Trương Hồng Quang dịch
Jürgen
Habermas đối thoại với các nghệ sĩ và trí thức Bắc Kinh về nhân quyền và chủ nghĩa
Mác cũng như về con đường của Trung Quốc đi đến thế giới hiện đại toàn cầu
hoá [1]
Không
kể thời mà thế giới văn minh đối với Việt Nam chỉ có nghĩa là Trung Quốc, tính
từ mốc buổi đầu tiếp xúc với phương Tây, trí thức Việt Nam cũng chỉ đón nhận những
giá trị mới này chủ yếu thông qua một kênh, đó là kênh Trung Quốc. Ðiều đáng ngạc
nhiên là ngày nay, khi mà trong nội bộ những trí thức hàng đầu của Trung Quốc
đang diễn ra các tìm tòi mới mẻ, những đối thoại mang tính cập nhật với phương
Tây và các đại biểu tư tưởng, văn hoá quan trọng nhất của nó, trí thức Việt Nam
dường như lại huy động mọi tinh hoa của mình để dựng nên những huyền thoại mới
về dân tộc và phương Ðông – mà nội dung sâu xa là mặc cảm trước Trung Quốc và
những giá trị truyền thống của nó – như một thứ cứu cánh tinh thần và tư tưởng
hệ. Thực ra, ngay ở quá khứ, sự tiếp nhận tư tưởng và văn hoá từ Trung Quốc
cũng đã không diễn ra trong một mối tương quan liên tục. Trong một bài viết từ
năm 1991, cố giáo sư Trần Ðình Hượu từng nêu ra một hiện tượng lịch sử như sự
tiếp nhận Nho giáo ở Việt Nam chỉ dừng lại ở tư tưởng Chu Hi, trong sự tiếp nhận
này lại thiên theo xu hướng giản lược hoá, tước bỏ các nội dung siêu hình học
v.v., rồi sau đó – cho đến thời kỳ thuộc địa – dường như không còn mối liên hệ
đáng kể nào với sự phát triển trí tuệ và tư tưởng hệ ở Trung Quốc hậu Chu Hi nữa*).
Trong bối cảnh này, việc theo dõi các cuộc trao đổi thời sự đang diễn ra giữa
trí thức Trung Quốc và phương Tây có thể mang lại những gợi ý quan trọng. Những
tự vấn của trí thức Trung Quốc và những điều mà các đại diện tư tưởng của
phương Tây nói về Trung Quốc, một cách gián tiếp, cũng là những nhận xét về những
vấn đề, những vấn nạn mà chúng ta đang vấp phải. Cuộc nói chuyện sau đây diễn
ra vào đầu năm nay tại Bắc Kinh giữa các nghệ sĩ và trí thức của thủ đô Trung
Quốc với Jürgen Habermas, nhà triết học Ðức nổi tiếng nhất hiện còn sống.
Habermas (sinh năm 1929) được coi là đại diện quan trọng nhất trong „thế hệ thứ
hai“ của Lý thuyết Phê phán (Kritische Theorie) thuộc Trường phái Frankfurt mà
thế hệ mở đầu bao gồm các tên tuổi như Theodor W. Adorno, Max Horkheimer,
Herbert Marcuse và Walter Benjamin. Có thể nêu một số công trình có quy mô lớn
nhất của Habermas như Quá trình thay đổi cơ cấu của công luận („Der
Strukturwandel der Öffentlichkeit“, 1962), Nhận thức và quyền lợi („Erkenntnis
und Interesse“, 1968), Lý thuyết hành vi giao tiếp („Theorie des kommunikativen
Handelns“, 1981) và Tính dữ kiện và hiệu lực („Faktizität und Geltung“, 1992).
