Phạm Văn Tuấn
Ngày nay Nhật Bản là một siêu cường
kinh tế, đứng thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ mặc dù về diện tích và dân số, Nhật Bản rất
nhỏ so với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa và Ấn Độ. Trong thế kỷ 19,
thế giới đã quên, không biết tới Nhật Bản trong một thế kỷ rưỡi cho tới khi Nhật
Bản vượt trội hẳn lên do bản chất của dân tộc Nhật Bản.
Diện tích của nước Nhật là 144,000 dậm
vuông với dân số 123 triệu 600 ngàn người, so với Việt Nam là 127,242 dậm vuông
và dân số 83 triệu người. Nước Nhật không rộng bằng nước Pháp 212,822 dậm
vuông, nhỏ hơn tiểu bang California của Hoa Kỳ, 158,693 dậm vuông. Về vĩ độ, nước
Nhật song song với miền Đông của Hoa Kỳ, tương đương với vùng bắc tiểu bang
Maine hay thành phố Montréal, kéo dài xuống tận tiểu bang Georgia. Các thành phố
quan trọng của Nhật Bản và thủ đô Tokyo đều nằm vào vĩ độ của tiểu bang North
Carolina. Khí hậu Nhật Bản tương tự với miền Đông Hoa Kỳ, ngoại trừ vì lý do nằm
vài trăm dậm ngoài biển, nên vào mùa hè và mùa đông, khí hậu nước Nhật không
quá nóng hay quá lạnh nhưng lại gặp nhiều mưa, nhiều tuyết hơn.
Nhật Bản có 4 hòn đảo chính là
Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshu (Bản Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và Kyushu (Cửu
Châu) với ngọn núi cao nhất là núi Phú Sĩ, cao 12,389 feet. Do là một quần đảo
tạo nên bởi các núi lửa, Nhật Bản không có các tài nguyên thiên nhiên và chỉ có
một phần trăm diện tích tạm bằng phẳng để trồng trọt.
1. Ảnh hưởng của Trung Hoa
Gạo là thức ăn chính của người Nhật.
Cách trồng lúa có lẽ đã được du nhập từ miền nam Trung Hoa vào khoảng 2,000 năm
về trước cùng những hiểu biết về cách chế tạo các đồ sắt và đồ đồng để làm ra
các vũ khí và các dụng cụ nông nghiệp. Sự du nhập này có lẽ tới miền Kyushu trước
tiên vì đây là hòn đảo gần nhất với lục địa châu Á. Việc học hỏi cách trồng lúa
của người Trung Hoa đã biến đổi các xã hội săn bắn đầu tiên của Nhật Bản trở
thành các cộng đồng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, việc trồng lúa lại có các
khó khăn riêng, chẳng hạn như cần tới sức lao động rất lớn, phải đắp bờ để giữ
nước, làm mương rạch để dẫn nước, việc gieo mạ gặp lúc sương giá hay mưa bão,
các côn trùng và các trận giông tố phá hoại mùa màng lúc sắp thu hoạch… tất cả
đòi hỏi mọi người dân phải cộng tác với nhau và vì thế, người Nhật đã quen với
các sinh hoạt tập thể, không chỉ trong việc trồng lúa mà còn trong các buổi tế
lễ, hội hè.
Vào thế kỷ thứ nhất, Trung Hoa đã làmột
quốc gia được tổ chức hoàn hảo về mặt xã hội, lại có nền kỹ thuật và văn hóa rất
tiến bộ, trong khi đó Nhật Bản vẫn còn là một xã hội sơ khai. Các sử gia đời
Hán (24-220 sau Tây Lịch) đã ghi chép về nước Nhật Bản là xứ của các người lùn
hay các kẻ còn man rợ.
Tới thế kỷ thứ 5 và thứ 6, người Triều
Tiên và Trung Hoa di cư sang Nhật Bản đã mang theo những hiểu biết về văn
chương, đạo Phật và chữ viết. Xét về ngôn ngữ, tiếng Nhật và tiếng Trung Hoa
khác hẳn nhau. Tiếng Trung Hoa thuộc dạng đơn âm, không dùng tới cách biến vĩ
âm (inflection) mà dựa vào thứ tự của các từ (words) mà diễn tả ý nghĩa, trong
khi tiếng Nhật thì trái ngược, là tiếng đa âm, dùng rất nhiều cách biến vĩ âm
và các phụ từ. Để có được chữ viết cho dân tộc, người Nhật đã phải rất khéo léo
và tinh tường, mang áp dụng chữ Hán vào việc diễn tả và viết chữ Nhật.
