Nguyễn Ước
Nội Dung
I. Sự việc, giá trị và lựa chọn
II. Tự do và thuyết tất định
III. Các loại ngôn ngữ đạo đức học
IV. Ba nền móng của đạo đức học
V. Tuyệt đối chống tương đối
VI. Các giá trị và xã hội
VII. Ðạo đức học ứng dụng
I. Sự việc, giá trị và lựa chọn
Các câu hỏi dẫn nhập.
Cho tới đây, chúng ta đã thăm dò các câu
hỏi về tri thức: Liệu chúng ta có thể biết chút nào về bản tính của thực tại
như một toàn bộ? Tư tưởng và ngôn ngữ của chúng ta liên quan ra sao tới các
kinh nghiệm đến với chúng ta qua giác quan? Hai câu hỏi ấy đưa dẫn đến ba chủ
đề lớn của triết học. Ðó là: phương pháp khoa học, tương quan của tâm trí và thể
xác, và sự hiện hữu của Thượng đế.
Thế nhưng triết học còn quan tâm tới các
câu hỏi thuộc một loại rất khác. Ðó là: Chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên tổ
chức xã hội như thế nào? "Phải" hoặc "trái" là gì?
"Ðúng" hoặc "sai" là gì? "Tốt" hoặc
"xấu" là gì? Chúng ta nên hiểu như thế nào ý tưởng về công bình?
Chúng ta dựa vào cơ sở nào để chọn lựa giữa các hành động khác nhau? Các câu
hỏi như thế dẫn tới nỗ lực nghiên cứu đạo đức học, triết học chính trị và triết
học luật pháp.
Quá trình lịch sử.
1. Khởi đi từ Plato. Các khía cạnh rất thực tiễn và quá đổi cấp bách này của triết học đã có một
quá trình lịch sử rất lâu dài. Dù các triết gia tiền-Socrates thời Hi Lạp cổ
đại đã thăm dò nhiều vấn đề liên quan tới bản tính của thực tại, và dù giải đáp
cho các vấn nạn của họ vẫn rất đáng quan tâm về mặt tri thức luận và các ngành
khoa học tự nhiên, nhưng tới thời Socrates, Plato và Aristotle, triết học lại
chuyển đổi từ sự đặt trọng tâm vào thế giới chung quanh qua sự nhấn mạnh vào
các chủ đề đạo đức của con người. Thí dụ trong cuốn Republic (Cộng hòa), Plato không đặt cơ sở
trên vấn nạn "Xã hội là gì?" mà trên vấn nạn "Công bình là
gì?". Và qua vấn nạn ấy, vị triết gia Hi Lạp đã cùng độc giả thăm dò nhiều
chủ đề khác của xã hội và vấn đề quốc gia nên được cai trị như thế nào.
2. Sang tới Aristotle. Trong cuốn Nicomachean
Ethics (Ðạo đức học viết tặng
Nicomachea), Aristotle đặt vấn đề về "thiện hảo" mà ông xem là mục
tiêu của mọi hành động, và về vấn đề có thể thiết lập "cái thiện tối
thượng" – một cái gì đó phải được tìm kiếm vì lợi ích của tự thân nó chứ
không vì lợi ích của cái gì khác cao hơn nó.
Aristotle đi tới quan điểm rằng đối với
con người, cái thiện tối thượng, chính là "eudaimonia", theo nghĩa đen là "có một tâm
linh tốt", nhưng có lẽ có thể dịch sang tiếng Việt là "hạnh
phúc". Ông thấy nó là một trạng thái trong đó con người thành toàn chức
năng tự nhiên vốn tiềm tàng trong bản thân nó. Nó phô diễn một "dạng thức
hoàn hảo của con người" hoặc "đức hạnh : arete".
Ðiều ấy phù hợp quan điểm tổng quát của
Aristotle khi ông thấy sự vật nào cũng có "nguyên nhân tối hậu" của
nó: một cùng đích và một cứu cánh mà nó chuyển động hướng tới đó. Thí dụ hạt
bắp sẽ chuyển động thành cây bắp và trái bắp, chứ không thành cây lúa hoặc cây
cam. Nếu am hiểu nguyên nhân tối hậu của một cái gì đó, ta sẽ tìm thấy và hiểu
yếu tính nền tảng của nó, cái được sự phô bày ngay trong mục đích của chính nó.
Nếu con dao có một linh hồn, Aristotle lập luận, linh hồn của nó hẳn là
"sự cắt" – đó là cái làm cho nó thành con dao, và đó là cái nó
hiện hữu ở đó để thực hiện.
Vậy yếu tính của loài người là gì? Loài
người hiện hữu ở đời để làm gì? Mục đích của loài người là gì?
Aristotle nối kết đạo đức học với toàn
bộ tri thức của ông về đời sống con người. Ông không chịu chấp nhận bất cứ
nguyên tắc đơn giản nào không bao gồm mọi hoàn cảnh, đồng thời ông xem xét loài
người trong tương quan với xã hội nó sống và ông thừa nhận ảnh hưởng của xã hội
lên trên động thái của con người.
Aristotle thấy con người vừa là
"sinh vật tư duy" vừa là "sinh vật chính trị". Do đó, thật
không đáng ngạc nhiên khi thấy rằng đạo đức học trở thành bộ môn nghiên cứu sự
chọn lựa hành động dựa trên lý trí và rằng nó cần phải bao gồm cả khía cạnh xã
hội lẫn khía cạnh cá nhân.
Trình tự khảo sát.
Trong chương này chúng ta sẽ nhìn, một
cách ngắn gọn, một số lối tiếp cận chính của triết học vào các chủ đề đạo đức
học. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét các chủ đề liên quan tới bản
tính của xã hội và chính trị. Tuy thế, để tiện thăm dò, chúng ta sẽ tách riêng
đạo đức học và chính trị học ra làm hai.
Và trước hết, có lẽ điều quan trọng bạn
cần ghi nhớ, rằng đạo đức học không chỉ là việc thiết lập một chuỗi các giá trị
của cá nhân con người. Người ta còn có thể khảo sát tính chất đạo đức trong
liên quan tới các đòi hỏi đối với nhà nước và vị trí của cá nhân trong xã hội.
Trong đạo đức học, không thể tách biệt tính cá nhân và tính xã hội.
"Ðang" và "nên".
Khi bạn bắt đầu nói tới đạo đức, hoặc về
cứu cánh của các vật, tức là lúc bạn tự mình thâm nhập vào các vấn đề về giá
trị cùng các vấn đề về sự việc. Ðối với triết học, câu hỏi quan trọng là:
1. Ta có khả năng rút tỉa giá trị từ các
sự việc không?
2. Hay là, có phải các sự việc luôn luôn
"trung tính"?
Ta có thể chiết vấn nạn triết học ấy
thành ba lời diễn tả như sau:
a. Các sự việc diễn đạt cái
"đang";
b. Các giá trị diễn đạt cái
"nên";
c. Liệu chúng ta có thể rút cái
"nên" ra từ cái "đang" không?
Nếu câu trả lời cho câu hỏi mang tính
triết học ấy chỉ gồm vỏn vẹn một tiếng "không", thế thì làm thế nào
chúng ta đi tới việc quyết định các chủ đề thuộc đạo đức?
Nếu không thể dùng các sự việc để thiết
lập đạo đức thì liệu có thể có các qui tắc đạo đức tuyệt đối không, hoặc hết
thảy các quyết định đạo đức đều chỉ là tương tối và chúng hoàn toàn tùy thuộc
vào hoàn cảnh, cảm xúc và khát vọng đặc thù?
Hai chiều khảo cứu.
Về sau, cũng trong chương này, chúng ta
sẽ khảo sát cả hai chiều, trong đó các triết gia trình bày sự việc được họ xem
là thích đáng cho cái mà con người "nên" làm.
Hai chiều ấy gồm:
1. Một luận cứ dựa trên dự kiến và cứu
cánh, theo các ý kiến của Aristotle đã được đưa ra ở trên;
2. Một luận cứ dựa trên các kết quả được
kỳ vọng nơi hành động.
Chúng ta cũng sẽ khảo sát các đặc điểm
khác của ngôn ngữ đạo đức học: trình bày sự tán thành hoặc ngược lại, khuyến
cáo phương hướng hành động hoặc phô diễn cảm xúc. Nhưng trước hết, nếu đạo đức
học tạo được ý nghĩa nhất định, chúng ta cần phải hỏi rằng không biết con
người, trong thực tế, có được tự do quyết định điều nó sẽ làm hay không.
Nếu con người không có tự do và nếu con
người không có chọn lựa, thế thì mọi ca ngợi hay qui trách, tán thành hay không
tán thành, đều không thích đáng. Chúng ta chỉ có thể nói với ai đó điều gì họ
nên làm nếu ít nhất bản thân họ có khả năng làm điều đó.
II. Tự do và thuyết tất định
Kant lập luận rằng không gian (space),
thời gian (time) và quan hệ nhân quả (causality) đều là những hạng mục (hoặc
phạm trù) được tâm trí con người dùng để thông giải kinh nghiệm. Nếu quả đúng
như thế, điều không thể tránh là chúng ta thấy mọi sự trên thế giới này được
điều kiện hóa một cách nhân quả, nghĩa là chẳng có sự việc nào xảy ra tình cờ;
mỗi cái đều đương nhiên có lý do của nó!
Mọi sự đều bị điều kiện hóa? Vốn nằm
ngay tâm điểm của cuộc truy tầm có tính khoa học, tiến trình tìm kiếm các
nguyên nhân, với mục đích có tính luận lý của nó, bao gồm sự am hiểu thế giới
một cách toàn bộ trong đó có thể giải thích mỗi sự việc và mỗi hành động trong
liên quan tới tất cả những gì đã diễn ra trước nó. Về mặt lý thuyết, nếu được
cung cấp toàn bộ sự am hiểu ấy, thì mọi chuyện đều có thể dự báo được. Quan
điểm đó phản ánh cái chúng ta có thể gọi là thế giới quan mang bản sắc Newton,
rằng vũ trụ giống như một cỗ máy.
Chúng ta đã thấy quan điểm đó tạo ra
những vấn đề về tương quan giữa tâm trí và thể xác. Tâm trí con người là gì?
Nếu mọi sự đều bị điều kiện hóa một cách nhân quả thì ngay cả các xung động
điện năng trong não của tôi cũng là thành phần của hệ thống máy móc đóng kín
ấy. Tự do của tôi chỉ là ảo tưởng. Có thể tôi cảm thấy chắc chắn rằng mình đã
chọn lựa một cách tự do, nhưng trong thực tế, mọi sự xảy ra cho tôi một cách
tình cờ từ ngày tôi chào đời. Cũng thế, mọi sự đã và đang làm cho thế giới hiện
hữu theo cách ấy kể từ lúc bắt đầu có thời gian, nói theo kiểu đại chúng là từ
thuở "tạo thiên lập địa"; tất cả những sự ấy cùng nhau góp phần làm
thành quyết định đó.
"Tôi biết chắc chắn rằng trước sau
gì bạn cũng sẽ nói như thế". Những người tuyên bố câu ấy rõ ràng có ngụ ý
rằng các chọn lựa của chúng ta không nằm ngoài dự báo của họ. Và họ hẳn cảm
thấy cực kỳ khó chịu về việc chúng ta cứ thích nghĩ là, một cách cơ bản, mình
có tự do nhưng chẳng qua buộc lòng phải công nhận rằng không phải lúc nào mình
cũng có thể là kẻ phán quyết tốt nhất của chính mình.
Tự do, tất định và giản lược. Một trong
những chủ đề nền tảng của triết học là tự do (freedom) và chủ nghĩa tất định
(determinism), một thuyết cho rằng mọi biến cố, kể cả hành động của con người,
đều bị quyết định bởi các nguyên nhân được xem là nằm ngoài ý muốn hoặc ý chí.
Chủ đề đó cũng liên quan tới chủ nghĩa giảm thiểu (reductionism) nghĩa là giản
lược các thực thể phức tạp, thí dụ như con người, thành những thành phần đơn
giản hơn đã và đang hợp thành nó.
Nếu chúng ta không hơn không kém các tế
bào riêng biệt cấu thành thể xác của mỗi người, và nếu các tế bào đó vừa bị
quyết định một cách tất yếu bởi các lực vật lý vừa có thể dự báo được, thì
dường như trong toàn bộ con người chẳng có chỗ nào để cho sự tự do của nó thao
diễn!
Tạm thời lúc này, trong khi ứng xử với
đạo đức học, ta cần phân biệt rõ rệt:
1. Nếu có tự do chọn lựa thì lúc đó
chúng ta mới có thể chịu tránh nhiệm về việc mình làm. Trong trường hợp này,
mọi ca ngợi hay qui trách đều thích đáng, vì chúng ta có thể hành động dựa trên
các giá trị luôn luôn được chúng ta ấp ủ.
2. Nếu hoàn toàn bị điều kiện hóa thì
lúc đó chúng ta không thể có sự chọn lựa nào trong những việc mình làm. Và như
thế, thật vô nghĩa khi đề cập tới hành động đạo đức phát sinh từ các chọn lựa
và các giá trị, hoặc tới hành động đáng để ca ngợi hay qui trách.