Vài nhận xét được nêu ra trong ngữ cảnh một cuộc trao đổi cụ thể đương nhiên
chưa đủ để phác hoạ chân dung của một nhà tư tưởng. Song một khoảnh khắc hiện
thực hoá của lý trí giao tiếp („kommunikative Vernunft“) biết đâu có thể gợi
nên hứng thú để tìm hiểu một cách hệ thống tác phẩm của Habermas, và rộng hơn
là cả Trường phái Frankfurt như một trong những trào lưu xã hội học – triết học
quan trọng nhất của thế kỷ 20. Habermas hiện đã 72 tuổi. Tôi không từ bỏ hy vọng
một ngày gần đây cũng có thể có một cuộc đối thoại giữa Habermas (hay Günter
Grass, Pierre Bordieu v.v.) và các nghệ sĩ và trí thức Hà Nội hay Huế, Thành phố
Hồ Chí Minh về những vấn đề tinh thần bức xúc nhất của thế giới và Việt Nam. Ðiều
kiện để làm việc đó không phải là tồi. Nếu có thể đưa ra một lời phỏng đoán,
tôi cho rằng giữa Habermas và Việt Nam còn có những mối liên hệ cá nhân không
kém sâu sắc, thậm chí nhiều uẩn khúc hơn, so với Trung Quốc: cùng với những tác
giả khác của Lý thuyết Phê phán, ông đuợc coi như người đã đặt nền móng tinh thần
chothế hệ 68“ (bao gồm những trí thức nhân văn quan trọng nhất hiện nay và cả
nhiều nhà chính trị cầm quyền đương nhiệm ở CHLB Ðức), mà trong đó Việt Nam đã
từng là một chất xúc tác lịch sử căn bản nhất.
Trương
Hồng Quang
*)
Xem Trần Ðình Hượu, Ðến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hoá, Hà Nội
1995, tr. 143-146
Jiang
Wen: Thưa
ông Habermas, vì sao ông lại đến Trung Quốc?
Jürgen
Habermas: Trước đây tôi từng đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở
đó tôi thường xuyên có cảm giác dường như phần nào cũng đang có mặt tại Trung
Quốc vậy. Trong đời mình, mỗi một trí thức châu Âu đều mong muốn sẽ có một lần
đến đây. Từ thế kỷ 18 đối với phương Tây chúng tôi chỉ tồn tại một kẻ khổng lồ
khác: Ðó là Vương quốc Trung Hoa. Trung Quốc vốn là một trung tâm lịch sử và sẽ
giành lại tầm quan trọng thế giới của mình.
Xu
Xing: Nếu vậy thì Trung Quốc sẽ làm ông thất vọng.
Trung Quốc ngày nay đang Tây phương hoá một cách triệt để, hơn cả Nhật Bản hay
Hàn Quốc. Quả thực ở đó người ta có tiếp nhận phương thức kinh tế hiện đại của
phương Tây, song vẫn duy trì nền văn hoá riêng của mình. Còn Trung Quốc thì ngược
lại đã nhập cảng cả chủ nghĩa cộng sản và nền chuyên chính vô sản từ phương
Tây. Ðạo giáo, Khổng giáo và Phật giáo bị bác bỏ. Triết học Trung Quốc là một
ngành khoa học đã tuyệt chủng.
Habermas: Trong
cuộc thảo luận về nhân quyền, vấn đề này được đặt ra theo một chiều hướng hoàn
toàn khác: cùng với những nước như Malaysia và Singapore, Trung Quốc đang ủng hộ
cho cái được gọi là những giá trị châu Á. Người ta muốn nhấn mạnh nhiều về
nghĩa vụ hơn là về quyền của con người, trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc trên
căn bản lại định hướng theo các hình dung nhân quyền của phương Tây. Ở lĩnh vực
này, Trung Quốc và phương Tây đang có một nhu cầu trao đổi lớn.
Shang
Dewen: Giới lãnh đạo Trung Quốc không đại diện cho những
giá trị châu Á thật sự. Những người cộng sản sở dĩ chỉ đề cao Khổng Tử bởi vì họ
muốn biến tư tưởng về nhân quyền thành một công cụ phục vụ cho bản thân. Có nhiều
quyền hơn cho cá nhân sẽ mâu thuẫn với tham vọng thống trị của Ðảng, có nhiều
nghĩa vụ hơn sẽ hỗ trợ cho sự thống trị này. Tuy nhiên trên thực tế thì Trung
Quốc là một nước mà như phần lớn các xã hội phương Ðông khác không đề cao giá
trị riêng của cá nhân như ở phương Tây. Các hình dung của chúng ta về nhân quyền
vì vậy mà trong một thời gian dài nữa vẫn sẽ còn nhiều khác biệt.
Habermas: Nhưng
chúng ta hãy cùng giả thiết như Xu Xing rằng sau 1949 dưới quyền của Mao đã thực
sự diễn ra một quá trình Tây phương hoá. Nếu quả vậy thì thông qua con đường tự
phê phán của Ðảng về hệ tư tuởng mác-xit chính thống liệu có thể tạo ra căn bản
cho một tư duy mới về nhân quyền hay không? Trong chủ nghĩa Mác ở phương Tây,
nhân quyền đã được khẳng định khi mà người ta phê phán sự lợi dụng chúng trên
phương diện ý thức hệ.
