Francis Fukuyama và Phái Tân Bảo Thủ

Posted on
  • Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , , ,
  • Nguyễn Trường 
                                                           
     A : Francis Fukuyama : Tư Tưởng Kinh Tế Chính Trị
    Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, Fukuyama, trong một bài xã luận, đã đưa ra ý niệm Chung Cuộc của Lịch Sử . Luận thuyết nầy sau đó đã được tác giả triển khai và xuất bản dưới nhan đề Chung Cuộc của Lịch Sử và Người Cuối Cùng vào năm 1992, một năm sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã. Trong cuốn sách đã đem lại tiếng tăm lừng lẫy, Fukuyama lập luận, quá trình tiến hóa của lịch sử nhân loại qua sự đấu tranh quyết liệt giữa các hệ ý thức khác nhau đã đến hồi kết thúc với sự toàn thắng của văn hóa Tây phương. Đó là hệ ý thức cơ sở trên những giá trị cốt lõi Cơ Đốc giáo mang tính phổ quát; và trật tự thế giới sẽ dần dà được định hình theo mô hình Dân chủ Tự do (liberal democracy). Nói một cách khác, chủ nghĩa tự do về chính trị và kinh tế (political and economic liberalism) đã toàn thắng, và từ nay cũng là mô hình duy nhất và tốt nhất cho nhân loại .
    Suốt gần hai thập kỹ vừa qua, luận thuyết The End of History and the Last Man đã gặp nhiều chỉ trích gay gắt của nhiều tác giả từ cả hai phía tả cũng như hữu. Để trả lời những đả kích vừa nói cũng như phản ảnh những diễn biến trong chính trị thế giới từ mùa hè 1989, Fukuyama đã tìm cách biện minh lập trường trong phần hậu đính “Afterword: After the end of history”, nhân dịp tái bản lần thứ hai cuốn The End of History vào tháng 2 năm 2006, và tiếp theo đó, trong tác phẩm Hoa Kỳ ở Ngã Tư Đường: Dân Chủ, Quyền Lực, và Di Sản của Tân Bảo Thủ , xuất bản cùng năm .
    Trong tác phẩm mới, lập trường tân biện của Fukuyama có thể tóm tắt như sau: Hoa Kỳ cần sử dụng sức mạnh của mình để phát huy dân chủ trên khắp thế giới, tốt nhất là theo đường lối thực tiễn của Wilson ( realistic Wilsonianism), với vũ lực như biện pháp cuối cùng ( last resort ) và chỉ để bổ túc cho nhiều biện pháp khác . Sự hiện diện của một tiềm lực quân sự khả dụng ( latent military force ) thường là lợi khí hữu hiệu hơn là biện pháp ra quân thực sự ( actual deployment ). Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ lớn hơn tổng số ngân sách quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới gộp lai. Hiệu quả, tuy vậy, rất hạn chế, như kinh nghiệm thực tế Iraq đã chứng minh. Do đó, Hoa Kỳ chỉ nên giữ vai trò một lãnh đạo gương mẩu, dồn khả năng tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng các quốc gia, trợ giúp giáo dục, tài chánh, cố vấn và tiếp tay trong quá trình phát triển chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới. Kinh nghiệm cho thấy quá trình phát triển, chính trị cũng như kinh tế, trong một xứ, dù ở châu lục nào, cũng không thể đến từ bên ngoài , mà luôn từ chính người dân bản xứ. Hoa Kỳ thường dễ thành công trong vai trò giúp hình thành các định chế quốc tế, những tổ chức thường phối hợp được quyền lực và tính chính đáng. Hành xử theo chiều hướng nầy, dỉ nhiên, đòi hỏi thời gian và nhiều kiên nhẫn. Và đây là luận cứ cốt lõi của Fukuyama trong tác phẩm America at the Crossroads.
    Trong bài viết cho Tạp chí The New York Times Magazine nhan đề Sau Chủ Thuyết Tân Bảo Thủ , số ra ngày 19 tháng 2 năm 2006, Fukuyama đã gay gắt chỉ trích cuộc chiến xâm chiếm Iraq và đồng hóa Neoconservatism với Leninism. Ông viết: Nhóm Tân Bảo Thủ… tin, diễn tiến lịch sử có thể được thúc đẩy khi quyền lực và ý chí được áp dụng đúng liều lượng. Chủ thuyết Leninism, như nhóm Bolshevik đã thể hiện, là một thảm kịch, và khi được Hoa Kỳ thực nghiệm, đã trở thành một trò hề . Tân Bảo Thủ, như một biểu tượng chính trị và một chủ thuyết, đã chuyển biến thành một thực tế tôi không còn có thể ủng hộ” .
    Fukuyama cũng công bố sự cáo chung của thời kỳ hoàng đạo của tân bảo thủ (conservative moment), và chủ trương giải trừ quân sự hóa ( demilitarization ) cuộc chiến chống khủng bố. Ông nói: “ Chiến tranh là một từ ví von, ẩn dụ sai lầm để mô phỏng một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn, vì chiến tranh diễn tiến với cường độ cực lớn và có điểm bắt đầu và điểm kết thúc rõ ràng. Đối đầu với một thử thách mang tính thánh chiến là một cuộc đấu tranh dài lâu, tranh tối tranh sáng, cốt lõi không phải một chiến dịch quân sự mà phải là một cuộc thi đua chính trị để giành lấy thiện cảm và đồng tình của các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới" .
    Nếu Fukuyama đã tự tách khỏi chủ thuyết tân bảo thủ, trong căn bản lý thuyết kinh tế chính trị, ông vẫn luôn nặng nợ với Leo Strauss, người khai sinh ra chủ thuyết tân bảo thủ. Trong cuốn Tương lai Hậu nhân bản: Hậu quả của cuộc Cách mạng kỹ thuật sinh học , Fukuyama vẫn giữ lập trường của Strauss khi bênh vực học thuyết cổ điển về quyền tự nhiên. Luận cứ của ông mang dấu ấn Aristotle.Thực vậy, Aristotle lập luận, các ý niệm đúng sai – những ý niệm mà ngày nay chúng ta gọi là nhân quyền – xét cho cùng, vẫn cơ sở trên bản tính con người . Để hiểu chính xác hơn luận thuyết mới của Fukuyama như đã được xác định trong tác phẩm America at the Crossroads , tưởng cần phải tập trung phân tích những ý niệm cốt lõi mà ông đặc biệt quan tâm .
    Fukuyama bắt đầu với định nghĩa cụm từ The End of History. Ý niệm nầy đã được vay mượn từ G. W. F. Hegel và Karl Marx. Theo Hegel, một nhà triết học lịch sử lừng danh đầu tiên , lịch sử nhân loại được hiểu như một qúa trình tiến hóa mạch lạc và duy lý dẫn dần tới một thế giới ngày một tự do hơn. Marx, trong khi đó, lại xây dựng lý thuyết trên nền tảng kinh tế -- những đổi thay trong các phương tiện sản xuất -- từ thời hồng hoang tiền sử qua thời đại săn bắn thu lượm cho đến canh nông rồi kỹ nghệ. Lịch sử, như vậy, là một quá trình canh tân, hiện đại hóa. Vấn đề là quá trình hiện đại hóa chung cuộc sẽ dẫn dắt nhân loại về đâu ? Nhiều nhà trí thức cấp tiến, trong giai đoạn từ Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx và FriedrichEngels năm 1848 cho đến cuối thế kỹ 20, tin rằng diễn tiến lịch sử sẽ kết thúc với một mô hình cộng sản không tưởng (a communist utopia). Với sự sụp đổ của bức tường Bá Linh năm 1989 và sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, Fukuyama quả quyết lịch sử nhân loại đã chấm dứt không phải với chủ nghĩa cộng sản mà với cái mà Marx gọi là “dân chủ trưởng giả” (bourgeois democracy) .
    Cho đến năm 1992, theo Fukuyama, hình như không có một hình thức tổ chức xã hội nào tốt đẹp hơn mô hình cơ sở trên hai nguyên tắc song sanh: tự do và bình đẳng . Cũng như Samuel Huntington, ông tin văn hóa là một thành tố không thể chối bỏ của xã hội con người và chúng ta không thể hiểu phát triển và chính trị nếu không quan tâm đến các giá trị văn hóa.
    Vấn đề đặt ra là những giá trị và định chế được triển khai và định hình trong thời đại Khai Sáng của Tây phương mang tính phổ quát như Hegel và Marx nghĩ, hay chỉ có tính giới hạn trong chân trời văn hóa đặc thù như dưới mắt các triết gia Friedrich Nietzsche và Martin Heidegger.
    Huntington tin tưởng các định chế chính trị Tây phương chỉ là phó sản của văn hóa Cơ đốc Tây Âu, và sẽ không thể đâm chồi, bắt rể , bên ngoài biên giới văn hóa đó. Trên phương diện lịch sử, định chế dân chủ tự do thế tục hiện nay bắt nguồn từ Cơ đốc giáo, một hình thức thế tục của học thuyết cơ đốc về nhân phẩm phổ quát ( universal dignity of man), ngày nay được hiểu như một học thuyết chính trị phi tôn giáo về nhân quyền. Định chế dân chủ tự do, học thuyết nhân quyền vừa nói, theo Huntington, chỉ là biểu tượng của sự thành công tạm thời của một nền văn hóa thống lĩnh trong hiện tình thế giới.
    Fukuyama lập luận ngược lại. Theo ông, phương pháp khoa học, nền tảng của nền văn minh kỹ thuật hiện đại, cũng có nguồn gốc lịch sử từ Âu châu, cơ sở trên tư tưởng của các triết gia như Francis Bacon và René Descartes. Nhưng một khi đã được khám phá, phương pháp khoa học trở thành tài sản chung của nhân loại, mọi người đều có thể sử dụng, dù ở Ấn độ, Á châu hay Phi châu . Các nguyên tắc tự do, bình đẳng, nền móng của định chế dân chủ tự do, mặc dù có gốc rể từ văn hóa Tây Âu, vẫn có thể tách rời nguồn gốc lịch sử đặc thù của nó và giữ nguyên giá trị trong các chân trời văn hóa phi cơ đốc. Do đó, Fukuyama tin lô gic chung của quá trình tiến hóa có thể giải thích tại sao thế giới ngày một dân chủ hơn. Nói một cách khác, theo ông, các nguyên tắc và định chế nói trên có tính phổ quát .
    Theo Marx và Engels, lịch sử, xét cho cùng, bắt nguồn từ khoa học và kỹ thuật. Khoa học mang tính lũy tích. Những khám phá khoa học không bao giờ bị thất thoát, bỏ quên qua thời gian. Điều đó tạo ra thế giới kinh tế, vì kỹ thuật mở rộng chân trời khả năng sản xuất và bảo đảm thời đại máy hơi nước sẽ khác với thời đại cày bừa bằng tay, thời đại transistor và máy vi tính sẽ khác với thời đại than thép. Tiến bộ khoa học khiến năng suất gia tăng gấp bội, từ đó, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và tự do tư tưởng trong chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường tự do hiện đại.
