Phạm
Nguyên Trường dịch
Động vật hành động vì những thôi thúc
bản năng. Chúng làm theo những xung động mạnh mẽ nhất và đòi đáp ứng ngay tại mỗi
thời điểm. Chúng là những con rối của những ham muốn của chính chúng.
Con người khác loài vật ở chỗ biết lựa
chọn giữa những phương án khác nhau. Con người điều chỉnh hành vi của mình một
cách có cân nhắc. Con người có thể làm chủ được những xung động và ước muốn của
mình. Con người có đủ sức kìm nén những ước muốn mà để đáp ứng chúng thì phải
hi sinh những mục tiêu quan trọng hơn. Nói ngắn: con người hành động, con người
hướng tới những mục tiêu đã được lựa chọn. Đấy là điều thường trực trong tâm
trí chúng ta khi tuyên bố rằng con người là một nhân vật có đức hạnh,
nhân vật tự chịu trách nhiệm cho hành vi ứng xử của mình.
Tự do là định đề của đức hạnh
Tất cả những học thuyết và những lời
giáo huấn về đức hạnh, dù là dựa trên tín điều tôn giáo hay học thuyết thế tục,
thí dụ như những người khắc kỉ, đều giả định rằng các cá nhân tự chủ về mặt đạo
đức và vì vậy mà tất cả những học thuyết và lời giáo huấn đó đều viện đến lương
tâm của mỗi cá nhân. Tất cả các học thuyết này đều giả định rằng cá nhân
có quyền tự do lựa chọn giữa những phương án hành xử khác nhau và đòi hỏi rằng phải
hành xử phù hợp với những qui tắc xác định, tức là phải hành xử theo các qui tắc
đạo đức. Làm điều tốt, tránh xa điều xấu.
Rõ ràng là những lời cổ vũ và khuyên
răn về đức hạnh chỉ có ý nghĩa khi ta nói với những người tự do mà thôi. Nói điều
đó với những người nô lệ là việc làm vô nghĩa. Nói với người nông nô cái gì là
tốt, cái gì là xấu cũng chẳng được ích lợi gì. Anh ta không được tự do lựa chọn
cách hành xử của mình, anh ta bị buộc phải nghe theo mệnh lệnh của chủ. Thật
khó có thể lên án anh ta nếu anh ta làm theo lệnh của chủ dù có thể sẽ bị những
cực hình đe dọa, không chỉ bản thân mà cả người thân trong gia đình anh ta nữa.
Đấy là lí do vì sao tự do không chỉ
là định đề chính trị mà còn là định đề quan trọng của mọi nền đạo đức, cả tôn
giáo lẫn thế tục.
Cuộc đấu tranh cho tự do
Trong hàng ngàn năm, phần đông nhân
loại hoàn toàn hay ít nhất là về nhiều mặt đã không được quyền lựa chọn giữa
cái đúng và cái sai. Trong xã hội chia thành đẳng cấp của những ngày đã qua đó,
những giai tầng bên dưới (đa phần dân chúng) thường bị hệ thống kiểm soát khắt
khe ngăn chặn. Biểu hiện rõ ràng nhất của nguyên tắc này là quy chế của Đế chế
La Mã, cho phép các ông hoàng và bá tước của đế chế có quyền quyết định trách
nhiệm tôn giáo của những người dưới quyền họ.
Người phương Đông ngoan ngoãn qui thuận
tình trạng này. Nhưng những người Thiên chúa giáo và hậu duệ của họ ở những
vùng lãnh thổ hải ngoại chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho tự do. Họ đã xóa bỏ dần
tất cả đặc quyền đặc lợi của các giai tầng và đẳng cấp và xóa bỏ những điều kiện
bất lợi cho đến khi thiết lập được điều mà những vị tiền bối của chế độ toàn trị
cố gắng bôi nhọ bằng cách gọi đấy là hệ thống tư sản.