Đạo Phật du nhập Nhật Bản vào thế kỷ
thứ 6, lúc đó dân Nhật đã có Thần Đạo và hai tôn giáo này đã không xung đột với
nhau mà cùng đi vào đời sống của người dân. Chính đạo Phật đã gây ảnh hưởng rất
lớn về kiến trúc và nghệ thuật tại Nhật Bản.
Từ thế kỷ thứ 7, Nhật Bản học hỏi
Trung Hoa rất nhiều. Ngoài những người di dân từ Trung Hoa và Triều Tiên qua,
còn có các phái đoàn sứ thần Nhật qua Trung Hoa triều cống. Những người đã mang
văn hóa và văn minh Trung Hoa về nước là những học giả, các tu sĩ và các viên
chức. Tại Trung Hoa, kinh đô thời đó là Tràng An của nhà Đường, có hơn một triệu
dân, là thành phố lớn nhất thế giới vào thời kỳ đó. Người Nhật cũng lập nên
kinh đô Heijokyo (bây giờ là thành phố Nara) vào năm 710 và rồi kinh đô
Hei-ankyo (bây giờ là Kyoto) vào năm 794. Cả hai kinh đô này đều theo kiểu mẫu
của Tràng An và cũng có các đại học như kinh đô Trung Hoa. Các nghi thức triều
đình thời đó cũng dập khuôn theo kiểu mẫu Trung Hoa và các thi sĩ làm thơ và viết
văn bằng chữ Trung Hoa.
Trong hai thế kỷ thứ 7 và thứ 8, khoa
học và kỹ thuật của người Trung Hoa đã tới Nhật Bản trong đó có nghề in bản gỗ.
Vào giữa thế kỷ thứ 8, đã có sự xung đột giữa các chùa Phật Giáo, triều đình và
chính quyền trung ương. Để làm đẹp lòng các sư tăng, Nữ Hoàng Shotoku đã ra lệnh
in ấn một triệu bản kinh Phật. Đây có lẽ là lần đầu tiên trên thế giới có cách
xuất bản hàng loạt. Sau đó vào các năm từ 764 tới 770, có các loạt in 100 ngàn
bản kinh để gửi đi 10 ngôi chùa quan trọng nhất trong nước Nhật thời đó. Rất nhiều
bản in đã bị thiêu hủy do các trận hỏa hoạn và ngày nay chỉ còn lại một số ấn bản
tại Chùa Horyuji gần thành phố Nara. Các bản in gỗ này đã được phổ biến hơn 600
năm, trước thời Gutenberg phát minh ra cách in chữ rời tại miền Mainz của châu
Âu.
Người Nhật cũng học hỏi từ người
Trung Hoa nhiều môn học như Toán học, Thiên văn và Y khoa. Việc theo học Trung
Hoa vẫn tiếp tục trong đầu thời đại Heian (794-1185) nhưng khi nhà Đường bắt đầu
suy tàn vào cuối thế kỷ thứ 9 thì các phái đoàn sứ thần Nhật không còn qua
Trung Hoa nữa, vì đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng kiểu mẫu Trung Hoa không
thích hợp với xã hội Nhật Bản. Nhật Bản không có các truyền thống của chế độ
thư lại hay chế độ tuyển dụng tài năng (meritocracy) để dùng cho một
chính phủ trung ương tập quyền. Vào thời đó, Nhật Bản có giới quý tộc cha truyền
con nối với những quyền lợi cố hữu và giới tu sĩ Phật Giáo có các tham vọng về
chính trị. Đất đai được phân chia cho các người quyền thế và miễn thuế. Đất
công dần dần lọt vào tay tư nhân và việc thu thuế trở nên bất lực.
Vào cuối triều đại Heian, ảnh hưởng
Trung Hoa bị lu mờ dần, văn thơ Nhật Bản không còn bắt chước của Trung Hoa nữa
dù rằng vẫn có những người vượt biển, qua lại Trung Hoa. Ảnh hưởng Trung Hoa cuối
cùng và lớn lao nhất là việc du nhập Thiền Đạo (Zen) do các vị sư, vào
triều đại Kamakura (1185-1333). Rồi cuộc tiếp xúc với Trung Hoa bị gián đoạn
vào năm 1279, khi quân Mông Cổ dưới quyền của Đại Hãn Hốt Tất Liệt đã làm chủ
được Trung Hoa và lập ra nhà Nguyên (1279-1368). Sang thế kỷ thứ 15, các tướng
quân thuộc giòng họ Ashikaga cũng đã phái các đoàn sứ thần qua Trung Hoa triều
cống.
