Singapore, và Giới tinh hoa!

Posted on
  • Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • MTH
    Mọi người ca ngợi sự thành công của Singapore, thường đem Singapore ra để so sánh. Nhưng có một thực tế mà họ lờ đi, đó là Singapore không phải là một nền dân chủ, mà đúng hơn Singapore nằm dưới sự cai trị độc đoán của một nhóm tinh hoa. Để có được một Singapore như ngày nay, họ đã thi hành một hệ thống luật pháp hết sức hà khắc, có thể nói là hà khắc hơn Việt nam rất nhiều. Và còn một điều nữa, đó là mô hình của Singapore và mô hình của Việt nam, Trung quốc hiện nay nhìn chung là giống nhau, và có thể nói Singapore là hình mẫu cho hai quốc gia này.
    Ưu tiên của Singapore là một nền chính trị ổn định, và một nền kinh tế thịnh vượng. Để thực hiện điều này, họ xây dựng một bộ máy gồn những người tinh anh, thống nhất về đường lối, hoạt động hiệu quả, và đặc biệt là hầu như không tham nhũng. Singapore về cơ bản không theo đuổi một ý thức hệ nào, mà luôn thi hành các chính sách thực tế, khôn ngoan. Bên cạnh đó, họ hợp hóa sự cai trị của mình bằng cái gọi ‘giá trị châu á’; điều này giúp họ củng cố được nền cai trị gia trưởng ở bên trong, và chống lại áp lực về cái gọi là ‘nhân quyền’ từ Phương tây. Việc thực thi một cách hạn chế các quyền của người dân, và hệ thống bầu cử dân chủ giúp Singapore duy trì được tính thống nhất về đường lối, tránh được những canh cãi, bất ổn của hệ thống đảng phái như diễn ra ở Thái, Mã lai…cộng với việc dễ dàng thực thi, áp đặt các chính sách mà không chịu áp lực từ người dân, giúp cho giới tinh hoa rảnh tay thi hành các chính sách mà họ tin là đúng, khiến Singapore duy trì được sự thành công liên tục từ khi lập quốc đến nay.
    Sai lầm lớn nhất của Trung quốc và Việt nam đó là thực thi nền kinh tế kế hoạch, và sau đó là một nền kinh tế hỗn hợp, một điều bất khả thi. Điều này sẽ được khắc phục khi mà họ thực hiện một nền kinh tế thị trường tự do, và việc chuyển đổi dần sang nền kinh tế thị trường tự do đã mang lại một mức độ nào đó thịnh vượng về kinh tế.
    Thách thức của Việt nam, Trung quốc hiện nay đó là phải xây dựng được một bộ máy quản lý như của Singapore; gồm những người tinh hoa thực sự, thống nhất, hoạt động hiệu quả. Singapore thành công ở điểm này vì họ trả lương rất cao cho công chức, khiến họ thu hút được nhân tài, công chức tận tụy làm việc, và không còn động cơ tham nhũng. Singapore nhỏ hơn, đồng nhất hơn nên việc thực hiện này dễ dàng hơn; còn đối với Việt nam, Trung quốc với dân số, diện tích lớn, cùng với đa dạng lợi ích, bộ máy quan liêu khổng lồ….thì việc xây dựng được một bộ máy như Singapore là một thách thức.
    Trung quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay là giai đoạn tự do hóa nền kinh tế, khắc phục sai lầm của việc kế hoạch hóa trước đó. Cùng với tiến trình này, thì bộ máy quản lý dẫn trở nên tham nhũng, bè phái, không còn đáp ứng được với việc quản lý một Trung quốc mới. Nhiệm vụ hiện nay của Tập Cận Bình là phải củng cố, thống nhất bộ máy, chống tham nhũng, bè phái, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy; Chỉ như vậy mới đảm bảo khả năng quản lý, cũng như củng cố tính hợp pháp trước nhân dân. Và có thể thấy rằng các chính sách chống tham nhũng, bà phái mạnh tay của Tập Cận Bình là một bước đi như vậy, và đó là một thử nghiệm, nếu Tập thành công, thì sự thành công của Trung quốc sẽ còn kéo dài.
    Và Việt nam, sau một thời gian khá 'tản quyền', bắt đầu trở lại theo hướng như vậy.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org