Ðe dọa quyền tối thượng của Đảng

Posted on
  • Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Bruce J. Dickson
    Nguyễn Ước dịch

    Với sự nổi bật của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong Ðại hội Thứ 16 của Ðảng này vào tháng Mười Một năm 2002 bằng một ban lãnh đạo mới và một chương trình cập nhật hóa, hệ thống chính trị đang nắm quyền kiểm soát đó có triển vọng chính trị nào? 

    Giải quyết nhẹ nhàng việc chuyển giao quyền lực như vừa qua chứng tỏ một cấp độ ổn định có tính định chế chưa từng thấy bên trong giới tinh hoa chính trị (elites) của Trung Quốc. Và tuy hiện nay Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thì giờ để nhìn sự tàn lụi dần cái sức mạnh của hạ tầng cơ sở quần chúng, nạn nhân của nhiều trầm cảm phát sinh từ sự hội nhập tăng theo mức lũy tiến của Ðảng cùng với một xã hội đang thay đổi lẹ làng. Trong khi đó, các chính sách “cải cách và mở cửa” của Ðảng Cộng sản Trung Quốc có những hệ quả ngoài dự tính, làm yếu thêm viễn tượng về sự tiếp tục độc quyền chính trị của nó: vì khu vực tư nhân đang bành trướng, Ðảng không còn kiểm soát nơi chốn nhân dân ở và làm việc; vì sự lan rộng của việc tiếp cận internet, vô tuyến truyền hình qua vệ tinh viễn thông và truyền thông tự chọn, Ðảng không còn kiểm soát loại thông tin nào người dân đang có hoặc nó được phổ biến như thế nào; và vì sự kết hợp những lợi tức sẵn có để chi tiêu rộng rãi hơn và sự giải phóng chính trị, Ðảng không còn kiểm soát những gì dân chúng làm trong lúc nhàn rỗi. Ðể giải quyết những hệ quả đó, Ðảng dùng một sách lược mới. Trong chừng mực thiết yếu của sách lược đó, nó tái định hướng một cách có hiệu quả mối quan hệ của Ðảng với xã hội Trung Quốc, và tới một mức độ nào đó, phát sinh câu hỏi được nhiều người chia sẻ về sự sinh tồn lâu dài của một chế độ toàn trị đang giải phóng và hiện bị khống chế bởi một đảng độc nhất: việc thích nghi với môi trường kinh tế và xã hội mới sẽ làm mạnh hoặc quả thật làm yếu sự tiếp tục nắm quyền lực của Ðảng?

    Từ bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, nhiều nhà quan sát kỳ vọng rằng sự tiếp tục cải cách kinh tế và tư nhân hóa cùng hội nhập hệ thống quốc tế sẽ dẫn tới những phát triển kinh tế và rồi lần lượt đẩy mạnh những hình thức phát triển xã hội - đặc biệt sự ló dạng một xã hội dân sự, và tối hậu, sự khởi đầu mạnh mẽ công cuộc dân chủ hóa. Ðây là một quan điểm hấp dẫn, đặt căn bản trên những cái nhìn thấu suốt của lý thuyết về hiện đại hóa; chúng thường bị sỉ vả nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Tuy thế, sự thật thì phát triển xã hội và kinh tế chưa là đáp ứng “tự nhiên” đưa dân chủ tới gần: trong khi bị liên quan tới các cấp độ phát triển, dân chủ cũng là những diễn tiến chính trị rất cá biệt, được thúc đẩy một cách cá biệt bởi những người làm chính trị (cả bên trong lẫn bên ngoài chế độ). Ðảng Cộng sản Trung Quốc biết như thế nên nó hành động để ngăn chặn những yêu cầu mang tính tổ chức đang dậy lên từ bên ngoài Đảng nhằm mục đích thay đổi chính trị.

    Chiến lược của Ðảng Cộng sản Trung Quốc gồm hai mũi giáp công: nung đúc những quan hệ nặng tính liên hiệp và đồng thời bổ dụng giới tinh hoa kinh tế và kỹ thuật. [1] Vào đầu thập niên 1980, thấy sự thành lập vô số các tổ chức kinh tế, xã hội và chuyên gia, các quan chức của Đảng hoặc chính phủ bắt đầu khống chế các chức vụ chóp bu của nhiều tổ chức đó, cho phép nhà nước bỏ rơi ngay tức khắc những “khát vọng chuyên chế” của nó và duy trì sự kiểm soát có liều lượng trên các nhóm có ảnh hưởng nhất trong xã hội. [2] Vì lý do ấy, rất ít các tổ chức đó được hưởng ngay cả mấp mé cái cấp độ tự quản mà các kiểu mẫu có tính tiêu chuẩn hóa của “xã hội dân sự” đòi hỏi. Có điều không tổ chức nào tìm kiếm cấp độ tự quản ấy, vì tại Trung Quốc, tự quản thì giống như bất lực. Thay vào đó, họ thích được nằm sâu bên trong nhà nước, không khác gì ý thích của các tổ chức tương tự tại hầu hết các nước Ðông Á và các xứ đang phát triển. [3]

