Một lý thuyết về công bằng

Posted on
  • Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Giới thiệu
    John Rawls (1921 – 2002), triết gia người Mỹ, là một trong những triết gia chính trị quan trọng nhất trong mấy trăm năm qua. Ông bảo vệ các ý tưởng dân chủ tự do trong các tác phẩm Một lý thuyết về công bằng [A Theory of Justice] (các trích đoạn được rút ra từ tác phẩm này) và Chủ nghĩa tự do chính trị [Political Liberalsim].
    Trong các tác phẩm này Rawls đi tìm kiếm các nguyên tắc công bằng làm cơ sở để quản trị xã hội. Ông cho rằng chúng ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc mà tất cả chúng ta đồng ý khi ở dưới các điều kiện giả tưởng nào đó (“vị trí ban đầu”) [the original position]. Tưởng tượng chúng ta là những người tự do và duy lý nhưng không biết vị trí của chúng ta trong xã hội (giàu hay nghèo, da trắng hay da đen, nam hay nữ…). Sự giới hạn về nhận thức này để đảm bảo sự vô tư; tức là, nếu chúng ta không biết chủng tộc của mình, thì chúng ta không thể vận động, lôi kéo người khác ủng hộ cho các nguyên tắc mang lại thuận lợi cho chủng tộc của mình. Các nguyên tắc công bằng là các nguyên tắc mà chúng ta đồng ý dưới những điều kiện này. Rawls cho rằng, trong vị trí ban đầu chúng ta sẽ đồng ý với “nguyên tắc tự do bình đẳng” [equal liberty principle], tức là nguyên tắc đảm bảo các quyền tự do như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận…bình đẳng cho mọi người. Chúng ta cũng sẽ đồng ý với “nguyên tắc khác biệt”[difference principle], tức là nguyên tắc này thúc đẩy sự phân phối bình đẳng sự thịnh vượng, ngoại trừ những sự phân phối bất bình đẳng mà mang lại lợi ích cho mọi người (bao gồm những người có điều kiện ít thuận lợi hơn trong xã hội) và cơ hội rộng mở đối với mọi người trên cơ sở bình đẳng.
    Khi bạn đọc các trích đoạn, và hỏi chính bạn liệu vị trí ban đầu có là một khuôn khổ hợp lý để lựa chọn các nguyên tắc công bằng hay không? Hai nguyên tắc công bằng của Rawls có thuyết phục đối với bạn? Liệu chúng có là các nguyên tắc mà chúng ta sẽ lựa chọn dưới các điều kiện như Rawls miêu tả?
    Vai trò của công bằng
    Công bằng là đức hạnh đầu tiên của các thiết chế xã hội, cũng như chân lý đối với các hệ thống tư tưởng. Một lý thuyết dù vẻ ngoài hay ho và hợp lý đến đâu cũng phải bị bác bỏ hoặc xem xét lại nếu nó không đúng; tương tự như vậy với luật pháp và các thiết chế xã hội dù chúng có được xắp đặt tốt và hữu hiệu đến đâu nhưng vẫn cần phải cải cách hoặc hủy bỏ nếu chúng không công bằng. Mỗi người sở hữu những quyền không thể xâm phạm trên nền tảng công bằng mà ngay cả sự thịnh vượng của toàn bộ xã hội cũng không thể xâm phạm. Vì lý do này mà sự công bằng phủ nhận quan điểm cho rằng sự mất tự do của một số để tạo ra một lợi ích lớn hơn cho một số khác là điều đúng đắn. Vì là đức hạnh đầu tiên của các hoạt động của con người, chân lý và công bằng là không thể thỏa hiệp.
    Những lập luận này dường như diễn tả một sự thuyết phục mang tính trực giác về địa vị đứng đầu của công bằng. Không nghi ngờ gì nữa chúng diễn tả quá thuyết phục. Và tôi muốn tìm hiểu xem liệu những lập luận này hay những lập luận tương tự với chúng có căn cứ hay không, và nếu có làm sao để giải thích. Với mục đích này, cần phải phác thảo ra một lý thuyết về công bằng mà dưới ánh sáng của nó những lập luận này có thể được giải thích và xác nhận.
