Phạm Quang Minh
I. Đặt vấn đề
Cải cách là một nhu cầu không thể thiếu
được trong lịch sử của một dân tộc, nhằm đưa đất nước phát triển, thoát khỏi
tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, lệ thuộc, thậm chí vong quốc, nô lệ.
Cách đây hơn hai thế kỷ, trước nguy
cơ bành trướng và xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân châu Âu nhằm tìm kiếm
nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ, các nước châu Á đã có những phản ứng
hết sức khác nhau. Trong khi phần lớn các nước, trong đó có Việt Nam, dưới sự
lãnh đạo của giai cấp thống trị và các lực lượng yêu nước đã tiến hành cuộc đấu
tranh vũ trang nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc và đều đã bị thất bại, trở thành
các thuộc địa hoặc phụ thuộc, thì một số nước, mà đại diện là Nhật Bản và Thái
Lan đã thực hiện thành công công cuộc cải cách, giúp đất nước họ, không những
phát triển, mà còn bảo vệ được chủ quyền và độc lập. Một câu hỏi được đặt ra là
tại sao trong những điều kiện, bối cảnh, không gian, thời gian và thách thức
tương tự, vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công tư tưởng cải cách, trong khi
những tư tưởng canh tân ở Việt Nam lại không được hiện thực hoá?
Mục đích chính của bài viết này là so
sánh trào lưu cải cách ở Xiêm và Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX nhằm
tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của công cuộc cải cách ở Xiêm và
những lý do khiến cho những đề nghị cải cách ở Việt Nam không được thực hiện.
Vì thế, nghiên cứu sẽ không đi sâu vào việc tìm hiểu và trình bày về nội dung,
tiến trình cũng như những kết quả của những xu hướng cải cách đó ở cả Xiêm và
Việt Nam.
II. Cơ sở hình thành trào lưu cải cách Xiêm và Việt
Nam
a. Sự hình thành triều đại
Chakri ở Xiêm và triều Nguyễn ở Việt Nam
Lịch sử hình thành nhà nước trung
ương ở Xiêm cuối thế kỷ XVIII (triều đại Chakri 1782) và ở Việt Nam đầu thế kỷ
XIX (triều Nguyễn 1802) là một quá trình lịch sử lâu dài nhằm chống lại các thế
lực xâm lược từ bên ngoài và các thế lực chia rẽ bên trong.
Vương quốc Thái chủ yếu đầu tiên –
Sukhothai được thành lập vào khoảng năm 1219. Nhưng nền tảng chính trị và văn
hoá của Sukhothai được các vị vua nổi tiếng từ Ram Khamhaeng (1275-1318) đến
Loe Thai, thiết lập vào khoảng từ cuối thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XIV. Đó là
quá trình nhằm xác lập vị thế của người Thái, nhằm chống lại các đế chế Ấn hoá ở
Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là các đế chế Angkor của người Khmer. Sau khi Ram
Khamhaeng qua đời, vương quốc Sukhothai suy yếu, nhường chỗ cho sự ra đời của
vương quốc Ayudhya vào năm 1350 [1] . Sau khi vương triều
Ayudhya bị quân Miến Điện [nay là Myamar] xâm chiếm và tàn phá vào năm 1767,
Taksin, một người có nguồn gốc Trung Hoa [2] , bằng tài
năng quân sự và uy tín của mình, đã lãnh đạo phong trào đánh đuổi quân Miến,
giành lại chính quyền và lên ngôi vua vào tháng 12/1767 [3] .
Tuy nhiên, triều đại của Taksin tồn tại không lâu. Cuộc khởi nghĩa tháng 3/1782
đã đưa Chao Phya Chakri lên ngôi vua, lấy tên hiệu là Ramathipbodi (Rama), mở đầu
một triều đại mới của vua Rama I vào tháng 4/1782. Các ông vua nối tiếp theo từ
Rama I đến Rama V (Chulalongkorn) đã tiến hành các cuộc cải cách canh tân đất
nước, giúp Thái Lan thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Nhìn chung trong thời gian trị vì của
Rama I đến Rama V, tình hình chính trị ở Xiêm tương đối ổn định chủ yếu vì mối
quan hệ tốt đẹp giữa nhà vua và tầng lớp quý tộc. Tầng lớp quý tộc Xiêm là những
yếu tố mang tính tiếp diễn trong lịch sử Xiêm. Các gia đình quý tộc này thường
có đại diện bảy đời trong các vị trí của các bộ. Họ bảo vệ nhà vua trên ngai
vàng và nhà vua kiểm soát quyền lực bằng cách cân bằng thế lực giữa các gia
đình. Trong quá trình phát triển của mình, các vương triều Thái thường tiếp thu
có chọn lọc và áp dụng một cách từ từ, uyển chuyển những yếu tố bên ngoài nhằm
phục vụ cho hệ thống chính trị của mình.
Khác với Xiêm, lịch sử hình thành triều
Nguyễn trải qua một quá trình lịch sử cam go và phức tạp hơn rất nhiều. Sự khác
biệt cơ bản đó là Việt Nam từ khi giành được độc lập vào năm 939 sau một nghìn
năm Bắc thuộc phải đương đầu với các cuộc xâm lược liên tiếp của các triều đại
Trung Quốc. Đó là âm mưu thôn tính Việt Nam của nhà Tống (1075-1076), nhà
Nguyên-Mông (ba lần vào các năm 1258, 1284-1285 và 1287-1288), nhà Minh
(1407-1427) và nhà Thanh (1789). Các triều đại Trung Quốc, mặc dù là mối đe dọa,
nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc trong các vấn đề chính trị, văn hoá, xã hội Việt
Nam. Sau khi giành độc lập, các triều đại Việt Nam đã xây dựng hệ thống cai trị
kiểu Trung Quốc. Năm 1075, nhà Lý lập Quốc tử giám, mở đầu chế độ khoa cử kéo
dài cho đến tận năm 1914-1917. Nền tảng tư tưởng cho thể chế chính trị lúc đầu
là Phật giáo (thời Lý-Trần 1010-1400), đã được thay thế bởi Nho giáo từ thời
nhà Lê (1427).
