Là trí thức, cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc

Posted on
  • Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • LTS: Vừa rồi, ngày 1/11, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
    Nghị quyết lần này đã có những nhận định tuy không hoàn toàn mới về nhận thức nhưng đề cập nhiều vấn đề mới của thực tiễn và đề ra một hệ thống giải pháp mới khả quan vì phù hợp với quy luật vận động của khoa học và với thực trạng nền khoa học Việt Nam hiện nay. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội liên hiệp khoa học kỉ thuật Việt nam, Giám đốc Nhà xuất bản tri thức.
    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    Phóng viên: Thưa giáo sư, theo các nhà khoa học của chúng ta ở trong và ngoài nước thì nền khoa học của chúng ta đang có vấn đề, đang yếu kém và khủng hoảng, đang tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt nam cũng đã nhận định rằng “hoạt động khoa học và công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Là người đã từng và hiện nay vẫn đang gắn bó với các hoạt động khoa học, quản lý khoa học, là người trong cuộc, giáo sư hiểu như thế nào về nhận định này?
    Giáo sư Chu Hảo: Sau Hội nghị TW6 (Khóa XI) trên báo Thanh Niên có chuyên mục “Vật vờ nghiên cứu khoa học” đăng tải ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về thực trạng hoạt động KH&CN ở nước ta trong những năm gần đây. Dùng chữ “vật vờ” nghe đã nẫu ruột, đọc kỹ các ý kiến còn thấy đau lòng hơn! Không phải chỉ là “trầm lắng” hoặc “chưa thực sự trở thành động lực phát triển KH-XH” như được viết trong Nghị quyết Hội nghị, mà còn trầm trọng hơn thế nhiều. Các NQTW thì vẫn cứ viết theo kiếu “ba sôi hai lạnh” mãi như thế, còn thực tế cuộc sống thì khác hẳn.
    Thực tế là nền KH&CN (gồm cả KHXH& NV và các Giải pháp kỹ thuật) đang tụt hậu xa hơn nữa so với các nước tiền tiến trong khu vực và trên toàn thế giới theo các chỉ số được coi là thông lệ quốc tế. Số các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế đầu ngành (thuộc hệ thông ISI chẳng hạn) hàng năm của cả nước ta chi xấp xỉ bằng của một trường Đại học vào loại khá ở Thái Lan. Số lượng bằng Sáng chế Phát minh và Giải pháp hữu ích được đăng ký ở nước ngoài (đặc biệt là đăng ký ở Mỹ) trong các năm vừa qua là hy hữu. Tỷ lệ nội địa hóa các Công nghệ sản phẩm là vô cùng thấp ( đặc biệt là trong các nghành công nghiệp điện tử và chế tạo máy…). Các nghiên cứu về KHXH&NV của chúng ta nói chung là quá đặc thù, phi tiêu chuẩn so với thông lệ quốc tế.
    Nói gì thì nói cũng phải thừa nhận rằng thực trạng trên gắn liền với năng lực yếu kém của đội ngũ các nhà KH&CN. Vì sao năng lực ấy lại yếu kém như vậy thì còn phải thảo luận cho ra nhẽ, nhưng trách nhiệm xã hội của họ thì không thể thoái thác được. 
    Với một mặt bằng thấp kém như vậy của KH&CN nước nhà mà lại vẫn chỉ thấy là nó  “trầm lắng” và “chưa thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH” thì quả là chỉ mới dũng cảm nhìn vào “bên cạnh sự thật” thôi !
    Phóng viên: Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút yếu kém của nền khoa học nước nhà hiện nay, Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương cũng đã nhận định là do “Chưa tạo được môi trường minh bạch trong hoạt động khoa học và công nghệ; thiếu quy định về dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn”. Đây là một nhận định có thể nói là đã đi sát, xác định chính xác bản chất của vấn đề hơn bất cứ đánh giá hay nhận định nào trước đó của Đảng ta. Sự minh bạch và dân chủ trong khoa học, những vấn đề lớn và có thể nói là những điều kiện cần có đầu tiên cho hoạt động khoa học, lâu nay chúng ta không hoặc ít nói đến một cách công khai vấn đề này, còn lần này, ban lãnh đạo của Đảng đã chính thức xác nhận. Điều đó, tôi nghĩ là một sự đổi mới và là một bước tiến lớn trong nhận thức và thực hành lãnh đạo của Đảng ta. Còn giáo sư, ông nghĩ sao?