Uy quyền của người tiêu dùng
Nền tảng kinh tế của hệ thống tư bản
là kinh tế thị trường, trong đó người tiêu dùng là “thượng đế”. Người tiêu
dùng, nghĩa là tất cả mọi người,bằng cách mua hay không mua, quyết định cần sản
xuất cái gì, số lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao. Các doanh nhân - do tính
toán lời lỗ - buộc phải tuân thủ mệnh lệnh của người tiêu dùng. Chỉ những doanh
nghiệp cung cấp một cách tốt nhất và rẻ nhất những món hàng và dịch vụ mà người
tiêu dùng muốn mua nhất mới có thể phát đạt được mà thôi. Những doanh nghiệp
không đáp ứng được người tiêu dùng sẽ bị lỗ và cuối cùng phải ngừng kinh doanh.
Trong giai đoạn tiền tư bản người
giàu là những người có những điền sản lớn. Họ hay tổ tiên của họ có được tài sản
là do nhà vua – người mà nhờ họ giúp đỡ đã chiếm được đất nước và nô dịch được
những người sống trên vùng đất đó – ban tặng (dưới dạng thái ấp hay đất phong).
Những điền chủ quí tộc đó là những chúa tể thật sự, họ không cần người mua.
Nhưng người giàu trong xã hội công nghiệp tư bản lại phụ thuộc vào thị trường.
Họ kiếm được tài sản là do phục vụ người tiêu dùng tốt hơn những người khác và
họ sẽ bị mất tài sản khi những người kia đáp ứng được ước muốn của người tiêu
dùng tốt hơn hay rẻ hơn họ.
Trong nền kinh tế thị trường tự do,
người chủ tư bản buộc phải đầu tư vào những ngành có thể phục vụ xã hội một
cách tốt nhất. Do đó, quyền sở hữu hàng hóa tư bản liên tục được chuyển vào tay
những người biết cách phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Hiểu theo
nghĩa này, trong nền kinh tế thị trường, tài sản tư nhân là một loại dịch vụ
công cộng, buộc người chủ sở hữu phải sử dụng nó nhằm đáp ứng một cách tốt nhất
quyền lợi của người tiêu dùng. Đấy là cái mà các nhà kinh tế học hàm ý khi họ gọi
kinh tế thị trường là nền dân chủ, trong đó từng đồng xu đều có quyền bỏ phiếu.
Khía cạnh chính trị của tự do
Chính phủ đại diện là hệ quả chính trị
tất yếu của nền kinh tế thị trường. Phong trào tư tưởng xây dựng lên chế độ tư
bản hiện đại cũng là phong trào đã đưa các quan chức được bầu thế chỗ cho chính
quyền độc tài của những ông vua chuyên chế và những nhà quí tộc cha truyền con
nối. Chính cái chủ nghĩa tự do tư sản vẫn bị người ta chê bai đó đã đem đến tự
do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí và đặt dấu chấm
hết cho những ngược đãi bất công đối với những người bất đồng.
Đất nước tự do là đất nước trong đó mỗi
công dân đều có quyền tự do sống theo ý mình. Người công dân được tự do cạnh
tranh trên thương trường nhằm giành lấy những công việc mà anh ta ưa thích nhất
và trên sân khấu chính trị thì giành lấy những chức vụ cao nhất. Anh ta phụ thuộc
vào thiện ý của người khác như thế nào thì những người kia cũng phụ thuộc vào
thiện ý của anh ta như thế ấy. Muốn thành công trên thương trường, anh ta phải
làm cho người tiêu dùng hài lòng; muốn thành công trong lĩnh vực công, anh ta
phải làm cho cử tri hài lòng. Hệ thống này đã đem đến cho những nước tư bản
phương Tây, Mĩ, Australia mức độ gia tăng dân số chưa từng có trước đây và đem
đến cho họ mức sống cao chưa từng thấy. “Người dân bình thường” được hưởng những
thứ mà ngay cả những người giàu có nhất trong thời tiền tư bản cũng không dám
mơ ước. Anh ta được hưởng những thành quả tinh thần của khoa học, của thi ca và
nghệ thuật mà trước đây chỉ có nhóm tinh hoa trong số những người giàu có mới
được tiếp cận mà thôi. Và anh ta được tự do thờ cúng theo lương tâm của mình.
