Chủ nghĩa tư bản phi tự do: Nga và Trung Quốc vạch lối đi riêng

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Gideon Rachman
    Hoàng Nguyễn dịch
    Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, thật là tự nhiên khi gộp Nga và Trung Quốc vào nhau vì đây là hai thế lực cộng sản hùng mạnh nhất – những kẻ thù ý thức hệ hàng đầu của phương Tây. 
    Thế rồi năm 1989, cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc bị nghiền nát và đế quốc Xô-viết sụp đổ. Chủ nghĩa cộng sản thất bại. Thị trường tự do và thể chế dân chủ có vẻ như đã đứng lên, quét sạch những gì cản đường chúng. Tinh thần của thời đó được nắm bắt trong bài báo nổi tiếng của Francis Fukuyama: “Sự cáo chung của lịch sử”, đăng trên tạp chí National Interest ở Washington mùa hè năm ấy. Ông Fukuyama không cho rằng lịch sử đã chấm dứt theo nghĩa sẽ không có những sự kiện lớn nữa. Thay vì vậy, ông khẳng định thắng lợi về ý thức hệ của phương Tây và nhận định rằng “thể chế dân chủ tự do có lẽ là điểm cuối cùng trong sự tiến hóa về ý thức hệ của con người”.
    Mặc dù việc gạt bỏ ông Fukuyama nhanh chóng trở thành thời thượng, nhưng một biến thể trong lập luận của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ kể từ ngày ấy. Dòng suy luận vận động như thế này: Chủ nghĩa cộng sản với tư cách một hệ thống kinh tế đã thất bại. Nga và Trung Quốc sẽ phải chấp nhận thị trường tự do. Đến một lúc nào đó tự do kinh tế sẽ sản sinh ra tự do chính trị. Một nền kinh tế tự do sẽ tạo ra những thế lực mới, những căng thẳng mới khiến cho việc duy trì một hệ thống chính trị độc tài là điều không thể được. 
    Sự nổi lên của các công nghệ mới, đồng minh của công cuộc toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, mang lại một chiều kích mới cho lập luận này. Năm 1993, ông Rupert Murdoch, ông trùm về truyền thông, đã đoan chắc rằng những tiến bộ trong công nghệ truyền thông “là mối đe dọa rõ ràng đối với các chế độ toàn trị.” Năm 2000, ông Bill Clinton nhận định, tự do sẽ lan tỏa một cách chắc chắn “bằng điện thoại di động và modem máy tính”.

    Nhưng 19 năm sau “sự cáo chung của lịch sử”, Nga và Trung Quốc vẫn không ngả theo những dự báo đầy tự tin của những tín đồ của tự do dân chủ. Trái lại, giới tinh hoa chính trị của hai nước này đang theo đuổi một con đường thay thế nhằm giành ưu thế so với mô hình phương Tây. Mô hình Nga - Trung mới là độc tài chứ không phải dân chủ. Nó cố gắng phối ngẫu chủ nghĩa tư bản với vai trò lớn lao của nhà nước trong nền kinh tế. Nó đưa ra lời hứa hẹn mang chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây tới cho một tầng lớp trung lưu đang nổi lên, trong khi vẫn từ chối tự do chính trị kiểu phương Tây. Những lời lẽ hùng biện của Mỹ về nhân quyền và dân chủ bị gạt bỏ như là những điều ngây thơ, hoặc như một nỗ lực cố ý gieo rắc hỗn loạn. Thay vì dựa vào nền dân chủ hoặc hệ tư tưởng cộng sản để tạo ra lòng trung thành với hệ thống chính trị, giới tinh hoa của Nga và Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh tới sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Hai ý tưởng này có liên hệ với nhau bởi vì sự phồn vinh gia tăng không chỉ cung cấp cho các công dân cá thể những tiện nghi mới mà còn hứa hẹn rằng đất nước sẽ được kính trọng hơn trên khắp thế giới.

    Biểu hiện quốc tế của hệ tư tưởng chung này là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một tổ chức khu vực thành lập năm 2001, liên kết Nga, Trung Quốc và bốn quốc gia Trung Á. SCO chủ trương tôn trọng tuyệt đối chủ quyền quốc gia và tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á. Nga và Trung Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận chung năm 2005 – lần tập trận chung đầu tiên của họ kể từ sau chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1969. Năm ngoái những cuộc trập trận chung này lại tái diễn dưới sự bảo trợ của SCO. 