    Gs Chu Hảo: Nguyên nhân của tình trạng này cũng không phải chủ  yếu nằm ở chỗ : “Chưa tạo được môi trường minh bạch trong hoạt động KH&CN; thiếu quy định về dân chủ trong nghiên cứu KHXH&NV”.  Nguyên nhân côt lõi của tình trạng này trước hết phải kể đến là sự thiếu quyết tâm chính trị của lãnh đạo, từ cấp cao nhất cho đến cơ sở, trong việc thực thi chủ trương do chính mình đề ra là: Cùng với phát triển GD&ĐT, phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Không có một quốc sách hàng đầu nào lại bị xem thường một cách bất cẩn như đối với GD&ĐT và KH&CN như trong tới kỳ vùa qua. Nếu không thì tình trạng đã không đến mức báo động như hiện nay.
    Cũng chính vì vậy mà  động lực thúc đẩy phát triển KH&CN đã không còn mạnh mẽ cả từ phía cầu (chủ yếu là các tập đoàn kinh tế công nghiệp lớn của Nhà nước) lẫn  phía cung (nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh không còn là khát vọng của số đông bạn trẻ). Đã từ lâu ta nghe thấy câu vè trong dân gian “khoa học ngày nay chán lắm rồi/ mười người nghiên cứu chín người thôi”. Đặc biêt là đối với nghiên cứu cơ bản mà những  cấp “cầm cân nảy mực” với tư duy “ăn xổi” cứ nhăm nhăm đòi hỏi “một đồng vào được mấy đồng ra?”
    Cơ chế quản lý các hoạt động KH&CN cứ luẩn quẩn mãi trong khuôn khổ hành chính hóa, quan liêu bao cấp. Phương thức tổ chức xác đinh nhiệm vụ, thực hiện và nghiệm thu kết quả của các Chương trình-Đề tài nghiên cứu KH&CN từ trung ương đến địa phương, dù đã được cải tiến liên tục, nhưng vẫn bám theo mô hình “kế hoạch hóa” từ những năm 60 của thế kỷ trước ở Liên bang Xô viết cũ. Nguồn chi cho KH&CN chủ yếu là từ phía Nhà nước, nhưng Nhà nước lại áp dụng một phương thức quản lý tài chính vô cùng lạc lậu, buộc các nhà khoa học phải “đối phó” để hợp thức các chứng từ rất rườm rà và bất hợp lý, mà nhiều người đã nản lắm rồi. “Thiếu môi trường minh bạch” cũng chính là khâu này, đã tù mù thì làm sao mà quản lý hiệu quả được.
    Có lẽ chúng ta không “thiếu quy định về dân chủ trong nghiên cứu khoa học Xã hội và nhân văn”, mà thật ra chúng ta đang thừa rất nhiều các quy định (thành văn cũng như bất thành văn) thiếu dân chủ. Cái vòng kim cô của ý thức hệ giáo điều cứng nhắc đã “chính trị hóa” các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này, buộc chúng phải thực hiện chức năng minh họa - tô hồng là chủ yếu, chứ không chấp nhân sự đa dạng và không khuyến khích độc lập tư duy, tự do sáng tạo. Khoa học XH&NV vì vậy mà không thể phát triển một cách tự nhiên được.
    Các chuẩn mực phổ quát không được tuân thủ trong việc tuyến chọn, bổ nhiệm, sử dụng các chức danh  Thạc sỳ, Tiến sỹ, Phó giáo sư, Giáo sư dẫn đến tình trạng thiếu những nhà nghiên cứu nghiêm chỉnh  đầu đàn, bằng cấp chủ yếu chỉ là để tìm danh phận trong bộ máy công quyền. Ít chú trọng thực học-thực nghiệp mà dung túng sự hư danh, giả dối chạy theo thành tích.
    Ngần ấy nguyên nhân cũng chính là ngần ấy  điều bất cập cần được khắc phục một cách đồng bộ và quyết liệt nhằm chấn hưng nền KH&CN nước nhà.
