Các Trận Chiến Trong Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ 1776

Posted on
  • Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Phạm Văn Tuấn
    1. Trận Lexington, Concord và Boston
    Vào năm 1775, đã có sự chia rẽ trong dân chúng của 13 xứ thuộc địa Bắc Mỹ. Một số người dân muốn đòi hỏi nền độc lập khỏi nước Anh, họ được gọi là các nhà “ái quốc” (the Patriots). Đối lập với họ là những người “trung thành” (the Loyalists) với Vua George III, hoặc là các đảng viên Tories. Các người trung thành gồm có các thương gia và chủ đất giàu sang, họ muốn duy trì nếp sống phong lưu đang có sẵn. Họ cũng là người dân thường hãnh diện là công dân của nước Anh, hay những người không muốn bị lôi cuốn vào chiến tranh, những người dân này chống đối các nhà ái quốc, coi việc làm áp lực đối với chính quyền Anh là bất hợp pháp và vi hiến.

    Trong khi đó vẫn có các chương trình hòa giải sự khác biệt chính trị giữa nước Anh và các xứ thuộc địa. Lord North cho rằng nước Anh sẽ không đánh thuế các xứ này nếu họ cung cấp đầy đủ lợi tức cho binh lính Anh trú đóng tại Bắc Mỹ. Edmund Burke lại muốn các người thuộc địa tự quản trị và bỏ phiếu quyết định về thuế vụ của họ, còn William Pitt, lúc này là Lord Chatham, mong muốn xét lại các đạo luật “cố chấp” và hứa rằng Quốc Hội Anh sẽ lại đánh thuế khi có sự đồng ý của các hội đồng dân cử Bắc Mỹ. Một số chính khách người Anh khác bằng lòng về sự đại diện của các xứ thuộc địa tại Quốc Hội Anh. Cuối cùng, tất cả các kế hoạch kể trên đều thất bại và miền đất Bắc Mỹ mang bầu không khí chiến tranh.
    Tới thời gian này, tại các tỉnh các nhà ái quốc đã tổ chức các toán quân Minutemen, đây là những dân quân phải sẵn sàng chiến đấu vào giờ phút thông báo. Mặt khác, các kẻ “trung thành” phải tuyên thệ với lý tưởng “ái quốc”, một số người bị bắt giam, một số khác có đất đai và tài sản bị tịch thu và bị đẩy ra khỏi cộng đồng. Vào thời kỳ này, các người trung thành phải chọn lựa, hoặc là chống lại các người ái quốc, hoặc bỏ chạy. Hơn 50,000 người trung thành đã theo quân đội Anh hoặc ở lại làm các kẻ tình báo. Tại xứ New York, có 15,000 người trung thành trở nên binh lính Anh và 8,000 người là dân trung thành địa phương. Trong 8 năm tiếp theo, đã có 80,000 người trung thành rời bỏ các xứ thuộc địa, chạy qua sống tại phần đất phía bắc của Hồ Erie và sau này, họ đã lập nên xứ Canada nói tiếng Anh.
    Vào thời kỳ này, dân chúng cư ngụ đông đảo nhất là tại phần đất giữa hai thành phố Boston và Philadelphia và cũng chính tại nới này mà tinh thần chống lại người Anh lên cao nhất. Đêm hôm 18 rạng ngày 19 tháng 4 năm 1775, Tướng Gage theo lệnh của Thủ Tướng Lord North, đã phái đi 800 binh lính tới thị trấn Concord cách thành phố Boston 29 cây số (vào khoảng 18 dậm) để tịch thu một số súng đạn của dân quân địa phương. Việc xuất quân này đã không tránh khỏi sự canh chừng của các nhân viên thuộc Ủy Ban An Ninh (the Committee of Safety). Một bác thợ bạc của thành phố Boston tên là Paul Revere đã cưỡi ngựa suốt đêm, đi thông báo cho dân làng biết rằng binh lính Anh đang di chuyển tới Lexington để bắt hai ông Samuel Adams, John Hancock và tới Concord để tịch thu súng đạn.
    Sáng ngày hôm sau, 19-4, binh lính Anh khi tới thị trấn Lexington, đã gặp một nhóm vào khoảng 70 dân quân ái quốc. Vị chỉ huy binh lính Anh là Thiếu Tá John Pitcairn đã ra lệnh cho các dân quân thuộc địa buông súng. Không ai tuân lệnh. Súng nổ. 8 dân quân bị chết và 1 người bị thương nặng là Đại Úy John Parker thuộc toán dân quân. Sau đó, toán dân quân rút lui và binh lính Anh tiếp tục tiến đến thị trấn Concord cách đó vài dậm. Tại nơi này, súng đạn của dân quân đã được tẩu tán. Bính lính Anh lục soát vô hiệu rồi sau đó, đã đốt nhiều căn nhà và tìm cách rút lui nhưng trên đường về, họ đã bị dân quân thuộc địa núp trong các bụi cây, các tòa nhà bắn sẻ. Khi trở về tới Boston, tổn thất về phía binh lính Anh là 73 người bị chết, 174 người bị thương và 26 người mất tích. Về phía dân quân thuộc địa, chỉ có 45 người bị thương với 49 người bị chết.
    Giao tranh tại Lexington và Concord đã khiến cho các xứ thuộc địa Tân Anh Cát Lợi kêu gọi mọi người dân cầm súng và hội đồng dân cử xứ Massachusetts ra lệnh cho dân quân vây hãm thành phố Boston.
    Lúc khởi đầu, các người thuộc địa chưa có một quân đội thống nhất. Lực lượng quân sự của họ là các dân quân địa phương thiếu huấn luyện, chưa quen vâng lệnh cấp trên, cầm đầu bởi các người chỉ huy không có kinh nghiệm. Tổ chức quân đội này cũng chưa có một hệ thống trung ương lo nơi ăn, chốn ở, lo trả lương bổng cho các người lính chiến, lo súng đạn và quân trang cho họ. Trong khi đó 13 xứ thuộc địa chưa biết đoàn kết, còn e ngại rằng mỗi xứ phải gánh chịu các phần đóng góp nhiều hơn và tất cả các địa phương chưa biết hành động một cách thống nhất, theo kế hoạch chung. Cuộc Cách Mạng là một thứ gì mới mẻ và xa lạ.
