Samuel Huntington – một trong những nhà khoa học chính trị, học giả có ảnh hưởng nhất trong vòng 50 năm qua

Posted on
  • Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Corydon Ireland
    Nguyễn Tố Nguyên dịch
     Samuel Huntington – giáo sư lâu năm của Đại học Harvard, một nhà khoa học về chính trị có tầm ảnh hưởng, và là thầy của nhiều thế hệ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã qua đời ngày 24 tháng 12 năm 2008 tại Martha's Vineyard, hưởng thọ 81 tuổi.
    Huntington thôi giảng dạy từ năm 2007, sau 58 năm làm việc tại Đại học Harvard. Trong một bức thư về hưu gửi cho Hiệu trưởng Harvard, ông viết: “Với tôi, thật là khó mà tưởng tượng có một công việc nào vinh quang và thú vị hơn công việc giảng dạy ở đây, đặc biệt là dạy các em cử nhân. Tôi trân quý từng giây phút được làm việc tại đây từ năm 1949.”
    Huntington sống tại Boston và Martha's Vineyard. Ông là tác giả, đồng tác giả hay là người biên tập cho 17 quyển sách và hơn 90 bài báo khoa học. Những lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông là: chính quyền Mỹ, dân chủ hoá, chính trị học quân sự, nghiên cứu chiến lược, mối quan hệ quân sự - dân sự, chính trị học so sánh và chính trị học phát triển.
    “Sam là học giả đã biến Harvard trở nên vĩ đại. Mọi người trên toàn thế giới nghiên cứu và tranh luận về các tư tưởng của ông. Tôi tin rằng ông chính là một trong những học giả về chính trị học có ảnh hưởng nhất trong vòng 50 năm qua.”- Henry Rosovsky, nhà kinh tế học, giáo sư của Harvard và là bạn của Samuel Huntington trong gần 60 năm nói.
    “Mọi cuốn sách của ông đều có những ảnh hưởng, tất cả chúng đã trở thành thân thuộc trong vốn từ vựng của chúng ta.” Rosovsky nói.
    Jorge Dominguez, phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Harvard mô tả Huntington như là  “một người khổng lồ trong lĩnh vực khoa học chính trị trên toàn thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua. Ông  ấy có năng khiếu thiên bẩm trong việc đặt ra những câu hỏi quan trọng nhưng thường không dễ trả lời. Ông ấy có biệt tài đưa ra các phân tích vượt qua được sự thử thách của thời gian.”
    Robert Putnam, giáo sư giảng dạy về chính sách công của Trường Kennedy ở Harvard, là bạn và đồng nghiệp của Huntington gọi ông là “một trong những người khổng lồ của đời sống trí thức Mỹ trong nửa thế kỷ qua.”
    Đối với Stephen P. Rosen, giáo sư về quân sự và an ninh quốc gia ở Harvard, “tài năng của Huntington được ghi nhận bởi giới học thuật trên toàn thế giới, những người đã đọc sách của ông. Nhưng ông còn được quý mến bởi những người gần gũi ông vì trong ông có sự kết hợp giữa  lòng trung thành đối với các nguyên tắc của chính mình, đối với bạn bè với lòng mong muốn đầy hạnh phúc trong việc chống chọi với những quan điểm trái ngược với ông.”
    Hugtington tốt nghiêp Đai học Yale năm 18 tuổi, bắt đầu giảng dạy tại Harvard năm 23 tuổi và nổi tiếng nhất với những quan điểm về sự va chạm của các nền văn minh. Ông cho rằng trong thế giới hậu chiến tranh lạnh, xung đột bạo lực không phát xuất từ những dị biệt về mặt ý thức hệ giữa các quốc gia, nó đến từ những sự khác biệt về mặt tôn giáo và văn hoá của các nền văn minh lớn của thế giới. Ông chia các nền văn minh trên thế giới thành các nhóm sau: văn minh phương Tây (bao gồm Mỹ và châu Âu), văn minh Mỹ la-tinh, văn minh Hồi giáo, văn minh châu Phi, văn minh Chính thống giáo (với Nga là hạt nhân trung tâm), văn minh Hindu, văn minh Nhật bản và văn minh Sinic (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam)
    Trong bài trả lời phỏng vấn tờ tạp chí Islamica năm 2007, ông vẫn cho rằng bản sắc văn hoá, sự đối kháng và đồng hoá không những có vai trò mà còn có vai trò lớn trong mối quan hệ giữa các quốc gia.
    Huntington đưa ra lý luận của mình trên một bài báo trong tạp chí Foreign Affairs năm 1993. Sau đó ông tiếp tục phát triển những tư tưởng này thành quyển “Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” ("The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order"), xuất bản năm 1996. Quyển sách này đã được dịch ra 39 thứ tiếng.