    Phóng viên: Như vậy, theo giáo sư, nguyên nhân của sự sa sút nó còn nằm ở tầng sâu hơn như đã phát hiện và công bố, nó nằm ở “quyết tâm chính trị”, có nghĩa nó chưa phải là một việc mà phải được dành cho những quyết tâm và nỗ lực lớn nhất để thực hiện, từ ý chí cho đến nguồn lực và các chính sách, tức là con đường và những phương tiện để đi tới mục tiêu. Tôi nghĩ, để đạt được bất cứ mục đích nào thì quan trọng là xác định cho đúng con đường cần phải đi. Có thể là con đường thẳng, cũng có thể buộc phải là con đường không thẳng, con đường vòng vì các vật cản chi phối. Trong khoa học cũng vậy. Cả một nền khoa học càng vậy. Một con đường đúng hướng, thoáng đãng, không có chướng ngại vật, một cỗ xe khoẻ, người lái giỏi, ắt sẽ sớm đi tới đích. Đó là điều chúng ta đang chờ đợi chăng?
    Gs Chu Hảo:Tôi nghĩ, đường đã có nhưng chưa thoáng, còn nhiều chướng ngại vật. Đó là quyết tâm chính trị chưa đủ mạnh mẽ, còn nhiều nhận thức chưa phù hợp, thậm chí lạc hậu nên dẫn đến nhiều chính sách gây khó cho sự vận hành của nền khoa học và các hoạt động nghiên cứu khoa học.
    Phóng viên: Số phận của một đất nước hay một nền khoa học, một hành trình văn hoá luôn có mặt và sự đóng góp quan trọng của giới trí thức. Trong lịch sử, tuỳ vào thời cuộc, sự nhập thế, dấn thân của trí thức mỗi lúc một khác. Hiện nay, có ý kiến cho rằng một bộ phận trí thức của chúng ta đã không khẳng định được vị trí của mình trong hành trình khoa học của đất nước, trong đó có nhiều người bàng quan,  như chủ ý đứng bên lề sự vận động của khoa học và số phận của đất nước.
    Trở lại câu chuyện, thưa giáo sư, ông có thể cho biết quan niệm của mình về giới trí thức, thế nào là giới trí thức, vị trí, vai trò của họ đối với xã hội, với đất nước, một cái nhìn xa từ Việt Nam chẳng hạn?
    Gs Chu Hảo: Từ xưa tới nay ở nước ta thường gọi những người lao động trí óc được xem là có học, đặc biệt là có bằng cấp, là sĩ phu ( thời phong kiến ) và  trí thức ( thời hiện đại ). Thời phong kiến các sĩ phu thường phải là những người có trình độ Hán học từ tú tài trở lên. Uớc vọng chính của họ là được làm quan phụng sự giai cấp thống trị. Nguyện vọng ấy không có gì sai trái vì đó là con đường duy nhất để thoát khỏi nghèo hèn. Trượt làm quan thì về làng quê dạy chữ "thánh hiền" cho trẻ nhỏ, làm thầy địa lý hay thày lang. Vào cuối thế kỷ thứ 19, cùng với sự tiếp xúc với các nền văn minh khác ngoài Trung Hoa, đã có những sĩ phu có tư tưởng cấp tiến trình tấu triều đình những đề xuất cải cách để phát triển, nhưng không được nghe thì nín lặng theo đúng lẽ vua-tôi. Đó là những người như Phạm Phú Thứ (1820-1883), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), Nguyễn Lộ Trạch ( 1852-1895 )… Họ là lớp tiền thân của tầng lớp sỹ phu yêu nứơc hồi cuối TK19 đầu TK20 dù là theo đường lối bạo lưc như phong trào Cần vương ( Phan Đình Phùng, 1854-1895 ) và Đông Du ( Phan Bội Châu, 1867-1940 );  hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa-giáo dục như phong trào Duy Tân ( Phan Châu Trinh, 1872-1926; Huỳnh Thúc Khàng, 1876-1947; Trần Quý Cáp,1870-1908…) và Đông kinh Nghĩa thục ( Lương Văn Can, 1854-1927: ). Kế tiếp sau tầng lớp sỹ phu yêu nước này, từ những năm 20-30 thế kỷ trước, đã xuất hiện một tầng lớp xã hội mới dùng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để hành nghề tự do như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, nhà giáo, nhà văn, họa sỹ, nhac sỹ và nghệ sỹ…Tầng lớp lao động trí óc này ở nước ta lúc ấy đã được gọi là trí thức  dựa theo khái niệm “người trí thưc” ( intellectual, xuất hiện lần đàu ở Pháp  năm 1871 ) và “ tầng lớp trí thức “ ( intelligentsia, xuất hiện lần đâu ở Nga từ giữa thé kỷ 19 ). Từ sau CMT8 cho đến tận ngày nay, những người có trình độ học vấn từ Cao đẳng-Đại học trở lên cũng được gọi là trí thức.