    Biến cố xẩy ra tại Lexington và Concord với các toán dân quân địa phương tham chiến, với số thiệt hại về cả hai phía khá cao, đã khiến cho sự việc này được coi là một cuộc nổi dậy có võ trang chống lại người Anh.
    Ngày 10 tháng 5 năm 1775, các đại biểu của các xứ thuộc địa lại hội họp tại Philadelphia, lần này được gọi là Quốc Hội Lục Địa Thứ Hai, để đối phó với tình hình mới. Các đại biểu đã sớm chấp nhận Quốc Hội là một chính quyền trung ương của “Các Thuộc Địa Liên Hiệp Bắc Mỹ” (the United Colonies of America) và công nhận toán quân vây hãm thành phố Boston thuộc “Quân Đội Lục Địa” (Continental Army) của họ. Quốc Hội Lục Địa Thứ Hai cũng chỉ định một nhà quý tộc 43 tuổi thuộc xứ Virginia làm Tư Lệnh Quân Đội, đó là ông George Washington.
    Nhiều lý do đã khiến cho ông Washington được chọn lựa. Thứ nhất, ông Washington đã là nhân viên của Hội Đồng Dân Biểu Burgesses hay hội đồng dân cử của xứ Virginia và vào thời gian này, Virginia là xứ thuộc địa rộng lớn nhất. Thứ hai, các xứ thuộc địa miền bắc muốn lôi cuốn các xứ miền nam tham gia vào cuộc chiến đấu. Thứ ba, ông Washington đã là một quân nhân có kinh nghiệm, đã từng tham chiến trong Cuộc Chiến Tranh 7 Năm, đã là phụ tá của một vị tướng người Anh và đang chỉ huy toán dân quân của địa phương Virginia.
    Ngoài các ưu điểm xuất sắc về lập trường chính trị và quân sự, ông George Washington còn là một nhân vật cao lớn, uy nghiêm, có tinh thần vừa táo bạo, vừa bình tĩnh và tự tin. Quốc Hội đã yêu cầu ông Washington lập ra một kế hoạch phòng thủ thành phố New York, viết ra các kế hoạch xây dựng quân đội, các quy luật cho binh lính và các phương thức để mua súng đạn.
    2. Tướng Washington chỉ huy Quân Đội Lục Địa
    Khi ông Washington nhận chức điều khiển quân đội, binh lính của ông chỉ là các nông dân, các thợ rừng, các công nhân tầm thường hay các thư ký cấp thấp, họ phục vụ quân đội theo hợp đồng với thời hạn ngắn hơn một năm. Họ chỉ là những người lính thiếu huấn luyện, thiếu thực phẩm, quần áo và súng đạn.
    Vào giai đoạn này, Quốc Hội Lục Địa chưa có quyền đánh thuế lên các xứ thuộc địa mà chỉ dám yêu cầu từng hội đồng dân cử cung cấp ngân khoản để mua súng đạn, chưa kể tới thực phẩm và lương bổng của binh lính. Trong khi đó, người lính được trả lương thì tiền bạc của họ là loại tiền giấy rất ít giá trị do Quốc Hội Lục Địa phát hành mà các thương gia và các chủ quán rượu không muốn nhận, họ ưa các đồng tiền vàng và tiền bạc hơn. Quốc Hội Lục Địa cũng chưa thể xin được trợ giúp từ các nước bên ngoài trong khi tại Bắc Mỹ, các người giàu có đều là những kẻ trung thành và các nhà ái quốc không dám tịch thu tài sản của họ vì e ngại sẽ gây nên làn sóng chống đối.
    Với tinh thần và các phương tiện chiến đấu ban đầu thiếu thốn như vậy, không có dân quân địa phương nào muốn ký kết hợp đồng phục vụ quân đội lục địa lần thứ hai. Về sau, vào năm 1776, ông George Washington đã phải bi quan mà tuyên bố rằng “tinh thần lính đánh thuê và bạc nhược như vậy đã lan tràn mọi nơi khiến cho tôi không ngạc nhiên nếu có một thảm bại xẩy ra”.
    Về phía quân đội Anh, do không thể tuyển mộ các binh lính tình nguyện tại nước Anh nên Vua George III đã mướn vào khoảng 30,000 lính đánh thuê giàu kinh nghiệm tác chiến, phần lớn gốc từ các miền Hesse-Kassel, Brunswick và Hesse-Hanau của nước Đức, mà người Bắc Mỹ gọi chung là các người lính Hessians. Các đạo quân Anh ngoài súng đạn, lương thực, quân trang đầy đủ, còn được yểm trợ bởi một hậu phương giàu có, với tài nguyên kỹ nghệ và kinh nghiệm quân sự, bởi một hạm đội tầu biển có thể di chuyển tự do trên mọi bờ biển mà không có một lực lượng nào chống đối.
    Quân Đội Lục Địa như vậy đã có rất nhiều yếu kém, nhưng lại có một ưu điểm rất lớn, hơn hẳn địch quân, đó là tính lưu động. Họ được trang bị nhẹ nhàng, mở các cuộc đột kích rồi lẩn tránh trong miền thôn quê, nơi đã có các người dân ái quốc yểm trợ cả về thực phẩm lẫn chỗ ẩn náu.
