng như các vấn đề dân chủ trong Đảng và những thách thức cụ thể mà các đảng phải đối mặt là các chủ đề chính. Cuốn sách này nhằm để truyền đạt thông tin cơ bản về các khía cạnh khác nhau của các đảng chính trị. Đồng thời cũng nhằm nâng cao mối quan tâm và sẵn sàng đóng góp cho một chính đảng. Mặc dù việc chỉ trích các đảng phái chính trị là dễ dãi và luôn luôn phổ biến, nhưng đảng phái chính trị lại không thể thiếu để có một nền dân chủ. Các đảng chỉ có thể thực hiện chức năng của mình khi ngày càng có nhiều công dân hơn sẵn sàng tham gia chính trị trong trong các đảng phái.

    1. Đảng và hệ thống đảng
    1. 1. Đảng chính trị là gì?
    Đảng phái chính trị là một hình thức đặc biệt của tổ chức xã hội. Không nên nhầm lẫn đảng với các hiệp hội, liên đoàn, và các câu lạc bộ xã hội. Một định nghĩa nổi tiếng về đảng chính trị do nhà khoa học chính trị Mỹ Antony Downs viết như sau:
    "Một đảng chính trị là một nhóm người tìm cách kiểm soát bộ máy cai trị bằng cách giành được các chức vụ dân cử trong một cuộc bầu cử được tổ chức hợp lệ"1. Học giả người Ý, Giovanni Sartori, người đã giảng dạy một thời gian dài tại Đại học Columbia ở New York và là một trong những nhà nghiên cứu về các đảng chính trị nổi tiếng thế giới, đã định nghĩa đảng là: "bất kỳ nhóm chính trị nào được xác định bởi một nhãn hiệu chính thức trình bày tại các cuộc bầu cử, và thông qua bầu cử có khả năng đưa ra các ứng cử viên cho các chức vụ công cộng."
    Ngay cả khi các định nghĩa này cho thấy một số khác biệt về cách hiểu các đảng chính trị, thì tất cả định nghĩa đều nhấn mạnh rằng sự tham gia vào bầu cử và quan tâm nhằm giành được các chức vụ và nhiệm vụ dân cử là yếu tố quan trọng đặc trưng cho các đảng chính trị. Đảng phải đáp ứng các tiêu chí nhất định mà có thể tóm tắt như dưới đây.
    • Đảng có thể được hiểu như là các hiệp hội lâu dài của công dân dựa trên việc gia nhập tự do và một chương trình hành động, và mong mỏi chiếm được, thông qua con đường bầu cử, các chức vụ ra quyết định về chính trị của quốc gia với ê-kíp các nhà lãnh đạo của mình, nhằm hiện thực hóa các đề xuất để giải quyết các vấn đề nổi bật. Phương thức bầu cử ngụ ý sự cạnh tranh của ít nhất là hai đảng.
    • Đảng nỗ lực gây ảnh hưởng lên sự hình thành các quan điểm chính trị và nhằm mục đích để có một tác động chính trị nói chung. Ảnh hưởng tích cực của việc nêu quan điểm chính trị là nhằm vào một giai đoạn dài hơn cũng như một khu vực rộng lớn hơn và không nên tập trung vào một cấp địa phương hoặc một vấn đề duy nhất.
    • Đảng là một hiệp hội của các công dân có tư cách đảng viên, và phải có một số lượng đảng viên tối thiểu, sao cho độ nghiêm túc của các mục tiêu và triển vọng thành công là rõ ràng.
    • Đảng phải thể hiện ý chí để liên tục tham gia làm đại diện chính trị của nhân dân trong các cuộc bầu cử. Đảng, do đó, khác biệt với những đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ và các sáng kiến khác mà không muốn có bất kỳ trách nhiệm chính trị nào đối với các bộ phận xã hội lớn hơn mà chỉ cố gắng để tạo ảnh hưởng có chọn lọc, và không tham gia vào các cuộc bầu cử.
    • Đảng phải có một tổ chức độc lập và thường trực; nó không được hình thành chỉ để phục vụ cho một cuộc bầu cử và không còn tồn tại sau đó.
    • Đảng phải sẵn sàng để xuất hiện trước công chúng.
    • Đảng không nhất thiết cần phải giành chiến thắng một ghế trong quốc hội, nhưng nó phải thực hiện đầy đủ tất cả các tiêu chí khác.

