Michael F. Cairo*
“Ngay cả khi cần có lực lượng
quân sự thì trong nước… người dân khôn ngoan và thận trọng vẫn phải luôn luôn để
ý và canh chừng lực lượng đó”.
-Samuel
Adams-
Từ năm 1789, Hoa Kỳ ít khi tham gia
vào những hoạt động quân sự kéo dài, do đó, dân chúng Mỹ chú trọng đến các vấn
đề nội bộ nhiều hơn, còn ngoại giao và quốc phòng thì chỉ đôi khi mới quan tâm
tới. Nói chung, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy đa số dân Mỹ tương
đối ít quan tâm tới các vấn đề ngoại giao và chỉ khi có các cuộc khủng hoảng quốc
tế thì mới chú ý tới nhiều hơn. Tuy nhiên, như được ghi trong Hiến pháp, động
cơ chính dẫn tới việc thành lập nước Mỹ lại là để “bảo vệ chung [cho cả nước]”.
Một phần ba trong số 18 quyền hành liệt kê trong Điều I, Đoạn 8 của Hiến pháp
Hoa Kỳ thuộc về các vấn đề quân sự và ngoại giao và không phải ngẫu nhiên mà
nhiều vấn đề nguyên thủy được bàn tới trongLuận cương Liên bang lại
liên quan đến các yêu cầu quốc phòng của Hoa Kỳ.
Khi xây dựng một chính quyền quốc gia
mới, các vị lập quốc Hoa Kỳ đã nhận rõ tầm quan trọng cần phải thành lập một
chính quyền có thể bảo vệ quốc gia một cách thích đáng. Một chính sách hữu hiệu,
thống nhất giữa ngoại giao và quân sự đòi hỏi phải có một lãnh đạo mạnh của
ngành hành pháp đối với quân đội. Đồng thời các vị đó cũng nhận thấy rằng nếu
không được kiểm soát đúng mức thì lực lượng quân sự có thể được dùng để cướp
chính quyền và là một mối đe dọa cho dân chủ. Các vị lập quốc quả thực đã sợ vấn
đề lạm dụng quyền lực quân sự và lo ngại rằng một nhánh hành pháp quá mạnh sẽ
có lúc thoái hoá thành chế độ độc tài hay chế độ mị dân. Lịch sử đã cho các vị
đó biết là những sự tiếm quyền như vậy không phải là ít xảy ra. Do đó, các vị lập
quốc thấy rằng muốn bảo vệ dân chủ thì cần phải nêu rõ trong hiến pháp mới là
quân sự phải phục tùng chính quyền dân sự. Trong Luận cương Liên
bang số 28,Alexander Hamilton viết:
“Không lệ thuộc vào tất cả mọi lý luận
khác về vấn đề này, đối với những người muốn có một quy định dứt khoát hơn về bộ
máy quân sự trong thời bình thì câu trả lời đầy đủ là tất cả quyền lực của
chính quyền [chúng ta] trù liệu phải ở trong tay của những người đại diện dân cử.
Điều này là thiết yếu và nói cho cùng, cũng là phương thức có hiệu lực duy nhất
để bảo đảm an toàn các quyền và đặc quyền của dân chúng trong một xã hội dân sự”.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã nhận thấy
tầm quan trọng của một lực lượng quân sự thường trực để phòng vệ, nhưng các vị
đó cũng thấy là cần phải thận trọng để gìn giữ tự do và ngăn ngừa tiếm quyền.
James Madison đã giải thích trong Luận cương Liên bang số 41 như
sau:
“Bảo đảm an ninh chống lại sự đe dọa
từ bên ngoài là một trong những mục tiêu nguyên thủy của một xã hội dân sự…(Tuy
nhiên), một lực lượng quân sự thường trực là một hiểm họa và cũng là một điều cần
thiết. Ở tầm mức nhỏ nhất, (lực lượng quân sự) cũng có những bất tiện nhưng ở tầm
mức lớn thì lực lượng đó có thể dẫn tới các hậu quả có tính chất sinh tử. Nhưng
dù ở tầm mức nào đi chăng nữa thì nó cũng là một đối tượng vừa đáng hoan nghênh
vừa phải thận trọng canh chừng. Một quốc gia khôn ngoan cần phải phối hợp tất cả
các quan điểm đó để một mặt không hấp tấp loại bỏ những điều cần thiết cho an
ninh quốc gia và mặt khác cũng cần phải thận trọng để giảm bớt vai trò thiết yếu
cũng như mối đe dọa của lực lượng có thể bất lợi cho tự do đó.
Dấu hiệu rõ rệt nhất về sự thận trọng
này được ghi rõ trong Hiến pháp được đề nghị. Chính cái Liên hiệp, mà Hiến pháp
xây dựng và duy trì, phải bác bỏ mọi lý lẽ (viện vào đó) để lập một tập đoàn
quân sự mà có thể trở thành nguy hiểm”.
Do đó, Hiến pháp trao cho Quốc hội
quyền thành lập và duy trì – tức là tài trợ – lực lượng quân sự để ngăn ngừa tổng
thống có quyền lực quá mạnh. Hơn nữa, Quốc hội, chứ không phải hành pháp, mới
có quyền chính thức tuyên chiến để ngăn ngừa việc quyết định nông nổi không thể
lấy lại được. Tuy nhiên, đồng thời Hiến pháp cũng cho tổng thống quyền tổng tư
lệnh các lực lượng lục quân, hải quân và dân quân của tiểu bang. Do đó khiến
cho tổng thống có đủ quyền lực chống lại sự tấn công từ bên ngoài và bảo vệ quốc
gia khi còn trứng nước.
