Ted C. Fishman
Nguyễn Ước dịch
Napoléon có lời nhận xét
nổi tiếng rằng khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ run sợ. Dĩ nhiên Trung Quốc
không bao giờ thật sự thiếp ngủ. Trên thế giới, có những nước có thể bị tả một
cách tương đối là như đang ngủ. Trung Quốc hầu như không là một trong những nước
ấy.
Suốt thế kỷ vừa qua,
Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn không kém bất cứ xứ sở nào. Nó bị tả tơi
vì những cuộc nội chiến và các cuộc xâm chiếm thuộc địa. Tiếp theo cuộc Chiến
tranh Thế giới lần thứ hai, cuộc Cách mạng Cộng sản của Trung Quốc đã buông
cương cho các chính sách có tính ý thức hệ với sức mạnh lớn lao nhằm lập đi lập
lại trật tự cuộc sống riêng tư lẫn công cộng và thường dẫn tới kết quả tai họa.
Từ đầu tới cuối chương trình kinh tế được gọi là Bước đại nhảy vọt trong hai
năm 1959 và 1960, một giai đoạn trong đó Trung Quốc như thể người đang ngủ đối
với thế giới bên ngoài, năm chục triệu người răm rắp tuân theo các chính sách của
chính quyền, rời bỏ hẳn nông trang để di chuyển vào một tương lai kỹ nghệ. Sự
phá vỡ ấy góp phần gây nên một nạn đói lớn lao nhất do con người tạo ra, với tổng
số người chết đói trên 30 triệu.
Cách mạng kỹ nghệ của
Trung Quốc
Ngày nay, chắc chẳng ai
có ý kiến sai lầm rằng Trung Quốc là nước đang ngủ. Trung Quốc hiện trông có vẻ
rất khác, khác tận gốc, so với nó trước đây, khi bị cai trị bởi những kẻ duy ý
thức hệ cộng sản nghiêm ngặt nhưng quá khứ đó cũng mang lại kết quả phần nào
cho sinh lực hiện tại của xứ sở. Suốt hai thập niên vừa qua, nền kinh tế Trung
Quốc là một trong những phép lạ trên thế giới. Các con số thì có chút mơ hồ
nhưng theo báo cáo của các cơ quan quốc tế thì mức tăng trưởng của Trung Quốc
bình quân là 9% trong suốt thời kỳ 20 năm. Một mức tăng trưởng đủ nhanh để có
thể đưa lợi tức trung bình tại Trung Quốc lên gấp 4 lần và tạo ra giai cấp
trung lưu có thể chiếm tới một phần tư tổng số dân một tỉ người.
Ngày nay, dân chúng
Trung Quốc chuyển dịch hơn bao giờ hết với 300 triệu nông dân và cư dân sống tại
các làng quê đang kỳ vọng thế hệ sắp tới của họ sẽ chuyển lên sống ở các thành
phố lớn. Lần này kết quả của di chuyển sẽ không phải là nạn đói. Các nông trang
của Trung Quốc vẫn sản xuất tốt và cư dân mới của các thành phố gởi tiền về cho
thân nhân nơi quê cũ. Từ lúc bắt đầu các cải cách có tính thị trường và người
dân được phép lao động bên ngoài các kỹ nghệ bị nhà nước kiểm soát, người Trung
Quốc mở ra 125 triệu cơ sở làm ăn. Tổng số hiện hành là 85 triệu. So với nước Mỹ,
nơi người dân sống trong nền kinh tế thị trường từ hơn ba thế kỷ nay với 26 triệu
cơ sở làm ăn hoặc tính theo đầu người thì có tỉ lệ xấp xỉ với Trung Quốc.
Trung Quốc mở cửa
Sự tiến bộ đầy kinh ngạc
của Trung Quốc không chỉ do vấn đề mở cửa mà còn do vấn đề chuyển mọi cơ chế hướng
tới kinh tế thị trường, và trên hết, nối kết với hệ thống thương mại thế giới.