Ngoài những áp lực có tính chất ngoại
sinh, các nhà nước phong kiến của Việt Nam, mà đỉnh cao là triều Nguyễn, đều phải
trải qua những cuộc đấu tranh nội bộ phức tạp nhằm giành lấy và củng cố quyền lực
trước những thế lực đối lập trong nước. Những cuộc chuyển giao quyền lực giữa
các triều đại thường kèm theo các cuộc giao tranh, trả thù, tàn sát đẫm máu.
Khác với các triều đại phong kiến trước đó như Đinh, Lý, Trần, Lê, triều Nguyễn
không có được tính chính thống cho quyền lực và sự thống trị của mình. Khắp
nơi, nhất là ở phía bắc, nhà Nguyễn gặp phải sự phản kháng của nhân dân nhằm ủng
hộ và khôi phục nhà Lê. Chính sách hà khắc của nhà Nguyễn thông qua bộ máy quan
lại sẵn sàng đàn áp bất cứ sự chống đối nào, dù là nhỏ nhất, đã dẫn tới sự bất ổn
về mặt chính trị của đất nước. Tính ra, trong giai đoạn này có tới 234 cuộc khởi
nghĩa của các tầng lớp. Đáng kể nhất là cuộc bạo loạn của Tạ Văn Phụng (Lê Duy
Minh) vào năm 1861, mạo danh nhà Lê đòi lại ngôi vua, gây ra tình trạng rối ren
cho đất nước.
b. Cơ cấu kinh tế
Vương triều Chakri được thiết lập vào
năm 1782, có vị trí địa lý rất thuận lợi, thông ra biển bằng một nhánh của sông
Chao Phraya. Kinh đô Bangkok của vương triều là một thành phố quốc tế có hoạt động
thương mại tấp nập và cởi mở. Các thương gia Trung Quốc, Trung Đông và nhiều
vùng khác đã đến đây buôn bán. Các nhà vua Chakri vì thế thường suy nghĩ với tầm
nhìn quốc tế. [4] Với việc mở cửa nền kinh tế vào năm
1855, Bangkok đã trở thành trung tâm buôn bán của khu vực:
“Thật khó có thể tìm được bến cảng
nào rộng lớn, được bảo vệ chắc chắn, có khả năng cho phép hàng nghìn tàu cập bến.” [5]
Sự phát triển của các yếu tố bên ngoài
như thị trường đường thế giới và dòng người Hoa nhập cư ngày một tăng đã làm
cho lao động làm thuê, dịch vụ bán buôn và bán lẻ phát triển một cách tự nhiên
và dễ dàng [6] . Trong thời gian từ 1882 đến 1910 đã có gần
một triệu người Trung Quốc đến Xiêm sinh sống và làm ăn, chiếm khoảng 10% tổng
dân số Thái Lan. Trong suốt quá trình phát triển của mình, chính quyền trung
ương Xiêm trước sau như một thực hiện chính sách bảo hộ cho các hoạt động kinh
doanh của Hoa Kiều. Để đổi lại Hoa kiều phải chia lợi tức từ việc kinh doanh
buôn bán cho tầng lớp quan lại Xiêm. Đó là mối quan hệ “có đi có lại”, cộng
sinh, không thể thiếu được giữa Hoa kiều và giai cấp thống trị Xiêm. Những cải
cách kinh tế đã tạo đà cho quá trình cải cách chính trị. Năm 1874, khi bắt đầu
xoá bỏ chế độ nô lệ, Thái Lan đã áp dụng biện pháp miễn trừ thuế nông nghiệp và
giảm tỷ lệ thuế nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc khai khẩn đất mới và ban
hành những quy định quản lý ruộng đất hiện đại vào đầu thế kỷ XX. Người nông
dân không được khuyến khích có nhiều đất đai. Ngay cả người trong hoàng tộc
cũng chỉ được tối đa 10 vạn rai [1 rai = 1.600m2].
Hoàn toàn ngược lại với bức tranh
kinh tế của Xiêm, nhà Nguyễn từ khi lên cầm quyền ở Việt Nam đã triệt để thi
hành chính sách “trọng nông, ức thương”. Các biện pháp khuyến nông
như khai hoang, làm thuỷ lợi đã giúp nền nông nghiệp phục hồi và phát triển nhiều
hơn trước. Tổng diện tích đất nông nghiệp đã tăng từ 3 triệu mẫu vào năm 1820
lên 4,2 triệu mẫu năm 1847 [7] . Nhưng nền kinh tế Việt
Nam dưới triều Nguyễn chủ yếu vẫn là nền kinh tế tự cung, tự cấp, lạc hậu, kém
phát triển một cách trầm trọng. Cả trong nội thương lẫn ngoại thương, nhà Nguyễn
thực hiện chủ trương độc quyền một cách chặt chẽ. Việc buôn bán, vận chuyển gạo,
muối – hai mặt hàng được coi là cực kỳ quan trọng – do nhà nước độc quyền quản
lý. Ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị [8] . Chính sách này trên
thực tế đã kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Về ngoại thương, nhà Nguyễn
cũng áp đặt chế độ độc quyền, hạn chế buôn bán với nước ngoài, nếu có thì cũng
gặp nhiều thủ tục phiền hà, chịu thuế cao và tệ tham nhũng của giới quan lại [9] .
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp không đóng vai trò đáng kể nào trong nền kinh tế,
hầu như không có sự phát triển so với giai đoạn trước.
c. Cơ cấu xã hội
Thái Lan là một xã hội có tính chất mở,
không chặt chẽ. Khác với các nước Đông Nam Á khác, gia đình của người Thái
không đóng vai trò gắn kết các thành viên để tạo thành những tổ chức rộng lớn
hơn, mà hoạt động khá độc lập. Do điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, dễ dàng di
chuyển và kiếm sống, nên các gia đình của người Thái không bắt buộc phải tập hợp
mưu sinh theo huyết thống hoặc địa lý. Dưới triều đại Chakri, nhà vua là chủ sở
hữu, mọi người đều được quyền canh tác, không hình thành quan hệ sở hữu ruộng đất
kiểu phong kiến. Mặc dù có các thành phần khác nhau, nhưng sở hữu đất đai không
có tính chất tuyệt đối, nên không có quan hệ lệ thuộc về nhân cách giữa địa chủ
và tá điền như thường thấy dưới chế độ phong kiến.
