Lý thuyết của locke về nghĩa vụ chính trị

Posted on
  • Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch
    Bối cảnh chính trị và tư tưởng
    Lý thuyết của Locke về nghĩa vụ chính trị xoay quanh câu hỏi gai góc về tính hợp pháp của quyền lực của nhà nước, được hiểu dựa vào bối cảnh của cuộc đấu tranh cho sự kế tục ngôi vị nước Anh diễn ra trong những năm 1680 chống lại người em theo đạo Công giáo của vua Scharles II, tức James II, và lên đến cực điểm của nó với sự sụp đổ của Jame II vào năm 1688.
    Từ năm 1667, Locke là bạn thân thiết và là nhà tư vấn hàng đầu cho Lord Ashley, sau đó là Earl Sharftesbury, một chính trị gia xuất chúng thuộc đảng Whig, và là người vận động tích cực cho việc loại bỏ James II theo đạo Công giáo khỏi ngai vị nước Anh. Sau sự thất bại của Âm mưu Tinh lành chống lại Scharles II, Locke theo Earl Sharftesbury tị lạn ở Hà lan năm 1683, sau đó trở lại Anh vào năm 1689 sau cuộc “Cách mạng vinh quang” năm 1688 lật đổ James II và thiệt lập một nền quân chủ lập hiến ở Anh với sự kế nhiệm của William III và Mary II.
    Trong cuộc đấu tranh chính trị của những năm 1680, vấn đề tôn giáo nổi nên bởi sự tồn tại của một vị vua theo đạo Công giáo, James II, tại một nước theo đạo Tin lành, mặc dù có ý nghĩa quan trọng, nhưng nó vẫn không quan trọng bằng vấn đề bức thiết về thể chế liên quan đến tương quan quyền lực giữa vua và quốc hội – nói cách khác, vấn đề về quyền đối nội tối cao của nhà nước Anh.
    Lý thuyết của Locke về nghĩa vụ chính trị, cũng như lý thuyết của Hobbes, dựa vào ý tưởng về khế ước xã hội, được phác thảo ra trong tác phẩm lý thuyết chính trị lớn của ông, Khảo luận thứ hai về chính quyền (1689), tác phẩm được xem như lý thuyết phản chuyên chế của đảng Whig, trong đó đưa ra sự biện minh cho việc chống lại nền quân chủ chuyên chế, độc tài, và thậm chí trong một hoàn cảnh nào đó, cho việc nổi nổi loạn vũ trang.
    Về mặt tư tưởng, lý thuyết của Locke về nghĩa vụ chính trị, giống như lý thuyết của ông về quyền tối cao, có thể xem như một phản ứng, một nỗ lực bác bỏ đối với lý thuyết khế ước xã hội của Hobbes. Lý thuyết của Locke về nghĩa vụ chính trị sử dụng một khung khái niệm tương tự như lý thuyết của Hobbes, với các ý tưởng như “trạng thái tự nhiên” và “khế ước xã hội”. Nhưng nó cũng đưa ra một ý tưởng mới, cấp tiến so với thời đại của ông đó là việc đặt ra những giới hạn cho thẩm quyền chính trị để bảo vệ và thúc đẩy một số quyền tự nhiên không thể san nhượng của con người. 
    Được hình thành từ đầu những năm 1680, nhưng mãi tới năm 1689 mới được xuất bản trong Khảo luận thứ hai về chính quyền, lý thuyết của Locke được thiết kế để thay thế cho sự bảo vệ về mặt lý thuyết của Sir Robert Filmer đối với nền quân chủ chuyên chế được Filmer phác thảo trong tác phẩm Patriarcha (1680) liên quan đến học thuyết về quyền thần thánh của Vua chúa – một quan điểm truyền thống mà Locke thách thức và bác bỏ trong tác phẩm Khảo luận thứ nhất về chính quyền (1689).