Sự xuyên tạc của phái xã hội chủ
nghĩa
Tất cả những sự kiện liên quan tới hoạt
động của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã bị xuyên tạc và bóp méo bởi các chính trị
gia và người cầm bút tự vơ vào mình nhãn mác chủ nghĩa tự do. Trong thế kỉ XIX
chủ nghĩa tự do chính là trường phái tư tưởng đã đập tan chính quyền độc đoán của
vua chúa và quí tộc và mở đường cho tự do thương mại và tự do kinh doanh. Theo
những người biện hộ cho sự trở lại của chế độ chuyên chế thì tất cả những điều
xấu xa đang làm bại hoại nhân loại đều từ những âm mưu nham hiểm của những nhà
tư sản kếch xù mà ra, và muốn đem lại của cải và hạnh phúc cho người dân lương
thiện thì phải đặt những công ty này dưới quyền kiểm soát ngặt nghèo của chính
phủ. Họ thừa nhận – mặc dù mới chỉ gián tiếp – rằng điều đó có nghĩa là chấp nhận
chủ nghĩa xã hội, chấp nhận Liên Xô. Nhưng họ bảo là chủ nghĩa xã hội trong các
nước phương Tây sẽ hoàn toàn khác với chủ nghĩa xã hội ở Nga. Và dù thế nào đi
nữa thì đấy cũng là biện pháp duy nhất có thể áp dụng nhằm tước đoạt quyền lực
của những công ty khổng lồ và ngăn chặn, không để chúng tiếp tục xâm phạm lợi
ích của nhân dân.
Muốn chống lại trò tuyên truyền cuồng
tín này thì phải nhắc đi nhắc lại sự thật là chính các doanh nghiệp lớn đã mang
đến cho dân chúng mức sống cao chưa từng có. Những món hàng xa xỉ phẩm dành cho
một số ít người giàu có có thể được những doanh nghiệp nhỏ sản xuất. Nhưng
nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tư bản là sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của
nhiều người. Chính những người làm cho các công ty lớn lại cũng là những người
tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra. Quan sát gia đình những người có thu nhập
trung bình ở Mĩ, bạn sẽ thấy bánh xe của máy móc đang quay vì ai. Chính các
công ty lớn đã làm cho người dân bình thường tiếp cận được với những thành tựu
của công nghệ hiện đại. Năng suất lao động cao của nền sản xuất lớn làm cho mọi
người đều được lợi.
Nói về “quyền lực” của doanh nghiệp lớn
là việc làm ngu xuẩn. Biểu hiện chủ yếu nhất của chủ nghĩa tư bản trong tất cả
các vấn đề kinh tế là quyền lực tối cao nằm trong tay người tiêu dùng. Tất cả
các doanh nghiệp lớn đều phát triển từ một xuất phát điểm khiêm tốn, chúng lớn
lên là nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng. Không có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào
có thể đưa ra những sản phẩm mà không người Mĩ nào muốn mua. Công ty càng lớn
thì càng phụ thuộc vào thiện ý của người tiêu dùng. Chính ước muốn (có người
nói là sự điên rồ) của người tiêu dùng đã thúc đẩy ngành sản xuất ô tô làm ra
những chiếc xe to đùng và bây giờ lại buộc họ phải sản xuất những chiếc xe nhỏ
hơn. Các cửa hàng và siêu thị phải thường xuyên điều chỉnh, thường xuyên đổi mới
hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của người tiêu dùng. Qui luật
căn bản nhất của thị trường là: khách hàng bao giờ cũng đúng.