    Trong khi đó, Ðảng tuyển mộ loại chuyên gia kinh tế và kỹ thuật cần thiết để đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa kinh tế. Ở đây, lý do cơ bản tự nó có hai nếp gấp: thứ nhất, Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn được móc nối với những loại người nó cần để thúc đẩy tăng trưởng liên tục mà vốn là nguồn gốc chủ yếu của lời tuyên xưng đương đại của Ðảng về sự cai trị có tính chính thống của nó. Thứ hai, Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn ngăn chặn những nỗ lực phát xuất từ các nhóm tinh hoa mới này nhằm hoặc thành lập các nhóm của chính họ trong vị trí đối lập với Ðảng hoặc đứng chung hàng ngũ với những kẻ đối lập với chế độ. Loại bổ dụng này không giống với lối xây dựng Đảng từ trước tới nay của Ðảng Cộng sản Trung Quốc với đối tượng Đảng là người dân thường - chủ yếu là người lao động và nhà nông - và tiến hành công tác đó bằng việc lập các tiểu tổ tại chỗ họ sinh sống và làm việc. Nhưng hiện nay, Ðảng ngày càng đặc biệt ra sức nhấn mạnh tới những người có tài năng phát triển kỹ thuật và doanh nghiệp: trong khi có khoảng 5% dân số tùy thuộc vào Ðảng thì tỉ lệ đảng viên trong giới doanh gia tư nhân từ 13% năm 1993 lên tới khoảng 20% năm 2000. Ngược lại, các công nhân kỹ nghệ và nông nghiệp hiện nay chiếm phần thiểu số trong tổng số đảng viên, họ từ 63% năm 1994 xuống còn 45% năm 2002. Ðảng cũng tạo ưu tiên để thu hút các chuyên gia có học. Tỉ lệ đảng viên có trình độ giáo dục trung học hoặc cấp cao hơn từ 17.8% năm 1984 lên tới 52.5% năm 2002. Và trong Ban Chấp hành Trung ương của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, tỉ lệ các ủy viên có bằng đại học hoặc cao đẳng từ 55.5% năm 1982 lên tới 98.6% năm 2002, còn tỉ lệ của những người có bối cảnh kỹ thuật (nghĩa là khoa học, kỹ thuật hoặc quản trị) từ chỉ 2% năm 1982 lên tới 57% năm 1997. Cả 9 ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị được tuyển chọn hồi tháng Mười Một năm 2002 đều là chuyên gia khoa học kỹ thuật.

    Hậu quả của những chuyển đổi này là Ðảng Cộng sản Trung Quốc tái định nghĩa mối quan hệ của nó với xã hội Trung Quốc - một sự tái định nghĩa được diễn tả bằng khẩu hiệu “Tam đại biểu - Ba đại diện”: Thay vì mô tả mình đơn giản là người tiên phong của giai cấp vô sản, Ðảng lúc này tuyên bố đại diện cho: 1. “các lực lượng sản xuất tiên tiến” của xã hội, nghĩa là đặc biệt các giai cấp trung lưu thành thị càng ngày càng đông đảo, gồm các nhà kinh doanh, các chuyên viên, các chuyên gia kỹ thuật cao; 2. sự cổ vũ “văn hóa tiên tiến”, như đối lập với những truyền thống “phong kiến” hoặc chủ nghĩa duy vật chất hiện đại; và 3. các quyền lợi của đại đa số nhân dân Trung Quốc. Chính sự tái định hướng này của Ðảng, hơn bất cứ những sắp xếp việc kế thừa được định chế hóa ở cấp thượng đỉnh, tạo ra tiềm năng thật sự cho sự thay đổi chính trị.


    Cấm hay không cấm

    Cả hai sách lược ấy đều có nguy cơ: một đằng, các tổ chức mới có thể tự triển khai bản sắc của chúng và từ khước quyền lãnh đạo của Ðảng; đằng khác, các đảng viên mới ấy có thể đẩy Ðảng tới hướng tuyệt thông với các thành phần cơ bản và chính thống của nó. Và quả thật, chính những quan tâm này làm dậy lên những cuộc tranh luận hiềm khích bên trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc suốt thập niên 1980, đặc biệt về tư cách đảng viên của doanh gia. Vào tháng Tám năm 1989 - không lâu (cũng không phải ngẫu nhiên) sau khi chế độ buộc lòng phải đàn áp những cuộc biểu tình thân dân chủ của quần chúng trong năm đó tại Bắc Kinh và hàng trăm thành phố khác ở Trung Quốc - các lãnh tụ chính thống của Ðảng Cộng sản Trung Quốc cấm ngặt việc kết nạp doanh gia. Lệnh này làm chậm lại sự sinh sôi nảy nở của thành phần doanh gia trong Ðảng nhưng còn lâu lắm mới chấm dứt được sự kết nạp đó: các viên chức Ðảng địa phương thường làm lơ lệnh cấm ấy, trong khi các đảng viên hiện hành thì xói mòn nó bằng việc bản thân họ càng ngày càng đi vào doanh nghiệp tư nhân.