2. Ảnh hưởng của các nước Tây Phương
Qua thế kỷ thứ 16, người Bồ Đào Nha
đã khám phá ra Nhật Bản và đã mang tới nước Nhật đạo Thiên Chúa, các y phục tây
phương và kỹ thuật mới về súng đạn. Mùa hè năm 1543, một chiếc tầu gỗ Trung Hoa
bị trôi dạt vào đảo Tanegashima, phía nam của Kyushu. Trên tầu có 3 người Bồ
Đào Nha. Lãnh chúa của miền này rất ngạc nhiên khi thấy các người Bồ này đã có
thể hạ được các con vịt trên trời bằng cách đưa lên một ống bằng kim loại và
sau đó có một tiếng nổ lớn. Đây là một thứ súng hỏa mai thô sơ và vị lãnh chúa
đã mua lại hai khẩu của người Bồ với giá cao cũng như học hỏi cách xử dụng. Sau
đó, súng được đưa cho thợ rèn Nhật làm ra những khẩu tương tự.
Thợ rèn Nhật Bản trong hơn một thế kỷ,
đã nổi tiếng tại miền viễn đông về cách chế tạo các cây kiếm có chất lượng rất
cao, sắc bén hơn hẳn các cây kiếm của châu Âu vào thời kỳ đó. Nhờ vậy người Nhật
đã xuất cảng được một số lớn kiếm và áo giáp ra các nước ngoài. Kỹ thuật nấu ra
các loại thép rất tốt và rèn được những cây kiếm sắc, đã cho phép người Nhật dễ
dàng bắt chước và chế tạo được các khẩu súng hỏa mai, rồi họ lại thêm vào các cải
tiến của riêng họ, chẳng hạn như bộ phận khai hỏa và cơ phận che chở khiến cho
súng có thể bắn được dễ dàng khi trời mưa hay ban đêm mà không cho thấy vị trí
của xạ thủ. Như vậy việc chế tạo súng đã là một dẫn chứng về cách bắt chước kỹ
thuật của người Nhật trong thế kỷ thứ 16.
Trong vài năm tại Nhật Bản, kỹ thuật
chế tạo súng đạn đã được phổ biến rộng rãi và Tướng Quân Oda Nobunaga đã đặt
mua 500 khẩu. Năm 1560, súng đạn đã được dùng trong các trận nội chiến tại Nhật
Bản và vào năm 1575, Nobunaga đã dùng tới 3,000 khẩu súng hỏa mai để chiến thắng
tại trận đánh quyết định Nagashimo.
Kỹ thuật súng đạn như vậy đã ảnh hưởng
rất lớn tới kỹ thuật chiến tranh và trật tự xã hội, vì thế khi Tướng Quân
Tokugawa đã thiết lập xong nền cai trị trên toàn nước Nhật, áp đặt một trật tự
xã hội cứng dắn lên người dân Nhật và dùng tới giai cấp võ sĩ Samurai làm cảnh
sát, chống lại các cuộc nổi dậy, thì súng đạn bị cấm đoán và thất sủng. Tới khi
các tầu chiến Tây Phương bắn phá các thành phố Nhật Bản vào năm 1864, các khẩu
súng Tanegashima lỗi thời được mang ra dùng và rồi được cải tiến cho quân đội mới
được thành lập vào thập niên 1870.
Tại Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ 16,
người Tây Phương lúc đầu được niềm nở đón tiếp, nên vào năm 1549, Thánh Francis
Savier đã tới Nhật Bản và tìm cách cải đạo các người Nhật sang Thiên Chúa giáo.
Những nhà truyền giáo đã học tiếng Nhật, nghiên cứu văn pháp và đã mang cả máy
in qua Nhật Bản để in ấn các tài liệu tôn giáo.