    Tại Liên hiệp quốc, cả hai nước này thường xuyên chống lại những nỗ lực của phương Tây nhằm gây áp lực lên những chính phủ hà khắc – cho dù đó là Iran, Iraq, Sudan hoặc Serbia. Ông Robert Kagan, một nhà phân tích chính sách ngoại giao của Mỹ, nhận định rằng “một liên minh không chính thức giữa các nhà độc tài đã nổi lên, phát triển và được bảo vệ bởi Moscow và Bắc Kinh”.
    Trong thời chiến tranh lạnh, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Nga và Trung Quốc cùng ôm ấp một thế giới quan duy nhất. Rạn nứt Nga - Trung bộc lộ trong sự kình địch luôn căng thẳng giữa Trung Quốc của ông Mao với Liên Xô. Ngày nay giữa hai nước vẫn có mối hoài nghi lẫn nhau rất mạnh cũng như sự đối đầu về chiến lược, trong đó Nga lo Trung Quốc có thể bành trướng sang vùng Siberia, dân cư thưa thớt nhưng giàu tài nguyên khoáng sản của mình.

    Xuất phát điểm của hai nước này cũng rất khác nhau. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã kéo dài hơn một thế hệ và dựa chủ yếu vào công nghiệp chế tạo. Trong khi đó sự mở rộng nhanh chóng của Nga mới diễn ra gần đây và có vẻ mong manh hơn – vì được thúc đẩy bởi sự tăng giá của dầu mỏ và khí đốt. Sau một thời kỳ hỗn loạn khi tiến hành tự do hóa kinh tế và chính trị vào thập niên 1990, giai đoạn kiểm soát của ông Vladimir Putin được coi như là sự tái xác lập quyền lực của nhà nước Nga. Tiến trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc thì diễn ra trật tự hơn, bằng phẳng hơn.

    Về chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang nắm quyền. Đảng Cộng sản Nga giờ đây đã chính thức là đảng đối lập; nhưng các sĩ quan Xô-viết cũ vẫn đang ngự trị điện Kremlin dù phải khoác bộ áo chính trị mới.
    Về chính sách đối ngoại, Nga vẫn suy nghĩ như một cường quốc toàn cầu trong khi Trung Quốc chỉ mới bắt đầu thò tay ra ngoài châu Á. Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nói: “Khi có một sự kiện quốc tế quan trọng, Nga luôn luôn phản ứng tức thì. Chúng tôi thường phải suy nghĩ về nó một vài ngày.” Dù vậy, người ta tin rằng sức mạnh quân sự của Nga đang suy giảm trong khi Trung Quốc đang lao vào công cuộc xây dựng quân đội quy mô và bền vững. 
    Bất chấp những khác biệt như vậy vẫn có những điểm tương đồng ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc về ý thức hệ chính thống. Sự tương đồng đó đã không còn vì cả hai nước đều giả vờ ca ngợi trên đầu môi chót lưỡi những tín điều Marxist-Leninist giống nhau, mà thay vì vậy, dường như tập thể tinh hoa lãnh đạo của họ đã đi đến những ý tưởng giống nhau trong công cuộc phản kháng lại những áp lực kinh tế và chính trị giống nhau. Sản phẩm cuối cùng là một hệ tư tưởng mới, gần như độc tài, mà – cùng với thành quả kinh tế - có thể hấp dẫn nhiều môn đồ đi theo họ. Viết trên một số báo gần đây của tạp chí Foreign Affairs, học giả Do thái Azar Gat nhận định, nếu các nền dân chủ phương Tây lâm vào những vấn đề kinh tế thì khi ấy một “Thế giới thứ Hai phi dân chủ và thành công sẽ được nhiều nước coi như một phương án thay thế thật hấp dẫn để tiến tới tự do dân chủ.” 
    Ở cả Nga và Trung Quốc, các phát ngôn viên chính thức đều tỏ ra rất mơ hồ khi phát biểu về dân chủ. Họ thường biện luận rằng, dân chủ tự do vẫn là một mục tiêu dài hạn vững chắc – nhưng đất nước của họ cần có thêm thời gian. Vâng, họ sẽ trở thành “dân chủ” – nhưng họ sẽ không cho phép người bên ngoài, người ngoại quốc định nghĩa cho họ cái ý tưởng thế nào là dân chủ. “Nước Nga sẽ tìm con đường riêng của mình để đi đến dân chủ,” là một điệp khúc ở Moscow. 
    Dmitry Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Vladimir Putin, thích nói rằng trên thế giới không có một nền dân chủ hoàn hảo. Nước Nga có những vấn đề của mình nhưng các nền dân chủ phương Tây cũng có vấn đề như vậy. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc thì gọi dân chủ là “mục tiêu chung mà nhân loại theo đuổi”. Tuy nhiên đường lối chính thức của Trung Quốc có xu hướng tiến hành những bước đi nhỏ, tiến tới một hệ thống dân chủ hơn – thông qua việc bầu cử ở cấp làng xã hoặc những cuộc bầu cử có chút cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản. Tuy nhiên điều sinh tử là phải tránh “những rối loạn” có thể tháo cũi sổ lồng những làn sóng hướng về thể chế dân chủ. 