Những người phê phán hoạt động kinh
doanh và làm ra vẻ như nắm được những biện pháp cung cấp tốt hơn thực chất chỉ
là kẻ ba hoa chích chòe vô công rồi nghề mà thôi. Nếu những người đó nghĩ rằng
biện pháp của họ hoàn hảo hơn thì tại sao họ không tự mình đem ra thử? Ở đất nước
này lúc nào cũng có những nhà tư sản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ sẵn sàng
cung cấp vốn cho bất kì sáng kiến hữu lí nào. Xã hội bao giờ cũng muốn mua những
món hàng tốt hơn hoặc rẻ hơn hoặc vừa tốt hơn vừa rẻ hơn. Trên thương trường,
giá trị không phải là lời nói mà là việc làm. Nói không làm cho các “ông trùm
tư bản” trở thành giàu có được, phục vụ những người tiêu dùng đã làm cho họ trở
thành những người giàu có như thế.
Tích lũy tư bản làm cho mọi người đều
được lợi
Hiện nay, việc phớt lờ thực tế rằng tất
cả sự tiến bộ về mặt kinh tế đều phụ thuộc vào quá trình tiết kiệm và tích lũy
tư bản đã trở thành cái mốt. Không một thành tựu tuyệt vời nào của khoa học và
công nghệ có thể được đem ra áp dụng trong thực tiễn nếu số vốn cần thiết không
được tích lũy sẵn từ trước. Điều cản trở những nước lạc hậu về kinh tế, không
cho họ triển khai tất cả những lợi thế của những phương pháp sản xuất của
phương Tây và vì vậy mà tiếp tục giam hãm nhân dân các nước đó trong cảnh bần
hàn không phải là họ chưa làm quen với công nghệ mà là do đồng vốn ở đó không
có hiệu quả. Khẳng định rằng vấn đề của các nước chưa phát triển là thiếu hiểu
biết kĩ thuật, không có “know-how” là sai. Đa số các doanh nhân và các kĩ sư của
họ đều tốt nghiệp tại những trường tốt nhất của châu Âu và Mĩ. Họ là những người
có kiến thức tốt về các môn khoa học ứng dụng. Nhưng họ bị trói chân trói tay
vì thiếu vốn.
Một trăm năm trước, nước Mĩ thậm chí
còn nghèo hơn các nước này. Chính “chủ nghĩa cá nhân thô lậu”, trong những năm
trước khi có Chính sách mới (New Deal), không tạo ra những trở ngại trầm trọng
cho những người có sáng kiến đã biến nước Mĩ thành đất nước giàu có nhất thế giới.
Doanh nhân trở thành những người giàu có vì họ chỉ tiêu dùng một phần nhỏ lợi
nhuận của mình và đầu tư trở lại phần lớn số tiền kiếm được. Đấy là cách họ làm
cho mình và đồng thời làm cho những người khác cùng trở thành giàu có. Tích lũy
tư bản làm cho năng suất lao động tăng lên và đồng lương cũng tăng lên theo.
Trong chế độ tư bản, lòng tham của từng
doanh nhân riêng lẻ làm cho không chỉ anh ta mà tất cả những người khác đều được
lợi. Có mối quan hệ hỗ tương giữa tài sản mà anh ta thu về nhờ việc phục vụ người
tiêu dùng và tích lũy số tư bản, và sự cải thiện điều kiện sống của những người
làm công ăn lương, cũng là những người tiêu dùng. Quần chúng nhân dân, cả trong
vai trò người làm công ăn lương lẫn người tiêu dùng, đều muốn việc làm ăn luôn
phát đạt. Đấy chính là tâm tư của những người theo trường phái tự do trước đây
khi họ tuyên bố rằng trong nền kinh tế thị trường quyền lợi chân chính của tất
cả các nhóm dân cư đều được điều hòa. Hài hòa quyền lợi là hiện tượng giữ thế
thượng phong trong xã hội tư bản.
