Những Luận cương Liên
bang (The Federalist Papers) hay còn được dịch là “Các bài viết chủ trương chế
độ liên bang” là tập hợp 85 bài chính luận của Alexander Hamilton, James
Madison và John Jay đăng trên một số báo xuất bản tại tiểu bang New York, Hoa
Kỳ từ tháng 10/1787 đến tháng 5/1788, nhằm kêu gọi công chúng ủng hộ dự thảo
Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ 1787. Mặc dù được viết bởi ba tác giả, song các
tham luận đều lấy chung một bút danh là Publius (để tưởng nhớ Publius Valerius
Publicola – chính trị gia và học giả La Mã đã triệt để bênh vực thể chế cộng
hòa La Mã).
Những chủ đề chính được đề cập trong Luận cương Liên bang bao gồm: (1) Sự cần thiết thành lập Liên bang (các tham luận số 1 – 14); (2) Những hạn chế của Hiến chương Liên hiệp các Tiểu bang (các tham luận số 15 – 22); Những ưu điểm của thể chế chính trị được đề xuất trong Dự thảo Hiến pháp (các tham luận số 23 – 36); Đặc điểm của thể chế cộng hòa (các tham luận số 37 – 51); Quyền Lập pháp (các tham luận số 52 – 66); Quyền Hành pháp (các tham luận số 67 – 77); Quyền Tư pháp (các tham luận số 78 – 83); Phần tổng kết (các tham luận số 84 – 85).
Những chủ đề chính được đề cập trong Luận cương Liên bang bao gồm: (1) Sự cần thiết thành lập Liên bang (các tham luận số 1 – 14); (2) Những hạn chế của Hiến chương Liên hiệp các Tiểu bang (các tham luận số 15 – 22); Những ưu điểm của thể chế chính trị được đề xuất trong Dự thảo Hiến pháp (các tham luận số 23 – 36); Đặc điểm của thể chế cộng hòa (các tham luận số 37 – 51); Quyền Lập pháp (các tham luận số 52 – 66); Quyền Hành pháp (các tham luận số 67 – 77); Quyền Tư pháp (các tham luận số 78 – 83); Phần tổng kết (các tham luận số 84 – 85).
Giá trị nổi bật của tập
Những Luận cương Liên bang là nó đã phân tích một cách sâu sắc và thuyết phục
về sự cần thiết, những nguyên tắc tổ chức và cách thức giám sát quyền lực nhà
nước trong chính thể cộng hoà. Đây là trước tác triết học chính trị và
chính quyền thực dụng quan trọng nhất được viết ra từ trước đến nay tại
Hoa Kỳ. Nó được sánh với các tác phẩm nổi tiếng của một số nhà tư tưởng thời cổ
đại và Khai sáng, cụ thể như cuốn Nền cộng hòa của Plato, Khoa học chính trị
của Aristotle hay Thuỷ quái (Leviathan) của Thomas Hobbes. Nói về Những Luận
cương Liên bang, Thomas Jefferson từng đánh giá, đây là: “lời bình luận hay
nhất về các nguyên tắc của chính quyền… từng được viết ra”; John Stuart Mill
từng ca ngợi, đây là: “bản chuyên luận bổ ích nhất mà chúng ta có về chính
quyền liên bang”, còn theo Alexis de Tocqueville, đây là: “một cuốn sách xuất
sắc mà các chính khách của mọi quốc gia cần phải quen thuộc”…
Chính vì vậy, mặc dù
được công bố cách đây đã hơn hai thế kỷ, song cho đến ngày nay, tập Những Luận
cương Liên bang vẫn còn được xem là một trong những tác phẩm có giá trị bậc
nhất trong nghiên cứu về chủ nghĩa hợp hiến và việc tổ chức bộ máy nhà nước theo
các nguyên lý của nền pháp quyền. Tác phẩm này hiện vẫn được các chính khách,
chuyên gia và đại biểu nghị viện ở nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo và
vận dụng trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, thông qua và áp dụng hiến pháp của
nước mình.
Do giới hạn của sách,
chúng tôi không thể đăng toàn bộ 85 bản tham luận của tập Những Luận cương Liên
bang mà chỉ trích đăng một số đoạn tiêu biểu. Phần trích trong cuốn sách này là
nội dung cuốn “Hamilton, Madison and Jay: On the Constitution” của Giáo sư Ralph
H.Gabriel, Đại học Yale, Hoa Kỳ (xuất bản năm 1954), được dịch và ấn hành bởi
Việt Nam Khảo dịch xã (có trụ sở ở 61 Lê Văn Duyệt, Sài gòn) vào các năm 1959
và 1966 ở miền Nam Việt Nam, dưới tên gọi là “Luận về Hiến pháp Hoa Kỳ”. Do cơ
quan ấn hành của ấn phẩm này hiện không còn tồn tại, xét ý nghĩa của bản dịch
và với mục đích phi lợi nhuận, chúng tôi quyết định biên tập và đăng lại bản
dịch của Việt Nam Khảo dịch xã. Trong quá trình biên tập, chúng tôi giữ nguyên
cấu trúc cũ (trong đó các đoạn trích đã được Giáo sư Ralph H.Gabriel sắp xếp
theo các vấn đề để tiện cho người đọc theo dõi), tuy nhiên có sửa đổi một số từ
và thuật ngữ mà đến nay đã không còn phù hợp để tránh cho người đọc khỏi mất
công tra cứu từ điển.
I. TƯ TƯỞNG VỀ MỘT QUỐC GIA MỚI
1. Giá trị của Liên bang
HAMILTON
Sau một thời gian kinh
nghiệm cụ thể về sự bất lực của Chính phủ liên bang hiện hành, ngày nay đồng
bào có nhiều vụ thảo luận và biểu quyết về một hiến pháp mới của Hiệp Chủng
Quốc châu Mỹ. Chủ đề tự nó đã vạch rõ tính chất quan trọng của nó vì kết quả sẽ
ảnh hưởng ngay tới vận mệnh của Quốc gia Liên bang, tới nền an ninh và hạnh
phúc của tất cả các thành phần đã kết tụ thành Liên bang, tới số phận của một
đế quốc mà về nhiều phương diện đã được coi là một đế quốc kỳ lạ nhất thế giới.
Người ta vẫn thường hay nói là hình như đấng Tạo hóa đã ban cho dân tộc của
quốc gia này quyền định đoạt về một vấn đề rất quan trọng, bằng hành vi và sự
gương mẫu của dân tộc, để xem con người thực sự có khả năng tạo lập được một
chính thể tốt lành nhờ ở trí suy luận và quyền tự do chọn lựa, hay là con người
sẽ bắt buộc phải theo một chính thể tạo thành do may rủi và do bạo lực. Nếu lời
nói trên là đúng thì phải nói là cơn khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua
chính là một kỷ nguyên để cho dân tộc của quốc gia này hãy quyết định. Và nếu
dân tộc chúng ta sẽ quyết định chọn lựa một hành động sai lầm thì quả là cả một
tai nạn chung cho nhân loại vậy.
Tôi nêu ý tưởng vừa rồi
là để gây thêm lòng nhân ái làm phụ lực cho lòng ái quốc của đồng bào, là để
thu hút thêm lòng quan tâm mà tất cả các đồng bào biết nghĩ và có thiện tính
đều có sẵn đối với quốc sự trọng đại mà đồng bào sẽ phải quyết định. Sự chọn
lựa của chúng ta sẽ thật là tốt đẹp biết bao nếu chúng ta biết cân nhắc đúng
đắn những quyền lợi thực sự của chúng ta, nếu chúng ta biết gạt ra ngoài những
thắc mắc vô ích và những sự xét đoán thiên lệch mà mục đích không liên quan tới
công ích. Nhưng tiếc thay, lòng chúng ta tha thiết mong ước như vậy nhưng sự
thật thì chắc đâu chúng ta đã dám hy vọng là thành đạt được mỹ mãn như vậy. Dự
thảo (Hiến pháp) được đưa ra cho quốc dân thảo luận có ảnh hưởng liên quan tới
quá nhiều quyền lợi riêng biệt, sẽ cải cách quá nhiều cơ cấu tổ chức địa phương
cho nên cuộc thảo luận e sẽ phải dính líu tới quá nhiều vấn đề và sẽ làm cho
chúng ta không thấy rõ được giá trị của dự thảo hay sẽ phanh phui những quan
điểm, những tình cảm, những thành kiến không thuận tiện cho công cuộc khám phá
chân lý…
…Vâng, thưa đồng bào,
tôi có bổn phận nói để đồng bào biết là sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng bản dự
thảo, tôi đã nhận định rõ ràng là đồng bào nên chấp thuận bản dự thảo đó vì nó
thích hợp với quyền lợi của đồng bào. Tôi tin tưởng chắc chắn dự thảo đó là con
đường an toàn nhất để duy trì và tiến triển tự do, nhân phẩm và hạnh phúc của
đồng bào. Tôi không thắc mắc và lo ngại về dự thảo này bởi vì tôi thành thực
không hề cảm thấy nỗi thắc mắc và lo ngại nào cả về nó. Tôi không muốn giả vờ
đắn đo cân nhắc lợi hại trước mặt đồng bào bởi vì trong lòng tôi, tôi đã
quyết định rồi. Tôi xin trình bày thẳng thắn cho sự tin tưởng nhất định của tôi
và tôi xin thành thật vạch rõ trước mắt đồng bào những lý do tại sao tôi quyết
định như vậy. Con người thành thật tin tưởng thì không bao giờ có thể bị hiểu
lầm được. Tuy vậy, tôi không muốn phải nhắc đi nhắc lại những lời thề nguyện
của tôi để làm cho đồng bào tin thực. Sự thành tâm là ở trong lòng mỗi người
nhưng những quan điểm biện hộ thì cần phải nhanh phui ra để cho mọi người cùng
thấy để cùng suy xét. Những quan điểm của tôi, tôi xin trình bày cùng đồng bào
với một tinh thần tôn trọng sự thực.
Có lẽ có người nghĩ
rằng biện luận để chứng minh cho lợi ích của chế độ liên bang là thừa, bởi vì
trong thâm tâm, đa số nhân dân các tiểu bang đều hiểu liên bang là cần thiết và
không có ai phản đối chính sách liên bang cả. Nhưng trong một vài nhóm tư nhân
đã bắt đầu có những tin đồn phản đối hiến pháp mới và cho rằng biện pháp liên
kết cả 13 tiểu bang là quá rộng lớn, cần phải kết tụ các tiểu bang thành nhiều
liên hiệp khác nhau. Chủ trương này chỉ trong ít lâu nữa sẽ được truyền bá rộng
lớn hơn và lúc đó sẽ được cổ động công khai. Rốt cuộc vấn đề chính sẽ vẫn là
chọn lựa một trong hai con đường, một là chấp thuận hiến pháp mới, hai là bằng
lòng để cho Liên bang bị tan rã. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu xem xét
chính sách liên bang có những lợi điểm nào, và nếu liên bang bị tan rã thì các
tiểu bang sẽ bị lâm vào những hiểm họa và những nguy cơ nào…
JAY
Khi dân chúng nước Mỹ
nhận định được là hiện nay họ đang có nhiệm vụ quyết định về một vấn đề mà hậu
quả sẽ vô cùng quan trọng thì cố nhiên là họ sẽ nhận thấy ngay là quyết định
của họ cần phải rất đắn đo, suy xét của họ cần phải tường tận, đứng đắn.