Các mặt tất định.
Bởi thế cho nên, chủ nghĩa tất định có
mặt mạnh của nó. Có những phương diện ai cũng thấy rõ ràng trước mắt rằng con
người không thể nào làm theo ý mình.
a. Về mặt thể lý, chúng ta có những giới
hạn. Nếu không có trợ cụ, tôi không thể tự mình nhảy vọt một cái cao cả chục
mét trong không khí dù tôi cảm thấy mình có thiên hướng làm điều đó. Chuyện một
đại lão sư phụ võ thuật tuổi càng già công lực càng thâm hậu chỉ xảy ra trong
loại tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Người tới tuổi trung niên càng ngày
càng nặng nề thì không thể tiếp tục làm vũ công ba-lê điêu luyện nhất. Các cầu
thủ bóng đá trên 35 tuổi rất ít có cơ hội được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ðó
không phải là vấn đề chọn lựa của bạn, mà đơn giản chỉ là thực tế thể lý.
b. Về mặt tâm lý, chúng ta có thể bị dẫn
dắt để hành động theo những cách thức nhất định thay vì những cách thức nào
khác. Nếu bạn thường rụt rè hoặc u uất, không chắc bạn có thể có cuộc sống và
linh hồn của người tham gia hoạt động đoàn nhóm. Nhưng đó không phải là vấn đề
chọn lựa mà đơn giản chỉ là vì tính khí hiện thời của bạn.
c. Về mặt xã hội, chúng ta có thể bị
ngăn trở. Tôi có thể chọn lựa một hành động thật sự tàn nhẫn và vô nhân đạo,
nhưng đồng thời tôi cũng biết rằng tôi sẽ không thoát khỏi hậu quả bị trừng trị
theo pháp luật.
d. Cuộc sống của chúng ta cũng bị giới
hạn vì sự chế ngự của các định chế chính trị và tài chánh. Có nhiều việc tôi
không thể làm vì không có tiền. Hoặc tôi chỉ có thể công khai bày tỏ lập trường
và thái độ chính trị của mình bằng những cách thức đang được luật pháp qui
định.
Trong khi cân nhắc các hàm ý của hành
động, chúng ta cần phải thẩm định mức độ tự do mà đương sự sở hữu đối với tác nhân
trung gian.
Hai thí dụ cụ thể. Với quân nhân, bổn
phận số một là triệt để chấp hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp, đặc biệt
khi ở ngoài mặt trận. Hầu hết các đơn vị cấp tiểu tổ, tiểu đội hay trung đội
khi tham gia những cuộc hành quân di động và dài ngày đều gặp vấn đề nan giải
trong việc xử lý vài ba hàng binh lẻ tẻ của đối phương hoặc thường dân nào đó
bất chợt bắt gặp họ và vì thế, có khả năng làm lộ các vị trí bố phòng.
Nếu một người lính tuân lệnh trên mà bắn
bỏ hàng binh hoặc thường dân không vũ trang ấy, anh ta có được xá miễn trách
nhiệm đạo đức không? Ðối với việc thực thi hành động ấy, anh ta có được tự do
chọn lựa không? Có phải chính sự sợ hãi rằng mình có thể bị cấp chỉ huy bắn bỏ
tại chỗ hoặc bị xử tử khi ra tòa án binh vì bất tuân thượng lệnh trên chiến
trường, đã quyết định anh ta phải nhắm mắt tuân hành mệnh lệnh?
Nếu một can phạm bị mắc bệnh tâm thần
trong khi phạm một tội ác nhất định, hoặc nếu có bằng chứng y khoa, một phúc
trình tâm bệnh chẳng hạn, cho thấy rằng vào lúc phạm pháp, thần kinh của anh ta
bị rối loạn, thì sự kiện ấy sẽ được lưu tâm tới khi phân tích các yếu tố qui
thành mức độ trách nhiệm của anh ta.
Nhưng làm thế nào có thể mô tả trí óc
của nhiều can phạm là minh mẫn và tương đối quân bình khi họ phạm pháp? Có
những can phạm trí óc không quân bình nhưng tại sao lại phạm pháp một cách quỉ
quyệt, theo đúng các kế hoạch tinh vi do y nghĩ ra? Có bao nhiêu can phạm không
được xem là ở trong một loại tình huống giảm khinh nào đó khi cứu xét bối cảnh
gia đình, trình độ học vấn và sự mất mát những cái khác trong đoạn đời trước đó
của đương sự?
Ðiều kiện hóa và tất định. Qua những
luận giải ở các đoạn trên và các thí dụ vừa kể, chúng ta thấy mình bị điều kiện
hóa bởi nhiều thành tố. Ðiều đó rõ ràng nhưng có sự khác nhau giữa chủ nghĩa
tất định và trạng thái điều kiện hóa (the prevailing condition).
Vì chủ nghĩa tất định không chừa chỗ nào
hoặc cơ hội nào cho tự do và sự chọn lựa của con người, nên cũng chẳng còn chỗ
cho ta bàn cãi. Trái lại, đối với trạng thái điều kiện hóa, nhiều người lập
luận rằng tuy trong đó các điều kiện đang chiếm ưu thế nhưng nó vẫn còn có một
mức độ tự do nào đó dành cho hành động của con người.
Các bối cảnh xem xét.
Khi nghiên cứu các chủ đề trong triết
học, chúng ta để ý thấy có nhiều chủ đề liên quan nhau. Riêng hai chủ đề tự do
và chủ nghĩa tất định, ta có thể xem xét chúng trong bốn bối cảnh dưới đây:
1. Cách chúng ta dùng để am hiểu thế
giới. Có thể chúng ta đã chọn sẵn theo cách của Kant với ý tưởng rằng chúng ta
áp đặt quan hệ nhân quả lên trên những gì chúng ta trải nghiệm, theo đó hết
thảy các hiện tượng đều bị điều kiện hóa.
2. Trong sự hiện hữu của Thượng đế. Bối
cảnh ấy có thể được hình thành từ lời đáp cho hai câu hỏi. Một là có thể có số
lượng vô tận các nguyên nhân không? Hai là nếu Thượng đế biết trước mọi điều
tôi làm, lúc đó tôi vẫn được tự do và chịu trách nhiệm, hay phải chăng kẻ chịu
trách nhiệm chính là ngài?
3. Cách hình thành các định luật khoa học.
Chúng được đề ra dựa trên quan sát và kiểm chứng, thế thì chúng có thể tuyên bố
chân lý tuyệt đối không? Và như thế, chúng ta có thể chắc chắn, một cách cố
định, rằng có cái gì đó đã và đang gây ra hoặc tác động lên cái khác?
4. Vấn đề có hay không có một bản ngã –
cái tôi, cái ngã (the self) – ở bên trên các nguyên tử và các tế bào làm thành
thể xác. Nếu có cái đó, bản ngã ấy có sự sống độc lập với sự sống được quyết
định bởi các tế bào riêng biệt nhau không?
Vai trò của chọn lựa đạo đức. Có một
điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là sự chọn lựa đạo đức tự nó có thể chịu ảnh
hưởng bởi thế giới quan của bạn, bởi ý tưởng của bạn về Thượng đế. Ðồng thời
còn bởi nhân sinh quan của bạn, trong đó có vấn đề cho rằng con người hoàn toàn
bị các định luật khoa học quyết định, hay ngoài những cái đó ra, con người còn
có "bản ngã".
Mọi sự bạn đang là, mọi cái bạn đang
tin, mọi điều bạn đang hiểu về thế giới, hết thảy đều ở đó, ngay trong giây
phút bạn đưa ra sự chọn lựa này nọ về mặt đạo đức – dẫu cho bản thân bạn không
nhất thiết phải tỉnh táo hoặc đầy đủ ý thức, mọi thứ ấy vẫn có mặt ở đó, và
chúng đang ra sức gây ảnh hưởng lên sự chọn lựa của bạn.
Tuy thế, không phải các triết gia đều
trình bày chủ đề tự do, thuyết tất định và quan hệ nhân quả cùng sự chọn lựa
đạo đức theo cách vừa được đề cập. Có những người chọn cách khác. Và trong số
đó nổi tiếng nhất trong tư tưởng Tây phương là Spinoza.
Spinoza lập luận rằng trong thực tế, tự
do là ảo tưởng. Sở dĩ nó là ảo tưởng vì chúng ta không thể nào biết hết mọi
nguyên nhân gây nên hành động của mình. Các sự vật xảy ra cho chúng ta sản sinh
trong ta những cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực. Cảm xúc tiêu cực – thí dụ oán
hận, giận dữ hoặc sợ hãi – đưa con người vào vòng ràng buộc; ngược lại cảm xúc
tích cực – phát sinh từ sự am hiểu các hoàn cảnh thật sự của mỗi người – dẫn
tới một nhân sinh quan tích cực và khả năng được là chính mình.
Spinoza cho rằng chúng ta càng am hiểu
thế giới thì các cảm xúc tiêu cực càng giảm bớt và được thay vào đó bằng cảm
xúc tích cực. Có lẽ ta có thể phát biểu về vấn đề ấy như thế này, rằng tự do là
khả năng nhìn cuộc đời đúng như nó là nó và nói "vâng" với nó. Và đó
hẳn là cái tự do duy nhất được triết gia ấy chấp nhận.
III. Các loại ngôn ngữ đạo đức học
Bạn có ý nói gì khi bảo một điều nào đó
là "thiện" (good), một việc nào đó là "tốt" hoặc một hành
động nào đó là "phải" (right)? Phải chăng các tiếng ấy được dùng để
mô tả phẩm tính tiềm ẩn trong một hành động, một sự việc; nó vượt quá và ở bên
trên những gì có thể quan sát? Vậy lời mô tả phẩm tính ấy đúng hoặc sai? Có
loại bằng cớ nào dùng để chứng minh rằng nó đúng hoặc nó sai?
Thế nhưng, đối với sự vật, các từ ngữ
dùng để chỉ phẩm tính của chúng thì lại khác. Tôi có thể làm cho bạn hiểu tôi
có ý nói gì khi dùng tiếng "đỏ" bằng cách đưa tay chỉ tới một loạt
các vật có màu đỏ, hoặc tôi tin vào khả năng phân biệt màu sắc của bạn khi nhìn
thấy chúng. Liệu tôi có thể làm y như thế bằng cách đưa tay chỉ tới một loạt
các hành động được tôi đánh giá là "thiện", là "phải" hoặc
"tốt" hoặc "đúng" về mặt đạo đức.
Tôi có thể đan cử vài thí dụ như sau:
1. Hành động giao hợp của đôi vợ chồng;
2. Hành động giúp người già cả băng qua
đường của một thanh niên;
3. Hành động trả tiền hàng hóa vừa lựa
chọn trong cửa hàng, thay vì ăn cắp.
Nếu chỉ xem xét lời mô tả dựa trên sự
việc hoặc có tính sự kiện của từng hành động, chúng ta thấy chúng có điểm chung
nào không? Phẩm tính nào của các hành động ấy biến chúng thành có tính
"đạo đức"? Và nếu ngôn ngữ mang tính đạo đức học không giống với sự
mô tả có tính vật lý, thế thì nó là gì, và làm thế nào chứng minh nó đúng hoặc
sai?
Ở đây, từ ngữ đạo đức được dùng để nói
đến tính cách hơn là có chủ ý thẩm định; nó nhấn mạnh tới khía cạnh mang tính
đạo đức học của một hành động, một sự việc hay một biến cố. Khác với ngôn ngữ
bình thường của người Việt vốn dùng hai tiếng đạo đức với hàm ý đức hạnh và có
ngụ ý khen chê: thí dụ, "gã trọc phú ấy là người không có đạo đức",
và "lối sống đạo đức" hay "gương mẫu đạo đức" hoặc
"như thế là vô đạo đức".
Ðạo đức học mô tả. Ðạo đức học mô tả
(descriptive ethics) là hình thức rành mạch nhất của ngôn ngữ đạo đức học. Nó
chỉ vỏn vẹn mô tả cái xảy ra: những chọn lựa đạo đức nào được quyết định, và
trong những hoàn cảnh đặc thù nào.
Có thể nêu thí dụ về vấn đề phá thai.
Thay vì đưa lời phát biểu về cái "phải" và cái "trái" của
phá thai, đạo đức học mô tả chỉ cung cấp các sự kiện, các con số có bao nhiêu
vụ phá thai đã xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định, chúng đã được tiến
hành như thế nào và luật pháp đã đặt ra những qui định nào nhằm ràng buộc việc
phá thai trên thực tiễn, v.v.
Như thế, đạo đức học mô tả liên quan tới
"đang" chứ không liên quan tới "nên".
Ðạo đức học định chuẩn. Ðạo đức học có
tính định chuẩn (normative ethics), hoặc chuẩn mực hóa hay tiêu chí hóa, ứng xử
với các định chuẩn của một hành động. Nó liên quan tới một hành động được đánh
giá là "tốt" hoặc "xấu", "phải" hoặc
"trái". Nó trình bày các giá trị và lập thành lời phán quyết đạo đức
dựa trên chứng cớ. Nó có thể liên quan tới các sự việc nhưng nó không bị chúng
xác định một cách toàn bộ.