Song cũng như nhiều nguyên tắc khác của
Hiến pháp, các chi tiết về việc kiểm soát của (chính quyền) dân sự chưa bao giờ
được mô tả rõ trong Hiến pháp. Cách thức dân sự kiểm soát quân sự năm 1789 khác
rất nhiều với cách kiểm soát hiện tại. Thực vậy, các nhà lập quốc Mỹ không bao
giờ trù liệu việc thiết lập một giai cấp quân sự chuyên nghiệp và do đó không
thể nào tiên đoán trước được bản chất của sự kiểm soát dân sự như ta thấy hiện
nay. Vì thế, việc dân sự kiểm soát quân sự tại Hoa Kỳ đã tiến hoá vừa theo tập
quán và truyền thống, vừa theo tính chất pháp lý của Hiến pháp.
Truyền thống dân là chiến sĩ
Chính hiến pháp cũng không bàn tới vấn
đề thiết lập một lực lượng quân sự thường trực. Các nhà lập quốc không quen với
quan niệm quân dịch chuyên nghiệp. Các vị đó coi nghĩa vụ quân sự như là một
nghĩa vụ đương nhiên của mọi công dân trong thời chiến. Ai cũng biết George
Washington vừa là một chính khách lại vừa là một chiến sĩ, nhưng có nhiều đại
biểu trong Đại hội lập hiến cũng là người trong quân đội trong cuộc Cách mạng
Hoa Kỳ. Thực vậy, không bao giờ có tư tưởng phân biệt giữa giai cấp dân sự và
giai cấp quân sự.
Quan điểm của các nhà lập quốc Mỹ có
thể được suy ra từ Điều I, Đoạn 6 của Hiến pháp:
“Không một Nghị sĩ hay Dân biểu nào,
trong thời gian được bầu, lại có thể được bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ dân sự
nào sẽ được lập ra hay tiền thù lao của chức vụ đó sẽ được gia tăng trong chính
quyền Hoa Kỳ; ngược lại, không một người nào giữ chức vụ trong chính quyền Hoa
Kỳ lại có thể là đại biểu trong hai Viện trong thời kỳ tại chức”.
Điều khoản này bác bỏ ý tưởng là dân
biểu Quốc hội có thể giữ chức vụ trong ngành hành pháp hay tư pháp. Nó phản ánh
nguyên tắc căn bản của phân quyền mà chủ trương là mỗi một ngành trong chính
quyền phải phân lập và tách ra khỏi các ngành kia. Tuy nhiên, trong điều khoản
này không thấy chỗ nào ngăn cấm nghị sĩ hay dân biểu được bổ nhiệm vào các chức
vụ quân sự. Vì Các nhà lập quốc tin rằng các đại biểu dân cử là những người có
khả năng nhất trong xã hội Mỹ, cho nên họ giả định một số dân biểu sẽ đương
nhiên làm các người chỉ huy quân sự khi quốc biến. Thực vậy, việc đưa điều khoản
này vào Hiến pháp được biện minh với lý do là các chức vụ quân sự là những trường
hợp ngoại lệ. Các nhà lập quốc coi quân sự không phải là một ngành chuyên nghiệp
mà chủ yếu là gồm một đội quân hay dân quân và đội quân này chỉ hiện hữu trong
thời chiến. Như Elbridge Gerry, một đại biểu trong Đại hội lập hiến, giải
thích: “(Sự hiện diện) thường trực của một lực lượng quân sự trong thời bình là
không phù hợp với các nguyên tắc của một chính quyền cộng hoà, là một mối đe dọa
cho quyền tự do của một dân tộc tự do và thường biến thành những cơ năng phá hoại
làm nảy sinh ra chế độ chuyên chế”.
Như vậy, nguyên tắc dân sự kiểm soát
(quân sự) thể hiện tư tưởng là mọi người công dân có đủ điều kiện đều phải có
trách nhiệm bảo vệ quốc gia cũng như gìn giữ tự do và phải tham gia chiến đấu nếu
cần. Đối với các vị lập quốc thì chỉ có dân quân – trong đó ít có sự ngăn cách
giữa cấp chỉ huy và quân lính – mới là lực lượng quân đội thích hợp và là lực
lượng có thể phối hợp ý tưởng quân đội phải thể hiện nguyên tắc dân chủ và khuyến
khích mọi công dân gia nhập. Suốt trong thế kỷ XIX cho tới đầu thế kỷ XX, mối
lo sợ này đã in sâu vào chính trị và xã hội Mỹ. Truyền thống văn hóa sâu xa úy
kỵ quân đội của Hoa Kỳ cùng với vị trí địa dư biệt lập đã tạo ra di sản dành
cho dân sự quyền kiểm soát quân sự.
Do đó, sau cuộc chiến tranh cách mạng,
các vị lập quốc đã giảm quân đội chính quy và dùng dân quân của tiểu bang để bảo
vệ biên giới phía tây. Sự giảm quân đó phản ánh mối lo ngại của nền dân chủ Hoa
Kỳ đối với các định chế quân sự và các chức năng quân sự, một phần nỗi e ngại
đó bắt nguồn từ chế độ cai trị bằng quân sự của Anh trong thời thuộc địa.