    Ngoài khó khăn phải đối phó với các vụ bắn sẻ, quân đội Anh còn gặp trở ngại về tiếp liệu. Người Bắc Mỹ địa phương đã từ chối cung cấp lương thực cho binh lính Anh khiến cho các đồ tiếp tế phải chở từ nước Anh trên các con tầu biển và cuộc hải hành phải mất từ 2 tới 3 tháng trên lộ trình dài 3,000 dậm với các trắc trở như bão táp, cướp biển… Đồ vật tiếp liệu khi được bốc dỡ lên bờ, lại phải được chuyên chở tới các căn cứ ở gần, có phòng thủ cẩn thận. Quân đội Anh còn có một nhiệm vụ khác là phải bảo vệ các người trung thành, vì vậy họ phải rút lui khỏi các căn cứ ở xa, khó tiếp tế. Thực vậy, làm sao quân đội Anh có thể kiểm soát nổi một miền đất bao la, trải dài từ xứ Maine ở phía bắc tới tận xứ Georgia ở phía nam, lại nằm sâu vào trong đất liền tới 300 dậm.
    Ngày 20-6-1775, Tướng George Washington nhận nhiệm vụ do Quốc Hội Lục Địa giao phó rồi lên đường đi Boston. Trong khi đó Tướng Anh Thomas Gage mới nhận được lực lượng tăng cường, nâng quân số lên tới 8,000 người. Tướng Gage bèn cho quân lính chiếm các điểm cao nhìn xuống thành phố Boston là Charlestown ở phía bắc và Dorchester tại phía nam, khi đó quân đội Lục Địa dưới quyền của Trung Tá William Prescott đóng chốt tại Breed’s Hill.
    Ngày 17-6, Tướng Gage sai Thiếu Tướng William Howe với 2,500 bộ binh tiến đánh quân đội Lục Địa và phải sau 3 lần tấn công, dân quân Bắc Mỹ mới bỏ chạy và thua trận tại Bunker Hill. Sau trận đánh này, tổn thất của quân đội Anh là 1,000 người vừa chết vừa bị thương, số thiệt hại của quân đội Lục Địa chỉ bằng nửa. Quân đội Bắc Mỹ đã phải bỏ chạy khỏi Breed’s Hill nên bị coi là thua trận này nhưng nếu xét về số thương vong thì quân đội Anh không phải là thắng.
    Trong khi trận Bunker Hill chưa xẩy ra, Quốc Hội Lục Địa đã gửi đơn thỉnh nguyện (the Olive Branch Petition) tới Vua George III của nước Anh, xác nhận lòng trung thành của người dân Bắc Mỹ đối với nhà Vua và yêu cầu nhà Vua bác bỏ các chính sách của những vị bộ trưởng dưới quyền. Lời thỉnh nguyện kể trên đã tới Vua nước Anh cùng lúc với tin tức về trận đánh Bunker Hill khiến cho Vua George III khước từ lời yêu cầu và vào ngày 23-8-1775, nhà Vua đã tuyên bố Tân Anh Cát Lợi là xứ phản loạn. Quốc Hội Anh cũng theo đó xác nhận sự phản bội của mọi người dân thuộc địa và tầu thuyền của họ đều đáng bị tịch thu. Ngoài ra, số thiệt hại của binh lính Anh tại trận đánh Bunker Hill đã làm cho chính quyền Anh thấy rằng họ đang phải đối đầu với một cuộc chiến tranh đích thực và cũng vì thế, Tướng Gage bị thay thế bởi Tướng Howe.
    Ngày 2-7-1775, Tướng George Washington tổ chức và huấn luyện lại đạo quân dưới quyền, với quân số từ 13,000 tới 17,000. Ông thấy rằng không thể đánh thành phố Boston mà không có pháo binh chủ động. Tướng Washington đành phải chờ tới mùa đông, lúc tuyết đóng băng trên các con đường và giòng sông, cho phép kéo đi các cỗ súng đại bác mà hai đại tá Ethan Allen thuộc miền Vermont và Benedict Arnold thuộc xứ Connecticut, đã chiếm được từ quân đội Anh nhân trận đánh đồn Ticonderoga bên hồ Champlain.
    Vào tháng 8 năm đó, lực lượng quân đội Bắc Mỹ dưới quyền Tướng Richard Montgomery đã đánh xứ Canada, chiếm thành phố Montreal vào tháng 11 và vào tháng sau, sát nhập với đạo quân của Đại Tá Arnold, nhưng rồi quân đội Bắc Mỹ đã bị thua trận tại Québec và Tướng Montgomery tử trận.
    Vào mùa đông năm 1775-76, Đại Tá Henry Knox là chỉ huy trưởng Pháo Binh của Tướng Washington đã di chuyển được 59 khẩu đại bác hạng nặng và súng cối, từ Ticonderoga tới Boston. Đêm hôm 4-3-1776, lực lượng của Tướng Washington đã chiếm được DochesterHeights, đặt các khẩu đại pháo hướng về hải cảng Boston. Bị hướng súng bất ngờ, Tướng Howe thấy rõ không thể giữ được thành phố Boston nữa nên đành ra lệnh di tản. Ngày 17-3, hơn 11,000 quân đội Anh và 1,000 người trung thành đã xuống tầu, rời đi Halifax thuộc miền Nova Scotia. Đa số những người trung thành này không bao giờ có cơ hội nhìn lại thành phố Boston của họ.
    Khi quân lính Anh xuống tầu rút lui khỏi Boston, Tướng Washington đã biết rõ rằng người Anh chưa hẳn đã thua trận tại xứ thuộc địa. Thực vậy, Vua George III và Quốc Hội Anh đâu đã chịu bỏ cuộc và có nguồn tin cho biết nước Anh đang tuyển mộ các binh lính đánh thuê người Đức. Tướng Howe sở dĩ rút lui là để tổ chức lại lực lượng quân sự và chờ viện binh gửi qua. Tướng Washington đã tiên đoán rằng khi Tướng Howe trở lại thì thành phố New York với hải cảng rộng rãi, với nhiều sông rạch gần giòng sông Hudson nên rất thuận tiện cho lực lượng Anh lên bờ.
    Ngày 29-6-1776, Tướng Howe tới Sandy Hook, N.J., với một đoàn tầu biển chỉ huy do Đô Đốc Richard Howe, một người anh em. Đoàn tầu này đã chở qua Bắc Mỹ một lực lượng viễn chinh của nước Anh lớn nhất từ xưa tới nay. Nểu kể cả 8,000 binh lính đánh thuê người Đức thì lực lượng quân sự này đông tới 32,000 người. Để đối đầu, Tướng George Washington chỉ có ít hơn 20,000 quân, một nửa trong số này là các người lính thiếu kinh nghiệm. Cả hai phe đang chuẩn bị trận chiến.