Ngược lại hoàn toàn với xã hội Xiêm
thế kỷ XIX, Gia Long sau khi lên ngôi năm 1802, đã lấy Nho giáo làm nền tảng tư
tưởng và mô hình nhà nước Trung hoa làm khuôn mẫu xây dựng xã hội [10] .
Các quan niệm Nho giáo trên thực tế đã không tạo ra được sự ổn định và phát triển,
mà ngược lại chỉ kìm hãm, làm cho đất nước bất ổn và không có khả năng tập hợp
lực lượng, mỗi khi có sự khủng hoảng hoặc đe dọa của nước ngoài [11] .
Trong xã hội Nho giáo đó cơ cấu xã hội được hình thành theo thứ bậc nghiêm ngặt,
lần lượt từ cao xuống thấp là sĩ, nông, công, thương [12] .
Tuy nhiên, khác với Xiêm, đại bộ phận tầng lớp này do chỉ theo học đạo Nho, bị
ràng buộc bởi hệ tư tưởng Nho giáo và quan hệ vua tôi, nên lợi ích của họ gắn
liền với lợi ích của triều đình và rất bảo thủ. Tầng lớp này, mặc dù có học thức,
quyền lực và địa vị kinh tế, nhưng không đóng vai trò động lực thúc đẩy xã hội
tiến bộ, phát triển.
Khác biệt hoàn toàn với tầng lớp nông
dân tiểu nông ở Xiêm có sự tự do tương đối về địa vị kinh tế và xã hội, những
người nông dân Việt Nam vừa bị trói buộc bởi giáo lý Nho giáo hà khắc, vừa bị
kiểm soát bởi những phong tục tập quán của những cộng đồng nơi họ cư trú được
ghi chép trong các bộ luật của làng (hương ước). Bộ máy hành chính quan liêu
chuyên quyền cộng với thiết chế làng xã là nguyên nhân cơ bản làm cho xã hội Việt
Nam trở nên lạc hậu và trì trệ.
Nói tóm lại, xét từ góc độ xã hội, Việt
Nam thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn thể hiện sự bảo thủ và thụ động. Từ tầng lớp
quan lại thống trị, đến tầng lớp bị trị, đều bị trói buộc bởi những tư tưởng lỗi
thời. Với một nền tảng kinh tế và một hệ tư tưởng như thế, xã hội Việt Nam
không thể tạo ra được một lực lượng xã hội đủ mạnh về chính trị và trình độ, có
khả năng tập hợp lực lượng, tạo ra sự thay đổi có tính quyết định và cơ bản.
d. Cơ sở văn hoá giáo dục
Đặc điểm nổi bật của nền giáo dục
Thái thời kỳ sơ khai là mối quan hệ hữu cơ với văn hoá Thái và với tiến trình lịch
sử của vương quốc Xiêm. Do đó, có thể nói rằng cấu trúc và nội dung của nền
giáo dục Thái Lan đã phát huy được những yếu tố truyền thống nội tại, trong khi
vẫn tiếp thu những thành quả của khoa học và nghệ thuật bên ngoài.
Từ thời Ram Khamkaeng, đạo Phật đã trở
thành động lực chủ yếu cho sự phát triển của xã hội: “Các chùa Phật giáo trở
thành các trung tâm học thuật và văn hoá và nghệ thuật làm chủ các vấn đề –
bhikkhus [Tì kheo] – được giảng dạy cho tất cả mọi người từ thành phố đến nông
thôn” [13] .
Sự trị vì của Rama III (1824-1851) là
sự tiếp diễn của quá trình xây dựng đã được bắt đầu bởi Rama I. Nhưng cũng là
thời điểm người phương Tây có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn ở Thái Lan. Đây là giai đoạn
đánh dấu sự nở rộ của văn hoá truyền thống Thái đồng thời biến đổi những yếu tố
truyền thống bằng việc tiếp thu các yếu tố phương Tây. Nhà vua Mongkut [Rama
IV] đã có những cuộc trao đổi nghiêm túc về các giá trị của các tôn giáo khác với
các nhà truyền giáo Tin lành và Cơ đốc giáo. Vua Mongkut nói thông thạo tiếng
Anh, không xa lạ với khoa học phương Tây đặc biệt là thiên văn và vật lý. Được
các nhà truyền giáo giảng dạy tiếng Anh và tri thức khoa học mới, vua Mongkut
đã có một tư thế tự tin, cái nhìn phê phán đối với văn hoá bản địa. Theo ông, đạo
Phật không chỉ là truyền thống của một dân tộc mà còn là một tôn giáo có tính
phổ cập, có thể cạnh tranh với Cơ đốc giáo.
Với tư tưởng Nho giáo làm nền tảng, hệ
thống giáo dục và thi cử dưới triều Nguyễn được xây dựng với mục đích đào tạo đội
ngũ quan lại phục vụ cho triều đình. Mẫu người mà nền giáo dục khoa cử Nho giáo
đề cao không phải là một chuyên gia mà là một quan lại, có khả năng đáp ứng yêu
cầu tuyển dụng của nhà nước, gắn quyền lợi của mình với vương triều và tuyệt đối
trung thành với nhà vua. Vì thế, trong hệ thống giáo dục này, nghề chuyên môn
không được khuyến khích đề cao. Nội dung giảng dạy chủ yếu là Tứ Thư và Ngũ
Kinh, những tác phẩm kinh điển của Nho giáo Trung Quốc. Các kiến thức dạy và học
vì thế thường mang tính phi thực tế, sáo mòn, rập khuôn. Sự bất cập của nền
giáo dục Việt Nam bộc lộ trong nội dung giảng dạy (chỉ nhấn mạnh đạo lý thánh
hiền, không quan tâm tìm hiểu thế giới khách quan, xa rời thực tê), trong mục
tiêu giáo dục (đào tạo người phục vụ cho lợi ích thống trị của nhà Nguyễn),
trong tài liệu phục vụ cho dạy và học (ít về chủng loại và số lượng), trong những
quy chế ngặt nghèo phi lý của việc học và thi (quy định chữ viết, kiêng huý) [14] .