Zhou
Guoping: Vào đầu những năm tám mươi ở đất nước chúng
tôi đã có cuộc thảo luận này về chủ nghĩa nhân đạo ở Marx. Thế nhưng sau khi có
sự can thiệp của chính phủ, cuộc thảo luận đó đã không thể tiếp diễn.
Cui
Jian: Người Trung Quốc ngại thảo luận về nhân quyền
vì cho rằng cuộc thảo luận này đương nhiên sẽ dẫn tới hậu quả Tây phương hoá.
Chúng tôi thiếu hẳn một tư thế tự tin để coi nhân quyền như là sự nghiệp thiết
thân của chính mình. Có lẽ trước hết người Trung Quốc phải đòi hỏi có quyền được
tự tin đã.
Habermas: Nhìn
thoáng qua thì Trung Quốc ngày nay tỏ ra rất tự tin. Nhiều thanh niên tôi đã tiếp
xúc ở các trường đại học và gặp trên các đường phố của Bắc Kinh dường như chỉ
có một nguyện vọng là sẽ tiếp tục đi tới trên cùng một hướng như trong những
năm cuối.
Qian
Ning: Chính những người trẻ tuổi và các sinh viên
ngày nay đang thừa hưởng những mối lợi do nền kinh tế thị trường và cơ chế cạnh
tranh mang lại mà Trung Quốc thực hiện từ mười năm nay. Tuy nhiên trong quá
trình cải cách cũng có nhiều kẻ thất bại. Người già và người thất nghiệp không
có tương lai. Vực thẳm giữa giàu và nghèo ngày càng sâu thêm. Nói một cách ngắn
gọn: Sự tàn bạo của quá trình hiện đại hoá ngày càng bộc lộ một cách rõ ràng
hơn. Tôi không đủ tinh thần mác-xit đến mức để coi đây là một quá trình lịch sử
không thể nào cưỡng lại.
Habermas: Những
gì xảy ra ở châu Á trong vòng 30 năm thì ở châu Âu đã kéo dài 250 năm. Giai đoạn
đầu tiên của quá trình hiện đại hoá mà Marx từng gọi là quá trình tích lũy
nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản đã diễn ra một cách hết sức man rợ. Cuộc đại
di dân từ nông thôn ra thành phố, sự hình thành của giai cấp vô sản đô thị – đằng
sau những khái niệm trừu tượng như vậy là những số phận cá nhân bị dày vò và hủy
hoại như có nhiều người ngày nay ở Trung Quốc đang phải nếm trải. Một cái nhìn
lịch sử đương nhiên không thể biện hộ cho những tai ương mới. Thế nhưng liệu
chúng ta có thể hình dung ở Trung Quốc một quá trình hiện đại hoá cấp tốc trong
những quỹ đạo dân chủ – tự do mà lại sẽ không xuất hiện các quan hệ xã hội kiểu
Nga hay không?
Shang: Sự
bất hạnh đem đến hạnh phúc. Cho tới lúc ấy, những cơn đau đớn trong xã hội là
không thể nào tránh khỏi. Nguyên nhân ở đây nằm trong mâu thuẫn bao trùm hiện tại
ở Trung Quốc giữa một bên là nền kinh tế thị trường đang phát triển nhanh chóng
và một bên là hệ thống chính trị đã lỗi thời. Sự tham nhũng tràn lan mà nhiều
người Trung Quốc coi là thứ quốc nạn hàng đầu là một hậu quả trực tiếp của việc
cơ chế chính trị cũ không còn kiểm soát nổi các cơ cấu kinh tế mới một cách hữu
hiệu nữa. Một thị trường đa thành phần đòi hỏi phải có một thượng tầng đa
nguyên. Ðiều này có nghĩa là quá trình hiện đại hoá ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn tới
quá trình dân chủ hoá. Những sự phát triển ở Ðài Loan hay Hàn Quốc chỉ ra cho
chúng ta điều này. Tuy nhiên ngày nay không ai có thể nói trước được quá trình
đó sẽ diễn ra dưới những quỹ đạo nào. Theo tôi, để tránh được những hiểm hoạ lớn,
quá trình cải tổ dân chủ này phải do Ðảng tự đề xướng.
Xu: Vậy
mục tiêu của quá trình hiện đại hoá này là gì? Ai cung cấp cho chúng ta chuẩn mực
của nó? Phần lớn chúng ta ngày nay đều dùng đồ gỗ truyền thống Trung Quốc và mặc
quần Âu. Vậy thì chúng ta đang hiện đại hay là không hiện đại?