Truyền thống văn hóa Anglo-Saxon thịnh
hành trong thời kỳ lập quốc là một lý do tổng quát hơn cho tinh thần úy ky quân
đội và các định chế quân sự, nhất là trong thời bình. Phản ứng của dân Anh đối
với thời kỳ Cromwell trong những năm 1640, khi quân đội Anh được dùng để đàn áp
đối lập chính trị, hãy còn in rõ trong ký ức mọi người vào thế kỷ XVIII. Thêm
vào đó, một trong những mâu thuẫn dẫn tới cuộc Cách mạng Hoa Kỳ là việc đồn trú
của quân đội Anh trên lãnh thổ Mỹ sau cuộc chiến với Pháp và dân bản xứ Bắc Mỹ
(1754 – 1763). Dựa trên quan niệm quyền của mình cũng như quyền của dân
nước Anh, những người dân thuộc địa bác bỏ sự xâm lấn đó với lý do là hành động
như vậy không thể nào được chấp nhận ngay trên đất nước Anh. Thái độ dè dặt đó
vẫn còn được phản ánh suốt trong thời kỳ Cách mạng Mỹ. Khi muốn xin Quốc hội
cho phép và cấp ngân sách nuôi dưỡng quân đội, tướng Washington đã phải cam
đoan với Quốc hội là sẽ không dùng quân đội để tiếm quyền Quốc hội. Nói cách
khác, ngay cả trong thời chinh chiến, dân Mỹ cũng đã e ngại quyền lực quân sự.
Vị trí địa dư cũng giữ một vai trò
quan trọng trong thái độ của dân Mỹ đối với giới quân sự. Suốt trong thế kỷ
XIX, những đại dương rộng lớn đã làm vùng bảo vệ cho lục địa Bắc Mỹ, còn các nước
lân bang thì không phải là mối đe dọa đáng ngại. Với vị trí biệt lập, Hoa Kỳ hầu
như không có một sự đe dọa quân sự nào từ châu Âu và châu Á. Tài nguyên thiên
nhiên phong phú lại càng khiến cho Mỹ hầu như không lệ thuộc vào những nơi khác
trên thế giới.
Do đó, khi nền Cộng hòa mới được
thành lập, quan điểm dân sự kiểm soát quân sự ở Mỹ được chi phối bởi bốn tiền đề
chính sau đây. Thứ nhất, xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử của nước Anh và việc
thuộc địa đã từng bị quân đội chiếm đóng, (người Mỹ) cho rằng lực lượng quân sự
lớn là một sự đe dọa cho tự do. Thứ hai, lực lượng quân sự lớn là một sự đe dọa
cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. Quan niệm này gắn liền với lý tưởng mỗi người dân
là một chiến sĩ cùng với mối lo ngại không muốn tạo ra một giai cấp quân sự quý
tộc hay chuyên quyền. Thứ ba, lực lượng quân sự lớn là một sự đe dọa cho phồn
vinh kinh tế. Và sau hết, lực lượng quân sự lớn đe dọa hòa bình. Các vị lập quốc
chấp nhận quan điểm phóng khoáng cho rằng chạy đua vũ trang sẽ dẫn tới chiến
tranh. Do đó, việc dân sự kiểm soát quân sự đã xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử
và cùng với thời gian đã in sâu vào tư tưởng chính trị của Mỹ qua truyền thống,
tập quán và niềm tin (của dân Mỹ).
Các vị tổng thống đầu tiên trong vai
trò tư lệnh quân đội
Điều khoản tổng tư lệnh trong Hiến
pháp nói rằng, ngoài các nhiệm vụ khác, “Tổng thống cũng là tổng tư lệnh của Lục
quân và Hải quân Hoa Kỳ và dân quân của các tiểu bang, khi các lực lượng
này đuợc điều động để phục vụ Hoa Kỳ“[1]. Điều
khoản này đã là cơ bản suốt trong lịch sử Hoa Kỳ và là căn bản thường trực cho
việc dân sự kiểm soát quân sự. Chính nguyên tắc cho phép các vị lập quốc trù liệu
cho các thượng nghị sĩ có thể làm tướng trong thời chiến cũng đã cho phép các vị
đó chấp nhận một tổng thống dân sự làm tổng tư lệnh quân đội. Điểm then chốt ở
đây là chính tổng thống Hoa Kỳ, trong khi hành xử tất cả các chức năng của
mình, lại bị giới hạn bởi thể chế dân chủ và do đó không có khả năng sẽ dùng
quyền lực quân sự của mình để tăng thêm quyền hành pháp.
Tầm mức mà các vị lập quốc muốn quy định
việc tổng thống hành xử chức năng quân sự của mình được thấy rõ khi các vị đó
không ngăn cản được việc tổng thống đích thân chỉ huy quân đội ngoài mặt trận.
Lúc bấy giờ, người ta trông đợi và muốn tổng thống có thể và phải nắm quyền
đích thân chỉ huy quân đội trên chiến trường. Điều này đã được các tổng thống
không ngần ngại thực hiện suốt trong thế kỷ XIX. George Washington, với tư cách
là tổng thống đầu tiên, đã tạo ra tiền lệ này khi ông dẹp cuộc nổi loạn Whiskey
(Whiskey Rebellion), một cuộc nổi loạn bạo động của nông dân (miền Tây)
Pennsylvania chống việc chính quyền liên bang thu thuế đánh vào rượu Whiskey
năm 1799. Tuy cuộc nổi loạn này nhỏ và giới hạn trong một vùng nhưng Washington
cho rằng bạo động như vậy chẳng khác gì phá hoại chính quyền. Washington tuyên
bố rằng nếu không dẹp được những người nổi loạn thì “chính quyền nước này coi
như là đã cáo chung”. Để biểu dương quyền lực của liên bang, Washington đã huy
động một lực lượng quân đội không thua gì lực lượng của toàn thể quân đội trong
thời kỳ Cách mạng và đích thân mang quân sang Pennsylvania.