Ai cũng hiểu rõ là cần
có một chính phủ, và cũng không ai có thể chối cãi được rằng một khi chính phủ
đã được thành lập, dù trong trường hợp nào hay bằng thế lực nào cũng vậy, nhân
dân cần phải nhường lại cho chính phủ một số quyền hạn tự nhiên của nhân dân,
có như vậy thì chính phủ mới có đủ uy quyền. Vì vậy, dân chúng cần phải cân
nhắc để xem quyền lợi của mình sẽ được bảo vệ nhiều hơn nếu mình thành lập một
quốc gia đơn nhất đặt dưới quyền một chính phủ liên bang độc nhất, hay là mình
nên chia ra thành nhiều liên hiệp khác nhau và trao cho thủ lĩnh của mỗi liên
hiệp những quyền hạn mà đáng lẽ mình chỉ nên trao cho một chính phủ quốc gia
trung ương mà thôi.
Từ trước tới nay, dư
luận thông thường và đồng nhất vẫn công nhận rằng sự thịnh vượng của dân tộc Mỹ
có được là nhờ nhân dân vẫn tiếp tục đoàn kết chặt chẽ cùng nhau, chính vì vậy
cho nên những người công dân khôn ngoan và đứng đắn nhất của toàn quốc đều mong
ước, cầu nguyện, nỗ lực hoạt động để cho toàn dân cùng đoàn kết. Nhưng gần đây
một số chính trị gia cho rằng dư luận từ trước tới nay đã sai lầm và nếu quốc
dân muốn tìm thấy an toàn và hạnh phúc thì chớ nên đi tìm trong sự đoàn kết mà
nên đi tìm trong sự chia sẻ quốc gia thành nhiều liên hiệp hoặc thành nhiều
tiểu bang có đầy đủ chủ quyền riêng rẽ. Chủ trương mới này có vẻ kỳ lạ, thế mà
nó là chủ trương có thực. Và có một số người trước kia chủ trương đoàn kết nhưng
nay lại theo chủ trương chia rẽ. Không hiểu những nhà chính trị này đã nghe
theo những lời biện luận nào hay đã tìm thấy những lý lẽ nào mà đã thay đổi tâm
tính nhưng dù sao thì đồng bào cũng chỉ nên tin theo chủ trương của các nhà
chính trị này sau khi đã suy xét kỹ lưỡng và đã tin tưởng chắc chắn là chủ
trương mới này căn bản dựa trên sự thật và một chính sách hợp lý.
Đã nhiều lần tôi cảm
thấy sung sướng vô cùng mỗi khi tôi nghĩ tới nước Mỹ độc lập này, và tôi cho
nước Mỹ độc lập này không phải là nhiều mảnh đất đai xa nhau, biệt lập nhau,
nay được kết tụ cùng nhau, mà chính là một quốc gia độc nhất và nối liền cùng
nhau, phì nhiêu và bao la, một quốc gia của những con người Tây phương tự do.
Đấng Tạo hóa đã đặc cách ban cho quốc gia này những đất đai khác nhau, mỗi nơi
sản sinh một lối, thấm nhuần toàn cõi bằng muôn vàn sông ngòi để cho dân chúng
tiện bề sinh cư lập nghiệp. Biển cả bao vây bờ cõi quốc gia hình như có dụng ý
thắt chặt quốc gia với nhau, còn trong nước thì sông ngòi nối liền nhau như có ý
giúp đỡ cho dân chúng tiện đường vận chuyển, thông thương với nhau.
Tôi lại cũng cảm thấy
vô cùng sung sướng khi nghĩ rằng đấng Tạo hóa chắc rất hài lòng khi ban cho
quốc gia độc nhất này một dân tộc độc nhất đoàn kết cùng nhau, một dân tộc cùng
chung một tổ tiên, một ngôn ngữ, một tôn giáo, cùng theo những nguyên tắc chính
trị giống nhau, cùng có những phong tục tập quán giống nhau, đồng tâm cộng lực
để sát cánh tranh đấu trong một cuộc chiến tranh lâu dài và thảm hại, và sau
cùng đã cùng nhau kiến tạo tự do và độc lập cho toàn quốc.
Quốc gia này và dân tộc
này hình như sinh ra là để cho nhau, và đấng Tạo hóa hình như đã xếp đặt từ
trước khiến cho một số người đồng loại đã phải đoàn kết cùng nhau trong những
mối dây liên lạc thân thiết và sau này những người đó sẽ không bao giờ có thể
chia rẽ thành nhiều nhóm có chủ quyền khác nhau để khích bác nhau, ghen ghét
nhau, cách biệt nhau.
Những tình cảm đoàn kết
đó từ trước tới nay vẫn bao trùm tất cả mọi tầng lớp, mọi giai cấp của dân tộc
chúng ta. Trong tất cả các mục đích chung của chúng ta, chúng ta vẫn đồng nhất
là một dân tộc duy nhất, công dân nào cũng vậy, dù ở chỗ nào cũng vậy, đều được
hưởng những quyền hạn công dân như nhau và được quốc gia che chở ngang nhau. Là
một quốc gia duy nhất, dân tộc chúng ta đã cùng nhau sát cánh tranh đấu trong
chiến tranh cũng như đã đồng tâm cộng lực để vui hưởng cảnh thái bình. Là một
quốc gia duy nhất, chúng ta đã đánh bại kẻ thù chung của dân tộc chúng ta, đã
liên kết với những đồng minh của quốc gia chúng ta, đã ký kết các hiệp ước và
đã tham dự các hội nghị với các nước ngoại bang…
Chúng ta cũng nên nhớ
rằng không những quốc hội đầu tiên mà tất cả các quốc hội tiếp theo về sau,
ngay cả hội nghị lập hiến này, đều đồng một lòng cùng dân chúng mà nhận định
rằng nền thịnh vượng của nước Mỹ này có được hay không là nhờ sự đoàn kết của
quốc dân. Duy trì và tăng tiến nền thịnh vượng đó chính là mục tiêu của toàn
dân khi toàn dân triệu tập hội nghị lập hiến và đó cũng là mục tiêu của Dự thảo
Hiến pháp mà hội nghị đã khuyến cáo nhân dân hãy chấp thuận. Trong thời kỳ quan
trọng này, tại sao lại có những người toan tính làm sụt giảm giá trị của sự
đoàn kết? Dụng ý của họ là gì? Những mục đích tốt của họ là gì? Tại sao họ lại
đề nghị là ba hay bốn liên bang thì tốt hơn là chỉ có một liên bang? Tôi tin
tưởng là dân chúng đã tỏ ra có một nhận định rất đúng về vấn đề này và đã ủng
hộ chính nghĩa liên bang một cách đồng nhất với những lý do chính đáng và hữu
lý, và tôi sẽ cố gắng giải thích những lý do đó trong những bài nghị luận mà tôi
sẽ viết sau này. Những người chủ trương bãi bỏ nhiều liên hiệp để kết tụ các
tiểu bang thành một liên bang độc nhất đã nhận định rõ ràng là nếu dự án liên
bang mới mà bị bác bỏ thì liên bang Hiệp Chủng Quốc sẽ lâm vào một tình trạng
tan rã nguy kịch. Đó là một trường hợp chắc chắn phải xảy ra và tôi thành thật
mong ước là mỗi người công dân đứng đắn, nếu xảy ra trường hợp liên bang bị tan
rã, sẽ hô lớn câu sau đây của một thi sĩ: “Vĩnh biệt! Vĩnh biệt thời đại vinh
quang của chúng ta!”.
HAMILTON
Một liên bang đoàn kết
vững chãi sẽ đem lại một thời đại vinh quang nhất cho nền hòa bình và tự do của
các tiểu bang, sẽ là một hàng rào ngăn cản sự chia rẽ và phiến loạn trong nước…
Khoa chính trị học, tuy vậy, giống như các khoa học khác, đã giành được nhiều
tiến bộ quan trọng. Hiệu lực của các nguyên tắc chính trị ngày nay đã được
nhiều người hiểu rõ; xưa kia những nguyên tắc chính trị đó không được mấy người
hiểu biết hoặc chỉ được hiểu biết một cách sơ sài, sai lạc. Sự phân quyền thành
nhiều ngành cân đối và kiểm soát lẫn nhau, sự thành lập những toà án với những
thẩm phán đứng đắn, sự tham gia của dân chúng trong chính quyền qua các vị đại
diện của dân chúng do dân tự do chọn lựa, đó là những điều mới khám phá được,
hay đã được áp dụng một cách có tiến bộ trong thời đại này. Đó là những phương
tiện có hiệu lực để duy trì những điểm hay của chính thể cộng hòa và để trừ bỏ
hoặc làm giảm bớt những khuyết điểm hay lỗi lầm của chính thể cộng hòa. Thêm
vào những nguyên tắc vừa kể trên để cải thiện chính thể chủ quyền nhân dân, tôi
xin phép đưa ra một nguyên tắc khác nữa, tuy là nguyên tắc này có vẻ mới lạ và
tuy nguyên tắc này đã được người ta dùng làm cơ sở để phản đối hiến pháp mới:
đó là nguyên tắc nới rộng phạm vi của chính thể liên bang, hoặc trên phương
tiện vị trí lớn nhỏ của một tiểu bang, hoặc trên phương tiện củng cố quyền lực
của vài tiểu bang nhỏ bé trong một liên bang độc nhất rộng lớn…
Ông Montesquieu không
những đã không phản đối ý niệm một liên bang của nhiều tiểu bang mà ông lại còn
quan niệm một cách rất minh bạch rằng “cộng hòa liên bang” là một chính thể
thực tiễn nhất vừa để bành trướng phạm vi chính quyền của dân chúng vừa để giúp
chính thể cộng hòa dân chúng có được tất cả những lợi điểm của một chính quyền
quân chủ. Ông đã nói như sau đây:
“Rất có thể là nhân
loại sẽ phải tiếp tục sống mãi mãi dưới sự trị vì của một người độc nhất nếu họ
không nghĩ ra được một chính thể có tất cả những lợi điểm quốc nội của một chế
độ cộng hòa đồng thời lại có tất cả những lợi điểm đối ngoại của một chế độ
quân chủ. Đó là chính thể “cộng hòa liên bang” vậy”.
Chính thể đó là một
thỏa hiệp trong đó nhiều nước nhỏ thỏa thuận trở thành hội viên của một nước
lớn hơn, và sau này, mỗi nước nhỏ là một thành phần để thành lập một nước lớn
đó. Đó là sự kết hợp của nhiều xã hội để thành lập một xã hội mới có khả năng
bành trướng thêm nữa nhờ sự kết hợp của các xã hội khác nhau cho tới khi xã hội
mới đã có đủ quyền lực để duy trì an ninh cho toàn thể cái xã hội mới đó.
Một nền cộng hòa như
vậy sẽ có khả năng đương đầu với một lực lượng ngoại bang, đồng thời có khả
năng ngăn cản một tình trạng tan rã và nhũng nhiễu trong nước. Một chính thể
như vậy loại trừ được tất cả những điều bất lợi cho quốc gia đó.