Habermas: Quá
trình hiện đại hoá cũng bao hàm một phương diện tinh thần, một phương diện trí
tuệ. Có một kinh nghiệm phổ quát cho thấy rằng ngày nay chúng ta đang có khả
năng tạo ra được khoảng cách đối với truyền thống của chính bản thân và từ giác
độ của những truyền thống khác mà nhận diện lại truyền thống riêng này. Một khi
mà người ta tính đến khả năng là truyền thống riêng cũng có thể tạo ra những tiền
đề hoàn toàn sai lạc, thì có nghĩa là người ta đã đạt tới một trình độ nhìn nhận
vấn đề mà các nền văn hoá tiền hiện đại không có được. Ðây là một khía cạnh
tinh thần của văn hoá hiện đại và không phải là một phát minh của châu Âu. Và ở
Trung Quốc ngày nay nó cũng đóng một vai trò nhất định.
Cui: 250
năm hiện đại hoá ở phương Tây không chỉ tạo ra những sản phẩm công nghiệp, mà
cũng đem lại những thành tựu nghệ thuật nữa. Ở châu Á, đặc biệt ở những nước có
một nền thống trị độc đoán, người ta cho rằng phải thực hiện quá trình hiện đại
hoá kinh tế trong một quãng thời gian ngắn ngủi hơn nhiều. Thế nhưng ở đây đặc
biệt là các nghệ sĩ phải chịu một sức ép rất lớn, bởi vì bây giờ trong một phạm
vi thời gian ngắn, họ phải bình luận về tình trạng sôi động này bằng các tác phẩm
của mình – và phải làm tất cả những điều đó dưới một chế độ độc đoán. Nhiều nghệ
sĩ thất bại trước nhiệm vụ này. Vậy thì có gì đáng ngạc nhiên một khi tinh thần
khai sáng của người dân – chúng ta đang nói về phương diện tinh thần của quá
trình hiện đại hoá – không thể tự dưng mà có được?
Habermas: Giữa
quá trình hiện đại hoá xã hội và văn hoá có những phát triển bất đồng đều. Ở
châu Á giờ đây quá trình hiện đại hoá xã hội đang được khai lộ: Thị trường,
tính cơ động, tiểu gia đình – tất cả những cái đó diễn ra như một tổng thể. Còn
các hệ quả về tinh thần, sự phổ biến của một ý thức chiêm nghiệm sẽ đến có phần
nào muộn hơn. Trên phương diện này, đối với Trung Quốc, có lẽ người ta có quyền
được lạc quan.
Xu: Tôi
là một người bi quan. Tôi có cảm tưởng rằng định nghĩa về quá trình hiện đại
hoá của ông quá ư mơ hồ. Vả lại trên thực tế chỉ tồn tại mỗi một mô hình hiện đại
hoá – mô hình của Tây phương. Không phải vì vậy mà tôi muốn tỏ một thái độ dân
tộc chủ nghĩa hay tinh thần ái quốc. Tuy nhiên theo cảm nhận của tôi thì thông
qua quá trình toàn cầu hoá, các quốc gia ngày sẽ càng trở nên giống nhau hơn.
Ngay cả Bắc Kinh cũng đang đánh mất tính chất độc đáo của nó. Ðường phố Vĩnh An
ngày nay cũng có thể là một đại lộ ở Atlanta. Với một nhà văn thì dường như người
ta phải hát trong một dàn đồng ca và không còn nghe được giọng của chính mình nữa.
Habermas: Ðương
nhiên là chúng ta đang nói về một quá trình mang tính lưỡng phân. Ðây là biện
chứng của quá trình hiện đại hoá: Có cái được và có cái mất, cái được và cái mất
này không thể chia tách mà gắn liền với nhau. Tất nhiên không thể chỉ coi đó là
một thành quả một khi cơ cấu gia đình lớn và các liên kết dân tộc bị giải thể.
Con người sẽ cô đơn hơn, sự giá lạnh trong quan hệ xã hội sẽ gia tăng. Mặt
khác, trên nguyên tắc, xã hội sẽ trở nên công bằng hơn một khi tất cả các gia
đình trong một thành phố, tất cả mọi thành phố trong một nước và tất cả các nước
trên quả đất đều tổ chức các mối quan hệ của mình với nhau trên cùng một căn bản
của sự công bằng.
Xu: Ðiều
này chỉ có thể có được một khi tất cả đã đánh mất cá tính của mình.
