Dân chủ là một điều tốt

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Du Khả Bình
    Dương Danh Dy dịch
    Bài viết này được chọn từ lời nói đầu cuốn sách Dân chủ là một điều tốt do Văn hiến Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản năm 2006. Ngày 23 tháng 10 năm 2006, Bắc Kinh nhật báo đã dùng đầu đề “Về sự biện chứng của ‘dân chủ là một điều tốt’” để đăng bài viết trên, và được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của trong và ngoài nước.
    Dân chủ là một điều tốt, đây không phải là nói với người cá biệt, cũng không phải là nói với một số quan chức; mà là nói với toàn bộ quốc gia và dân tộc, là nói với đông đảo nhân dân quần chúng. Nói một cách thẳng thắn, đối với một số quan chức lấy lợi ích của mình làm trọng thì dân chủ không những không là điều tốt mà còn là điều phiền phức, thậm chí là điều xấu. Thử nghĩ xem, dưới điều kiện chính trị dân chủ, quan chức phải thông qua bầu cử mới có được, phải được sự ủng hộ và giúp đỡ của số đông người, quyền lực của họ bị sự ràng buộc của công dân, không thể muốn làm gì thì làm mà còn phải bình đẳng, bàn bạc mặc cả với trăm họ. Chỉ hai điều đó, đã khiến rất nhiều người không thích. Vì vậy chính trị dân chủ không thể vận chuyển tự phát, nó đòi hỏi có sự thúc đẩy và thực hiện của bản thân nhân dân và quan chức chính quyền đại biểu cho lợi ích nhân dân. 

    Dân chủ là một điều tốt, không phải là nói dân chủ nào cũng đều tốt. Dân chủ quyết không thập toàn thập mỹ, nó có nhiều nội tại không đầy đủ (bất túc). Đúng là dân chủ có thể làm cho công dân đi ra đường phố tiến hành hội họp, từ đó có thể dẫn tới phát sinh cục diện chính trị không ổn định; dân chủ làm cho một số sự việc giản đơn nào đó dưới điều kiện phi dân chủ biến thành tương đối phức tạp và phiền phức, từ đó làm giá thành chính trị và hành chính tăng lên; dân chủ luôn luôn yêu cầu hiệp thương và thảo luận nhiều lần nên thường làm cho một số sự việc vốn có thể đưa ra quyết định kịp thời biến thành phải gác lại chưa quyết được, do đó giảm thấp hiệu suất hành chính; dân chủ còn có thể khiến cho một số kẻ lừa bịp chính trị khoác lác, trở thành công cụ bịt mắt nhân dân, cứ như thế v.v… Thế nhưng trong mọi chế độ chính trị mà loài người đã phát minh và thực hiện cho đến nay, dân chủ là loại có tật bệnh ít nhất. Cũng có nghĩa là, nói một cách tương đối, cho đến nay dân chủ là chế độ chính trị tốt nhất của nhân loại.

    Dân chủ là một điều tốt, không phải là nói đã dân chủ thì muốn làm gì thì làm, có thể giải quyết được mọi vấn đề. Dân chủ là một chế độ chính trị bảo đảm chủ quyền ở dân, nó chỉ là một loại trong nhiều loại chế độ của loài người, chủ yếu để qui phạm sinh hoạt chính trị của mọi người, chứ không thể thay thế các chế độ khác để qui phạm toàn bộ cuộc sống của loài người. Dân chủ có tính cục hạn nội tại, không phải là thuốc thánh, không thể giải quyết mọi vấn đề của loài người. Nhưng dân chủ bảo đảm nhân quyền cơ bản cho mọi người, cung cấp cơ hội bình đẳng cho mọi người, bản thân nó là giá trị cơ bản của loài người. Dân chủ không chỉ là thủ đoạn giải quyết sinh kế của mọi người mà còn là mục tiêu phát triển của nhân loại; không chỉ là công cụ thực hiện các mục tiêu khác mà còn phù hợp với bản tính cố hữu tự thân của loài người hơn. Cho dù có ăn, mặc, ở, đi lại tốt nhất, nếu như không có quyền lợi dân chủ thì nhân cách của loài người vẫn chưa hoàn chỉnh

    Dân chủ là một điều tốt, không phải là nói dân chủ không có cái giá phải trả đau khổ. Dân chủ có khả năng phá hoại pháp chế, dẫn tới trật tự xã hội nhất thời mất khống chế, trong một thời kỳ nhất định thậm chí còn cản trở tăng trưởng kinh tế xã hội; dân chủ cũng có khả năng phá hoại hoà bình quốc gia, tạo ra chia rẽ chính trị trong nước; trình tự của dân chủ cũng có khả năng đưa thiểu số kẻ độc tài chuyên chế lên vũ đài chính trị. Tất cả những cái đó đều đã xuất hiện trong đời sống hiện thực loài người, hơn nữa còn có khả năng không ngừng tái hiện. Vì vậy có khi cái giá phải trả của dân chủ rất cao, thậm chí khó gánh chịu nổi. Tuy nhiên, xét từ căn bản, đó không phải là sai lầm của bản thân dân chủ mà là sai lầm của nhà chính trị hoặc chính khách. Một số nhà chính trị không hiểu qui luật khách quan của chính trị dân chủ, bất chấp điều kiện lịch sử vượt qua giai đoạn phát triển lịch sử xã hội, thực hiện dân chủ không phù hợp thực tế, kết quả đã hoàn toàn ngược lại. Một số chính khách coi dân chủ là công cụ để tranh quyền đoạt lợi của mình, dùng danh nghĩa “dân chủ” làm cho quần chúng bị kích động, lừa gạt nhân dân. Đối với bọn họ, dân chủ chỉ là danh, độc tài mới là thực; dân chủ chỉ là cái màn che, quyền lực mới là thực chất.

