Hiến pháp Singapore – Một phân tích dựa vào đặc thù

Posted on
  • Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Ka Đặng chuyển ngữ 
    Jaclyn L. Neo
    Tương xứng với danh hiệu là một trong những sử gia chính thống hàng đầu tại Singapore, Kevin YL Tan đã đi thẳng vào việc giới thiệu một cách đầy hiểu biết về luật hiến pháp của Singapore ngay từ lúc bắt đầu. Hiến pháp Singapore được đặt vào bối cảnh lịch sử chính trị trong lúc còn là một thuộc địa đang nảy nở của Anh, được thừa hưởng luật pháp Anh cùng với những truyền thống chính trị và pháp luật được gắn kết trong suốt cả giai đoạn thuộc địa đáng chú ý này. Bối cảnh lịch sử về pháp lý, chính trị và xã hội cho thấy nguồn gốc khai sinh hiến pháp, không kém phần quan trọng bởi vì những câu chuyện lịch sử được dùng để viện dẫn một cách sáng suốt và liên tục trong bài thuyết giảng trước công chúng nhằm để minh chứng, xác thực, và báo hiệu cho những lựa chọn hiến pháp. Nó cũng là chìa khóa giúp hiểu được những nghịch lý mà Singapore đưa ra cho chủ nghĩa hợp hiến, đặc biệt là chủ nghĩa hợp hiến tự do.

    Singapore không phải là một chính thể tự do và cũng không có ý định như thế. Tuy nhiên, hệ thống hiến pháp của nước này bao gồm các đặc trưng mà rõ ràng đã được phỏng theo mô hình hiến pháp của nhiều quốc gia dân chủ tự do, như Anh và Hoa Kỳ. Điều này chứng tỏ, cũng không đúng đắn khi phân loại Singapore là một nhà nước độc tài, như một số người đã lầm. Thật vậy, ông Tan miêu tả hiến pháp của Singapore thuộc về một nhà nước công xã hoặc hơi chuyên quyền. Về phương diện này, ông bị chất vấn bởi các học giả, những người tìm cách bám lấy các nghịch lý trong hệ thống hiến pháp của Singapore vì nó phơi bày một số yếu tố chuyên quyền nhưng cũng có một sự cam kết chặt mẽ với pháp quyền[1].
    Ví dụ, gần đây nhất, Mark Tushnet đã xác định Singapore là trường hợp điển hình đầu tiên làm hình mẫu cho chủ nghĩa hợp hiến chuyên quyền, trong đó “các quyền tự do được bảo vệ ở mức độ trung bình, và các cuộc bầu cử thì tự do và công bằng một cách hợp lý”[2].
    Ông Tan lưu ý rằng, “Singapore là một ví dụ điển hình về một nhà nước ‘chuyên quyền mềm’, một chế độ độc tài nhưng nhân từ”. Ông giải thích rằng quan niệm về một nhà nước chuyên quyền mềm là một nhà nước ở đó quyền lực được “tập trung cao độ và mạnh mẽ”, đồng thời “đưa ra mọi quyết quan trọng về chính trị, xã hội và kinh tế”. Ông cũng gắn chủ nghĩa chuyên quyền mềm với việc cho rằng quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi phải ràng buộc các quyền tự do cá nhân để tuân theo mệnh lệnh của nhà nước. Dù thực tế không mấy tự do này, ông Tan lưu ý rằng đây là quốc gia “ổn định về chính trị và xã hội”, đồng thời “dân cư nói chung sống tương đối hạnh phúc dưới chế độ lãnh đạo kiểm soát trên mọi lĩnh vực”.
    Để hiểu được một cách đầy đủ làm thế nào mà dân chúng có thể phê chuẩn một chế độ có vẻ chuyên quyền, tuy cũng mềm dẻo, ta cần phải nhìn vào văn hóa hiến pháp của nó. Điều này đã được ông Tan chỉ ra trong quyển sách. Đối với ông, văn hóa hiến pháp nhìn chung là “sự kết tụ của niềm tin và thái độ mà người dân, thẩm phán, luật sư, và nhà nước nắm giữ dựa trên hiến pháp và các điều luật”. Trong khi Singapore đã “lắp ghép từng mảnh một của một văn hóa hiến pháp riêng biệt”, mà nó đã bị ràng buộc bởi hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chính trị. Giờ đây, ông Tan chỉ ra rằng “công chúng Singapore đã không có nhiều cơ hội để phát triển các đặc trưng hiến pháp độc đáo của riêng họ”. Đối với ông, điều này một phần là vì người dân “thực tế đã không góp phần vào việc lập nên Hiến pháp của Singapore” và bởi đôi lúc họ từng “quan tâm nhiều hơn tới bữa ăn hằng ngày, những vấn đề thiết thực để tồn tại”. Điều trên, và sự chiếm ưu thế bầu cử của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) đang nắm quyền, có nghĩa là những thay đổi về hiến pháp đã được thi hành “từ trên xuống” chứ không phải thông qua bất kỳ sự tham gia chính trị thực sự nào.