    Về cuối đời, những nguy cơ xung đột tiềm ẩn trong văn hoá là lĩnh vực được ông ưa thích. Năm 2000, ông là đồng chủ biên quyển"Culture Matters: How Values Shape Human Progress". Ngay trước khi sức khoẻ ông kém đi, vào mùa thu năm 2005, ông bắt đầu khám phá lĩnh vực tôn giáo và bản sắc quốc gia.
    “Những đóng góp của ông trải rộng khắp toàn bộ lĩnh vực khoa học chính trị, từ nhưng vấn đề lý thuyết sâu đến những ứng dụng. Trong suốt nhiều năm, ông là thầy dạy của nhiều nhà hoạch định chiến lược hàng đầu nước Mỹ. Ông đã xây dựng nên một nền tảng tri thức chắc chắn.” Putnam, tác giả của  một bài báo ủng hộ  Huntington trong số báo năm 1986 trong tạp PS: Khoa học chính trị và chính trị học, nói.
    Putnam còn cho biết thêm: “Điều quý hiếm nhất ở Sam là khả năng của ông trong việc kết hợp giữa sự kiên định, mạnh mẽ trong quan điểm cá nhân với sự chủ động lắng nghe những quan điểm và chứng cứ trái chiều. Harvard đã mất đi một tượng đài, những đồng nghiệp của ông đã mất đi một người bạn rất tốt.”
    Timothy Colton, giáo sư về chính quyền và Nga học ở Harvard nhấn mạnh về sự sâu rộng trong những vấn đề tri thức được Huntington yêu thích. Samuel đã dùng những trải nghiệm về chính trị Mỹ như một điểm xuất phát (Luận án tiến sĩ của Huntington là về Uỷ ban Thương mại Liên bang - Interstate Commerce Commission), nhưng ngay sau đó, ông lại bắt đầu nghiên cứu sâu những vấn đề mang tính toàn cầu.
    Colton, người đã từng làm luận án tiến sí dưới sự hướng dẫn của Huntington tại Harvard  những năm đầu  thập kỷ 70 thế kỷ trước nói: “Ông định vị mình trong đời sống nước Mỹ và bản sắc Mỹ nhưng  lại kết thúc với những câu hỏi rộng lớn. Một khả năng đặt vấn đề và theo sát vấn đề như ông không phải dễ tìm trong thời đại hôm nay.”
    Quyển sách đầu tiên của ông, "The Soldier and the State: The Theory and Politics of Civil-Military Relations", xuất bản năm 1957 và đã gây nhiều tranh cãi. Nó đã được tái bản 15 lần và vẫn đang được coi là quyển sách chuẩn mực trong chủ đề về sự tương tác giữa các vấn đề quân sự với chính trị. Quyển sách này cũng là chủ đề của cuộc hội thảo năm ngoái tại Học viện quân sự West Point, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày nó xuất bản.
    Quyển "Soldier and the State” được lấy cảm hứng từ vụ việc Tổng thống Harry Truman sa thải tổng tư lệnh Douglas MacArthur và đồng thời tăng quân số trong bối cảnh ổn định và trung lập về chính trị thời đó.
    Năm 1964, cùng với Zbigniew Brzezinski, ông là đồng chủ biên quyển “Quyền lực chính trị: Hoa kỳ-Liên Xô” (“Political Power: USA-USSR"), đây là công trình nghiên cứu lớn về Chiến tranh lạnh và về cách thức thế giới bị tác động bởi hai triết lý chính trị bế tắc trong chính nó.
    Brzezinski, nghiên cứu sinh tại Harvard vào những năm 50 và là bạn của cả Huntington và Rosovsky, đã từng là cố vấn an ninh an ninh quốc gia cho chính quyền Carter từ năm 1977 đến năm 1981. Brzezinski kể rằng vào thời đó, chàng Huntington trẻ tuổi, mặc dù đã là trợ lý giáo sư (assistant professor), vẫn thường bị tưởng nhầm là học sinh đại học.
    Theo bà Nancy vợ của Huntington, suốt đời ông là người của đảng Dân Chủ. Ông đã từng là cố vấn về chính sách ngoại giao cho phó Tồng thống Hubert Humphrey trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968. Trong cái chiến dịch “cay dắng” đó, Huntington cùng với Warren Manshel – đối thủ chính trị trong chiến dịch nhưng là bạn thân- đã lập ra một tờ tạp chí Foreign Policy ra một quý một số, nay là 2 tháng 1 số, ông là đồng biên tập cho đến năm 1977.