Chủ nghĩa nhà nước (statism) đe dọa thịnh vượng kinh tế
Người công dân Mĩ sống và làm việc
trong trạng thái tinh thần và đạo đức của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Điều kiện ở
một số khu vực ở Mĩ vẫn còn kém xa so với dân cư những khu vực phát triển hơn,
mà đây lại là phần lãnh thổ rộng lớn hơn. Nhưng tốc độ công nghiệp hóa nhanh
chóng đáng lẽ đã xóa bỏ được những khu vực lạc hậu nhỏ bé này từ lâu nếu chính
sách Kinh tế mới không làm chậm lại quá trình tích lũy tư bản, một phương tiện
không thể thay thế được đối với sự cải thiện nền kinh tế.
Đã quen với những điều kiện của chủ
nghĩa tư bản, người dân bình thường ở Mĩ coi việc doanh nghiệp mỗi năm đều tạo
ra một điều gì đó mới mẻ và dễ dàng tiếp cận hơn là chuyện đương nhiên. Nhìn lại
những năm trước đây của chính cuộc đời mình, người ta thấy rằng nhiều đồ đạc mà
thời trai trẻ người ta chưa hề biết và nhiều thứ thời đó rất ít người được sử dụng
thì nay đã trở thành thiết bị bình thường hầu như của mọi gia đình. Người ta
tin tưởng rằng xu hướng đó sẽ vẫn còn giữ thế thượng phong trong tương lai. Người
ta gọi nó một cách đơn giản là “Lối sống Mĩ” và không hề suy nghĩ nghiêm túc về
câu hỏi: điều gì làm cho sự cải thiện liên tục như thế trở thành khả thi? Người
ta không hề bận tâm về hoạt động của những tác nhân chắc chắn sẽ chặn đứng quá
trình tích lũy tư bản mà còn có thể chẳng bao lâu nữa sẽ làm cho nó phân tán ra
nữa. Người ta không phản đối những lực lượng (bằng cách gia tăng những khoản
chi tiêu công, cắt giảm việc tích lũy tư bản và thậm chí còn mang ra dùng ngay
một phần vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp và cuối cùng là gây ra nạn lạm
phát) đang phá hoại ngay chính cơ sở của sự thịnh vượng về mặt vật chất của anh
ta. Người ta không bận tâm tới sự phình ra của bộ máy nhà nước, mà ở đâu làm
như thế thì cũng đều dẫn đến kết quả là tạo ra hoặc giữ lại những thứ mà người
ta cho là cực kì xấu xa.
Không có tự do kinh tế thì không thể có tự do cá nhân
Đáng tiếc là nhiều người cùng thời với
chúng ta không nhận thức được sự thực rằng sự phình lên của bộ máy nhà nước và
đem quyền năng vô hạn của nhà nước thay cho nền kinh tế thị trường thì chắc chắn
sẽ làm cho đạo đức của người ta thay đổi đến mức nào. Người ta nghĩ rằng hoạt động
của con người chia thành hai lĩnh vực rõ ràng – một bên là lĩnh vực hoạt động
kinh tế còn bên kia là lĩnh vực hoạt động được coi là phi kinh tế. Họ nghĩ rằng
hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì với nhau hết. Cái tự do mà chủ nghĩa xã hội
xóa bỏ “chỉ là” tự do hoạt động kinh tế, còn tự do trong tất cả các lĩnh vực
khác đều vẫn giữ nguyên không suy xuyển.
Nhưng đây không phải là hai lĩnh vực
độc lập với nhau như học thuyết này nói. Loài người không bơi trên chín tầng
mây. Mọi việc con người làm đều nhất định sẽ tác động tới lĩnh vực kinh tế hoặc
vật chất và đều đòi hỏi người đó phải có đủ sức mạnh để có thể tác động tới những
lĩnh vực này. Muốn sống sót người ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt và phải có cơ
hội sử dụng một số tài sản vật chất hữu hình nào đó.