    Suốt thập niên 1990, tính chất thích đáng hay không của lệnh cấm ấy được thảo luận kỹ lưỡng trên các tạp chí của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Người ủng hộ thì ghi nhận sự mâu thuẫn giữa các biểu đồ nhân số đang thay đổi của Ðảng và truyền thống xã hội chủ nghĩa trong việc ủng hộ các quyền lợi của người lao động, đặc biệt của tầng lớp nông dân, chống lại những kẻ thuộc về tư bản tư nhân, đồng thời cảnh cáo rằng số lượng ngày càng tăng các doanh gia ở trong Ðảng đang xói mòn tính chặt chẽ của Ðảng và thậm chí đang đe dọa sự sống còn của Ðảng. Người chống lại lệnh cấm thì đưa lời tranh cãi thực dụng hơn. Họ tuyên bố, các doanh gia mới này sở dĩ thành công là do bởi các chính sách của Ðảng, và không nên trừng phạt họ vì họ làm theo chính sách của Ðảng; thêm nữa, sự thành công của họ làm lợi cho Đảng và cho đất nước bằng việc tạo ra công ăn việc làm mới và gia tăng sự thịnh vượng chung, qua đó nâng cao tính chính thống của chế độ; và cuối cùng, nếu các doanh gia tiếp tục bị cấm vào Ðảng thì lúc đó họ có khả năng tổ chức chống lại Ðảng, vì các tài nguyên kinh tế ngày càng tăng của họ sẽ chuyển đổi, một cách không tránh được, thành sức mạnh hoặc ảnh hưởng chính trị.

    Vào ngày 1 tháng Bảy năm 2001, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Giang Trạch Dân chính thức thúc giục hủy lệnh cấm đó - nhưng ông thất bại, kể cả việc giải quyết vấn đề đó. Các sách báo xuất bản dùng đường lối Mác-xít chính thống để phê bình kịch liệt và chỉ trích rằng lời phát biểu ấy của họ Giang làm hại quyền lợi của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, rồi họ đi rất xa tới độ cáo buộc ông vi phạm kỷ luật Ðảng qua việc đề nghị một sáng kiến gay cấn như thế mà không có sự xem xét cặn kẽ và thích đáng trong nội bộ Ðảng. Giang phản ứng bằng cách đóng cửa các tạp chí đó và như thế, bịt miệng tiếng nói công khai của chủ nghĩa Mác chính thống của Ðảng. Trong kỳ họp quốc hội tháng Mười Một năm 2002, đề nghị kết nạp doanh gia và lý thuyết của họ Giang về “tam đại biểu” được ghi bổ sung vào bản Hiến pháp nhưng cuộc tranh luận ấy vẫn tiếp tục nơi hậu trường. Kẻ chống lại sự bổ sung đó thì tranh cãi rằng chính sách kinh tế mới của Trung Quốc làm chuyển thể xã hội Trung Quốc và có nguy cơ tạo ra sức ép chính trị theo một cách thức và trên một qui mô mà sẽ đưa sự cai trị của Ðảng tới một chung cuộc. Người ủng hộ thì phản bác rằng việc đi theo định nghĩa mới về vai trò của Ðảng và việc mở hàng ngũ Ðảng ra cho các quyền lợi kinh tế đa dạng của Trung Quốc đương đại (mà trong quá khứ, nhiều đại diện của nó bị bức hại như là các “kẻ thù của giai cấp”) sẽ giúp tăng cường chứ không làm tiêu hao quyền cai trị của Ðảng.

    Cùng lúc đó, hiện ra rõ ràng trước mắt là các tổ chức quần chúng của Ðảng đang bị phân rã. Trong khi Ðảng có mặt ở mọi chốn lao động của nền kinh tế qui hoạch thuở trước, thì nay rõ ràng là nó vắng mặt tại những chốn lao động của khu vực tư nhân đang ngày càng tăng. Ðảng Cộng sản Trung Quốc nay chỉ phát triển được cơ sở không tới 1% trong hơn một triệu rưỡi các xí nghiệp tư nhân đang xuất hiện trên toàn xứ sở và nó chỉ tuyển mộ được một ít đảng viên trong các lực lượng lao động. Ở nông thôn, đất sống của 70% trong tổng số 1.3 tỉ dân số Trung Quốc, vào giữa thập niên 1990, Ðảng tuyên bố có một nửa các tổ chức nông thôn của Ðảng không hoạt động vì hiếm có người chịu gia nhập Ðảng. Dù Ðảng bỏ ra nhiều nỗ lực để tái tiếp tế sinh lực cho các cơ sở của mình ở nông thôn, những báo cáo về tình trạng èo uột của chúng và mức gia nhập thấp vẫn tiếp tục được gởi lên trên và chuyền quanh. Người ta ước lượng có khoảng 2,5 triệu đảng viên, hầu hết là thanh niên, đang gia nhập “dân số nổi trôi” của đám dân thiên di tìm việc làm tại các thành phố. Như thế, sự có mặt của Ðảng tại vùng nông thôn lại yếu ớt thêm. Ðối với hệ thống Lênin-nít, thành tố quyết định của nó là năng lực giám sát và phê chuẩn động thái kinh tế và xã hội; hệ thống ấy có được ổn định hay không là tùy vào năng lực thiết yếu đó. [4]Như Samuel P. Huntington ghi nhận, sức mạnh của bất cứ chế độ toàn trị độc đảng nào cũng tùy thuộc, trên một qui mô lớn, vào sức mạnh của đảng cai trị. Khi đảng suy yếu thì chế độ mất ổn định. [5]