Như thế, đạo đức học định chuẩn liên
quan tới cái "nên"; nó lập thành lời phán quyết.
Siêu đạo đức học. Khi triết học khảo sát
những lời tuyên bố được đưa ra theo đạo đức học định chuẩn, lập tức dậy lên một
số câu hỏi như sau;
1. Có ngụ ý gì khi nói điều gì đó là
"phải" hoặc "trái"?
2. Có thể bảo những tuyên bố đạo đức là
"đúng" hoặc "sai" không?
3. Có phải những tuyên bố đạo đức không
chỉ là phô diễn sở thích của người đưa ra chúng?
4. Những thuật ngữ dùng trong đàm luận
đạo đức học có ý nghĩa gì?
Tự thân những câu hỏi vừa nêu ấy không
là những phát biểu đạo đức; chúng không cho biết một điều cá biệt nào là phải
hoặc trái.
Siêu đạo đức học (meta-ethics) là một
ngành của triết học. Cái được nó ứng xử với lời phát biểu có tính đạo đức học
định chuẩn thì y hệt cái được triết học ứng xử với ngôn ngữ nói chung. Nó khảo
sát ngôn ngữ đạo đức học để tìm cho ra ngôn ngữ ấy có ngụ ý gì và được sử dụng
như thế nào.
Siêu đạo đức học tạo ra các lý thuyết về
bản tính của ngôn ngữ đạo đức học.
Thuyết duy trực giác. Thuyết duy trực
giác (intuitionism) cho rằng có những cái con người chỉ có thể biết được nhờ
trực giác.
Trong cuốn sách của mình có nhan đề Principia Ethica (Nguyên lý đạo đức học, 1903),
triết gia George E. Moore (1873-1958), giáo sư Ðại học Cambridge, Anh, lập luận
rằng không thể định nghĩa từ ngữ "thiện" hoặc "tốt" và rằng
các nỗ lực làm điều đó đều kết liễu trong sự giảm thiểu "thiện" thành
một phẩm tính nào đó khác, không cùng chung với mọi cái "thiện".
Nói cách khác, thiện có thể liên quan
tới tử tế, vị tha, quảng đại, cảm giác về công bình xã hội – nhưng nó không
thật sự được định nghĩa bởi bất cứ cái nào trong những cái đó. Vì thế, Moore
cho rằng:
"Trong thực tế, mọi người đều hiểu
câu hỏi ‘Thiện là gì?’ Khi một người nghĩ tới nó, trạng thái tâm trí của y khác
với cái hẳn đang là, nếu y hỏi rằng ‘Ðiều này có thú vị, đáng mong muốn, đáng
tán thành không?’ Ðối với y, nó có ý nghĩa riêng biệt, dù y chẳng thể nào nhận
biết nó riêng biệt ở khía cạnh nào."
Principia Ethica, chương 1
Moore nối kết nhận xét ấy của ông với
việc diễn tả màu vàng. Theo ông, cuối cùng bạn chỉ còn một cách duy nhất là đưa
ngón tay trỏ lên, chỉ tới các vật ấy và nói rằng chúng nó có màu vàng đấy, vì
bạn không có khả năng định nghĩa màu vàng là gì. Do bởi trực giác mà bạn biết
màu vàng là gì; cũng một cách như thế mà bạn biết được thiện là gì dù bạn không
thể định nghĩa nó.
Thuyết duy xúc động. Thuyết duy xúc động
(emotivism) nhấn mạnh vào sự biểu lộ hoặc gây nên cảm xúc. Theo thuyết này, khi
ta nói điều gì đó là tốt hay xấu, thật ra đó chỉ là cách phát biểu cho thấy ta
tán thành hay không tán thành nó.
Trong chương 2, như chúng ta đã biết,
vào đầu thế kỷ 20 vừa qua, có phát triển một lối tiếp cận ngôn ngữ được gọi là
thuyết duy thực chứng luận lý (logical positivism). Theo thuyết ấy, một phát
biểu chỉ được xem là có ý nghĩa nếu hoặc nó tương ứng với các dữ liệu có thể
xét nghiệm hoặc nó đúng do bởi định nghĩa. Trên căn bản ấy, những phát biểu đạo
đức được đánh giá là vô nghĩa.
Phản ứng lại lập trường ấy là lời tuyên
bố rằng những phát biểu đạo đức không là những phát biểu về sự kiện mà là đang
thể hiện một chức năng nào đó khác. Thuyết duy xúc động cung cấp chức năng ấy.
Thuyết ấy cho rằng phát biểu đạo đức không đúng hay sai do bởi ngụ ý tới cái
được nó diễn tả nhưng liên quan tới khả năng phô diễn các cảm xúc của người
phát biểu.
Thuyết duy qui định. Thuyết duy qui định
(prescriptivism) là một phản ứng khác đối với thách đố của thuyết duy thực
chứng luận lý.
Thuyết này tuyên bố rằng ngôn ngữ đạo
đức thật ra khuyên bảo một đường hướng hành động. Nếu tôi nói rằng điều gì đó
là tốt, nghĩa là tôi thật sự có ý nói rằng tôi cảm thấy nên thực hiện nó – nói
cách khác, tôi có ý khuyên bảo bạn nên làm như thế.
Thuyết duy tự nhiên và đạo đức học siêu hình.
Thuyết duy tự nhiên (naturialism) nhấn mạnh bản tính tự nhiên như một định
hướng cho mọi hành động; đôi khi hành động ấy có tính bản năng.
Như ta đã thấy các lập luận của George
Moore, rằng bạn không thể nào rút cái "nên" ra từ cái
"đang", và rằng bạn không thể nào rút đạo đức ra từ các sự việc thuộc
về động thái của con người. Như vậy, ông đưa ra sự phân biệt tuyệt đối giữa sự
kiện và giá trị.
Tuy thế, kể từ Plato và Aristotle trở
đi, có nhiều triết gia lập luận rằng nên rút tỉa các nguyên tắc đạo đức và giá
trị đạo đức từ sự khảo sát loài người, xã hội của nó và vị trí của nó trong thế
giới như một toàn bộ. Công tác này được gọi là "thuyết duy tự nhiên"
(naturalism), hoặc đạo đức học mang tính siêu hình học (metaphysical ethics).
Nó hàm ý rằng cái bạn "nên" thì quan hệ mật thiết với cái bạn
"đang", nếu không muốn nói là nó không thể không phát xuất từ cái
"đang"; còn cái "đang" là cái trong thực tế chính là trường
hợp liên quan tới "cái tôi đặc thù" của bạn và "thế giới phổ
quát" chung quanh bạn.
Nói cách khác, đạo đức không chỉ để phô
bày sự chọn lựa của cá nhân mỗi người mà còn nên bắt rễ trong sự am hiểu tổng
thể về thế giới như một toàn bộ.
Tạm thời đúc kết. Ta có thể tóm tắt
những lý thuyết đạo đức học vừa được trình bày ở phần trên bằng các điểm như
sau:
a. Nếu bạn mô tả một hành động hay một
quyết định của người nào đó, mức độ trung thực trong lời bạn phát biểu sẽ được
đánh giá bằng cách kiểm tra các sự việc;
b. Nếu bạn cho rằng điều gì đó là
"phải" hoặc "trái", thì không có sự việc đành rành hoặc đơn
giản nào để có thể kiểm tra, xác minh lời tuyên bố của bạn;
c. Vì thế, siêu đạo đức học nhìn vào các
lời tuyên bố đạo đức và đặt câu hỏi về ý nghĩa của chúng, xem chúng có khả năng
đúng hay sai, và tùy vào kết quả để khảo sát cách có thể thiết lập chân lý
tương ứng. Nếu đạo đức học không liên quan tới các sự kiện ngoại tại, nó có thể
liên quan tới trực giác hoặc các phản ứng xúc động, hoặc các lời khuyên bảo,
hoặc các cơ chế tổng quát của cuộc sống và những hàm ý của chúng đối với hành
động của cá nhân.
Tóm lại, các lý thuyết đề cập ở đây đều
được triển khai trong tranh luận triết học về bản tính của ngôn ngữ nói chung
và vai trò của ngôn ngữ đạo đức nói riêng. Nhưng dù ngôn ngữ được nó sử dụng có
vai trò nào đi nữa, trong thực tế, người ta vẫn tiếp tục lập thành những lời
tuyên bố đạo đức. Vì thế, điều quan trọng là phải khảo sát những nền móng trên
đó các lời tuyên bố ấy được lập thành.
IV. Ba cơ sở của đạo đức học
Nếu ngôn ngữ đạo đức dùng để phô diễn
cảm xúc hoặc sở thích mà thôi, thì dường như nó chẳng cần phải chứng minh điều
gì vì nó chỉ đơn thuần hàm chứa những xúc động tại chỗ và nhất thời. Tuy thế,
nếu muốn dùng lập luận để biện minh cho một lập trường đạo đức, bạn phải tìm
cho ra một nền tảng hợp lý cho đạo đức học.
Trong lịch sử triết học, người ta đã đưa
ra ba cơ sở chính: luật tự nhiên (natural law); chủ nghĩa duy thực lợi
(utilitarianism) và mệnh lệnh vô điều kiện (categorical imperative).
1. Luật tự nhiên: Luật tự nhiên (natural law) có nghĩa là có những nguyên tắc đạo đức bất
biến, chung cho hết thảy loài người, vì đức hạnh là cái thuộc về bản tính tự
nhiên của con người. Nói cách khác, nó là qui tắc hạnh kiểm được xem là đặt cơ
sở trên sự hợp lý vốn cố hữu trong mọi sự. Nó khác với định luật của thiên
nhiên (laws of nature), vốn được lập thành do bởi quan sát và xét nghiệm mối
tương quan của các hiện tượng tự nhiên.
Trong quyển 1 của Nicomachean Ethics, Aristotle viết rằng:
"Mọi nghệ thuật và mọi thẩm tra, và cũng thế, mọi hành
động và mọi truy tầm, đều được quan niệm là cùng nhắm tới một cái thiện nào đó;
và vì lý do ấy, cái thiện đã và đang được tuyên bố một cách đúng đắn chính là
cái mà hết thảy mọi cái nhắm tới."trang 1094a
Aristotle triển khai quan điểm ấy thành
ý tưởng về cái thiện tuyệt đối cho loài người: đó là hạnh phúc (eudaimona). Nếu
bạn đồng ý với Aristotle rằng vạn vật có nguyên nhân tối hậu hoặc cứu cánh,
nghĩa là "cái thiện", mà vì đó vạn vật hiện hữu, hoặc nếu bạn chấp
nhận ý kiến của Aristotle rằng các "dạng thức", đặc biệt dạng thức
của cái thiện, có một thực tại thường trực và bất biến, độc lập với tâm trí và
nhận thức của chúng ta, thế thì chắc chắn con người, bằng phương cách khách
quan và độc lập, có khả năng xác định cái nào là "tốt" và điều nào là
"xấu", hành động nào là "phải" và cử chỉ nào là
"trái".
Luật tự nhiên là một lối tiếp cận vào
đạo đức học với lời tuyên bố rằng cái gì đó được cho là "phải" nếu nó
thành toàn cứu cánh chân chính của nó trong cuộc đời, và bị cho là
"trái" nếu nó đi ngược lại cứu cánh ấy.
Thí dụ về quan hệ tính dục.
Dựa trên ý tưởng về cứu cánh tự nhiên
vốn cố hữu trong mọi sự, luật tự nhiên dường như thích đáng một cách đặc thù
trong việc ứng xử với các chủ đề tính dục. Vì rõ ràng rằng sinh hoạt tính dục
có cứu cánh tự nhiên và thiết yếu cho sự sống. Nói theo ngôn ngữ của luật tự
nhiên thì:
a. Chức năng "có tính tự
nhiên" của tính dục là tái sản xuất nòi giống;
b. Sinh hoạt tính dục phi tái sản xuất
là "trái với tự nhiên", do đó, nó "trái" về mặt đạo đức,
hoặc ít nhất là sử dụng sai chức năng tự nhiên của tính dục. Như thế, phát xuất
từ quan điểm này, các hành động như thủ dâm, ngừa thai và đồng tính luyến ái
đều đáng bị chỉ trích. Vợ chồng "ăn nằm" với nhau là để sinh con đẻ
cái chứ không phải vì thú vui nhục cảm.
Thí dụ về phá thai và trợ tử.