    Lợi tức theo đầu người ( GDP bình quân ) ngày một cao, nhờ kinh tế phát triển, là điều mọi người trên thế giới mong muốn. Mực sống ngày một cao, số người muốn tham gia vào sinh hoạt chính trị ngày một nhiều. Sự ham muốn được sống trong một xã hội dân chủ tự do lúc đầu không phổ quát như ước vọng phát triển kinh tế .Trong thực tế, những xứ như Trung quốc, Singapore, đã khá thành công trong chiều hướng phát triển và hiện đại hóa mặc dù chưa mấy dân chủ tự do. Tuy nhiên, như nhà xã hội học Seymour Martin Lipset đã ghi nhận, giữa phát triển kinh tế và sự lớn mạnh của các định chế dân chủ có một tương quan chặt chẽ. Khi lợi tức bình quân trong một xứ đã vượt quá mức 6000 mỹ kim một năm, xứ đó không còn là một xã hội nông nghiệp. Xứ đó đã có một tầng lớp trung lưu sở hữu tài sản, một xã hội dân sự đa dạng, một nền giáo dục đại chúng và chuyên khoa tiến bộ. Tất cả các yếu tố đó họp lại thường có khuynh hướng làm gia tăng sự ước muốn tham gia vào các sinh hoạt chính trị.
    Quá trình hiện đại hóa bao gồm cả khía cạnh văn hóa. Mọi người đều mong muốn kinh tế phát triển; và phát triển kinh tế thúc đẩy sự hình thành các định chế chính trị dân chủ. Nhưng không ai chờ đợi quá trình nầy cuối cùng sẽ dẫn đến một nền văn hóa đồng bộ. Bản sắc văn hóa đặc thù từng vùng không bao giờ có thể xóa bỏ. Theo Huntington, chúng ta không bao giờ phải sống hoặc muốn sống trong một thế giới với cùng những giá trị văn hóa phổ quát cơ sở trên một thứ văn hóa Hoa kỳ được toàn cầu hóa. Thường tình, người ta ai cũng ước muốn được cùng chia sẻ những truyền thống lịch sử, những giá trị tôn giáo, và một số kỹ niệm đặc thù trong đời sống cộng đồng.
    Trong đời sống đương đại ở những xã hội dân chủ tự do, kể cả Hoa kỳ, người ta thấy sự chung sống giữa nhiều sắc dân với nhiều văn hóa đặc thù luôn được khẳng định và tái khẳng định. Trong địa hạt nầy, các lý thuyết gia khởi thủy của chủ thuyết tự do đương đại đã chẳng đem lại cho chúng ta nhiều hướng dẫn hữu ích. Thomas Hobbes, John Locke, Baron de Montesquieu, và Jean-Jacques Rousseau, đã quan niệm vấn đề cốt lõi của chủ thuyết đa phương tự do như vấn đề các cá nhân hành xử quyền lựa chọn độc lập đối với nhà nước. Nhưng trong các xã hội tự do đương đại, các cá nhân không hành động riêng rẽ. Họ họp thành cộng đồng với văn hóa đặc thù. Mỗi cộng đồng xác quyết quyền hạn của nhóm mình đối với nhà nước và hạ chế quyền lựa chọn của từng cá nhân bên trong mỗi nhóm.
    Trong chiều hướng đó, người Canada gốc Pháp khẳng định quyền dùng tiếng Pháp trong học đường; hay đi xa hơn, các nhà truyền giáo đạo Hồi ở Âu châu xác quyết luật pháp ở Pháp và Hòa Lan không được trái với luật Sharia. Sự lựa chọn của chính quyền là hiểu dân chủ đa nguyên như trách nhiệm bảo vệ các cá nhân hay bảo vệ các tập thể sắc tộc, và nếu bảo vệ các tập thể sắc tộc, thì các sắc tộc có quyền giới hạn quyền cá nhân đến mức độ nào. Trên thế giới hiện nay, rất ít quốc gia theo chính sách bảo vệ quyền cá nhân một cách triệt để và đặt quyền cá nhân lên trên quyền cộng đồng, tập thể. Chính sách đa nguyên văn hóa, chương trình song ngữ, và nhiều hình thức công nhận quyền các cộng đồng sắc tộc khác, đã trở thành một thành tố quan trọng trong chính sách công ở Hoa kỳ và các xứ Tây phương. Ngược lại, các xứ tự do cũng hiểu rõ sự công nhận quyền các tập thể, các cộng đồng , có thể xói mòn nguyên tắc tự do căn bản về bao dung và tự do cá nhân. Như Charles Taylor giải thích, chủ thuyết tự do, tự nó cũng đã phản ảnh một số giá trị văn hóa nào đó, khó thể đối xử với mọi cộng đồng hoàn toàn như nhau, và đôi khi phải gạt bỏ một vài nhóm văn hóa đặc thù mang tính phản tự do dân chủ.
    Vì nhiều lý do thực tiễn, nguyên tắc căn bản của chính trị thế tục đã trở thành một thành tố của quá trình hiện đại hóa. Trái với Hồi giáo, trong lịch sử Cơ đốc giáo, nhà nước và giáo hội đã xuất hiện như hai thực thể riêng biệt. Tuy vậy, sự tách biệt chẳng bao giờ mang tính tất yếu và trọn vẹn. Vào cuối thời trung cổ, các vị vua chúa Âu châu đã áp đặt các tín ngưởng lên thần dân của mình; và các xung đột tông phái tiếp theo sau thời Cải Cách (Reformation) đã đưa tới cuộc chiến đẫm máu kéo dài cả trăm năm.
    Chính trị thế tục hiện đại, như vậy, không nhất thiết tự động phát xuất từ văn hóa Cơ đốc, mà đã hình thành qua cả một quá trình trải nghiệm lịch sử đau thương. Điều mà nhân loại đã học hỏi được qua chủ thuyết tự do hiện đại là sự cần thiết phải tách rời các cuộc tranh biện về cứu cánh nhân sinh mang tính tôn giáo khỏi phạm trù chính trị.
    Fukuyama cũng biện minh là ông không hề đưa ra luận thuyết bênh vực lập trường riêng của Hoa kỳ về chung điểm của lịch sử, một viễn kiến chủ chiến quá khích được mệnh danh là “jingoistic triumphalism” (chủ thuyết quốc gia độc tôn hiếu thắng) . Chung cuộc của lịch sử theo ông không phải là một chứng tích cho địa vị thống lĩnh của Hoa kỳ trên toàn thế giới, không những trong phạm vi tư tưởng và giá trị, mà cả qua việc thực sự sử dụng quyền lực của Hoa kỳ để thiết lập một trật tự thế giới theo đúng quyền lợi của chính mình.
    Trên phương diện nầy, Fukuyama chia sẻ quan điểm của Alexandre Kojève, một tác giả gốc Nga sống lưu vong ở Pháp. Theo Kojève, hơn cả Hoa kỳ hiện nay, Liên hiệp Âu châu mới là hiện thân đầy đủ của "chung điểm lịch sử" trong thế giới hiện thực . Cũng như Kojève, Fukuyama lập luận mô hình Âu châu thực ra đúng là ngôi nhà dựng lên như một tổ ấm dành cho "con người cuối cùng" xuất hiện sau ngày lịch sử chấm dứt. Giấc mơ Âu châu – như nước Đức cảm nghiệm –nhằm vượt lên trên ý niệm chủ quyền quốc gia, chính trị dựa trên cường lực, và tất cả các hình thức đấu tranh đòi hỏi sức mạnh quân sự. Người Mỹ, ngược lại, ấp ủ ý niệm truyền thống về chủ quyền, sùng bái sức mạnh quân sự, và rất hồ hởi với những cuộc diễn hành Fourth ofJuly biểu trưng lòng ái quốc.
    Như đã nói ở trên, định chế dân chủ tự do hiện đại cơ sở trên hai nguyên tắc song sanh tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, quá trình đồng hành giữa hai nguyên tắc luôn căng thẳng và xung khắc: bình đẳng, để được tối đa hóa, luôn cần một nhà nước mạnh để hạn chế bớt tự do cá nhân; tự do cá nhân không thể nẩy nở vô hạn mà không gieo mầm cho nhiều hình thức bất công xã hội đáng ta thán. Mỗi xã hội dân chủ tự do,vì vậy, luôn phải chấp nhận một sự trao đổi, tương nhượng (tradeoffs) giữa hai nguyên tắc . Ngày nay, người Âu có khuynh hướng nặng về bình đẳng, nhẹ về tự do; người Mỹ, vì lý do lịch sử, nghiêng về phía tự do nhiều hơn là bình đẳng. Đó chỉ là khác biệt về trình độ hơn là về nguyên tắc. Fukuyama, có lẽ vì là công dân Hoa kỳ , thích sự lựa chọn của Mỹ hơn .
    A.1: HỒI GIÁO
    Sau sự kiện 11-9-2001, nhiều người cho rằng có một sự tương khắc căn bản giữa Hồi giáo như một tôn giáo và quá trình phát triển dân chủ hiện đại . Nhìn quanh thế giới, chúng ta thấy Hồi giáo là một biệt lệ rõ rệt trong mô hình phát triển dân chủ như đã diễn ra ở châu Mỹ la tinh, ở Âu châu, ở Á châu, và ngay cả ở phía nam sa mạc Sahara Phi châu. Do đó, họ lập luận có nhiều điều trong giáo lý Hồi giáo, chẳng hạn như sự đồng nhất giữa tôn giáo và nhà nước, đã cấu thành những rào cản văn hóa không thể vượt qua đối với phát triển dân chủ. Luận cứ nầy không đủ thuyết phục đối với Fukuyama. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều rất phức tạp, khó hiểu. Cơ đốc giáo, trước đây không lâu, đã được dùng để biện minh cho chế độ nô lệ và phân biệt giai cấp, ngày nay, lại được xem như tán trợ các nguyên tắc tự do, công bằng và dân chủ. Trên bình diện chính trị, mỗi thế hệ thường giải thích giáo lý các tôn giáo mỗi khác. Điều nầy đúng với cả Cơ đốc giáo lẫn Hồi giáo.
    Ngày nay, trong những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo, tập tục chính trị cũng thay đổi rất nhiều từ xứ nầy qua xứ khác. Chế độ dân chủ tương đối đã khá thành công trong một số các nước kể cả Indonesia từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu năm 1997, Thổ nhỉ kỳ sau đệ nhị thế chiến, Ấn độ với sắc dân Hồi giáo khá đông. Vả chăng, kinh tế Indonesia và Malaysia cũng đã phát triển khá nhanh. Như vậy, Hồi giáo như một tôn giáo cũng chưa hẵn đã là một trở ngại tất yếu trong quá trình phát triển.
    Theo Alfred Stepan, biệt lệ thật sự đối với làn sóng dân chủ hóa từ thập kỹ 1970’s đến thập kỹ 1990’s -- thời kỳ mà Samuel Huntington mệnh danh là “đợt sóng chuyển tiếp dân chủ thứ ba”( “third wave of democratic transitions”)-- không phải là biệt lệ Hồi giáo, mà chính là biệt lệ Á Rập. Hình như văn hóa chính trị Á Rập hàm chứa nhiều đề kháng đối với dân chủ. Đề kháng đó là những gì là điều còn cần phải bàn cãi. Nhưng rào cản văn hóa đó chắc chắn không phải là tôn giáo, mà là những thứ như sự hiện hữu của các phe phái bộ tộc (tribalism). Và thách đố mà thế giới đang đối diện dưới hình thức chủ thuyết Hồi giáo quá khích hay thánh chiến ( radical Islamism or jihadism ) mang tính chính trị nhiều hơn là tôn giáo, văn hóa hay văn minh.