    Quyển sách “Trật tự chính trị trong những xã hội biến đổi” (Political Order in Changing Societies) của ông xuất bản năm 1969 được coi là những phân tích quan trọng về sự phát triển của kinh tế và chính trị trong Thế giới thứ ba. Nó nằm trong số những quyển sách có tầm ảnh hưởng lớn của Huntington. Nó cũng thường xuyên được dùng làm sách giáo khoa cho sinh viên sau đại học về môn chính trị học so sánh. Hungtington đã chỉ ra rằng sự thiếu vắng trật tự chính trị và quyền lực là vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới. Chính mức độ của trật tự chứ không phải là hình thức của thể chế chính trị mới là vấn đề đáng lưu tâm. Theo lời Dominguez, giáo sư về kinh tế và chính trị Mỹ la tinh.
    Quyển “Làn sóng thứ 3: Dân chủ hoá cuối thế kỷ 20” (The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century)  xuất bản năm 1974 của ông, một tác phẩm gây ảnh hưởng lớn nữa, đã giành giải thưởng Grawemeyer Award cho những ý tưởng nhằm cải thiện trật tự thế giới, và “xem xét những câu hỏi giống nhau từ những giác độ khác nhau được đặt tên là những thể chế chính trị - dân chủ hay độc tài”. Vẫn theo lời Dominguez. “Trong quyển sách này, ông muốn ám chỉ đến sự nở rộ của những nền dân chủ độc tài, tạo ra một giai đoạn thống trị thế giới từ những năm 1970 đến đầu thập kỷ 90 và ông đã đưa ra những lý do thuyết phục cho sự đổi chiều ngay trước sự kiện bức tường Berlin sụp đổ.
    Ngay những năm đầu thập kỷ 70, ông đã cảnh báo về nguy cơ của những chính quyền trở nên tự do hoá về mặt chính trị quá nhanh. Ông đề nghị các chính quyền nên kéo dài thêm giai đoạn quá độ trước khi tiến đến một nền dân chủ toàn diện. Ý tưởng này được manh nha trong một bài viết có tầm ảnh hưởng của ông, bài “Tiếp cận giảm áp chính trị”(Approaches to Political Decompression).
    Quyển sách mới nhất của ông, quyển “Chúng ta là ai? Những thách thức cho bản sắc Mỹ” (Who Are We? The Challenges of America's National Identity) xuất bản năm 2004 là sự phản ánh mang tính tri thức của nước Mỹ về bản sắc văn hoá của chính nó.
    Samuel Phillips Huntington sinh ngày 18 tháng 4 năm 1927 tại New York. Bố ông là Richard Thomas Huntington, một biên tập viên và là nhân viên ngành xuất bản, mẹ ông là Dorothy Sanborn Phillips, một nhà văn.
    Huntington tốt nghiệp phổ thông ở trường Stuyvesant, tốt nghiệp  cử nhân (B.A)  tại Yale năm 1946, sau đó phục vụ quân đội, nhận bằng Thạc sĩ (M.A.) của Đại học Chicago năm 1948 và bằng Tiến sĩ của Harvard năm 1951, nơi ông đã giảng dạy không ngừng nghỉ kể từ năm 1950.
    Từ  năm 1959 đến năm 1962, ông là  Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh và hoà bình tại Đại học Columbia. Tại Harvard, ông có hai nhiệm kỳ là chủ nhiệm Khoa chính quyền (Government Department)  – từ năm 1967 đến 1969 và từ 1970 đến 1971.
    Huntington cũng là chủ tịch Hội Khoa học chính trị Hoa Kỳ từ năm 1986 đến năm 1987.
    Huntington đã từng là Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại học Harvard từ năm 1978 đến năm 1989. Ông cũng đã thành lập ra Viện nghiên cứu chiến lược John M. Olin, và làm giám đốc ở đó từ năm 1989 đến năm 1999. Ông là chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế và khu vực của Đại học Harvard  từ năm  1996 đến năm 2004, về sau được kế nhiệm bởi Jorge Dominguez.
    Huntington cũng đã ứng dụng những kỹ năng lý thuyết với cả những vấn đề của Washington, D.C. Vào năm  1977 và  1978, ông là điều phối viên cho chương trình an ninh của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Carter. Vào những năm 80, ông là thành viên của ban nghiên cứu chiến lược dài hạn của Tổng thống.
    Người vợ 51 năm của ông là bà Nancy Arkelyan Huntington.  Ông có hai con trai là Nicholas Phillips Huntington, hiện sống ở Newton (Massachusetts) và Timothy Mayo Huntington hiện sống ở Boston; các con dâu là Kelly Brown Huntington và Noelle Lally Huntington, ông có bốn cháu nội.
    Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia ở Martha's Vineyard, nơi ông thường về nghỉ hè trong suốt 40 năm qua.
    Sẽ có một buổi lễ tưởng niệm ông tại Đại học Harvard vào mùa xuân năm nay. Chi tiết chưa được công bố.
    Nguồn: http://www.viet-studies.info/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org