Các tổng thống khác cũng theo gót tổng
thống Washington. Tuy không có hiệu quả nhưng tổng thống James Madison cũng tổ
chức và đặt kế hoạch phòng thủ thủ đô chống lại quân Anh năm 1814. Trong thời kỳ
chiến tranh giữa Mỹ và Mê-hi-cô vào những năm 1840, tổng thống James K. Polk đã
hành xử quyền tổng tư lệnh của mình, đích thân chỉ huy quân đội chống lại quân
Mê-hi-cô. Tuy Polk không ra mặt trận nhưng các chiến lược của ông đã đóng vai
trò căn bản cho các hoạt động quân sự. Suốt trong thế kỷ XIX, các tổng thống tiếp
tục chỉ huy quân đội, đích thân lập chiến lược quân sự và tham gia vào các hoạt
động thuần túy quân sự. Người sử dụng quyền được giao phó này nhiều nhất là
Abraham Lincoln.
Lincoln là người đã phải đối mặt
với những đe dọa gay go và trầm trọng nhất với nền dân chủ Hoa Kỳ. Đương đầu với
sự ly khai của các tiểu bang miền Nam và sự tan rã của Liên hiệp
(Hoa Kỳ), Lincoln đã sử dụng toàn bộ quyền hành pháp của mình để duy trì quốc gia. Ông đã hoãn phiên họp Quốc hội từ tháng 4 tới tháng 7 năm 1861. Sau đó, sử dụng quyền tổng tư lệnh quân đội, Lincoln đã tập hợp dân quân, gia tăng quân đội và hải quân mà không xin phép Quốc hội, kêu gọi quân tình nguyện, sử dụng công quỹ mà không có Quốc hội chuẩn chi, tạm ngưng luật giam giữ phải có lệnh của tòa và ra lệnh phong tỏa đường biển vào khu vực của Tiểu bang Ly khai (the Confederacy). Tới tháng 7, tổng thống nói với Quốc hội như sau: “Không còn sự lựa chọn nào khác là sử dụng quyền ứng chiến của (ngành hành pháp) của chính quyền để dùng vũ lực bảo vệ chính quyền chống lại chính vũ lực đang phá hoại chính quyền… Những biện pháp này, dù có hợp pháp hay không hợp pháp, đã được mạnh dạn thi hành thuận theo yêu cầu của hầu như đa số; và lúc đó, cũng như bây giờ, (chúng ta) mong rằng sẽ được Quốc hội sẵn sàng phê chuẩn. Bây giờ (lại có người) nhất định chủ trương rằng Quốc hội, chứ không phải hành pháp, mới có quyền này. Nhưng chính Hiến pháp cũng đâu có nói rõ ai hay cơ quan nào có quyền hành xử quyền đó. Hơn nữa, hiển nhiên là điều quy định này nhằm vào tình trạng khẩn trương nguy biến, ta không thể tin được rằng các vị các vị lập quốc khi ấn định quyền lực này lại muốn là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cứ để cho tình trạng nguy biến tiếp diễn cho tới khi triệu tập được Quốc hội. Trong trường hợp này, chính việc triệu tập Quốc hội lại bị phe phản loạn ngăn cản. Ngành hành pháp rất tiếc, như đã thấy, là đã phải bắt buộc sử dụng quyền ứng chiến để bảo vệ chính quyền”.
(Hoa Kỳ), Lincoln đã sử dụng toàn bộ quyền hành pháp của mình để duy trì quốc gia. Ông đã hoãn phiên họp Quốc hội từ tháng 4 tới tháng 7 năm 1861. Sau đó, sử dụng quyền tổng tư lệnh quân đội, Lincoln đã tập hợp dân quân, gia tăng quân đội và hải quân mà không xin phép Quốc hội, kêu gọi quân tình nguyện, sử dụng công quỹ mà không có Quốc hội chuẩn chi, tạm ngưng luật giam giữ phải có lệnh của tòa và ra lệnh phong tỏa đường biển vào khu vực của Tiểu bang Ly khai (the Confederacy). Tới tháng 7, tổng thống nói với Quốc hội như sau: “Không còn sự lựa chọn nào khác là sử dụng quyền ứng chiến của (ngành hành pháp) của chính quyền để dùng vũ lực bảo vệ chính quyền chống lại chính vũ lực đang phá hoại chính quyền… Những biện pháp này, dù có hợp pháp hay không hợp pháp, đã được mạnh dạn thi hành thuận theo yêu cầu của hầu như đa số; và lúc đó, cũng như bây giờ, (chúng ta) mong rằng sẽ được Quốc hội sẵn sàng phê chuẩn. Bây giờ (lại có người) nhất định chủ trương rằng Quốc hội, chứ không phải hành pháp, mới có quyền này. Nhưng chính Hiến pháp cũng đâu có nói rõ ai hay cơ quan nào có quyền hành xử quyền đó. Hơn nữa, hiển nhiên là điều quy định này nhằm vào tình trạng khẩn trương nguy biến, ta không thể tin được rằng các vị các vị lập quốc khi ấn định quyền lực này lại muốn là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cứ để cho tình trạng nguy biến tiếp diễn cho tới khi triệu tập được Quốc hội. Trong trường hợp này, chính việc triệu tập Quốc hội lại bị phe phản loạn ngăn cản. Ngành hành pháp rất tiếc, như đã thấy, là đã phải bắt buộc sử dụng quyền ứng chiến để bảo vệ chính quyền”.