Sự thịnh vượng mới của
Trung Quốc chịu một ơn nghĩa nào đó đối với sự thất bại của các chính sách xã hội
thuở trước. Các nhà sản xuất trên thế giới càng ngày càng chọn Trung Quốc làm
nơi cư trú của họ và những khách mua hàng trên thế giới cần nhập khẩu hàng hóa
của Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ Mỹ kim mỗi năm, đều nhận thấy mình có lợi
thế trong tình trạng nghèo khổ tràn lan khiến người lao động lương rẻ phải vào
làm trong các xí nghiệp mới lập để sản xuất những hàng hóa có tổn phí thấp nhất
thế giới. Mỉa mai thay, thành công của Trung Quốc trong suốt 20 năm qua lại mắc
món nợ cay đắng đối với sự cai trị hà khắc của những kẻ theo Mao-ít, những kẻ
đã tạo ra các tiền đề cho một lực lượng sản xuất có kỷ luật, phí tổn thấp, để
ngày nay phục vụ các nhà tư bản của Trung Quốc và của thế giới.
Vì cách mà Trung Quốc hiện
đang sắp đặt các sinh lực của nó, nó là một xứ sở tiêu biểu cho phần còn lại của
thế giới với những cơ hội lớn lao nhất cùng những hiểm họa cũng lớn lao không
kém. Tính từ sự trỗi dậy của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng Kỹ nghệ
vào thế kỷ 19, không một xứ sở nào thách thức phần thế giới còn lại một cách lẹ
làng và đầy sức mạnh trên nhiều mặt trận như Trung Quốc
Thách thức của Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ
và Trung Quốc thì phức tạp. Hoa Kỳ cần cân nhắc từ mọi góc độ bất cứ hành động
nào có tác động lên những quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc, như thế giới dần dần
nhận ra, có thể cướp mất bất cứ công việc hãng xưởng nào của gần như bất cứ xứ
sở nào trong bất cứ ngành kỹ nghệ nào. Năm 2005, Trung Quốc cho thấy nền tài
chánh đang gia tăng của nó khiến nó có thể hành xử trên khắp thế giới. Ngày nào
cũng như ngày nấy, Trung Quốc có tới 2 tỉ công khố phiếu của Hoa Kỳ. Tháng Năm
vừa qua, Lenovo, công ty khổng lồ chế tạo máy điện toán do nhà nước Trung Quốc
làm chủ, đã thỏa thuận xong việc thương lượng để sở hữu phân xưởng sản xuất máy
điện toán cá nhân của IBM, và như thế, biến Lonovo thành công ty chế tạo máy điện
toán cá nhân lớn thứ ba trên thế giới. Sang tới tháng Sáu, một trong những công
ty dầu hỏa lớn của Trung Quốc gần như do chính quyền làm chủ, CNOCC [Công ty
khai thác dầu hỏa viễn duyên Trung Quốc] đánh một quả ngoạn mục dù cuối cùng
không đạt kết quả: nó đưa ra giá 18,5 tỉ Mỹ kim để mua UNOCAL, một công ti dầu
lửa khổng lồ của Mỹ.
Liệu những đề xuất đó có
thể không làm cả thế giới rúng động? Trung Quốc đã thành khách mua hàng hóa kỹ
nghệ và tài nguyên thiên nhiên, với tính háo thắng và được chào đón hầu như khắp
thế giới. Quả thật, hãy để sang một bên Hoa Kỳ trong bức tranh thương mại của
Trung Quốc thì thấy Trung Quốc đang bị thâm hụt mậu dịch lớn lao với các nước
khác trên thế giới khi nó mua những gì cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ
nghệ và đô thị. Nhưng việc hiến giá để mua UNOCL gây rúng động toàn bộ chính
quyền Hoa Kỳ, và Quốc hội Mỹ phải vội vã chận đứng bằng quyền lập pháp để cuối
cùng chấm dứt cuộc thương lượng.