    Theo Olivier Roy, Roya, và Ladan Boroumand, chủ thuyết Hồi giáo quá khích trong thực tế chỉ là một ý thức hệ chính trị. Chủ thuyết của Sayyid Qutb—người sáng lập phong trào Muslim Brotherhood ở Ai Cập—hay Osama bin Laden và các chiến hữu ý thức hệ trong tổ chức al-Qaida, cơ sở trên các tư tưởng chính trị về nhà nước, về cách mạng, và về hiện tượng sủng ái bạo động bắt nguồn không phải từ truyền thống Hồi giáo đơn thuần, mà từ các ý thức hệ cực đoan phe tả và phe hữu—phát xít và cộng sản-- ở Âu châu vào thế kỹ thứ 20. Những chủ thuyết nầy không phản ảnh đúng giáo lý Hồi giáo, nói một cách khác, chỉ lợi dụng Hồi giáo vào các mục tiêu chính trị. Mặc dù rất phổ biến trong nhiều xứ Á Rập và trong các cộng đồng Hồi giáo định cư ởÂu châu, các chủ thuyết nầy không phải là sự tái khẳng định những giá trị Hồi giáo truyền thống, mà chỉ trỗi dậy khi những giá trị truyền thống nầy bị khuấy động, xáo trộn, bởi quá trình hiện đại hóa với một trật tự dân chủ đa nguyên gây lủng củng, khập khiễng, gián đoạn giữa đời sống nội tâm và sinh hoạt xã hội bên ngoài. Ngoài ra Hồi giáo cũng còn được hiểu và giải thích nhiều cách khác nhau. Dù sao, đó cũng chỉ phản ảnh sự tranh biện nội bộ giữa các tông phái Hồi giáo .
    Vấn đề quan trọng hơn đối với các xã hội dân chủ tự do phát xuất ngay từ bên trong chính các xứ nầy, đặc biệt là ở Pháp và Hòa lan là những xứ có một cộng đồng Hồi giáo nhập cư quan trọng. Khác với Hoa kỳ, Âu châu nói chung đã không mấy thành công trong việc hội nhập các sắc dân thiểu số nhập cư. Những rối loạn và bạo lực ngày một gia tăng trong các thế hệ Hồi giáo thứ hai, thứ ba chỉ phản ảnh mặt trái khá đen tối của sinh hoạt chính trị sắc tộc ở Âu châu, so với các yêu sách của dân nhập cư ở Quebec và Scotland .
    Sự giận dữ và thiếu hội nhập văn hóa của các sắc dân thiểu số nhập cư đã gây ra những phản ứng của cộng đồng đa số bản xứ tự rút lui về thành trì văn hóa, tôn giáo của chính mình . Để ngăn ngừa những va chạm nầy trở thành những xung đột giữa các nền văn minh, các nhà lãnh đạo chính trị cần giữ một thái độ ôn hòa, sáng suốt, một điều không dễ tìm thấy hay thực hiện trong quá trình hiện đại hóa ngày nay .
    A.2 : Dân Chủ
    Trong cuốn America at the Crossroads, Fukuyama biện minh: trong cuốn The End of History, khi viết về mô hình dân chủ tự do như hình thức chính quyền sau cùng của nhân loại, ông không đưa ra viễn kiến dùng luật quốc tế để hình thành một định chế dân chủ toàn cầu vượt lên trên nhà nước-quốc gia có chủ quyền (sovereign nation-state); ông chỉ nói đến dân chủ ở cấp độ nhà nước-quốc gia.
    Tuy nhiên, kể từ ngày Hoa kỳ bắt đầu cuộc chiến xâm lăng Iraq năm 2003, chính ý niệm dân chủ toàn cầu đã trở thành mối quan ngại đặc biệt, và trong một chừng mức nào đó, đã đưa đến sự rạn nứt giữa Hoa kỳ và Âu châu. Từ hơn một thập kỹ vừa qua, đây cũng là mối quan ngại của nhiều người trong phong trào chống đối toàn cầu hóa. Họ lập luận cơ chế toàn cầu hóa thiếu dân chủ và thiếu công bằng trong quan hệ tương tác giữa các quốc gia thành viên. Vấn đề càng đặc biệt nghiêm trọng vì tầm cỡ và trình độ khống chế của Hoa kỳ trong sự vận hành hệ thống toàn cầu đương đại -- Hoa kỳ , trên nhiều phương diện, đã giữ vai trò áp đảo và đã không hề dành cho thế giới bên ngoài một vị trí khả dĩ tương tác ngược lại.
    Trong quá trình hình thành, Liên Hiệp Âu châu luôn nhằm vượt lên trên định chế nhà nước-quốc gia. Hoa kỳ, ngược lại, luôn tin tưởng và tìm kiếm tính chính đáng cho mọi hành động trong thể chế dân chủ hiến định tối thượng của chính mình. Sự khác biệt trong quan điểm của Âu châu và Hoa kỳ bắt nguồn từ lịch sử của hai phía . Người Âu châu đã chứng kiến nhà nước-quốc gia như nguồn cội của tính ích kỹ tập thể và chủ nghĩa quốc gia, gốc rễ của hai cuộc thế chiến trong thế kỹ 20. Vì vậy, Liên hiệp Âu châu tìm cách thay thế chính trị dựa trên quyền lực bằng các chuẩn mực, các luật lệ, các tổ chức siêu quốc gia. Ngược lại, Hoa kỳ, do lịch sử đặc thù, vốn tin tính chính đáng trong hành động đến từ thể chế hiến định của một xứ đầy đủ chủ quyền, và vì vậy, đã rất phấn khởi với kinh nghiệm sử dụng bạo lực chính đáng (legitimate violence) dựa trên thể chế nhà nước-quốc gia.
    Quan điểm của Hoa kỳ đã khởi đi với cuộc cách mạng chống lại đế chế Anh quốc, tiếp nối qua cuộc nội chiến đẫm máu (nhưng dẫn đến bải bỏ chế độ nô lệ và thống nhất của Hiệp Chủng Quốc), đệ nhị thế chiến , và cuối cùng chiến tranh lạnh, được xem như những cuộc thánh chiến giải phóng Âu châu trong cả hai cơ hội khỏi hai hình thức chuyên chế .
    Fukuyama cho rằng trên bình diện lý thuyết, quan điểm của Âu châu về sự cần thiết của các chuẩn mực siêu nhà nước- quốc gia là đúng. Không có lý do gì để nghĩ rằng các xứ dân chủ tự do đầy đủ chủ quyền không thể lạm dụng quyền lực của mình trong quan hệ với các xứ khác hay ngay cả với chính công dân của mình. Chính Hoa kỳ cũng đã ra đời với khuyết tật nô lệ được chính thức chấp nhận bởi đa số cử tri và trong hiến pháp. Trong cuộc tranh luận với Stephen Douglas năm 1858, Abraham Lincoln cũng đã phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng ngoài khuôn khổ hiến pháp trong luận cứ chống lại chế độ nô lệ của mình.
    Tuy nhiên, theo Fukuyama, mặc dù trên lý thuyết , chúng ta tin có đủ cơ sở cho một hình thức dân chủ vượt lên trên nhà nước-quốc gia, trong thực tế, một mô hình như vậy là bất khả thể hiện vì có quá nhiều chướng ngại khó thể vượt qua. Sự thành công của định chế dân chủ tùy thuộc một phần lớn vào sự hiện diện của một cộng đồng chính trị thuần nhất cùng chia sẻ một số giá trị và định chế căn bản. Những giá trị văn hóa chung sẽ đem lại niềm tin và làm dễ dàng sự tương tác giữa các công dân cùng chung sống. Dân chủ trên bình diện toàn cầu là một điều khó thể thực hiện vì phải đối diện với quá nhiều chủng tộc và văn hóa đặc thù. Nhản quan bệnh hoạn của nhiều người Mỹ về các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc một phần nào phản ảnh đúng sự chậm chạp và thiếu hiệu quả trong các hành động tập thể cơ sở trên sự đồng thuận chính trị giữa nhiều quốc gia khác nhau trên bình diện quốc tế.
    Để giải quyết vấn nạn nầy, một hình thức ủy quyền quyết định và hành động cho một vị quản lý đầy đủ thẩm quyền nào đó là cần thiết. Vấn đề là ủy quyền cho ai và quyền uy đó phải được sử dụng như thế nào khi không có một cơ chế phân quyền để kiểm soát lẫn nhau như trong một nhà nước-quốc gia? Ngay cả Âu châu , cùng chung văn hóa và kinh nghiệm lịch sử, vẫn còn lúng túng, dè dặt, suy tính trong kế sách hình thành một liên hiệp siêu nhà nước-quốc gia mang tính hạn chế nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên.
    Thực vậy, trong một tương lai gần, có lẽ mô hình nhà nước-quốc gia vẫn còn giữ vai trò nguồn cội của chính quyền dân chủ chính đáng. Thay vì chính quyền toàn cầu (global government), chúng ta đành phải bằng lòng với một cơ chế nửa vời, một hệ thống quản lý toàn cầu (global governance), nói rõ hơn, những định chế quốc tế phân bộ hay bán toàn cầu (partial international institutions) để thúc đẩy hành động tập thể và phối trí trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên. Một trật tự thế giới mang tính tự do, vừa công bình, vừa khả thi, cơ sở, không phải trên một định chế duy nhất bao trùm toàn thế giới, mà trên một số định chế khác nhau, được tổ chức theo chức năng (functional issues), cho từng khu vực, hay từng vấn đề chuyên biệt . Mô hình nầy đang dần hình thành và chắc chắn còn đòi hỏi nhiều công sức và cẩn trọng .
    A.3 : Quyền Hành Chính Trị
    Trong cuốn America at the Crossroads, Fukuyama cũng muốn minh định một điểm ông gọi là sự độc lập của chính trị. Theo ông, có một sự liên hệ khá chặt chẻ giữa phát triển kinh tế và dân chủ tự do. Lợi tức bình quân càng cao, dân chủ càng dễ củng cố và phát triển. Vấn đề là làm sao để khởi động phát triển kinh tế trước , một điều mà nhiều xứ đang phát triển ở miền nam sa mạc Sahara Phi châu , ở Nam Á , ở Trung Đông, ở châu Mỹ la tinh , đã không làm được.
    Phát triển kinh tế không chỉ tùy thuộc ở những chính sách kinh tế tốt. Bảo đảm luật pháp và trật tự, quyền tư hữu, sự thượng tôn luật pháp, ổn định chính trị, cũng thiết yếu cho đầu tư , phát triển , thương mãi , mậu dịch quốc tê’….Điều quan trọng hơn cả là phải có một chính quyền nhà nước đầy đủ khả năng, biết chuẩn bị kỹ càng trước khi mở cửa gia nhập kinh tế toàn cầu, như Ấn Độ, Trung Quốc đã làm trong những năm gần đây .