Mọi sinh vật đều tìm cách bảo tồn sự
sống của chính nó, đó là điều rất tự nhiên tới độ không ai dám tranh cãi. Nếu
mỗi vật đều có một cứu cánh tự nhiên để nó hoàn thành, thì hành động phá thai
và trợ tử đều có thể bị xem là "trái", vì nó đi ngược lại cuộc thao
diễn cam go và tự nhiên của sự sống.
a. Trừ phi xảy ra điều gì đó trục trặc
không thể tránh khiến cho bị sẩy thai, một phôi thai vừa thụ tinh sẽ, một cách
tự nhiên, tăng trưởng thành một con người mới mẻ và độc lập. "Nguyên nhân
tối hậu"’ của phôi thai, theo chữ dùng của Aristotle, là một người lớn mà
tới ngày nào đó nó sẽ trở thành. Do đó, thật là "trái" khi có người nào
đó cố tình làm hỏng diễn tiến tự nhiên ấy bằng cách phá thai. Trên cơ sở của
luật tự nhiên, cho dù người ta không muốn có đứa bé ấy hoặc cuộc đời của nó
không có khả năng hưởng hạnh phúc, thì cũng thật "trái" khi tìm cách
phá thai.
b. Khi một thể xác không còn chịu đựng
nổi gánh nặng bệnh hoạn thì nó chết. Thúc đẩy cho cái chết xảy tới sớm hơn tức
là làm hỏng xu hướng tự nhiên đối với sự tự bảo tồn. Kết quả của hành vi trợ tử
có thể làm gánh nặng khổ đau trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng nó vẫn phải bị xem là "trái"
trong tự thân nó, cho dù người đưa ra quyết định mang tính đạo đức ấy có tình
cảm rất thắm thiết với đương sự.
Luật tự nhiên và tôn giáo.
Lối tiếp cận của luật tự nhiên vào đạo
đức học có đặc điểm đáng chú ý là nó liên quan tới triết học tôn giáo. Nó dựa
trên cơ sở rằng thế giới có cứu cánh tính và rằng lý trí con người có khả năng
am hiểu cứu cánh của bất cứ thành phần nào trong thế giới. Có thể xem nó như
khía cạnh đạo đức học của luận cứ truyền thống rút ra từ sự thiết kế hay dự
kiến (xem chương 6, phần luận cứ mang tính cứu cánh luận).
Luật tự nhiên không giống với việc xem
cái gì đó xuất hiện là phản ứng tự nhiên trước một tình huống nhất định; nó tự
nhiên theo ý nghĩa rằng nó phản ánh bản tính được loài người chung chia với
phần còn lại của chúng sinh trong vương quốc của mọi sinh linh. Nói rõ hơn, nó
là bản tính tự nhiên được con người thấy bằng con mắt lý trí. Và quả thật, đối
với hầu hết những kẻ muốn sử dụng luận cứ mang tính luật tự nhiên, nó cũng
nhuốm màu sắc tôn giáo trong đó thế giới được nhìn như một sáng tạo phẩm của
Thượng đế và có cứu cánh tính của nó.
Ngoại tình là chuyện tự nhiên? Trong một
bài báo bàn về vấn đề ngoại tình có nhan đề là "We have descended from apes but we
don’t have behave like them" (Chúng ta từ
lũ vượn mà ra nhưng chúng ta không cư xử giống như chúng), Anne Applebaum chống
lại một lý thuyết thời thượng vốn cho rằng ngoại tình là điều tự nhiên.
Bà lập luận rằng dù con người
"xấu" về mặt bản năng, nó vẫn có khả năng kiềm chế các hành động của
nó. Cách riêng, bà chống lại ý tưởng cho rằng ngoại tình đơn giản chỉ là phô
diễn tự nhiên sự thôi thúc có tính di truyền nhằm tái sản xuất theo phương cách
ưa thích nhất có thể được, và rằng vì thế, một cách tự nhiên, đàn ông bị cuốn
hút vào một số phụ nữ khác.
Applebaum trình bày một phần luận cứ của
bà như sau: "Tình
trạng gần như chấp nhận ‘lý thuyết Freud giảm thiểu’ đã cho phép bồi thẩm đoàn
chấp nhận rằng những tên giết người bị ‘mất trí nhất thời’; rồi chẳng bao lâu
nữa ‘lý thuyết Darwin giảm thiểu’ cũng có thể cho phép họ chấp nhận rằng những
tên cưỡng dâm bị ‘ám ảnh nhất thời bởi nhu cầu di truyền để tái sản xuất’.
Nhưng nằm ngay ở tâm điểm của mọi lời giải thích mới mẻ ấy về động thái của con
người là một vấn đề có tính nền tảng rằng trong khi đọc các giải thích ấy, ta không
thể nào không cảm thấy cái vòng bánh xe xưa cũ đang được tái khám phá.
"Nói rằng ‘Chúng ta đều là kẻ ngoại tình di truyền’ tức
là tái hiện một cách sâu sắc và đầy ấn tượng một quan điểm nghiêm ngặt tương tự
như thế của Kitô giáo về bản tính con người, được phản ánh trong câu ‘Chúng ta
đều là kẻ tội lỗi’... Nhưng giữa hai thế giới, một do các nhà tân Darwin mô tả
và một do các tôn giáo lớn mô tả có sự khác biệt. Ðó là cái sau tin rằng sự
hiện hữu của giáo luật và những thực hành tôn giáo được hướng dẫn bởi danh xưng
của đạo đức đang kiểm soát các ‘bản năng tự nhiên’ của chúng ta".
Anne Applebaum, The Daily Telegraph, 29 tháng Tám, 1994 – trang 17
Suy tưởng về luật tự nhiên. Từ những
quan điểm thuần lý thuyết và các luận cứ dựa vào thực tế kể trên, ta có thể suy
ngẫm về một số câu hỏi:
1. Có cái gì đó có khả năng hợp tự nhiên
nhưng nó lại là "trái" không?
2. Có phải động thái tự kiềm chế luôn
luôn là trái với tự nhiên?
3. Có phải hành động có tính di truyền
trong việc củng cố giống nòi, mà giả dụ là đúng, có thể được hỗ trợ bằng việc
cho phép sinh vật dũng mãnh nhất được gây giống một cách tự nhiên với sinh vật
xinh đẹp nhất, và tự nó là cái "thiện" tối hậu đang được chúng ta tìm
kiếm không?
Tới đây, ta có thể nhắc lại những điều
đã trình bày bằng một cách khác, rằng:
a. Luật tự nhiên không giống với định
luật của thiên nhiên;
b. "Luật tự nhiên" là sự cân nhắc có lý tính cứu
cánh tối hậu của mọi sự trong tự nhiên, và sự hình thành hành động có ý thức
nhằm làm cho nó phù hợp với cứu cánh ấy.
Luật tự nhiên trong y học.
Trong đạo đức học y khoa có nhiều vấn đề
liên quan tới "luật tự nhiên".
Hai vợ chồng nọ kết hôn đã rất nhiều năm
nhưng không có con. Xét nghiệm y khoa cho thấy một trong hai người cằn cỗi
"một cách tự nhiên". Y khoa cũng có thể cung cấp cho họ dịch vụ
"trái tự nhiên" bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc một
phương pháp trị liệu nào khác để họ có con. Và thật "rất tự nhiên"
khi họ muốn sự việc tiến hành theo một trong hai cách đó.
Thế nhưng, bản tính tự nhiên và cứu cánh
của các phương pháp trị liệu ấy liên quan tới cái gì? Theo luật tự nhiên, có
nên chấp nhận quyết định của hai vợ chồng ấy không, với ý nghĩa rằng họ chỉ
muốn thực hiện dễ dàng "cứu cánh tối hậu" của việc kết hôn là để sinh
con đẻ cái?
Còn nữa, việc đó có đi ngược lại chủ
nghĩa tự nhiên máy móc (natural mechanism) vốn cho rằng một số cặp vợ chồng cằn
cỗi là chuyện tự nhiên của đất trời nhằm giới hạn dân số? Thêm nữa, trạng thái
cằn cỗi của họ là "tự nhiên", còn việc cung cấp cho họ một quá trình
nhân tạo cho dù thụ thai hay trị liệu phải chăng cũng là đi ngược lại cứu cánh
tự nhiên tiềm ẩn trong sự cằn cỗi của họ?
Nếu cứ thế mà đặt vấn đề rồi lập luận và
nếu những biện pháp kể trên bị cáo giác là "chống lại tự nhiên" thì
nói chung, chúng ta còn gì để nói nữa về y khoa? Khi bị nhiễm trùng, điều tự
nhiên là người ta lăn ra chết, còn việc cứu sống họ bằng thuốc kháng sinh là
phản tự nhiên!
Nhưng nếu luật tự nhiên tìm kiếm sự
thành toàn cứu cánh của mỗi người, thì việc người ta ngăn không để cho chết yểu
hoặc tìm cách hạ tử suất của trẻ em lại không phải là một quyết định dựa trên
sự thừa nhận rằng cá nhân có thể thành tựu tốt tiềm năng của nó bằng cách giúp
cho nó có cơ hội tiếp tục sống sao?
2. Chủ nghĩa duy thực lợi: Chủ nghĩ duy thực lợi (utilitarianism) là một lý thuyết đạo đức được liên
kết đặc biệt với tên tuổi của Jeremy Bentham (1748-1832), triết gia, luật sư và
nhà cải cách xã hội người Anh. Ông là người có mối liên hệ đặc thù với các chủ
đề thực tiễn như cải cách chế độ lao tù, giáo dục và tính liêm chính của các
định chế công quyền.
Các chủ trương của Bentham được triển
khai sâu xa thêm bởi John Stuart Mill (1806-1873), nhà vận động cho sự tự do cá
nhân và các quyền của phụ nữ. Tuy thế, có thể tìm thấy những gốc rễ sớm sủa của
thuyết ấy trong các ý tưởng căn bản của chủ nghĩa khoái lạc vốn có từ thời cổ
đại.
Sống đời khoan khoái.
Chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) là thuật
ngữ dùng để gọi một triết thuyết xem việc thành tựu hạnh phúc là mục tiêu ưu
tiên trong cuộc sống. Nhà hiền triết Epicurus (k.341-270) giảng dạy tại thành
quốc Athens (Hi Lạp) vào cuối thế kỷ thứ tư trước C.N. Ông theo quan điểm
thuyết nguyên tử (atomism) về thế giới, chủ trương rằng vạn vật được hợp thành
bởi các nguyên tử không thể phân chia. Trong khi cho rằng thần linh chỉ ảnh
hưởng nhỏ nhoi lên cuộc sống, ông xem, một cách tổng quát, cứu cánh chính của
cuộc sống là sở đắc khoái lạc.
Epicurus quả quyết rằng so với khoái lạc
vốn dài lâu thì đau đớn chỉ tồn tại trong một lúc ngắn ngủi, cái chết chẳng là
gì cả mà chỉ là sự phân tán các nguyên tử đã hợp thành con người chúng ta, và
chẳng có kiếp sau nào cho ta phải vừa sống vừa sợ hãi. Do đó, ông cho rằng
người khôn ngoan nên sống một cuộc đời sảng khoái, chẳng chút băn khoăn lo
lắng. Và nếu đạo đức có một cứu cánh thì đó là tối đa hóa số lượng khoái lạc mà
cuộc đời có thể cống hiến.
Phác thảo sơ sài như trên chưa phản ánh
trung thực lý thuyết của Epicurus và không đối xử công bằng với sự kiện vị
triết gia ấy vì ông rất phân biệt khoái lạc tinh thần với khoái lạc vật dục. Và
chắc chắn Epicurus không phải là kẻ tôn thờ "khoái lạc chủ nghĩa"
hiểu theo kiểu nói có hàm ý nhục cảm của đại chúng. Tuy thế, ông đã thiết lập
sự tối đa hóa hạnh phúc như cứu cánh số một của đạo đức.
Thiện nhất là có lợi cho nhiều người
nhất.
Lập trường của Epicurus trở thành cơ sở
cho các lý thuyết duy thực lợi trong đạo đức học: rằng điều "phải"
cần được thực hiện trong bất cứ cơ hội nào là nhắm tới việc cung cấp hạnh phúc
tối đa cho hết thảy những ai can dự. Có thể tóm gọn các ý tưởng ấy trong công
thức: "Cái thiện cao cả nhất là cái phục vụ số lượng lớn lao nhất",
nghĩa là làm cho nhiều người trong xã hội hưởng lợi nhất.
Bentham cũng đưa ra quan điểm rằng khi
thẩm định một công cuộc "tốt" hay "xấu", ta phải tính tới
hết thảy mọi người một cách bình đẳng, và đó là quan điểm cấp tiến nhất so với
thời đại dành ưu tiên cho giới "thượng lưu quí tộc" thuở đó. Vì thế,
chủ nghĩa duy thực lợi là lý thuyết đặt cơ sở trên các kết quả kỳ vọng vào một
hành động nhất định, thay vì trên bất cứ ý nghĩa "phải" hoặc
"trái" nào cố hữu trong hành động ấy.
Ðây là quan điểm đạo đức học triệt để đi
theo lẽ thường hoặc cảm quan chung (commonsense); việc làm điều
"phải" thường được liên kết với việc làm điều tạo phúc lợi cho đa số
quần chúng. Tuy thế, xét từ quan điểm triết học, tự thân quan điểm ấy vướng mắc
một số vấn đề nhất định.
1. Bạn không bao giờ có thể biết một
cách chắc chắn hết thảy các hiệu ứng do hành động của mình gây ra. Ðan cử một
thí dụ thô thiển. Bạn có thể cứu mạng một đứa trẻ đang chết đuối mà về sau, khi
lớn lên nó sẽ trở thành một gã sát nhân tập thể. Trong thực hành, luôn luôn
phải có điểm dừng mà ở quá bên kia điểm đó, ta không thể nào tính toán hết các
hậu quả về mặt thực tiễn.