Nếu một tiểu bang hội
viên, tức là một thành phần của liên bang, mưu toan chiếm đoạt quyền lực tối
cao của liên bang, tiểu bang đó vẫn sẽ không có được quyền lực và uy tín của
chính quyền liên bang tại các tiểu bang khác. Nếu quyền lực của tiểu bang này
lấn qua tiểu bang khác thì tất cả các tiểu bang khác sẽ phải lo ngại ngay, và
dù có lấn át được một tiểu bang láng giềng nhưng sẽ bị tất cả các tiểu bang
khác đánh bại trước khi tiểu bang này hoàn thành việc chiếm đoạt quyền lực.
Nếu dân chúng phiến
loạn tại một tiểu bang, dân chúng tất cả các tiểu bang khác của liên bang sẽ
dẹp cuộc phiến loạn đó. Nếu một thành phần lạm dụng quyền hành thì các thành
phần khác sẽ thi hành những cải cách chung để cho thành phần đó phải quay trở
lại một chính sách hợp pháp.
Vì chính thể cộng hòa
liên bang gồm có nhiều cộng hòa nhược tiểu cho nên chính thể này có thể hưởng
một nền hạnh phúc thịnh vượng trong nước, còn về đối ngoại, nhờ ở sự liên bang
cho nên chính thể này lại cũng hưởng được tất cả những lợi điểm của những nước
quân chủ lớn hơn”.1
Tôi nhận thấy cần phải
trích dài dòng những đoạn kể trên bởi vì những đoạn này đã tóm tắt minh bạch
những lý do cốt yếu để chủ trương liên bang, và để cho đồng bào khỏi có một cảm
tưởng sai lầm nếu những nguyên tắc khác trong cuốn sách này được áp dụng sai
lạc và sẽ ảnh hưởng bất lợi tới chủ trương liên bang. Đồng thời, những đoạn
trích văn đó lại liên hệ mật thiết tới mục đích của bài nghị luận này, tức là
giải thích về khuynh hướng của chính phủ liên bang để đàn áp những chia rẽ và
phiến loạn trong nước.
Có một sự phân biệt,
tuy tế nhị nhưng chưa chắc đã hoàn toàn đúng, thường được người ta nêu lên về
danh từ “sự liên minh của các tiểu bang” và “sự củng cố của các tiểu bang”. Đặc
tính chính yếu của danh từ đầu là sự hạn chế quyền hạn của các tiểu bang hội
viên trong chính quyền liên bang, tuy không có sự hạn chế quyền hạn của chính
quyền tiểu bang tại tiểu bang. Nhiều người thường chủ trương là hội đồng trung
ương không có quyền hạn gì về nền hành chánh của tiểu bang. Ngoài ra, người ta
lại cũng chủ trương là các tiểu bang hội viên của liên bang phải có quyền bình
đẳng tuyệt đối về bầu cử. Đó là những lập trường hoàn toàn độc đoán chưa được
chứng minh trên một nguyên tắc nào và chưa hề được áp dụng từ xưa tới nay. Có
những trường hợp mà chính quyền đã được thành lập trên căn bản công nhận sự
phân biệt “liên bang” và “củng cố quyền lợi tiểu bang trong liên bang”, nhưng
trong thực tế, nguyên tắc này đã có rất nhiều trường hợp ngoại lệ và chứng tỏ
không có một quy luật nhất định nào để giữ nguyên vẹn được sự phân biệt ý nghĩa
trong hai danh từ. Trong trường hợp mà nguyên tắc này được áp dụng một cách
nguyên văn, nó sẽ đem lại nhiều sự hỗn độn không thể giải quyết được và làm cho
chính phủ trở thành bất lực và ngu đần.
“Cộng hòa liên bang”
chỉ có một nghĩa rất giản dị là “sự kết hợp của nhiều xã hội” hay sự kết hợp
của hai hoặc nhiều nước thành một nước. Phạm vi, những sự thay đổi và những mục
tiêu của chính quyền liên bang, là những vấn đề sẽ được định đoạt do sự thỏa
thuận chung. Nếu chính quyền riêng biệt của các tiểu bang không bị bãi bỏ, nếu
chính quyền đó lúc nào cũng vẫn được thi hành, do quyết định của hiến pháp, do
nhu cầu của địa phương và nếu địa phương đó hoàn toàn phụ thuộc vào những chính
quyền của liên bang thì thực trạng cũng như trong lý thuyết, “liên bang” chỉ là
sự liên kết của nhiều nước mà thôi. Dự thảo Hiến pháp mới không những không chủ
trương bãi bỏ chính quyền của các tiểu bang mà còn chủ trương mỗi tiểu bang là
một thành phần của chủ quyền quốc gia bằng cách cho phép mỗi tiểu bang được đại
diện trực tiếp trong Thượng Nghị viện và để cho chính quyền tiểu bang một số
những quyền lực đặc biệt và quan trọng. Chủ trương đó là một ý niệm rõ ràng và
đầy đủ về một chính phủ liên bang vậy.
MADISON
Trong tổng số những lợi
điểm mà một liên bang được tổ chức chặt chẽ sẽ đem lại một lợi điểm đáng cho
chúng ta nhận định rõ ràng là chính thể liên bang có khuynh hướng diệt trừ và
kiềm chế những bè phái bạo động. Những người chủ trương thành lập chính phủ do
nhân dân thường hay cảm thấy lo ngại nhất khi nghĩ đến một Chính phủ lâm vào
vòng thống trị của bè phái. Vì vậy, người ta muốn tìm một giải pháp không trái
ngược với các nguyên tắc của một Chính phủ do nhân dân nhưng có thể ngăn ngừa
được tật bệnh bè phái thống trị trong Chính phủ. Tình trạng thiếu ổn định,
thiếu công bằng hay hỗn độn của các hội đồng dân chúng chính là những căn bệnh
hiểm nghèo đã giết chết nhiều Chính phủ của nhân dân và đã được những kẻ thù
của tự do dùng làm những đầu đề có hiệu lực nhất để tuyên truyền cho họ. Những
sự cải cách quý giá mà các hiến pháp của Mỹ đã thực hiện được từ trước tới nay,
tuy là không đáng kể cho mọi người ca tụng thái quá nhưng cũng đủ ngăn cản có
hiệu quả những nguy cơ của một sự thống trị do bè phái, theo ý mong muốn của
mọi người. Ở tất cả các nơi, có nhiều người, kể cả những công dân đạo đức và có
uy tín nhất, biết phân biệt và quý trọng tự do cá nhân và tự do lập hội, thường
vẫn than phiền rằng Chính phủ của chúng ta thiếu ổn định, rằng công ích đã bị
lãng quên trong cuộc xung đột của các đảng phái đối lập, rằng nhiều luật lệ đã
được quyết định trái ngược lại những quy tắc công lý và quyền hạn của đảng phái
thiểu số, do uy lực chênh lệch của đa số chỉ hoạt động tư lợi. Tuy chúng ta
mong ước những lời than phiền đó đều là vô căn cứ nhưng thực trạng đã chứng
minh những lời than phiền đó quả có một phần đúng sự thật. Nếu chúng ta nhận
xét thực trạng một cách chân thật, chúng ta sẽ nhận thấy một số sự rắc rối,
phiền phức trong chính thể đã bị người ta đổ tội một cách sai lầm cho nền hành
chánh của Chính phủ chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể quy kết
cho những nguyên nhân khác về những thất bại nặng nề nhất, những khổ cực cay đắng
nhất của chúng ta, nhất là sự bất tín càng ngày càng tăng thêm của dân chúng
đối với những hoạt động của chính quyền và mối lo ngại của dân chúng về các
quyền tự do cá nhân. Phải công nhận là những sai lầm, khổ cực đó là kết quả của
một chính quyền hành chính thiếu ổn định, thiếu công bằng, bị đảng phái thống
trị.
Đảng phái, theo ý tôi,
có nghĩa là một số công dân, kết tụ với nhau thành một đa số hay một thiểu số
trong một tổ chức và hoạt động cùng với nhau vì một khuynh hướng hay vì quyền
lợi giống nhau ngược lại với quyền lợi của những công dân khác hay ngược lại
quyền lợi của cộng đồng”.
Có hai giải pháp để cứu
vãn kết quả tai hại của đảng phái: một giải pháp bằng cách diệt trừ nguyên nhân
của đảng phái; và một giải pháp bằng cách kiềm chế ảnh hưởng của đảng phái.
Diệt trừ nguyên nhân
của đảng phái thì có hai cách: một là diệt trừ quyền tự do cho phép đảng phái
thành lập, hai là làm cho tất cả các công dân đều có những ý kiến, những khuynh
hướng và những quyền lợi giống nhau.
Chúng ta cần nói ngay
đó là với giải pháp đầu tiên, liều thuốc chữa lại còn tai hại hơn cả căn bệnh.
Quyền tự do đối với đảng phái thật chẳng khác gì không khí đối với lửa, không
có không khí thì lửa sẽ tắt ngay. Nhưng tự do là một sự cần thiết cho hoạt động
chính trị, bãi bỏ tự do vì tự do thuận tiện hoạt động cho đảng phái thì thật là
điên rồ không kém gì diệt trừ không khí vì không khí giúp cho lửa tàn phá nhưng
lại quên là không khí rất cần thiết cho đời sống của muôn vật.
Giải pháp thứ hai thiếu
thực tiễn y như giải pháp thứ nhất thiếu khôn ngoan này. Trong khi lý trí của
con người vẫn còn có thể sai lầm mãi mãi được và trong khi con người có quyền
tự do để sử dụng lý trí của mình thì con người vẫn phải có nhiều ý kiến khác
nhau, mỗi người mỗi ý kiến. Trong khi lý trí và lòng tự ái của con người có
liên hệ mật thiết với nhau thì ý kiến và tình cảm của con người sẽ phải phụ
thuộc theo ý kiến của mỗi người. Vì con người có tài năng khác nhau và đó chính
là nguyên nhân của quyền tư hữu của con người nên không thể có được một sự đồng
nhất về quyền lợi cho mọi người. Bảo vệ những tài năng của cá nhân chính là mục
tiêu của Chính phủ. Nhưng vì tài năng của con người khác nhau và chênh lệch
nhau nên tài sản của mỗi người cũng khác nhau và việc bảo vệ tài năng khác nhau
và chênh lệch nhau của mọi người tức là sẽ phải đi tới kết quả công nhận có
những tài sản khác nhau và chênh lệch nhau. Tính chất khác nhau và chênh lệch
nhau của tài sản có ảnh hưởng tới tình cảm và ý kiến của người có tài sản, và
vì vậy xã hội đã bị phân chia thành nhiều đảng phái khác nhau, nhiều quyền lợi
khác nhau.