    Sự hiện diện những nhà nước đầy đủ khả năng không phải là điều sẵn có trong thế giới thứ ba. Trái với thế kỹ 20, nhiều vấn đề gặp phải trong chính trị thế kỹ 21 đều do sự thiếu vắng các định chế của một chính quyền mạnh trong các xứ nghèo khó. Thực vậy, các đại cường lớn mạnh trước đây như Đức Quốc xã, Nhật Bản, Liên Bang Xô Viết đã giữ địa vị khống chế trong thế kỹ 20. Ngược lại, trong suốt mấy năm đầu của thế kỹ 21, thế giới đã phải đối phó với nhiều vấn đề nổi cộm đến từ các xứ như Somalia, Afghanistan , Haiti. Đó là những xứ thiếu một chính quyền đầy đủ khả năng và quyền lực, với những định chế đủ mạnh để đảm bảo một nền pháp trị căn bản, cần thiết cho phát triển và sự kiến tạo những định chế dân chủ.
    Nói một cách khác, trong thế giới phát triển, Âu châu phải đối đầu với cuộc khủng hoảng lớn lao do các định chế an sinh với những chương trình xã hội quá tốn kém đè nặng lên vai những thế hệ tương lai trong một dân số tiếp tục sụt giảm. Trong thế giới đang phát triển, sự thiếu vắng một nhà nước có đủ khả năng và uy quyền đã cản trở phát triển kinh tế và làm nẩy sinh những tệ nạn như thiếu an ninh trật tự , bệnh tật , khủng bố …Vì vậy, thế giới phải theo đuổi hai nghị trình trái ngược: cắt giảm tầm vóc chính quyền trong các xứ phát triển; và tăng cường vai trò nhà nước trong phần thế giới đang phát triển.
    Một thách đố lớn lao hiện nay là các xứ nghèo thiếu hẵn kinh nghiệm xây dựng những định chế chính trị lành mạnh. Điều cần nhớ ở đây là phát triển, dù kinh tế hay chính trị, không thể do người ngoài áp đặt. Đó là một quá trình chỉ có thể xúc tiến và nuôi dưởng bởi chính người dân bản xứ, những người hiểu rõ phong tục, truyền thống, và trong trường kỳ, phải đảm nhận trách nhiệm trong quá trình phát triển. Vai trò của người ngoại cuộc , nếu có, cũng chỉ để hỗ trợ.
    Phát triển chính trị, trên nhiều khía cạnh, thường độc lập đối với phát triển kinh tế, mặc dù, như đã nói ở trên, cũng thường có ảnh hưởng tương tác.
    Trong cuốn The End of History and the Last Man, Fukuyama chưa đưa ra một lý thuyết phát triển chính trị độc lập với kinh tế. Theo ông, một lý thuyết như vậy đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều vấn đề: Kinh nghiệm về quá trình hình thành và xây dựng một nhà nước đã tiếp diễn như thế nào trong lịch sử; vai trò của bạo lực, cạnh tranh quân sự, tôn giáo, tư tưởng, tác động của yếu tố địa dư vật lý và tài nguyên; tại sao có sự thành công tại khu vực nầy mà lại không trong nhiều vùng khác. Tất cả những thành tố đó cần được phân tích rốt ráo, kể cả nguyên nhân của hiện tượng thoái trào hay mục rửa chính trị như đã được Samuel Huntington nói đến trong cuốn Political Order in Changing Societies (Trật Tự Chính Trị trong Các Xã Hội Đang Đổi Thay).
    Fukuyama cũng minh định lập trường đối với ảnh hưởng của yếu tố kỹ thuật. Ông đã đưa ra nhiều trạng huống có thể xẩy ra.
    Trước hết, hiểm họa hủy diệt vì nguyên tử ( nuclear annihilation ) đã lảng vảng kể từ Hiroshima, càng nghiêm trọng hơn sau ngày 11-9-2001 với sự phổ biến vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của nhiều nhóm khủng bố.
    Một trạng huống khả dỉ thứ hai liên quan đến môi trường. Theo Fukuyama, nếu những cảnh báo về hiện tượng hâm nóng toàn cầu là chính xác, những biện pháp điều chỉnh trong cách sử dụng nhiên liệu dầu khí ( hydrocarbon) rất có thể đã quá muộn màng, và quá trình điều chỉnh tự nó có thể giết chết con gà kinh tế đang cho nhân loại những quả trứng vàng kỹ thuật .
    A.4 : Kỹ thuật
    Trong cuốn Our Posthuman Future: Consequences of the Biotechnology Revolution (2002), Fukuyama lập luận, với cuộc cách mạng kỹ thuật sinh học, con người—với kỹ năng uốn nắn , nhào nặn bản chất sinh học của chính mình qua kỹ năng kiểm soát bản đồ gin (genome) hoặc qua những dược phẩm tác động trực tiếp lên các chức năng tinh thần (psychotropic drugs) hoặc qua khoa học thần kinh nhận thức trực giác tương lai (future cognitive neuroscience) hoặc qua một vài hình thức gia tăng tuổi thọ – sẽ đem lại những cách tiếp cận mới trong việc ứng dụng khoa học có thể dẫn đến những hình thức sinh hoạt chính trị mới.
    Nói chung, Fukuyama tin ông có một quan điểm mang tính định mệnh yếu ớt (weak determinism) về lịch sử tiến hóa của nhân loại , không cứng nhắc như thuyết định mệnh của Marx và Lenine (strong determinism) .Theo ông, lịch sử có khuynh hướng chung tiến dần đến dân chủ tự do. Ông cũng tin nhân loại sẽ còn phải đối mặt với nhiều thử thách như ông đã đặc biệt nhấn mạnh trên đây . Thuyết định mệnh yếu ớt được hiểu trước các xu thế lịch sử lớn lao, tài kinh bang tế thế (statesmanship), chính trị, lãnh đạo, và sự lựa chọn cá nhân vẫn luôn là những yếu tố thiết yếu thực sự giữ vai trò định hướng quá trình phát triển lịch sử.
    Những cơ hội và bất trắc do kỹ thuật hiện đại mang lại là những thử thách phải được nhân loại kịp thời nắm bắt và xử lý qua các chính sách và định chế thích nghi. Những sự lựa chọn chính trị của cử tri và giới lãnh đạo trong các quốc gia, vì vậy, sẽ có ảnh hưởng quyết định đến tính lành mạnh và chất lượng của thể chế dân chủ tự do trong tương lai .
    B : Francis Fukuyama và Phái Tân Bảo thủ
    Francis Fukuyama hiện là giáo sư kinh tế chính trị quốc tế kiêm giám đốc chương trình phát triển quốc tế tại trường Cao học Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins. Ông đổ cử nhân cổ điển từ Đại học Cornell và nghiên cứu triết học lịch sử dưới sự hướng dẫn của Allan Bloom; tiếp tục học và đổ tiến sĩ khoa học chính trị tại Harvard. Ngay từ khi còn là một sinh viên ban cử nhân, ông đã cộng tác với tổ chức Telluride Association, nơi đã đào tạo những trí thức lãnh đạo lừng danh của Hoa kỳ như Steven Weinberg, từng được giải Nobel, và Paul Wolfowitz, một giới chức thẩm quyền về quốc phòng và ngoại giao. Fukuyama đồng thời là chủ tịch và đồng chủ bút tạp chí The American Interest bên cạnh Brevhnev Brzezinski.
    Trên phương diện chính trị, trước đây Fukuyama được biết đến như một thành viên của nhóm Tân Bảo Thủ. Như một thành viên năng động trong đề án The Project for the New American Century từ năm 1997, ông đã ký tên trong thư của tổ chức nầy gửi Tổng Thống Bill Clinton khuyến cáo lật đổ Tổng Thống Iraq Saddam Hussein. Sau biến cố 11-9-2001, Fukuyama cũng đã ký tên trong một thư ngõ tương tự gửi Tổng thống George W. Bush kêu gọi phải lật đổ Saddam Hussein “ngay cả khi không có bằng chứng Iraq liên hệ trực tiếp đến vụ tấn công” .
    Tuy nhiên, sau đó Fukuyama dần dà xa lánh nghị trình tân bảo thủ vì theo ông, nghị trình của nhóm nầy quá nghiêng về biện pháp can thiệp quân sự đơn phương nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong các xứ có chính quyền chuyên chế, đặc biệt ở Trung Đông. Vào cuối năm 2003, khi cuộc xâm chiếm Iraq đã có dấu hiệu thất bại rõ ràng, Fukuyama quyết định rút lui sự ủng hộ của chính ông và kêu gọi bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld từ chức. Ông cũng cho biết ông đã không bỏ phiếu cho George W. Bush vì Bush đã phạm ba lỗi lầm quan trọng:
    (1) Đã thổi phồng quá đáng hiểm họa Hồi giáo quá khích đối với Hoa kỳ.
    (2) Chính quyền Bush đã không tiên liệu được các phản ứng tiêu cực nghiêm trọng đối với “địa vị bá chủ nhân hậu” (benevolent hegemony) của Hoa Kỳ.
    (3) Chính quyền Bush đã sai lầm trong phương cách đem lại hòa bình ở Iraq và quá lạc quan về viễn tượng thành công trong tính toán ứng dụng khoa học xã hội (social engineering) nhằm áp đặt các giá trị Tây phương lên Iraq và vùng Trung Đông nói chung.
    Để hiểu rõ chính sách đối ngoại mang tính đế quốc của Hoa kỳ, nhiều sử gia, đặc biệt ở Hoa kỳ, đã phân tích, nghiên cứu vai trò những quan chức hoạch định nghị trình của nhiều thế hệ tổng thống trong nhiều giai đoạn lịch sử của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
    Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào những diễn biến trong vòng mấy năm gần đây .
    Cuộc chiến Iraq đã bước qua năm thứ năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc sẽ kết thúc như thế nào. Điều rõ ràng, như đã thấy ở những phần trên, là đã có sự rạn nứt trong hàng ngũ những quan chức chủ chiến thuộc nhóm The Project For the New American Century (PNAC).Trong nhóm nầy, người ta thường nhắc đến Dick Cheney, Eric Edelman, Robert Kagan, Irving Kristol, Zalmay Khalizad, Lewis “Scooter” Libby, Condoleezza Rice, Paul Wolfowitz.
    Tài liệu về sự xét lại lập trường xâm lăng Iraq có thể chứa đầy cả một thư viện. Nhiều tướng lãnh cũng đã công khai lên tiếng chỉ trích cá nhân Rumsfeld ngay khi ông còn giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Nhưng rất ít người được giới truyền thông quốc tế quan tâm như Fukuyama . Tiếng tăm lừng lẩy của tác giả cuốn The End of History and the Last Man là một lý do. Lý do thứ hai là người ta đã giật mình trước sự rời bỏ hàng ngủ Tân Bảo Thủ của ông.Tuy nhiên nếu chỉ xem tác phẩm America at the Crossroads như một cọng rơm chính trị trước gío là chúng ta đã đánh giá quá thấp và bất công trước những công trình đã đem lại tiếng tăm cho chính tác giả.
    Luận cứ trong cuốn America at the Crossroads có ba thành tố .