    Vào tháng 11-1775, hy vọng hòa giải với nước Anh của các người miền Nam thuộc Tân Thế Giới đã bị tiêu tan khi Thống Đốc xứ Virginia là Lord John Dunmore đã trả tự do cho các người nô lệ nào chống lại chủ của họ và gia nhập vào quân đội Anh.
    3. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập
    Vào thời kỳ các trận chiến xẩy ra tại Lexington và Conconrd, rất ít người thuộc địa muốn đòi hỏi độc lập khỏi nước Anh. Phần lớn các nhà chính trị Bắc Mỹ chỉ muốn một nền tự trị trong Đế Quốc Anh. Tháng 6 năm 1775, Tướng Washington đã hy vọng vào “nền hòa bình và hòa hợp giữa mẫu quốc và các thuộc địa”, rồi ông Thomas Jefferson cũng trông đợi sự hòa giải. Trong khi đó, Quốc Hội Anh không xét lại 5 đạo luật “cố chấp”, và vào tháng 8, Vua George III đã gọi các nhà “ái quốc” Bắc Mỹ là các kẻ làm loạn (rebels). Vào tháng 10-1775, quân Anh đốt phá thành phố Portland, Me., làm cho hàng ngàn người thuộc địa gặp cảnh không nhà khi mùa đông tới và có tin 20,000 lính đánh thuê Hessians đang được gửi đến Tân Thế Giới để dẹp cuộc nổi dậy cùng với sự xúi dục quấy phá của các người da đỏ tại các biên giới phía tây. Trước hoàn cảnh này, ông Thomas Jefferson đã viết:”Nhà Vua đã cưỡng đoạt các vùng biển của chúng ta, tàn phá các bờ biển, đốt cháy các thành phố và hủy diệt dân tộc chúng ta”.
    Vào tháng 1-1776, ông Thomas Paine đã viết ra tập sách mỏng “Lương Tri” (Common Sense) trong đó tác giả tự hỏi làm sao một dân tộc có thể vừa chống lại nhà vua, lại vừa trung thành với nhà vua? Thời kỳ hòa giải đã qua, và theo Thomas Paine, “Đây là lục địa Bắc Mỹ rộng lớn, thích hợp để trở nên quê hương của một giống người tự do. Hãy đừng để miền đất này nằm dưới chân của một vị vua không xứng đáng”. Hàng ngàn người dân thuộc địa đã đọc được câu nói này và họ dần dần chấp nhận ý tưởng tách rời các xứ thuộc địa khỏi nước Anh. Trở ngại tâm lý đã được vượt qua.
    Vào giai đoạn này, các xứ thuộc địa Bắc Mỹ không thể thắng được cuộc chiến nếu không có sự giúp đỡ của các quốc gia khác ở châu Âu và các nước này cũng không thể giúp các xứ thuộc  địa khi mà người dân còn công nhận trung thành với Vua nước Anh. Ngoài ra, nếu không có độc lập, người dân Bắc Mỹ sẽ không thể ký kết các hiệp ước mậu dịch với các quốc gia khác, nền kinh tế sẽ bị kiềm chế và sẽ không thể phát triển đời sống no ấm của người dân.
    Vào mùa xuân năm 1776, North Carolina là xứ đầu tiên gửi các đại biểu tới Quốc Hội Lục Địa để tuyên bố độc lập. Xứ Virginia và các xứ thuộc địa khác cũng tham gia vào cuộc bàn thảo. Ngày 7-6-1776, đại biểu Richard Henry Lee đã đưa ra một nghị quyết theo đó “các thuộc địa liên hiệp này là, và có quyền là các xứ tự do và độc lập, họ không trung thành với nhà Vua nữa và mọi liên hệ chính trị giữa họ và nước Anh phải bị hoàn toàn cắt đứt”. Nghị quyết này chưa được các đại biểu chấp thuận ngay vì họ chưa được lệnh từ các xứ thuộc địa. Vì vậy một ủy ban khác được chỉ định để chuẩn bị một bản văn xác nhận về trường hợp tranh đấu của các xứ Bắc Mỹ. Ủy ban gồm các ông John Adams, Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingston. Ông Thomas Jefferson được chọn để viết ra bản tuyên ngôn cần thiết, trình bày trước Quốc Hội vào ngày 28-6.
    Ngày 2-7, nghị quyết của Henry Lee được chấp thuận và bắt đầu cuộc tranh luận về bản tuyên bố của Jefferson. Trong một danh sách các lời tố cáo Vua George III, ông Thomas Jefferson cũng chỉ trích chế độ nô lệ và nghề buôn bán nô lệ. Các đại biểu của miền Nam là các xứ dùng người nô lệ đã không chấp nhận đề mục này.
    Vào ngày 4-7-1776, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (the Declaration of Independence) được Quốc Hội chấp nhận. Tên họ của 56 đại biểu được liệt kê bên dưới các xứ mà họ đại diện. Chủ Tịch Quốc Hội là ông John Hancok ký vào Bản Tuyên Ngôn ngày 4-7. Phần lớn các đại biểu ký tên vào ngày 2-8. Lúc đầu bản văn này chưa xác nhận nền Độc Lập của các xứ thuộc địa Bắc Mỹ mà chỉ là một lời xác định về lý thuyết của chính quyền Bắc Mỹ trong đó có 3 điểm chính : (1) Thượng Đế đã tạo ra mọi người bình đẳng và cho họ các quyền lợi về đời sống, tự do và theo duổi hạnh phúc, (2) Công việc chính của chính quyền là bảo vệ các quyền lợi này, (3) nếu một chính quyền nào tìm cách ngăn cản các quyền lợi này thì người dân được tự do nổi dậy và thiết lập một chính quyền mới. Ba điểm này đã là căn bản cho việc thành lập các chính quyền tiểu bang sau khi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được đồng thanh chấp thuận.