Sau người Bồ Đào Nha tới Nhật Bản là
người Tây Ban Nha, gồm cả các nhà truyền giáo lẫn thương nhân và đã có các va
chạm giữa hai nhóm người này. Tướng Quân thời bấy giờ là Hideyoshi đã cảm thấy
lo ngại, e rằng các nhà truyền giáo là những nhà thuộc địa, cũng như lo ngại sự
bất ổn xã hội có thể do những người Nhật theo Thiên Chúa giáo. Vì thế Tướng
Quân Hideyoshi đã ra các đạo luật trục xuất các nhà truyền giáo, phá hủy các
nhà thờ và ngược đãi giáo dân Thiên Chúa. Do sự ngược đãi tôn giáo càng gia
tăng mà càng có nhiều người Nhật chạy ra khỏi nước và đã có các nhóm người Nhật
định cư tại Manila (Phi Luật Tân), Hội An (Việt Nam), Jakarta (Nam Dương),
Macao, Đài Loan, Thái Lan…
Người Hòa Lan và người Anh cũng thiết
lập thương mại tại Nhật Bản vào năm 1600 và nhờ sự khôn khéo và cứng cỏi của
William Adams, một thủy thủ người Anh, mà các công ty Đông Ấn Hòa Lan và Anh đã
được phép lập ra các thương điếm tại hải cảng Hirado, phía bắc của thành phố
Nagasaki. Tuy nhiên, cửa hàng của người Anh không phát đạt nên đã đóng cửa vào
năm 1623.
Lúc bấy giờ chỉ còn người Hòa Lan là
người ngoại quốc duy nhất hoạt động thương mại tại Nhật Bản vì họ không có các
tham vọng về tôn giáo. Dù thế, họ vẫn bị giới hạn sinh sống trên một hòn đảo nhỏ,
gần hải cảng Nagasaki, tên gọi là Deshima. Đây là một khu đất dài 600 feet, rộng
180 feet, có hàng rào bao quanh và nối với đất liền bằng một cây cầu nhỏ có
lính canh tại hai đầu cầu. Như vậy Deshima đã là cửa ngõ của Nhật Bản mở ra thế
giới bên ngoài và châu Âu chỉ biết về Nhật Bản nhờ cái hải cảng bé nhỏ này. Khi
muốn tìm hiểu về Nhật Bản, Đại Đế Peter của nước Nga đã ra lệnh cho các học giả
học tiếng Nhật qua các sách của người Hòa Lan.
Từ các thế kỷ trước, người Nhật đã học
được kỹ thuật in bản gỗ của người Trung Hoa. Tới thập niên cuối cùng của thế kỷ
16, kỹ thuật in chữ rời đã tới Nhật Bản bằng hai con đường. Các nhà truyền giáo
Dòng Tên từ châu Âu đã thiết lập một máy in tại miền nam Nhật Bản, lúc đầu để
in các bản văn dùng chữ La Mã, kể cả cuốn từ điển Nhật – La tinh. Các nhà truyền
giáo này cũng đúc được các chữ Nhật và xuất bản được một số công trình nghiên cứu
trước khi bị chính quyền cấm hẳn.
Con đường thứ hai về kỹ thuật in chữ
rời do đội quân rút lui của Tướng Quân Hideyoshi khi xâm lăng Triều Tiên. Người
Trung Hoa thực ra đã phát minh được kỹ thuật in bằng chữ rời trước châu Âu và kỹ
thuật này rất được phổ biến tại Triều Tiên. Khi máy in Triều Tiên được mang về
Nhật, nó được đón nhận nhiều hơn loại máy in của các nhà truyền giáo Dòng Tên
vì nó không liên hệ tới tôn giáo và cũng do loại máy này được mang thẳng tới
kinh đô Kyoto là trung tâm văn hóa của Nhật Bản. Thiên Hoàng và Tướng Quân thời
bấy giờ rất chú ý đến ngành in ấn, để xuất bản các tác phẩm triết học và văn
chương. Xưởng đúc các chữ rời bằng kim loại vào thời đó là một cơ sở rất tốn
kém và phần lớn chỉ các ngôi chùa giàu mới có khả năng thực hiện. Các ấn bản đẹp
in vào đầu thế kỷ 17 tại Nhật Bản với chữ rời là các sách Saga. Đây là một loại
tác phẩm văn chương Nhật, xuất bản tại khu Saga của Kyoto bởi nhà viết chữ đẹp
nổi tiếng Koetsu vẽ kiểu chữ, và tài trợ bởi một thương gia bán than giàu có.
Sách Saga thường được in trên giấy màu với nền giấy có các trang trí rất đẹp,
làm cho tác phẩm in trở thành một món hàng rất mỹ thuật.