    (1) Trước hết , Fukuyama truy cứu nguồn cội của chủ thuyết Tân Bảo Thủ hiện nay. Chủ thuyết nầy bắt đầu với một nhóm trí thức New York, đa số có gốc Do Thái. Những người nầy, lúc thiếu thời, đều theo chủ nghĩa xã hội, nhưng về sau, trong thời chiến tranh lạnh, đã tập hợp dưới cờ phe chống đối phái Tân Tả (New Left) suốt chiều dài cuộc chiến Việt Nam. Nghị trình xã hội của họ nhằm chống đối chủ nghĩa tự do an sinh (welfare liberalism) do Irving Kristol và Daniel Bell khai triển trong tạp chí The Public Interest, và được các triết gia Leo Strauss và Allan Bloom hỗ trợ về căn bản triết lý, và chiến lược gia hỏa tiễn nguyên tử Albert Wohlstetter về quân sự. Fukuyama công nhận đã tham gia vào các công trình vừa nói . Nhưng điều ông nhấn mạnh là cuối cùng cả
    nhóm đã hội tụ trong dòng chảy rộng lớn hơn của chủ thuyết bảo thủ: tin tưởng vào một nhà nước thu gọn, sùng đạo, chủ nghĩa quốc gia ... làm nền móng cho đảng Cộng hòa. Cùng nhau, họ đã tạo thành một dòng thác đưa Ronald Reagan lên làm tổng thống.
    (2) Nhưng theo Fukuyama, thành tựu lớn lao nhất của trào lưu bảo thủ đang lên—chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh—đã chứa đựng mầm giải thể của phái Tân Bảo Thủ. Sự tan rã của Liên bang Xô Viết đã khiến Hoa kỳ quá tự tin ở khả năng uốn nắn, định hình một thế giới mới . Ảo tưởng áp lực kinh tế, quân sự của Hoa kỳ là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự sụp đổ bất thần của Liên Bang Xô Viết, một sự sụp đổ, trong thực tế, bắt nguồn từ thối rữa bên trong, một nhóm tư tưởng gia trẻ tuổi –đặc biệt là William Kristol và Robert Kagan- bồng bột tin có thể đạp đổ những chế độ toàn trị và gieo trồng tự do trong các vùng khác một cách chóng vánh.Theo Fukuyama, chính ảo tưởng nầy đã đưa tới cuộc chiến Iraq. Không quan tâm đếhoàn cảnh chính trị đặc thù của vùng Trung Đông cũng như những cảnh báo của các sáng lập viên Tân Bảo Thủ đối với các kế sách quá duy ý chí về kỹ năng cấu trúc xã hội (social engineering), các người soạn thảo kế họach xâm lăng đã xô đẩy Hoa kỳ vào một thảm họa đòi hỏi phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Hành động đơn phương không cần thiết đã cô lập Hoa kỳ với công luận thế giới, nhất là với các đồng minh Âu châu, cũng như đã làm suy yếu thay vì tăng cường địa vị của Hoa kỳ trên thế giới.
    (3) Trong phần thứ ba của tác phẩm America at the Crossroads, Fukuyama phác họa một chính sách đối ngoại mới nhằm phục hồi vị trí chính đáng của Hoa kỳ trên trường quốc tế. Theo tác giả, một chủ thuyết Wilson thực tiễn (realistic Wilsonianism) -- cơ sở trên những cương lĩnh tân bảo thủ tốt nhất, ôn hòa hơn, trên một ý thức đầy đủ và rõ ràng về sự hiện hữu và tính bền vửng của các nền văn hóa đặc thù bất khả khống chê’ khác cũng như về giới hạn của quyền lực Hoa kỳ -- có thể duy trì khả năng chiến tranh phòng ngừa (pre-emptive war) như một biện pháp cuối cùng , và nổ lực phát huy dân chủ trên toàn cầu như một mục tiêu thường trực. Nhưng Hoa kỳ nên luôn tham vấn đồng minh, nên sử dụng quyền lực mềm nhiều hơn quyền lực cứng, ứng dụng
    khoa học xã hội vào công trình xây dựng nhà nước và cổ súy các hình thức đa phương, tránh né các bế tắc của Liên Hiệp Quốc. Fukuyama kết luận, phương thức tốt nhất để Hoa kỳ hành xử quyền uy của mình không phải là biện pháp quân sự, mà qua khả năng định hình các định chế quốc tế. Đó là phương sách đạt đồng thuận ít tốn kém nhất trong những toan tính, hành động của Hoa kỳ .
    Trong cấu trúc ba thành tố của cuốn America at the Crossroads –tóm lược lịch sử của chủ thuyết Tân Bảo Thủ; phê bình phương cách tiến hành cuộc chiến Iraq; phác thảo một chính sách thay thế – cốt lõi của luận cứ nằm trong thành tố thứ hai. Với phong thái bình thản và tự tin, Fukuyama tóm lược quá trình hình thành phái tân bảo thủ trong đó có ông và vai trò của họ trong quá trình xúc tiến cuộc chiến. Nhưng đó chỉ là một cái nhìn từ bên trong chứa đựng một ảo ảnh khả nghi. Mọi sự xẩy ra như chính nhóm tân bảo thủ là động lực căn bản đứng sau cuộc tiến chiếm Baghdad, và chính tư tưởng của nhóm nầy cần phải được điều chỉnh nếu Hoa kỳ không muốn đi trật hướng .
    Trong thực tế, hàng ngũ những người gây áp lực đòi hỏi phải tấn công Iraq không giới hạn trong một phe phái Cộng hòa đặc biệt nào mà còn có cả nhiều người thuộc phe Tự do và Dân chủ . Chẳng hạn Kenneth Pollack, một quan chức trong chính quyền Clinton, cũng đã đưa ra kế hoạch đầy đủ chi tiết để tấn công Saddam Hussein. Một viên chức cao cấp khác trong guồng máy an ninh quốc gia dưới thời Clinton, Philip Bobbitt, cháu của Lyndon Johnson, cũng đã đưa ra lý thuyết làm căn bản cho kế hoạch can thiệp quân sự nhằm tiêu diệt những chế độ bất trị ngoài vòng pháp luật, và củng cố nhân quyền trên khắp thế giới . Bên cạnh một magnum opus dài 900 trang,Tấm Lá Chắn Achilles , một tuyệt tác mang tham vọng lịch sử lớn lao kết cục với một chuổi nhiều trạng huống chiến tranh đầy kịch tính trong tương lai mà Hoa kỳ cần phải chuẩn bị trước để lâm thời đối phó, những biên tập viên trong tuần báo The Weekly Standard thật không mấy nặng ký .
    Không một thành viên tân bảo thủ nào đã đạt đến trình độ cao xa đó. Cánh tự do trong giới chính trị ở Washington cũng không thiếu những thành viên cỡ khiêm tốn hơn –những Ignatieffs và Bermans – lớn tiếng kêu gọi một cuộc viễn chinh ở Trung Đông. Điều nầy cũng chẳng có gì phi lý và đáng ngạc nhiên.
    Cuộc chiến ở vùng Balkans của phe Dân chủ gạt bỏ chủ quyền quốc gia như một định chế lổi thời đã là điều kiện tức thì và là một lò thực tập chiến tranh cho phe Cộng hòa ở Mesopotamia. Lý do diệt chủng ở Kosovo chỉ được thổi phồng chút ít so với lý do vũ khí tiêu diệt hàng loạt ở Iraq. Trong lịch sử, nhiều chiến dịch - trong một dịp lở lời hiếm hoi Fukuyama đã tự cho phép gọi “đế quốc Hoa kỳ ở hải ngoại” (American overseas empire) - đã luôn mang tính lưởng đảng và sẽ tiếp tục như thế.
    Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, một số trí thức tân bảo thủ, chưa hẵn là nòng cốt, cũng chỉ là một nhóm nhỏ trong đám đông đã thúc đẩy chính quyền Bush lao vào cuộc phiêu lưu Iraq. Trong sáu vị thần lửa dọn đường cho cuộc xâm lăng đã được James Mann liệt kê trong tác phẩm nghiên cứu Quật Khởi của các Thần Lửa – Lịch Sử Nội Các Chiến Tranh của Bush , chỉ có Paul Wolfowitz là thuộc giới xét lại của Fukuyama . Ba gương mặt nổi trội hoạch định và biện minh cho cuộc xâm lăng –Rumsfeld, Cheney và Rice – không ở trong hàng ngũ tân bảo thủ. Fukuyama hiểu rõ điều đó, nhưng tảng lờ không giải thích, mà chỉ ghi nhận “ở thời điểm nầy chúng tôi không rõ căn nguyên quan điểm của họ . Như vậy thì vị trí của ông ở đâu trong tập thể ông mô tả?
    Ở đây, trái với lệ thường, ông chỉ lướt qua không đề cập. Với thái độ không quan tâm "khả nghi", ông chỉ nói khởi đầu khi cuộc chiến chưa xẩy ra, ông có lập trường “khá diều hâu đối với Iraq” (fairly hawkish on Iraq), vê‘ sau khi cuộc xâm lăng đã phát động, ông chống đối.
    Đến đây tưởng cần nhắc lại, vào tháng 6, 1997, Fukuyama là một trong những sáng lập viên đề án The Project for the New American Century bên cạnh Rumsfeld, Cheney, Dan Quayle, Wolfowitz , Scooter Libby, Zalmay Khalizad, Norman Podhoretz, Elliott Abrams và Jeb Bush. Cương lĩnh của nhóm kêu gọi “một chính sách Reaganite cơ sở trên sức mạnh quân sự và sáng tỏ về đạo đức” [để] “phát huy chính nghĩa tự do chính trị và kinh tế ở các nước ngoài” .
    Tháng giêng năm 1998, ông và tám thành viên khác nhân danh cả nhóm ký vào một thư ngõ gửi Tổng Thống Clinton đòi hỏi “phải sẵn sàng hành động quân sự” để “lật đổ chế độ Saddam Hussein” ; và tuyên bố “với những nghị quyết hiện hữu của Liên Hiệp Quốc , Hoa kỳ có đủ thẩm quyền thực hiện những bước cần thiết” để đạt mục đích đó. Bốn tháng sau, Fukuyama cùng một số thành viên bạn tố cáo sự thiếu hành động như một “sự đầu hàng Saddam” (a capitulation to Saddam) và là “ một cái tát mạnh vào quyền lãnh đạo và uy tín của Hoa kỳ”(an incalculable blow to the American leadership and credibility) và nêu rõ những biện pháp cần thiết để chống lại chính quyền đảng Baath : “Chúng ta phải giúp thành lập và hỗ trợ (với các phương tiện kinhtế, chính trị , và quân sự) một chính phủ lâm thời, có tính đại diện và tự do” trong "những vùng giải phóng ở bắc và nam Iraq” dưới sự bảo vệ của “quân lực Hoa kỳ và đồng minh" . Nói một cách khác, một sự xâm lăng nhằm thành lập chế độ Chalabi ở Basra hoặc Najaf , và từ căn cứ nầy lật đổ Saddam .