Nguyên nhân tiềm tàng
của đảng phái như vậy đã có sẵn ngay trong bản tính của con người và chúng ta
thấy ảnh hưởng của nguyên nhân đó ngay trong hoạt động khác nhau của các đảng
phái, tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau của xã hội. Những ý kiến khác nhau về tôn
giáo, lòng quyến luyến đối với những lãnh tụ khác nhau, sự tranh giành địa vị
và quyền lực là những điều đã phân chia nhân loại thành đảng phái, đảng phái
này thù ghét, căm hờn đảng phái nọ khiến cho họ mong muốn đàn áp nhau hơn là
hợp tác với nhau để phục vụ công ích. Lòng căm thù lẫn nhau giữa các đảng phái
thật là trầm trọng đến nỗi dù không có những lý do quan trọng mà chỉ cần những
cơ hội nhỏ cũng đủ để cho họ xung đột nhau dữ dội. Nhưng dù sao thì nguyên nhân
thông thường nhất và trường cửu nhất đã chia rẽ các đảng phái vẫn là sự phân
phối khác nhau và không đồng đều về các nguồn tài sản. Những người có tư sản và
những người không có tư sản từ xưa tới nay vẫn chia ra thành những đảng phái có
quyền lợi khác nhau. Quyền lợi của người có đất, quyền lợi của người có xưởng
máy chế tạo, quyền lợi của người buôn bán, quyền lợi của người có tiền bạc và
những quyền lợi khác đã nảy nở, bành trướng trong các xã hội văn minh và chia
nhân loại thành những giai cấp khác nhau, hành động vì những tình cảm, những ý
kiến khác nhau. Sự quy định những quyền lợi khác nhau đó chính là nhiệm vụ quan
trọng nhất của luật pháp hiện đại và cố nhiên phải liên quan đến tinh thần phe
đảng bè phái trong những hoạt động thông thường của guồng máy Chính phủ vậy.
Không có một người nào
có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của mình bởi vì quyền
lợi sẽ làm cho trí xét đoán của người đó mất phần phân minh và làm cho lòng
thanh liêm của người đó mất phần toàn vẹn. Và tuy lý trí của một nhóm người là
hay hơn hoặc ít nhất cũng bằng lý trí của một người nhưng một nhóm người cũng
không có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm. Thế mà
từ xưa tới nay, biết bao đạo luật quan trọng đã định đoạt quyền hạn của những nhóm
người rất lớn trong khi đáng lẽ phải định đoạt quyền hạn của cá nhân mới hợp
lý. Biết bao nhóm người lập pháp đã vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm lại vừa
làm ra những đạo luật. Chẳng hạn, trong trường hợp dự thảo một đạo luật cho tư
nhân vay mượn, những người chủ nợ sẽ đứng sang một phe và những người vay mượn
sẽ đứng sang một phe khác. Công lý là làm thế nào để giữ được cán cân thăng
bằng giữa hai phe đó. Nhưng trong thực tế, một trong hai phe sẽ được quyền làm
tài phán để xét xử và phe đông nhất, mạnh nhất sẽ thắng thế. Một thí dụ khác:
có nên khuyến khích kỹ nghệ trong nước bằng cách hạn chế nhập cảng hàng hóa
ngoại quốc hay không? Và hạn chế nhiều hay ít? Đó là một vấn đề mà quyết định
của nhóm địa chủ phải khác với quyết định của nhóm chủ xưởng máy sản xuất, và
quyết định của cả hai nhóm sẽ không hoàn toàn căn bản trên tinh thần công lý
đâu, cũng như không hoàn toàn nhằm mục đích ích quốc lợi dân đâu. Ngay đến vấn
đề định đoạt các thứ thuế, một vấn đề cần được giải quyết một cách phân minh và
không thiên vị, thế mà chưa chắc đã có lấy một đạo luật nào mà trong đó đảng
phái có uy quyền nhất lại không từng mưu toan chà đạp lên tinh thần công lý.
Mỗi một xu, một hào nào mà các nhà lập pháp quyết định bắt buộc những tầng lớp
hạ cấp của nhân dân phải đóng góp thêm trong thuế tức là một xu hào mà tầng lớp
thượng lưu sẽ khỏi phải bỏ tiền túi ra để đóng.
Và chúng ta cũng không
nên hy vọng hão huyền là sẽ có những chính trị gia có đầu óc đủ khả năng tìm
thấy cách dung hòa những quyền lợi trái ngược đó và bắt buộc các nhóm xung đột
nhau phải phục vụ công ích. Những chính trị gia có đầu óc không phải lúc nào
cũng nắm được chính quyền để điều khiển quốc gia. Hơn nữa, trong nhiều trường
hợp, sự dung hòa các quyền lợi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện xa xôi khác và
trong hoàn cảnh cần phải định đoạt cấp bách để bảo vệ quyền lợi trông thấy
trước mắt, đảng phái này sẽ sẵn lòng chà đạp lên đảng phái nọ, gạt bỏ ra ngoài
quyền lợi của đảng phái đối địch và luôn thể là gạt bỏ quyền lợi của cộng đồng.
Kết luận, chúng ta nhận
thấy là chúng ta không thể tẩy trừ được những nguyên nhân đã gây ra đảng phái,
và chúng ta chỉ còn một giải pháp là kiểm soát ảnh hưởng và kết quả của đảng
phái.
Trong trường hợp một
đảng phái không nắm được đa số, giải pháp chống đảng phái có thể tìm thấy ở
ngay trong nguyên tắc cộng hòa, tức là dùng đa số để đánh bại đề nghị nham hiểm
của đảng phái thiểu số bằng những thủ tục biểu quyết thông thường. Đảng phái
thiểu số có thể làm trì trệ chính quyền, gây hoang mang trong xã hội nhưng nó
sẽ không thực hiện được kế hoạch bạo động hoặc che đậy được lòng nham hiểu của
nó trong một chính thể xây dựng theo hiến pháp. Nhưng khi một chính đảng đa số
lại có tinh thần bè phái thì trong một chính thể dân chủ, chính đảng đa số đó
có thể mưu toan hy sinh công ích và quyền lợi của những nhóm khác để bênh vực
quyền lợi riêng của nhóm đó. Bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng và quyền lợi
riêng của các cá nhân chống lại mưu toan của đảng phái đa số, đồng thời duy trì
được tinh thần và hình thức của chính phủ dân chủ, đó chính là một trong những
mục tiêu quan trọng mà các công cuộc nghiên cứu của chúng ta cần phải hướng
tới.
Làm thế nào để đạt được
mục tiêu đó? Chỉ có hai giải pháp mà thôi. Hoặc là ngăn cản để cho đa số không
có quyền lợi riêng của đa số, hoặc là, nếu đa số có quyền lợi riêng, làm thế
nào cho đa số không thể thực hiện mưu toan của đa số.
Về vấn đề này, chúng ta
nhận thấy rằng trong một chính thể dân chủ thuần túy (hay trực tiếp), tức là
một chính thể trong đó một nhóm rất nhỏ công dân hội họp cùng nhau và quản trị
chính quyền, chúng ta không thể tìm thấy một phương sách nào để cứu chữa cho
căn bệnh đảng phái. Trong chính thể dân chủ thuần tuý, trong hầu hết các trường
hợp, đa số dễ có quyền lợi riêng cho đa số và hay có khuynh hướng hy sinh nhóm
thiểu số. Vì vậy, trong một chính thể dân chủ thuần tuý, an ninh cá nhân và
quyền sở hữu không được bảo đảm chắc chắn, và Chính phủ trong một chính thể dân
chủ thuần túy, an ninh cá nhân và quyền sở hữu không được bảo đảm chắc chắn, và
Chính phủ trong một chính thể dân chủ thuần tuý thường không được thành lập lâu
dài và hay bị lật đổ bằng bạo động. Những lý thuyết gia chính trị chủ trương
một chính thể dân chủ thuần tuý đã quan niệm một cách sai lầm rằng khi tất cả
nhân loại được bình đẳng về quyền chính trị thì tất cả mọi người do đó sẽ hoàn
toàn bình đẳng, nghĩa là có những tài sản, những ý kiến, tình cảm giống nhau,
đồng nhất.
Trái lại, chính thể
cộng hòa, tức là một chính thể trong đó nhân dân được đại diện trong chính
quyền theo một hệ thống bầu cử, lại có thể cho thấy một cảnh tượng khác và ra
đưa một phương sách để cứu chữa cho căn bệnh đảng phái mà chúng ta đang
tìm kiếm. Chúng ta thử xem xét chính thể dân chủ thuần tuý và chính thể
cộng hòa khác nhau như thế nào và rồi chúng ta sẽ thấy phương sách cứu chữa là
thế nào, và nhờ ở chính sách liên bang, phương sách đó sẽ có hiệu quả đẹp đẽ
như thế nào.
Hai điểm khác nhau quan
trọng nhất giữa hai chính thể đó là: Thứ nhất, trong chính thể cộng hòa, nhân
dân uỷ quyền Chính phủ cho một số công dân do toàn thể công dân bầu cử; Thứ
hai, trong chính thể cộng hòa, uy quyền của Chính phủ bao trùm một số công dân
rất lớn trên một phạm vi lãnh thổ rất rộng.
Về điểm thứ nhất, ý
kiến của toàn thể công dân được gạn lọc và tổng quát trong chính thể cộng hòa
hơn là trong chính thể dân chủ thuần tuý vì phải đưa duyệt qua hội đồng của
những người do nhân dân bầu cử, và những người này có một trí khôn ngoan lớn
hơn để nhận thức được quyền lợi thực sự của quốc gia vì những người này có một
tấm lòng ái quốc và một trí công bằng chân chính để không khi nào làm cho quốc
gia bị tổn hại vì những quyền lợi riêng rẽ hoặc nhất thời. Trong một chính thể
mà nhân dân được đại diện do các vị dân biểu, quyền lợi công cộng của quốc gia
sẽ được các dân biểu phát biểu rõ ràng hơn chính nhân dân tự ý phát biểu.
Mặt khác, sự uỷ quyền
quyền lực cho các vị dân biểu do nhân dân bầu cử cũng có thể có một kết quả tai
hại. Những vị dân biểu có óc bè phái hoặc địa phương, nhờ những thủ đoạn khuất
tất, nịnh hót, mua chuộc, được nhân dân bầu cử, nhưng sau khi đắc cử họ quay
trở lại phản bội quyền lợi của nhân dân. Vấn đề của chúng ta là hãy xem xét
trong những nước cộng hòa lớn và nhỏ, nước nào có nhiều điều kiện thuận tiện để
tìm thấy những vị dân biểu chân chính ích quốc lợi dân. Chúng ta nhận thấy là
các nước cộng hòa lớn có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc bầu cử dân biểu
chân chính, vì hai lý do:
Lý do thứ nhất là,
trong một nước cộng hòa, dù nhỏ như thế nào thì số dân biểu cũng phải khá nhiều
để tránh nguy cơ một số ít kết tụ với nhau và giành quyền định đoạt, và trong
một nước cộng hòa dù lớn thế nào thì số dân biểu cũng phải hạn chế, đừng có quá
nhiều vì quá nhiều thì chỉ thêm hoang mang và hỗn độn. Như vậy, tại nước lớn
cũng như nước nhỏ, số dân biểu cần phải cân xứng với số công dân. Thiếu sự cân
xứng đó sẽ có một kết quả tai hại. Nếu số cử tri để bầu một dân biểu quá lớn
thì dân biểu sẽ mất khả năng nhìn thấy rõ ràng quyền lợi địa phương hoặc quyền
lợi của những nhóm nhỏ. Nhưng nếu chỉ định một số cử tri quá nhỏ để bầu một dân
biểu thì e là dân biểu đó lại chỉ nhìn thấy quyền lợi của một nhóm cử tri nhỏ
đó mà không thấy những quyền lợi rộng lớn hơn của toàn quốc. Hiến pháp liên
bang về vấn đề này đã đưa ra một giải pháp rất thích hợp: quyền lợi lớn lao có
tính chất toàn quốc được giao phó cho chính phủ trung ương liên bang, còn những
quyền lợi địa phương thì được giao phó cho các chính thể tiểu bang.