Habermas: Bản
thân tôi ở Ðức cũng đã lớn lên trong bầu không khí của một thái độ phê phán văn
hoá như vậy. Thế nhưng liệu chúng ta có được phép so sánh cơ hội sống và trình
độ giáo dục của một thiểu số có đặc quyền trong quá khứ – chẳng hạn như các vị
quan lại hay giới hầu cận trong hoàng cung – với một người dân bình thường ngày
nay trên đường phố Bắc Kinh hay không? Nếu xét từ giác độ phê phán văn hoá thì
dường như trong một xã hội mang tính đại chúng, tất cả chúng ta đã đánh mất đi
cá tính của mình. Tuy nhiên một người dân bình thường, tôi nghĩ ở Bắc Kinh cũng
như vậy, hẳn lại có thêm nhiều khả năng hơn để có thể phát triển cá tính của
mình.
Xu: Vấn
đề đối với tôi không phải là ở chỗ so với các hoàng đế xưa kia thì ngày nay tôi
đang sống một cuộc đời ít hay nhiều có tính chất cá nhân hơn. Tôi chỉ cảm thấy
bất bình về các hệ quả của quá trình hiện đại hoá. Xét về văn minh thì tôi thấy
nước Ðức, nơi tôi từng sống một thời gian dài, cũng chẳng đi xa hơn Trung Quốc
là bao. Churchill có lần từng nói rằng: “Tôi biết rằng hệ thống tư bản là đẫm
máu và tàn bạo, song đấy là hệ thống xã hội tốt nhất mà tôi biết đến trong lịch
sử loài người.” Nếu vậy thì làm sao mà chúng ta lại có thể không bi quan được?
Habermas: Liệu
có một giải pháp nào khác hay không? Một khi có thể trì hoãn, nhưng không thể đảo
ngược được quá trình hiện đại hoá vừa mang ý nghĩa giải phóng vừa bao hàm tính
chất bạo lực này, thì chúng ta phải rất cố gắng để ít ra duy trì được cán cân
giữa một bên là cái tốt và một bên là cái xấu vẫn thường xuyên hiện hữu.
Jiang: Ở
phương Tây đã phát triển có thể cần phải có một sự lí giải triết học cầu kì như
vậy về xã hội hiện đại – ở Trung Quốc thì không cần thiết. Bởi vì ngày nay chỉ
có một điều gắn bó mọi người Trung Quốc với nhau: nguyện vọng thay đổi đất nước.
Thế hệ tôi còn nhớ thời thơ ấu của mình, hồi đó cuộc cách mạng văn hoá đang
hoành hoành. Thế nhưng đấy không phải là thứ đáng nhớ. Tất cả mọi người Trung
Quốc vẫn còn nhớ xã hội Trung Quốc xưa kia, nhớ nền văn hoá cung đình và tinh
thần nô dịch. Cả điều này cũng không đáng hồi tưởng. Chính vì vậy mà chúng tôi
đang sống trong một xã hội không có sự hoài cảm, một xã hội đang đặt ra mục
tiêu phát triển mà không cần nhìn lại quá khứ. Thái độ bi quan của Xu Xing trước
bối cảnh này đối với tôi do đó mà có vẻ cũng khiên cưỡng như chính thứ chủ
nghĩa lạc quan chính thống vậy.
Qian: Ðây
chính là vấn đề mấu chốt của quá trình hiện đại hoá ở Trung Quốc. Người ta định
nghĩa nó từ giác độ kinh tế hay khoa học, chứ không phải là từ giác độ tinh thần
hay triết học. Vì vậy mà từ cái nhìn của trí thức, quá trình hiện đại hoá đương
nhiên phải dẫn đến ngõ cụt.
Zhou: Vấn
đề đặt ra với tôi ở đây – cũng như trước đây đối với các nhà triết học Ðức từ
Nietzsche qua Heidegger đến Jaspers – là câu hỏi về các hệ quả tiêu cực trên
phương diện tinh thần của quá trình hiện đại hoá. Ðối với Trung Quốc, cuộc thảo
luận này vẫn còn đang nằm ở phía trước.