    1. 2. Tiêu chí xác định các đảng chính trị
    Đảng không chỉ phấn đấu để tham gia vào sự hình thành các quan điểm chính trị. Đảng cũng khao khát được tham gia làm đại diện của người dân trong Quốc hội. Điều này khiến các đange phải tham gia bầu cử. Đóng góp chính trị cũng như "sức nặng" chính trị của một đảng gắn chặt với các cuộc bầu cử. Ý muốn của cử tri có tầm quan trọng đáng kể đối với các đảng.
    Điển hình cho các đảng là "tinh thần chiến đấu" của họ, là sự sẵn sàng cho hành động chính trị và đối đầu chính trị và nguyện vọng của họ được tiếp quản và giữ quyền lãnh đạo. Cạnh tranh giữa các đảng là công cụ để đạt được quyền lực chính trị và toàn bộ tổ chức của một đảng cuối cùng nhằm phục vụ mục đích này. Chỉ có những đảng tham gia thành công trong cuộc thi này mới có thể có được cương vị đại diện chính trị. Đây cũng là sự kích thích chính để tham gia vào các hoạt động đảng phái và khiến cho đảng đặc biệt hấp dẫn một khi đảng là một phần của một chính phủ.
    Ngay cả vai trò đối lập ít hấp dẫn cũng tao nên các yếu tố thú vị khiến người ta tham gia tích cực. Đảng phái chính trị luôn là trung tâm của các cuộc tranh luận và thảo luận về cải cách chính trị và thay đổi chính trị. Phần lớn những người quan tâm về chính trị sẽ tìm thấy một đảng phản ánh nhận thức của chính mình, cho dù đó là đảng của chính phủ đang cầm quyền hay đảng đối lập. Các đảng đối lập thực hiện một chức năng quan trọng trong một hệ thống dân chủ với tư cách là một "cơ quan giám sát" về chính sách của chính phủ và như là một sự thay thế chính trị trong tương lai. Đối lập có thể được coi là khủng khiếp, nhưng nó là điều cần thiết cho sự hoạt động của nền dân chủ.
    Trái với các nhóm lợi ích, một đảng mong muốn thể hiện bản thân mình trên tất cả các vấn đề liên quan đến chính phủ. Người ta hy vọng các đảng đề xuất các quan điểm về chính sách đối nội và đối ngoại, các chính sách kinh tế và xã hội, và các chính sách về thanh thiếu niên và dân sự, vv Để đáp ứng các yêu cầu này, mỗi đảng phải có một chương trình hành động, trong đó lập trường cơ bản của đảng trong các lĩnh vực khác nhau được duy trì. Hơn nữa, người ta kỳ vọng một đảng có tổ chức nhất quán.

    1. 3. Tại sao phải có đảng?
    Trong mọi xã hội đều có nhiều ý kiến, nhu cầu, kỳ vọng và quan điểm khác nhau về các vấn đề hàng ngày, tương tự như vậy các vấn đề "lớn" về tổ chức xã hội, chuẩn mực và thủ tục của nó cũng tồn tại. Một cái gì đó như là một ý chí chung của nhân dân hoặc một lợi ích chung được xác định trước không hề tồn tại. Ngược lại, trong mọi xã hội đều có lợi ích cạnh tranh thường xung đột mạnh mẽ. Để dung hòa các xung đột một cách hòa bình, sự hình thành các quan điểm chính trị phải diễn ra trong một quá trình công khai tranh luận giữa các ý kiến khác nhau. Một niềm tin chung tối thiểu là cần thiết. Đây là lương tri của nền dân chủ. Nó dựa trên nguyên tắc mỗi công dân có quyền đại diện cho ý kiến và niềm tin của mình trong một cuộc tranh đua hòa bình của trí tuệ.