    Liên hiệp chủ nghĩa và bổ dụng, hai sách lược song sinh của Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể nói là tương tự với hai thành tố gom vào  loại trừ của chủ nghĩa liên hiệp của nhà nước mà Alfred Stephan nhận ra: Ðảng Cộng sản Trung Quốc muốn gom vào nó những người nào thuộc giới tinh hoa về kinh tế và kỹ thuật mà không đe dọa nó bằng một nghị trình chính trị khác, đồng thời nó muốn loại trừ những người nào có khả năng đe dọa nó; Ðảng muốn gom vào nó các phần tử nào, các mảng nào của xã hội dân sự đang xuất hiện mà kinh tế là quyền lợi chủ yếu của chúng không thành vấn đề đối với nó; cùng lúc đó, Ðảng loại trừ và thỉnh thoảng đàn áp các phần tử thích tranh luận chính trị và có nhiều khả năng tạo ra thách đố cho Ðảng, thí dụ, Ðảng Dân chủ Trung Quốc hoặc Pháp Luân Công, một tập đoàn gần như có tính cách tôn giáo và hấp dẫn quần chúng. Như Michael W. Foley và Bob Edward ghi nhận, nếu một xã hội dân sự đầy khí lực là thiết yếu cho các nền dân chủ ổn định thì nó lại có khuynh hướng tạo thành nguy cơ lớn lao cho các chế độ toàn trị. [6] Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rất rõ sự dị biệt giữa lãnh vực kinh tế bên trong xã hội dân sự của Trung Quốc, một lãnh vực mà quyền lợi của nó tương hợp với quyền lợi của Ðảng, với lãnh vực chính trị nhỏ hơn mà nguy hiểm hơn đang tiềm tàng sự thách đố. [7] Sách lược mà Ðảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra là ôm chặt lãnh vực kinh tế, trấn áp lãnh vực chính trị, và ngăn chặn sự ly khai chống lại Ðảng của giới tinh hoa kỹ thuật và kinh tế. Như kẻ đánh bạc liều lĩnh, Ðảng cho rằng sách lược ấy là đúng đắn và có thể thực hiện lâu dài, nhưng như Ken Jowittt đã cảnh cáo, rằng chính giai đoạn gom vào này có thể là bước đi trước làm tuyệt chủng, một cách giản dị, các đảng Lênin-nít hơn là ngăn chặn sự tuyệt chủng đó. [8]


    Cái gì đang lâm nguy

    Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang héo hon vì những đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống của họ. Thật không dễ thấy sự mỏng manh của Ðảng Cộng sản Trung Quốc vì từ năm 1989 tới nay, nó không phải đối mặt với một thách đố trực tiếp nào trong lúc phải xoay xở để sống sót với những phí tổn cực lớn cho uy tín của nó ở bên trong Trung Quốc và tiếng tăm của nó ở hải ngoại. Kể từ lúc đó, những người phản kháng cũng thận trọng để sống sót dưới hình thức tổ chức lỏng lẻo và không liên kết nhau, đồng thời tránh việc chất vấn về căn bản chính thống của hệ thống chính trị của chế độ hiện hành. Nhưng bất chấp những thận trọng đó, sự phản kháng đang ngày càng tăng trên khắp xứ sở, ở cả thành thị lẫn nông thôn. [9] Hầu hết những sự cố ấy đều liên quan tới các vấn đề cơ bản: tiền lương không trả, hợp đồng bị cắt ngang, tịch thu tài sản, đánh thuế phi pháp, các giấy hẹn thay cho tiền mặt dùng chi trả các hợp đồng cung cấp lúa gạo và các loại thực phẩm khác, và vân vân. Ðảng Cộng sản Trung Quốc đối phó lại bằng một hỗn hợp củ cà rốt và cây gậy, vừa đáp ứng các yêu cầu về tiền bạc của những người phản kháng, vùa bắt bỏ tù những kẻ đứng đầu các cuộc phản kháng.