    Các ý tưởng về nền độc lập và tự chủ đã được phổ biến trước kia tại nước Anh do John Locke qua tác phẩm “Về Chính Quyền Dân Sự” (On Civil Government), một lời biện hộ cho cuộc Cách Mạng Anh năm 1688 và tư tưởng của John Locke về “quyền theo đuổi tài sản” (the pursuit of property) đã được sửa đổi thành “quyền theo đuổi hạnh phúc” (the pursuit of happiness).
    Ngày 8 tháng 7 năm 1776, dân chúng của thành phố Philadelphia đã nghe thấy tiếng “Chuông Tự Do” (the Liberty Bell) kêu gọi họ tới nghe đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Súng đại bác đã nổ vang và các kỵ mã đã mang tin quan trọng này đi xa, loan báo cho mọi người biết. Tướng George Washington cũng ra lệnh đọc Bản Tuyên Ngôn cho binh lính nghe để làm tăng thêm tinh thần chiến đấu của họ.
    Trong Lịch Sử của Nhân Loại, chưa bao giờ một đất nước thuộc địa với dân số nhỏ bé đã có nhiều nhà lãnh đạo tài năng hàng đầu như lúc này. George Washington là vị Tướng Tư Lệnh Quân Đội, đã duy trì được tinh thần chiến đấu bằng sự can đảm, kiên nhẫn và cứng dắn của ông trong các giờ phút đen tối nhất của lịch sử. Benjamin Franklin đã là đại biểu của Quốc Hội Lục Địa, qua nước Pháp để xin trợ giúp cho quốc gia Hoa Kỳ non trẻ, ông đã dùng tới mọi nghệ thuật ngoại giao để giành lấy thiện chí của mọi tầng lớp xã hội Pháp và ông đã trở nên một thần tượng của thành phố Paris. John Adams và Thomas Jefferson đã làm ổn định được các mối bất hòa trong Quốc Hội và đã lấy lại niềm tin của mọi người, còn Robert Morris lãnh nhiệm vụ kiếm tiền cho cuộc chiến tranh giành độc lập. Phía bên ngoài, toàn thể người dân Bắc Mỹ đã chịu đựng mọi cảnh thiếu thốn và gian nan, và nhờ tất cả các yếu tố này mà chính quyền quốc gia Hoa Kỳ được thành công.
    Sau khi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được công bố, Bộ Trưởng Ngoại Giao của nước Pháp là ông Charles Vergennes đã trình bày với Vua Louis 16 rằng nước Anh sẽ ký hòa bình với các xứ thuộc địa Bắc Mỹ rồi sẽ cùng các xứ này chiếm các phần đất của nước Pháp tại vùng biển Tây Ấn. Nước Pháp bèn công nhận ngay nền Độc Lập của Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1778 và thiết lập quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Nước Pháp cũng giúp Hoa Kỳ về súng đạn và quân trang. Quân đội Pháp được gửi qua Bắc Mỹ chiến đấu giúp cuộc Cách Mạng và trong số các người tình nguyện, danh tiếng nhất là Hầu Tước De Lafayette.
    Sự trợ giúp Hoa Kỳ còn tới từ các nguồn khác. Bá Tước người Đức Frederick William von Steuben đã dạy cho các sĩ quan cách mạng nghệ thuật chiến tranh và huấn luyện các binh lính trở thành các chiến sĩ tinh nhuệ.
    Sức mạnh hải quân của nước Anh trên mặt biển đã khiến cho các quốc gia tại châu Âu gồm Nga, Phổ, Hòa Lan, Đan Mạch, Thụy Điển tham gia vào “Hội các Quốc Gia Trung Lập” (the League of Armed Neutrality) vào năm 1780, và sau khi nước Anh tuyên chiến với Hòa Lan thì Hoa Kỳ cũng nhận được tiền trợ giúp từ nước Hòa Lan này.
    Trên mặt biển, các tầu buôn Hoa Kỳ được lệnh sẵn sàng chiến đấu và Quốc Hội Hoa Kỳ đang chuẩn bị ngân quỹ để thành lập Hải Quân. Nhiều tầu biển Hoa Kỳ được lệnh bắt giữ các tầu biển của nước Anh và đã có các vị chỉ huy Hải Quân người Hoa Kỳ tài giỏi với danh tiếng như Esek Hopkins, John Paul Jones và John Barry.
    Mặt khác, sự chia rẽ trong nội bộ của nước Anh cũng làm lợi cho quốc gia non trẻ Hoa Kỳ. Vào lúc này, Vua George III là vị lãnh đạo của đảng Tory và Nhà Vua muốn lấn át quyền hành của Quốc Hội Anh. Đối lập với đảng Tory là các người Whigs, họ cho rằng Nhà Vua đã triệt hạ các tự do của người dân nước Anh và người đứng đầu đảng Whig là Lord Rockingham tin rằng không thể dẹp yên được các xứ thuộc địa, vì vậy nên giành cho họ tự do.
    Ngoài ra, quan niệm về kinh tế cũng đang thay đổi. Nhà kinh tế học người Anh là Adams Smith, qua tác phẩm “Tài Sản của các Quốc Gia” (the Wealth of Nations, 1776) đã chủ trương nền tự do mậu dịch với Bắc Mỹ, nhờ đó cả nước Anh và các xứ thuộc địa đều có lợi. Cuối cùng, trước các thất bại quân sự năm 1781 tại Bắc Mỹ, trước các áp lực của nhiều nhà buôn và chủ hãng bảo hiểm các con tầu biển Anh bị đánh phá và trước các cuộc nổi dậy tại Ái Nhĩ Lan và Ấn Độ, Quốc Hội Anh vào năm 1872 đã thúc giục Vua George III phải chấm dứt chiến tranh tại vùng đất Tân Thế Giới.