Trong các đề nghị của mình, các nhà
canh tân Việt Nam từ Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ đến Đặng Huy Trứ đều chỉ ra
sự bất cập, lỗi thời của nền giáo dục Việt Nam dưới thời Nguyễn và đề ra những
biện pháp nhằm chấn chỉnh những yếu kém này. Khi bàn về tầm quan trọng của giáo
dục, Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh “việc chỉnh đốn học thuật là cái gốc lớn của quốc
gia” [15] , Đặng Huy Trứ thì nhấn mạnh tầm quan trọng của
các ngành khoa học tự nhiên mà nền giáo dục Việt Nam không bao giờ đề cập đến:
“Thiên văn, toán học ta đều chưa biết hết nên sao hiểu được cơ trời để sớm lo
toan được cho dân… Trải qua việc mới biết tài học ta nông cạn. Văn chương có
bao giờ chống nổi với gió bão” [16] . Mạnh mẽ và quyết liệt
hơn, Nguyễn Trường Tộ đã phê phán lối học một đằng làm một nẻo “…lúc nhỏ thì học
văn, từ, thơ, phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình”, hoặc lối học
không thực tế: “… học và dùng những gì mà mắt không trông thấy,
chân không đặt đến” [17] .
Nói tóm lại, từ góc độ giáo dục có thể
thấy sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam [và Xiêm]: một bên là nền giáo dục Nho
giáo khuôn sáo, máy móc, bảo thủ và một bên là nền giáo dục Phật giáo kết hợp với
Ấn Độ giáo cởi mở, dân chủ, thiết thực. Điều khác biệt thứ hai là yếu tố kết hợp
cải cách giáo dục phải gắn liền với mở cửa, giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên
ngoài, với chuyên gia nước ngoài và cử người đi học ở nước ngoài. Nếu như Ở
Xiêm, quá trình này được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với quy mô
và tốc độ ngày càng cao thì ở Việt Nam, điều này diễn ra ở mức độ rất hạn chế,
hầu như không đáng kể.
III. Một số nhận xét về trào lưu
cải cách ở Xiêm và Việt Nam
a. Về tiến trình và lực lượng
cải cách
Để thực hiện cải cách thành công, các
ông vua của triều đại Chakri đã chủ động thực hiện một chương trình cải cách từ
từ, phù hợp với tình hình nội tại của đất nước và khu vực. Với tư cách là kết
quả của một quá trình đổi mới kinh tế và chính trị kéo dài tới năm 1868, đời sống
chính trị của Xiêm đã được cải thiện rõ rệt. Việc làm đầu tiên mở màn cho công
cuộc cải cách của Chulalongkorn là vào năm 1873, khi ông tuyên bố bãi bỏ tục quỳ
lạy vua, một biểu tượng thần phục truyền thống lâu đời. Điều này có ý nghĩa hai
mặt: thần phục không có nghĩa là hạ mình và trong thực tế điều này còn chứng tỏ
Xiêm đã cởi mở hơn trong tiếp thu các hình thức ngoại giao hiện đại của phương
Tây.
Việc làm thứ hai của vua
Chulalongkorn là thủ tiêu chế độ nô lệ. Đây là quyết định quan trọng và có tác
động mạnh mẽ đến toàn xã hội và vì vậy gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ nhất. Về
vấn đề này, vua Chulalongkorn có quan điểm đề ra lộ trình thích hợp cho việc
xoá bỏ chế độ dã man này, nhưng không thể thay đổi tất cả trong một đêm, bởi vì
điều đó sẽ đem lại tình trạng nguy hiểm cho nô lệ[18] .
Một trong những thay đổi quan trọng
nhất diễn ra cùng với sự cải cách là việc mở rộng sự kiểm soát của chính quyền
trung ương đối với các tỉnh và các vùng xa trung tâm. Dựa theo mẫu hình Anh ở Ấn
Độ và Miến Điện, Xiêm đã nhóm các tỉnh thành các monthon(giới/hạt)
dưới sự kiểm soát của các uỷ viên hội đồng. Phần lớn những người này là anh em
của nhà vua. Các chức vụ này đã được đặt ở Luang Phrabang, Chieng Mai, Phuket
và Battambang vào những năm 1879. Sau đó, chức vụ này được mở rộng thêm ở Nong
Khai, Champassak, Nakhon Ratchasima (Khorat) và Ubon và những năm 1880.
Nói tóm lại, cải cách ở Xiêm thế kỷ
XIX là một quá trình được các ông vua từ Rama I đến Rama V thực hiện một cách
chủ động, dần dần từng bước, có tính toán và có sự chuẩn bị cẩn thận. Trong quá
trình đó, nhà nước đóng một vai trò quan trọng.
Nếu so sánh với công cuộc cải cách ở
Xiêm, chúng ta thấy sự khác biệt căn bản giữa hai nước nằm ở chính bản thân những
người đứng đầu đất nước mà cụ thể là các nhà vua của triều Chakri ở Xiêm và triều
Nguyễn ở Việt Nam. Nếu các ông vua từ Rama I đến Rama V của Xiêm thực sự là những
người khởi xướng công cuộc cải cách, có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực
và quốc tế, luôn chủ động và có kế hoạch rõ ràng cho những chủ trương cải cách,
thì các ông vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng lại thể hiện sự bảo thủ,
trì trệ, lúng túng, bị động, thiếu nhận thức đầy đủ về thời thế và không quyết
tâm thực hiện cải cách đến cùng.