Nhưng Lincoln không chỉ giới hạn việc
hành xử quyền hành ở mức đó. Mùa xuân 1982, ông đã tham gia chỉ huy lực lượng của
Liên hiệp. Ông đích thân ấn định kế hoạch hành quân và dùng quân lệnh để điều động
quân đội. Tuy nhiên, Lincoln cũng là tổng thống cuối cùng trực tiếp tham gia
vào công việc ấn định chi tiết các chính sách quân sự.
Việc hành xử quyền tổng tư lệnh của
Lincoln đã xác định thẩm quyền của tổng thống làm cấp chỉ huy cao nhất các lực
lượng quân sự. Thực vậy, suốt trong thế kỷ XIX cũng như trong thế kỷ XVIII,
không có sự phân biệt rõ rệt giữa thẩm quyền chính trị và thẩm quyền quân sự.
Phần lớn các nhà chính trị đồng thời cũng là các nhà quân sự có tài. Việc tổng
thống hành xử chức năng quân sự không gây khó khăn gì có lẽ là vì mặc dầu
Lincoln có nhiều quyền như vậy nhưng các tổng thống vẫn tiếp tục tôn trọng các
giới hạn về quyền quy định trong Hiến pháp. Trong thời kỳ đó, một hệ thống quân
giai đã hình thành rõ rệt như sau: tổng thống, cùng với bộ trưởng lục quân và hải
quân là cấp cao nhất trực tiếp ra lệnh cho các cấp chỉ huy quân đội tại chiến
trường. Nhiệm vụ chính trị và quân sự do đó vẫn còn lẫn lộn với nhau. Tổng thống
thường là người đã có kinh nghiệm chiến trường còn các tướng cũng hay tham gia
chính trị. Tới cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX quan niệm phối hợp vai trò tổng
tư lệnh với vai trò tổng thống đã trở nên khó duy trì. Tuy nhiên, nguyên tắc mạnh
mẽ chấp nhận sự kiểm soát dân sự đối với quân sự được thành lập từ thế kỷ XIX vẫn
tiếp tục củng cố cho truyền thống này trong thế kỷ XX, tuy có khác đôi chút về
hình thức.
Thế quân bình thay đổi trong thế kỷ
XX
Sang thế kỷ XX là bắt đầu sắp có đại
chiến thế giới. Khi Woodrow Wilson được bầu làm tổng thống vào năm 1912 thì mục
tiêu của Hoa Kỳ chủ yếu có tính chất đối nội. Khi chiến tranh xảy ra tại châu
Âu năm 1914, Wilson đã cho Hoa Kỳ giữ tư thế trung lập. Tuy nhiên, việc xâm phạm
các quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền của các nước trung lập của phe gây chiến đã
khiến cho Wilson phải yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với Đức.
Sau Thế chiến I, Wilson không vận động
được Quốc hội phê chuẩn hiệp định Hội Quốc liên và do đó Hoa Kỳ lại rơi vào
tình trạng bế quan tỏa cảng. Các tổng thống kế nhiệm cũng phải đương đầu với một
Quốc hội không muốn tham gia vào công việc quốc tế. Năm 1929 – 1930, Quốc hội lại
thông qua một loạt luật thuế quan cao, mà cao điểm là Luật Thuế quan Smoot –
Hawley (Smoot-Hawley Tariff Act). Các luật thuế quan này nhằm bảo vệ nền
kinh tế Mỹ chống lại sự can thiệp từ bên ngoài nhưng càng đưa Hoa Kỳ vào sâu thế
tự cô lập. Vào các năm 1935, 1936 và 1937, Quốc hội thông qua một số luật trung
lập để bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ không bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh khác tại
châu Âu .
Chính sách bế quan tỏa cảng lên tới tột
đỉnh trong nhiệm kỳ của tổng thống Franklin Roosevelt. Đối mặt với cuộc Khủng
hoảng kinh tế thế giới, ngay từ năm 1935, Roosevelt đã chủ trương trung lập và
đặt ưu tiên cho các vấn đề đối nội cao hơn các vấn đề đối ngoại. Mãi tới cuối
thập niên 1930, Roosevelt mới bắt đầu thấy tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ tham
dự vào các vấn đề của châu Âu .
Điều trớ trêu là chính Toà Tối cao bảo
thủ đã giới hạn các chính sách cải cách kinh tế “Vận hội Mới” (New Deal)
trong chính sách đối nội của Roosevelt sau này. Cũng chính là Tòa tối cao đã
thiết lập cơ sở cho quyền tổng thống giữ một vai trò chủ chốt trong ngoại giao
và củng cố vai trò chỉ huy và kiểm soát của tổng thống đối với việc quân sự.
Năm 1936, trong vụ kiện giữa Hoa Kỳ và Curtiss – Wright Corporation, tòa
đã phân định rõ rệt quyền lực của tổng thống về đối nội và đối ngoại. Tòa nói rằng
chức vụ tổng thống là “cơ quan duy nhất của chính quyền liên bang (có thẩm quyền)
về quan hệ quốc tế – và việc hành xử thẩm quyền đó không cần dựa trên cơ sở một
hành động của Quốc hội”. Tòa lập luận rằng, thẩm quyền về ngoại giao của tổng
thống đã được đương nhiên cho phép trong Hiến pháp qua lịch sử và yêu cầu hiện
tại.