    Ở cả hai quốc gia, nỗi sợ hãi về “rối loạn” thường xuyên được khuấy động để ngăn cản nhu cầu tự do hóa chính trị. Ở Trung Quốc, danh từ hỗn loạn gợi nhớ những nỗi kinh hoàng thời Cách mạng Văn hóa khi trật tự xã hội đã được thiết lập bị đảo lộn hoàn toàn. Nỗi sợ nếu Đảng Cộng sản mất quyền kiểm soát thì bạo lực và rối loạn xã hội sẽ đi theo, như là cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1989. Trong trò chuyện, nhiều người Trung Quốc tỏ ý lo sợ rằng dân chủ hóa có thể dẫn tới ly khai và nội chiến. 
    Ở Nga, những người đi theo ông Putin liên kết công cuộc dân chủ hóa thập niên 1990 với sự sa sút về mức sống, tình trạng vô luật pháp, sự xuống dốc của đất nước và tình trạng chiếm dụng nhà nước bởi một nhóm nhỏ các đầu lĩnh chính trị (oligarch) cực kỳ giàu có. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, những lập luận này có được sự hưởng ứng rộng rãi đáng kể. 
    Tuy nhiên, bất chất tất cả những lời nói về tiến trình dân chủ hóa dần dần, thực tế ở cả Nga và Trung Quốc là không gian tự do chính trị và bất đồng quan điểm có vẻ như đang thu hẹp chứ không phải đang mở rộng. Đáng chú ý là ở Nga vẫn còn nhiều tự do phát biểu hơn ở Trung Quốc. Nhưng đài truyền hình quốc gia, kênh truyền thông có sức lan tỏa mạnh nhất – thì phản ánh một cách trung thành đường lối của điện Kremlin. Những trí thức bất đồng chính kiến ngày nay không còn bị đày vào cácgulag nhưng họ rất khó phổ biến rộng rãi quan điểm của mình. Hàng loạt những cuộc ám sát bí ẩn các phóng viên điều tra cũng có tác dụng làm lạnh gáy giới truyền thông. 
    Trung Quốc, trái lại, chưa bao giờ trải qua hiện tượng nở rộ truyền thông độc lập mà nước Nga có được trong thập niên 1990. Ngay cả như vậy, ông Hồ còn đòi siết chặt đáng kể sự kiểm soát đối với báo chí. Ủy ban bảo vệ nhà báo, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, đưa ra danh sách số nhà báo bị tù đày ở Trung Quốc nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào mà tổ chức này theo dõi – trong năm 2007 đã có một số trường hợp. Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Internet – thông qua cái gọi là “Vạn lý hỏa thành Trung Quốc” (Great Firewall of China) – tỏ ra hiệu quả một cách lạ lùng. Niềm tin của ông Clinton rằng không thể nào ngăn chặn internet truyền bá các ý tưởng lật đổ cho đến nay vẫn không được chứng minh là đúng.
    Những người lạc quan chỉ ra một số chỉ dấu trái ngược, chẳng hạn như sự bùng nổ các hoạt động bảo vệ môi trường, được tổ chức qua internet hoặc bằng điện thoại di động. Đúng là mạng lưới hoạt động xã hội không do nhà nước kiểm soát trực tiếp đã mở rộng vì kinh tế tăng trưởng và trở nên phức tạp. Điều này tạo ra áp lực mới mà Đảng Cộng sản cần phải đối phó. Nhưng xu thế chung có vẻ như là quyền tự do báo chí bị hạn chế hơn là mở rộng và do đó có ít không gian cho sự diễn đạt chính trị và các hoạt động không được Đảng phê chuẩn. 
    Ở cả hai quốc gia, việc tiếp cận quyền lực chính trị vẫn còn bị kiểm soát gắt gao. Các cuộc bầu cử ở Nga hiện thời được coi như một phương cách hợp pháp hóa các quyết định sẵn có. Các nhà phân tích chính trị Nga phải quay lại nghiên cứu điện Kremlin (Kremlinology) để hiểu đất nước được điều hành như thế nào. Cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào tháng Ba nhưng có vẻ như quyết định tối hậu đã được hình thành và ông Dmitri Medvedev đã được xức dầu thánh để trở thành ứng viên mà ông Putin ưa thích nhất. Ở Trung Quốc đại hội Đảng Cộng sản gần đây không để lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Đảng có ý định từ bỏ độc quyền chính trị. 