Xét từ yếu tố con người trong so sánh
với Xiêm, có thể thấy tư tưởng cải cách ở Việt Nam chỉ do một số rất ít, một
nhóm các quan lại, chí sĩ, do có tiếp xúc với thế giới bên ngoài, do có nhận thức
cao hơn những người cùng thời khởi thảo, đề xướng. Những đề nghị đó trên thực tế
mới chỉ là những biểu hiện của một xu hướng mới, nên không được những người đứng
đầu triều Nguyễn cũng như đông đảo quần chúng chấp nhận và ủng hộ, không tạo
thành một phong trào có tính rộng khắp.
Những đại diện tiêu biểu cho xu hướng
cải cách ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX bao gồm Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy
Trứ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch [19] . Điểm
chung nhất trong các nhà cải cách Việt Nam giai đoạn này là họ đều là những người
xuất thân trong các gia đình khoa bảng, thừa hưởng nền giáo dục Nho học và thuộc
tầng lớp trên của xã hội. Nhờ có trình độ học vấn và đỗ đạt trong các kỳ thi,
phần lớn họ vì thế đều nắm giữ một vị trí nhất định trong bộ máy quan lại của
triều đình nhà Nguyễn. Ví dụ như Phạm Phú Thứ đỗ tiến sĩ năm 1843 và đã từng giữ
chức Thượng thư Bộ Hộ. Bùi Viện từng được cử đi sứ hai lần sang Mỹ với mục đích
cầu viện cứu nước nhưng không thành công. Cho dù có vị trí như thế nào trong bộ
máy đó, tất cả họ đều thể hiện là những ông quan không ham danh vọng, có tâm
huyết với vận mệnh của dân tộc, mong muốn đất nước cường thịnh bằng con đường
canh tân đổi mới.
Điểm chung thứ hai của những nhà canh
tân Việt Nam giai đoạn này là họ đều là những người trực tiếp hay gián tiếp, ít
hay nhiều, có tiếp xúc với văn minh phương Tây, với thế giới bên ngoài. Mặc dù
còn rất nhiều hạn chế, nhưng họ là những người thông qua giao lưu với thế giới
bên ngoài, mới có những hiểu biết và có thể so sánh tình hình Việt Nam với khu
vực và thế giới, phù hợp với thực tế khách quan.
Phần lớn các nhà cải cách đều bày tỏ
sự lo ngại về tình hình đất nước, về thái độ bàng quan, thờ ơ, chậm trễ của triều
đình. Theo họ, lẽ ra phải tiến hành ngay các biện pháp canh tân, chấn hưng đất
nước, phải đề ra những chủ trương đối nội và đối ngoại phù hợp, chứ không thể
chần chừ, chờ đợi lâu hơn nữa [20] . xuất phát từ nhận thức
về thời thế, các nhà cải cách Việt Nam thế kỷ XIX đều nhằm vào các mục đích trước
mắt và lâu dài cho một chương trình cải cách toàn diện. Mục đích cấp thiết trước
mắt theo các nhà cải cách là tạo ra thế cân bằng cho đất nước đủ sức chống lại
sự xâm lược của thực dân Pháp, cứu dân tộc khỏi ách nô dịch. Không chỉ hạn chế
bởi những mục đích ngắn hạn, trước mắt nhằm chống lại sự xâm lược của Pháp, các
nhà cải cách còn nhìn nhận và đề ra mục đích lâu dài mà các kế hoạch này phải đạt
được. Đó là đưa đất nước phát triển toàn diện về mọi mặt từ kinh tế, chính trị,
quân sự, văn hoá và giáo dục, nhằm tiến kịp, thậm chí vượt các quốc gia trong
khu vực và thế giới, bởi vì theo Đặng Huy Trứ “trong thiên hạ, không có cái nhục
nào bằng cái nhục không được như người” [21] .
Trước mắt, các nhà cải cách đều thống
nhất kế hoạch thực hiện một loạt các biện pháp tức thời mà trọng tâm là cải
cách quân đội như học tập binh thư kết hợp với sử dụng, chế tạo vũ khí, tăng cường
kỷ luật quân ngũ, có chế độ ưu đãi thích đáng cho quân đội, xây dựng lực lượng
dân binh hùng hậu… Về lâu dài, theo các nhà canh tân, triều đình phải thực hiện
công cuộc cải cách sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị,
kinh tế, ngoại giao, xã hội, văn hoá và giáo dục nhằm đưa đất nước phát triển
hơn các nước đương thời. Mô hình mà Việt Nam phải hướng tới và xây dựng cho được
theo Nguyễn Trường Tộ chính là nước Mỹ [22] .
Nói tóm lại, ở Việt Nam vào nửa cuối
thế kỷ XIX mới chỉ xuất hiện một xu hướng cải cách trong một số rất ít người
thuộc tầng lớp nho sĩ và quan lại, chứ chưa tạo ra thành một phong trào hay làn
sóng cải cách sâu rộng trong xã hội. Khác với ở Xiêm, trào lưu cải cách ở Việt
Nam không được triều Nguyễn ủng hộ, thậm chí có sự mâu thuẫn trong tư tưởng của
nhà cải cách. Ngoài ra, một đặc điểm căn bản khác của tư tưởng cải cách ở Việt
Nam là các đề nghị cải cách thiên về ảnh hưởng bên ngoài, thiếu cơ sở vật chất
để tiếp nhận từ bên trong, không đề cập tới quyền lợi của nông dân và còn mang
nặng tư tưởng phong kiến [23] .