Thành tố Nhân dân tệ
Vào tháng Bảy năm 2005,
Trung Quốc chiếm lĩnh hàng đầu các bản tin trên báo chí thế giới khi chính phủ
của nó điều chỉnh cách mà nó định giá đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc vẫn thường bị
công kích về việc giữ cố định hối suất tiền tệ của mình quá thấp so với đồng Mỹ
kim. Ðề xuất mới này là một cử chỉ có phần nào hướng tới điều mà các viên chức
tài chánh thế giới cổ vũ từ lâu.
Ðiều chỉnh tiền tệ của
Trung Quốc lên chưa tới 3% chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng nó là tin lớn tại Hoa
Kỳ và châu Âu, nơi chế độ tiền tệ của Trung Quốc gây lạm phát cho trị giá của đồng
Mỹ kim và đồng Euro khiến các nhà sản xuất tại Âu Mỹ khó cạnh tranh với các
công ty Trung Quốc. Biện pháp tiền tệ ấy chứng tỏ rằng Trung Quốc, từng có thời
bị xem là một nước có chính sách ngoại giao vụng về và các chính sách kinh tế vừa
ra lệnh vừa kiểm soát, ngày nay có đủ khả năng tinh tế cả ngoại giao lẫn tài
chánh. Với chỉ một cú lao xuống đột ngột, Trung Quốc trông như thể có thiện ý để
cho các nhà phê bình quốc tế thường chỉ trích nó — thí dụ Ngân khố Hoa Kỳ — thấy
rằng nó có thể nhân nhượng tới một mức nào đó trước nhu cầu của các đối tác
thương mại, trong khi nó đồng thời cũng đang thận trọng phục vụ cho các nhu cầu
của chính nó.
Bằng việc nâng trị giá
Nhân dân tệ, Trung Quốc tự ban cho nó có thêm sức mua trên các thị trường tài
nguyên thế giới. Trong lãnh vực năng lượng, trị giá thấp của tiền tệ Trung Quốc
đặt nó ở thế bất lợi trong thị trường năng lượng thế giới. Sự kiện này hầu như
không phục vụ các mục tiêu của một nước đang bị trói tay vì điện lực và xăng dầu
cho xe hơi xe tải. Trung Quốc thiếu điện kinh niên. Nhà nước thường bắt các
công ty hoặc các thành phố để đèn lờ mờ nhằm giúp các hạ tầng cơ sở điện lực bắt
kịp nhu cầu. Số lượng ô-tô của Trung Quốc đang tăng cực nhanh. Tới năm 2025, ước
lượng Trung Quốc sẽ dùng khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày — gấp đôi con số
tiêu thụ hiện nay. Việc nâng tiền tệ Trung Quốc lên cao hơn tỉ giá thấp một
cách giả tạo, giúp cho người tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc mua thêm điện
và góp phần giữ cho lạm phát xuống thấp.
Việc đánh giá lại tiền tệ
ấy cũng là tin lớn cho các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh, và châu Á, những nơi
đang cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô và được hưởng lợi khi khách hàng
Trung Quốc có thêm sức mua. Thế nhưng họ phải trả giá cho sự thịnh vượng của
mình. Khi Trung Quốc thiết lập được các cơ sở sản xuất của nó thì nó cũng lấy mất
công việc sản xuất có phí tổn rẻ hơn của các nước đang phát triển và các nước
phi kỹ nghệ hóa trong khi các nước ấy đã và đang phấn đấu suốt nhiều thập niên
qua để đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Thí dụ, Indonesia nhận thấy rằng công
nghệ làm giày của nó từng có thời phát đạt nay hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc.
Vô địch trong các chế độ
bất trị
Ảnh hưởng ngày càng tăng
trên thế giới cả hai mặt chính trị lẫn kinh tế làm phát sinh những vấn nạn khó
khăn cho các nước khác. Ngay cả Hoa Kỳ cũng là nước không chắc tìm được một chiến
lược quốc gia về phương sách đối phó với ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của
Trung Quốc vốn thường làm cho Hoa Kỳ bực mình vì bị tổn thương ảnh hưởng.