    Thế nhưng người Nga, người Pháp,  rồi ở các nước văn minh tiến bộ khác người ta chỉ dùng chữ trí thức để chỉ bộ phân có thể gọi là tinh hoa trong hàng ngũ những người lao động trí óc; tức là  những ngừơi không chỉ có trình độ học vấn cao, chuyên môn giỏi, mà còn  có một vài phẩm tính khác để tự tập hợp lại thành một tầng lớp được coi là “cơ quan nhận thức ( bộ nào) của cơ thể xã hội”.   Nhà bác học –trí thức tiêu biếu của thời đại, Einstein đã có lần nói đại ý: anh có thể là kỹ sư nguyên tử giỏi, nhưng không phải là một trí thức. Người lao động trí óc có khả năng sáng tạo thì đông, nhưng tầng lớp trí thức thực thụ thì không thể là đại trà. Cũng chẳng có tiêu chuẩn và sự xét duyệt nào để phong tặng danh hiệu trí thức cho ai cả. Tầng lớp trí thức không phải là một đoàn thể, họ có thể xuất thân từ các giai cấp khác nhau, và qua đối thoại-giao lưu chính kiến họ sẽ tự hình thành trong một thể chế có xã hội dân sự lành mạnh.
    Đó là nhận thức của riêng tôi về trí thức và tầng lớp trí thức, muốn được chia sẻ với bạn đọc chứ không đưa ra một định nghĩa mới nào cả. Tôi chỉ mong muốn đông đảo những người hoặc tự coi mình, hoặc được xã hội coi  là trí thức, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc và đất nước.
    Phóng viên: Vậy theo giáo sư thì giới trí thức có, và cần có những phẩm chất tiêu biểu nào?
    Giáo sư Chu Hảo: Theo thiển ý của tôi, những phẩm tính ấy là :
    1) Có khả năng tiếp thu và truyền bá tri thức khoa học-công nghệ hoăc/và  văn hóa-nghệ thuật
    2) Có năng lực sáng tạo ra các giá trị mới của tri thức khoa học-công nghệ hoặc/và  văn hóa-nghệ thuật.
    3) Có chính kiến rõ ràng trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình.
    4) Đề xuất, tư vấn, phản biện và giám sát một cách độc lập các chủ trương, chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội.
    5) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.   
    Phóng viên: Hiện nay ở nước ta có tình trạng có tỷ lệ quá lớn các nhà khoa học, đúng hơn là những người có học vị, học hàm khoa học tách rời khỏi công tác khoa học để làm công tác quản lý. Người không có năng lực nghiên cứu khoa học tìm cách trú ngụ ở các chân ghế quản lý, người có năng lực khoa học cũng ào ào tìm cách làm cán bộ quản lý.
    Có thể nói đây là một biểu hiện “sinh động” và “mạnh mẽ” nhất của “chủ nghĩa bằng cấp”, một biến thái của bệnh thành tích, và nói cho cùng là bệnh nói dối của xã hội hiện thời. Tôi không thể hiểu được nhiều người đã học tập, nghiên cứu lúc nào mà có bằng tiến sĩ?!  Điều này tưởng rằng đơn giản, không chết ai nhưng nó báo hiệu sự suy thoái cả về giáo dục, đào tạo, cả về văn hoá và đạo đức của xã hội. Nếu có quá nhiều trí thức “dởm” loại này thì cũng có thể là một tai họa cho không chỉ cho giới trí thức mà cả một nền khoa học, cả đất nước.