b. Về phản ứng với thế lực
bên ngoài
Khi nghiên cứu về quan hệ quốc tế của
Thái Lan, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đi đến kết luận: Ngoại giao Thái Lan lặp
đi lặp lại một mô thức: quan hệ quốc tế xung quanh Thái Lan căng thẳng – Thái
Lan giữ thái độ trung lập để chọn bên đứng về phía chiếm ưu thế để kiếm lợi lớn
nhất với sự hy sinh nhỏ nhất [24] . Mô hình ngoại giao này
được các nhà nghiên cứu quốc tế gọi là ngoại giao lựa chọn. Đối với Thái Lan, sự
lựa chọn xảy ra khi quan hệ quốc tế căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích
và đồng thời tồn tại nhiều lực lượng thù địch với nước này. Trong trường hợp
đó, Thái Lan thường bắt tay với cả hai phía đối địch, rồi xem xét tương quan lực
lượng của hai bên, chọn phía có lợi cho nước mình để hợp tác. Cũng có khi Thái
Lan bắt tay với một phía trong các bên thù địch nhau, rồi lại nhích lại gần với
bên kia để kiềm chế bên mà mình đang bắt tay để kiếm lợi cho nước mình. Mục
đích của sự lựa chọn này là kiếm lợi lớn nhất với sự hy sinh nhỏ nhất. Ngoại giao
Thái Lan vì thế là ngoại giao thực dụng và mềm dẻo.
Tình hình nửa cuối thế kỷ XIX đã đặt
vương quốc Xiêm trước những thách thức mới. Trước sự bành trướng của chủ nghĩa
thực dân phương Tây, khu vực Đông Nam Á trở thành nơi diễn ra cuộc chiến tranh
giành thuộc địa của hai nước Anh và Pháp. Vào khoảng năm 1800, Anh đã hoàn toàn
chiếm được khu vực xung quanh Penang trên bán đảo Mã Lai. Đến năm 1886, Anh chiếm
được toàn bộ Miến Điện. Như vậy, Anh đã tiến sát đến vùng biên giới phía nam và
phía tây Thái Lan. Mặt khác, năm 1859, Pháp chiếm được Nam Việt Nam, biến vùng
này thành thuộc địa. Đến năm 1863, Pháp đã chiếm được Campuchia, biến nước này
thành đất bảo hộ. Công cuộc chinh phạt của Pháp ở Đông Dương đã hoàn thành vào
năm 1885. Như vậy, chủ quyền của Thái Lan ở biên giới phía đông bị đe dọa
nghiêm trọng.
Từ năm 1851, khi sự đe dọa của hai cường
quốc đó bắt đầu tăng lên, thì Mongkut (1851-1868) lên ngôi vua. Mongkut tin rằng
nếu không hợp tác với các nước Tây Âu thì Thái Lan sẽ bị chinh phục. Niềm tin của
Mongkut được khẳng định bởi việc Trung Quốc bị thất bại trong cuộc chiến tranh
thuốc phiện năm 1842. Ông cho rằng một nước mà Thái Lan đã kính phục trong nhiều
thế kỷ về sức mạnh và uy tín như Trung Quốc đã không đương đầu nổi trước sức ép
của Tây Âu thì Thái Lan cũng không thể duy trì được nền độc lập của mình. Vì thế,
năm 1855, vua Mongkut đã quyết định ký hiệp ước thông thương hữu nghị Thái-Anh
với thống đốc Hongkong lúc đó là Huân tước [Sir John] Bowring. Hiệp ước này đã
đi vào lịch sử quan hệ ngoại thương của Xiêm với tên gọi là Hiệp ước Bowring.
Theo quy định của những điều khoản ký kết, Xiêm chấp nhận quyền lãnh sự tài
phán, thủ tiêu sự độc quyền của cả hoàng gia và tư nhân về hàng hoá, thương mại
và quá cảnh và thiết lập một mức thuế “dũng cảm” là 3% đối với hàng nhập khẩu
và 5% với hàng xuất khẩu[25] . Ngay cả thuế đất đối với các chủ
người Anh cũng được định với giá thấp, ngăn không cho chính quyền nâng giá đất
đối với chính người dân Thái. Sự cấm đoán xuất khẩu gạo trước đây cũng bị xoá bỏ.
Chính phủ chỉ giữ lại những quy định cũ đối với những tô giới liên quan đến xuất
nhập khẩu ma tuý là độc quyền của nhà nước.
Hiệp ước này đã mở đường cho Thái Lan
ký các hiệp ước thông thương khác với một loạt cường quốc sau đó, cho nên nó được
coi là mốc khởi đầu cho quá trình mở cửa của Thái Lan. Tuy nhiên, đây là hiệp ước
bất bình đẳng thừa nhận đặc quyền kinh tế và quyền lãnh sự tài phán của người
Anh, cho nên nguy cơ Thái Lan trở thành thuộc địa của Anh luôn rình rập nước
này.
Sau khi ký hiệp ước với Anh, Thái Lan
lại quay sang thân thiện với Pháp, là lực lượng thù địch của Anh để kiềm chế sức
ép về chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Anh. Do buộc được hai thế lực này
phải đối phó với nhau, Thái Lan không trở thành thuộc địa và có thể duy trì được
độc lập. Như vậy là đồng thời với việc mở cửa, ngoại giao lựa chọn của Thái Lan
đã thu được kết quả lớn. Sự độc lập của Xiêm trong giai đoạn này chủ yếu nhờ
vào sự thù địch, cạnh tranh của Anh và Pháp. Bên nào cũng lo ngại sự xâm lược của
bên kia hoặc là sự vượt trội của đối phương. Bangkok đã biết tận dụng tình thế
này và tạo ra điểm tựa cho sự cân bằng quyền lực. Điều chủ yếu mà Anh và Pháp
có thể thống nhất được là đảm bảo sự độc lập của đồng bằng sông Chao Phraya năm
1896.
Điều đó có nghĩa là Xiêm khó có thể
kiểm soát được bán đảo Mã Lai, các tỉnh đông nam giáp ranh với Campuchia và
toàn bộ vùng đông bắc Thái Lan hiện nay. Bangkok đã có thể giữ được phần lớn
lãnh thổ này chỉ vì kết hợp được các yếu tố may mắn, hiện đại hoá. đúng lúc và
khả năng ngoại giao tài tình.