Điểm khác nhau thứ hai
giữa chính thể cộng hoà và chính thể dân chủ thuần tuý là uy quyền của Chính
phủ trong chính thể cộng hòa bao trùm một số lớn công dân và một phạm vi rộng
rãi của lãnh thổ. Ở điểm này, chúng ta nhận thấy là chính thể cộng hòa có những
điều kiện thuận tiện để ngăn cản sự thống trị của bè phái khiến cho chúng ta đỡ
phải lo ngại. Một xã hội càng nhỏ thì đảng phái tượng trưng cho quyền lợi khác
nhau càng ít, và vì vậy dễ có đa số trong mỗi đảng. Đảng còn nhỏ thì số người
trong đa số càng ít, tức là số đó dễ có cơ hội để thoả thuận cùng nhau và đè
nén thiểu số. Nếu ta nới rộng phạm vi ra, nếu đảng càng lớn thì số người đó khó
mà có những tình cảm giống nhau, những lý do giống nhau về những quản lý riêng
rẽ giống nhau, và khó bề thỏa thuận cùng nhau, kết tụ cùng nhau để tăng thêm
lực lượng chung. Trong một đa số lớn, nếu có những chuyện lén lút gian lận thì
sự nghi kỵ lẫn nhau dễ có hơn và sự thỏa thuận để có một hành động chung rất
khó xảy ra.
Như vậy, chúng ta nhận
thấy là chính thể cộng hòa có nhiều lợi điểm hơn chính thể dân chủ thuần tuý để
kiểm soát sự thống trị của đảng phái, và một cộng hòa lớn có nhiều lợi điểm hơn
một cộng hòa nhỏ, một liên bang có nhiều lợi điểm hơn một tiểu bang, tức là một
trong nhiều thành phần tụ hợp thành một liên bang. Lợi điểm đó có phải là vì
dân chúng bầu cử dân biểu làm đại diện cho mình, cho nên dân biểu sẽ là những
thành kiến địa phương thiển cận của dân chúng không? Vâng, tôi tin là các đại
diện của dân chúng trong Chính phủ liên bang sẽ có được những quan niệm đứng
đắn và ích lợi như vậy.
Lợi điểm thứ hai có
phải là chúng ta sẽ có một nền an ninh vững chắc hơn vì trong một liên bang lớn
sẽ có nhiều đảng phái khác nhau và không có đảng nào, một nhóm nào có thể lấn
được tất cả các đảng phái khác, các nhóm khác và ức hiếp toàn thể không? Vâng,
tôi tin là càng có nhiều đảng phái khác nhau, nhiều nhóm khác nhau trong liên
bang thì nền an ninh của chúng ta lại càng tăng thêm. Phạm vi rộng lớn của liên
bang sẽ là một chướng ngại vật để ngăn cản một đa số kết hợp cùng nhau để thực
hành những điều khuất tất, nguy hại nhằm thu lợi riêng cho họ.
Lãnh tụ các đảng phái
có thể gây ảnh hưởng rối loạn tại tiểu bang của họ nhưng không thể làm cho cuộc
rối loạn đó lan rộng sang các tiểu bang khác. Một nhóm tôn giáo có thể tổ chức
thành một đảng phái chính trị tại một địa phương trong liên bang nhưng tất cả
các nhóm tôn giáo khác nhau ở toàn quốc sẽ dập tắt nguy cơ của nhóm tôn giáo
địa phương kia. Những phong trào điên rồ hay tàn nhẫn có thể chớm nở tại một
địa phương nhưng không thể lan tràn trên toàn lãnh thổ của liên bang, cũng như
một bệnh hiểm nghèo có thể tàn phá một quận hay một tỉnh chứ không thể truyền
nhiễm cả một nước được.
Trong phạm vi và trong
hệ thống của liên bang, chúng ta đã tìm thấy một giải pháp cộng hòa để cứu chữa
một căn bệnh thường vẫn xâu xé chính thể cộng hòa. Chúng ta càng sung sướng và
kiêu hãnh bao nhiêu khi chúng ta tự nhận chúng ta là những người theo thuyết
cộng hòa, thì chúng ta lại càng phải nhiệt thành ở thuyết liên bang và sốt sắng
ủng hộ chính sách liên bang bấy nhiêu.
2. Sự cần thiết có một Chính phủ có uy quyền để chỉ huy
HAMILTON
… Những mục đích chính
thể thành lập liên bang là: phòng thủ chung cho tất cả các tiểu bang trong liên
bang, bảo vệ hòa bình chung, ngăn ngừa nội loạn cũng như chống ngoại xâm, điều
chỉnh thương mại với ngoại quốc và giữa các tiểu bang khác nhau, điều khiển
những cuộc bang giao cả về chính trị lẫn thương mại với ngoại quốc.
Những quyền lực cần
thiết cho công cuộc phòng thủ chung là: thành lập quân đội, chế tạo và vũ trang
một hạm đội, quy định hành chính, chỉ huy tác chiến và tổ chức quân nhu cho lục
và hải quân. Những quyền lực đó cần phải được tạo lập không có hạn chế bởi vì
không thể tiên đoán được hay giới định được phạm vi và tính chất của những nhu
cầu cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu đó. Những bối cảnh mà nền an ninh của
quốc gia có thể lâm nguy có rất nhiều vì thế không nên quy định trong hiến pháp
những khoản hạn chế quyền lực có nhiệm vụ bảo vệ nền an ninh của quốc gia.
Những quyền lực đó cần phải được tạo lập sao cho thích ứng với bất cứ một
trường hợp nào và phải đặt dưới quyền điều khiển của những hội đồng có nhiệm vụ
giám định công cuộc quốc phòng.
Đối với một người có
một trí óc lành mạnh và không thành kiến, những sự thực vừa kể trên tự nó cũng
đã biểu lộ được tính chất hợp lý của nó, giảng giải thêm chỉ làm cho vấn đề
thêm rắc rối mà thôi. Có thể nói là những sự thực kể trên đều căn bản trên một
sự thực mà ai cũng đều công nhận đó là: phương tiện phải thích hợp với mục
đích, hay nói một cách khác, muốn tiến tới một mục đích thì phải có đủ phương
tiện thích hợp.
Nếu hoàn cảnh nước ta
đòi hỏi phải có một chính thể tổ hợp chứ không phải một Chính phủ đơn thuần,
một Chính phủ liên bang chứ không phải một Chính phủ đơn nhất, vấn đề cốt yếu
là phân định các mục tiêu, phân lập các quyền lực cho các bộ hoặc cho các cơ
quan có nghiệp vụ thực hiện những mục tiêu đó. Liên bang sẽ có nhiệm vụ bảo vệ
nền an ninh chung hay không? Hạm đội, quân đội và tài chính có cần thiết cho
nhiệm vụ đó không? Nếu có thì Chính phủ liên bang phải có quyền lực ban bố
những đạo luật và quy định những thủ tục có liên quan tới những phương tiện đó.
Bằng một lý luận tương tự, Chính phủ cũng phải có quyền lực ban bố những đạo
luật liên quan tới nền thương mại và với tất cả những vấn đề mà Chính phủ có
trách nhiệm. Vấn đề xét xử công lý giữa những công dân thuộc một tiểu bang có
phải là một vấn đề thuộc thẩm quyền bộ tư pháp của tiểu bang hay không? Nếu
phải thì bộ tư pháp của tiểu bang phải có đủ quyền lực để thi hành nhiệm vụ đó.
Trong mỗi trường hợp cần thiết, nếu không giao phó đầy đủ quyền lực để thực
hiện nhiệm vụ tức là đã bất cẩn, đã không biết lo xa, đã giao phó đầy đủ quốc
sự cho những cơ quan không có năng lực để điều hành chu đáo và có hiệu quả.
Cơ quan nào là cơ quan
có thể hoạch định phương sách quốc phòng thích hợp nhất nếu không phải là cơ
quan đã được giao phó trách nhiệm phòng vệ quốc gia? Cơ quan nào là cơ quan
hiểu rõ vi phạm và tính chất khẩn trương của những mối nguy cơ đe doạ nền an
ninh của quốc gia nếu không phải là cơ quan đại diện cho toàn quốc, cơ quan
trung ương có đầy đủ tất cả các tin tức? Cơ quan nào là cơ quan hiểu rõ nhất về
các quyết định thích hợp nếu không phải là cơ quan có trách nhiệm quyết định?
Cơ quan nào là cơ quan độc nhất có thể có được những kế hoạch và những quyết
định đồng nhất và toàn diện nếu không phải là cơ quan có phạm vi quyền hạn lan
rộng toàn quốc? Nếu giao phó cho Chính phủ Trung ương nhiệm vụ bảo vệ an ninh
toàn quốc nhưng lại đặt trong tay Chính phủ các tiểu bang những quyền lực cần
thiết cho công cuộc quốc phòng thì liệu đó có phải là một sự mâu thuẫn trắng
trợn hay không? Một cơ chế tổ chức như vậy cố nhiên sẽ đưa tới hậu quả là thiếu
sự hợp tác giữa hai cơ quan, điều đó có đúng vậy không? Và kết quả có phải là
quốc gia sẽ bị kiệt quệ, rối loạn, các khoản chi tiêu sẽ bị hao phí một cách vô
lý và tăng thêm gấp bội cho mỗi địa phương của toàn quốc hay không? Chúng ta há
đã chẳng trải qua những kinh nghiệm cụ thể đó trong cuộc cách mạng vừa qua của
chúng ta hay sao?