    Một cách kiên quyết và thỉnh thoảng tàn nhẫn, Ðảng bảo vệ sự độc quyền của nó đối với các hội đoàn có tính chính trị. Thậm chí một phong trào cực kỳ vô hại như phong trào khuyến khích sinh viên bảo vệ môi sinh bằng cách đừng dùng loại đũa chỉ dùng một lần, cũng đã cẩn thận không tự tổ chức mình, vì sợ bị đánh giá là một nhóm có tiềm năng đối lập và rồi những người đứng đầu phong trào có nguy cơ bị đuổi học hoặc thậm chí bị bỏ tù. Sự vắng mặt các cuộc phản kháng có qui mô lớn sau một thập niên có những gương mẫu đặc biệt - từ Bức tường Dân chủ năm 1978-79 tới những cuộc phản kháng của đại chúng tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 - không thể được đánh giá một cách đáng tin cậy là dân chúng đang mãn nguyện, nhưng đó chỉ là phản ứng “có lý trí” trước một chế độ từng chứng tỏ nó “máu lạnh” tới ngần nào trong ý chí trấn áp và khả năng trấn áp những ai đòi hỏi thay đổi chính trị sâu rộng hơn. [10] Dù chế độ ra sức đặt căn bản tính chính thống của nó trên sự phát triển kinh tế, nhưng đi kèm với phát triển kinh tế là sự gia tăng của tham nhũng và bất bình đẳng, mỉa mai thay, cùng lúc, đã và đang xói mòn tính chính thống. Có điều tự thân sự ủng hộ yếu ớt mà nhân dân đang dành cho Ðảng không đe dọa nền cai trị của Ðảng. Như Adam Przeworski tranh cãi rằng: Sự chú ý mà người ta dành cho “tính chính thống” của một chế độ thường bị đặt sai chỗ: cái quan trọng hơn (sự ủng hộ của nhân dân) là sự thiếu vắng cái có khả năng thay thế có hiệu quả. [11] Và Ðảng Cộng sản Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn cái có khả năng thay thế nó. Nó bằng lòng chấp nhận con số ngày càng tăng những cuộc biểu tình rời rạc, trong chừng mực chúng đừng hiệp nhất hoặc tổ chức thành nhóm quyền lợi xã hội có thể hoạt động lâu dài. Ðiều ấy cho phép Ðảng tiếp tục đàn hồi, khi co khi giãn, trong việc tối thiểu hóa nhu cầu thích nghi về chính trị. Nhưng nó cũng có ý nghĩa rằng không có một lực lượng xã hội tự quản và chặt chẽ mà khi lâm vào thời kỳ khủng hoảng, Ðảng có thể thương thảo với nó để hoặc đưa tới một giải pháp êm thắm hoặc một sự chuyển tiếp được “thỏa ước” rất đỗi khó khăn.

    Thay đổi chính trị và xã hội đang diễn ra tại Trung Quốc có những hệ quả chính trị nào? Suốt kỷ nguyên sau Mao, nhiều người quan sát ghi nhận sự bất tương hợp của các định chế Lênin-nít và nền kinh tế thị trường đang tăng trưởng; họ tiên liệu rằng tới một lúc nào đó, các hệ thống chính trị và kinh tế ấy sẽ đưa tới một hòa điệu căn bản, có thể bằng cải cách có tính dân chủ hơn là bằng sự khôi phục việc qui hoạch có tính tập trung. Cho tới lúc này, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang gây trở ngại cho các kỳ vọng đó và sự bất tương hợp ấy vẫn còn. Dù vậy, nhiều người quan sát vẫn tiếp tục mường tượng rằng công cuộc chuyển thể Trung Quốc thành một thực thể dồi dào sinh lực với tiềm năng thương mại lớn lao cuối cùng sẽ đưa tới sự chuyển tiếp dân chủ tương đối êm thắm. [12] Nhưng không phải ai cũng lạc quan như thế. Những khủng hoảng kinh tế và tài chánh đang hiện ra lờ mờ ở Trung Quốc khiến một số người tiên đoán sự sụp đổ của chính quyền Trung Quốc, dù trong số những người ấy chẳng ai có tham vọng tiên đoán sự sụp đổ ấy sẽ xảy ra vào thời điểm nào hoặc sau sự sụp đổ sẽ là cái gì. [13]

    Cả hai viễn ảnh kể trên đều bỏ sót các khía cạnh quan trọng của toàn cảnh. Người tin rằng sự chuyển thể chế độ của Trung Quốc đi liền với, một cách không tránh được, sự hiện đại hóa kinh tế, đã không để ý tới vấn đề tác nhân trung gian - nghĩa là vấn đề ai sẽ lãnh đạo cuộc chuyển thể và nó sẽ cho cuộc chuyển thể đó một hình thù như thế nào; trong bối cảnh toàn trị, sự dân chủ hóa là kết quả không thể tránh của sự tăng trưởng kinh tế hơn là hậu quả hành động của các lãnh tụ chính trị bên trong chế độ và các lực lượng dân chủ bên ngoài xã hội nói chung. Hầu hết các doanh gia tư nhân và giới tinh hoa kỹ thuật của Trung Quốc đều cho thấy họ ít quan tâm tới việc cổ vũ cho dân chủ hóa. Cộng đồng của những người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc đã và đang bị Ðảng xói mòn rất hiệu quả bằng cách bỏ tù hoặc trục xuất ra nước ngoài những lãnh tụ nổi tiếng nhất; trong khi đó, giữa các lãnh tụ ấy lại có xung khắc cá nhân và không tín nhiệm nhau - đặc biệt giữa những người sống lưu vong - gây trở ngại cho một sự hợp tác có hiệu quả hoặc tuyên truyền một thông điệp hợp nhất.

