Nhà nghiên cứu,
dịch giả Bùi Văn Nam Sơn Nhiều năm qua, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dày công dịch
và chú giải ba quyển Phê phán nổi tiếng của nhà triết học Đức I. Kant:
"Phê phán lý tính thuần túy" (2004, tái bản 2007), "Phê phán
năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007) và
"Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006). Ông sắp cho ra mắt
"Khoa học lôgíc" (Hegel), tác phẩm nền tảng về phép biện chứng. Để có
các bản dịch chính xác, ông đã đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh, Pháp, Trung,
và có công chú giải tác phẩm một cách kỹ lưỡng, khoa học, một việc lâu nay chưa
ai làm được. Đặc biệt, bản dịch "Phê phán lý tính thuần túy" (dày
1.300 trang) đã được Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh và Đại học Quốc gia Hà Nội
trao tặng giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế 1.2007. Ông nói: "Đối với
nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về
học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một
cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học
trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp
phát văn hóa".
+ Sau giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế, ông tiếp tục dịch tác phẩm của I. Kant và Hegel cho liên mạch, hay dịch một tác giả nào khác? Ông nghĩ gì về tình hình dịch thuật chung hiện nay?
+ Sau giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế, ông tiếp tục dịch tác phẩm của I. Kant và Hegel cho liên mạch, hay dịch một tác giả nào khác? Ông nghĩ gì về tình hình dịch thuật chung hiện nay?
- Hiện nay dịch
thuật có 3 mảng: Văn học, thông tin giải trí và khoa học. Tuy chất lượng dịch
không đều, nhưng phải nhìn nhận có những khởi sắc đáng mừng. Có lẽ, do nhu cầu
thị trường mà mảng giải trí được dịch khá nhiều, trong khi sách khoa học còn
ít; thậm chí quá ít, không tương xứng với một đất nước 80 triệu dân, với khoảng
hơn chục triệu sinh viên, học sinh. Ở nước ngoài, ngay học sinh lớp 6 đã không
thụ động nghe thầy giảng, mà bắt đầu tự đọc các tác phẩm do thầy chỉ dẫn. Nếu
ta cũng thay đổi theo cách đó thì số lượng sách sẽ không chỉ dừng ở 1.000 bản
mà tăng gấp trăm lần, với giá rẻ. Tuy nhiên, ở ta vẫn chưa có thói quen tập cho
sinh viên (nói gì đến học sinh) làm việc khoa học, trên cơ sở tiếp cận trực tiếp
với văn bản như thế. Cách học gián tiếp khiến người học VN không tự tin. Đơn cử,
một trong các cuốn sách quan trọng vào bậc nhất về chính trị học tại Mỹ hiện
nay là "Một lý thuyết về sự công bằng" (A Theory of Justice) của John
Rawls đã có hơn 3.000 bài nghiên cứu viết về nó. Làm sao đọc hết, mà có đọc hết
cũng không biết đúng sai thế nào và nhất là không thể tham gia thảo luận nếu
không trực tiếp biết ông Rawls nói gì. May mắn là tác phẩm ấy đang được Tủ sách
Tinh hoa của NXB Tri thức tổ chức dịch và hy vọng sớm ra mắt. Tóm lại, người học
cần tiếp xúc với tác phẩm đầu nguồn của khoa học thế giới. Đây là điểm yếu của
nền học thuật VN, vì ta đang thiếu nhiều công cụ cơ sở cho người học. Phần tôi,
vẫn tiếp tục cố gắng đóng góp một phần nhỏ vào tủ sách cùng với nhiều người
khác.
+
Với tư cách là một trong các nhà giáo dục lớn của mọi thời đại, Kant còn đóng
vai trò "khai sáng" như thế nào trong đời sống xã hội hiện nay, theo
ông?