Nhận xét vấn đề trong
mọi khía cạnh sẽ làm cho chúng ta nhận định rõ ràng rằng nếu không giao phó cho
chính phủ liên bang những quyền lực vô hạn để thi hành những nhiệm vụ mà chúng
ta giao phó cho Chính phủ thì quả thật là vừa thiếu khôn ngoan lại vừa thiếu an
toàn. Vấn đề này đáng để cho nhân dân quan tâm tới một cách thật sốt sắng và tỉ
mỉ, ngõ hầu Chính phủ liên bang có thể có được đầy đủ những quyền hạn để bảo vệ
an ninh toàn quốc. Nếu có những dự thảo (Hiến pháp) khác đề nghị để nhân dân
biểu quyết, và nếu nhân dân nhận thấy những dự thảo đó không thỏa mãn được
những điều kiện kể trên thì nhân dân hãy nên vứt bỏ những dự thảo đó đi. Một
Chính phủ mà hiến pháp không có quy định thích đáng để đảm nhận những
quyền hạn mà một dân tộc tự do cần phải giao phó của một Chính phủ thì Chính
phủ đó là một Chính phủ không thích hợp và không có hiệu lực để bảo vệ quyền
lợi của quốc gia. Đó là kết luận của một lối suy luận hợp lý. Những người phản
đối dự thảo của Hội nghị lập hiến hãy nên thu hẹp phạm vi biện luận của họ
trong khuôn khổ dẫn chứng rằng cơ cấu của Chính phủ được đề nghị trong dự thảo
hiến pháp là một cơ cấu đáng hay không đáng nhận được lòng tin của nhân dân. Họ
không nên đi ra ngoài vấn đề, hò hét ầm ĩ và ngụy biện về phạm vi của các quyền
hạn đó không vượt qua giới hạn phạm vi những nhiệm vụ mà Chính phủ liên bang có
trách nhiệm thi hành hay phạm vi bảo vệ những quyền lợi quốc gia mà Chính phủ
liên bang có bổn phận đảm nhận. Nếu quả thật là, theo như lối lý luận của một
vài ký giả của đối phương, sự khó khăn về vấn đề là ở bản chất của chính vấn
đề, nghĩa là lãnh thổ quá rộng lớn của xứ sở không cho phép chúng ta thành lập
một Chính phủ mà chúng ta có thể giao phó những quyền hạn quá rộng rãi thì nhất
định chúng ta cần phải thành lập nhiều liên hiệp nhỏ riêng biệt. Nhưng dù sao
thì chúng ta vẫn phải nhận thấy tính chất vô lý của chủ trương giao phó nhiệm
vụ bảo vệ quyền lợi quốc gia cho một Chính phủ mà lại không chịu giao phó những
quyền lực cần thiết để đảm nhận những nhiệm vụ đó. Chúng ta không thể dung hòa
hai quan niệm trái ngược nhau và chúng ta hãy nên chọn lấy một giải pháp hợp
lý…
3. Những khuyết điểm của Liên hiệp hiện hữu và những vấn đề
của Hội nghị Lập hiến
HAMILTON
… Trong chương trình mà
tôi đã vạch ra để thảo luận, điểm thứ hai của chương trình là phân tích “tính
chất thiếu khả năng của Liên hiệp hiện hữu để bảo vệ toàn quốc”. Người ta có
thể hỏi tôi rằng tại sao lại cần phải biện luận về một vấn đề mà tất cả mọi
người đều đã đồng ý kiến, cả những người phản đối lẫn những người ủng hộ hiến
pháp mới? Vâng, tôi cũng xin nhận là ý kiến mọi người có thể khác nhau về những
vấn đề khác nhưng tất cả mọi người đều đồng ý công nhận là hợp đồng quốc gia
hiện tại của chúng ta có nhiều khuyết điểm và cần phải tìm một giải pháp để cứu
vãn quốc gia khỏi một tình trạng vô chính phủ, hỗn độn, có thể sẽ xảy ra sau
này.
Chúng ta có thể nói
thẳng là chúng ta đã đi tới cùng độ của nền quốc nhục của chúng ta. Không có
một điều nào có thể làm tổn hại tới danh dự của một quốc gia độc lập mà chúng
ta lại chưa phải trải qua. Chúng ta đã từng cam kết những điều mà tất cả những
người đứng đắn đều phải giữ lời. Thế mà chúng ta đã phản bội những lời cam kết
mà không biết ngượng. Chúng ta đã vay nợ ngoại quốc và vay nợ quốc dân để bảo
vệ quốc gia khi quốc gia lâm nguy. Thế mà hiện nay chúng ta vẫn chưa chấp thuận
một điều khoản nào để thanh toán những món nợ đó. Chúng ta có những lãnh thổ và
những tô giới mà ngoại quốc đã cam kết với chúng ta là sẽ trả lại cho chúng ta
và đáng lẽ phải trả lại cho chúng ta từ lâu rồi. Thế mà hiện nay, ngoại quốc
hãy còn giữ những lãnh thổ và những tô giới đó, vừa làm thiệt hại tới quyền lợi
của quốc gia chúng ta, vừa xâm phạm tới quyền lợi của quốc gia chúng ta, vừa
xâm phạm tới quyền lực của quốc gia chúng ta. Chúng ta có đủ khả năng để ngăn
cản hoặc đẩy lui ngoại xâm hay không? Nhưng chúng ta không có quân đội, không
có tài chính, mà cũng không có cả Chính phủ nữa(1). Do địa lý của quốc gia chúng ta, chúng ta có quyền
tự do giao thông trên sông Mississipi hay không? Nhưng Tây Ban Nha không cho
chúng ta hưởng quyền giao thông tự do đó. Thương mại có ảnh hưởng quan trọng
tới tài nguyên quốc gia hay không? Thế mà nền thương mại của chúng ta hầu như
là không còn hoạt động một chút nào hết. Ngoại quốc nể vì chúng ta, đó có phải
là một điều kiện cần thiết để ngăn cản ngoại quốc không dám xâm phạm chủ quyền
của chúng ta hay không? Thế mà chỉ vì Chính phủ của chúng ta đã ngu đần quá đỗi
cho nên ngoại quốc không dám bang giao của chúng ta. Các sứ thần của
chúng ta ở ngoại quốc chỉ là để làm vì, để đại diện cho một chủ quyền hư danh
mà thôi. Giá ruộng đất bị sụt giảm một cách bất thường và mau chóng, đó có phải
là triệu chứng một tình trạng quốc gia nguy cấp hay không? Nguyên do sự sụt
giảm đó là vì thiếu sự tín nhiệm của tư nhân và của tất cả các tầng lớp dân
chúng. Tư nhân có đầu tư thì kỹ nghệ mới phát triển, thế mà các tư bản để đầu
tư và các vốn cho vay đều rất hiếm trong khi tiền bạc không khan hiếm, vậy đó
có phải là một tình trạng thiếu an ninh hay không? Để khỏi phải kể lể thêm dài
dòng những thí dụ không hay gì và cũng không bổ ích gì như những thí dụ vừa kể
trên, vắn tắt người ta có thể hỏi tại sao một tình trạng quốc gia hỗn loạn,
nghèo nàn, thảm hại như vậy lại có thể xảy ra được tại một quốc gia đặc biệt
phong phú, tài nguyên sung túc như quốc gia của chúng ta?
Tình trạng đáng buồn đó
đã xảy ra là do những chính kiến và những nhóm người hiện nay đang ngăn cản
chúng ta chấp thuận bản dự thảo Hiến pháp. Chưa mãn nguyện là đã đưa chúng ta
tới vực thẳm, họ lại còn muốn xô đẩy chúng ta xuống cái vực thẳm đang đợi chờ
chúng ta. Hỡi quốc dân đồng bào, vì những lý do mà tất cả đồng bào sáng suốt
đều đã nhận thấy, đồng bào hãy cương quyết tranh đấu để duy trì sự an ninh của
chúng ta, để bảo vệ nhân cách và thanh danh của chúng ta. Đồng bào hãy phá tan
những lực lượng hắc ám bấy lâu nay đã ngăn cản quốc dân tiến bước trên con
đường hạnh phúc và thịnh vượng.
Mọi người đều công
nhận, như chúng ta đã nhận xét ở đoạn trên, là hệ thống hiện hữu của chúng ta
có nhiều khuyết điểm. Nhưng công nhận như vậy cũng là vô ích vì hãy còn có một
số người vẫn phản đối chính sách liên bang, cương quyết phản đối những nguyên
tắc độc nhất có thể cứu được tình trạng quốc gia. Trong khi họ nhìn nhận Chính
phủ của Liên hiệp hiện hữu của Hiệp Chủng Quốc châu Mỹ là bất lực, họ lại không
chịu giao phó cho Chính phủ liên bang những quyền lực cần thiết để làm cho
Chính phủ đó trở thành thực lực. Họ chủ trương tiến hành những điều trái ngược
nhau không thể dung hòa được với nhau được: họ muốn gia tăng quyền lực của
chính phủ liên bang nhưng lại không muốn giảm bớt quyền hạn của các tiểu bang;
họ muốn cho liên bang có chủ quyền tối cao nhưng lại muốn các tiểu bang vẫn
hoàn toàn độc lập. Họ mù quáng tin tưởng ở cái quái thai chính trị “những quốc
gia độc lập trong một đế quốc lớn”. Quan niệm đó khiến cho chúng ta cần phải
phân tích rõ ràng tất cả những khuyết điểm của chính thể Liên hiệp để dẫn chứng
rằng những cảnh điêu linh thảm hại mà chúng ta đã phải trải qua không phải có
căn nguyên ở những lỗi lầm nhỏ nhặt hoặc sơ xuất mà chính là ở những lỗi lẫm
căn bản trong cơ cấu của chính thể, và cơ cấu đó không thể sửa chữa được ngoài
cách thay đổi những nguyên tắc căn bản tức là những cột trụ nền móng của cơ cấu
này.
Khuyết điểm căn bản và
quan trọng nhất trong cơ cấu của Liên hiệp hiện hữu là nguyên tắc về quyền lực
Chính phủ của các tiểu bang, một quyền lực do ở danh hiệu của tiểu bang, một
quyền lực dựa trên tập đoàn của tiểu bang, tức là trái ngược và biệt lập với
quyền lực của tiểu bang do ở quyền lực của tất cả cá nhân trong tiểu bang. Tuy
nguyên tắc này không chi phối tất cả các quyền lực uỷ nhiệm cho Chính phủ liên
hiệp, những nguyên tắc này chi phối một số quyền lực then chốt khiến cho Chính
phủ Liên hiệp có hiệu lực hay không. Chẳng hạn, tuy chính phủ Liên hiệp có
quyền trưng dụng nhân lực và tiền tài nhưng lại không có thẩm quyền trực tiếp
tới các cá nhân công dân của Liên hiệp. Kết quả là tuy trên phương diện lý
thuyết, những quyết định của Chính phủ Liên hiệp là những đạo luật mà hiến pháp
bắt buộc các tiểu bang phải tuân theo nhưng trên phương diện thực hành, những
quyết định đó chỉ là những đề nghị để các Chính phủ tiểu bang tuỳ ý thi hành hay
bác bỏ.
Tâm lý con người kể
cũng thật là kỳ lạ. Sau khi đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm chứng tỏ sự bất
lực của chính thể cũ, thế mà ngày nay vẫn còn có những người phản đối hiến pháp
mới vì hiến pháp mới không dựa trên các nguyên tắc mà mọi người đều nhận thấy
là đã làm cho chính thể cũ thất bại, cái nguyên tắc trái ngược hẳn với ý niệm
một Chính phủ chân chính, nói tóm lại, cái nguyên tắc mà nếu đem thi hành triệt
để thì sẽ phải áp dụng bạo lực tàn nhẫn để thay vì cho pháp luật ôn hòa.
Kể ra thì cũng không có
điểm nào đáng gọi là vô lý hay không thể thực hành được trong ý niệm một liên
minh hoặc một đồng minh giữa những quốc gia độc lập để tiến tới một số mục tiêu
cụ thể được ghi chép rõ ràng trong một hiệp ước có ghi rõ những chi tiết về
thời gian, địa điểm và những việc khác, nghĩa là khoản nào cũng chu đáo, nhưng
hiệp ước đó được thi hành hay không tại còn phải tuỳ thuộc vào thiện chí của
những nước ký kết. Những hiệp ước như vậy đã được ký kết rất nhiều giữa những
nước văn minh, khi thì được thi hành, khi thì bị bãi bỏ, tùy theo trường hợp
thời bình hay thời chiến, tùy theo quyền lợi hoặc lòng người của mỗi nước ký
kết. Hồi đầu thế kỷ này, các nước châu Âu thi đua nhau ký kết những hiệp ước
như vậy, và các chính trị gia khi ký kết những hiệp ước đó tin là chúng sẽ mang
tới nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, những kết quả đó đã không được hình
thành. Mục đích của họ là tạo được một thế quân bình và một nền hòa bình tại
châu Âu và vì vậy nhiều nước đã ký kết những liên minh tay ba, tay tư, nhưng
vừa ký kết xong chẳng được bao lâu thì những đồng minh đó đã bị tan vỡ. Đó là
một bài học rất hay tuy là đáng buồn để cho nhân loại nhận thấy là không thể
tin cậy được ở những hiệp ước mà sự thi hành chỉ dựa trên thiện chí, trong khi
những ý niệm về hòa bình và công lý luôn luôn xung đột với những xúc cảm của
con người mà bị quyền lợi hay dục vọng chi phối.