    Quan niệm của Locke về trạng thái tự nhiên
    Trong phương pháp luận cũng như trong lý thuyết về nhận thức, Locke, giống như Hobbes, cả hai đề là người duy vật, tức giải thích thực tại dựa trên các phương diện vật chất lẫn kinh nghiệm, sử dụng quan sát và kinh nghiệm làm cơ sở cho nhận thức. Giống như Hobbes, Locke bác bỏ học thuyết về quyền thần thánh của Vua như là cơ sở lý thuyết cho nghĩa vụ của cá nhân chấp nhận thẩm quyền chính trị của nhà nước. Tuy nhiên, không giống như Hobbes, Locke lập luận chống lại chính quyền chuyên chế, và khẳng định nguyên tắc tự do cho rằng quyền lực của nhà nước đối với cá nhân phải bị giới hạn.
    Khi phát triển lý thuyết về nghĩa vụ chính trị như vậy, chắc chắn Locke lấy nó, như Hobbes đã làm, từ quan niệm của ông về một “trạng thái tự nhiên” tiền chính trị. Tuy nhiên đối với Locke, đây là một trạng thái trong đó con người như là một tạo vật của Thượng đế được thụ hưởng các quyền tự nhiên cơ bản, tức là, các quyền tiền chính trị và tiền xã hội, và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tự nhiên tưng ứng. Cụ thể hơn, trong trạng thái tự nhiên này, theo Locke, cá nhân có các quyền tự nhiên để sống, tự do, và quyền sở hữu. Ngoài ra, những quyền như vậy là không thể san nhượng; vì chúng tồn tại trước khi có các tổ chức xã hội và chính trị, nên không thể bị bãi bỏ trong các tương tác của cá nhân đối với xã hội.
    Locke giải thích điều này thêm bằng cách diễn đạt rằng trạng thái tự nhiên được quản lý bởi luật tự nhiên, tức là, lý tính, năng lực dạy con người ….rằng mọi người đều bình đẳng, độc lập, không ai có quyền làm hại đến cuộc sống, sức khỏe, tự do, và tài sản của người khác. Vì theo Locke, con người là những sinh vật duy lý có khả năng khám phá và tuân theo các chân lý đạo đức về tốt xấu, đúng sai, từ đây tuân theo các quy tắc hành vi đạo đức khi đối xử với người khác. Như là những sinh vật duy lý, con người cũng có khả năng nhận ra rằng khi đối xử với người khác, họ phải được đối xử như là những người tự do, độc lập, và bình đẳng; vì tất cả mọi người trong trạng thái tự nhiên đều bình đẳng liên quan đến sự bảo tồn cuộc sống, sự tự do, và sở hữu tài sản.
    Tuy nhiên, thật không may, trong trạng thái tự nhiên có một số mối đe dọa nào đó. Đây không phải là sự nguy hiểm do tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ gây ra như quan điểm của Hobbes, nhưng thay vào đó là hoàn cảnh trong đó không có luật lệ được viết ra với các hình phạt cố định mà chỉ đơn thuần là các tiêu chuẩn về hành vi không được viết ra, và không có một cơ quan tài phán để phán quyết. Với sự vắng mặt của cơ quan này, cá nhân sẽ ứng xử theo phán đoán riêng và tuy tiện của mình khi diễn giải và củng cố luật tự nhiên, ngay cả việc thực thi quyền để áp đặt sự trừng phạt. Dẫn đến một tình trạng không chắc chắn trong đó hòa bình, trật tự, và cuối cùng là an ninh và sự tự do cá nhân có thể rơi vào nguy hiểm.
    Khế ước xã hội hai giai đoạn của Locke
    Locke cho rằng, với hoàn cảnh như vậy, đòi hỏi sự có mặt của quyền lực và thẩm quyền của một chính quyền dân sự, vì chỉ có nó mới có thể thiết lập quá trình ban hành và thực thi luật pháp, áp đặt các hình phạt một cách trật tự, những điều này không tồn tại trong trạng thái tự nhiên, nhưng cần thiết để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Để có được điều này, cá nhân phải từ bỏ quyền diễn giải và củng cố luật tự nhiên của mình. Họ phải sẵn lòng tuân theo chính quyền dân sự, mà đối với Locke, đó là một chính quyền phù hợp với các nguyên tắc của lý tính, từ đây phù hợp với “luật tự nhiên”. Một chính quyền như vậy sẽ được ủy quyền với quyền lực chính trị để củng cố luật tự nhiên, do vậy bảo vệ các quyền tự nhiên của cá nhân.