    Dưới thời Tổng Thống G.W.Bush, hàng ngũ nhóm PNAC -- được tăng cường với sự gia nhập của những thành viên hạng nặng mới như Stephen Solarz và Marshall Wittmann, hai đảng viên Dân chủ kỳ cựu và thành viên Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ đương thời –trở lại tấn công, và Fukuyama một lần nữa ở hàng tiền đạo thúc đẩy xâm chiếm Iraq. Ngày 20-9-2001, hơn một tuần sau biến động 11-9, Fukuyama lại đặt bút ký vào một thư ngõ khác trắng trợn đòi hỏi phát động chiến tranh chẳng cần lưu ý sự khả dĩ Iraq có liên hệ gì với Al Qaeda hay sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt:
    “Có thể chính phủ Iraq đã trợ giúp dưới một hình thức nào đó trong vụ tấn công Hoa kỳ gần đây. Nhưng ngay cả khi không có bằng chứng Iraq có liên hệ trực tiếp đến cuộc tấn công, bất cứ một chiến lược nhằm tiêu diệt tận gốc nạn khủng bố và các hậu thuẩn cũng phải bao gồm sự quyết tâm loại bỏ Saddam Hussein khỏi chính quyền Iraq. Không làm được điều đó có nghĩa một sự đầu hàng sớm sủa mang tính quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.Vì vậy, Hoa kỳ phải yểm trợ quân sự và tài chánh đầy đủ cho phe chống đối Iraq. Lực lượng quân sự Hoa kỳ phải được sử dụng để tạo lập một khu an toàn ở Iraq từ đó phe đối lập có thể hoạt động. Và lực lượng Hoa kỳ phải chuẩn bị để thực thi cam kết của mình vớiphe đối lập Iraq bằng mọi phương tiện cần thiết” .
    Đi xa hơn , các người ký tên còn ghi thêm “ mọi cuộc chiến chống khủng bố phải nhằm cả Hezbollah" và phải chuẩn bị "các biện pháp trả đủa thích ứng" đối với Syria và Iran như những quốc gia bảo trợ.
    Nhắc lại cuộc vận động sắt máu ở Trung Đông không phải nhằm tách riêng Fukuyama để đặc biệt lên án. Xét cho cùng, chính Quốc hội, với sự đồng thuận hầu như của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đã bật đèn xanh cho cuộc tiến chiếm Iraq. Tuy nhiên, sự dấn thân quá sâu của Fukuyama vào cuộc vận động tiến chiếm Baghdad, sâu hơn là ngày nay Fukuyama muốn xác nhận, đặt ra một câu hỏi quan trọng: Nếu từ đầu khi mới nhập cuộc ông đã lăn xã vào cuộc phiêu lưu Iraq, tại sao về sau ông lại đoạn tuyệt với cuộc chiến và các đồng minh tinh thần của ông trước đây một cách dứt khoát đến thế? Đã hẵn thảm họa do sự chiếm đóng là lý do rõ ràng nhất –nhiều người trong cuộc, lớn cũng như bé , đã lần lượt xé rào khi thuyền sắp đắm . Lý donầy, tuy vậy, không thể là nguyên nhân chính đã khiến Fukuyama thay đổi lập trường. Ông bảo ông đã mất tin tưởng ở cuộc xâm lăng trước khi cuộc chiến bắt đầu, và không có lý do gì để nghi ngờ ông. Vã chăng, sự vở mộng vì thiếu thành công trong khi thực hiện một công trình đáng khen trên nguyên tắc cũng là chuyện bình thường trong phái bảo thủ, và cũng chưa bao giờ đưa đến chỉ trích và đổ vở như trường hợp Fukuyama. Người ta cũng đã có thể bảo Chiến dịch Iraq Tự do ( Operation Iraq Freedom ) đã hỏng, ngay cả nói bây giờ nhìn lại , đây là một sai lầm ngay từ đầu, đâu cần đến một điếu văn cho chủ thuyết tân bảo thủ! Như vậy, điều gì đã gây ra sự rạn vở bất thần giữa Fukuyama và các bạn đồng thuyền của ông trước đây?
    Perry Anderson, trong bài khảo luận nhan đề Người Trong Cuộc (Inside Man) đăng trên tạp chí The Nation số ra ngày 24-4-2006 , đã diễn dịch, từ cuốnAmerica at The Crossroads và bài viết "The Neoconservative Moment" trong tạp chí The National Interest , hai yếu tố đưa đến sự chia rẽ vừa nói.
    Trước hết, Fukuyama không chia sẻ một trình độ liên minh quá chặt chẻ với Do Thái như các bạn đồng thuyền gốc Do Thái. Trong The National Interest, ông phàn nàn, không phải vì Hoa kỳ, trong thực tế, đã quá lệ thuộc Do Thái trong các mục tiêu theo đuổi ở Trung Đông, mà vì đa số bạn của ông đã nhại theo quan điểm của Do Thái về thế giới Á Rập một cách quá đáng. Ông nhận định gửi đến vùng Trung Đông một cử chỉ đe dọa có thể là một điều hợp lý đối với Tel Aviv, nhưng không nhất thiết là có lợi cho Hoa kỳ. Mặc dù rất tế nhị và dè dặt trong lời chỉ trích, Fukuyama cũng đã gặp phải những phản ứng thù nghịch. Để đáp lễ, Charles Krauthammer lên án Fukuyama là đã sáng tạo một “phương thức tân kỳ để Do Thái hóa tân bảo thủ” (a novel way oflang="fr"> Judaizing neoconservatism), ít sống sượng hơn sự lăng nhục bởi Pat Buchanan và Mahatmir Mohamad nhưng không kém lố bịch – khiến Fukuyama phải phản đối là đã bị chụp mủ chống Do Thái (anti-Semitism). Bị phỏng lửa và ý thức được tính tế nhị và nhạy cảm của đề tài, Fukuyama đã không trở lại vấn đề trong cuốn America at the Crossroads xuất bản sau đó, chỉ giải thích thái độ ông đã chỉ trích trước đây chỉ đúng với cá nhân vài thành viên nhưng không thể quy kết cho phái tân bảo thủ nói chung , và làm hòa bằng sự ủng hộ rộng rãi chính sách Palestine của chính quyền Bush. Bên sau cử chỉ lễ độ đó, chưa hẵn ông đã hết dè dặt .
    Tuy nhiên, yếu tố gây chia rẽ thứ hai có lẽ quan trọng hơn nhiều . Chuyến viếng thăm Âu châu vào mùa hè năm 2003, Fukuyama giải thích, đã làm ông mở mắt trước sự bàng hoàng thất vọng ngay trong các người cảm phục Hoa kỳ nhất, trước chủ nghĩa đơn phương của chính quyền Bush. Sự thất vọng phản ảnh bởi chủ bút tờ Financial Times, một trụ cột của khối Đại Tây Dương, thật đáng quan ngại. Liệu một chính sách đối ngoại đã đánh mất những đồng minh thân cận nhất có đáng giá cho Hoa kỳ theo đuổi? Khác với Do Thái, sau lời cải chính lúc đầu của Fukuyama, không còn đựơc nhắc tới nhiều trong America at the Crossroads, Âu châu thì trái hẵn. Fukuyama đã lên tiếng báo động chính quyền Bush về phản ứng mạnh mẻ của Âu châu. Ông tin sự rạn nứt do chiến tranh Iraq không phải chỉ là một sự cải vả bình thường. Đó là một địa chấn (tectonic shift) làm thay đổi liên minh Tây phương. Với hàng triệu người xuống đường, Âu châu chưa bao giờ hồn nhiên biểu lộ một lập trường thống nhất trước một vấn đề đơn độc như cuộc chiến Iraq. Chính vì vậy, Dominique Strauss-Kahn, nguyên Bộ Trưởng Tài chánh Pháp, đã đặt tên các cuộc xuống đường đó là ngày khai sinh quốc gia Âu châu (birth of the European nation). Chủ thuyết chống Hoa kỳ (anti-Americanism) đã lan tràn khắp Đại Tây Dương và đang đe dọa sự thống nhất của Tây phương .
    Những lo ngại đó tuy rất phổ biến nhưng không mấy thực tế. Sự chống đối cuộc chiến Iraq của Âu châu tuy có chiều rộng nhưng không có chiều sâu. Sự chống đối lúc đầu rất rộng lớn, nhưng sau khi cuộc xâm lăng đã xảy ra, chỉ còn lai rai, èo ọp . Các cuộc biểu tình chống chiếm đóng rất hiếm hoi và rất thưa thớt, trái hẵn với làn sóng phản kháng trong cuộc chiến Việt Nam trước đây. Chính phủ Anh tham gia cuộc tấn công bên cạnh Hoa kỳ đã không bị trừng phạt ở phòng phiếu. Chính phủ Đức, ngay từ đầu chống cuộc xâm chiếm, nhưng chẳng bao lâu, từ sau hậu trường, đã giúp Hoa kỳ qua việc cung cấp thông tin liên quan những mục tiêu ở Baghdad và hợp tác với CIA trong việc bí mật vận chuyển tù binh. Chính phủ Pháp, tuy bị Fukuyama lên án là đã phản
    bội Hoa kỳ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong thực tế, đã thỏa thuận để Hoa kỳ tiến hành cuộc chiến không cần một nghị quyết mới, và đã hợp tác chặt chẻ với Hoa kỳ trong việc thiết lập những chế độ “thích ứng” ở Haiti và Lebanon. Xét cho cùng, tất cả đều thống nhất trong lập trường đối với Iraq. Thực ra sự chống đối Hoa kỳ của Âu châu mang tính hờn dỗi, giận lẩy hơn là căm tức, hoảng hốt. Hờn dỗi vì tự ái bị tổn thương do sự thiếu tế nhị ngoại giao từ phía chính quyền Bush. Bất bình, phiền trách ở đây chỉ mang tính kiểu cách hơn là thực chất hay căn bản (a matter of style rather than substance).
    Trên phương diện nầy, Krauthammer đã tỏ ra sáng suốt hơn những người phê bình ông. Gạt bỏ mối lo ngại của Fukuyama cho rằng chính sách ngoại giao của Hoa kỳ bị lâm nguy vì đã đánh mất tính chính đáng quốc tế, Krauthammer đưa ra nhận xét, lâm nguy không phải vì thiếu hậu thuẩn của Âu châu hay nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, mà chính là vì sự chống đối của người Iraq. Chính ý chí đề kháng kiên cường của dân Iraq đã đe dọa chủ thuyết Bush (Bush Doctrine). Nếu không có phong trào kháng chiến của du kích quân Iraq, dư luận Âu châu cũng chẳng mấy bận tâm với sự chiếm đóng Iraq cũng như trước đây đã không mấy quan tâm đến sự chiếm đóng Panama.
    Theo Perry Anderson, nếu sự hiểu lầm phản ứng của Âu châu của Fukuyama mang tính ước lệ ( conventional), thì quan điểm của ông về Hồi giáo kinh điển lại phi ước lệ (unconventional) một cách đáng ngạc nhiên, khác xa quan điểm tân bảo thủ và dòng chính . So sánh với những đối thủ lịch sử của chủ nghĩa dân chủ tư bản - Phát xít và Cộng sản - Al Qaeda và các tổ chức liên hệ chỉ là một lực lượng nhỏ bé. Trừ phi nắm được vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, những tổ chức nầy không đủ khả năng tác hại nghiêm trọng xã hội Hoa kỳ, nói gì đến khả năng trở thành mối đe dọa toàn cầu cho nền văn minh tự do. Tuyên chiến với các tổ chức khủng bố toàn cầu là một sự phóng đại vô nghĩa các chiến dịch nhằm tiêu diệt những nhóm cuồng tín ôm ước mơ một Caliphate mới - một quốc gia Hồi giáo đặt dưới quyền lãnh đạo thế tục lẫn tôn giáo của một thừa kế của Muhammad. Hoảng sợ trước một đe dọa tương đối nhỏ có thể dẫn dắt đến những toan tính sai lầm lớn lao cần tránh né của người Mỹ, vì sau biến cố 11-9, hiểm họa khủng bố đối với Âu châu, với những cộng đồng Hồi giáo nhập cư đông đảo , tương đối nghiêm trọng hơn là đối với Hoa kỳ.