Trước mối đe dọa về chủ quyền từ hai
cường quốc phương Tây vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Xiêm đã buộc phải ký
hoà ước năm 1907 đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ ở Lào và Campuchia và một khoản
tiền lớn cho Pháp. Cái giá phải trả cho Anh cũng đắt tương tự, khi Xiêm buộc phải
trả lại 4 tỉnh Kedah, Perlis, Kelantan và Trengganu cho Anh. Những hiệp ước này
đã phần nào làm giảm áp lực của các cường quốc đối với chủ quyền của Xiêm và đảm
bảo sự an toàn biên giới lãnh thổ của một quốc gia được quốc tế thừa nhận.
Thái độ của Việt Nam đối với phương
Tây ngược lại hoàn toàn những gì đã xảy ra ở Xiêm. Ngay từ năm 1847, khi thực
dân Pháp lần đầu tiên nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, đánh chìm năm chiếc tàu của
Việt Nam, đã cho thấy thái độ trịch thượng của những kẻ đi xâm lược và những
thách thức mới mà Việt Nam phải đương đầu. Âm mưu xâm chiếm Việt Nam của Pháp
đã rõ ràng, mặc dù mãi đến năm 1858, Pháp mới chính thức tiến hành cuộc chinh
phạt của họ 11 năm là khoảng thời gian không ngắn giữa hai lần tấn công, của thực
dân Pháp, nhưng điều ngạc nhiên là triều đình nhà Nguyễn không hề có sự chuẩn bị
hoặc những đối sách cụ thể nào nhằm ngăn chặn âm mưu đó. Vì thực dân Pháp nhận
thấy sự lúng túng, lo ngại, yếu kém, mâu thuẫn trong nội bộ triều đình, nên đã
quyết định hành động một cách mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Sau khi chiếm được ba tỉnh
miền Đông Nam Kỳ, mà không có sự phản ứng đáng kể nào từ phía triều đình nhà
Nguyễn, thực dân Pháp đã dần dần mở rộng sự chinh phạt ra các khu vực lân cận,
xung quanh. Đứng trước nguy cơ mất nước và hành động xâm phạm trắng trợn chủ
quyền của thực dân Pháp, ngay từ đầu, vua Gia Long [?] đã cảnh giác hơn trong
quan hệ với Pháp, thực thi chính sách đóng cửa, bế quan toả cảng, hạn chế buôn
bán, tiếp xúc với nước ngoài. Hành động này thể hiện năng lực hạn chế của triều
đình trong việc phân tích tình hình thế giới và khu vực, khả năng phán đoán và
đánh giá kẻ thù cũng như thái độ ứng xử bất cập trong quan hệ quốc tế.
Kế tục sự nghiệp của Gia Long, mặc dù
là được coi là ông vua có trí tuệ hơn người, nhưng Minh Mạng vẫn tiếp tục đường
lối đối ngoại đóng cửa mà cha ông để lại. Ngoài một số cải cách nhằm củng cố
chính quyền phong kiến, Minh Mạng đã không có một sự thay đổi nào trong chính
sách đối với phương Tây, mặc dù thời thế đã thay đổi. Không những không sử dụng,
ông còn tìm cách vô hiệu hoá những người Pháp đã từng làm việc trong triều dưới
thời Gia Long. Trước số lượng tàu buôn nước ngoài kéo đến xin mở cửa thông
thương ngày một đông, Minh Mạng đã kiên quyết cự tuyệt chỉ vì sợ họ can thiệp
vào công việc của triều đình. Sự kiện Trung Quốc bị thất bại trong chiến tranh
Nha phiến với người Anh và các nước phương Tây đã làm cho nhà vua càng thêm lo
sợ và xa lánh bọn người “man di” này. Mặc dù vào năm 1840, Minh Mạng có cử một
số phái đoàn ra nước ngoài, nhưng đường lối đối ngoại của ông thì không hề thay
đổi. Trên thực tế, những phái đoàn này được cử đi không phải nhằm mục đích thiết
lập quan hệ ngoại giao, mở rộng giao thương, mà chủ yếu để tìm hiểu khả năng và
kế hoạch của người phương Tây mà thôi. Đến thời Thiệu Trị và Tự Đức, chính sách
đối ngoại của triều Nguyễn vẫn không hề thay đổi theo hướng cởi mở, mà thậm chí
còn có chiều cứng nhắc hơn.
Xuất phát từ quan niệm cho rằng việc
đặt quan hệ giao dịch, thương mại chính thức với các nước phương Tây có thể sẽ
dẫn đến sự suy đồi về đạo đức, làm xói mòn những giá trị của tư tưởng Nho giáo,
ảnh hưởng trực tiếp đến uy thế và quyền lực, sự tồn tại của triều đình, nên các
ông vua triều Nguyễn đã bày tỏ thái độ cự tuyệt với xu hướng này. Ngoài ra, những
hoạt động trắng trợn của các giáo sĩ thừa sai như xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ,
hỗ trợ một số hoạt động chống đối triều đình của một số lực lượng xã hội trong
quá trình truyền bá Thiên chúa giáo, nên triều đình nhà Nguyễn càng thận trọng,
e dè và cảnh giác trong quan hệ với phương Tây. Thậm chí, vua Tự Đức còn ban hành
các chỉ dụ cấm đạo, không cho các giáo sĩ hoạt động, gây ra sự căng thẳng trong
quan hệ Việt-Pháp, tạo thành cái cớ để Pháp đẩy nhanh quá trình can thiệp vào
Việt Nam.
Nói tóm lại, phản ứng của triều Nguyễn
trước sự bành trướng về thương mại và quân sự của Pháp và các nước phương Tây
là thụ động, lo sợ, nghi ngờ, thiếu tự tin và bất cập. Thay vì một mặt phải tìm
hiểu, tiếp cận, nghiên cứu đối phương, mặt khác phải phát huy sức mạnh của bộ
máy, động viên, tập hợp lực lượng, nhà Nguyễn đã tìm cách né tránh, hạn chế
giao tiếp, thực hiện chủ trương bế quan toả cảng.