    Do đó, phân tích sâu sắc của ông Tan về Hiến pháp Singapore được dựa trên quan điểm của đảng chính trị trọng yếu với một uy thế vững mạnh (và có năng lực), một tầm nhìn toàn diện về luật pháp, và một niềm tin chung vào sự chuyên quyền. Đảng PAP đã đứng vào hàng ngũ chính trị đi đầu trong cuộc hành trình dẫn đến độc lập của Singapore (bao gồm giai đoạn ngắn ngủi sáp nhập vào Malaysia) và hiện đang thống trị nền chính trị vì đảng này đã xây dựng chính phủ sau mọi cuộc bầu cử phổ thông kể từ khi độc lập. Thật vậy, trong thời gian Singapore độc lập khoảng giữa năm 1965 và 1981, Đảng PAP đã kiểm soát tất cả số ghế trong Quốc hội. Ngày nay, nó vẫn tiếp tục kiểm soát hơn hai phần ba vị trí trong Quốc hội. Uy thế chính trị của PAP chứng tỏ rằng ý thức hệ nhà nước thường phụ họa, nếu không muốn nói là đồng điệu, với ý thức hệ của đảng chính trị. Ông Tan nhấn mạnh ba quy tắc – tăng trưởng kinh tế là việc ưu tiên, quản lý dân tộc; và đảm bảo ưu thế chính trị của họ – để đưa Đảng PAP tiến gần hơn đến việc cai trị và do đó tạo ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển hiến pháp ở Singapore. Hơn nữa, uy thế chính trị của PAP cũng thể hiện trong một thời gian dài, Đảng PAP đã có khả năng giữ độc quyền lý luận chính trị cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa hiến pháp.
    Sự thiếu vắng của nền văn hóa hiến pháp phát triển một cách hữu cơ, định hướng công dân, có thể gán ghép cho sự xã hội hóa bởi triết lý định hướng của PAP mà rằng tin tưởng, còn hơn là hồ nghi, vào chính phủ là điều cần thiết và có lợi hơn vì nó thúc đẩy và làm tăng sự hiệu quả. Như ông Tan chỉ ra rằng, thái độ phổ biến hiện nay đối với chủ nghĩa hợp hiến bắt nguồn từ quan điểm của PAP. Đó là hình thức chính phủ tốt nhất cho Singapore – một chính phủ được nắm giữ bởi những người đáng kính trọng, hoặc 君子 (quân tử), nơi mà chính phủ có “nhiệm vụ phải thực thi quyền người dân, và những ai có niềm tin và sự tôn trọng dành cho mọi người trong xã hội”. Điều này dẫn đến một ý tưởng cao đẹp về một chính phủ kể từ sự cho rằng “một khi đã được bầu vào vị trí, chính phủ tại nhiệm nên được phép làm một công việc thích đáng trên nhiều lĩnh vực và nỗ lực hết sức vì lợi ích cộng đồng”. Để đem lại những nền tảng xã hội cho lý thuyết chính trị này, chính phủ Singapore đã trình ra bản Sách Trắng ‘về những giá trị được chia sẻ’ vào năm 1991, trong đó xác định năm giá trị chung cho xã hội Singapore. Đó là: (1) Quốc gia đứng trước cộng đồng và xã hội nằm trên cá nhân; (2) Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội; (3) Sự quan tâm và hỗ trợ từ phía cộng đồng đến từ mỗi cá nhân; (4) Hãy đồng thuận thay vì tranh cãi: và (5) hòa hợp các chủng tộc và tôn giáo. Theo ông Tan, đây là “một nỗ lực của chính phủ nhằm phát triển một hệ tư tưởng quốc gia dựa trên các giá trị phổ quát có thể được chia sẻ bởi mọi người và điều này sẽ bảo tồn di sản của những cộng đồng khác nhau đang sinh sống tại Singapore”. Hơn nữa, ông sắc sảo chỉ ra rằng trong khi Sách Trắng này có vẻ “phần nhiều bị lãng quên trong hiện tại và ít khi được nhắc đến bởi người nổi tiếng”, thì viễn cảnh công xã của nó vẫn tiếp tục “phản ánh nghiêm túc về cách thức hoạt động của PAP và triển vọng của nó về cách thức mà đất nước nên được quản lý”.