- Tôi xin phép đổi
chữ "Khai sáng" quen thuộc thành chữ "Khai minh" theo đúng
ngữ pháp Hán Việt. Kant viết: "Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự
không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy". Không trưởng thành là sự bất
lực không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Vì
thế, ông bảo: khẩu hiệu của sự Khai minh là: "Sapere aude!" (Latin:
"Hãy dám biết!"), hãy có gan dùng đầu óc của mình. Con người rất
thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác
chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi "xiềng xích êm ái" ấy, con người
thấy bơ vơ, lúng túng, vì không quen suy nghĩ và vận động tự do. Một cuộc cách
mạng có thể lật đổ kẻ độc tài nhưng không phải dễ dàng mang lại sự cải cách
đích thực về lề lối tư duy. Theo nghĩa đó, khai minh là một tiến trình tất yếu,
bất tận. Vận dụng vào lĩnh vực giáo dục, nó mãi mãi có ý nghĩa thiết thực: khuyến
khích, bảo vệ quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học, vun bồi tinh thần phê
phán và khả năng tự đề kháng của người học.
+
Ông từng nói dịch sớm và dịch cái đáng dịch là cách nhanh nhất để bắt kịp thiên
hạ. Phải chăng cũng là một cách "đi tắt đón đầu"?
- Đúng và không.
Theo tôi, "đi tắt đón đầu" có thể đúng ở một lĩnh vực công nghệ cục bộ
hay mánh lới làm ăn nào đó, hiểu như là sự nắm bắt thời cơ và có cách làm thông
minh, tiết kiệm, còn học thuật và dân trí thì phải theo một tuần tự chứ không
thể chờ có phép lạ. Muốn tiếp thu những giá trị vĩnh cửu và tiên tiến đích thực,
phải có nền tảng, phải cần thời gian, chỉ đừng để mất thời gian vì đi đường
vòng. Những giá trị ấy độc lập với dân tộc, chính trị. Tự mình đóng cửa thì hạn
chế tầm nhìn, chỉ có hại cho mình thôi. Bởi lẽ, mình không đọc sách thì sách
đâu có chết! Niềm tin được củng cố thực sự khi được so sánh và thử thách với
các tư tưởng khác. Nói như Hegel, tin là phải hiểu cái mình tin.
+
Nước ta chưa có một truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời. Việc tiếp thu từ
bên ngoài cũng còn lỗ mỗ, thiếu hệ thống. Thêm vào đó, lối giảng dạy ở nhà trường,
nhất là ngành triết và các ngành khoa học xã hội-nhân văn còn nhiều lỗ hổng và
thiên lệch. Ông nghĩ sao về điều này?
- Năm nay chúng
ta kỷ niệm 100 năm phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Đã lần lượt có
các buổi hội thảo nhân dịp này ở Hà Nội, Hội An, và vào ngày 21.9. tại Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, kết hợp với lễ ra mắt ở phía nam của Quỹ Dịch
thuật Phan Châu Trinh. Theo tôi nhận xét, đó là các dịp rất tốt để anh chị em
tri thức tâm huyết cùng nhau suy nghĩ và cố gắng làm những gì chưa làm được. Thật
ra, là phải làm nốt những gì các cụ chưa thể làm do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt
và hãy làm những gì lẽ ra chúng ta đã phải làm. Chúng ta đã mất quá nhiều thời
gian và thời cơ!
+
Nhất là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế dồn dập với số lượng kiến
thức khổng lồ như ngày nay?
- Trong thời hội
nhập, vẫn không thể giao lưu nếu không hiểu nhau và không hiểu nhau ở cùng một
trình độ. Việc hiểu quan trọng nhất phải thông qua học thuật. Trước đây loài
người thấy thế giới tự nhiên rất khó hiểu. Sang thế kỷ 21, do sự phát triển vượt
bậc của khoa học và kỹ thuật, việc tìm hiểu tự nhiên có khi không khó khăn bằng
hiểu cái thế giới tự nhiên thứ hai do con người tạo ra (tức khối lượng tri thức
khổng lồ của nhân loại). Không biết chọn lọc tinh hoa, người học rất có thể lạc
vào khu rừng rậm, không tiếp cận nổi. Đây là việc làm rất quy mô và đòi hỏi sự
kiên trì. Để làm được công việc to lớn là đưa tri thức thế giới vào VN một cách
hệ thống, lẽ ra phải có một đội ngũ hùng hậu những dịch giả - học giả chuyên
sâu về một ngành, một lĩnh vực, một tác giả, thậm chí một tác phẩm. Mình đụng
đâu làm đó, chỉ dựa vào người biết ngoại ngữ chứ chưa phải những người chuẩn bị
dày công cho việc dịch sách khoa học. Đó là chưa nói thù lao không đủ sống!
+
Đội ngũ dịch giả, như ông nói, đã thiếu lại yếu, giải quyết vấn đề này thế nào,
thưa ông?
- Có lẽ chúng ta
nên học kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ biết rằng công cuộc cải cách
giáo dục phải bắt rễ từ nền móng khoa học. Do đó, bên cạnh việc đào tạo chuyên
gia ở ngoài nước, họ chủ yếu dựa vào lực lượng hùng hậu tại chỗ là sinh viên, nếu
không, chẳng biết lấy đâu ra. Giáo sư hướng dẫn sinh viên làm luận án thạc sĩ,
tiến sĩ, bằng cách cho họ dịch, chú giải, bình luận những tác phẩm kinh điển
trên thế giới. Đây là nguồn lực vô tận, lại không tốn kém nhiều mà dễ tổ chức
có hệ thống. Nhìn phương Tây mà xem. Trong thời gian tương đối ngắn, họ đã có
trong tay hầu hết những bản dịch đáng tin cậy về văn hóa và văn minh phương
Đông. Họ đã làm theo cách ấy, và còn có thuận lợi là dựa vào nguồn du học sinh
Châu Á ở nước họ để dịch kinh điển phương Đông, có sự thẩm định của ban giám
khảo. Hai bên cùng có lợi, và người tốt nghiệp thực sự có được kiến thức vững
vàng.
+
Ông thường nói: "Học triết thì nên đến thẳng với "Phật" chứ
không thông qua "các nhà sư". Để học và dịch những tác phẩm đồ sộ,
ông có phải đi đường vòng không?
- Đi đường vòng
nhiều chứ. Mất thì giờ vô cùng. Mất sức nữa. Đơn giản vì tôi không có được các
bản dịch giúp cho mình tham khảo khi còn trẻ. ẹt được thụ hưởng công trình của
đồng hương mình. Những sinh viên đi du học như tôi đều gặp những trở ngại lớn
như thế. Tôi có bạn học là một sinh viên người Hàn cùng cặp tình nhân người Nhật.
Lúc sang Tây Đức, tôi đã có bằng cử nhân, còn cặp tình nhân kia thì chưa, và
còn rất trẻ. Thế nhưng, tôi và ông bạn người Hàn hết sức ngạc nhiên trước trình
độ của họ. Hỏi ra mới hay, họ có trong tay cả hai bản dịch toàn tập bằng tiếng
Nhật, cùng sách tham khảo, từ điển. Vào năm 1970, Hàn Quốc cũng như mình. Nhưng
gần đây, ông bạn Hàn Quốc viết thư khoe với tôi, sau khi về nước, thế hệ của
ông và trước ông một ít đã dịch những bộ toàn tập các tác giả lớn nhất qua tiếng
Hàn. Ông còn nói đùa: "Bảo đảm chất lượng Đức quốc!". Từ chỗ tay trắng,
sau 30 năm, Hàn Quốc đã có một kho tàng kinh điển. Tôi hết sức kinh ngạc vì điều
này.
+
Nâng cấp đại học VN nên bắt đầu từ việc trùng tu nền học thuật. Liệu một thế hệ
đã có thể lấp đầy những lỗ hổng này?
- Chúng ta đã có
một nền học thuật bình thường như các nước khác hay chưa mới là vấn đề. Muốn cải
cách giáo dục, xây dựng đại học có đẳng cấp khu vực thì trước hết phải làm những
công việc bình thường như người ta đã làm. Nhìn vào thư viện sẽ thấy ngay nền học
thuật, dịch thuật của một đất nước đến đâu. Vậy phải làm ngay kẻo không kịp.
Không có phép lạ nào ngoài việc có biện pháp hợp lý, rồi làm việc kiên trì và
lâu dài. Không ai dám chắc, nhưng nếu làm tận lực, một thế hệ vẫn có thể khắc
phục được lỗ hổng ấy. Quan trọng là phải thấy việc tiếp cận tinh hoa thế giới một
cách có hệ thống là cần thiết. Sau đó mới đến việc sử dụng chất xám của sinh
viên cao học.
+
Xin cảm ơn ông!
Theo NHẬT LỆ,
Lao Động Cuối tuần
(Nguồn:http://vietbao.vn/Van-hoa/Tu-dong-cua-la-tu-hai-minh/40221225/181/)