IV. Kết luận
Nói tóm lại, so sánh nguyên nhân
thành công của công cuộc cải cách ở Xiêm và nguyên nhân thất bại của xu hướng
canh tân đất nước ở Việt Nam thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, chúng ta có thể rút ra một
số kết luận sau đây.
Thứ nhất, công cuộc cải cách ở Xiêm
và những đề nghị canh tân đất nước ở Việt Nam tuy diễn ra trong cùng một thời kỳ,
khi mà chủ nghĩa thực dân phương Tây đang có nhu cầu và âm mưu mở rộng ảnh hưởng,
tìm kiếm thị trường phục vụ cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng ở vào những
thời điểm khác nhau. Nếu như ở Xiêm, nhà nước trung ương tập quyền đã được xây
dựng và củng cố từ giữa thế kỷ XVIII thì quá trình này ở Việt Nam chỉ mới hoàn
thành vào đầu thế kỷ XIX.
Thứ hai, những cơ sở chính trị, kinh
tế, văn hoá xã hội, giáo dục của vương quốc Xiêm so với Việt Nam vào thế kỷ XIX
có nhiều thuận lợi hơn cho việc hình thành, phát triển và thực hiện các chủ
trương cải cách. Mặc dù cả Xiêm và Việt Nam đều là chế độ phong kiến trung ương
tập quyền, nhưng so với Việt Nam, xã hội Xiêm là một xã hội thông nhất, cởi mở
hơn. Tuy nền kinh tế của cả hai nước đều lấy canh tác nông nghiệp làm cơ sở
phát triển, nhưng yếu tố hàng hoá, thị trường ở Xiêm phát triển mạnh hơn nhiều
so với Việt Nam. Nói tóm lại, ở Xiêm, những tiền đề cho xu hướng cải cách được
định hình và phát triển đầy đủ hơn so với ở Việt Nam.
Thứ ba, tầng lớp lãnh đạo tối cao, mà
đại diện là các nhà vua Thái Lan và các quan chức cao cấp trong bộ máy hành
chính, vừa là những người chủ xướng đưa ra ý tưởng, vừa là những người có quyền
lực để thực thi những chủ trương đó. Tầng lớp này được đào tạo, bồi dưỡng một
cách chủ động, phát huy được tính kế thừa, tiếp diễn, tạo thành một lực lượng
và sức mạnh chủ đạo, vượt trội, có khả năng lãnh đạo cải cách đi đến thắng lợi,
trong khi ở Việt Nam, lực lượng cải cách ít về số lượng, kém về chất lượng.
Thứ tư, trong quan hệ quốc tế, tầng lớp
lãnh đạo Xiêm có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực và quốc tế, biết tận dụng
một cách triệt để thời cơ, biết khai thác mâu thuẫn giữa các đối thủ, biết hy
sinh những lợi ích trước mắt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài. Trên cơ sở
đó, họ đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp, cởi mở, thực dụng./.
Tác giả, Tiến sĩ Phạm Quang Minh,
công tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số
6(81)/2006, tr. 29-40.
Hình: Vua Chulalongkorn và gia đình,
ăn vận theo thời trang thời kỳ Victoria. Nguồn: Wikipedia.
—————-
[1]Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai
(chủ biên), Lịch sử Thái Lan, NXB KHXH, Hà Nội 1998, tr.
173-180, 195-199.
[2]H. Mouhot, Travels in the
Central Parts of Indochina (Siam), Cambodia and Laos During the Years 1858,
1859 and 1860, London 1964, tr. 86-89.
[3]J. Bowring, The Kingdom and
People of Siam with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, Vol.1,
London 1857, tr. 67-69.
[4]D. Steinberg, In Search, tr.112.
[5]M. Pallegoix, Description, Vol.1,
tr.10.
[6]trong số 400.000 dân Bangkok những
năm 1830, chỉ có 120.000 người Xiêm. Số người Hoa chiếm tới 200.000, tức là 1/2
dân số của thành phố. M. Pallegoix, sđd, tr. 60.
[7]Những vấn đề văn hoá xã hội thời Nguyễn, NXB KHXH, Hà Nội 1992, tr.118.
[8]Đại Nam thực lục Chính biên, T.28, NXB KHXH, Hà Nội 1973, tr.
224-225.
[9]Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt
Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, NXB Sử học, Hà Nội 1961, tr.
134-135.
[10]A. Woodside, Vietnam and the
Chinese Model, Harvard University Press 1988.
[11]Nguyễn Hồng Phong, Văn hoá
chính trị Việt Nam – Truyền thông và hiện đại, NXB
VHTT, Hà Nội (?), tr. 135.
[12]Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại
Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH Thành uỷ Tp HCM 1990, tr.
210.
[13]Wapola Rahula, History of
Buddhism in Ceylon: The Anuradhapura Period, 3rd Century BC-10th
Century AC, Colombo 1956, tr. 161, 162-165, 292.
[14]Nguyễn Quốc Thắng, Khoa cử và
giáo dục Việt Nam, NXB VHTT, Hà Nội 1994, tr.101-112.
[15]Trương Bá Cần, Nguyễn Trường
Tộ Con người và di cảo, NXB Tp HCM 1988, tr. 277.
[16]Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ –
Con người và Tác phẩm, NXB Tp HCM, 1990, tr. 271.
[17]Trương Bá Cần, sđd, tr.
249.
[18]Chulalongkorn, The Great, The
Centre for East Asian Cultural Studies, Tokyo 1965, tr. 52.
[19]Lê Thị Lan, Tư tưởng cải cách
ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, NXB KHXH, Hà Nội 2002.
[20]Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Lộ
Trạch và di thảo, NXB KHXH, Hà Nội 1995, tr. 55.
[21]Nhóm Trà Lĩnh, sđd, tr.
438.
[22]Trương Bá Cần, sđd, tr.
137.
[23]Lê Thị Lan, sđd .
[24]Tanaka Tadaharu, Thái Lan là
thế đó, tr. 118.
[25]Rebrikova N.V., Otrerki, tr.
149.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.net/2015/09/14/cai-cach-xiem-viet-nam/