Habermas: Như
vậy là các bạn cũng biết rõ về cuộc tranh luận này như bản thân tôi. Chúng ta
hãy thử bàn với nhau một cách rất sơ lược dựa trên thí dụ về vấn đề dân chủ. Tư
tưởng dân chủ đã xuất hiện ở Rousseau và Kant vào giai đoạn cực thịnh của trào
lưu Khai sáng. Những người châu Âu đã được ý tưởng này lôi cuốn. Xuyên suốt một
lịch sử thực dân tàn bạo họ đã truyền giáo cho các dân tộc khác và tìm cách áp
đặt lên các dân tộc này cách tư duy của mình. Giữa chừng thì các nạn nhân của
quá trình thực dân hoá đã cho chúng tôi biết về những gì mà chúng tôi, những
người châu Âu, đã gây ra nhân danh những lý tưởng tuyệt vời của mình. Thế nhưng
câu hỏi được đặt ra bây giờ là như thế này: Vậy có phải bản thân các tư tưởng
đó là sai, liệu có phải tự do, dân chủ và nhân quyền là sai? Hay từ trước đến
nay chúng ta chỉ tiếp cận các tư tưởng này với một cách hiểu rất một chiều của
châu Âu? Nếu quả vậy thì có nghĩa là lí trí đang tự phê phán chính mình. Và như
vậy thì người châu Âu chúng tôi đang nhận ra một điều là chúng tôi phải tiến
hành đối thoại với các nền văn hoá khác về những tư tưởng này, và cuộc đối thoại
đó sẽ là cơ sở để đi đến một cách hiểu chung về những tư tưởng này. Như vậy có
nghĩa là: Những thương tổn do lí trí gây nên có chăng chỉ có thể do lí trí hàn
gắn được mà thôi.
Cui: Ông
là người lạc quan hay là bi quan?
Habermas: Trên
phương diện lý thuyết là một người bi quan, trong thực tiễn – với tư cách là một
học trò tốt của Kant – tôi phải xử sự như là một người lạc quan. Ngày nay tôi
đang ghen tị phần nào với các trí thức ở Trung Quốc. Bởi vì trí thức ở đây đang
đứng trong một tình huống khiến họ hoặc phải sáng tạo, hoặc phải từ bỏ vai trò
trí thức của mình. Ở phương Tây chúng tôi, trí thức chỉ được cần đến ở một mức
độ ít ỏi hơn nhiều.
Shang: Kể
cả ở Trung Quốc vai trò của trí thức cũng đang thay đổi. Nhiều người phục vụ
cho Ðảng, nhiều người làm việc trong các công ty tư nhân. Chỉ có một số ít là
giữ vai trò độc lập. Ngoài ra trí thức Trung Quốc ngày nay lại cũng dễ bị gây
tác động. Chừng nào mà Clinton còn cầm quyền ở Washington, chừng đó họ còn nhìn
về phương Tây với một thái độ ít nhiều thiện cảm. Thế nhưng chỉ cần có một vài
cuộc va chạm đầu tiên với chính quyền Bush, từ vụ đụng máy bay Trung – Mỹ cho đến
việc Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan, thì có nhiều trí thức lại đã chuyển sang hàng
ngũ của Ðảng.
Habermas: Vâng,
vấn đề là liệu chúng ta sẽ sống trong một thế giới đơn cực dưới quyền lãnh đạo
của Mỹ hay trong một thế giới đa nguyên mà ở đó có ba hay bốn thế lực lục địa
phải tìm cách thoả thuận với nhau. Tình hình hiện tại được đánh dấu bởi sự trỗi
dậy của châu Á – lúc đầu là Nhật Bản, hiện tại là Trung Quốc – và bởi quá trình
thống nhất châu Âu. Từ cách nhìn Âu châu của tôi, chỉ có thể có được giải pháp
lạc quan, tức là sẽ có một bối cảnh quốc tế đa nguyên và đồng thời đảm bảo được
hoà bình, một khi châu Âu sẽ thực sự được thống nhất trên phương diện chính trị
và có được một tiếng nói độc lập đối với cả Hoa Kỳ. Ðồng thời, Liên hợp quốc phải
được củng cố và trước hết là mối liên kết xuyên quốc gia giữa các cường quốc phải
được xiết chặt hơn. Bởi vì một trật tự thế giới đa nguyên mới không thể và
không được phép định hướng theo mô hình của hệ thống châu Âu cũ bao gồm các nhà
nước dân tộc tự chủ.
Shang: Nếu
như không có một cuộc chiến tranh thế giới mới thì rốt cuộc thế giới sẽ trở
thành đa nguyên. Ðúng là chính quyền Hoa Kỳ mới dưới Bush Junior chưa tìm ra được
một đường hướng chính trị rõ ràng và cho đến hiện tại vẫn giữ một cách tư duy
như thời chiến tranh lạnh. Thế nhưng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa
Kỳ sẽ không đánh mất trọng lượng của mình, và vì vậy mà bản thân tôi không tin
rằng sẽ có chiến tranh.