    Dân chủ là một điều tốt, không phải là nói dân chủ vô điều kiện. Thực hiện dân chủ đòi hỏi phải có điều kiện kinh tế văn hoá và chính trị đầy đủ tương ứng, bất chấp điều kiện mà thúc đẩy dân chủ sẽ mang lại kết quả có tính tai hoạ cho quốc gia và nhân dân. Dân chủ chính trị là trào lưu lịch sử, không ngừng đi tới dân chủ là xu thế tất nhiên của các nước trên thế giới. Tuy nhiên thời cơ và tốc độ thúc đẩy dân chủ, phương thức và chế độ dân chủ lựa chọn thì lại có điều kiện. Một loại chính trị dân chủ lý tưởng không chỉ có liên quan với chế độ kinh tế xã hội và trình độ phát triển kinh tế, chính trị địa duyên, môi trường quốc tế mà còn có liên quan chặt chẽ tới truyền thống văn hoá chính trị, nhân vật chính trị và tố chất quốc dân, tập quán sinh hoạt của công dân quốc gia v.v… Làm thế nào để dùng cái giá chính trị và xã hội phải trả nhỏ nhất mà giành được hiệu quả dân chủ lớn nhất, đòi hỏi trí tuệ của nhà chính trị và dân chúng. Từ ý nghĩa này mà nói, chính trị dân chủ là một loại nghệ thuật chính trị. Thúc đẩy chính trị dân chủ đòi hỏi sự thiết kế chế độ tinh tế và kỹ xảo chính trị cao siêu.

    Dân chủ là một điều tốt, không phải là nói có thể cưỡng bức nhân dân làm cái gì đó. Ý nghĩa có tính thực chất nhất của dân chủ là sự thống trị của nhân dân, sự lựa chọn của nhân dân. Mặc dù dân chủ là một điều tốt, nhưng bất kỳ người nào và bất kỳ tổ chức chính trị nào đều không có quyền coi mình là hoá thân của dân chủ, dùng danh nghĩa của dân chủ cưỡng bức nhân dân phải làm cái này, không được làm cái kia. Dân chủ đòi hỏi sự khởi mông, đòi hỏi pháp trị, cũng đòi hỏi bạo lực để bảo vệ trật tự bình thường. Thế nhưng thủ đoạn cơ bản thúc đẩy dân chủ không nên là sự cưỡng chế của quốc gia mà nên là sự đồng ý của nhân dân. Dân chủ dù mặc nhiên là sự thống trị của nhân dân nhưng vẫn nên tôn trọng sự lựa chọn tự nguyện của chính nhân dân. Xét từ mặt tầng nấc chính trị trong nước, thấy rằng nếu chính quyền chủ yếu dùng thủ đoạn cưỡng chế bắt nhân dân tiếp nhận chế độ không phải do họ tự lựa chọn thì đó là chuyên chế chính trị trong nước, là bạo chính trong nước; nếu như một quốc gia chủ yếu dùng thủ đoạn cưỡng chế, buộc nhân dân nước khác cũng phải tiếp nhận cái gọi là chế độ dân chủ của mình thì đó là chuyên chế chính trị quốc tế, là bạo chính quốc tế. Bất kể là chuyên chế trong nước hay là chuyên chế quốc tế đều đi ngược lại bản chất của dân chủ.

    Chúng ta đang xây dựng cường quốc hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đối với chúng ta mà nói, dân chủ càng là điều tốt hơn, và càng không thể thiếu. Các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Marx đã nói, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Gần đây Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại chỉ ra hơn nữa, không có dân chủ thì không có hiện đại hoá. Đương nhiên chúng ta đang xây dựng chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Một mặt, chúng ta phải tiếp thu mọi thành quả ưu tú của văn minh chính trị nhân loại bao gồm những thành quả ưu tú của mặt chính trị dân chủ; mặt khác chúng ta không sao chép mô hình chính trị nước ngoài. Xây dựng chính trị dân chủ của chúng ta cũng phải kết hợp chặt chẽ với truyền thống văn hoá lịch sử và điều kiện hiện thực xã hội của nước ta. Chỉ có như vậy, nhân dân Trung Quốc mới thực sự được hưởng quả thực ngọt ngào của nền chính trị dân chủ.

    Bản tiếng Việt © 2008 talawas
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12009&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org