    4. Các trận đánh tại miền Bắc
    Trong khi các đại biểu Quốc Hội đang thảo luận về Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thì một lực lượng quân đội Anh vào khoảng 30,000 lính, kể cả các binh lính đánh thuê Hessians, đổ bộ lên đảo Staten, gần thành phố New York. Để chống cự lại, Tướng Washington chỉ có 15,000 quân sĩ, dàn trận một cách yếu ớt tại hai địa điểm là Manhattan và Long Islands.
    Vào ngày 26-8-1776, Hải Quân Anh giả vờ tiến tới thành phố New York nhưng thực ra bộ binh Anh tấn công vào Brooklyn, làm cho quân đội Hoa Kỳ bị 1,000 người chết, 2,000 người bị bắt. May nhờ có sương mù và đêm tối mà Tướng Washington cùng với các người còn sống sót mới vượt qua giòng sông East (the East River), bỏ chạy về nơi an toàn. Đây là một bài học vô giá cho ông Washington. Từ nay trở về sau, ông sẽ không bao giờ dùng chiến thuật đương đầu với một kẻ thù hùng mạnh hơn, được trang bị đầy đủ hơn. Sau cuộc rút lui tại làng White Plains, Tướng Washington còn phải chạy dài qua xứ New Jersey, tới giòng sông Delaware trước cuộc săn đuổi của các binh lính áo đỏ người Anh.
    Tháng 11 năm 1776 là thời gian đen tối nhất của vị danh tướng Washington. Các tổn thất, bệnh tật và đào ngũ đã làm cho lực lượng quân sự của ông giảm đi còn 6,000 người, với các quân nhân có hợp đồng phục vụ sắp hết hạn. Công cuộc kháng chiến của Hoa Kỳ đang đứng trước thảm cảnh sụp đổ hoàn toàn! Nhưng vào một đêm mùa Giáng Sinh lạnh giá, bằng một lực lượng 2,400 người và 18 khẩu đại bác, Tướng Washington đã dẫn đầu quân lính băng qua giòng sông Delaware đóng băng, đánh vào đồn Trenton, bắt được hơn 900 tù binh người Hessians. Một tuần lễ sau, lực lượng phục thù của binh lực Anh tiến tới, điều khiển bởi Lord Cornwallis. Tướng Washington đã để lại 400 quân bên lửa trại, còn đa số binh lính đi vòng phía sau, đánh tập hậu quân đội Anh tại trận Princeton. Trong cuộc tấn công bất ngờ này, 2 trung đoàn Anh phải tháo chạy, để lại cho Quân Đội Lục Địa kiểm soát toàn vùng New Jersey.
    Chiến lược quân sự năm 1777 của quân đội Anh do Lord George Germain, Bộ Trưởng Bộ Mỹ Châu (the American Department) soạn ra, có mục đích cắt xứ Tân Anh Cát Lợi khỏi các thuộc địa phía nam. Theo kế hoạch này, một đạo quân Anh dưới quyền Thiếu Tướng John Burgoyne đổ bộ lên Canada và tiến về phía nam từ Montreal tới Albany, N.Y. Một đạo quân khác gồm các các người da đỏ do Đại Tá Bary St. Leger chỉ huy, di chuyển sang phía đông từ hồ Ontario, qua thung lũng Mohawk để gặp đạo quân của Tướng Burgoyne tại Albany. Do cách hành quân quá phức tạp lại ở trên một địa thế khó khăn với phương tiện thông tin nghèo nàn, nên cánh quân của Đại Tá St. Leger khi tiến tới đồn Stanwix, đã không thể triệt hạ được đồn lũy này và rồi bị thua trận tại Oriskany trước lực lượng của Thiếu Tướng Benedict Arnold. Tướng St. Leger đành phải rút quân về Montreal.
    Còn cánh quân kia với 7,000 lính do Tướng Burgoyne chỉ huy, lúc đầu đã chiến thắng, chiếm được đồn Ticonderoga vào ngày 6-7 rồi vào ngày 29-7, đã tới được phần trên của giòng sông Hudson. Khi lực lượng lính đánh thuê Hessians tiến vào xứ Vermont thì đã bị dân quân Vermont và New Hampshire đánh tan tại trận Bennington. Do thiếu tiếp liệu và quân tiếp viện, đạo quân của Tướng Burgoyne đã băng qua giòng sông Hudson, tiến về phía nam để tìm chỗ an toàn hơn nhưng vào tháng 9 năm đó, quân đội Lục Địa và dân quân địa phương dưới quyền của Thiếu Tướng Horatio Gates đã tiến đánh quân Anh gần Saratoga. Ngày 17-10, Tướng Burgoyne với gần 5,000 quân đã xin đầu hàng Tướng Gates.
    Ngày 25-8-1777, đạo quân của Tướng Howe đổ bộ lên phần đầu của Vịnh Chesapeake để tiến về phía Philadelphia trong khi đó Tướng Washington không thể ngăn cản nổi đạo quân này tại Brandywine Creek, PA. Ngày 26-9, Tướng Howe tiến vào thành phố Philadelphia. Quốc Hội Lục Địa phải bỏ chạy qua York, PA., rối tới Baltimore, MD. Ngày 4-10, quân của Tướng Washington tấn công đạo quân của Tướng Howe tại Germantown, phía bắc của thành phố Philadelphia nhưng rồi bị thất bại, phải rút lui về Valley Forge với 11,000 quân. Đây là một giai đoạn cay đắng của Quân Đội Lục Địa. Hàng trăm ngựa và bò chết đói vì không có thực phẩm. 3,000 người lính của Tướng Washington không có giầy dép. Nơi trú ngụ của họ chỉ là các túp lều dựng lên tạm bợ bằng cành cây! Nhiều người lính đã chết vì lạnh và thiếu thốn. 2,000 lính đã đào ngũ. Chính vào lúc gần như tuyệt vọng này, một chuyên viên quân sự người Đức, đã từng phục vụ dưới thời Đại Đế Frederick của nước Phổ, đến huấn luyện binh sĩ và sĩ quan Hoa Kỳ, đó là Bá Tước Von Steuben.