    Khi vạch ra nguồn gốc của nghĩa vụ chính trị theo cách này, rõ ràng Locke đề nghị rằng quá trình này thực sự yêu cầu sự thiết lập qua hai giai đoạn của một khế ước xã hội. Giai đoạn thứ nhất được hình thành trên cơ sở của một quyết định có sự đồng thuận tuyệt đối để thiết lập một xã hội chính trị bởi tất cả các cá nhân. Khi đưa ra một cam kết như vậy, các cá nhân này tự nguyên từ bỏ một số sự tự do tự nhiên để đảm bảo trật tự và ổn định. Giai đoạn hai của khế ước dựa trên một thỏa thuận ủy nhiệm giữa xã hội dân sự và chính quyền qua đó các cá nhân cấu thành xã hội dân sự đó, trên cơ sở quyết định của đa số, thực hiện việc ủy nhiệm cho chính quyền với quyền hành pháp, lập pháp, và liên hiệp. Điều này có nghĩa là cá nhân chuyển cho chính quyền quyền và năng lực để ban hành, diễn giải và củng cố luật tự nhiên.
    Mục đích trên hết của hai giai đoạn này là cung cấp một sự bảo vệ hữu hiệu hơn đối với các quyền tự nhiên như quyền sống, tư do, và tư hữu mà các công dân vốn thụ hưởng trước khi thiết lập một chính quyền dân sự. Những ẩn ý rộng hơn của lý thuyết khế ước hai giai đoạn này của Locke là, thứ nhất và trên hết, đó là nghĩa vụ tuân theo chính quyền dân sự của cá nhân là có điều kiện. Vì sự tuân theo của anh ta phụ thuộc vào việc chính quyền thực thiện đầy đủ các điều khoản của khế ước – cụ thể là, bảo vệ các quyền của cá nhân. Sau cùng, theo quan điểm của Locke, chính quyền dân sự tồn tại vì lợi ích của người dân. Nó nắm giữ quyền lực từ sự ủy nhiệm của người dân để cai trị tốt hơn.
    Do vậy, lý thuyết khế ước xã hội của Locke cũng gợi ý rằng thẩm quyền và quyền lực của chính quyền phải bị giới hạn bởi mục đích cơ bản, và trung tâm của nó – là bảo vệ và tôn trọng các quyền tự nhiên của cá nhân. Và bổn phẩn chính đó của chính quyền được hoàn thiện bởi nghĩa vụ của các công dân khi tôn trọng và tuân thủ các luật đã được ban hành hợp pháp.
    Cuối cùng, lý thuyết của Locke thậm chí còn gợi ý rằng nếu chính quyền thất bại khi thực hiện các trách nhiệm của nó đối với người dân hoặc làm dụng quyền lực theo cách gây hấn, đàn áp hoặc cai trị mà không có sự đồng thuận của người dân, thì trong những hoàn cảnh như vậy người dân, những người hình thành nên xã hội dân sự, có thể thực hiện quyền nổi loạn của họ, loại bỏ người cai trị mà không thực sự giải tán xã hội dân sự.
    Quan niệm của Locke về sự đồng thuận
    Nằm ở trái tim của cả hai giai đoạn trong lý thuyết khế ước xã hội của Locke là quan niệm của ông về sự đồng thuận. Đối với Locke điều này là cơ sở cho cả tính hợp pháp của thầm quyền chính trị và điều kiện tất yếu cho nghĩ vụ chính trị vì:
    “ Con người…tư tự nhiên, tất cả đều tự do, bình đẳng và độc lập, không ai có thể bị mang ra ngoài trạng thái này, và phục tùng quyền lực chính trị của người khác, mà không có sự đồng thuận của anh ta.”