Nhiều người lầm lẫn khi cho rằng những
sự kiện diễn ra trên thương trường chỉ liên quan đến khía cạnh kinh tế của đời
sống mà thôi. Nhưng trên thực tế, giá cả trên thị trường phản ánh không chỉ “những
mối quan tâm về mặt vật chất” như thức ăn, nhà ở và những tiện nghi khác, mà
còn phản ảnh cả những mối quan tâm thường được gọi là tinh thần hay cao quí nữa.
Theo hoặc không theo những điều răn của tôn giáo (hoàn toàn không làm một số việc
nào đó hoặc không làm trong những ngày đặc biệt nào đó, giúp những người khốn
khó, xây dựng hoặc sửa chữa nơi thờ phụng và nhiều việc khác nữa) là một trong
những nhân tố quyết định việc cung cấp và nhu cầu về những loại hàng hóa tiêu
dùng khác nhau và vì vậy mà cũng quyết định giá cả và hành động của doanh nghiệp.
Cái tự do mà nền kinh tế thị trường bảo đảm cho cá nhân không đơn giản chỉ là tự
do “kinh tế”, tách biệt hẳn với những quyền tự do khác. Nó còn ngụ ý cả quyền tự
do quyết định tất cả những vấn đề được coi là đạo đức, tinh thần hay trí tuệ nữa.
Bằng cách kiểm soát toàn diện và tuyệt
đối tất cả các tác nhân của quá trình sản xuất, chế độ xã hội chủ nghĩa còn kiểm
soát toàn bộ đời sống của cá nhân nữa. Chính phủ phân cho mỗi người một công việc
cụ thể. Chính phủ quyết định được in và được đọc những loại sách báo nào, ai được
hưởng thú vui viết lách, ai được quyền sử dụng phòng họp công cộng, được quyền
phát ngôn và được quyền sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc khác.
Điều đó có nghĩa là những người nắm quyền điều khiển những công việc của chính
phủ cũng là những người quyết định tối hậu tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo
lí nào thì được tuyên truyền còn tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo lí nào thì
không. Dù hiến pháp thành văn và được phổ biến có thể nói về tự do lương tâm, tự
do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và về việc không can thiệp vào các
vấn đề tôn giáo thì trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khi chính phủ không cung cấp
những điều kiện vật chất cho việc thực hiện những quyền đó thì chúng chỉ là những
ngôn từ chết mà thôi. Người nào nắm độc quyền toàn bộ phương tiện thông tin thì
kẻ đó cũng nắm chắc trong tay mình trái tim và khối óc của tất cả những người
khác.
Điều làm cho nhiều người hoàn toàn
không nhận thức được những tính chất căn bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng
như những hệ thống toàn trị khác là ảo tưởng cho rằng hệ thống này sẽ được vận
hành theo đúng như những gì họ nghĩ là đáng ao ước nhất. Trong khi ủng hộ chủ
nghĩa xã hội, họ cho rằng đương nhiên là “nhà nước” lúc nào cũng sẽ làm cái mà
họ muốn nó làm. Họ chỉ coi chế độ toàn trị kiểu đó mới là chủ nghĩa xã hội
“chân chính”, “thực tế” hoặc “tốt đẹp”,
đấy là chế độ mà những người cầm quyền có ý tưởng trùng hợp với ý tưởng
của chính họ. Tất cả những kiểu khác đều bị họ coi là giả mạo hết. Điều đầu
tiên họ chờ đợi ở bạo chúa là ông ta sẽ dẹp hết những ý tưởng trái ngược với ý
tưởng của họ. Trên thực tế, tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội kiểu đó
đều là những người bị ám ảnh bởi phức cảm độc tài hay toàn trị mà chính họ cũng
không biết. Họ muốn chính phủ dùng vũ lực tiêu diệt hết những ý kiến và kế hoạch
mà họ không đồng ý.