    Quan sát của ông Tan về những dấu hiệu thay đổi trong văn hóa hiến pháp này là một điều đáng chú ý. Ông dẫn ra ví dụ rằng hiện nay những thách thức đến từ hiến pháp được đệ đơn tại tòa án ngày càng nhiều. Rõ ràng, sự thay đổi này có thể là do việc dễ dàng tiếp cận thông tin về hiến pháp và các vấn đề liên quan. Nhưng vì có lẽ sẽ chẳng mấy ngạc nhiên đối với một nhà nước chuyên quyền mềm, nên sự thay đổi này cũng dẫn đến những thay đổi trong phạm vi rộng lớn qua cách tiếp cận của chính phủ đối với luật hiến pháp.
    Thật vậy, ông Tan lưu ý rằng “chính phủ và bộ máy tư pháp đã sẵn sàng tham gia vào việc thảo luận hiến pháp trong những năm gần đây – thông qua các cuộc bàn thảo chuyên đề, các bài phát biểu và đối thoại – đã dẫn đến một sự thay đổi thái độ dưới cách nhìn về Hiến pháp của các luật sư và sinh viên”[3]. Trong khi sự thay đổi này có thể là một phần trong cách tiếp cận vì chính phủ hiểu rằng họ không còn có thể độc quyền lý luận chính trị trong một xã hội ngày càng được kết nối, thực tế là việc chính phủ đã thực hiện thay đổi để tăng sự cam kết chính trị với các cử tri có thể được coi như là một phản hồi tới công luận.
    Phản ứng này nhất định được xem là nguyên do cho sự thắng lợi bầu cử gần đây của PAP[4]. Cuộc Bầu cử Phổ thông năm 2015 mới đây minh chứng cho sự vững bền của luật hiến pháp mang phong cách Singapore. Tuy có những hành vị vượt khỏi sự giới hạn và những mưu kế mang tính khả thi khác bởi lợi thế sẵn có của đảng đương nhiệm, nhưng các điều kiện ràng buộc cho cuộc bầu cử này cho đến nay được xem là tự do nhất và cạnh tranh nhất trong lịch sử chính trị gần đây.
    Lần đầu tiên, chín đảng chính trị đối lập tranh nhau tất cả các ghế trong Quốc hội. Các phương tiện truyền thông chính thống đã cố gắng đưa tin bao quát về mọi đảng chính trị (dù rằng không phải với cùng một mức độ nhiệt tình), và xuất hiện một ngọn lửa truyền thông chống lại PAP. Tuy vậy, Đảng PAP đã có số phiếu bầu chọn tăng thêm 10 điểm thành 69,9%. Họ thậm chí còn xoay sở để giành lại một ghế từ phe đối lập, thắng 83 trong tổng số 89 ghế trong Quốc hội.[5] Đây là một chiến thắng vang dội, dù như thế nào đi nữa, dường như cũng gây ngạc nhiên ngay cả với PAP, và mang lại một sự chứng thực nền tảng chính trị của họ[6]. Kết quả hiện lên rất rõ với sự quan sát của ông Tan rằng “sự thực tế và chủ nghĩa thực dụng mang lại ‘điều tốt đẹp hơn’ cho cộng đồng” là thái độ phổ biến hiện nay đã gắn chặt vào văn hóa hiến pháp của Singapore[7].
    Nhìn bao quát, ông Tan đã thực hiện cách tiếp cận từ lúc lập hiến để phục vụ cho việc phân tích luật hiến pháp của Singapore chứ không phải bằng một cách tiếp cận lấy tòa án làm trung tâm hay dựa trên các quyền. Thật vậy, ông Tan chỉ dành duy nhất một chương để thảo luận về các quyền cơ bản, mà mặc dù nó nhấn mạnh đến tiến trình phát triển lịch sử và lập hiến. Chẳng hạn, ông thảo luận về vai trò của hai cơ quan lập hiến trong việc định hình lý luận về các quyền được quy định trong hiến pháp, và tập trung một cách khác thường vào quyền sở hữu và việc loại trừ quền này ra khỏi hiến pháp của Singapore. Để chắc chắn, ông sự tập trung nhiều hơn vào việc diễn giải pháp lý về những quyền tự do cơ bản (đặc biệt là về những quyết định gần đây của Tòa án Phúc thẩm) sẽ bổ trợ cho thảo luận đó. Cuộc thảo luận này có lẽ được xây dựng dựa trên các cuộc thảo luận nguyên sơ trước đây về các học thuyết và cách tiếp pháp lý mà rõ ràng đã tạo ảnh hưởng đến việc lý giải của các thẩm phán về những đảm bảo trong hiến pháp liên quan đến các quyền cơ bản: chánh thể lập hiến phương Tây, thuyết nhị nguyên chặt chẽ (liên quan đến luật pháp quốc tế), học thuyết bốn bức tường (ý tưởng về Hiến pháp của Singapore phải được giải thích dựa trên tình hình địa phương), và một cách tiếp cận cân bằng giống như một số phương pháp tiếp cận pháp lý then chốt (xem chương 8). Giới quan sát Mỹ đã quen với cách tiếp cận lấy quyền làm trung tâm hơn là bằng luật hiến pháp, họ có lẽ bỏ ngỏ với nhiều câu hỏi hơn là những câu trả lời. Tuy nhiên, điều này hài hòa với cách tiếp cận chủ yếu từ trước tới nay tới luật hiến pháp Singapore mà nó đang có xu hướng tập trung vào tiến trình phát triển lịch sử và lập hiến, hơn là các quyền và những trường hợp được quy định trong Hiến pháp.