Cộng thêm vào đó có sự kiện rằng thường
khi chúng ta nhận ra hậu quả hành động của mình thì đã muộn màng; trước hoặc
trong khi hành động, chúng ta đã kỳ vọng điều gì đó hoàn toàn khác! Như thế, dù
thuyết duy thực lợi có vẻ cống hiến một phương cách đơn giản và cụ thể để thẩm
định các chủ đề đạo đức, ta vẫn phải luôn luôn xem sự thẩm định của nó chỉ là
tạm thời.
2. Ðịnh nghĩa về cái lập thành hạnh phúc
có thể không khách quan. Những người khác có thể không muốn cái mà bạn cho rằng
đối với họ đó là hạnh phúc và ích lợi nhất. Bạn ham mê luyện tập võ thuật và
bạn sung sướng khi thảo luận các vấn đề tâm linh tới độ bỏ ăn quên ngủ, nhưng
không phải ai cũng muốn tới võ đường hoặc vào thiền viện như bạn.
Luận cứ mang tính duy thực lợi chủ nghĩa
có vẻ biến việc cân nhắc kết quả thành cơ sở cho sự chọn lựa đạo đức. Nhưng
trong thực tiễn, trong khi tuyển chọn cấp độ hoặc kiểu cách hạnh phúc để cân
nhắc, con người thường biến giá trị thành các phán quyết, và có lẽ kể cả phán
quyết đạo đức.
3. Làm thế nào bạn phán quyết giữa sự
đau đớn gây ra cho một cá nhân đơn lẻ và kết quả hạnh phúc cho những người
khác? Phúc lợi cho toàn thể địa cầu này có thật sự biện minh nổi cho hành động
gây ra đau thương cho một con người vô tội và đơn lẻ không? Và bạn hiểu thế nào
khi có người chủ trương rằng tội các nằm ở bản chất của hành động chứ không nằm
ở số lượng nạn nhân của nó?
Tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong thực tiễn, không phải lúc nào con
người cũng quân bình và khách quan. Cũng như không phải lúc nào con người cũng
dễ dàng chọn lựa giải pháp, đặc biệt khi lâm vào tình thế tới lui đều khó xử
(dilemma).
Một thanh niên cường tráng, sức khỏe
hoàn hảo, hồn nhiên tới thăm viếng một nhà thương ở đó có nhiều người đang nôn
nóng và khắc khoải chờ được thay thế nhiều bộ phận lục phủ ngũ tạng khác nhau.
Liệu rằng vị bác sĩ giải phẫu theo chủ nghĩa duy thực lợi có tránh khỏi bị cám
dỗ khi nhìn người trẻ tuổi hồng hào tươi tắn ấy không?
Ðó là một thí dụ có vẻ ngớ ngẩn, nhưng
rồi có một thí dụ khác nghiêm chỉnh hơn.
Trong khi phân phối các ngân khoản eo
hẹp của nhà thương, bạn phải đưa ra các chọn lựa. Liệu bạn có thể chi ra số
tiền lớn cho một cuộc giải phẫu mà bạn không biết chắc chắn nó có thể hay không
thể cứu mạng một đứa bé đang bị bệnh rất nặng, nếu hậu quả sự chọn lựa đó làm
nhiều bệnh nhân khác đang quá suy nhược, thậm chí có lẽ tính mạng đang lâm
nguy, không còn có thể nhận được sự trợ giúp rất cần kíp cho họ. Làm thế nào
bạn thẩm định hạnh phúc tương đối của những người can dự đó?
Thêm một thí dụ khác nữa, khó xử hơn.
Một phụ nữ quanh năm đẩy xe đạp bán rong trái cây đi với chồng là công nhân phụ
hồ tới phòng mạch của bạn để khám thai. Bạn phát hiện và nói với cả hai vợ
chồng nghèo ấy rằng thai nhi chẳng may bị lâm vào tình trạng dị dạng hoặc bị
tàn tật rất nặng nhưng có khả năng sống sót. Có phải sự đau khổ tiềm tàng của
cả đứa bé lẫn cha mẹ nó, là kết quả của sự tàn phế nghiêm trọng và bẩm sinh ấy,
khiến cho sự sống sót của đứa bé không cộng thêm được gì vào tổng số hạnh phúc
của đôi vợ chồng trẻ trung, tha phương cầu thực và chạy ăn từng ngày ấy? Và
trong trường hợp này, ai là kẻ có khả năng đưa ra một thẩm định khách quan?
Trong ba thí dụ vừa kể, cái thứ hai làm
phát sinh những khó khăn sâu xa hơn khi cân nhắc. Vì việc tiến hành cuộc giải
phẩu ấy ngoài chuyện cứu hay không cứu nổi đứa bé, về mặt thực nghiệm, còn có
thể mang lại phúc lợi cho các bệnh nhân khác trong tương lai. Ðây là một luận
cứ thường được dùng làm cơ sở biện minh cho công cuộc nghiên cứu khoa học, rằng
nếu không tiến hành thì sự phát triển về lâu về dài của công nghệ mới sẽ bị
chửng lại.
Các hình thức của thuyết duy thực lợi.
Ngang đây, chúng ta chỉ mới xem xét chủ
nghĩa duy thực lợi hành động (act utilitarianism) vốn lập những phán xét đạo
đức dựa trên những hậu quả khả hữu của các hành động đặc thù. Bên cạnh đó, còn
có chủ nghĩa duy thực lợi qui tắc (rule utilitarianism)
Thuyết thứ hai này cân nhắc phúc lợi
tổng thể mà xã hội sẽ đạt được nếu chấp nhận một qui tắc đặc thù. Nói cách
khác, việc vi phạm một qui tắc có thể đưa lại lợi ích cho cá nhân đương sự,
nhưng sự kiện để cho một qui tắc bị vi phạm tự nó có thể gây nên những hậu quả
tai hại cho xã hội như một toàn bộ. Ðây là một hình thức của chủ nghĩa duy thực
lợi do John Stuart Mill đề ra.
Chủ nghĩa duy thực lợi qui tắc có hai
hình thức: mạnh và yếu.
1. Người theo thuyết duy thực lợi qui
tắc mạnh lập luận rằng một điều gì đó không bao giờ được xem là
"phải" nếu nó vi phạm một qui tắc vốn có mục đích mang lại phúc lợi
cho toàn bộ xã hội.
2. Người theo thuyết duy thực lợi qui
tắc yếu lập luận rằng có thể có những trường hợp đặc biệt cho phép vi phạm một
qui tắc, thế nhưng cũng cần phải để ý và cân nhắc tới phúc lợi tổng thể của xã
hội nếu không xảy ra sự vi phạm ấy.
Chủ nghĩa duy thực lợi sở thích
(preference utilitarialism) đặt cơ sở trên việc lấy sở thích của hết thảy những
ai can dự làm định chuẩn. Nói cách khác, nền móng của việc thẩm định cái
"thiện" trong tình huống đặc thù không có tính cách cá nhân riêng tư
nhưng lưu tâm tới các quan điểm và nguyện vọng của các đương sự can dự.
Khi đạo và đời xung khắc.
Vào tháng Mười năm 1994, chính phủ Anh
phát động phong trào chích ngừa bệnh sởi cho hết thảy trẻ em trên khắp nước. Sự
kiện ấy gây thành vấn đề đối với người Công giáo vì thuốc chủng ngừa bệnh sởi
được bào chế nguyên gốc từ các thai nhi đã chết. Các luận cứ đạo đức xoay quanh
vấn đề cho thấy rõ một tình thế xung khắc giữa "luật tự nhiên" và
những mối quan tâm có tính duy thực lợi chủ nghĩa.
Ðầu tiên, hai trường học Công giáo quyết
định không tham gia chích ngừa, dựa trên cơ sở rằng:
1. Lòng tôn trọng tuyệt đối sinh mạng
con người đòi hỏi phải kết án hành động phá thai trực tiếp và phải từ khước
những phúc lợi có được từ sản phẩm do hành động độc dữ mang lại.
Nói cách khác, nếu căn nguyên của việc
phá thai tự nó là "trái" thì từ nó không thể phát sinh cái
"phải" nào. Nếu người ta cố ý hưởng cái lợi phát sinh từ một hành
động "trái", thì có vẻ như đã bỏ qua cho sự sai trái ấy.
2. Tới đây, Hội đồng Giám mục Anh quốc
can thiệp. Các giám mục để cho bậc phu huynh có quyền tự do chọn lựa. Họ cho
phép, trong trường hợp này, được tùy ý giữ hay không giữ lập trường chính thức
về việc phá thai, nhưng họ thêm rằng: "Phụ huynh Công giáo nào muốn tán
thành việc sử dụng sự chích ngừa bệnh sởi theo cách ấy có thể được bảo đảm rằng
không có sự ràng buộc tổng quát nào về việc từ chối cho phép... Hành động tán
thành ấy không phải có ý nghĩa bỏ qua cho việc phá thai, cũng không phải rốt
cuộc sẽ có thêm những vụ phá thai để bào chế loại thuốc chủng ngừa ấy".
Nói cách khác, nếu bạn thụ hưởng phúc
lợi từ một hành động, như thế không có nghĩa tự nó có hàm ý rằng bạn chấp thuận
hành động ấy.
3. Người phát ngôn của một trong hai
trường học cho biết tuy họ từ chối việc chủng ngừa cho nam sinh bằng thuốc ấy
nhưng họ chấp nhận việc chủng ngừa bệnh sởi, cũng bằng thuốc ấy, có thể bắt đầu
với nữ sinh, vì nguy cơ nhiễm bệnh sởi trong thời kỳ thai nghén có thể khiến
đứa con bị mù hoặc tổn thương não bộ.
Ðạo đức là lập quân bình?
Như thế, ở đây, hình thức của luận cứ
dùng để từ khước có vẻ đã chuyển sang một dạng duy thực lợi chủ nghĩa. Trong
thực tế, người ta vẫn có khả năng lập luận rằng việc không chịu chấp nhận ấy
cũng có thể được biện minh dựa trên cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa nếu người ta
tin, như một qui tắc, rằng sự chống đối việc phá thai sẽ tạo ra những phúc lợi
lớn lao hơn việc phòng ngừa bệnh sởi.
Thí dụ vừa kể minh họa cho một thực tế
rằng, dù vì cứu cánh đạo đức học chúng ta có khuynh hướng tách biệt rạch ròi
các hình thức khác nhau của các luận cứ, nhưng khi ứng xử với các chủ đề đạo
đức thật sự, chúng ta đều có thể dùng cả hai luận cứ ấy. Và phán quyết đạo đức
là vấn đề lập quân bình giữa các tuyên bố đang tranh đua nhau. Hiếm khi có được
sự lựa chọn rạch ròi, và việc phòng ngừa bệnh sởi không giống với việc chấp
thuận phá thai.
Dường như cả luật tự nhiên lẫn chủ nghĩa
duy thực lợi đều cung cấp những cơ sở hợp lý và khách quan cho việc quyết định
giữa "phải" và "trái". Tuy thế cả hai có những tiền giả
định không thể giải thích phù hợp với tự thân mỗi lý thuyết. Cái đầu tùy thuộc
vào ý tưởng "nguyên nhân tối hậu", còn cái sau thì chấp nhận
"hạnh phúc như là cái thiện tối thượng".
3. Mệnh lệnh vô điều kiện:
Từ đầu sách đến nay, trong khi nhìn vào
công trình của Immanuel Kant, triết gia Ðức thế kỷ 18, chúng ta đã thấy sự phân
biệt triệt để của ông về các sự kiện như chúng ta nhận thức chúng và các sự vật
như chúng hiện hữu tự thân cùng các phạm trù không gian thời gian và quan hệ
nhân quả mà qua đó chúng ta thông giải kinh nghiệm của mình. Nhưng Kant cũng có
những đóng góp quan trọng vào lãnh vực đạo đức học.
Ðạo đức tiềm ẩn trong ta.
Ðối với Kant thì "Bầu trời đầy sao
ở trên đầu, luật đạo đức ở trong hồn". Ông xem "Ðạo đức học
"không phải là chủ thuyết làm thế nào để cho ta hạnh phúc, mà là làm thế
nào để sống xứng đáng với hạnh phúc". Như thế, hẳn Kant tin rằng luật đạo
đức cùng hạnh phúc tự chúng hiện hữu sẵn ở trong ta và đi sóng đôi nhau, ta
không cần phải tìm kiếm chúng, ta chỉ có nghĩa vụ sống thích đáng với chúng.
Xuất phát từ đó, Kant tìm cách đề ra một
nguyên lý tổng quát có thể áp dụng một cách phổ quát, qua đó lý trí thực tiễn
có khả năng phân biệt giữa "phải" và "trái".
Kant bắt đầu với thực tế rằng con người
có cảm giác nghĩa vụ đạo đức. Chúng ta biết nó là cái gì khi cảm giác có điều
gì đó chúng ta nên làm, bất chấp hậu quả.
Tự do, Thượng đế và Bất tử.