    Vị trí ban đầu
    Mục đích của tôi là trình bày một khái niệm về công bằng mà nó khái quát hóa và mang tới một mức độ trừu tượng cao hơn so với khái niệm công bằng tìm thấy trong lý thuyết khế ước xã hội quen thuộc của Locke, Rousseau, và Kant. Để làm điều này tôi không nghĩ về khế ước ban đầu như là khế ước để đi vào một xã hội cụ thể hay để thiết lập một dạng chính quyền cụ thể. Thay vào đó, ý tưởng hướng dẫn là: đối tượng của một khế ước ban đầu là các nguyên tắc công bằng cho cấu trúc cơ bản của xã hội. Chúng là các nguyên tắc mà những người tự do và duy lý quan tâm đến việc thúc đẩy hơn nữa lợi ích riêng của họ sẽ chấp nhận ở một vị trí ban đầu bình đẳng [a initial position of equality] khi xác định các điều khoản nền tảng của sự liên kết của họ. Những nguyên tắc này sẽ điều chỉnh tất cả các phương diện khác; chúng xác định các kiểu hợp tác xã hội nào mà chúng ta có thể tham gia và các dạng chính quyền nào mà chúng ta có thể thiết lập. Nguyên tắc công bằng được xây dựng theo cách như vậy tôi gọi là công bằng như sòng phẳng [justice as fairness].
    Trong công bằng như sòng phẳng, vị trí ban đầu bình đẳng tương ứng với trạng thái tự nhiên trong lý thuyết khế ước xã hội truyền thống. Dĩ nhiên, vị trí ban đầu này không được xem như là một hoàn cảnh lịch sử thực tế, mà ít nhiều như là một hoàn cảnh sơ khởi về văn hóa. Nó được hiểu đơn thuần như một hoàn cảnh giả thiết được sử dụng để đi đến một khái niệm nào đó về công bằng. Một trong số những đặc trương cơ bản của hoàn cảnh này là không ai biết về vị trí của anh ta trong xã hội, cũng như vận may liên quan đến sự phân bố các tài sản, năng lực tự nhiên, trí tuệ, sức khỏe …Nguyên tắc công bằng sẽ được lựa chọn đằng sau một bức màn vô minh [a vein of ignorance]. Điều này đảm bảo không ai thấy được các thuận lợi hay bất lợi bắt nguồn từ của sự may rủi tự nhiên hay của hoàn cảnh xã hội khi lựa chọn các nguyên tắc. Vì tất cả ở vào một hoàn cảnh tương tự nhau, và không ai có thể thiết kế các nguyên tắc mang lại thuận lợi cho hoàn cảnh cụ thể của anh ta, nên các nguyên tắc công bằng là kết quả của một sự thỏa thuận sòng phẳng. Điều này giải thích đặc điểm của tên gọi “công bằng như là sòng phẳng”: nó truyền đạt ý tưởng là: các nguyên tắc công bằng được đồng ý ở một ví trí ban đầu vốn là sòng phẳng.
    Như tôi đã nói, công bằng như là sòng phẳng bắt đầu với một lựa chọn chung nhất trong tất cả các lựa chọn mà mọi người có thể lựa chọn cùng nhau, tức là, bắt đầu với lựa chọn các nguyên tắc đầu tiên của khái niệm công bằng, khái niệm quy định tất các phê phán và cải cách sau đó đối với các thiết chế xã hội. Sau khi đã lựa chọn được khái niệm công bằng, chúng ta có thể tin rằng mọi người sẽ đi đến lựa chọn một thể chế và một cơ quan lập pháp để ban hành luật, và tất cả phải phù hợp với các nguyên tắc công bằng đã được đồng ý ban đầu. Tình trạng của xã hội của chúng ta là công bằng nếu tiếp theo sau các thỏa thuận giả thiết này chúng ta đồng ý đi vào trong hệ thống các quy tắc cai trị chung vốn định hình trạng thái đó. Ngoài ra, với việc thừa nhận rằng vị trí ban đầu quyết định một tập hợp các nguyên tắc, thì hoàn toàn đúng đắn là bất cứ khi nào các thiết chế xã hội thỏa mãn những nguyên tắc này, những người liên quan đến chúng có thể nói với nhau rằng họ đang hợp tác trên các phương diện mà họ đồng ý, và nếu họ là những người tự do và bình đẳng, thì các quan hệ của họ với nhau là sòng phẳng. Với một nhận thức chung như vậy sẽ cung cấp cơ sở cho một sự chấp nhận ở phạm vi cộng đồng đối với các nguyên tắc công bằng tương ứng. Dĩ nhiên, không xã hội nào có thể là một hệ thống hợp tác mà con người đi vào tự nguyên theo nghĩa đen; mà mỗi người thấy mình sinh ra trong một hoàn cảnh cụ thể trong một xã hội cụ thể, và vị trí này sẽ ảnh hưởng về mặt vật chất tới các triển vọng cuộc sống của anh ta. Tuy nhiên một xã hội thỏa mãn các nguyên tắc công bằng như là sòng phẳng đến gần hơn với một xã hội như là một hệ thống tự nguyện, vì nó đáp ứng các nguyên tắc mà những người tự do và bình đẳng tán thành dưới các các điều kiện được coi là sòng phẳng. Theo nghĩa này các thành viên của nó là các thành viên tự trị và các nghĩa vụ mà họ thừa nhận là do họ tự áp đặt lên mình.