Khi chính quyền của tổng thống
Roosevelt quan tâm tới các vấn đề quốc tế và cũng là lúc không khí chiến tranh
đang bao trùm khắp châu Âu thì thế giới đã thay đổi rất nhiều. Thứ nhất
là cuộc cách mạng kỹ thuật đã khiến cho không một tổng thống nào có thể hoàn
toàn thông thạo về mọi chiến lược chiến tranh. Thứ hai là cuộc Đệ nhị Thế chiến
là một cuộc chiến tranh toàn cầu. Các yếu tố đó khiến cho chính quyền dân sự
không thể nào điều khiển hoạt động quân sự hàng ngày trong chiến tranh cũng như
sau chiến tranh. Tuy nhiên, các nhà cầm quyền dân sự hiện nay – phần lớn là tổng
thống và các nhân viên của tổng thống cùng với bộ trưởng quốc phòng – vẫn còn nắm
quyền kiểm soát rất chặt các định chế quân sự trong nước. Cũng còn phải ghi nhận
rằng quyền kiểm soát tài trợ ấn định trong Hiến pháp – mà cho phép Quốc hội có
quyền chấp thuận tất cả các ngân khoản chi tiêu quân sự – cũng khiến cho các
nghị sĩ và dân biểu nào muốn chuyên tâm về vấn đề này có thể có quyền kiểm soát
và gây ảnh hưởng.
Sự xuất hiện của cuộc Chiến tranh Lạnh
năm 1945 cũng hoàn toàn chấm dứt truyền thống tự cô lập của Hoa Kỳ và đẩy nước
này vào một vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế. Khi các cựu chiến binh
trở về sau Thế chiến thứ hai, có rất nhiều người giữ các vai trò dân sự trong
chính quyền, trong các trường đại học và trong doanh nghiệp và do đó cũng bắt đầu
có nhiều mối quan hệ giữa giới quân sự với các công ty Mỹ và trong các lĩnh vực
xã hội khác. Lực lượng quân sự, trước kia hầu như ít có liên hệ với xã hội Mỹ,
bây giờ lại tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn trước nhiều. Sự thay đổi đó
tạo ra một sự biến chuyển quan trọng trong thái độ của dân chúng cũng như của
giới lãnh đạo đối với quân đội. Lòng e ngại đối với quân đội trong thế kỷ XIX
đã được thay thế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng sự thông hiểu và trân trọng
vai trò của lực lượng quân sự trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Các tiến bộ kỹ thuật cùng với sự tham
gia của Hoa Kỳ vào các vấn đề thế giới đòi hỏi cần phải có những định chế chính
quyền mới để kiểm soát, tổ chức và theo dõi các hoạt động cũng như các định chế
quân sự. Các đạo luật về An ninh quốc gia năm 1947 và 1949 đã thiết lập Bộ tham
mưu liên quân và Bộ Quốc phòng, đặt cơ sở cho việc kiểm soát quân sự tập trung
hơn. Chức vụ bộ trưởng quốc phòng, với tư cách là thành viên của nội các và báo
cáo trực tiếp cho tổng thống, đã nhanh chóng trở thành đầu mối liên lạc giữa giới
quân sự và bộ phận chỉ huy dân sự. Đạo luật Cải tổ quốc phòng năm 1958 tiếp tục
tăng cường quyền lực của bộ trưởng quốc phòng; ảnh hưởng mạnh của Robert
McNamara trong khi làm bộ trưởng quốc phòng vào những năm 1960 cũng củng cố
thêm quyền lực và thẩm quyền của văn phòng bộ trưởng quốc phòng. Những sự thay
đổi này giúp duy trì quyền lực của tổng thống đối với hoạt động quân sự trong
các hoàn cảnh mới. Suốt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trung tâm thẩm quyền
chiến lược được đặt dưới quyền tổng thống. Ngành hành pháp, qua Hội đồng An
ninh Quốc gia trong Nhà Trắng và Bộ trưởng Quốc phòng, đã nắm quyền chủ chốt về
các vấn đề như quân số, mua và triển khai vũ khí cũng như sử dụng vũ lực.
Sự thất bại của quân lực Hoa Kỳ trong
việc thực hiện các mục tiêu chiến tranh trực tiếp trong chiến tranh Việt Nam lại
càng làm giảm quyền lực và thẩm quyền của giới quân sự chuyên nghiệp so với quyền
lực của chính quyền dân sự. Một lần nữa, nhiều người Mỹ tỏ ra không tin tưởng
vào các giải pháp quân sự và những đường lối quân sự. Ngay cả giới quân đội
cũng bắt đầu thận trọng hơn trong vấn đề tham gia các hoạt động quân sự. Từ những
năm 1970, nhiều nhà lãnh đạo quân sự đã ít muốn dùng vũ lực vì họ cho rằng việc
sử dụng quân đội có giới hạn vào những chủ định chính trị mà không có mục đích
rõ rệt sẽ đưa đến thất bại.