Ý nghĩa của quyền được bất đồng
Những nhóm ủng hộ chủ nghĩa xã hội khác
nhau – dù họ có tự gọi là cộng sản, xã hội hay đơn giản là cải cách xã hội thì
cũng thế - đồng ý với nhau về một cương lĩnh chính trị nòng cốt. Tất cả bọn họ
đều muốn dùng bộ máy kiểm soát hoạt động sản xuất của nhà nước (hay như một số
người thích gọi là kiểm soát của xã hội) thay thế cho kinh tế thị trường cùng với
những người tiêu dùng đầy uy quyền của nó. Họ chia rẽ không phải vì những vấn đề
về quản lí kinh tế mà vì đức tin tôn giáo hay ý thức hệ. Có những người xã hội
chủ nghĩa Thiên chúa giáo (Tin lành hay Công giáo) và có những người xã hội chủ
nghĩa vô thần. Mỗi một kiểu chủ nghĩa xã hội này lại cho rằng quốc gia xã hội
chủ nghĩa đương nhiên là sẽ được dẫn dắt bởi những giáo huấn tôn giáo của họ hoặc
phủ nhận bất kì giáo lí nào. Họ không bao giờ nghĩ đến khả năng là chế độ xã hội
chủ nghĩa có thể được cai trị bởi những người thù địch với đức tin hay những
nguyên tắc đạo đức của họ, những kẻ có thể coi nhiệm vụ của họ là sử dụng tất cả
sức mạnh khủng khiếp của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm đàn áp tất cả những gì
mà dưới con mắt của họ là sai lầm, mê tín dị đoan hay sùng bái ngẫu tượng.
Sự thật đơn giản là cá nhân chỉ được
quyền tự do lựa chọn giữa điều mà họ coi là đúng và điều mà họ coi là sai khi họ
độc lập về mặt kinh tế với chính phủ. Chính phủ xã hội chủ nghĩa có đủ sức mạnh
làm cho bất đồng ý kiến trở thành bất khả thi, bằng cách kì thị những nhóm tôn
giáo hay ý thức hệ mà họ không ưa và không cung cấp cho những nhóm này phương
tiện vật chất cần thiết cho việc truyền bá và thực hành đức tin của họ. Hệ thống
độc đảng, cũng là nguyên tắc chính trị của luật pháp xã hội chủ nghĩa, còn hàm
ý một tôn giáo và một hệ thống đạo đức nữa.
Chính phủ xã hội chủ nghĩa nắm trong
tay những phương tiện có thể được sử dụng nhằm tạo ra sự phục tùng nghiêm ngặt
trên tất cả các mặt, chính phủ quốc xã gọi đấy là Gleichschaltung (phục tùng
chính trị). Các nhà sử học đã chỉ ra rằng trong giai đoạn Cải cách[1], in ấn có
vai trò quan trọng. Nhưng nếu tất các máy in đều do chính phủ dưới quyền
Charles V của Đức hay những ông vua vương triều Valois của Pháp[2] thì các nhà
cải cách còn có cơ hội nào hay không? Tương tự như thế, nếu tất cả các phương
tiện thông tin liên lạc đều nằm trong tay nhà nước thì Marx còn có cơ hội nào
hay không?
Tất cả những người yêu chuộng tự do
lương tâm đều phải kinh tởm chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên là tự do tạo điều kiện
cho con người làm không chỉ việc tốt mà còn cả việc xấu nữa. Nhưng hành động được
thực hiện dưới áp lực của một chính phủ có quyền lực vô giới hạn thì dù tốt đến
đâu cũng chẳng có tí giá trị đạo đức nào.
(Hết)
[1] Ý nói cải cách tôn giáo ở châu Âu
thế kỉ XVI-XVII.
[2] Charles V của Đức (1500–1558),
theo Thiên chúa giáo, khủng bố những người dị giáo ở Hà Lan và chiến đấu chống
lại đạo Tin lành trong các công quốc Đức. Trong giai đoạn trị vì của dòng họ
Valois ở Pháp (1328–1589) đã xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, đấy là người
tin lành, trong đó có người Huguenots, chiến đấu giành tự do thờ phụng.