Habermas: Riêng
về Bush thì hy vọng duy nhất của tôi là nhân dân Mỹ thông minh hơn so với vị Tổng
thống của mình.
°
° ° ° ° °
Người
dẫn buổi nói chuyện: Georg Blume, Tuần báo „Die Zeit“ (Thời đại)
Jiang
Wen,
37 tuổi, là nam diễn viên điện ảnh nối tiếng nhất của Trung Quốc (Cao lương đỏ).
Với bộ phim vô tuyến truyền hình nhiều tập „Một người Bắc Kinh ở New York“ ông
đã trở thành một thần tượng của đại chúng. Bộ phim „Con quỷ trước cánh cửa“ do
ông làm đạo diễn vào năm ngoái đã dành được giải Cành cọ bạc ở Liên hoan phim
quốc tế Cannes.
Cui
Jian,
39 tuổi, là nhạc sĩ nhạc Rock thành công nhất của Trung Quốc; đối với nhiều người
Trung Quốc ông là nhân vật biểu tượng quan trọng nhất của phong trào nổi dậy của
sinh viên năm 1989. Các ca khúc của ông như „Chúng ta chẳng có gì“ đã đánh dấu
ý thức thế hệ của những người hiện 30 – 40 tuổi.
Qian
Ning,
40 tuổi, trước đây viết phê bình trong mục tản văn của báo „Công Nhân“, về sau
sang sống sáu năm ở Mỹ; trở về nước, ông làm nghề tư vấn doanh nghiệp và trở
nên nổi tiếng với tư cách là tác giả của nhiều cuốn sách có kỷ lục bán chạy nhất.
Ông là con trai của Phó Thủ tướng Qian Qichen, nhà chính trị đối ngoại nhiều ảnh
hưởng nhất của Trung Quốc.
Xu
Xing,
45 tuổi, nhà văn, người với „Các biến tấu không có chủ đề“ đã sáng tạo nên tác
phẩm mở đầu cho dòng văn học thành phố Trung Quốc mới của những năm 90 đoạn tuyệt
với mọi truyền thống. Xu là bạn thân của nhà văn đoạt giải Nobel Gao Xinjiang
hiện sống tại Paris.
Zhou
Guoping, 45 tuổi, nhà triết học và nhà văn, là một trong những
tác giả khoa học nhân văn quan trọng nhất của Trung Quốc. Các tác phẩm của ông
khai thác chủ đề nghệ thuật đấu tranh sinh tồn hàng ngày ở đất nước Trung Quốc
hiện đại và các vấn đề của nền triết học phương Tây cổ điển – không hiếm khi là
một mâu thuẫn.
Shang
Dewen, 69 tuổi, Giáo sư về chủ nghĩa Mác và Lịch sử tại Ðại
học Tổng hợp Bắc Kinh và là tác giả một dự thảo Hiến pháp dân chủ cho nước Cộng
hoà Nhân dân Trung Quốc. Người đảng viên nổi tiếng này vào năm 1997 đã viết một
lá thư ngỏ gửi Tổng bí thư Ðảng Jiang Zemin yêu cầu có các cải cách chính trị
(Các thông tin đều của „Die Zeit“)
Ghi
chú bổ sung về Jürgen Habermas của người dịch:
Habermas,
Jürgen (*1929), nhà triết học và xã hội học Đức. Ông
được coi là đại diện quan trọng nhất trong „thế hệ thứ hai“ của Lí thuyết
phê phán thuộc Trường phái Frankfurt và là triết gia
Đức nổi tiếng nhất hiện còn sống (gần đây nhất ông còn được mệnh danh là „Hegel
của CHLB Đức“). Bên cạnh lĩnh vực phương pháp luận của khoa học xã hội,
Habermas chủ yếu quan tâm đến các đề tài nghiên cứu lịch sử về xã hội học và
triết học chính trị.
Habermas
sinh ngày 18. Tháng Sáu 1929 tại Düsseldorf. Ông học triết học, lịch sử,
tâm lí học, văn học Đức và kinh tế học tại Göttingen, Zürich, Bonn và Marburg.
Từ 1955 đến 1959 ông là trợ lí khoa học tại Viện nghiên cứu xã hội do Theodor
W. Adorno và Max Horkheimer đứng đầu ở Frankfurt/Main. 1961 ông được bổ
nhiệm làm giáo sư triết học tại Heidelberg, từ 1964 ông là giáo sư triết học và
xã hội học ở Frankfurt/Main. Cùng với Carl Friedrich von Weizsäcker từ 1971 –
1981 ông là đồng giám đốc tại „Viện Max-Planck, nghiên cứu về các điều kiện sống
trong thế giới khoa học – kĩ thuật“ ở Starnberg. Từ 1983 – 1994 Habermas lại tiếp
tục giảng dạy triết học lịch sử và triết học xã hội tại trường đại học tổng hợp
Frankfurt.