Sự do dự này có hai lý do. Thứ nhất,
việc thất bại tại Việt Nam đã phát sinh ra “hội chứng sau Việt Nam”. Các tổng
thống, các nhà chỉ huy quân sự, Quốc hội cũng như dân chúng đều hoài nghi việc
dùng vũ lực để thực hiện các mục tiêu của nước Mỹ. Thứ hai, Quốc hội đã khẳng định
quyền lực của mình trong nỗ lực kiểm soát quyền sử dụng vũ lực của tổng thống
vì chính quyền này đã quyết định vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Năm 1973, mặc
dầu tổng thống Nixon phủ quyết, Quốc hội đã thông qua đạo luật về Quyền Tham
chiến. Đạo luật này nhằm giới hạn quyền của tổng thống gửi quân tham chiến ở nước
ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Mục đích của đạo luật này là để
“thực hiện ý muốn của các nhà soạn thảo Hiến pháp và để bảo đảm là phải có sự
suy xét tập thể gồm cả Quốc hội lẫn tổng thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ
tham gia vào các vụ xung đột tại nước ngoài”. Đạo luật muốn chấn chỉnh lại quyền
lực tham chiến của tổng thống bằng cách bắt buộc tổng thống phải tham khảo và
báo cáo cho (Quốc hội). Đạo luật cũng phác họa những biện pháp Quốc hội có thể
áp dụng để ngăn chặn quyền tổng thống được quyết định sử dụng vũ lực.
Tuy có mục đích như vậy nhưng đạo luật
về Quyền Tham chiến vẫn chỉ có tính chất tượng trưng vì Quốc hội ngần ngại chưa
muốn áp dụng và vì tổng thống cho là không hợp hiến. Trên thực tế, có lẽ đạo luật
này lại củng cố quyền tổng thống sử dụng vũ lực vì nó cho phép tổng thống sử dụng
vũ lực trước khi được Quốc hội chấp thuận.
Nói chung, suốt trong thế kỷ XX, sự
kiểm soát của dân sự đối với quân sự, dù qua tổng thống hay Quốc hội, đã được củng
cố hơn và định chế hóa hơn trong chế độ cai trị và trong xã hội Hoa Kỳ. Sức tàn
phá càng ngày càng gia tăng của các võ khí càng cho thấy sự cần thiết phải thúc
đẩy nhanh hơn xu hướng kiểm soát chặt chẽ hơn của dân sự đối với các lực lượng
và định chế quân sự.
Giới hạn của các lời cố vấn quân sự
Khi Hoa Kỳ bước sang thế kỷ mới, điều
trở ngại không phải là các nhà quân sự chuyên nghiệp sẽ không đếm xỉa đến hay
chống đối sự kiểm soát của dân sự. Trái lại, vấn đề là các nhà lãnh đạo dân sự
có thể không có đủ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để đáp ứng với các vấn đề
phức tạp và nguy hiểm của thế kỷ XXI. Sự thách thức là làm sao thành phần lãnh
đạo dân sự có thể làm việc với các nhà quân sự chuyên nghiệp để đảm bảo cho tổng
thống và các nhân viên của mình có thể tiếp cận được với các thông tin và kiến
thức chuyên môn kỹ thuật cần thiết để có thể quyết định thích đáng.
Bản chất và mức độ của ảnh hưởng của
giới quân sự trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ khi tăng khi giảm
trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của giới quân sự tùy thuộc vào một số yếu tố
như nhận định của dân chúng về các mối đe dọa và cơ cấu và vai trò của quân sự
mà được ấn định bởi pháp luật và truyền thống. Chính giới quân sự tại Mỹ cũng
không phải là một khối thuần nhất. Cho tới hiện nay, vai trò của các nhà lãnh đạo
quân sự trong nền dân chủ Hoa Kỳ có thể được mô tả đúng nhất là vai trò của các
chuyên gia cố vấn. Như tướng Matthew Ridgway, vị chỉ huy cao cấp nhất trong Thế
chiến thứ hai và trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã giải thích: “Cố vấn
quân sự phải cung cấp ý kiến chuyên môn của mình căn cứ vào các khía cạnh quân
sự của vấn đề được đưa tới cho mình, dựa trên sự đánh giá khách quan, thành thật
và quả cảm về quyền lợi của quốc gia, bất kể là chính sách của chính quyền lúc
đó như thế nào. Vị cố vấn đó phải giới hạn lời khuyên của mình vào các khía cạnh
quân sự chính yếu”.
Nói tóm lại, một sỹ quan chuyên nghiệp
phải là một chuyên gia đưa ra những nhận định về cách sử dụng quân đội sao cho
hữu hiệu nhất còn những vấn đề khác thì để cho dân sự phụ trách. Do đó, Hiến
pháp và truyền thống Hoa Kỳ đã giới hạn quân đội trong vai trò hành chính và là
công cụ thi hành trong diễn trình ấn định chính sách.
Khi Hoa Kỳ bước sang thế kỷ XXI, các
cấp chỉ huy quân sự không được tham khảo ý kiến về các vấn đề như tham chiến ở
đâu và vào lúc nào. Câu hỏi đặt ra cho họ rất hẹp: Làm cách nào để sử dụng quân
đội một cách hữu hiệu nhất vào một thời điểm nhất định để thực hiện một mục
đích chiến lược đã định sẵn? Năm 1983, Ronald Reagan không hỏi giới quân sự là
quân đội có nên vào Grenada để ổn định một tình trạng đe dọa hay không mà chỉ hỏi
là làm sao hoàn tất được sứ mạng đó. Tổng thống Bush hoặc Clinton cũng không hỏi
các cấp chỉ huy có nên đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait hay không, hay có nên bảo
vệ những người An-ba-ni ở Kosovo chống lại người Serbi hay không. Các tổng thống
chỉ hỏi làm sao thực hiện được những mục tiêu đó một cách nhanh chóng và ít
thương vong nhất. Như vậy, tập quán, truyền thống và pháp lý đã phối hợp để thiết
lập vững vàng chế độ dân sự kiểm soát quân sự trong hệ thống chính trị và xã hội
Mỹ.