Ông lập luận rằng nghĩa vụ ấy tiền giả
dụ ba điều:
1. Tự do. Thí dụ một người, cả nam lẫn nữ, cần sự tự do trong tự thân nó, cho
dẫu người ấy có vẻ bị điều kiện hóa nếu nhìn từ điểm nhìn của người quan sát;
2. Thượng đế. Vì ngược lại, hẳn không có gì bảo
đảm rằng việc thực hiện điều phải, tức là đức hạnh, tối hậu dẫn tới hạnh phúc,
tức là đức hạnh và hạnh phúc hiệp cùng nhau trong "cái thiện tối
cao";
3. Bất tử. Cho dẫu làm điều phải sẽ dẫn tới
cái thiện tối cao, điều đó cũng có thể bất khả thi trong khoảng thời gian ngắn
ngủi của một kiếp người đơn lẻ, thí dụ nếu có ai hi sinh tính mạng để cứu sống
người khác.
Qua những phát biểu của Kant, chúng ta
để ý thấy ông không nghĩ rằng con người trước hết đi tới việc chấp nhận một
cách có lý tính Thượng đế, tự do và sự bất tử, rồi kế đó mới đi tới việc quyết
định sẽ sống một cuộc đời đạo đức. Ðúng hơn, theo Kant, bằng hành động một cách
đạo đức, thậm chí bằng việc cảm thấy có cảm giác nghĩa vụ đạo đức, con người
phô bày một cách ý thức hoặc vô thức niềm tin của mình vào cả ba điều ấy.
Cảm giác nghĩa vụ đạo đức tuyệt đối ấy
được Kant đặt tên là mệnh
lệnh vô điều kiện\ (categorical
imperative), với dụng ý đối lập với "mệnh lệnh giả thuyết"
(hypothetical imperative), tức là mệnh
lệnh có điều kiện với
công thức phát biểu rằng "muốn sở đắc cái này bạn phải làm cái kia"
hoặc "muốn đạt kết quả đã chọn, bạn phải thực hiện một hay một số việc
thiết yếu". Mục đích của Kant là trình bày mệnh lệnh tuyệt đối dưới dạng
các nguyên tắc đạo đức phổ quát.
Các nguyên tắc đạo đức của Kant.
Kant diễn tả mệnh lệnh tuyệt đối ấy bằng
nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung có thể rút gọn như thế này.
"Hãy chỉ hành động theo nguyên tắc (hoặc châm ngôn) mà
bạn có thể, để ngay lúc ấy nó trở thành một luật phổ quát".
Ông cộng thêm vào đó nguyên tắc thứ hai:
"Hãy hành động bằng cách đối xử với con người như là
cứu cánh chứ không bao giờ như là phương tiện".
Nguyên tắc đầu rốt cuộc là nguyên tắc có
ý nói rằng điều gì ta muốn mình làm thì nên chuẩn bị sao cho cho mọi người
trong cộng đồng – đoàn nhóm hay xã hội – cùng làm điều đó. Nếu bạn không thể
mong muốn hành động của bạn trở thành một qui tắc phổ quát, thế thì bạn không
nên làm điều đó trong các tình huống cá thể của mình. Chúng ta hãy sống theo
nguyên tắc ấy và sẽ tạo ngay được một tập thể lý tưởng gồm những con người có
lý trí.
Nguyên tắc thứ hai xác nhận con người là
đối tượng để phục vụ và bằng hỗ tương hành động, giúp nhau thành toàn nhân
cách, chứ không xem con người như đối tượng chỉ có giá trị lợi dụng rồi thôi.
Trong cuốn Foundations
of the Metaphysics of Morals (Các
cơ sở của siêu hình học đạo đức, 1785) Kant viết rằng: "Hãy hành động thế
nào để xem nhân tính, dù trong chính bản thân hay nơi người nào khác, trong mọi
trường hợp, phải như một cứu cánh chứ không bao giờ như một phương tiện".
Ở đây, bạn có tính tổng quát nhất của
mọi nguyên tắc, và nguyên tắc ấy, về mặt nổi, đã có một phả hệ lâu dài. Nó cùng
một tuyến với châm ngôn của Ðức Khổng Tử: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân:
Chớ làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình", và
nó đi theo qui tắc vàng của Ðức Kitô trong Bài giảng trên núi: "Anh em muốn người ta đối xử với
mình như thế nào thì anh em hãy đối xử với người ta như thế đó".
Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Ðối với nguyên tắc ấy, có một vấn đề
khiến ta phải nghĩ ngợi. Có thể có những tình huống đặc thù trong đó người ta
có thể muốn giết người hoặc có thể muốn nói dối nhưng lại tuyệt đối không muốn
rằng sát nhân hay dối trá phải trở thành một định luật phổ quát. Vì với Kant,
"Một định luật như thế sẽ chẳng có một hứa hẹn nào cả". Nghĩa là ta
phân biệt rành mạch giữa cái đặc thù với cái phổ quát và không muốn dùng cái
trước để bao che cho hoặc xâm phạm cái sau.
Giả dụ rằng mạng sống của một người vô
tội đang bị đe dọa và cách duy nhất để cứu người ấy là phải nói dối vì người ấy
hẳn đang kỳ vọng như thế. Gặp trường hợp đó, theo luận cứ của Kant, cần phải
lập luận là bạn có thể mong muốn rằng bất cứ người nào trong tình huống giống
hệt cũng nên được tự do nói dối, tuy thế bạn không mong muốn rằng bất cứ ai
trong bất cứ tình huống nào cũng được tự do thực thi hành động nói dối.
Một trường hợp tiêu biểu.
Trong một bài báo nhan đề "Kant on Welfare" (Kant về vấn đề trợ cấp xã hội) trên tạp chí chuyên đề Canadian
Journal of Philosophy, tháng Sáu
năm 1999 của Mark LeBar, giáo sư thuộc Ðại học Ohio, tác giả minh họa vấn đề đó
bằng cách áp dụng nguyên tắc phổ quát của Kant rằng nên đối xử với con người
như cứu cánh chứ không như phương tiện. Bài báo mở đầu:
"Cuộc tranh luận đương đại về chính sách trợ cấp xã hội
cho công chúng thường bị phủ bóng bởi các thuật ngữ mang bản sắc Kant. Thí dụ,
người ta lập luận rằng sự tôn trọng phẩm giá của người nghèo đòi phải có chương
trình cứu trợ dành cho công chúng, hoặc rằng sự tôn trọng tính tự trị của con
người cấm người ta làm như thế".
Ðây là một thí dụ điển hình về trường
hợp nguyên tắc tổng quát không đủ để thiết lập lối tiếp cận này hay lối tiếp
cận nọ là "phải" về mặt đạo đức. Trên lý thuyết, chúng ta biết mình
có thể muốn điều gì, nhưng trong thực hành, chúng ta không biết nên theo những
bước nào để đạt được điều đó. Tuy thế, trong khi đối mặt với những bước thực
hành thì cũng là lúc ta đương đầu với một tình thế tới lui đều khó, nghĩa là
đòi hỏi mình phải tìm đáp án cho một nan đề đạo đức.
4. Tóm tắt:
Luật tự nhiên, sự thẩm định kết quả và
cảm giác nghĩa vụ đạo đức: cả ba cái ấy, đôi khi đứng riêng, đôi khi trộn lẫn
vào nhau, hình thành nền móng của luận cứ đạo đức. Thông thường, luật tự nhiên
và cảm giác nghĩa vụ đạo đức dẫn tới sự hình thành các nguyên tắc đạo đức tổng
quát giúp phán quyết loại hành động này hay loại hành động nọ là phải hoặc
trái. Còn việc có hợp lý và chính đáng không khi áp dụng bất cứ nguyên tắc nào
như thế vào từng hoàn cảnh hay vào mọi hoàn cảnh lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Bởi thế cho nên, lối thẩm định mang tính
duy thực lợi chủ nghĩa về kết quả, dù rõ ràng là thực tiễn và cấp thời hơn các
lối khác, nó vẫn luôn luôn để ngỏ cho sự mông lung của số phận, do bởi thực tế
chúng ta không bao giờ biết hết tất cả các hậu quả lâu dài của hành động của
mình.
V. Tuyệt đối chống tương đối
Nếu đạo đức có tính tuyệt đối, thì một
hành động dù được thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa vẫn có thể bị
đánh giá là "trái" một khi nó vi phạm qui tắc đạo đức. Như thế, hành
động trộm có thể bị xem là trái. Nhưng trộm là gì? Theo một ý nghĩa nào đó,
định nghĩa của nó rất rõ rệt: trộm là hành động lấy cái thuộc về người khác mà
không có sự đồng ý của người ấy.
Vấn đề là "trộm" là một từ ngữ
có thể dùng để thông giải các tình huống cá biệt. Liệu chúng ta có thể bảo đảm
rằng nó là một từ ngữ lúc nào cũng đúng? Nếu không, thế thì người ta đúng hay
không khi, về mặt đạo đức, đánh giá mọi hành động "trộm" đều ngang
nhau kể cả trong trường hợp một người hay nhiều người can dự có cách nhìn khác
nhau về vấn đề ấy. Thí dụ hành động trộm tài liệu của điệp viên tình báo hoặc
người sắp chết đói trộm thức ăn của nhà giàu.
Từ nguyên tắc tuyệt đối tới đặc thù.
Minh họa cho nan đề đó có thể là hành
động "giết vì thương xót" hay cái gọi là "hóa kiếp". Trong
trường hợp một bệnh nhân bị bệnh cực kỳ trầm trọng, phải chịu đựng những tháng
ngày quá đổi đau đớn hoặc sống dở chết dở, không còn phương cách chữa trị.
Người ấy được thân nhân hoặc bạn thiết giúp cho chết ngay.
Hoặc một hành động nói theo ngôn từ văn
học của truyện kiếm hiệp là giết một tên cung hung cực ác, như để tránh cho y
không còn cơ hội tàn sát kẻ khác và "hóa kiếp" cho y thoát kiếp xấu
để tái sinh, 20 năm sau thành một hảo nam tử! Nếu là kẻ theo quan điểm cho rằng
đạo đức có tính tuyệt đối, bạn có thể nói: "Giết người luôn luôn là
trái". Thế thì, câu hỏi kế tiếp sẽ là: "Việc giết vì thương xót hoặc
hóa kiếp có giống với sát nhân không?"
Nói cách khác, bạn bắt đầu với những
nguyên tắc đạo đức tuyệt đối và rồi bạn thẩm xét từng hoàn cảnh đặc thù có liên
quan tới nguyên tắc đạo đức ấy. Ðó là một tiến trình được gọi một cách khái
quát là phán quyết đúng sai dựa trên khôn ngoan, thế nhưng lập luận của nó lại
có vẻ yếu ớt về mặt đạo đức, thậm chí nhiều người còn cho đó là một lối biện
luận lập lờ.
Nếu bạn nghĩ rằng đạo đức không có tính
tuyệt đối, bạn có nhiều khả năng bắt đầu với các hoàn cảnh đặc thù, thẩm xét và
đánh giá các dự tính cùng các hậu quả liên hệ. Trong khi tiến hành thẩm định,
bạn gắn ghép nhân sinh quan tổng quát của mình vào các hàm ý mà các hành động
đa dạng ấy có đối với xã hội như một toàn bộ.
Ðạo đức học tình thế.
Có một lối tiếp cận đạo đức mang bản sắc
Kitô giáo, nhấn mạnh tính chất độc đáo, có một không hai của mỗi biến cố, được
gọi là đạo đức học tình thế (situational ethics). Joseph Fletcher (1905-1991),
giáo sư nhiều đại học, trong đó có Ðại học Virginia, xuất bản cuốn sách của ông
có nhan đề Situation
Ethics: The New Morality (Ðạo
đức học tình thế: Một nền đạo đức mới, 1966). Sách ấy nhanh chóng trở thành một
bộ phận của phong trào phản ứng lại nhận thức chật hẹp của nền đạo đức Kitô
giáo truyền thống trong thời đại có những biến đổi nhanh chóng về mặt xã hội.
Fletcher lập luận rằng quan điểm của ông
tiêu biểu cho đặc tính nền tảng của lối tiếp cận mang bản sắc Kitô giáo vào
cuộc sống. Nó nhấn mạnh trên:
(1) Tình yêu được Tông đồ Phao-lô nói
tới trong Thư
gởi tín hữu Corinthô 2;
(2) Sự từ khước chủ nghĩa tuân giữ
nghiêm ngặt luật lệ (legalism) của người Do Thái; và
(3) Quan điểm của Augustine khi vị thánh
giáo phụ ấy bảo rằng "cứ yêu thương đi rồi mọi điều ngươi muốn làm đều
đúng".
Ðạo đức học tình thế lập luận rằng vì
không sự việc nào giống với sự việc nào nên trong mỗi hoàn cảnh, ta phải ưu
tiên làm điều mà mình cảm thấy là nhân ái nhất, và rằng để làm điều đó có thể
phải đặt sang một bên qui tắc đạo đức có tính qui ước hoặc đi ngược lại những
trông mong của xã hội.
Các nhà phê bình thuộc lập trường truyền
thống có khuynh hướng lên án lối tiếp cận đó. Họ cho rằng nếu như vậy, nó sẽ
dẫn tới tình trạng hỗn loạn đạo đức. Thế nhưng nó là nỗ lực chân thành nhằm kết
hợp nguyên tắc đạo đức tổng thể, tức là tình yêu, với sự công nhận tính chất
độc đáo của mỗi hoàn cảnh.