    Giả định về lợi ích xung đột trong mọi xã hội, mà về nguyên tắc là hợp pháp, được gọi là đa nguyên hay "lý thuyết cạnh tranh" của nền dân chủ. Theo lý thuyết này, sự hình thành các quan điểm chính trị trong các xã hội đa nguyên được thực hiện thông qua một quá trình công khai cạnh tranh giữa các lợi ích không đồng nhất. Do sự đa dạng của các ý kiến và xung đột xã hội, nên sẽ không có giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề. Các quyết định được thực hiện trên cơ sở có sự đồng thuận và chấp thuận của đa số công dân. Tuy nhiên, có thể không có "chuyên chế của đa số" mà vốn xúc phạm quy tắc dân chủ và vi phạm những nhân quyền bất khả xâm phạm. Thậm chí quyết định của đa số cũng có thể bao hàm sự thiếu sót hoặc thậm chí bất công. Do đó, một mặt sự bảo vệ đặc biệt những người thiểu số được hiến pháp bảo đảm, và mặt khác, việc công nhận kkeets quả bầu cử hay thất bại trong bầu cử  của bên thua cuộc - với điều kiện đây là một cuộc bầu cử (phần lớn) tự do và công bằng -là những thành tố của khái niệm dân chủ.
    Trong bối cảnh các xung đột lợi ích được quản lý một cách dân chủ, các đảng chính trị đại diện cho các lợi ích cụ thể. Chỉ khi các lợi ích tương phản nhau được công khai bày tỏ và các đảng cũng thuận lòng cho các đảng khác quyền đại diện cho lợi ích cụ thể của họ, và khi các đảng thoả thuận các nguyên tắc của trò chơi chính trị - ví dụ, nếu họ nhất trí trên nguyên tắc về hiến pháp dân chủ, thì mới có thể giải quyết xung đột trong một xã hội và hình thành các thỏa hiệp chính trị một cách thích hợp.
    Tất nhiên, sự tự do của các đảng phải được đảm bảo trong quá trình này. Điều đó có nghĩa là việc tạo ra các đảng phái chính trị phải thoát khỏi các hạn chế chính trị. Tuy nhiên, có thể có một số hạn chế đối với  sự thành lập các đảng công khai bác bỏ hiến pháp dân chủ của một đất nước. Tuy nhiên, về nguyên tắc, công dân phải có quyền lập ra một đảng, gia nhập một đảng và thể hiện bản thân một cách tự do trong việc này. Tự do đảng phái cũng bao gồm ý niệm cho rằng không ai có thể bị buộc phải gắn bó với một đảng nào đó hoặc tiếp tục ở lại trong đảng đó ngươcj lại với ý chí của mình -  như đã từng có trong một số quốc gia và có thể vẫn còn tồn tại. Khẳng định sự đa dạng của các đảng phái là một hệ quả tất yếu của việc công nhận nền dân chủ đa nguyên. Khái niệm cạnh tranh của nền dân chủ đối lập với quan điểm đồng nhất, mà giả định một sự thống nhất về ý chí của nhân dân.
    Triết gia chính trị học người Pháp, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đã tạo ra quan điểm này mà về mặt lý thuyết phủ nhận tính hợp pháp của các cuộc xung đột và định nghĩa dân chủ như danh tính của cả chính phủ và công dân. Khái niệm này không chấp nhận đa đảng. Đa đảng không được coi là hợp pháp, vì các đảng chắc chắn sẽ làm sai lệch "ý chí chung" bằng các hành vi cụ thể của họ. Sai lệch khỏi lợi ích chung đã được áp đặt và bắt buộc sẽ không được dung nạp trong lý thuyết này. Tuy nhiên, rõ ràng rằng khái niệm này là đặc trưng của quốc gia chuyên chế, nơi sự đa dạng của các đảng bị cấm và nơi mà các "ý chí chung" chỉ được xác định bởi một tầng lớp tinh hoa thống trị nhỏ. Do đó, các quốc gia độc tài toàn trị được xác định theo kiểu Rousseau. Cần lưu ý rằng ngay cả Rousseau không thể làm rõ "lẽ thường" này được phát hiện và quyết định như thế nào. Chúng ta phải nhận thức được rằng xã hội hiện đại được đặc trưng bởi sự đa dạng về lợi ích và thế giới quan. Xã hội cần các đảng chính trị như các thực thể trung tâm đại diện cho sự đa dạng về lợi ích trong hệ thống chính trị.

    1. 4. Chức năng của các đảng chính trị 
    • Đảng tìm hiểu và tổng hợp các mối quan tâm xã hội: Bên bày tỏ mong đợi của công chúng và nhu cầu của các nhóm xã hội đối với hệ thống chính trị (= chức năng về nêu quan điểm định chính trị).