    Trong phân tích cuối cùng, những câu chữ cung cấp cho người đọc một điểm khởi đầu tuyệt vời giúp đặt sự hiểu biết của họ vào bối cảnh hình thành luật hiến pháp tại Singapore. Quyển sách cũng có giá trị so sánh đáng kể từ góc độ xây dựng và hình thành hiến pháp vì nó làm sáng tỏ một loạt các sáng kiến ​​trong việc lập hiến, như kế hoạch bầu cử theo Đại diện Cộng đồng (“Group Representation Constituency – GRC”) (ở Chương 3) và Chức Tổng thống được bầu (“Elected Presidency – EP”) (Chương 6). Đáng chú ý, những gì ông Tan đưa ra là cái nhìn tận sâu vào trong quá trình phát triển Hiến pháp của Singapore.
    Là một học giả nghiên cứu lâu năm về luật hiến pháp, ông Tan đã kết lại quyển sách một cách ấn tượng bằng một lưu ý đầy hy vọng. Ông cho rằng giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiến pháp sẽ phải kèm theo những đòi hỏi nhiều hơn về một Hiến pháp tự do hơn và hình thức chính phủ có lợi cho sự sung túc về mặt kinh tế sẽ khiến cho người dân ngày càng hài lòng về các nhu cầu cơ bản của họ. Thật vậy, có những bằng chứng cho thấy văn hóa hiến pháp ở Singapore thực sự đang đi theo hướng này. Tuy nhiên, điều mà cuộc Bầu cử Phổ thông 2015 cho thấy chính là lời kêu gọi cho sự tự hiện thực hóa nhiều hơn và nhiều quyền tự do hơn có lẽ khiến cho Đảng PAP phải đáp ứng và thay đổi quyền lực, còn hơn là vẫn không làm gì.
    _________
    [1] Thio Li-ann, ‘Between Apology and Apogee, Autochthony: The Rule of Law beyond the rules of law in Singapore’ (2012) Singapore Journal of Legal Studies; Jothie Rajah, Authoritarian Rule of Law: Legislation, Discourse and Legitimacy in Singapore (New York: Cambridge University Press, 2012); Gordon Silverstein, ‘Singapore: The Exception that Proves Rules Matter’, in Tom Ginsburg & Tamir Moustafa, eds., Rule by Law: The Politics of Courts in Authoritarian Regimes (Cambridge: Cambridge University Press, 2008) 73.
    [2] Mark Tushnet, Authoritarian Constitutionalism, 100 Cornell Law Review 391, at 396 (2015).
    [3] Xem thêm, VK Rajah, ‘The Rule of Law’, Speech at the Opening of the Legal Year 2015, edited excerpt The Straits Times (Singapore, 7 January 2015) <https://www.agc.gov.sg/DATA/0/Docs/NewsFiles/OPENING%20OF%20LEGAL%20YEAR%202015_ATTORNEY-GENERAL%20V%20K%20RAJAH’S%20SPEECH_5%20JAN_checked%20against%20delivery.pdf> accessed 21 September 2015.
    [4] Lydia Lim, ‘The Quiet Transformation of the PAP’, Straits Times (Singapore), September 12, 2015,http://www.straitstimes.com/singapore/quiet-transformation-of-the-pap.
    [5] Sumiko Tan, ‘GE2015: PAP vote share increases to 69.9%, party wins 83 of 89 seats including WP-held Punggol East’, Straits Times (Singapore), September 12, 2015, http://www.straitstimes.com/politics/ge2015-pap-vote-share-increases-to-699-wins-83-of-89-seats-including-wp-held-punggol-east.
    [6] Eleanor Wong, ‘Liberal reflections on loss and acceptance in GE2015’, Straits Times (Singapore), September 16, 2015http://www.straitstimes.com/opinion/liberal-reflections-on-loss-and-acceptance-in-ge2015.
    [7] For a more extensive analysis of the 2015 General Elections, see Tommy Koh, ‘Ten Reflections on GE 2015’, Straits Times (Singapore), September 17, 2015, http://www.straitstimes.com/opinion/ten-reflections-on-ge-2015

    Nguồn:http://phiatruoc.info/hien-phap-singapore-mot-phan-tich-dua-vao-dac-thu/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org