Nếu những tiểu bang tại
nước này cũng muốn liên minh cùng nhau giống như các nước tại châu Âu và bác bỏ
dự án liên bang thì giải pháp đó quả là một giải pháp tai hại và sẽ đưa đến cho
chúng ta tất cả những thất bại đã kể ở đoạn trên. Nếu bác bỏ dự án liên bang để
theo giải pháp liên minh thì các tiểu bang sẽ rơi vào tình trạng thù địch,
chống đối nhau, bởi vì ngoại quốc sẽ đổ thêm dầu để hun ngòi lửa hiềm khích và
ganh đua đã có sẵn giữa các tiểu bang.
Nhưng nếu chúng ta
không muốn lâm vào một tình trạng hiểm nghèo như vậy, nếu chúng ta vẫn muốn có
một hình thức chính phủ toàn quốc, hay nói theo cách khác, một quyền lực chỉ
huy tối cao, đặt dưới quyền điều khiển của một hội đồng chung, thì chúng ta cần
phải chấp thuận trong kế hoạch của chúng ta những đặc điểm phân biệt rõ ràng
thế nào là một liên minh và thế nào là một Chính phủ. Chúng ta cần phải nới
rộng quyền lực của chính phủ liên bang để cho quyền lực này có thể chi phối
trực tiếp tới tận những cá nhân của các công dân. Có vậy thì Chính phủ mới đúng
nghĩa của nó.
Nói tới Chính phủ thì
tức là phải nói ngay tới quyền lực ban bố luật pháp. Mà luật pháp muốn cho đầy
đủ ý nghĩa cần phải có thưởng phạt, nghĩa là nếu bất tuân luật pháp thì sẽ bị
trừng phạt. Nếu bất tuân theo luật pháp mà không bị trừng phạt thì những quyết
định của chính phủ, tức là những đạo luật, sẽ chỉ được coi là những lời khuyên
nhủ suông mà thôi. Sự trừng phạt đó chỉ có thể thi hành được bằng hai cách,
hoặc do các tòa án và các nhân viên tư pháp, hoặc bằng vũ lực, vũ khí. Cách đầu
cố nhiên là chỉ để thi hành đối với các cá nhân con người, còn cách sau là để
thi hành trong trường hợp cần thiết đối với các tổ chức chính trị, các cộng
đồng hay các tiểu bang. Tòa án không có phương pháp để bắt buộc quyết định của
tòa án được thi hành. Những quyết định đó có thể bị phản đối và chỉ có thể thi
hành bằng vũ lực mà thôi. Trong một liên hiệp mà quyền lực chỉ được áp dụng đối
với những đoàn thể đã họp lại thành liên hiệp đó, mỗi khi luật pháp bị vi phạm
hay không được tuân thủ thì chỉ còn có một cách là đi tới chiến tranh và chỉ có
biện pháp quân sự dùng vũ lực mới có thể khiến cho luật pháp được tuân thủ. Nếu
tình trạng đó xảy ra thì cơ quan được uỷ nhiệm quyền lực Chính phủ sẽ không
đáng gọi là Chính phủ và không có một người thận trọng nào mà sẵn lòng giao phó
vận mạng và hạnh phúc của mình cho một cơ quan như vậy.
Đã có một thời kỳ chúng
ta từng nghe biện luận rằng không thể xảy ra những trường hợp mà các tiểu bang
sẽ không tuân thủ luật pháp của chính phủ liên hiệp bởi vì họ là các tiểu bang
đều biết nghe theo lẽ phải và sẽ theo những quyết định của một Chính phủ đã
được thành lập theo đúng hiến pháp. Ngày nay, chúng ta đã có dịp nhận thấy quan
điểm đó thật sai lầm và vô lý, và quan điểm đó chứng tỏ những người biện luận
như vậy đã không hiểu biết gì hết về tâm lý của con người và về lý do tại sao
lại phải thành lập một Chính phủ dân sự. Tại sao lại cần phải thành lập một
chính phủ? Tại vì lòng người không muốn tuân theo lẽ phải và công lý khi không
bị bắt buộc. Hơn nữa, có thể chắc chắn được rằng đoàn thể khi hành động sẽ hành
động đứng đắn và không vụ lợi hơn cá nhân hay không? Trái lại, khi hành động
lỗi lầm mà bị tai tiếng thì cá nhân lo sợ hơn vì chỉ có một mình mình bị tai
tiếng, các đoàn thể mà mang tiếng thì mang tiếng chung cho nên không cần.
Ngoài điều đó ra lại có
một điều nữa là đoàn thể có chủ quyền theo bản tính của nó, không ưa những đoàn
thể khác hạn chế quyền hạn của mình hay là tìm cách xen vào trong hoạt động của
mình. Chính vì vậy, trong bất cứ một đoàn thể chính trị nào đã được thành lập
trên nguyên tắc thống nhất nhiều nhóm khác nhau để cùng tiến tới một mục đích
chung, những nhóm nhỏ thường có khuynh hướng ly khai khỏi trung tâm của đoàn
thể. Nguyên nhân của khuynh hướng đó chỉ là lòng tham quyền mà thôi. Nhóm mà
quyền hạn bị hạn chế bao giờ cũng muốn tìm cách chống đối lại nhóm đã hạn chế
quyền hạn của mình.
Nhận định giản dị đó
cho chúng ta một bài học là chúng ta không thể hy vọng ở những người phụ trách
quyền lợi của các nhóm nhỏ đã liên hiệp trong một đoàn thể lớn. Chúng ta không
thể hy vọng là những người đó có thi hành những quyết nghị của đoàn thể lớn để
tiến tới lợi ích chung cho tất cả các nhóm nhỏ.
Như vậy, nếu quyết định
của chính phủ liên hiệp, tức là đoàn thể lớn, không thể thi hành được nếu không
có sự thỏa thuận của các tiểu bang, tức là những nhóm nhỏ, thì chúng ta có thể
chắc chắn là những quyết định đó sẽ không khi nào có thể thi hành được. Những
người phụ trách trong Chính phủ các tiểu bang sẽ tự ý họ phân tích và suy xét
về các quyết định của chính phủ liên hiệp. Họ cố nhiên phải có một tinh thần vị
lợi, hoài nghi, chú trọng tới quyền lợi của tiểu bang của họ trước đã. Lối suy
xét đó không phải chỉ xảy ra trong một tiểu bang mà trong tất cả các tiểu bang
đã liên kết trong liên hiệp. Quyết nghị của chính phủ liên hiệp, tuy liên quan
tới tất cả các tiểu bang nhưng sẽ bị suy xét do những người phụ trách của các
tiểu bang, và sẽ được thi hành hay không lại cũng do ở những người ở cách xa
nhau, chỉ hiểu biết về các quyền lợi địa phương mà không hiểu biết gì về tình
hình toàn quốc.
Trong trường hợp của
chúng ta, quyết định của chính phủ liên hiệp mà muốn được thi hành cần phải
được toàn thể Chính phủ của mười ba tiểu bang chấp thuận. Tình trạng đã xảy ra
đúng như chúng ta đã tiên đoán. Những quyết định của chính phủ liên hiệp đã
không được các tiểu bang thi hành một phần nào cả. Hết tiểu bang này trì hoãn
tới tiểu bang nọ bất tuân quyết định của Chính phủ Trung ương, rốt cuộc bộ máy
của chính phủ liên hiệp đã bị kìm hãm rồi ngưng trệ hẳn. Quốc hội của chính phủ
liên hiệp đã không có một phương tiện nào để hoạt động trong khi chờ đợi các tiểu
bang thỏa hiệp áp dụng một chính thể liên bang mới có hiệu lực.
Tình trạng tuyệt vọng
này đã không xảy ra một cách bất lợi. Những lý do mà chúng ta đã kể ở trên, hồi
đầu đã khiến cho các tiểu bang không tuân theo quyết nghị của chính phủ liên
hiệp, nhưng nơi ít nơi nhiều, không hoàn toàn giống nhau. Sau đó tiểu bang này
lại dựa vào tiểu bang nọ, lấy cớ tiểu bang nọ không tuân lệnh rồi bắt chước. Họ
tự hỏi tại sao mình lại phải đóng góp quốc phòng hơn người khác? Họ đã hành
động như vậy vì tư lợi mà không cần tìm hiểu xem hậu quả của toàn quốc sẽ tai
hại như thế nào. Thế là, hết tiểu bang này rồi tới tiểu bang nọ lần lượt rút
lại sự ủng hộ của mình đối với chính phủ liên hiệp toàn quốc cho tới khi tòa
nhà Trung ương không còn cột kèo nào để chống đỡ, sẵn sàng sụp đổ trên đầu trên
cổ chúng ta và rồi sau này sẽ chôn vùi toàn thể chúng ta dưới đống gạch đá của
cảnh điêu tàn chung.
MADISON
Trong số những khó khăn
mà Hội nghị Lập hiến đã phải trải qua, khó khăn quan trọng nhất là làm thế nào
để cho Chính phủ vừa có đủ sự ổn định, có đủ năng lực hoạt động, lại vừa không
làm tổn hại tới tinh thần tự do và tinh thần cộng hòa. Nếu không thực hiện được
điều đó thì hội nghị quả là đã không làm tròn phận sự mà hội nghị đã được giao
phó và có lỗi đối với nhân dân đã hy vọng ở hội nghị. Nhưng thực hiện được điều
đó không dễ dàng, người nào hiểu biết về vấn đề này đều phải công nhận
như vậy. Chính phủ có đầy đủ năng lực hoạt động thì mới duy trì được an ninh để
chống lại những hiểm hoạ từ bên ngoài đưa tới hoặc từ ngay ở trong nước phát
sinh ra. Chính phủ phải có đầy đủ năng lực thì luật pháp mới được thi hành mau
chóng và đúng đắn, có vậy thì Chính phủ mới xứng đáng là một Chính phủ chân
chính. Chính phủ cần phải được ổn định vì sự ổn định sẽ mang lại nhiều điều lợi
ích, làm cho nhân dân tin tưởng ở Chính phủ, được thái bình. Một Chính phủ
không ổn định, nay thay mai đổi, thì quả thật là một điều tai hại và làm cho
dân chúng chán ghét.