    Năm 1777 đánh dấu một khúc quanh về thắng lợi của Hoa Kỳ trong cuộc Cách Mạng giành độc lập. Ngay sau cuộc Cách Mạng xẩy ra, nước Pháp đã bí mật gửi tiền bạc và đồ tiếp liệu giúp đỡ các người thuộc địa Bắc Mỹ. Tới khi quân đội Lục Địa chiến thắng tại Saratoga và khi Tướng Washington đang tấn công quân đội Anh tại Germantown, thì những chiến tích này đã khiến cho nước Pháp không cần che dấu các trợ giúp quân sự nữa. Vào lúc này, Tướng Washington trông đợi hạm đội Pháp tại bờ biển Hoa Kỳ.
    Vào tháng 4-1778, Hạm Đội Pháp dưới quyền của Đô Đốc Charles Hector Théodat, tức Bá Tước D’ Estaing, rời hải cảng Toulon thuộc Pháp, để qua Bắc Mỹ. Tại Philadelphia, Trung Tướng Sir Henry Clinton, người thay thế Tướng Howe, e sợ rằng hạm đội Pháp sẽ tiến vào sông Delaware để cắt đường, không cho đạo quân Anh rút về New York, vì vậy Tướng Clinton cùng với các người trung thành di tản khỏi thành phố Philadelphia, rút lui qua xứ New Jersey. Đạo quân của Tướng Washington đuổi theo, tấn công đoàn quân Anh tại Monmouth Courthourse ngày 28-6 nhưng thắng bại của trận này không rõ rệt.
    Hạm đội Pháp gồm 12 tầu chiến tới cửa sông Delaware vào ngày 8-7-1778 thì thấy quân đội Anh đã rút lui, nên sau đó đã di chuyển tới Sandy Hook vào ngày 14-7. Vị Đô Đốc người Pháp đã bắt liên lạc với bộ chỉ huy của Tướng Washington và lập kế hoạch đánh hạm đội Anh nhưng vì mực nước quá cạn và thời tiết xấu nên kế hoạch kể trên phải bỏ dở. Cuối cùng, ngày 4-11, đoàn tầu chiến Pháp nhắm vùng biển Tây Ấn ra đi.
    Tại miền tây, một lực lượng quân đội Lục Địa do Tướng Geoge Rogers Clark chỉ huy đã chiếm được đồn Vincennes (ngày nay thuộc tiểu bang Indiana) của lực lượng Anh, nhờ đó quân đội Lục Địa kiểm soát được cả vùng phía bắc của thung lũng Ohio. Đồng thời, Tướng Washington cũng phái đi một lực lượng hùng hậu do Tướng John Sullivan chỉ huy, tới miền tây của xứ New York để đánh phá các làng da đỏ Iroquois. Đồn lũy Stony Point của người Anh trên bờ sông Hudson cũng bị Tướng “Mad Anthony” Wayne chiếm vào tháng 7 rồi Thiếu Tá Henry Lee chiếm trại quân Anh Paulus Hook trên bờ biển Jersey vào tháng 8-1779.
    5. Các trận đánh tại Miền Nam
    Vào năm 1778, các bộ trưởng của Vua nước Anh phải đối đầu với nhiều vấn đề, nào là sự đầu hàng của Tướng Anh Burgoyne, sự tham gia của nước Pháp vào trận chiến, nào là các áp lực của Quốc Hội Anh, đòi hỏi phải dùng chiến lược mới.
    Vào thời gian này, các người trung thành miền Nam đề nghị rằng một chiến dịch tại phía nam có họ tham gia, sẽ dùng đến ít nhân lực hơn. Ngày 29-12-1778, một đoàn quân viễn chinh Anh gồm 3,500 người từ New York, đã di chuyển xuống Georgia và chiếm thành phố Savannah. Quốc Hội Lục Địa đã phái Thiếu Tướng Benjamin Lincoln xuống Charleston, S.C., để chỉ huy mặt trận phía nam. Ngày 9-10-1779, cánh quân của Tướng Lincoln cùng với Hải Quân Pháp của Đô Đốc D ‘Estaing vây hãm thành phố Savannah nhưng nơi này không bị thất thủ và khi Hải Quân Pháp rút đi theo lệnh từ Paris, 3,500 quân của Tướng Lincoln bị 8,000 quân của Tướng Clinton người Anh bao vây rồi phải đầu hàng vào tháng 5-1780. Sau đó, Tướng Lincoln trở về New York, giao lại quyền chỉ huy cho Trung Tướng Charles Cornwallis điều khiển 7,000 lính Anh chính quy cùng với các toán quân trung thành, để bình định hai xứ thuộc địa Carolinas.
    Vào thời gian này, ngoài sự trợ giúp về tiền bạc, tiếp liệu và hải quân, nước Pháp còn gửi tới Bắc Mỹ vào tháng 7-1780, 5,000 quân với quân trang và đạn dược đầy đủ, 106 khẩu đại bác và 17 nhân viên y tế, đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Jean Baptiste de Vimeur và Bá Tước De Rochambeau. Sự tham gia của quân lực Pháp đã làm quân đội Lục Địa lên tinh thần và cũng làm cho các nhà buôn địa phương vui lòng khi những người lính tình nguyện này đã tiêu xài bằng các đồng tiền vàng. Khi đoàn quân Pháp sang giúp đỡ quân đội Lục Địa thì mặt trận đã chuyển về các xứ miền nam.