    Locke chỉ ra rằng sự đồng thuận, liên quan đến quyết định hoặc lựa chọn cân nhắc của cá nhân, là trung tâm trong giai đoạn thứ nhất của khế ước xã hội: tức giai đoạn thực hiện việc thiết lập xã hội chính trị bởi các cá nhân trong trạng thái tự nhiên. Do đó Locke nhấn mạnh sự kiện là:
    “ Tất cả con người vốn ở trong trạng thái đó, và vẫn còn như vậy, cho đến khi bởi sự đồng thuận của họ họ biến chính họ thành thành viên của một xã hội chính trị”
     Giai đoạn hai của khế ước xã hội, liên quan đến thỏa thuận tập thể để thiết lập một chính quyền, dựa trên sự đồng thuận của cá nhân vì nó rút ra từ một nhu cầu cho “một bộ luật xác định, ổn định, và dễ hiểu, được chấp nhận từ sự đồng thuận phổ biến như là tiêu chuẩn cho đúng sai”.
    Khi đi định nghĩa cho quan niệm về sự đồng thuận này, Locke đưa ra một sự phân biệt không mấy rõ ràng giữa đồng thuận ngầm và đồng thuận công khai. Theo ông, đồng thuận ngầm làm cho cá nhân phục tùng luật của một đất nước bao lâu anh ta còn ở trong biên giới của nước đó. Nó áp dụng cho những người kế thừa tài sản từ cha mình, hoặc những người sở hữu đất trong lãnh thổ của quốc gia, hoặc ngay cả khi anh ta đi lại tự do trên đường. Trái lại, đồng thuận công khai đề cập đến tư cách đầy đủ của một thành viên của xã hội với tất cả các quyền và bổn phận tương ứng. Ngoài ra, Locke nhấn mạnh rằng sự đồng thuận công khai của cá nhân được đòi hỏi bất cứ khi nào nhà nước muốn tịch thu tài sản hoặc đánh thuế dân.
    Sự phân biệt của Locke đối với hai dạng đồng thuận bị các nhà lý thuyết chính trị, các nhà lịch sử tư tưởng chính chị xem như là không thuyết phục và có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, điều mà Locke đang cố gắng mang về từ sự phân biệt khái niệm này là sự tương phản quan trọng giữa, một mặt, sự phục tùng đơn thuần của cá nhân đối với quyền lực chính trị đổi lại sự bảo vệ cho các quyền tự nhiên của anh ta, và mặt khác, trở thành một thành viên tích cực trong một xã hội dân sự.
    Kết luận
    Trên các phương diện chính trị rộng hơn, Locke không cố để liên hệ quan niệm của ông về sự đồng thuận với bất cứ lý thuyết nào về sự đại diện nghị viện. Đối với vấn đề đó, ông không khẳng định rằng sự tồn tại của một hội đồng đại diện được bầu là điều kiện tiên quyết của một sự cai trị bởi sự đồng thuận. Thay vào đó, ông chỉ khẳng định rằng, trên tất cả, sự đồng thuận của người dân cung cấp cơ sở hợp pháp duy nhất cho thẩm quyền chính trị.
    Ý nghĩa thực sự trong quan niệm của Locke về sự đồng thuận là: nền tảng của lý thuyết về nghĩa vụ chính trị phải nằm ở sự biện minh cho thẩm quyền chính trị của người cai trị, tức quyền cai trị, làm luật, và đưa ra các chính sách. Do đó, trong tư tưởng chính trị của Locke, việc nhấn mạnh sự đồng thuận cá nhân dẫn đến một sự quan tâm ít hơn đối với nghĩa vụ của người dân và nhiều hơn vào bổn phận của người cai trị. Kì cùng thì một sự quan tâm như vậy đưa đến một học thuyết về quyền chống lại sự cai trị tùy tiện, áp bức. Về mặt lịch sử, đó là một sự phân nhánh quan trọng trong lý thuyết của Locke về nghĩa vụ chính trị - lý thuyết khế ước xã hội dựa trên quan niệm về sự đồng thuận – mà cuối cùng cung cấp sự biện minh trí tuệ cho sự lật đổ nền quân chủ chuyên chế của James II trong cuộc “cách mạng vinh quang” năm 1688 và sau đó thiết lập nền quân chủ lập hiến ở Anh.
    Nguồn: “Moderm Political Thinhkers and Ideas”Routledge
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org