Tuy những điều kể trên
rất quan trọng nhưng nếu chúng ta so sánh những điều đó với những nguyên tắc về
tự do mà quan trọng cũng không kém thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay là việc dung
hòa các điều đó cùng nhau sao cho cân xứng là một việc rất khó khăn. Tinh thần
tự do cộng hòa đòi hỏi rằng không những tất cả các quyền lực của Chính phủ đều
phải do ở nhân dân mà có, mà quyền lực đó dù đã giao phó cho một số người rồi
vẫn phải ở trong vòng kiểm soát của nhân dân, nghĩa là quyền lực đó chỉ nên
giao phó trong những kỳ hạn rất ngắn mà thôi. Vì dù là quyền lực đã chỉ được ủy
nhiệm trong một kỳ hạn rất ngắn, quyền lực đó không phải là uỷ nhiệm cho một
vài người, mà cần phải uỷ nhiệm cho càng nhiều người càng hay. Ngược lại, sự ổn
định đòi hỏi quyền lực đó cần phải ủy nhiệm cho một số người trong một thời hạn
khá lâu dài. Nếu những người được uỷ nhiệm cần phải thay đổi luôn thì cần phải
có nhiều cuộc bầu cử và sau mỗi cuộc bầu cử lại có một số người mới cùng với
những đề nghị và quyết định mới. Trái lại, một Chính phủ mà muốn cho có đầy đủ
năng lực, cần phải là một Chính phủ được uỷ quyền trong một thời gian khá lâu
dài và hơn nữa, sự thi hành quyền lực đó cần phải do một người có trách nhiệm
và có uy lực.
Một việc khá khó khăn
không kém gì việc vừa kể trên đó là vạch rõ giới hạn giữa quyền lực Chính phủ
Trung ương và quyền lực Chính phủ các tiểu bang. Chắc ai nấy đều đã nhận thấy
công việc này khó khăn như thế nào, nhất là đối với những người từng hay nghĩ
ngợi về những vấn đề phức tạp. Năng giác của trí tuệ con người là những điều mà
con người chưa thể phân biệt được rõ ràng và tìm hiểu được bản tính của chúng
tuy là đã có nhiều triết gia lỗi lạc cố gắng nghiên cứu tìm hiểu. Giác quan,
trí xét đoán, dục vọng, trí nhớ, trí tưởng tượng là những điều vô cùng tế nhị
và không thể đặt trong những giới hạn rõ ràng khiến cho ngày nay chúng ta vẫn
phải tìm hiểu mãi và có nhiều ý kiến khác nhau trong khi nghiên cứu những điều
đó. Năng giác trí tuệ mà còn khó phân biệt và tìm hiểu được như vậy huống chi
là những vấn đề quan trọng khác thì còn khó khăn biết chừng nào. Chẳng hạn như
các loài thực vật và động vật, đã có nhà tự nhiên học nào hiểu rõ được bản tính
của mỗi loài khác nhau như thế nào và phạm vi của mỗi loài thì làm thế nào mà
hạn định được cho rõ ràng?
Thế giới thiên nhiên
chia ra từng loại rõ ràng, ranh giới nhất định, thế mà chúng ta không phân biệt
nổi vì con mắt của chúng ta không được hoàn toàn để thấu triệt. Huống chi, khi
nhận xét về các cơ cấu xã hội và chính trị của loài người, con mắt của chúng ta
đã không hoàn toàn, mà đối tượng, tức là những cơ cấu đó, lại không phân biệt
ra từng loại rõ ràng, vậy thì chúng ta đâu dám hy vọng là có thể tìm hiểu được
đầy đủ về các cơ cấu chính trị đó. Kinh nghiệm đã dạy cho chúng ta rằng trong
khoa học chính trị, chưa có một trí thông minh tài giỏi nào có thể phân biệt và
định nghĩa được rõ ràng ba ngành quyền chính trị, tức là ngành lập pháp, ngành
hành pháp và ngành tư pháp, hay là những quyền hạn của các bộ phận của mỗi
ngành. Mỗi ngày người ta lại tự nêu lên một câu hỏi về những vấn đề này, chứng
tỏ là những vấn đề này thật là khó hiểu, khiến cho những người tài giỏi nhất về
khoa chính trị học mà chúng vẫn phải thắc mắc.
Kinh nghiệm của nhân
loại, trải qua bao thời đại, gồm cả những công phu của các luật gia xuất chúng,
những công trình của các Chính phủ sáng suốt, thế mà vẫn chưa có thể thành công
trong công cuộc phân chia và đặt giới hạn phạm vi của nhiều bộ luật khác nhau
và của nhiều toà án khác nhau. Phạm vi của luật dân sự, luật thương mại, luật
hàng hải, luật về tôn giáo và những luật lệ của các địa phương ngày nay vẫn cần
phải định đoạt cho rõ ràng thêm ngay tại một nước như nước Anh, tức là một nước
mà những bộ luật đó đã được nghiên cứu và áp dụng cặn kẽ và sâu rộng nhất trên
thế giới. Tất cả các đạo luật mới, dù được ghi chép rõ ràng trên phương diện kỹ
thuật như thế nào chăng nữa, dù được thông qua sau khi đã được thảo luận kỹ
lưỡng như thế nào chăng nữa vẫn bị coi là tối nghĩa và dễ hiểu lầm cho tới khi
ý nghĩa của những đạo luật đó đã được xác định rõ ràng qua nhiều lần bàn cãi và
xét xử. Ngoài việc vấn đề không được phân biệt rõ ràng và tri giác của con người
không được hoàn toàn còn một việc nữa là phương tiện truyền thông tư tưởng từ
người này qua người nọ cũng không được rõ ràng. Ngôn ngữ dùng để phát biểu tư
tưởng. Vậy muốn cho tư tưởng được phát biểu rõ ràng, không những tư tưởng cần
phải rõ ràng trước đã, mà sau nữa, ngôn ngữ cũng cần phải rõ ràng, mỗi chữ, mỗi
tiếng dùng cho một tư tưởng riêng biệt không thể lầm với nhau. Nhưng chưa có
một ngôn ngữ nào có thể đầy đủ đến độ có thể có đủ mỗi danh từ, mỗi câu cho mỗi
tư tưởng phức tạp và những danh từ đó lại đúng đến độ không thể hiểu lầm được.
Vì vậy, dù các vấn đề đã được định nghĩa rõ ràng nhưng nếu các danh từ thiếu rõ
ràng hoặc sai lầm thì các vấn đề cũng trở thành thiếu rõ ràng và có thể hiểu
lầm được. Và vấn đề càng mới mẻ bao nhiêu thì danh từ trong ngôn ngữ lại càng
thiếu rõ ràng và dễ sai lầm bấy nhiêu. Ngay đến Đức Chúa, khi Đức Chúa hạ mình
để nói với loài người, Đức Chúa đã dùng phương tiện truyền thông tư tưởng của
loài người và vì vậy, tuy tư tưởng của Đức Chúa sáng ngời nhưng ý nghĩa tư tưởng
của Đức Chúa cũng mất phần minh triết vì ngôn ngữ của loài người.
Tóm lại, có ba lý do
làm cho việc định nghĩa bị mơ hồ hoặc sai lầm: sự khó phân biệt giữa các đối
tượng, sự thiếu hoàn thiện của tri giác con người, sự thiếu thốn trong ngôn ngữ
để truyền thông tư tưởng. Bất cứ một lý do nào trong ba lý do đó đều có thể làm
cho một vấn đề trở nên thiếu rõ ràng. Hội nghị Lập hiến, khi hạn định phạm vi
quyền lực liên bang và quyền lực tiểu bang, chắc chắn đã trải qua kinh nghiệm
về ảnh hưởng của ba lý do trên.
Ngoài những vấn đề khó
khăn kể trên phải kể thêm những sự đòi hỏi trái ngược nhau giữa các tiểu bang
lớn và các tiểu bang nhỏ. Các tiểu bang lớn đòi hỏi rằng quyền hạn của họ trong
khi tham dự vào chính phủ liên hiệp phải cân xứng với sự quan tâm của tiểu bang
họ. Còn các tiểu bang nhỏ thì đòi hỏi quyền hạn bình đẳng cho tất cả các tiểu
bang. Chẳng bên nào chịu nhường nhịn bên nào và cuối cùng là tất cả các phe cố
nhiên cũng phải tìm ra một cách để hoà giải. Khi đã hòa giải xong rồi, các phe
lại bắt đầu tranh giành nhau trong việc tổ chức Chính phủ, phân chia quyền hạn
cho các ngành, các cơ quan vì ai cũng muốn có nhiều ảnh hưởng. Hội nghị Lập
hiến đã phải hy sinh một vài điểm lý thuyết hợp lý để đến những dung hòa thiết
thực.
Không phải chỉ có những
tiểu bang lớn và những tiểu bang nhỏ xung khắc nhau mà thôi mà còn có những
nhóm xung khắc với nhau nữa. Nhóm thì có tính chất địa phương, nhóm thì có tính
chất chính trị. Vì mỗi tiểu bang chia ra nhiều quận và dân chúng chia ra nhiều
giai cấp nên có nhiều nhóm khác nhau, tranh giành quyền lợi trái ngược nhau.
Đấy chỉ mới nói tới một tiểu bang, nếu nói tới toàn quốc thì biết bao nhiêu là
nhóm khác nhau.
Điều kỳ lạ là tuy có
nhiều sự khó khăn như vậy mà Hội nghị Lập hiến đều đã vượt qua được và đã vượt
qua bằng một sự đồng ý, đồng thanh không thể ngờ trước được. Không có một người
chân thật nào khi nghĩ tới kết quả của Hội nghị Lập hiến mà lại không cảm thấy
ngạc nhiên. Còn đối với người có lòng tin, ai mà chẳng nghĩ là trong công trình
này lại không có dính tới bàn tay của Đấng Thượng đế, từ trước tới nay đã từng
bao phen ban phước cho xứ sở chúng ta trong những buổi gian lao của Thời kỳ
cách mạng.
Trong một bài khác,
chúng tôi đã từng nói tới những cố gắng vô ích của Liên bang Hà Lan trong việc
tu chỉnh bản Hiến pháp của họ mà trong đó có nhiều điểm sai lầm. Lịch sử của
các hội nghị lớn của nhân loại thành lập để dung hòa những ý kiến khác nhau,
những sự ganh tỵ hoặc những quyền lợi khác nhau, chỉ là lịch sử của những đảng
phái, những đòi hỏi trái ngược, những thất vọng đáng được coi là những cảnh đã
trưng bày những tật xấu bỉ ổi của con người. Nếu trong một vài trường hợp lẻ tẻ
mà những hội nghị đó đi đến được những kết quả sáng lạng, thì đó chỉ là những
trường hợp ngoại lệ của một định luật mà thôi. Phân tích nguyên nhân thành công
của những trường hợp này sẽ đưa chúng ta tới hai nhận xét kết luận: Nhận xét
đầu tiên là hội nghị đã may mắn không bị ảnh hưởng tai hại của cuộc tranh giành
ganh tỵ giữa các đảng phái. Nhận xét thứ hai là đại diện các nhóm và các địa
phương trong Hội nghị đều mãn nguyện với kết quả của hội nghị hay bắt buộc tự
coi là mãn nguyện vì họ tin tưởng chân thành là cần phải hy sinh quyền lợi của
tư nhân, của địa phương cho công ích, nếu không thì sẽ bị chậm trễ mất thì giờ
và sẽ còn phải trải qua nhiều thí nghiệm khác.
Nguồn: https://cungviethienphap.wordpress.com