Qua đầu thế kỷ 18, có hàng trăm nhà
xuất bản hoạt động tại các thành phố Edo (Tokyo ngày nay), Kyoto và Osaka cũng
như tại một số thành phố khác. Tại Nhật Bản cũng có một số thư viện lưu động
cho thuê các sách với lệ phí bằng một phần tiền của giá mua và nhận cả việc
mang sách tới tận nhà độc giả. Vào thời bấy giờ, các học giả có thể mua dễ dàng
các sách cổ văn của Trung Hoa, các sư tăng tìm được các kinh Phật và các tay ăn
chơi có các sách hướng dẫn về các lạc thú vật chất. Có nhiều loại sách như dạy
viết thư, tuyển tập thơ, những tác phẩm cổ điển như “Chuyện Kể Genji” (Genji
Monogatari)… Tại đường phố lại có các kẻ bán dạo các bản tin giống như những tờ
báo ngày nay, thông báo về các trận lụt, hỏa hoạn, thiên tai… có ảnh hưởng đến
giá gạo và thị trường. Như vậy Nhật Bản đã phát triển thành một xã hội có văn học
với một nền văn hóa quốc gia. Vào đầu thế kỷ 19, Nhật Bản có tỉ lệ biết chữ
ngang với châu Âu, cao hơn cả nước Nga và rất nhiều nước khác. Tuy nhiên, hai
ngành học quan trọng của Tây Phương lại qua cửa ngõ Deshima mà vào Nhật Bản, đó
là kỹ thuật quân sự và ngành Y khoa.
Người Nhật đã học Y khoa và dùng các
bản vẽ mô tả cơ thể của Trung Hoa trong nhiều thế kỷ. Tới năm 1754, một bác sĩ ở
Kyoto khi mổ xác các tội nhân để tìm hiểu về cơ thể học, đã thấy các bản vẽ của
Trung Hoa không chính xác. Tới năm 1771, hai bác sĩ giải phẫu tại Edo đã nhận
thấy rằng cơ thể bên trong con người được mô tả đúng như bản vẽ của người Hòa
Lan và sách Y khoa Hòa Lan được phiên dịch sang tiếng Nhật vào năm 1774 đã làm
mất uy tín của nền Y học Trung Hoa. Ngành Y khoa Tây phương vì thế được gọi tên
ở Nhật Bản thời bấy giờ là “Y Khoa Hòa Lan”. Rất nhiều công cuộc khảo cứu của
người Hòa Lan được dịch sang tiếng Nhật, chẳng hạn như về giải phẫu học, sinh
lý học, sản khoa, nhãn khoa…
Tới đầu thế kỷ 19, nền Y khoa của Nhật
Bản cũng rất tiến bộ. Năm 1805, bác sĩ Hanaoka Seishu thuộc tỉnh nhỏ Wakayama,
đã dùng một hỗn hợp dược thảo để gây mê toàn phần trong một ca giải phẫu ung
thư ngực, trong khi đó ở Tây phương, giải phẫu đầu tiên dùng gây mê là do bác
sĩ Crawford Long thực hiện tại Jefferson, Georgia vào năm 1842.
Ngành Y học Tây phương đã được chú ý
và phát triển nhanh chóng tại Nhật Bản. Năm 1823, một bác sĩ trẻ người Đức tên
là Philipp von Siebold tới Deshima để học hỏi về Nhật Bản và ông này đã được
chính quyền Nhật cho hoàn toàn tự do trong việc nghiên cứu. Siebold thiết lập một
căn nhà không phải tại Deshima mà tại ngoại ô của thành phố Nagasaki và giảng dạy
về Y Khoa thực hành. Đây là lần đầu tiên giới Y khoa Nhật Bản được học hỏi về
khám bệnh và chữa bệnh theo kỹ thuật Tây phương. Trong chuyến du lịch tới kinh
đô Edo vào năm 1826, Siebold rất được đón mời và ông đã giảng dạy và chứng minh
về khoa giải phẫu. Thời gian cư trú tại Nhật Bản của bác sĩ Seibold bị chấm dứt
bất ngờ khi người Nhật tìm thấy trong hành trang của ông các bản đồ vẽ bờ biển
nước Nhật và ông ta đã bị trục xuất khỏi Nhật Bản.
Tới năm 1853, các tầu chiến của Đô Đốc
Perry người Mỹ đã làm cho người Nhật phải tỉnh ngộ và họ lại bắt đầu tìm hiểu
kiến thức về Khoa Học và Kỹ Thuật của Tây Phương. Rồi chế độ Tướng Quân
(Shogun) bị lật đổ, mở đầu cho thời kỳ Minh Trị Phục Hưng (Meiji) và toàn thể
nước Nhật lại sôi động trong phong trào học hỏi phương Tây, với tên gọi là
“Khai Hóa Văn Minh”.
Nguồn:http://www.vietthuc.org/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%E1%BA%ADt-tim-h%E1%BB%8Dc-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngoai/