Tóm tắt Khế ước xã hội (Q2)

Posted on
  • Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch
    Quyển II, Chương I-V
    Tóm tắt
    Chỉ có ý chí chung mới có thể hướng dẫn sức mạnh của cộng đồng vì lợi ích chung. Một con người cá nhân có thể tạm thời có lợi ích giống với ý chí chung, nhưng sẽ không chia sẻ với lợi ích chung này trong mọi hoàn cảnh. Do vậy, quyền tối cao là không thể chuyển nhượng, và không thể được đại diện bởi bất cứ ai khác ngoài chính quyền tối cao. Quyền tối cao cũng không thể phân chia: ý chí hoặc phản ánh lợi ích của tất cả các công dân, hoặc nó không như vậy. Rousseau phàn nàn về các nhà lý thuyết chính trị, những người đã phân chia quyền tối cao thành các phần khác nhau, như lập pháp và hành pháp. Trong thực tế, ông tin là những phần này phụ thuộc vào ý chí chung, và chỉ nhằm thực hiện các lợi ích của cộng đồng.  
    Ý chí chung luôn luôn đúng, và luôn luôn thúc đẩy lợi ích chung. Tuy nhiên, sự cân nhắc của người dân không luôn luôn là sự thể hiện của ý chí chung. Rousseau phân biệt giữa “ý chí của tất cả” – tổng tất cả các ý kiến cạnh tranh trong xã hội – và ý chí chung. Nếu tất cả các ý kiến khác nhau có một sự ảnh hưởng tương đương, thì ý chí chung sẽ là ý chí của tất cả. Tuy nhiên, khi có những liên hợp (nhóm) riêng rẽ trong xã hội, thì mỗi liên hợp sẽ phát triển một tập hợp cụ thể các lợi ích mà khác với lợi ích được diễn đạt bởi ý chí chung. Khi một nhóm trở nên đủ lớn để chi phối các nhóm khác, thì không còn có ý chí chung, và chỉ có ý chí riêng được bày tỏ. Do vậy, để cho ý chí chung được thúc đẩy, điều quan trọng là xã hội không nên có phe phái hoặc có các phe phái nhưng với quyền lực tương đương nhau. 
    Quan tâm chính của nhà nước là sự bảo tồn của nó, và nó có thể đòi hỏi bất cứ điều gì từ các thành viên của nó để đảm bảo sự bảo tồn này. Do dó, công dân phải đóng góp bất cứ tài sản hay sự phục vụ nào cho chủ quyền tối cao ngay khi được yêu cầu. Tuy nhiên, quyền tối cao không thể đưa ra các nghĩa vụ đối với các thành viên mà không mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ngoài ra, quyền tối cao chỉ có thể giải quyết các vấn đề mà ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Khi ý chí chung có một mục đích riêng, nó đánh mất tính đúng đắn của nó và không còn theo đuổi lợi ích chung. Khế ước xã hội đòi hỏi tất cả người dân phải có quyền như nhau. Do vậy, quyền tối cao không đòi hỏi nhiều hơn từ bất cứ người nào khác. Khi nó làm như vậy, các quyết định của nó trở nên riêng tư thay vì là chung, và khác với ý chí chung.
    Cuối cùng, Rousseau thảo luận liệu quyền tối cao có thể yêu cầu công dân hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ quyền tối cao hay không. Ông cho rằng dù con người không có quyền để tự tử, họ có thể mạo hiểm mạng sống của họ để bảo vệ nó. Do đó, một cá nhân có thể mạo hiểm mạng sống của anh ta để bảo vệ nhà nước. Bởi vì mục đích của khế ước xã hội là sự bảo tồn của các thành viên của nó, mọi người phải sẵn sàng, ở thời điểm chiến tranh hay khủng hoảng, mang mạng sống của mình ra để bảo vệ người khác.
    Logic tương tự cũng áp dụng đối với hình phạt tử hình. Bởi vì không ai muốn bị giết, nên họ phải đồng thuận chịu hình phạt tử hình nếu họ trở thành kẻ giết người. Ngoài ra, bất cứ sự phạm tội nào đều trở thành một kẻ phản bội và là kẻ thù của nhà nước. Anh ta không còn là một công dân, và phải bị loại bỏ khỏi xã hội vì sự an toàn của nó. Dù Rousseau chấp thuận hình phạt tử hình trong một số hoàn cảnh nào đó, ông cho rằng ở đâu mà sử dụng thường xuyên hình phạt thì ở đó chính quyền là yếu kém. Nhà nước chỉ nên kết án tử hình đối với ai mà họ không thể làm cho hối cải. Rousseau khẳng định rằng nhà nước có quyền tha thứ nhưng cần sử dụng nó chường mực để bảo vệ sự tuân thủ pháp luật.
    Phân tích
    Rousseau thừa nhận rằng các cá nhân có thể có lợi ích riêng xung đột với ý chí chung, và bày tỏ sự quan tâm đến ảnh hưởng thao túng của phe nhóm. Thông thường, các lợi ích cạnh tranh có thể triệt tiêu lẫn nhau, và ý chí của tất cả xấp xỉ ý chí chung. Tuy nhiên, khi mọi người hình thành phe nhóm, việc diễn đạt ý chí chung trở nên khó hơn. Vì lý do này, Rousseau khuyên mỗi cử tri có một tinh thần độc lập với các cử tri khác. Với luận điểm là mọi người phải cân nhắc lợi ích chung khi bỏ phiếu, thì sự tự biệt lập này dường như là một yêu cầu kì cục. Vì mọi người thừa nhận rằng việc thảo luận một vấn đề với người khác giúp họ nhận ra lợi ích chung. Tuy nhiên, Rousseau khẳng định rằng sự độc lập của các cử tri ngăn không cho họ liên kết với nhau và làm méo mó ý chí chung.
    Lợi ích chung thúc đẩy lợi ích tốt nhất của nhà nước dù cho sự phản đối của cá nhân. Ví dụ, nhà nước có nên ban hành thuế để hỗ trợ kinh phí cho giáo dụng công hay không. Dù hầu hết mọi người đồng ý rằng đó là lợi ích tốt nhất của nhà nước khi có các công dân được giáo đục, nhưng một số cá nhân có thể không muốn đóng thuế này. Ví dụ, họ không còn ở tuổi đi học, và do đó không có lợi gì từ giáo dục công, vì vậy thấy nó như là gánh nặng. Trong trường hợp này, ủng hộ lợi ích chung có nghĩa là rời bỏi sự tư lợi cá nhân để củng cố sự thịnh vượng của nhà nước.
    Rousseau cũng khẳng định tính không thể chuyển nhượng của quyền tối cao. Người dân không thể chuyển nhượng quyền lập pháp cho cá nhân hoặc nhóm mà không hủy bỏ khế ước xã hội. Trong Quyển I, Rousseau lập luận rằng khi một cá nhân trao anh ta cho người khác thì có nghĩa là anh ta từ bỏ đạo đức và nhân tính của mình. Khái niệm tương tự cũng áp dụng cho quyền tối cao. Nếu quyền tối cáo chuyển quyền lập pháp cho một cá nhân hay một nhóm, thì các thành viên của xã hôi ngừng có bất cứ nghĩa vụ đạo đức nào với nhau.
    Rousseau cũng khẳng định là quyền tối cao không thể phân chia. Tính không thể phân chia của quyền tối cao có quan hệ với tính không thể chuyển nhượng. Sự phân chia quyền lực tối cao giống với một sự chuyển nhượng một phần của quyền lập pháp. Cả tính không thể phân chia và tính không thể chuyển nhượng của quyền tối cao làm thỏa mãn điều kiện thứ hai của Rousseau về chính thể hợp pháp – đó là khi tuân theo luật, mỗi người tuân theo chính anh ta. Vì điều này là đúng đắn, nên mọi người phải thực thi thẩm quyền lập pháp trong mọi lĩnh vực.
    Rousseau phân biệt giữa luật và sắc lệnh, và khẳng định là cái sau liên quan đến các vấn đề cụ thể, trong khi cái trước liên quan đến vấn đề tổng quát. Luật là một sự diễn đạt của ý chí chung, là thứ duy nhất có thể gán các nghĩa vụ cho các thành viên của xã hội. Trong chương 4, quyển II, Rousseau cho rằng quyền tối cao không có quyền “thiên vị cho người này hơn người khác”. Nếu nó làm như vậy, thì quyền tối cao sẽ mất đi tính hợp pháp. Một điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là yêu cầu cho rằng tính tổng quát có thể được mở rộng ra ngoài khuân khổ của luật tới sự ứng dụng của nó. Tức là, một luật có thể được diễn đạt ở dạng tổng quát nhưng chỉ áp dụng cho các cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, theo Rousseau một luật đúng đắn phải thực sự áp dụng hoặc có khả năng áp dụng cho mọi công dân.
    Quyển II, Chương VI-VII
    Tóm tắt
    Khế ước xã hội mang lại đời sống cho cơ thể chính trị, nhưng luật chứa đựng ý chí chung. Theo Rousseau, một luật là một quyết định mà nó xét quốc gia như một tổng thể, và không thể áp dụng cho các cá nhân cụ thể. Ví dụ, luật có thể tạo ra một chính phủ hoàng gia và sự kế vị cha truyền con nối, nhưng nó không thể lựa chọn một gia đình hoàng gia. Vì, quyền bổ nhiệm lãnh đạo chính trị thuộc sức mạnh hành pháp.
    Bởi vì người dân thường không biết làm thế nào để theo đuổi lợi ích chung, Rousseau khẳng định là phải có sự hướng dẫn để giúp người dân ban hành luật. Hướng dẫn này, người mà Rousseau gọi là “nhà lập pháp” đảm bảo cho luật luôn hỗ trợ cho sự bảo tồn của nhà nước. Nhà lập pháp bảo vệ luật khỏi bị thao túng bởi ý chí riêng, cũng giúp đỡ người dân cân nhắc các lợi ích ngắn hạn so với chi phi dài hạn của một quyết định. Do vậy nhà lập pháp phải là người xuất chúng trong nhiều lĩnh vực. Anh ta phải cực kì thông mình và có khả năng chống lại niềm đam mê của người dân trong khi vẫn phải tính đến lợi ích trong hạnh phúc của họ. Anh ta phải xem xét hiện tại và tương lai khi ban hành luật. Nhà lập đứng ở vị trí có thể thay đổi bản chất con người, thay thế sự tự do trong trạng thái tự nhiên bằng sự tự do dân sự, và củng cố quyền lực của nhà nước. Dù nhà lập pháp là người có trí tuệ cao hơn, song đề nghị của anh ta phải được người dân chấp thuận trước khi chúng trở thành luật. Người dân không thể từ bỏ quyền lập pháp, bởi vì chỉ ý chí chung mới có thể ràng buộc lên các các nhân riêng rẽ.
    Bởi vì quyền tối cao nằm ở trong tay người dân, nên nhà lập pháp phải làm luật dễ hiểu với đại chúng và phải thuyết phục người dân tuân theo luật mà không sử dụng vũ lực. Vì lý do này, trong suốt lịch sử, các nhà làm luật đã dùng đến một thẩm quyền tối cao để thuyết phục người dân chấp nhận luật. Rousseau cho rằng tôn giáo và chính trị không có cùng mục đích, nhưng trong giai đoạn đầu của quốc gia, tôn giáo có thể phục vụ như là một công cụ chính trị đầy quyền lực.
    Phân tích
    Rousseau bắt đầu Chương VI bằng định nghĩa về luật. Một luật là một quyết định được đưa ra bởi toàn thể cộng đồng mà ảnh hưởng tất cả mọi người. Trong hệ thống chính trị Mỹ, Hiến pháp là một tập hợp các luật. Một sắc lệnh thì khác với một luật vì nó quan tâm đến các cá nhân hay nhóm cụ thể. Sự bổ nhiệm lãnh đạo chính trị hay sự trường phạt một tội cụ thể là một sắc lệnh. Định nghĩa của Rousseau về luật trả lời cho nhiều vấn đề mà các triết gia chính trị nêu lên trong lịch sử. Từ định nghĩa này, không còn phải quan tâm xác định ai là người làm ra luật, bởi vì luật được định nghĩa như là một sự diễn đạt của ý chí chung, và cũng không còn phải hỏi vị nguyên thủ có đứng trên luật hay không, vì ông ta cũng chỉ là một thành viên của nhà nước. Ngoài ra, luật không thể không công bằng, bởi vì mọi người là tác giả của nó.
    Dù Rousseau trao quyền lập pháp cho người dân, ông có một vài quan ngại về sự thực thi quyền tối cao này. Ông tin là con người bình thường có thể thiển cận, dễ dàng bị thao túng, và thường không ý thức về nhu cầu của họ. Vì vậy, nhà lập pháp giúp hiểu chỉnh những khuyết điểm này của quá trình làm luật trong khi bảo đảm quyền tối cao thuộc về người dân.
    Để cho xã hội chính trị của Rousseau hoạt động được, thì các công dân phải ưu tiên ý chí chung bên trên lợi ích cá nhân của họ. Đây là một đòi hỏi rất khó, và Rousseau thừa nhận là nhà lập pháp phải giúp người dân theo đuổi lợi ích chung. Rousseau coi nhà lập pháp có một phẩm chất ling thiêng. Anh ta phải có trí tuệ và khả năng thuyết phục để tạo ra sự thay đổi về mặt đạo đức khiến các công dân nghĩ về người khác trước khi nghĩ về chính họ. Nhiều chỉ trích đối với lý thuyết chính trị của Rousseau tập trung vào việc hầu như không thể tìm thấy một nhà lập pháp như vậy.
    Một điều không rõ ràng là liệu Rousseau có tin rằng người dân có thể đáp ứng các yêu cầu của việc làm luật mà không có sự hướng dẫn của nhà lập pháp hay không. Nhà lập pháp giúp người dân cân nhắc lợi ích trước mặt so với rủi ro dài hạn, và ngăn cản lợi ích riêng khỏi bóp méo các tính toán của ý chí chung. Đây là những chức năng quyết định của quá trình lập pháp, và nếu không có sự giúp đỡ của nhà lập pháp, thì sẽ rất khó để duy trì nhà nước.
    Rousseau rất tin tưởng quyền lực của luật pháp. Luật biến đổi bản chất con người bằng cách thay thế sự tự do tự nhiên bằng tự do dân sự, và làm cho cá nhân là một phần của một toàn thể lớn hơn. Trong khi trạng thái tự nhiên cho phép con người làm bất cứ điều gì anh ta muốn, luật quy định anh ta các nghĩa vụ và đạo đức dân sự.
    Quyền II, Chương VIII-XII
    Tóm tắt
    Điều quan trọng đối với bất cứ nhà lập pháp nào là phải khảo sát người dân để quyết định liệu họ đã sẵn sàng tuân theo luật chưa. Các xã hội có thể ở trong các giai đoạn phát triển khác nhau ở thời điểm khác nhau, và một số không được trang bị đầy đủ để tuân theo luật bất kể luật đó là tốt hay xấu. Rousseau cho rằng một khi người dân phát triển các thói quen xấu, thì rất khó để cải biến họ thông qua luật. Dù các cuộc cách mạng có thể đưa đến một giai đoạn mới trong một xã hội và loại bỏ sự xấu xa của nó, những sự kiện này là rất hiếm và không thể xảy ra hai lần đối với cùng một dân tộc. Rousseau cho rằng người dân có thể đạt được sự tự do, nhưng họ không thể khôi phục nó sau khi nó đã mất. Do đó, các nhà lập pháp phải chờ đợi để xem liệu người dân đã đủ chín chắn trước khi bắt họ tuân theo luật: một nhiệm vụ rất khó khăn không thể coi nhẹ.
    Có những giới hạn đối với kích thước thực thể chính trị. Nó phải đủ lớn để duy trì chính nó, nhưng không quá lớn đến nỗi gây khó khăn cho quản lý. Nhìn chung, một nhà nước nhỏ được quản lý tốt hơn một nhà nước lớn vì những lý do sau. Thứ nhất, việc quản lý trở nên khó khăn hơn với khoảng cách xa. Thứ hai, chi phí duy trì hoạt động của chính quyền tăng với sự gia tăng kích thước. Thứ ba, người dân trở nên mệt mỏi với việc phải tuân theo mệnh lệnh của quá nhiều cấp chính quyền khác nhau. Khi chính quyền quá lớn, nó không thể củng cố luật. Người dân mất đi tình cảm với lãnh đạo và với quốc gia vì luật không thể phù hợp phổ quát cho mọi người sống ở các khu vực khác nhau và có truyền thống khác nhau.