    Sự sáng suốt đã đến với Fukuyama khá muộn màng tiếp theo sau những thư ngõ hiếu động và chủ chiến. Nhưng đó là nét đặc trưng trong những tác phẩm của Fukuyama luôn bình thản, sáng sủa, mạch lạc . Phán đoán của ông đã kéo chúng ta về với năng khiếu lý luận và đóng góp tư tưởng của ông nói chung. Luận cứ nổi tiếng trong cuốn The End of History and the Last man là với sự thất bại của chủ nghĩa Cộng sản tiếp theo sau chủ nghĩa Phát xít, chủ nghĩa tư bản tự do như mô hình tổ chức xã hội đã vượt qua nhiều thử thách lịch sử không còn có thể cải thiện hơn nữa. Thế giới vẫn còn đầy dẫy xáo trộn, xung đột, khả dĩ đưa đến nhiều biến động bất ngờ, nhưng khó thể thay đổi phán xét lịch sử vừa nói. Đã hẵn không có gì bảo đảm là nhân loại từ khắp mọi chân trời có thể chóng vánh đi tới đích –một nền dân chủ hòa bình thịnh vượng cơ sở trên quyền tư hữu, thị trường tự do,và bầu cử định kỳ; nhưng những định chế nầy đã là trạm cuối trong quá trình tiến hóa lịch sử. Viễn ảnh thấp thoáng của cánh cửa tiến hóa xã hội khép lại không hẵn là đơn thuần hoan lạc hạnh phúc. Cùng đến ở trạm cuối chắc chắn còn có sự thiếu vắng lý tưởng với những căng thẳng nhưng đầy hồi hộp, và có lẽ có cả sự nhàm chán. Sự nuối tiếc những thời kỳ nhiều biến động và sôi nổi chắc cũng khó tránh .
    Căn bản triết lý của cấu trúc nói trên, như Fukuyama đã nói rõ, đã đến từ biện chứng nhận diện của Hegel (dialectic of recognition) do Alexandre Kojève sửa đổi lại . Theo Kojève , sự đấu tranh giữa hai giới chủ và nô lệ, nói rõ hơn, giữa các giai cấp xã hội, qua nhiều thế kỹ, đã tiến đến gần một xã hội bình đẳng quyết định, một tình trạng thuần nhất phổ qúat dẫn dắt lịch sử đến trạm dừng cuối: một quan niệm đồng nhất với xã hội chủ nghĩa, và về sau với tư bản chủ nghĩa, luôn mang tính trớ trêu thần bí. Fukuyama lựa chọn cơ cấu lý giải nầy nhưng xây dựng lại trên quan niệm siêu hình về bản chất con người, một quan niệm vay mượn từ Plato nhưng xa lạ với Kojève, đồng thời với nhản quan bảo thủ hơn do ảnh hưởng của thầy cũ Leo Strauss. Kojève và Strauss trao đổi và chia sẻ nhiều tư duy trí thức nhưng lại xa cách nhau trong chính trị và siêu hình. Strauss, một nhà tư tưởng cánh hữu vững chắc, không thiện cảm với Hegel, nói gì đến Marx. Theo Strauss, sự suy diễn hay diễn dịch các quan niệm tự do và bình đẳng từ Hegel và Marx của Kojève chỉ có thể báo hiệu một thế giới chuyên chế. Strauss tin tưởng ở nhiều chế độ đặc thù khác nhau cũng như ở các đẳng cấp tự nhiên .
    Vì vậy, trong tư tưởng và tác phẩm của Fukuyama, sự tổng hợp hai luồng ảnh hưởng từ Kojève và Strauss luôn có sự căng thẳng, lủng củng. Trong những năm cuối của chiến tranh lạnh, sự lủng củng nầy còn có thể ẩn dấu, bởi lẽ các quyền lợi phổ quát của chủ nghĩa tư bản dân chủ còn được duy trì với sự đồng thuận, chưa mấy căng thẳng với một Pax Americana; và chưa có mâu thuẩn đáng kể giữa thế giới tự do và địa vị bá chủ của Hoa kỳ. Nhưng một khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Nga và được trung hòa hóa ở Trung Quốc, một tình hình mới xuất hiện. Một mặt, với sự vắng bóng một kẻ thù chung, các xứ tư bản khác không còn đủ lý do để phải chấp nhận một cách bất đắc dĩ quyền điều khiển của Hoa kỳ như trước. Nhưng đồng thời, sự tan rã của Liên Bang Xô Viết đã giúp nối dài tầm với của Hoa kỳ ra khắp toàn cầu. Như vậy, khách quan mà nói, vai trò lãnh đạo của Hoa kỳ không còn thiết yếu với toàn hệ thống; nhưng về mặt chủ quan, với địa vị siêu cường duy nhất, tham vọng của Hoa kỳ lại gia tăng hơn bao giờ hết. Trong những điều kiện mới mẻ đó, sự đòi hỏi của hệ thống nói chung, đến một lúc nào đó, có thể không còn trùng hợp với những quyền lợi của siêu cường duy nhất đang giữ vai trò lãnh đạo, là một điều khó tránh. America at the Crossroad phải được hiểu trong bối cảnh vừa nói; vì chính Fukuyama đã rời hàng ngũ tân bảo thủ đúng ngay thời điểm đổi thay tế nhị đó. Phần chính của tác phẩm được dành để đả kích chủ thuyết biệt lệ Hoa kỳ (American exceptionalism). Tác giả muốn nói đến học thuyết xem “Hoa kỳ không như các xứ khác vì thế giới có thể tin Hoa kỳ luôn có nhiều phương cách sử dụng sức mạnh quân sự một cách chính đáng và khôn ngoan , một điều các đại cường khác không thể làm” . Theo Fukuyama, chính Kristol và Kagan đã ngông cuồng rêu rao như thế, vì vậy, đã gieo mầm thù nghịch trong các đồng minh, và dẫn dắt đến những lỗi lầm cao ngạo trong cuộc chiến Iraq.
    Về phương diện chính trị, Fukuyama đã được un đúc và luôn trung thành với lò luyện Leo Strauss. Về tinh thần, dấu ấn của Kojève sâu đậm hơn, và ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách cấu trúc nội dung tác phẩm . Bị dồn vào thế phải lựa chọn giữa luận cứ ( logic) của Kojève và Strauss, Fukuyama đã chọn lý trí thay vì tình cảm . Sở dĩ Fukuyama đã quyết định rời hàng ngũ tân bảo thủ, đó là vì cuộc chiến Iraq đã phơi bày sự dị biệt trong nguồn gốc tư tưởng của hai bên. Khác với các thành viên tân bảo thủ khác, tư tưởng hướng đạo của Fukuyama mang nguồn gốc Âu châu. Thực vậy, Kojève, trái với mong mỏi lúc ban đầu, đã xem sự hình thành một Âu châu siêu quốc gia như lý do quyết định, khi chủ nghĩa tư bản toàn cầu, thay vì chủ nghĩa xã hội thu hẹp trong biên giới nhỏ bé từng quốc gia, đã trở thành điểm đến chung của nhân loại. Riêng với Strauss, từ lâu luôn trung thành với chủ nghĩa Do thái (Zionism), các chế độ do bản chất luôn mang tính đặc thù. Strauss luôn dửng dưng với các kế hoạch hay hệ thống toàn cầu. Mặc dù không mấy ấn tượng bởi xã hội Hoa kỳ, ông luôn kính phục những Nhà Lập Quốc (Founders). Ông đã dựng lên trường phái chủ nghĩa quốc gia gồm những tư tưởng gia về hiến pháp. Nói một cách ngắn gọn ,sự lựa chọn của các thừa kế tân bảo thủ đã phản ảnh nguồn gốc tư tưởng khác nhau của họ .
    Tuy vậy cả hai phía vẫn chia sẻ những ưu tư chung. Điều khiến họ không cùng chung chiến tuyến là phương cách dung hòa hai luồng tư tưởng. Kristol và Krauthammer, tuy là những người Mỹ ái quốc , nhưng họ cũng chẳng kém bất cứ ai trong quyết tâm truyền bá dân chủ tư bản trên khắp thế giới. Về phương diện nầy, rất ít người chủ trương toàn cầu hóa có lập trường diều hâu như họ. Ngược lại, Fukuyama có thể chỉ trích thuyết biệt lệ Hoa kỳ (US exceptionalism), nhưng ông chắc chắn không bao giờ từ bỏ tinh thần quốc gia ông đã thừa kế từ Strauss. Không phải vô cớ khi ông chọn tên The American Interest (Quyền Lợi Hoa kỳ) cho tạp chí mới của ông. Krauthammer tự đặt tên cho quan điểm của mình là Democratic Realism (chủ thuyết thực tiễn dân chủ) trong khi Fukuyama
    lại gọi viễn kiến của mình là Realistic Wilsonianism ( chủ thuyết Wilson thực tiễn). Phải chăng đây chỉ là một sự phân biệt mà chẳng có dị biệt ? Không hẵn thế --thực ra sự đảo ngược danh từ và tỉnh từ có nghĩa danh từ hàm ý một sự trung thành căn bản và tỉnh từ để chỉ một ảnh hưởng thứ yếu. Đối với các thành viên tân bảo thủ nòng cốt, quyền lực của Hoa kỳ là đầu máy hướng dẫn tự do trên toàn thế giới: không có và không thể có sự thiếu nhất trí giữa đôi bên.Nhưng theo Fukuyama, sự trùng hợp hay nhất trí đó không mang tính tự động. Đầu máy Hoa kỳ và tự do thế giới có thể rời xa nhau; và nguyên nhân tách rời bắt nguồn từ chính sự tuyên bố hai bên không thể tách rời nhờ ở đức tính bất vụ lợi và chính đáng của siêu
    cường Hoa kỳ --một sự xác quyết không thuyết phục được ai. Fukuyama viết : “Ý tưởng Hoa kỳ luôn xử sự một cách bất vụ lợi trên trường quốc tế là một điều chẳng mấy ai tin, vì phần lớn không đúng sự thật và thực ra không thể đúng sự thật vì các nhà lãnh đạo Hoa kỳ phải làm tròn trách nhiệm đối với nhân dân Hoa kỳ. Hoa kỳ chỉ có thể rộng rãi trong việc cung cấp những sản phẩm công cho thế giới và thường rất rộng rãi khi có sự trùng hợp giữa lý tưởng và quyền lợi riêng. Nhưng Hoa kỳ là một siêu cường với những quyền lợi không dính dáng gì tới sản phẩm công toàn cầu” .
    Phủ nhận sự thật hiển nhiên đó thường đưa đến những chính sách tai hại cho quyền lợi Hoa kỳ và cũng không đem đến tài sản công toàn cầu nào: hãy nhìn Baghdad.
    Làm sao để dung hòa những dị biệt đó? Fukuyama luôn tin Hoa kỳ có sứ mệnh phát huy dân chủ trên thế giới, và phải dùng tất cả các phương tiện hữu hiệu có trong tay để thể hiện sứ mệnh đó. Ông chỉ trích chính quyền Bush vì những chính sách Trung Đông chẳng những vô hiệu mà còn phản tác dụng. Cổ súy thay đổi chế độ một nước bằng một sự pha trộn đúng liều lượng các sức ép kinh tế và chính trị là một việc. Hành động quân sự từ bên ngoài để thực hiện mục tiêu đó là một việc hoàn toàn khác, có thể đưa đến thảm họa.