    Xét theo chuỗi tình huống ấy thì thật khó xác định một trung gian nào có khả năng làm tác nhân cho công cuộc đổi thay chính trị có tính dân chủ. Mặt khác, người tiên đoán sự sụp đổ của chế độ cộng sản thì không để ý tới những tài nguyên chính trị mà Ðảng hiện có: các tổ chức có tính chính trị, nghĩa là sự tiếp tục vắng mặt của tổ chức đối lập, và sự tiếp tục chấp nhận Ðảng Cộng sản Trung Quốc của hầu hết nhân dân Trung Quốc như một loại hình sinh hoạt chính trị độc nhất hiện có trong nước. Cùng lúc ấy, Ðảng tiếp tục là nguồn bảo trợ chủ yếu cho công ăn việc làm và các cơ hội kinh doanh. Ðảng cũng đang tự quấn quanh thân nó lá quốc kỳ Trung Quốc giữa lúc lòng yêu nước đang gia tăng, biến sự phê bình Ðảng thành một hành động trông có vẻ không ái quốc. Thêm nữa, Ðảng làm cho quần chúng nản lòng ủng hộ sự đổi thay chính trị bằng sự nơm nớp sợ hãi rằng sẽ có tình trạng bất ổn đi liền với công cuộc dân chủ hóa. Và nhiều người tại Trung Quốc chấp nhận lời tuyên bố của Ðảng Cộng sản Trung Quốc rằng chế độ dân chủ thì không thích hợp với nền văn hóa Trung Quốc, vì thế, làm giảm thiểu thêm nữa cái sức ép buộc Ðảng phải cam kết cải cách chính trị sâu rộng hơn.


    Loay hoay mày mò mãi 

    Trong các điều kiện ấy, kịch bản có khả năng xảy ra nhất về một tương lai có thể thấy trước là Ðảng Cộng sản Trung Quốc loay hoay mãi với sách lược thích nghi có giới hạn của nó, liên hiệp các quyền lợi mới trong khi đề kháng sức ép của khát vọng thay đổi chính trị. Ðây không chỉ là kịch bản có khả năng xảy ra nhất mà còn là kịch bản tốt lành nhất đối với Ðảng Cộng sản Trung Quốc, vì những đổi thay đang diễn ra về xã hội và chính trị có khuynh hướng làm tiêu hao hơn là làm vững mạnh địa vị đảng cai trị của nó. Có khả năng xảy ra là sự tăng trưởng kinh tế và tư nhân hóa sẽ làm Ðảng suy yếu qua sự tiếp tục băng hoại của các tổ chức quần chúng của Ðảng và sự tiếp tục suy yếu khả năng của Ðảng trong việc giám sát và kiểm soát các khuynh hướng xã hội đang chiếm ưu thế.

    Trong khi Trung Quốc đang kinh qua cải cách chính trị nhiều hơn các nhà quan sát thừa nhận, [14] thì sự qui hoạch cải cách đó làm cho hệ thống toàn trị hoạt động hữu hiệu hơn chứ không làm cho nó đáp ứng hơn sức ép đòi thay đổi của xã hội. Cùng lúc đó, không thể chối cãi rằng các sức ép ấy đang gia tăng. Câu hỏi là liệu Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể điều tiết chúng trong khuôn khổ Lênin-nít thiếu yếu của nó hay không. Và căn cứ vào lịch sử của Ðảng Cộng sản Trung Quốc và kinh nghiệm của các đảng Lênin-nít khác, câu trả lời có khả năng là không. Trước hết, chủ nghĩa Lênin bất tương hợp với sự xuất hiện một xã hội dân sự chính cống; khát vọng chủ yếu của các đảng ấy là nhấn mạnh lên đường dọc của quyền lực và ngăn chặn các loại dây liên kết hàng ngang của các tổ chức tự trị vốn là nền tảng của xã hội dân sự. Thứ đến, Trung Quốc thiếu các định chế có khả năng làm kênh vận chuyển sự tham gia chính trị mà yêu cầu mỗi ngày một tích cực hơn. Chính xác là vì Ðảng Cộng sản Trung Quốc quá hữu hiệu trong việc bảo vệ độc quyền chính trị của nó và việc trấn áp thật sự các tổ chức tự quản nên sự phản kháng của quần chúng có khuynh hướng leo thang, và tới khi xảy ra thì nó vượt quá tầm kiểm soát. Hễ lúc nào Ðảng Cộng sản Trung Quốc tỏ vẻ đang cân nhắc hoặc đang khích lệ cải cách chính trị thì lúc đó, các biến cố xảy ra trầm trọng thêm từng ngày cho tới khi lãnh đạo Ðảng cảm thấy bị thúc ép phải ra tay đàn áp các phong trào cá biệt của quần chúng đang tạo sức ép đòi cải cách. Ðiều này rất đúng với thời kỳ Bức tường Dân chủ năm 1978-79, với những thử nghiệm các cuộc bầu cử địa phương đầu thập niên 1980, với những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1986-87, và thêm lần nữa, với thời kỳ có những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn và những nơi khác năm 1989. Ngày nay, bất chấp thực tế đang diễn ra sự giải phóng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc miễn cưỡng thảo luận công khai về khả năng có sự cải tổ chính trị được bảo trợ một cách chính thức vì họ sợ mình sẽ thêm lần nữa mở chiếc cửa ngăn không cho lũ lụt tràn vào.

