Giới thiệu về triết gia Karl Popper

Posted on
  • Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • KARL RAIMUND POPPER (28/6/1902 – 17/9/1994), triết gia Anh gốc Áo. Ông được xem là một trong những triết gia có ảnh hưởng rất quan trọng của thế kỷ 20. Popper có lẽ được cả thế giới biết đến vì đã bác bỏ những mô tả khoa học mang tính quy nạp và quan sát cổ điển; vì đã đề xuất khái niệm tính có thể nguy tạo trong kinh nghiệm để phân biệt lý thuyết khoa học với phi-khoa học; và vì sự biện hộ cho dân chủ tự do và những nguyên tắc của lý thuyết phê bình xã hội mà ông sử dụng để thúc đẩy sự hình thành “xã hội mở''.
    Karl Popper sinh ra trong một gia đình trung lưu tổ tiên là người Do Thái. Ông được đào tạo tại đại học Vienna, lấy bằng tiến sĩ triết học năm 1928, và dạy trung học từ năm 1930 đến 1936. Năm 1937, khi chủ nghĩa phát xít nổi lên, Popper phải di cư sang New Zealand, ở đó ông giảng dạy triết học tại đại học Canterbury thuộc giáo hội Công giáo. Năm 1946, ông đến Anh nghiên cứu lôgic học và phương pháp toán học tại Viện Kinh tế Luân Đôn, rồi được phong chức giáo sư năm 1949. Ông được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ năm 1965 và được bầu làm viện sĩ Hội Hoàng gia năm 1976. Ông rời bỏ sinh hoạt hàn lâm năm 1969, mặc dù ông vẫn làm việc đến khi qua đời vào năm 1994.
    TRIẾT HỌC
    Popper sáng tạo ra từ ngữ chủ nghĩa duy lý phê phán để trình bày triết học của ông. Sự chọn lựa này rất quan trọng, nó biểu thị sự phản đối của ông đối với chủ nghĩa kinh nghiệm cổ điển, và cách tường trình khoa học mang tính quy nạp - quan sát xuất phát từ nó. Popper mạnh mẽ phản bác kiểu mô tả đó, viện lẽ rằng, các lý thuyết khoa học là phổ quát về bản chất, và chỉ có thể được thẩm tra một cách gián tiếp, bằng cách tham khảo tới những hàm ý của chúng. Ông cũng biện luận rằng, lý thuyết khoa học và tri thức của con người nói chung có tính cách phỏng đoán và tính cách giả thuyết không thể giản lược, và được sinh ra bởi trí tưởng tượng sáng tạo để giải quyết những vấn đề xuất hiện trong những khung cảnh lịch sử - văn hoá đặc thù. Về mặt lôgic, nhiều kết quả tích cực ở cấp độ thử nghiệm không thể khẳng định một lý thuyết khoa học, nhưng chỉ cần một phản ví dụ thực sự là có ý nghĩa quyết định lôgic: nó chững tỏ lý thuyết mà từ đó hệ luận được rút ra, là sai lầm. Sự mô tả của Popper về tính không đối xứng về mặt lôgic giữa bằng chứng và sự giả mạo là cốt lõi của triết học khoa học của ông. Nó cũng gợi hứng cho ông coi tính có thể kiểm sai như tiêu chuẩn để phân chia giữa cái gì là và cái gì không thực sự là khoa học: một lý thuyết sẽ được coi là khoa học nếu và chỉ nếu nó có thể kiểm sai. Điều này dẫn ông đến chỗ không công nhận cả phân tâm học và học thuyết Marx hiện đại là khoa học, vì rằng, những lý thuyết của chúng không có tính có thể kiểm sai. Công trình khoa học của ông chịu ảnh hưởng thuyết tương đối của Albert Einstein. Thuyết có thể kiểm sai của Popper giống với thuyết khả sai của Charles Pierce. Trong Về những chiếc đồng hồ và những đám mây (1960), Popper nói ông ước gì biết được những công trình của Pierce sớm hơn.
    Trong Xã hội mở và những kẻ thù của nóSự khốn cùng của chủ nghĩa duy sử, Popper triển khai sự phê phán chủ nghĩa duy sử và biện hộ cho ''xã hội mở, dân chủ tự do. Chủ nghĩa duy sử là học thuyết cho rằng, lịch sử phát triển không ngăn cản được và nhất thiết theo những quy luật phổ quát khả tri hướng đến một kết cục tất định. Popper cho rằng, cái nhìn này là sự giả định lý thuyết suông chủ yếu làm nền tảng cho hầu hết các hình thức của chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa toàn trị. Ông lý luận rằng, chủ nghĩa duy sử được xây dựng trên những giả thiết sai lầm về bản chất của quy luật và dự đoán khoa học. Bởi vì sự tăng tiến tri thức nhân loại là nhân tố tạo ra sự tiến hóa của lịch sử nhân loại, và bởi vì không có xã hội nào có thể dự đoán dược, về mặt khoa học, những tình trạng tri thức tương lai của chính nó'', cho nên, ông khẳng định rằng, không thể có một khoa học dự đoán về lịch sử nhân loại. Theo Popper, thuyết vô định siêu hình và lịch sử liên quan chặt chẽ với nhau.
    Trong những đóng góp của ông cho triết học có công trình giải đáp của ông đối với vấn đề quy nạp của David Hume. Hume cho rằng, chỉ vì Mặt Trời mọc mỗi ngày chừng nào có người còn có thể nhớ, thì điều đó cũng không có nghĩa là có lý do hợp lý để tin rằng, nó sẽ mọc vào ngày mai. Không có một phương pháp thuần lý nào chứng minh được một mô hình sẽ tiếp tục chỉ vì nó đã tiếp tục trước đây.