    Thêm nữa, ở cả Nga và Trung Quốc, đảng cầm quyền và giới tinh hoa chính trị đã và đang củng cố nền tảng quyền lực của mình bằng cách thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh. Ở Nga, lĩnh vực năng lượng tối quan trọng được coi như nền tảng của quyền lực quốc gia – cũng là nền tảng cho sự giàu có cá nhân của giới tinh hoa lãnh đạo. Đáng chú ý là người được coi là Tổng thống mới của nước Nga, ông Medvedev, là chủ tịch đương nhiệm của Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt do nhà nước sở hữu. Ở Trung Quốc, niềm hy vọng rằng khu vực tư nhân đang phát triển sẽ cung cấp một nguồn quyền lực thay thế Đảng Cộng sản cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Trái lại, cổ phần của Đảng trong những công ty độc quyền nhà nước to lớn và nhiều tiền đã khiến người ta mỉa mai rằng bây giờ Đảng Cộng sản Trung Quốc là “công ty cổ phần lớn nhất thế giới”. 
    Ở cả Nga và Trung Quốc, nhà cầm quyền đang sử dụng nguồn của cải mới thu vén được để đánh bóng và tái khám phá những khía cạnh văn hóa dân tộc từng bị rẻ rúng trong thời hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản. Giáo hội Chính thống giáo Nga đã được tôn sùng trở lại và chính phủ đang chi tiền cho việc khôi phục các giáo đường. Ông Putin, cựu sĩ quan tình báo Xô-viết, nói bây giờ ông đọc Thánh kinh. Chính phủ Trung Quốc đang tài trợ cho việc xây dựng các Viện Khổng Tử khắp thế giới. 
    Sự tái phát hiện văn hóa dân tộc có vẻ như là một bước phát triển tốt lành. Nhưng cũng có mặt tối tiềm tàng trong việc vận dụng hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở cả Nga và Trung Quốc. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Tổng thống Putin trên trường quốc tế tỏ ra được ngưỡng mộ ở nước Nga. Các nhóm thanh niên dân tộc chủ nghĩa được điện Kremlin tài trợ và được dùng để quấy nhiễu những người đối lập chính trị, thậm chí cả các nhà ngoại giao nước ngoài. Một cuốn sách giáo khoa mới dành cho giáo viên dạy lịch sử nước Nga – mà đích thân ông Putin khen ngợi – có giọng điệu dân tộc chủ nghĩa rất mạnh. Chủ đề trung tâm của cuốn sách là nhu cầu sức mạnh dân tộc để né tránh một phương Tây đầy mưu mô thủ đoạn. 
    Ở Trung Quốc, học sinh được tiếp xúc với một chương trình học nặng tính chất dân tộc chủ nghĩa – tô vẽ đất nước họ như một nạn nhân kinh niên của sự can thiệp từ bên ngoài, trước tiên là từ bọn thực dân phương Tây rồi đến bọn Nhật Bản. Nhu cầu khôi phục sức mạnh của dân tộc và để Trung Quốc giành lại vị trí xứng đáng của nó trên thế giới là chủ đề thường xuyên. Một giáo sư phương Tây dạy tại trường đại học Bắc Kinh – một người nói chung có quan điểm rất tích cực về nước Trung Quốc hiện đại – không thể không lo lắng khi thấy nhiều sinh viên của ông “hình như được dạy rằng một cuộc chiến tranh tối hậu với Hoa Kỳ là điều không thể tránh khỏi”. 
    Tuy nhiên, những lời lẽ hùng biện đôi khi cho thấy rằng Trung Quốc và Nga một lần nữa nhìn phương Tây như một đối thủ thì các công ty phương Tây vẫn là những đối tác kinh doanh tối cần thiết. Nền kinh tế của cả hai quốc gia này phụ thuộc vào quan hệ thương mại với châu Âu và Hoa Kỳ. Gazprom đang quyết tâm mở rộng sang Tây Âu. Quỹ đầu tư nhà nước mới thành lập của Trung Quốc gần đây đã mua 5 tỉ đô la cổ phần của Morgan Stanley – một ngân hàng đầu tư và một cái tên lớn trên thị trường chứng khoán Wall Street.

    Sự hình thành những lợi ích có đi có lại trong hệ thống kinh tế toàn cầu có thể giúp hạn chế bất kỳ sự đối địch mới nổi lên nào giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc. Nhưng giờ đây niềm hy vọng hai quốc gia này sẽ đón nhận mô hình chính trị phương Tây đã có vẻ quá lạc hậu và ngây thơ. 
    Bản tiếng Việt © 2008 talawas
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12038&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org