    Ngày 16-8-1780, Tướng Cornwallis đã thắng được Tướng Gates tại Camden, S.C., nhưng cũng từ nay bắt đầu các trận đánh du kích của dân quân Lục Địa. Tháng 3 năm 1781, Thiếu Tướng Cornwallis dàn quân, đánh đạo quân của Thiếu Tướng Nathanael Greene nhưng vì thiếu tiếp liệu và với hơn 500 binh lính bị giết, đạo quân Anh phải rút về Wilmington, N.C. Khi được tăng cường vào tháng 4-1781, Tướng Cornwallis đã di chuyển quân lên phía bắc để vây Tướng De Lafayette, lúc đó đang chỉ huy 3,000 quân tại Richmond, VA. Vì không thể đối đầu do lực lượng chỉ bằng nửa, Tướng De Lafayette đã rút lui về phía tây bắc và được Tướng Wayne đem 1,000 quân tăng cường. Sợ bị vây hãm, Tướng Cornwallis đành kéo quân về phòng thủ tại Yorktown là một nơi gần bờ biển, dễ dàng cho Hải Quân Anh đến tiếp cứu.
    6. Chiến thắng cuối cùng của Quân Đội Lục Địa
    Khi sống tại nước Pháp, ông Benjamin Franklin vẫn thường xuyên báo cáo về Hoa Kỳ các biến cố xẩy ra tại nước Pháp và nước Anh đối với cuộc Chiến Tranh Cách Mạng.  Khi đó, cuộc thất trận của quân đội Anh tại Saratoga đã khiến cho dân chúng Anh đòi hỏi Nhà Vua và các bộ trưởng Anh phải lo việc dàn xếp hòa bình và công nhận nền Độc Lập của các xứ thuộc địa.
    Mặt khác, Tướng George Washington biết rõ rằng quân đội Anh không thể đóng quân trong đất liền sau nhiều tháng mà phải trở ra bờ biển để lấy tiếp liệu và quân đội Anh sẽ đầu hàng nếu bị ép giữa hai lực lượng của quân đội Lục Địa và Hải Quân Pháp từ ngoài biển. Rất may mắn cho các xứ thuộc địa Bắc Mỹ vì vào thời gian này, các bộ trưởng của nước Pháp muốn phục thù việc mất đi các phần đất nhường cho nước Anh, vì vậy Hải Quân Pháp được tăng cường và binh lính Pháp được luyện tập tinh nhuệ.
    Vào tháng 9-1779, các hạm đội của hai nước Pháp và Tây Ban Nha đã đánh phá pháo đài Gibraltar của người Anh. Đây là một cửa ải rất quan trọng tại miền Địa Trung Hải, nếu xét cả về hai mặt chiến thuật và kinh tế. Vì thành phố Gibraltar chỉ có thể tiếp tế và tăng cường bằng đường biển, nên trách nhiệm phải bảo vệ pháo đài này rất lớn lao.
    Từ xưa, nguyên tắc chiến lược của người Anh trong cuộc chiến tranh với người Pháp là duy trì một lực lượng hải quân thật hùng hậu và tìm cách phong tỏa hai quân cảng của nước Pháp là Brest trên Đại Tây Dương và Toulon trên Địa Trung Hải. Nhưng vào năm 1781, Hải Quân Hoàng Gia Anh không có đủ tầu chiến để vừa phong tỏa hai quân cảng của nước Pháp, vừa tiếp tế và bảo vệ pháo đài Gibraltar. Hạm đội Pháp ra đi từ quân cảng Toulon vào năm 1778 là một chứng tỏ sự yếu kém của Hải Quân Anh. Tới năm 1781, nhân khi pháo đài Gibraltar bị công phá, 29 tầu chiến của Pháp, chỉ huy do Đô Đốc Francois Joseph Paul, tức Bá Tước De Grasse, đã ra khơi vào ngày 22-3 để tiến về vùng biển Tây Ấn và Bắc Mỹ.
    Ngày 14-8-1781, Tướng George Washington nhận được tin Đô Đốc De Grasse đã mang hạm đội Pháp tiến vào Vịnh Chesapeake, ông liền quyết định đánh Tướng Cornwallis tại Yorktown, VA. Hai đoàn quân của Tướng Washington và Tướng Jean Rochambeau, người Pháp, cùng tiến về phía nam trong khi ngoài biển, Hạm Đội Anh dưới quyền Đô Đốc Thomas Graves đã phải bỏ chạy trước Hạm Đội Pháp đang tiến tới. Rồi 16,000 quân Hoa Kỳ, Pháp và dân quân địa phương đã ở dưới quyền của Tướng Washington, vây quanh Yorktown. Trước tình thế tuyệt vọng này, Tướng Cornwallis với 7,247 binh lính đã đầu hàng trước Tướng George Washington vào ngày 19-10-1781.
    Cuộc đầu hàng của quân đội Anh tại Yorktown đã chấm dứt cuộc Chiến Tranh Cách Mạng tại Bắc Mỹ nhưng các thương thuyết hòa bình còn kéo dài tới khi Hòa Ước Paris được ký kết.
    Sau chiến thắng Yorktown, Lord North từ chức và vị thủ tướng Anh thay thế đã có thiện cảm với nền độc lập của Hoa Kỳ. Hội nghị hòa bình được trù liệu tại Paris. Quốc Hội Lục Địa đã cử đi dự 5 ủy viên, gồm các ông John Adams, John Jay, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson và Henry Laurens, nhưng ông Jefferson không đi còn ông Laurens đã tới châu Âu 2 ngày trước ngày ký hòa ước.
    Vào ngày 03-9-1783, Hòa Ước Paris được ký kết theo đó nước Anh công nhận các thuộc địa cũ của mình là Quốc Gia Hoa Kỳ được độc lập, có biên giới tại phía bắc là xứ Canada, có giòng sông Mississippi ở phía tây và xứ Florida là biên giới phía nam.
    Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ là một biến cố rất lớn lao về nền dân chủ và tính bình đẳng. Sau cuộc chiến tranh này, các phần đất rộng lớn của Vua nước Anh, của các địa chủ trung thành đã bỏ xứ ra đi, đều thuộc về các chính quyền địa phương, hoặc được phân chia nhỏ để bán lại cho các dân quân ái quốc. Từ nay, các tiểu bang được thành lập và việc xây dựng quốc gia Hoa Kỳ được bắt đầu.
    Nguồn: http://www.vietthuc.org/cac-tran-chien-trong-cuoc-cach-mang-hoa-ky-1776/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org