Trung Quốc đang quyết
chí lập quan hệ bền vững với với các chế độ mà Hoa Kỳ cùng các cường quốc khác
lâu nay muốn cô lập. Các chế độ tàn bạo ở Myanmar (Miến Ðiện trước đây), Sudan,
Zimbabwe đều hưởng lợi nhờ sự ủng hộ của Bắc Kinh và các lợi ích kinh doanh của
Trung Quốc. Nhưng về lâu về dài, những quan hệ ấy có thể chứng tỏ cho thế giới
thấy là chúng tiêu cực. Là nhà vô địch trong số các chế độ bất trị, Trung Quốc
có thể đóng vai trò mà các nước khác không thể đóng. Thí dụ, nó là nước chủ nhà
cho các cuộc đàm phán sáu quốc gia hồi tháng Chín đưa tới kết quả Bắc Hàn hứa từ
bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Nhân quyền
Tuy thế, suốt thời gian
vừa qua, ý nguyện của Trung Quốc trong việc làm dịu bớt các chế độ ít thơm tho
của thế giới có thể dùng để đánh giá thấp thành tích của ÐCSTQ trong việc đi
theo con đường riêng của nó về nhân quyền. Từ lâu, Trung Quốc không muốn chấp
nhận toàn bộ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền - một lãnh vực mà các siêu cường
khác có thể tuyên bố là họ đang giữ vị trí cao hơn. Dân chủ, tự do ngôn luận, tự
do tôn giáo và sự cai trị của luật pháp, may mắn lắm mới còn là những mục tiêu
xa xăm tại Trung Quốc. Thay vào đó, chính quyền hùng hổ tấn công nhằm dập tắt
các cuộc phản kháng, trong khi tìm cách nhấn mạnh các tiến bộ kinh tế và sự ổn
định xã hội của nhân dân như một tổng thể.
Trong năm 2005, theo tổ
chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Trung Quốc có hành động mạnh mẽ
chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo, cấm hành đạo, xuất bản sách báo và tập
quán y phục của thiểu số theo đạo Hồi Uighur ở miền tây tỉnh Tân Cương. Phật tử
Tây Tạng tiếp tục chịu những qui định nghiêm ngặt, cắt giảm những ngày lễ tôn giáo
của công chúng và cấm nhiều nghi thức truyền thống. Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh
tuyên bố sẽ chỉ định vị Ðạt Lai Lạt Ma sắp tới. Tổ chức Quan sát Nhân quyền
cũng tường trình rằng một số nhóm Tin lành và Pháp Luân công, một tổ chức tâm
linh có nhiều tín đồ bị bắt giam mà không được xét xử công bằng, bị tống vào
các trại lao cải hoặc bị giao cho các viện tâm thần. Vào đầu năm 2005, Bộ Ngoại
giao Mỹ cho công bố bản báo cáo năm 2004 của Bộ về nhân quyền tại Trung Quốc. Bản
báo cáo ấy ghi nhận rằng “chính quyền duy trì những nghiêm cấm chặt chẽ về tự
do ngôn luận và tự do báo chí, và đợt bắt giam vào cuối năm đó là dấu hiệu cho
thấy một chiến dịch mới nhắm vào các nhà văn nổi tiếng và các nhà bình luận
chính trị.”
Những bất định
Với sức mạnh liên tục của
mình, Trung Quốc dàn trải sự bất định trên cả hai lãnh vực chính trị lẫn kinh tế.
Ðang có những nghi ngờ rộng rãi rằng không biết sự tăng trưởng của Trung Quốc
có kéo dài không và không biết môi trường kinh doanh của nó có đáng tin cậy
không?
Một số quan tâm tập
trung quanh tâm trạng của người dân Trung Quốc, những kẻ dĩ nhiên phải chung
chia sự bất định đó hơn ai hết, và sẽ là những kẻ đầu tiên chịu đau khổ nếu trật
tự xã hội và kinh tế bị sụp đổ. Mặc dù di chuyển và gởi tiền về cho gia đình,
hàng trăm triệu người dân Trung Quốc nói chung bị gạt ra ngoài phép lạ kinh tế,
và tệ hơn nữa, cảm thấy mình bị nó trừng phạt. Theo các thống kê của Liên hiệp
quốc, số người nghèo nhất chiếm 20% trong tổng số 1,3 tỉ dân và chỉ chiếm 4,7%
tổng số lợi tức, trong khi những người những người giàu nhất cũng chiếm 20% tổng
dân số lại chiếm số lợi tức trên một nửa (> 50%).
Tại Trung Quốc, những cuộc
phản kháng vẫn tiếp tục gia tăng, thường xuyên hơn và nhiều người tham gia hơn.
Vào tháng Bảy năm 2005, Chu Dũng Cương, Bộ trưởng Công an của Trung Quốc, được
tường trình qua hãng Reuters rằng, có 74.000 “sự cố tập thể” (biểu tình và nổi
loạn) xảy ra trong năm 2004, tăng so với 58.000 vụ năm 2003 và 10.000 vụ năm
1995. Những sự cố ấy chủ yếu bị giới hạn tại địa phương; ÐCSTQ vẫn thừa sức mạnh
cưỡng bách và động viên cải thiện, giữ không cho những người bất đồng chính kiến
vượt quá ranh giới địa phương để liên kết nhau và lớn mạnh thành phong trào.
Ðảng lập được thành tích
về sự tăng trưởng kinh tế lạ thường, thế nhưng sau những biện pháp hứa hẹn và
trình diễn mà chỉ có ý nghĩa kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
khỏi vùng đất mơ mộng của nó, kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2005 lại tăng trưởng
tới hơn 9,4% so với nửa đầu của năm 2004. Những đảo lộn xã hội và kinh tế thường
là kết quả của những nhân tố mà thế giới ít biết tới, và thật là điên rồ khi
tiên đoán có phần nào chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chịu một sự đảo lộn
nghiêm trọng vào một thời điểm sớm sủa nào đó. Kinh tế của xứ sở này có trên một
tỉ “biến số” với ý nguyện tự do ngày càng tăng, và gần như hết thảy mọi người đều
thấy cuộc đời mình bị phá vỡ một cách có ý nghĩa vì sự thay đổi.
Quan hệ với các nước
khác
Ngoại trừ những gì không
biết ở bên trong Trung Quốc, một số bất định về tương lai Trung Quốc có xuất xứ
từ sự bất định về cách mà các nước khác có thể hành động đối với Trung Quốc, đặc
biệt Hoa Kỳ. Thí dụ, trên mặt trận kinh tế, năm 2005 Quốc hội Hoa Kỳ đã tranh
luận kịch liệt về thuế xuất nhập khẩu và những nghiêm cấm trên hàng hóa của
Trung Quốc, ngăn không cho các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các công ti sáp
nhập của Hoa Kỳ và chơi trò mua lại công ty, đồng thời thảo luận về sự đáp trả
mối đe dọa quân sự xuất phát từ Trung Quốc trong tương lai.
Cũng thế, Nhật Bản hiện
đối mặt với sự bất định ngày càng tăng trong quan hệ của nó với Trung Quốc. Năm
2005, người Trung Quốc bùng phát bạo động nhắm vào những lợi ích của Nhật Bản tại
Trung Quốc và duy trì những trao đổi ngoại giao căng thẳng do việc Nhật Bản
không chịu xin lỗi về những tàn ác mà họ gây ra tại Trung Quốc trong thế kỷ vừa
qua. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều tiếp cận vấn đề với sự thôi thúc mãnh liệt
của tinh thần dân tộc chủ nghĩa, và sự thù nghịch của đôi bên dường như ngày
càng tăng, không tránh khỏi.
Một đốm có thể coi như
sáng là sự cải thiện quan hệ của Trung Quốc với Ðài Loan, dù quan hệ này chẳng
phải không có vấn đề lớn. Năm 2005, cả hai xứ sở tiếp tục cùng nhau khiêu vũ một
cách tinh tế mà cho đến nay, giữ cho hòn đảo ấy được độc lập trên một qui mô lớn.
Về mặt tiêu cực, Trung Quốc vào tháng Ba vừa qua, đã thông qua đạo luật cho
phép dùng vũ lực chống lại Ðài Loan nếu vùng đất đó chính thức tuyên bố độc lập
đối với lục địa. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan
đều có thể đang muốn cân nhắc những chuẩn bị mang tính cấu trúc để đem cả hai tới
gần nhau hơn. Bằng một đề xuất cảm động nhưng nặng tính tượng trưng, Trung Quốc
tuyên bố vào tháng Năm rằng cho phép du khách lục địa được viếng thăm Ðài Loan.
Thức giấc nhìn thách đố
Trong hầu hết các cách
mà Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ và thế giới, các chiến lược làm thế nào để bám
trụ cạnh tranh với Trung Quốc và làm thế nào để phồn vinh khi những phát triển
của nước mình sẽ thành công hơn nữa nếu không tùy thuộc vào việc Trung Quốc
đang cố ý gây ảnh hưởng lên các lợi ích của thế giới. Ðúng hơn, những nước cạnh
tranh với Trung Quốc phải tìm ra giải pháp cho riêng mình. Thế giới, và có lẽ đặc
biệt Hoa Kỳ, làm hết sức để tránh lăng mạ xứ sở đó. Ðằng sau những gì có tính
kinh tế mà thế giới đang sợ hãi Trung Quốc thì có điều gì đó ngưỡng mộ. Sự điều
hành nền kinh tế mạnh mẽ của xứ sở ấy đã đem hàng trăm triệu người dân ra khỏi
vực sâu đói nghèo hun hút. Nó đã bắt đầu tạo ra một giai cấp trung lưu rộng lớn
nhất. Và nó lúc này là nơi tọa lạc của một số cơ sở sản xuất tốt nhất, so với bất
cứ nơi nào.
Một số người phản đối
cái nhìn ấy và vạch ra rằng Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản bị điều hành bởi
giới tinh hoa chỉ chăm lo cho quyền lực của mình hơn là chăm lo cho người dân
Trung Quốc. Ðiều ấy chẳng cần phải chối cãi. Tuy nhiên, chú mục vào tính tiêu cực
thì rất ít để ý tới sự tiến bộ gây kinh ngạc của Trung Quốc và không đưa ra được
chiến lược tốt nhất để ứng xử với nó. Bằng việc xem Trung Quốc như quỉ dữ thì
phần còn lại của thế giới sẽ ít hưởng lợi. Chúng ta hẳn sẽ tiến hành tốt hơn
trong việc nghiên cứu, và có thể miễn cưỡng ngưỡng mộ những sức mạnh đang càng
ngày càng tăng của xứ sở ấy - và dĩ nhiên, nhân dân năng động của nó. Nói cách
khác, bằng nhiều cách không chỉ Trung Quốc cần nhận ra, mà phần còn lại của
chúng ta cũng cần nhận ra.
Có thể đọc thêm:
- Peter Hays Gries, China’s New Nationalism: Pride, Politics, and Diplomacy (Tân dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc: lòng tự hào, sinh hoạt chính trị và ngoại giao), University of California Press, 2004.
- Kellee S. Tsai, Back-Alley Banking: Private Entrepreneurs in China (Giao dịch ngân hàng cửa hậu: các doanh gia tư nhân ở Trung Quốc), Cornell University Press, 2002.
- Rachel DeWoskin, Foreign Babes in Bejing: Behind the Scenes of the New China (Những người ngoại quốc thơ dại ở Bắc Kinh: hậu trường của Trung Quốc mới), W.W. Norton and Co., 2005.
Ted C. Fishman xuất thân là một doanh nhân. Ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc, trong đó có sách bán rất chạy, nhan đề China, Inc.: How the Rise of the Next Superpower Challenges America and the World (Liên hiệp công ty Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một siêu cường sắp tới thách thức Mỹ và thế giới như thế nào) 2005. Các bài viết của ông xuất hiện trên The New York Times Magazine, The Times of London, USA Today, và nhiều sách báo khác.
Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6259&rb=0402