    • Đảng tuyển dụng nhân sự chính trị và bồi dưỡng thế hệ các nhà chính trị tương lai: Đảng chọn người và giới thiệu họ làm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử (= chức năng lựa chọn).
    • Đảng phát triển các chương trình chính trị: Đảng tích hợp các quan tâm khác nhau vào một dự án chính trị tổng thể và biến nó thành một chương trình chính trị, mà họ vận động để có được sự đồng ý và ủng hộ của đa số (= chức năng tích hợp).
    • Đảng thúc đẩy xã hội hóa chính trị và sự tham gia của công dân: Đảng tạo ra liên kết giữa công dân và hệ thống chính trị, hiện thực hóa sự tham gia chính trị của các cá nhân và nhóm có triển vọng thành công. (= Chức năng xã hội và tham gia).
    • Đảng tổ chức chính phủ. Đảng tham gia bầu cử để chiếm quyền lực chính trị. Thông thường trong các nền dân chủ có đảng phái, một phần quan trọng của chính phủ xuất phát từ các đảng chính trị (= Chức năng thực thi quyền lực chính trị).
    • Đảng đóng góp vào tính chính danh của hệ thống chính trị: trong việc thiết lập kết nối giữa các công dân, các nhóm xã hội và hệ thống chính trị, các đảng đóng góp trong việc neo giữ trật tự chính trị theo ý thức của người dân và các lực lượng xã hội (= chức năng hợp chính danh).
    Để tham gia thành công vào tiến trình chính trị và góp phần vào sự củng cố nền dân chủ, đảng phái chính trị phải chứng minh năng lực nhất định. Trong khoa học chính trị, những năng lực này được gọi là "chức năng". Trong xã hội hiện đại, quá trình xây dựng ý kiến chính trị là một quá trình đa hình: Các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức xã hội, các hiệp hội, các sáng kiến công dân, cộng đồng tôn giáo và các hình thức hiện đại của thông tin liên lạc điện tử qua Internet, SMS, Facebook, Twitter và các cộng đồng ảo có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm chính trị và quyết định chính trị. Tuy nhiên, các đảng chính trị vẫn còn là các tác nhân chính để tổng hợp công luận và trình bày nó trong quá trình ra quyết định chính trị - và cuối cùng Đảng cũng có những quyết định chính trị thông qua đại diện trong quốc hội và chính phủ. Bằng cách theo dõi công việc của các đảng phái, nhận thức và đánh giá lập luận của các đảng trong các cuộc tranh luận chính trị, công dân có thể tự định hướng chính trị thông qua các đảng. Hơn nữa, bằng cách gia nhập một đảng, mọi công dân có thể thực hiện một ảnh hưởng nào đó đến quá trình ra quyết định chính trị.
    Ngoài các ứng cử viên của mình, chương trình chính trị là "hàng hóa" mà một đảng cung cấp cho cử tri. Các chương trình của đảng thực hiện đặc biệt hai chức năng chính: một mặt, chúng tìm hiểu quan tâm  của người (các đảng là các "cơ quan" của người dân) và mặt khác, đảng định hướng và ảnh hưởng đến ý kiến của người dân (đảng như là "tiền thân" của ý chí nhân dân, xem thêm 4.2).. Xem xét chương trình của đảng cử tri có thể đánh giá liệu đảng có đủ nhanh nhạy đối với các vấn đề xã hội và liệu họ có thể đề xuất các kiến nghị đầy đủ nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức.
    Đảng đối lập có chức năng chỉ trích chính phủ, kiểm soát nó và thiết lập lựa chọn thay thế mang tính xây dựng. Chức năng này có ý nghĩa lớn đối với một nền dân chủ, bởi vì nếu không có đối lập một chính phủ có xu hướng trôi dạt theo hướng tự mãn và kiêu ngạo và không thể tìm kiếm sự lựa chọn thay thế.
    Bằng cách hoàn thành các chức năng này, các đảng chính trị cung cấp các dịch vụ quan trọng cho xã hội được tổ chức theo phương thức dân chủ. Chất lượng của các đợt "Giao hàng", nghĩa là, cách thức mà các đảng truân thủ chức năng của mình, góp phần quyết định vào việc tạo nên danh tiếng và tiềm năng của các đảng phái chính trị.

    Nguồn:http://gocsan.blogspot.com/2013/09/political-parties-ang-phai-chinh-tri-p1.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org