    Như thế, Ðảng Cộng sản Trung Quốc bị thúc ép bởi các hành động của nó trong quá khứ và đặc biệt bởi các quyết định của nó nhằm trấn áp sự phản kháng chính trị có tổ chức và nhằm ngăn chặn sự hình thành các tổ chức tự quản. Lãnh đạo Ðảng biết điều đó, và họ cẩn thận phối trí những chuẩn bị việc kế thừa, thiết kế các sách lược về chủ nghĩa liên hiệp có giới hạn và về bổ dụng để làm nản lòng những ai đang nuôi hy vọng rằng có khả năng sớm xảy ra một cuộc cải tổ chính trị nào đó. Một số nhà lãnh đạo toàn trị, bằng những thiết kế khác, đã đánh giá quá cao sự ủng hộ của quần chúng, với niềm tin rằng mình sẽ sống sót và khởi sắc. [15] Nhưng không có vẻ như giới lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một quyết định sai lầm chiến thuật như thế.

    Hệ quả là các viễn ảnh về một nền dân chủ tại Trung Quốc thì liên quan trực tiếp tới chính số phận của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Có vẻ như Trung Quốc không kinh qua sự dân chủ hóa cùng với sự liên tục của chế độ như Ðài Loan và Mexico đã làm. [16] Nghĩa là, cho dù Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể sống sót dưới một hình thức nào đó sau cuộc chuyển tiếp, và cho dù nhiều quan chức của Ðảng có thể ở lại một cách tích cực trong một chế độ hậu cộng sản - như trường hợp nhiều chính phủ ở Ðông Âu và cựu Liên Xô - nếu đất nước Trung Quốc có trở thành dân chủ thì cốt yếu nằm ở chỗ Ðảng Cộng sản Trung Quốc phải chi trả phí tổn cho cuộc chuyển tiếp đó. Chỉ sự suy thoái của Ðảng Cộng sản Trung Quốc mà thôi thì không đặt được quá trình tiến tới dân chủ cho bất cứ tương lai hậu cộng sản nào. Nhiều nơi ở châu Á đang có “nền dân chủ hẹp hòi”, và một nền dân chủ được củng cố đầy đủ thì hầu như không là tiêu chuẩn trong phần còn lại của thế giới hậu cộng sản. [17] Như hết thảy chúng ta đều thấy trong nhiều trường hợp, sự kết liễu của chủ nghĩa cộng sản không bảo đảm cho sự bắt đầu một chế độ dân chủ.


    Bruce J. Dickson là phó giáo sư môn khoa học chính trị và các sự vụ quốc tế tại Ðại học George Washington. Ông là tác giả bảy cuốn sách về Trung Quốc, trong đó dặc biệt có Red Capitalism in China: The Party, Private Entrepreneurs, and Prospect for Political Changes (Chủ nghĩa tư bản đỏ tại Trung Quốc: Đảng, các doanh gia và viễn ảnh thay đổi chính trị, 2003) và Democratization in China and Taiwan: The Adapbility of Leninist Parties (Dân chủ hóa tại Trung Quốc và Ðài Loan: khả năng thích nghi của các đảng Lênin-nít, 1997), và là biên tập viên cộng tác của tạp chí Problems of Post-Communism (Các vấn đề thời hậu cộng sản).