    Một khi các nguyên tắc công bằng được nghĩ về như bắt nguồn từ vị trí ban đầu trong một trạng thái bình đẳng, thì câu hỏi đặt ra là liệu nguyên tắc công lợi có được chấp nhận hay không. Ngay tức thì, ta thấy câu trả lời là không, vì những người mà nhìn nhận chính họ như là những người bình đẳng, và được trao quyền để áp đặt các yêu sách lên người khác, sẽ không thể đồng ý với một nguyên tắc mà yêu cầu một cuộc sống ít triển vọng hơn cho một số chỉ vì mục tiêu mang lại lợi ích tổng thể lớn hơn cho số khác. Vì mọi người đều mong muốn bảo vệ lợi ích của chính mình, không ai có lý do để bằng lòng với một sự thiệt hại mãi mãi cho mình để mang lại sự thỏa mãn lớn hơn cho người khác. Vì không tồn tại sự rộng lượng vô biên và mãi mãi, một người duy lý sẽ không chấp nhận một cấu trúc cơ bản chỉ quan tâm đến việc tối đa tổng số những lợi ích mà không đếm xỉa gì đến ảnh hưởng lâu dài của nó lên các quyền và lợi ích cơ bản của anh ta. Do vậy, rõ ràng nguyên tắc công lợi không thích hợp với ý tưởng về một sự hợp tác xã hội giữa những người bình đẳng vì lợi ích lẫn nhau.
    Thay vào đó, tôi khẳng định rằng mọi người trong vị trí ban đầu sẽ lựa chọn hai nguyên tắc khác: nguyên tắc thứ nhất yêu cầu sự bình đẳng khi gán các quyền và bổn phận cơ bản, trong khi nguyên tắc thứ hai cho rằng các bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, như bất bình đẳng về sự giàu có và quyền lực, là chỉ công bằng khi chúng mang lại lợi ích cho mọi người, đặc biệt là đối với các thành viên có hoàn cảnh ít thuận lợi hơn trong xã hội.
    Hai nguyên tắc công bằng
    Bây giờ tôi sẽ trình bày hình thức tạm thời của hai nguyên tắc công bằng mà tôi tin sẽ được đồng ý ở vị trí ban đầu. Khi chúng ta tiếp tục, tôi sẽ xem xét một vài kiểu diễn đạt khác và từ đó, sự trình bày cuối cùng sẽ dần dần được mang lại.
    Sự diễn đạt đầu tiên về hai nguyên tắc như sau:
    Nguyên tắc thứ nhất: mỗi người có quyền bình đẳng đối với một sơ đồ toàn diện nhất các quyền tự do cơ bản tương đương không mâu thuẫn với một sơ đồ các quyền tự do tương tự của người khác.
    Nguyên tắc thứ hai: sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội được xếp đặt sao cho chúng (a) được mong đợi (một cách có cơ sở) mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, và (b) quy định các vị trí và chức vụ luôn mở rộng đối với tất cả mọi người.
    Dạng diễn đạt cuối cùng về hai nguyên tắc công bằng được đưa ra trong mục 46.1.
    Các nguyên tắc này chủ yếu áp dụng cho cấu trúc cơ bản của xã hội để kiểm soát việc phân bổ các quyền và bổn phận, và điều chỉnh sự phân bố các lợi ích về kinh tế và xã hội. Từ các mục đích của một lý thuyết công bằng, sự diễn đạt của chúng tiền giả định là cấu trúc xã hội có thể được xem như có hai phần riêng biệt, trong đó nguyên tắc thứ nhất áp dụng cho phần này, và nguyên tắc thứ hai áp dụng cho phần kia. Tức là, chúng ta phân biệt giữa các khía cạnh của một hệ thống xã hội vốn định nghĩa và đảm bảo các quyền tự do bình đẳng cơ bản với các khía cạnh khác vốn xác định và thiết lập những sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.