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ có thể cung cấp
những bài học đáng giá cho các quốc gia đang phấn đấu vượt qua các thử thách để
xây dựng một nền dân chủ trứng nước. Có lẽ một trong những thử thách hiển nhiên
nhất là mối đe dọa cướp chính quyền xuất phát từ các chỉ huy quân đội. Có hai
nguyên tắc quan trọng để tăng cường sự kiểm soát của dân sự. Thứ nhất, một nền
dân chủ mới hình thành cần thiết lập những nền tảng hiến pháp vững chắc để làm
cơ sở cho việc dân sự kiểm soát quân sự. Tuy cũng có nhiều điều không rõ rệt
nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ đã chia quyền lực quân sự giữa hành pháp và lập pháp để
ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực. Hiến pháp cũng quy định rõ rệt là tổng thống,
người lãnh đạo dân sự do dân bầu ra, là tổng tư lệnh quân đội. Điểm cốt yếu ở
đây là quyền lực của tổng thống được quy định và được giới hạn một cách toàn diện;
mặt khác Quốc hội, các toà liên bang và cử tri có quyền lực rất lớn. Do đó, vai
trò chỉ huy quân đội của tổng thống không đưa tới việc chỉ huy các lĩnh vực
khác. Vai trò dân sự chủ yếu của tổng thống đã xuất phát từ lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ
có bốn tổng thống – Washington, Jackson, Grant và Eisenhower – là đã có sự nghiệp
quân sự đáng kể trước khi làm tổng thống. Vị nào cũng hiểu rõ cần phải phân biệt
và tách rời chức năng quân sự với chức năng chính trị. Tướng Dwight Eisenhower
lại còn tôn trọng nguyên tắc này kỹ đến nỗi khi đang chỉ huy quân đội Đồng minh
tại châu Âu ông đã không đi bỏ phiếu.
Nguyên tắc thứ hai đòi hỏi quân đội
chỉ giữ vai trò thực hiện chính sách chứ không phải vai trò ấn định chính sách.
Việc Eisenhower từ chối không đi bầu cử trong khi ở trong quân đội biểu lộ điều
ông tin là các quyết định quân sự không thể bị che khuất bởi các quyết định
chính trị. Tướng không nên tham gia vào việc quyết định chính sách mà chỉ nên
cho các lời cố vấn liên hệ tới việc dùng quân đội để đạt được các mục tiêu
chính sách và tới khả năng thành công của việc dùng quân sự. Phải để cho các
nhà lãnh đạo chính trị quyết định có nên sử dụng vũ lực hay không.
Nguyên tắc thứ hai này còn khó thực
hiện hơn nguyên tắc bảo vệ bằng hiến pháp. Tuy việc hiến pháp xác định rõ sự
phân chia quyền hành giữa các nhà lãnh đạo quân sự và lãnh đạo chính trị đã là
một bước khởi đầu rất tốt nhưng điều thử thách là làm sao thuyết phục giới quân
đội rằng vai trò của họ là một vai trò phụ trợ. Trở ngại chính cho việc dân sự
kiểm soát dân sự thường là tư duy của xã hội vẫn tán dương quân đội. Thay đổi
tư duy này là một công việc khó nhưng cần thiết để giữ quân sự dưới quyền kiểm
soát của dân sự. Điều này đòi hỏi thời gian và nâng cao dân trí. Những lãnh tụ
cũ không tin tưởng vào giới lãnh đạo dân sự cần phải được thay thế bằng các
lãnh tụ mới sẵn sàng hợp tác và phục vụ thể chế lãnh đạo dân sự. Lẽ dĩ nhiên nếu
lãnh đạo dân sự do dân chúng bầu lên thì tư thế chính danh của họ đối với nhân
dân cũng giúp họ kiểm soát được giới quân sự. Nhiệm vụ này quả thực là khó
nhưng không khó hơn nhiệm vụ xây dựng một chính quyền dân chủ lành mạnh. Cũng cần
phải nói rõ là một quân đội tự coi mình chỉ là một thành phần của một xã hội
dân chủ thì nhờ đó mà trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi bởi vì các hành động
của quân đội lúc đó là phản ánh nguyện vọng tối cao của nhân dân mà quân đội phục
vụ.
Ghi chú
[1] Garry
Wills, một sử gia cận đại về lịch sử Mỹ, nhấn mạnh, theo Hiến pháp, tổng thống
Mỹ chỉ là Tổng tư lệnh quân đội và vệ binh quốc gia (thuộc tiểu bang) chỉ khi
các lực lượng này được triệu tập để thực sự phục vụ quốc gia chứ không phải là
tổng tư lệnh của dân chúng…
* Michael F. Cairo đậu Tiến sĩ tại trường Đại học Virginia (University
of Virginia) năm 1999. Ông từng giảng dạy tại các trường Virginia Commonwealth
University, Southern Illinois University và hiện nay đang dạy tại trường
University of Wisconsin-Stevens Point. Ông chú trọng nghiên cứu về chính sách
và tiến trình ấn định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng
Liên, Nông Duy Trường
Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao
Nguồn: https://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/07/dan-su-kiem-soat-quan-su-michael-f-cairo/