Hò hẹn rồi cưỡng dâm.
Ðể minh họa tính chất phức tạp trong
việc áp dụng các qui tắc tổng quát vào một hoàn cảnh cá biệt, chúng ta hãy lấy
thí dụ từ một chuyện có thật về một tội danh thường được biết tới là một cách
khái quát là "hò hẹn rồi cưỡng dâm" (date rape).
Ðây là một thuật ngữ được dùng trong hệ
thống luật pháp phương Tây để cáo buộc một hình thức can tội cưỡng hiếp. Về mặt
thủ tục tố tụng, nó có ý chỉ một bị cáo có quen biết trước với nạn nhân, đôi
bên hò hẹn nhau vì tình yêu hay tình bạn, và rồi nhân khi hò hẹn, thực hiện hay
dự mưu thực hiện hành động giao hợp mà không có sự đồng ý của đối tượng.
"Hò hẹn rồi cưỡng dâm" là thí
dụ điển hình cho một tình thế nhập nhằng, phát sinh từ các cuộc tranh luận về
luật pháp và đạo đức. Bất cứ sự mô tả có vẻ rành mạch nào về bối cảnh vi phạm,
thí dụ làm tình trái với ý muốn của người đối tác hoặc toan tính làm tình trong
trường hợp cá biệt mà chúng ta sẽ xem xét dưới đây, đều làm cho phức tạp thêm
do bởi các tình tiết liên quan tới hành động đó. Nhất là trong trường hợp đôi
bên đương sự, về mặt xã hội, đã tự nguyện ở bên nhau trong một thời gian dài
hoặc ngắn nào đó.
Một vụ án điển hình.
Một nam luật sư mời một nữ luật sư cùng
đi khiêu vũ tại một khách sạn ở Luân Ðôn. Hai bên quen biết nhau đã lâu, cùng
làm việc trong một tổ hợp luật sư. Tuy mỗi bên đều có giả dụ riêng của mình về
mối quan hệ giữa hai người nhưng việc chàng mời nàng đi khiêu vũ và nàng nhận
lời chứng tỏ quan hệ của hai người đã lên tới một mức nào đó. Thế rồi hôm sau
nàng đâm đơn kiện chàng với tội danh cưỡng hiếp có dự mưu.
Theo tường trình của một tờ báo, chàng
can tội ấy sau buổi tối khiêu vũ quay cuồng, uống whisky và sâm-banh với nạn
nhân, kẻ được tờ báo ấy gọi "ẩn danh" là cô X, theo cách gọi của tòa
án. Rời vũ trường, X. mời chàng về căn hộ của mình, nơi nàng thuê chung tầng
lầu với một người bạn. Trước mặt người nam luật sư ấy, X. cởi hết áo quần của
mình ra, kể cả quần lót, chỉ còn mang vớ dài, rồi ngủ thiếp trên sô-fa. Khi
chợt thức giấc, X. thấy chàng đang nằm phủ lên mình, trên người cũng không còn
quần áo, và chỉ mặc bao cao su (condom) màu lục.
Bài phóng sự của tờ báo ấy trình bày
luận cứ rằng cô X. đã cư xử một cách rồ dại qua việc cởi hết quần áo của mình,
chỉ còn lại đôi vớ dài, trước hai con mắt của người đàn ông vừa cùng cô trải qua
một buổi tối vui vẻ. Và vì thế, cô nên chấp nhận rằng mình cũng có phần trách
nhiệm về những gì xảy ra ngay sau đó.
Tại phiên tòa, nam luật sư bị cáo ấy bị
xét là phạm tội cưỡng hiếp có dự mưu, thuộc loại hò hẹn rồi cưỡng dâm. Anh bị
kết án ba năm tù ở. Sau đó, anh chống án. Phiên tòa phúc thẩm xử anh còn hai
năm. Sau một nửa thời gian thụ án, anh được phóng thích nhờ có hạnh kiểm tốt
trong nhà tù. Thế nhưng, ngay lúc anh vừa được phóng thích, người ta thấy rõ
anh sắp phải đương đầu với một cuộc điều trần trước Luật sư đoàn để xin hành
nghề luật trở lại. Và chắc chắn thỉnh nguyện của anh sẽ bị bác.
Thử phân tích vụ án.
Trong vụ án vừa kể, phía biện hộ cho
đương sự bị cáo giác can tội cưỡng hiếp có dự mưu ấy có thể cân nhắc lý lẽ về
những vấn đề đa dạng như:
1. Nếu một người mời người khác vào
phòng mình, phải chăng lời mời ấy được xem ít nhất là có bao hàm ý tưởng rằng
sẽ không đặt thành vấn đề nếu xảy tới một loại quan hệ tính dục nào đó giữa hai
người, nghĩa là lời mời ở chung phòng có thể không là lời mời trực tiếp rằng
đôi bên sẽ làm tình với nhau, nhưng nó có thể gợi ý cho thấy rằng chuyện đó nếu
có xảy ra cũng chẳng thành vấn đề.
2. Phải chăng hành động ân ái tính dục
giữa hai người từng chia sẻ với nhau một thời gian nào đó, nghĩa là đang ở bên
nhau trong một cuộc hẹn hò, đòi hỏi phải có sự đồng ý cụ thể, được trình bày
bằng lời nói hay chữ viết?
3. Nếu không có sự đồng ý cụ thể bằng
lời nói hay chữ viết, nghĩa là không có sự trao đổi các thỏa thuận trước khi
cởi quần áo cho dù giữa hai luật sư với nhau, có phải vì sự diễn giải sai lầm
của một bên đương sự nên bị gọi là cưỡng hiếp hoặc cưỡng dâm có dự mưu.
4. Cũng nên cứu xét một tình huống khả
thi khác. Nếu một người nữ mời một người nam vào phòng của mình sau khi đã có
cùng nhau một buổi khiêu vũ như thế và kỳ vọng hai người sẽ làm tình, với ấn
tượng rằng người nam ấy cũng muốn như mình. Nhưng có thể vì uống quá nhiều
whisky nên anh ta ngủ thiếp trên sô-fa. Trong trường hợp này, liệu người nữ có
thể kiện người nam ra tòa vì tội vi phạm một lời hứa đã được đôi bên cùng hiểu
ngầm?
5. Trong tình huống của vụ án ấy, có
phải đó là hành động cưỡng hiếp hoặc đơn giản chỉ là kết quả của một sự hiểu
lầm?
6. Phải chăng hành động cởi hết quần áo
trước mặt người khác có thể bị xét là "bất cẩn khiến cho xảy ra tai
nạn" nếu ngay sau đó xảy ra cưỡng hiếp hoặc cưỡng hiếp có dự mưu?
Ngược lại, phía người nữ luật sư đứng ra
cáo giác mình bị bạn trai "hẹn hò rồi cưỡng dâm" cũng có thể lập
luận:
1. Cưỡng hiếp, bạo hành và các hình thức
lạm dụng tính dục khác thường diễn ra giữa những người quen biết nhau. Sự kiện
mối quan hệ trước đây của đôi bên không thể được nêu lên để làm giảm nhẹ tính
chất nghiêm trọng của hành động đã diễn ra hoặc có nguy cơ sẽ diễn ra.
2. Không thể nào có bằng cớ khách quan
để chứng minh cho sự hiểu lầm. Việc tuyên bố rằng mình hiểu lầm một điều gì đó
có thể là cơ sở để luận lý hoặc lý do căn bản về sau của tình huống đó, hoặc
chỉ là tìm cách bào chữa mà thôi.
Luôn luôn uyển chuyển.
Ðối với đạo đức học, vấn đề là người ta
có thể hiểu bằng nhiều cách khác nhau về một tình huống được cho là độc đáo.
Những từ ngữ được chọn để đưa ra, thí dụ cưỡng dâm có dự mưu, chỉ được dùng để
thông giải sự việc chứ không phải để mô tả sự việc. Cho dù mọi người đồng ý
rằng cưỡng hiếp là luôn luôn trái đạo đức, nhưng vẫn còn có vấn đề là phải
quyết định một cách chính xác rằng khi nào nên áp dụng từ ngữ ấy.
Vấn đề lại càng tế nhị hơn khi có những
người vợ cáo giác rằng chồng đã cưỡng hiếp mình vì bị giao cấu mà không có sự
đồng ý của mình. Bởi thế, có lẽ chúng ta cần phải uyển chuyển lúc cứu xét một
vụ việc và cách áp dụng những từ ngữ thuộc loại ấy, kể cả bên trong khung khổ
của các giá trị đạo đức tuyệt đối.
Ðiều đó có nghĩa rằng việc hoàn toàn cho
phép mỗi sự việc quyết định qui tắc riêng của nó có khả năng đưa tới sự hỗn
loạn cho cả xã hội lẫn đạo đức. Cũng như các chủ đề khác trong triết học, vấn
đề ở đây là sự am hiểu cái đặc thù có liên hệ thế nào tới cái phổ quát.
VI. Các giá trị và xã hội
Tới ngang đây, trong chương này, chúng
ta đã ưu tiên xem xét cặn kẽ các tình huống liên quan tới sự chọn lựa đạo đức
cá nhân, các giá trị cùng các nguyên tắc qua đó có thể thông giải các chọn lựa
ấy. Thế nhưng đối với chủ đề đó còn có một lối tiếp cận khác. Ta có thể nhìn
vào phẩm tính và đức hạnh cá nhân của một người, là những cái đưa dẫn người đó
tới hành động được gọi là "thiện"; kế đó, ta sẽ xét xem từ sự trau
dồi những phẩm chất ấy có thể phát sinh các hành động và các chọn lựa nào.
Ðể thuận tiện khảo sát, chúng ta sẽ chọn
cách bắt đầu từ xã hội như một toàn bộ, từ đó, xem xét các loại phát biểu cần
được lập thành giữa con người với nhau, những quyền mà con người phải có, cùng
những trách nhiệm mà con người phải thực thi khi sống trong xã hội. Chúng ta sẽ
thấy rằng những cái được dùng làm trụ cốt cho các lối tiếp cận ấy có thể là
luật tự nhiên, tính duy thực lợi chủ nghĩa hoặc các quan điểm đạo đức tuyệt đối
chủ nghĩa, và đó là lý do tại sao chúng đi theo một cách tự nhiên các lối tiếp
cận căn bản đã được phác thảo ở các phần trên.
Ðạo đức học đức hạnh.
Thay vì nhìn vào hành động và đặt vấn đề
nó "tốt" hay "xấu", đạo đức học đức hạnh (virtue ethics)
bắt đầu bằng cách nêu các câu hỏi cơ bản. Thí dụ, "Ý nghĩa của cụm từ ‘con
người tốt’ là gì?" hoặc hỏi theo cách khác nhưng cùng một nghĩa, "Khi
cho rằng kẻ ấy là ‘con người tốt’, ta có ý nói gì?". Kế đó, triển khai từ
câu hỏi ấy để thăm dò các phẩm tính và các đức hạnh làm nên "cuộc sống
tốt". Và như đã có lần đề cập, người đầu tiên dùng lối tiếp cận ấy là Aristotle.
Ông nối kết việc phô diễn các phẩm tính tối hậu với chủ đích tối hậu hay cứu
cánh của cuộc sống.
Vào thập niên 1950 của thế kỷ 20 vừa
qua, khi lối tiếp cận này triển khai, nó được các nhà tư tưởng của phong trào
nữ quyền, đấu tranh cho bình đẳng giới, nhìn bằng ánh mắt ưu ái. Họ xem xét các
luận cứ đạo đức học truyền thống, bị ảnh hưởng bởi những lối tiếp cận cuộc sống
có "tính nam nhi" một cách đặc thù vốn đặt cơ sở trên các quyền và
các bổn phận, trong khi đó họ tìm kiếm lối tiếp cận có "tính nữ nhi"
hơn và sự thừa nhận giá trị của các mối quan hệ và của sự chung chăn gối.
Ðạo đức học đức hạnh cũng được xem là có
tính tự nhiên chủ nghĩa (naturalism); nó chuyển dịch từ ý tưởng chỉ đơn giản
tuân giữ các qui tắc tới việc tán thưởng những cách thức ta có thể dùng để phô
diễn bản tính của chính ta, và như thế, thành toàn tiềm năng làm người của ta.
Những câu hỏi phải trả lời.
Ðạo đức học đức hạnh nêu lên những câu
hỏi căn bản như sau:
1. Chúng ta có yếu tính cố định nào
không? Có phải phẩm tính cá biệt của nam giới và của nữ giới tạo nên những đức
hạnh thích hợp với mỗi phái tính? Hoặc có phải bản tính của mỗi người là sản
phẩm của môi trường chung quanh và bối cảnh giáo dục của nó?
2. Nếu bản tính của mỗi người bị hình
thành và uốn nắn bởi những thành tố chúng ta chẳng thể nào kiểm soát, thí dụ
nền văn hóa trong đó chúng ta chào đời và những trải nghiệm chấn thương thời
thơ ấu, thì liệu rằng chúng ta có chịu trách nhiệm về các hành vi của mình
không?