    Các quyền tự do cơ bản được rút ra từ một danh sách các quyền tự do. Và quan trọng nhất trong số những quyền tự do này là các quyền tự do chính trị (quyền bầu cử và giữ các chức vụ công); tự do ngôn luận và lập hội; tự do ý thức và tự do tư tưởng; tự do khỏi sự đè nén về mặt tâm lý, cũng như sự bạo hành thể xác; quyền nắm giữ tài sản cá nhân và tự do khỏi mọi sự bắt giữ tùy tiện. Những quyền tự do này là bình đẳng theo nguyên tắc thứ nhất.
    Nguyên tắc thứ hai áp dụng để phân phối thu nhập và tài sản, và để thiết kế các tổ chức với thẩm quyền và trách nhiệm khác nhau. Trong khi sự phân bố tài sản và thu nhập không cần bình đẳng, thì phải đảm bảo sự bình đẳng đối với sự phân bố các thuận lợi xã hội cho mọi người, và đồng thời, mọi người phải tiếp cận được các vị trí có quyền lực và trách nhiệm. Chúng ta áp dụng nguyên tắc thứ hai bằng cách để cho các vị trí đều rộng mở, và sau đó từ điều kiện này, phân bổ sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội sao cho mọi người có lợi.
    Các nguyên tắc này được xắp xếp trong một trật tự với nguyên tắc thứ nhất ưu tiên so với nguyên tắc thứ hai. Trật tự này có nghĩa là bất cứ sự vi phạm đối với các quyền tự do cơ bản được bảo vệ bởi nguyên tắc thứ nhất là không thể biện minh, hoặc bồi thường cho, dù với một sự thuận lợi, hay lợi ích lớn hơn về kinh tế và xã hội. Những quyền tự do này là tối cao, và chúng chỉ bị giới hạn và thỏa hiệp khi chúng xung đột với các quyền tự do cơ bản khác. Vì chúng có thể bị giới hạn khi chúng xung đột với nhau, không quyền tự do nào trong các quyền tự do này là tuyệt đối; dù chúng được xắp đặt để hình thành một hệ thống, hệ thống này là làm mất đi tính bình đẳng giữa chúng.
    Hai nguyên tắc này khá cụ thể về nội dung, và sự chấp nhận chúng dựa trên một số giả định nào đó mà cuối cùng tôi phải cố gắng giải thích và biện minh. Còn bây giờ, chỉ cần biết rằng các nguyên tắc này là các trường hợp đặc biệt của một khái niệm tổng quát hơn về công bằng được phát biểu như sau:
    Tất cả mọi giá trị xã hội – sự tự do và cơ hội, thu nhập và tài sản, và các cơ sở xã hội của lòng tự trọng – phải được phân phối bình đẳng trừ khi một sự phân phối không bình đẳng của những giá trị như vậy mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
    Do đó, bất công đơn giản là sự bất bình đẳng không mang lại lợi ích cho tất cả.
    Câu hỏi nghiên cứu
    1 Rawls muốn nói điều gì khi ông viết “Công bằng là đức hạnh đầu tiên của thiết chế xã hội”. Giải thích vai trò không thể thỏa hiệp của công bằng.
    2 Giải thích vị trí ban đầu và vai trò của nó trong lý thuyết công bằng của Rawls. Màn vô minh là gì và mục đích của nó là gì?
    3 Rawls có tin rằng xã hội đã được bắt đầu bằng một khế ước giữa các cá nhân? Nếu không, thì mục đích của ý tưởng khế ước xã hội là gì?
    4 Rawls có nghĩ rằng khi mọi người ở vị trí ban đầu họ sẽ lựa chọn nguyên tắc công lợi? Tại sao có hoặc tại sao không?
    5 Hai nguyên tắc công bằng của Rawls là gì? Cho ví dụ về cách áp dụng của mỗi nguyên tắc.
    6 Nguyên tắc khác biệt của Rawls bị phê phán bởi cả những người theo chủ nghĩa Marx lẫn những người theo chủ nghĩa tư bản. Bạn hãy cho biết sự chỉ trích mà họ có thể đưa ra là gì?  
    Nguồn: “Ethics Contemporary Readings”; Routledge Contemporary Readings in Philosophy; tr 229-234.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org