    Thưa giáo sư, Nghị quyết Trung ương 6, trong phần giải pháp thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ có chủ trương “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”. Tôi nghĩ rằng đây không phải quan điểm mới của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, là một điều rất cần vì lâu nay trong môi trường hoạt động khoa học, môi trường học thuật, tinh thần dân chủ và tự do bị o bế, hạn chế rất nhiều. Theo giáo sư thì để thực hiện được dân chủ và tự do trong hoạt động khoa học, trong môi trường học thuật, môi trường tri thức và trí thức thì phải có những điều kiện và tiền đề gì?
    Giáo sư Chu Hảo: Tôi cũng đồng ý rằng, không những trong NQTƯ6 mà trong nhiều văn kiện chính thống khác, kể cả trong Hiến Pháp, những quyền cơ bản của con người về Tự do và Dân chủ đều được khẳng định một cách đúng đắn. Và từng bước đã  đưa được vào đời sống tinh thần của xã hội, tuy còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.  Tuy nhiên, cho đến nay, không chỉ trong các hoạt động nghiên cứu KH&CN, mà trong các lĩnh vực khác cũng vậy, cơ chế dân chủ để đảm bảo quyền độc lập tư duy, tự do sáng tạo và tự do ngôn luận giữa lí thuyết và thực hành vẫn còn một khoảng cách không nhỏ…
    Tôi nghĩ, những ai tự coi mình là trí thức đều phải có trách nhiệm góp phần tháo dỡ tình trạng này. Dân chủ không phải là miếng thịt bò rán thơm đăt sẵn trên đĩa…Bạn hỏi cần phải có điều kiện và tiền đề gì để có dân chủ và tự do trong họa động NCKH? Ai đấy sẽ trả lời bạn là phải sửa lỗi hệ thống . Nhưng điều đó “to tát”quá đối với khuôn khổ bài phỏng vấn này. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ với độc giả một điều giản dị: Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, tùy vào điều kiện và khả năng cụ thể  của từng người, ta hãy bắt đầu từ những việc “trong tầm tay”, để thực hành dân chủ. Chẳng hạn, ai cũng thấy rằng cái tàn dư cơ chế xin - cho (thành văn cũng như bất thành văn) thiếu dân chủ đã gây nên quốc nạn ngày nay là sự dối trá, y hệt như ở Liên Xô (cũ) mà Alekcandr Solzenitsyn đã mô tả trong tiểu luận “Người có học”  ( Về trí thức Nga, NXB Tri thức, 2009 ). Vậy mà , cũng như tầng lớp được gọi là “trí thức” ở Liên Xô (cũ), chúng ta hiện nay cũng đành “đương nhiên” chấp nhận mà chưa dám đấu tranh để làm cho cuộc sống trung thực hơn, tốt đẹp hơn. Vậy thì ít nhất hãy làm như Solzenitsyn gợi ý : “Không nói dối! Không tham gia vào những việc dối trá! Không đồng lõa với dối trá !” bằng cách “Không nói những điều ta không nghĩ…, không dơ tay, không cúi đầu, không giả bộ cười, không có mặt, không đứng lên, không vỗ tay.”
    Một điều quan trọng, mà lịch sử đã chỉ dẫn cho chúng ta, đó là các nhà lãnh đạo quốc gia và đội ngũ trí thức phải có tiếng nói chung, đồng hành trong nhận thức và hành động để phát triển khoa học và đất nước.
    Tôi tin tưởng rằng với trí tuệ, truyền  thống yêu nước của mình, trí thức Việt Nam sẽ đoàn kết để tận tâm cống hiến cho Dân tộc và Nhân dân một cách có hiệu quả nhất.
    Phóng viên: Tôi nghĩ rằng, trước khi Đảng và Nhà nước “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học” thì hơn ai hết chính giới trí thức phải thực hành điều đó với nhau, với mình. Đó là điều căn bản để tập hợp trí tuệ, tình cảm và ý chí của đội ngũ trí thức.
    Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này.
    PHAN THẮNG thực hiện

    Nguồn:http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/giao-su-chu-hao-la-tri-thuc-can-nhan-thuc-day-du-trach-nhiem-truoc-van-menh-cua-dan-toc
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org