3. Chúng ta nên liên hệ như thế nào giữa
sự phô bày các đức hạnh của cá nhân với các nhu cầu đích thực của xã hội?
4. Làm thế nào bạn có thể quyết định
giữa các cách thức phô bày khác nhau của cùng một đức hạnh? Thí dụ cảm giác yêu
thương hay lòng trắc ẩn khiến cho người này có thể giúp bệnh nhân nan y và ngặt
nghèo được trợ tử, ngược lại người khác lại thấy rằng yêu thương và lòng trắc
ẩn khiến cho họ có thể phấn đấu để giữ cho bệnh nhân ấy tiếp tục sống. Tới một
mức độ nào đó, bạn phải nhờ đến các lý thuyết đạo đức học khác nếu muốn thẩm
định các hành động nảy sinh từ các đức hạnh đặc thù.
Tóm lại, điều chúng ta cần ghi nhớ là,
trong các lối tiếp cận của đạo đức học đức hạnh có một số lối tiềm ẩn những câu
hỏi căn bản về cùng đích hoặc cứu cánh của cuộc sống con người, từng được
Aristotle nêu lên từ hai mươi bốn thế kỷ trước. Trong khi "luật tự
nhiên" khảo sát tổng quát một hành động trong liên quan tới "nguyên
nhân tối hậu", còn đạo đức học đức hạnh khảo sát các phẩm tính con người
trong liên quan tới vị trí tổng thể của chúng trong cuộc sống con người và những
phương cách thích hợp mà chúng có thể phô bày.
Khế ước xã hội.
Các lý thuyết đạo đức đặt cơ sở trên khế
ước xã hội (social contract) xem xét các luận cứ được lập nên giữa người dân
với nhau để cùng nhau tôn trọng các qui tắc nhất định và hạn chế những gì mỗi
người có thể làm, nhằm tạo phúc lợi cho chính mình cũng như cho xã hội như một
toàn bộ. Hầu hết dân chúng đều chấp nhận một thỏa hiệp nào đó giữa tự do của cá
nhân và cái thiện tổng thể của xã hội cùng nhu cầu an ninh trật tự.
Các lý thuyết có tính khế ước xã hội
phân chia trách nhiệm cho cá nhân và cho guồng máy công quyền mà qua đó xã hội
được tổ chức. Nói cách khác, chúng đề ra những gì có thể kỳ vọng một cách hợp
lý vào người dân trong quan hệ của họ với những người khác. Chúng cũng đề ra
các quyền mà cá nhân được hưởng. Nhiều phạm vi của đạo đức học ứng dụng (applied
ethics) đặt trọng tâm vào các quyền và các trách nhiệm, đặc biệt trong phạm vi
hạnh kiểm nghề nghiệp, hoặc có khi được gọi là luân lý chức nghiệp.
Thí dụ chúng ta có thể đặt vấn đề bác sĩ
có trách nhiệm nào đối với bệnh nhân, đối với xã hội trong đó người ấy hành
nghề, và đối với sự phát triển của y khoa. Kết quả các giải đáp cho vấn đề ấy
có thể đưa tới việc soạn thảo một bộ luật về đạo đức nghề nghiệp.
Cũng thế, người ta có thể đặt vấn đề con
người, cả nam lẫn nữ, nên có những kỳ vọng căn bản nào liên quan tới cung cách
những người khác hoặc nhà nước đối xử với cá nhân mình. Những trả lời cho vấn
đề ấy dẫn đưa tới các bản tuyên ngôn đa dạng về các quyền con người, cung cấp
những định chuẩn xét nghiệm xem xã hội có ứng xử công bình và chính đáng hay không.
Dù các quyền và các trách nhiệm là đặc
điểm chủ yếu của tranh luận đạo đức học, chúng cũng là đặc điểm trong triết học
chính trị vì chúng đi liền với các vấn nạn về công bằng và trật tự chính đáng
của xã hội (xem chương 8).
Như thế, cuộc thảo luận về các quyền và
các trách nhiệm có khuynh hướng phản ánh hai quan điểm. Một là của những người
tuyệt đối chủ nghĩa, được cô đọng, thí dụ, trong lời tuyên bố rằng mọi người
phải được hưởng triệt để các nhân quyền căn bản, bất kể cá nhân ấy là ai. Một
là của những người duy thực lợi chủ nghĩa, theo đó các phúc lợi chỉ phát sinh
từ sự đồng thuận về trách nhiệm của mọi người dân trong xã hội, vì thế, phải
đặt sự thẩm định chúng trong tương quan với hạnh phúc tổng thể của xã hội.
VII. Ðạo đức học ứng dụng
Suốt chiều dài lịch sử triết học, các
triết gia đã và đang tìm cách áp dụng ý tưởng của họ, và ta thấy điều đó rõ
ràng nhất trong đạo đức học. Ba thập niên cuối của thế kỷ 20 vừa qua là khoảng
thời gian thăng hoa của đạo đức học ứng dụng, sau rất nhiều năm nó có vẻ tương
đối chìm khuất dưới chiếc bóng của các vấn nạn triết lý mang tính ngôn ngữ học
về ý nghĩa và bản tính của những phát biểu đạo đức học.
Cuốn sách này thuộc tủ sách có đề mục Ðại cương triết học nên chỉ có tính cách giới thiệu và
không thể dành không gian rộng rãi để trình bày rất chi tiết và thảo luận nhiều
hơn về các triết gia và triết phái. Chúng tôi giới hạn vào việc chỉ đề cập một
số phạm vi chủ yếu liên quan tới vấn đề ứng dụng đạo đức học hôm nay. Tuy thế,
những ai quan tâm theo dõi tiếp khía cạnh này của đạo đức học có thể tìm thấy
rất nhiều tài liệu giáo khoa liên quan tới các nghề nghiệp và các chủ đề cá
biệt. Nếu có cơ hội, chúng tôi cũng sẽ dành riêng một cuốn có nhan đề Ðại cương triết học đạo đức để bàn rộng hơn về chủ đề này.
Luân lý chức nghiệp.
Ðạo đức học chức nghiệp, hoặc luân lý
chức nghiệp, liên quan chủ yếu tới các định chuẩn hoặc tiêu chí hạnh kiểm mà xã
hội kỳ vọng vào các thành viên của một nghề nghiệp chuyên môn nhất định, đồng
thời tới những phương cách dẫn đạo cho các tình huống mà đương sự cảm thấy
không dễ tự mình lập các quyết định đạo đức cho mình.
Các nghề nghiệp có liên quan tới y học
như bác sĩ y tá, luật pháp như thẩm phán luật sư, giáo dục như nhà giáo các
cấp, an ninh xã hội như viên chức công lực, và đặc biệt các công chức phục vụ
trong guồng máy công quyền, v.v. là đối tượng và là nguồn cung cấp một loạt các
nan đề đạo đức cần được khảo sát.
Nhưng các lãnh vực khác của cuộc sống,
thí dụ đạo đức học về truyền thông đại chúng, ảnh hưởng của công nghệ thông tin
hoặc các hàm ý của cuộc vận động về di truyền học, đã làm nổi lên trên bề mặt
những vấn đề khơi dậy sự ưu tư của người bên trong và quan tâm của người bên
ngoài, bởi vì xã hội như một toàn bộ nên không ai là kẻ ngoại cuộc.
Ðạo đức học ứng dụng trong chức nghiệp
thích đáng cho những ai hoạt động trong các lãnh vực cá biệt và đồng thời cho
đại chúng trên một qui mô lớn, thí dụ như ảnh hưởng của truyền thanh truyền
hình và báo chí hoặc sự giới thiệu các loại thực phẩm bị sửa đổi di truyền,
hoặc quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi sinh, làm địa cầu nóng dần lên gây họa
cho con người hôm nay và di họa cho con cháu mai sau.
Hoặc cung cách kinh doanh của các tập
đoàn đa quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gây tổn thương nghiêm trọng
cho các quyền của công nhân, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa bản địa và
công cuộc phát triển xã hội đồng bộ và cân bằng tại các nước đang phát triển.
Thậm chí những sự việc mới được phát hiện vào đầu thiên niên kỷ này như sử dụng
qua liều lượng hóa chất trong việc sản xuất thực phẩm như sữa, hoặc đồ chơi trẻ
em, đồ nhựa, v.v.
Thí dụ minh họa.
Hai lãnh vực quan trọng trong đạo đức
học ứng dụng là đạo đức học môi sinh và đạo đức học chức nghiệp hoặc luân lý
chức nghiệp. Ðôi khi cả hai hiệp cùng nhau, thí dụ trong chủ đề thực phẩm bị
sửa đổi mà thường được gọi một cách bóng bẩy là cải thiện di truyền.
Ở đây, chúng ta đối mặt với các chủ đề
về hiệu ứng của các vụ mùa thu hoạch từ các hạt giống bị sửa đổi di truyền
(SÐDT) trên các loài khác và trong môi trường như một toàn bộ, phối hợp với lời
phê bình sề sự tự do của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia đang mưu tìm lợi
nhuận trong sự lơ là các hiệu quả rộng lớn hơn của các hoạt động của họ lên các
thế hệ con người.
Trong năm 1999, việc sử dụng các phần
hợp thành SÐDT trong thực phẩm đã làm công chúng nhiều nơi trên địa cầu bức
xúc, đưa tới tình trạng bất thình lình sụt giảm số lượng thực phẩm SÐDT bán ra
thị trường. Hậu quả là các công ty sản xuất ấy bị giảm sút lợi nhuận. Liệu có
nên để cho các chủ đề lớn lao như thế bị quyết định chỉ bởi "sức mạnh thị
trường"? Trách nhiệm của các công ti quốc gia và đa quốc gia ra sao?
Có phải giải pháp tốt nhất là dành rất
nhiều nỗ lực nghiên cứu để có những phát minh tiên tiến và thích đáng. Xưa nay,
loài người luôn luôn tìm cách cải tiến môi sinh nhằm mục đích phát triển, từ
những chuyển đổi to lớn do việc phát triển canh nông đưa tới các xã hội định cư
và văn hóa văn minh tăng tiến, so với thời kỳ du cư du mục của những nhóm người
săn bắn hoặc chăn nuôi quần tụ nhau.
Ðối với các vấn đề này, các giới hạn
thuần lý thuyết nào, nếu có, cần được đặt ra không? Nếu con người tìm cách gia
tăng khả năng tiêu thụ về thực phẩm, hoặc nhà ở, hoặc đi lại, thì có phải các
công ty nên tìm cách đáp ứng những nhu cầu ấy bằng cách chế tạo thêm thực phẩm
cơ hữu, xây dựng các ngôi nhà mới hoặc sản xuất ngày càng nhiều xe cộ thích
đáng. Ðồng thời họ nên có trách nhiệm về đạo đức và về bất cứ hậu quả nào lên
môi sinh và người lao động, lên văn hóa bản địa, hoặc chịu trách nhiệm về những
gì lừa dối quần chúng nói chung và những gì đi ngược lại các kỳ vọng của cá
nhân con người trong lối sống cá biệt của nó.
Sức đẩy của triết học.
Ðạo đức học là một chủ đề lớn lao, liên
quan tới cả phạm vi lý thuyết lẫn cách thức ứng dụng các chủ đề đạo đức vào xã
hội. Nó đã và đang cung cấp sức đẩy cho phần lớn công trình triết học như một
toàn bộ, và là lãnh vực nghiên cứu riêng rẽ nhưng rộng rãi nhất trong các khoa
triết của các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu, được chứng minh qua số
lượng đông đảo các tạp chí chuyên đề và các tập san triết học hằng năm trên
khắp thế giới.
Là một phạm vi nghiên cứu của triết học
và tự thân nó cũng là triết học nên đạo đức học có giá trị rất đặc biệt. Những
phúc lợi của tư duy sáng sủa, phân tích cụ thể và xác minh cặn kẽ các khái niệm
và các tiền giả định, có thể được xem là rất thích đáng và đáp ứng kịp thời cho
các lãnh vực thực tiễn của cuộc sống.
Khi đối mặt với nan đề nên hay không nên
tắt chiếc máy trợ sinh của ai đó đang lịm sâu trong cõi hôn mê và không còn khả
năng hồi tỉnh với đời, ta bắt đầu tự hỏi không chỉ về qui chế đạo đức của việc
trợ tử mà còn về những gì được ngụ ý khi ta dùng từ ngữ "con người",
những gì làm nên sự sống con người và do đó, một hữu thể mà thân xác của nó
đang được duy trì bởi một chiếc máy, có thể được nói là đang sống, theo bất cứ
phương cách đầy đủ ý nghĩa nào không.
Ðể ứng xử thêm nữa với các chủ đề ấy,
chúng tôi hi vọng sẽ có cuốn Ðại
cương triết học đạo đức trong
tủ sách này. Ngoài ra, độc giả nào muốn xem xét rộng rãi và sâu xa thêm nữa các
chủ đề đạo đức học trong phạm vi luân lý chức nghiệp cá biệt có thể tìm hiểu
những tác phẩm liên hệ, được phổ biến rộng rãi trong các trường chuyên nghiệp,
thị trường nói chung, các thư viện và và hệ thống internet toàn cầu.
Nguồn: http://phusaonline.free.fr/TuTuong/32_Daoduc.htm