    Trong thực tế, không có một đường ranh rõ rệt chia cắt hai phương cách trong đường lối đế quốc. Fukuyama quên sự thành công trong phương cách lật đổ chính quyền Sandinistas ở Nicaragua mà Robert Kagan nhớ rõ—một sự toàn thắng của ý chí chính trị mà lúc đó Fukuyama đã nhiệt liệt hoan nghênh. Ngày nay, sau khi cuộc chiến Iraq đã thực sự xẩy ra, Fukuyama đã lo tránh xa những hình thức hiếu chiến như thế. Ông giải thích không hề có một sự khao khát tự do phổ quát đủ bảo đảm đem lại dân chủ khi một xứ được giải phóng khỏi ách chuyên chế. Tự do hiện đại cần được vun quén nuôi dưởng, do đó, luôn đòi hỏi một trình độ phát triển kinh tế xã hội nào đó. Những điều kiện nầy không thể tạo dựng trong một sớm một chiều, mà phải được chuẩn
    bị, un đúc cẩn thận qua nhiều năm tháng. Sách lược tân tự do chỉ cơ sở trên các động lực của thị trường tự do sẽ không đủ để đem lại ổn định, trật tự và thịnh vượng cần thiết . Muốn thành công, sự hiện diện của một nhà nước mạnh (a strong state), có kỹ năng điều hành tốt (good governance) là điều kiện thiết yếu . Hoa kỳ phải có một chính sách sáng suốt, hợp lý, khôn ngoan, dành ưu tiên cho việc vun trồng một nhà nước như thế trước khi nghĩ đến xây dựng dân chủ trong những vùng nhiều biến động trên thế giới .
    Trong quá trình xét lại, Fukuyama đã làm biến dạng kiến trúc nguyên thủy của mình. The End of History and the Last man, Fukuyama quả quyết, trong thực tế, là một công trình xây dựng lý thuyết hiện đại hóa. Những điều ông muốn nói là ước vọng một mực sống ngày một cao hơn -- thay vì tự do -- mang tính phổ quát; và mực sống ngày một cao hơn sẽ kiến tạo một giai cấp trung lưu có khuynh hướng đòi hỏi quyền tham gia ngày một nhiều hơn vào sinh hoạt chính trị, và dân chủ sẽ dần dà hình thành như một hệ quả của quá trình vừa nói.
    Phương cách đại chúng hóa một luận cứ phức tạp trong triết lý lịch sử của tác giả không chỉ là một cố gắng đơn giản hóa thông điệp của mình cho một số độc giả rộng lớn hơn; mà còn nhằm mục tiêu gạn lọc, sửa đổi lại luận cứ nguyên thủy. Trong những công trình đem lại tên tuổi cho Fukuyama, nhu cầu được nhận diện và sự thúc đẩy của lòng ham muốn –đằng sau sự đấu tranh cho bình đẳng và tiến bộ của khoa học –là hai động cơ của lịch sử. Sự kết nối giữa hai yếu tố chưa bao giờ hoàn hảo trong lý thuyết, do đó, đã nẩy sinh nhiều lủng củng, rời rạc vào đoạn cuối của tác phẩm. Tuy nhiên trong cấu trúc của tác phẩm nói chung, vai trò của hai yếu tố đã được tác giả dàn dựng khá phân minh, không thể lầm lẫn: “sự ham muốn
    bên sau sự ham muốn”(the desire that lay behind the desire) của kinh tế nhân (Homo economicus) là “ một động lực hoàn toàn phi kinh tế, sự đấu tranh để được nhận diện”(a totally non-economic drive, the struggle for recognition). Chính biện chứng chính trị được bung ra nầy là “động cơ chính yếu của lịch sử nhân loại”(the primary motor of human history). Vủ trụ tinh thần của Alexandre Kojève khác xa vủ trụ tinh thần của các lý thuyết gia hiện đại hóa ( hay canh tân) như Daniel Lerner và Gabriel Almond.
    Nếu viễn kiến nầy bây giờ làm Fukuyama bối rối, có lẽ là vì chính tự nó là một lý thuyết về xung đột nghiêm trọng. Hegel và Kojève, mỗi người trong thời đại của mình (Jena, Stalingrad), là những triết gia về chiến tranh. Di sản của họ mang tính quá tranh biện để có thể giúp vạch một đường ranh giữa sự thận trọng trong việc điều khiển guồng máy nhà nước như Fukuyama khuyến cáo và sự thịnh nộ dân chủ của các bạn cũ của ông trong tuần báo Weekly Standard. Sự tẻ nhạt nhàm chán của lý thuyết hiện đại hóa đem lại an toàn. Nhưng người ta cũng phải trả một giá khi tuột xuống hàng ngủ trí thức “Nation-Building 101”, nhan đề, với ít nhiều oái oăm, của một trong những bài Fukuyama viết gần đây (nhan đề “Nation-Building 101” ám chỉ nhiệm vụ tái
    thiết Iraq của sư đoàn bộ binh 101). Là một nhà khoa học xã hội nhiều kinh nghiệm, ngay trong sự phê bình phương thức phát triển cơ sở trên thị trường tự do áp dụng trong các xứ nghèo khó và trong lời kêu gọi cần có một nhà nước mạnh, người ta cũng tìm thấy dấu ấn của Hegel: ý tưởng một nhà nước như nguồn cội của tự do duy lý. Tuy nhiên những đề xuất rời rạc ở phần cuối tác phẩm America at the Crossroads -- dựa vào quyền lực mềm nhiều hơn, tham vấn đồng minh nhiều hơn, tôn trọng các định chế quốc tế -- chỉ là những sự thật hiển nhiên nhàm chán có thể bắt gặp trong báo giới có ưu tư .
    Vẫn theo Perry Anderson, những gì có thể nói là khi đưa ra những đề xuất vụn vặt mang tính lưỡng đảng nầy cho những chức quyền hoạch định chính sách đối ngoại, Fukuyama chỉ gián tiếp xác nhận lập trường của Kerry và sự đồng tình với Brzezinsky, đồng chủ bút tạp chí The American Interest với Fukuyama. Trong tác phẩm, tác giả đã không hề gợi ý một thay đổi mảy may nào về sự duy trì và xây dựng những căn cứ quân sự trên khắp thế giới, hay về sự bám chặt vùng Trung Đông, chứ chưa nói gì đến quan hệ cộng sinh khắng khít với Do Thái –là những nguyên nhân đưa đến biến cố 11-9 .
    Chỉ cần đọc tài liệu nghiên cứu nghiêm túc của John Mearsheimer và Stephen Walt đăng trong London Review of Books -- chứ không xuất bản ở Mỹ, một điều, tự nó, mang nhiều ý nghĩa -- người ta thấy rõ hố cách biệt sâu thẳm giữa những đề xuất trên đây và những suy tư chính chắn về chính sách đối ngoại của Hoa kỳ từ những nhà tư tưởng xứng danh hiệu “thực tiễn”. Sau khi bắt đầu tác phẩm với lời lẽ Wilson, người đã phổ biến thánh kinh dân chủ trên khắp địa cầu, Fukuyama đã kết thúc tác phẩm với giọng điệu Bismarck, người biết tự chế khi chiến thắng, như những nguồn cảm hứng cho “phương cách thay thế để Hoa kỳ kiến tạo lại quan hệ với thế giới bên ngoài” của ông . Vị thủ tướng sắt máu, không thiếu óc hài hước thô bạo, nghĩ thế nào khi được cặp đôi với vị tổng thống Mười Bốn Điểm là điều không khó tưởng tượng (ám chỉ 14 điểm do Wilson áp đặt tại hội nghị hòa bình vào tháng giêng 1919) .
    Anderson kết luận, với những phương án của Fukuyama cũng như của nhiều người khác hiện nay, Hoa kỳ chẳng phải ở ngã tư đường nào khác. Hoa kỳ luôn ở vị trí tìm cách làm vuông một vòng tròn nhân đạo và đế quốc theo đúng ý mình .
    © GS Nguyễn Trường
    Irvine, CA, USA
    08-7-2007
    Chú thích và Tài liệu tham khảo:
    A : Chú Thích
    1. Leo Strauss (1899-1973) , nguyên quán Đức, gần Marburg , định cư ở Hoa kỳ từ 1937 , giáo sư Đại học University of Chicago (1949-1968) . 2. Robert Kagan , đồng sáng lập viên Project for the New American Century , hiện sống ở Bruxelles, đang cộng tác với Carnegie Endowment for International Peace .
    3. Alexandre Kojève (1902-1968) , sinh ở Nga , sau đệ nhị thế chiến làm việc bên cạnh Bộ Kinh tế Pháp .
    4. Daniel Lerner , tác giả cuốn The Passing of Traditional Society : Modernizing the Middle East (1950) .
    5. Gabriel Almond , sau đệ nhị thế chiến chuyên nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Phát triển và Dân chủ .
    6. James Mann , Rise of The Vulcans –The History of Bush’s War Cabinet (2004) .
    7. Perry Anderson , chủ bút bán nguyệt san New-Left Review ; Bài Inside Man đăng trong tạp chí The Nation , số ra ngày 24-4-2006 .
    B : Tài Liệu Tham Khảo
    Books
    1. The End of History and the Last Man . Free Press, 1992. 2. Trust : The Social Virtues and the Creation of Prosperity . Free Press, 1995 .
    3. The Great Disruption : Human Nature and the Reconstruction of Social Order . Free Press , 1999 .
    4. Our Posthuman Future : Consequences of the Biotechnology Revolution . Farrar , Straus and Giroux , 2002 .
    5. State-Building : Governance and World Order in the 21st Century . Cornell University Press , 2004 .
    6. America at the Crossroads : Democracy , Power , and the Neoconservative Legacy (Yale University Press , 2006) .
    7. America at the Crossroads : Democracy ,Power ,And the Neoconservative Legacy (Yale University Press , 2006) .
    8. After the Neo Cons : Where the Right went Wrong . Profile Books , 2006 . (N.B. Published in the US as America at the Crossroads)
    Essays
    1. Women and the Evolution of World Politics , Foreign Affairs Oct 1998
    2. Social Capital and Civil Society , paper prepared for delivery at the IMF Conference on Second Generation Reforms , 1 Oct 1999
    3. The Neoconservative Moment , The Natinal Interest , Summer 2004
    4. After Neoconservatism , The New York Times Magazine , 19 February 2006
    5. Supporter’s Voice Now Turns On Bush ,The New York Times Magazine , 14 March 2006
    6. Why Shouldn’t I Change My Mind ? , Los Angeles Times , 9 April 2006
    C : External Links
    1. Letter to President Clinton on Iraq . Project for the New American Century . Retrieved on 5-13-2007.
    2. Letter to President Bush on the War on Terrorism . Project for the New American Century . Retrieved on 5-13-2007
    3. “Fukuyama Withdraws Bush Support” , Todáys Zaman (7-14-2004) . Retrieved on 5-13-2007 .
    4. Andrew Billen . “Why I won’t vote for George Bush” (7-14-2004) , Retrieved on 5-13-2007
    Nguồn: http://vietsciences.free.fr/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org