    Một cơ thể chính trị có thể được đo bởi dân số và kích thước lãnh thổ. Trong một xã hội tốt, cả hai phải thỏa mãn một tỉ lệ lý tưởng. Phải có đủ người để bảo vệ và mở mang lãnh thổ, và lãnh thổ phải đủ để cung cấp lương thực cho tất cả. Nếu lãnh thổ quá rộng vượt quá khả năng bảo vệ của công dân, thì quốc gia đối mặt với nguy cơ bị xâm lược liên tục. Nếu có quá ít đất, quốc gia sẽ có xu hướng xâm lăng các nơi khác để đảm bảo nhu cầu của mình. 
    Mục đích sự lập pháp phải là thúc đẩy sự tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là mọi người phải có cùng một lượng quyền lực và sự giàu có như nhau. Quyền lực không bao giờ dựa trên bạo lực, và phải được thực thi phù hợp với luật. Liên quan đến sự giàu có, không ai có quá nhiều tiền đến nỗi anh ta có thể mua người khác, và không ai có quá ít để bị buộc phải bán mình. Dạng bình đẳng này có thể không tồn tại trong thực tế, nhưng luôn luôn phải là mục đích của nhà lập pháp.
    Nguồn lực tự nhiên và tâm tính của con người sẽ quyết định thể chế kinh tế mà xã hội có. Ví dụ, quốc gia với bờ biển dài, và thuận tiện sẽ tập trung vào thương mại và hàng hải, trong khi các quốc gia với bờ biển là các vách đá thì sẽ luôn trong tình trạng biệt lập với các quốc gia khác.
    Phân tích
    Trong chương trước, Rousseau lập luận rằng luật pháp tạo ra sự thay đổi về mặt đạo đức trong con người bằng cách thay thế sự tự do tự nhiên bằng sự tự do chính trị. Ở đây, ông tuyên bố là chỉ một số người thực sự sẵn sàng tuân theo luật pháp và do đó sẵn sàng cho sự chuyển đổi về mặt đạo đức. Điều này đưa đến vấn đề là liệu Rousseau tin rằng bản chất con người hay luật pháp thì cái nào quan trọng hơn khi làm biến đổi đạo đức. Ông khẳng định là con người có thể đạt đến một mức độ chín chắn nào đó trước khi phục tùng luật, nhưng không cung cấp bất cứ yếu tốt hữu hiệu nào để xác định là một người đã đạt đến điểm đó.
    Rousseau khẳng định là mỗi nước có một kích thước lý tưởng sẽ cho phép nó được quản lý hữu hiệu. Nhà nước phải đủ lớn để nó độc lập và có khả năng chống lại các quốc gia khác, nhưng không quá lớn khiến cho việc quản lý trở nên không thể. Dù Rousseau thừa nhận là rất khó để quyết định nhà nước như thế nào là lớn, rõ ràng ông thích nhà nước nhỏ hơn là nhà nước lớn. Trong các quốc gia lớn, chi phí cho quản trị tăng lên, người dân mất đi tình lòng tự hào dân sự của họ, và luật pháp thì không thể áp dụng như nhau cho các khu vực khác nhau của quốc gia.
    Rousseau khẳng định các hệ thống pháp lý phải hướng đến mục đích thúc đẩy sự tự do và bình đẳng. Luật phải bảo vệ tự do bởi vì kiểu quan hệ phụ thuộc sẽ làm mất đi sức mạnh của nhà nước. Nếu một người bị nô lệ bởi người khác, thì rõ ràng anh ta không thể trao mình cho nhà nước theo điều kiện mà khế ước xã hội đòi hỏi. Luật pháp phải duy trì sự bình đẳng vì sự tự do không thể tồn tại mà không có bình đẳng. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của Rousseau vào sự bình đẳng không nhất thiết có nghĩa là ông ủng hộ nhà nước cộng sản. Theo Rousseau, có thể có sự khác biệt về quyền lực và giàu có, nhưng sự xa hoa không được phép tồn tại.
    Dù Rousseau cho rằng mỗi nước phải hướng đến sự bình đẳng, nhưng ông tin là các nguồn lực tự nhiên sẽ quyết định cách tổ chức kinh tế của nhà nước. Ví dụ, các nước có đất đai khô cằn phải tập trung vào công nghiệp và bán các hàng hóa của họ để đổi lấy lương thực. Do đó, dù các châm ngôn có thể áp dụng cho tất các nhà nước, nhưng mỗi quốc gia nên tạo ra hệ thống pháp lý phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình.
    Nguồn: http://www.gradesaver.com/the-social-contract/study-guide/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org