    Bản tiếng Việt © 2006 talawas


    [1]Xem: Ken Jowitt, New World Disorder: The Leninist Extinction (Vô trật tự thế giới mới: sự tuyệt chủng của những người theo thuyết Lê-nin), Berkeley: University of California Press, 1992, 88-120. Cũng xem cuốn của tôi: Red Capitalists in China: The Party, Private Entrepreneurs, and Prospects for Political Change, New York: Cambridge Univerity Press, 2003.
    [2]Xem: Gordon White, Jude Howell và Shang Xiaoyuan, In Search of Civil Society: Market Reform and Social Change in Contemporary China (Ði tìm xã hội dân sự: Cải cách có tính thị trường và thay đổi xã hội tại Trung Quốc đương đại), Oxford: Oxford University Press, 1996; Mixin Pen, “Chinese Civic Assosiation: An Empirial Analysis,” Modern China 24: (“Hội đoàn công dân tại Trung Quốc: một phân tích theo kinh nghiệm,” Tạp chí Trung Quốc hiện đại số 24, tháng Bảy 1998), 285- 318; Tony Saich, “Negotiating the State: The Development of Social Organizations in China,” China Quartely 03.2000 (Thương thảo với nhà nước: sự phát triển các tổ chức xã hội tại Trung Quốc,” Trung Quốc Quí San tháng Ba 2000), 124-41.
    [3]Xem: Peter Evans, Embedded Autonomy: States and Industrial Transformation (Sự tự quản bị giữ riết: Nhà nước và sự chuyển thể kỹ nghệ), Princeton: Princeton University Press, 1995.
    [4]Andrew G. Walder, “The Decline of Communist Power: Elements of a Theory of Institutional Change”, Theory and Society 23 (“Sự sa sút của quyền lực Cộng sản: các yếu tố lý thuyết về thay đổi định chế,” Tạp chí Lý thuyết và Xã hội số 23, tháng Tư 1994), 297-323.
    [5]Samuel P. Huntington“Social and Institutional Dynamics of One-Party Systems” (Các động lực có tính xã hội và định chế của các hệ thống độc đảng), trong: Samuel P. Huntington và Clement H. Moore (biên tập), Authoritarian Politics in Modern Society: The Dynamics of Established One-Party System (Sinh hoạt toàn trị trong xã hội hiện đại: Các hệ thống độc đảng đã được thiết lập), New York: Basic Books, 1970, 9.
    [6]Michael W. Foley và Bob Edwards, “The Paradox of Civil Society”, Journal of Democracy 7 (“Nghịch lý của xã hội dân sự”, Tạp chí Dân chủ số 7, Tháng Bảy 1996), 38-52.
    [7]Yanqi Tong, “State, Society, and Political Change in China and Hungary,” Comparatives Politics 26 (“Nhà nước, xã hội và thay đổi chính trị tại Trung Quốc và Hungary,” Tập san Chính trị học đối chiếu số 26, tháng Tư 1994); White, Howell và Shang, In Search of Civil Society.
    [8]Ken Jowitt, New World Disorder.
    [9]Elizabeth J. Perry và Mark Selden (biên tập), Chinese Society: Change, Conflict, and Resistance (Xã hội Trung Quốc: thay đổi, xung khắc và đề kháng), New York: Routledge, 2000; Thomas Bernstein và Xiaobo Lu, Taxation without Representation in Contemporary Rural China (Ðánh thuế mà không có tiêu biểu tại nông thôn Trung Quốc đương đại), New York: Cambridge University Press, sắp xuất bản.
    [10]Timur Kuran, “Now Out of Never: The Element of Surprise in the East European Revolution of 1989", World Politics 44 (Ngày nay tưởng chẳng bao giờ: yếu tố ngạc nhiên trong cuộc cách mạng Ðông Âu năm 1989,” Tạp chí Chính trị thế giới số 44, tháng Mười một 1991, 7-48.
    [11]Adam Przeworski, “Some Problems in the Transition to Democracy” (Một số vấn đề trong cuộc chuyển tiếp tới dân chủ), trong: Guillermo O’Donnell, Philippe C. Schitter, and Laurence Whitehead (biên tập), Transitions from Authoritarian Rule, Vol. 3: Comparative Perspectives (Các cuộc chuyển tiếp từ nền cai trị toàn trị, Cuốn 3: Ðối chiếu các viễn cảnh) Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986.
    [12]Henry S. Rowen, “The Short March: China’s Road to Democracy”, National Interest Fall 1996 (“Cuộc di hành ngắn ngủi: đường tới dân chủ của Trung Quốc”, tập san Quyền lợi quốc gia, số Mùa thu 1996), 61-70; Shaohua Hu, Explaining Chinese Democratization (Cắt nghĩa sự dân chủ hóa Trung Quốc), Westport, Conn.: Praeger, 2000; David Sheff, China Dawn: The Story of a Technology and Business Revolution (Bình minh ở Trung Quốc: Câu chuyện cuộc cách mạng kỹ thuật và doanh nghiệp), New York: Harper Business, 2002.
    [13]Gordon G. Chang, The Coming Collapse of China (Sự sụp đổ đang tới của Trung Quốc), New York: Random House, 2001.
    [14]Ðể có thêm chi tiết giải thích về các điểm này, xem: Minxin Pei, “Is China Democratizing?” Foreign Affairs 77 (“Có phải Trung Quốc đang dân chủ hóa?”, Tạp chí Các sự vụ quốc ngoại, số 77, tháng Giêng - tháng Hai 1998), 68-82. Pei ít lạc quan khi nhìn tiếp vào những viễn cảnh của cuộc cải tổ chính trị tại Trung Quốc; xem: “China’s Governance Crisis,” Foreign Affairs 81 (“Khủng hoảng cai trị tại Trung Quốc”, Tạp chí Các sự vụ quốc ngoại số 81, tháng Chín - tháng Mười 2002), 96-109.
    [15]Guillermo O’Donnell và Philippe C. Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democraties (Những chuyển tiếp từ nền cai trị toàn trị: Các kết luận chưa dứt khoát về các nền dân chủ bất định), Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986, đặc biệt chương 6; Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Ðợt sóng dân chủ hóa thứ ba trong cuối thế kỷ hai mươi), Norman: University of Oklahoma Press, 1991, 174-78.
    [16]Tôi giải thích tỉ mỉ về biện luận này trong Democratization in China and Taiwan: The Adaptability of Leninist Parties, Oxford: Oxford University Press, 1997; và “Taiwan’s Democratization: What Lessons for China?” (“Cuộc dân chủ hóa của Ðài Loan: Bài học nào cho Trung Quốc?”) trong: Muthiah Alagappa (biên tập), Taiwan’s Presidential Politics: Democratization and Cross-strait Relations in the Twenty-first Century (Hoạt động chính trị bầu cử tổng thống tại Ðài Loan: dân chủ hóa và những quan hệ giao lưu đôi bờ trong thế kỷ hai mươi mốt), Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe, 2001.
    [17]Michael MacFaul, “The Fourth Wave of Democracy and Dictatorship: Noncooperative Transitions in the Post-Communist World,” World Politics 54 (“Ðợt sóng thứ tư của dân chủ và độc tài: những cuộc chuyển tiếp bất liên hiệp trong thế giới hậu cộng sản,” Tập san Chính trị thế giới số 54, tháng Giêng 2002), 212-44.

    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6240&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org