    Lời giải đáp của Popper tiêu biểu cho lý thuyết về những chuẩn mực của tính có thể kiểm sai của ông. Ông nêu rõ rằng, mặc dù không có cách gì chứng minh được Mặt Trời sẽ mọc, chúng ta vẫn suy đoán rằng, nó sẽ mọc. Nếu nó không mọc, thì nó sẽ bị phản chứng, nhưng ngay bây giờ có vẻ như nó nhất quán với suy đoán của chúng ta, sự suy đoán không bị phản chứng. Do đó, sự phân chia giữa khoa học và không khoa học của Popper còn là câu trả lời cho vấn đề lôgic cũ nữa.
    TIÊU CHÍ CHO LÝ THUYẾT KHOA HỌC
    Những thực nghiệm được mô tả chỉ tiết như những bằng chứng của phương pháp khoa học được coi là thành công vì rằng, chúng phù hợp với kỳ vọng. Lẽ ra chúng chỉ được coi là giống như thành công nếu, mặc dù được tiến hành tốt, chúng đã không phù hợp bởi vì có thể chúng đã bộc lộ sai sót trong những giả định chính yếu. Tiêu chí được thừa nhận rộng rãi của triết gia Karl Popper đối với lý thuyết khoa học là nó không hẳn chỉ thông qua những thử nghiệm như chúng có thể được áp dụng mà phải được trình bày chi tiết theo một phương pháp mà sự có thể kiểm sai khả hữu về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, vì mọi giá trị của nó với tư cách một thử nghiệm của những giả định khoa học, cần phải giả thuyết rằng, người thực nghiệm thường tiến hành công việc với tiêu chí của Popper trong đầu. Ông ta luôn hy vọng tự thuyết phục mình rằng, khái niệm ban đầu là đúng. Nhà khoa học không quan tâm đến việc cung cấp sự bảo đảm cho kết luận của ông ta, bởi vì, dù bao nhiêu thử nghiệm xác nhận nó, vẫn còn khả năng thử nghiệm tiếp theo sẽ không xác nhận. (Nói như David Hume là phải cần vô số thử nghiệm). Sự quan tâm của ông ta là thuyết phục bản thân, đồng sự và những người khác rằng, một giả thuyết đã thông qua đủ những thử nghiệm để trở nên đáng chấp nhận cho đến khi có một thử nghiệm tốt hơn.
    ẢNH HƯỞNG
    Có thể nói Popper đã đóng vai trò chính yếu trong việc xây dựng triết học khoa học thành một ngành học đầy sinh lực, tự trị trong phạm vi triết học phân tích, thông qua các tác phẩm đầy thuyết phục của ông, và thông qua ảnh hưởng của ông đối với những người đương thời và hậu duệ của ông mà hai trong số đó là Imre Lakatos và Paul Feyerabend, những triết gia lỗi lạc nhất thuộc thế hệ tiếp sau của triết học phân tích. (Công trình của Lakatos sửa đổi rất nhiều lập trường của Popper, trong khi Fcyerabend bác bỏ hoàn toàn, nhưng công trình của cả hai đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Popper và dính dáng tới nhiều vấn đề mà Poper đã đặt ra).
    Popper cũng được thừa nhận rộng rãi là một trong những tiếng nói dẫn đạo trong cuộc nổi loạn chống lại chủ nghĩa thực chứng lôgic của Nhóm Vienna giữa thế kỷ XX. Việc ông làm sống lại thuyết hoài nghi của Hume đối với suy luận quy nạp và việc ông giới thiệu nguyên lý có thể kiểm sai như một giải pháp phi-quy nạp đối với những nan giải của tri thức khoa học, đóng một vai trò quan trọng trong việc phê bình quan điểm khoa học vốn là trung tâm của hệ thống thực chứng. Popper, không thường xuyên được biết tới vì tính khiêm tốn của mình, viết đầu đề cho một chương trong cuốn tự truyện của mình “Ai giết chủ nghĩa thực chứng lôgic?'' - một câu hỏi mà ông trả lời bằng câu nói ''Tôi e rằng, tôi phải nhận trách nhiệm''. Popper có lẽ đã nói hơi quá về ảnh hưởng của riêng mình so với W. V. O. Quyne và đối thủ triết học của ông là Ludwig Wittgenstein.
    Ảnh hưởng của Popper, thông qua hoạt động triết học khoa học và thông qua triết học chính trị của ông, đã vượt qua khuôn khổ hàn lâm. Trong số sinh viên và những người ủng hộ ông có nhà đầu tư tỉ phú George Soros; ông tuyên bố các chiến lược đầu tư của ông rập khuôn theo lý thuyết về sự tăng triển của tri thức thông qua kiểm sai. Một trong những quy từ thiện của ông là Quỹ xã hội mở, để bày tỏ sự ngưỡng mộ với tác phẩm Xã hội mở và kẻ thù của nó của Popper, được thành lập để xúc tiến học thuyết xã hội mở của Popper chống lại chủ nghĩa toàn trị và chế độ độc tài.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Logik der Forschung (1934, viết bằng tiếng Đức; Lôgic của khám phá khoa học)
    The open Society and Its Enemies (1945; Xã hội mở và kẻ thù của nó)
    The Proverty of Historicism (1961; Sự khốn cùng của thuyết duy sử)
    Conjectures and Refutations: The Growth of Scientific Knowledge (1963; Ước đoán và bác bỏ: Sự phát triển của tri thức khoa học).
    Objective Knowledge: An Evolutionary Approach (1972; Tri thức khách quan: phương pháp tiếp cận tiến hoá).
     (Nguồn: 101 triết gia, Mai Sơn biên soạn)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org