Từ
cuối những năm năm mươi, tên tuổi Habermas đã được biết đến do những hoạt động ủng
hộ cải cách giáo dục ở Đức và trước hết là qua luận án tiến sĩ triết học Sự
thay đổi cơ cấu của công luận (1962). Thông qua việc nghiên cứu lịch sử
phát triển của công luận (chẳng hạn với việc phân tích sự hình thành của quán
cà-phê Anh, hiện tượng xa-lông ở Pháp và các hội bác học ở Đức) Habermas đã đi
đến nhận định rằng công luận là „nguyên tắc tổ chức của xã hội pháp quyền tư sản
với hình thức chính phủ nghị trường“.
Khác
với Horkheimer và Adorno – hai tác giả mở đầu lí thuyết phê phán có quan điểm rằng
sau những tội ác do chủ nghĩa quốc xã gây ra lí trí cùng lắm chỉ còn có thể hiện
diện trong nghệ thuật và khả năng xây dựng một dự án chính trị cho tương lai
không còn tồn tại nữa, Habermas nhìn nhận trong cấu trúc của xã hội tư sản khả
năng tự phê phán của chính nó. Việc phê phán này phải xuất phát từ nguyên tắc
trao đổi dựa trên căn bản của lí trí giữa tất cả mọi công dân và sự đồng thuận
đạt được qua đó phải là cơ sở của tất cả các quyết định chính trị. Vì lí do này
mà Habermas đã tập trung vào việc nghiên cứu các điều kiện và khả năng của diễn
ngôn dựa trên căn bản của lí trí (vernunftgeleiteter Diskurs). Các công trình
khoa học và chính trị của Habermas đã khiến ông trở thành một người đỡ đầu tinh
thần của phong trào sinh viên 1968.
Trong
tác phẩm gây nhiều chú ý Nhận thức và quyền lợi (1968)
Habermas tiếp tục phát triển các vấn đề xã hội học của khoa học vốn đã là trọng
tâm ở các công trình phê phán nhận thức của Horkheimer và Adorno. Trong cuốn
sách này Habermas nhấn mạnh sự phụ thuộc của các mối quan tâm tri thức vào những
quyền lợi cụ thể cũng như sự phụ thuộc vào các quyền lợi đó của bất cứ một hành
động chính trị hay xã hội nào. Diễn ngôn khoa học theo quan điểm của ông là một
biểu hiện của công luận xã hội; nhận thức khách quan không thể nào có được. Ở
đây Habermas tập trung lí giải về „thẩm quyền giao tiếp“ của các cá nhân và của
xã hội như là một cộng đồng giao tiếp của tất cả các công dân. Tiền đề này đã đựơc
Habermas phát triển một cách bao quát trong tác phẩm chính Lí thuyết
hành vi giao tiếp (1981).
Đối
với Habermas ngôn ngữ chính là cái tạo nên các cơ sở quy phạm của xã hội: khả
năng thông hiểu và tính đúng đắn, chân lí và lí trí là những bộ phận hợp thành
của một quá trình giao tiếp có định hướng, điều đó có nghĩa là sự thông hiểu giữa
mọi người quy định hành vi của họ. Các liên hoạt động xã hội xuất phát từ đó sẽ
được tiến hành trên cơ sở của một đạo đức mang tính quy phạm. Những quan niệm,
kinh nghiệm sống và nhận thức cá nhân của những người hành động và giao tiếp với
nhau thông qua việc trao đổi và thảo luận sẽ được kết hợp lại vì những mục tiêu
hành động chung.
Habermas
tham gia vào tất cả những cuộc tranh luận lí thuyết lớn, như cuộc tranh luận về
chủ nghĩa thực chứng. Hoạt động chính luận của Habermas, chủ yếu trên tờ tuần
báo DIE ZEIT (Thời đại), khiến cho ông được dư luận rộng rãi biết tới.
1986 ông là người mở màn một cuộc tranh luận để lại nhiều hệ quả lâu dài, „cuộc
tranh luận của các nhà sử học“ (Historikerstreit), trong đó Habermas đã công
kích các xu hướng tân bảo thủ trong ngành khoa học lịch sử Đức đang theo đuổi mục
tiêu phủ định tội ác của chế độ quốc xã.
Trong
tác phẩm có quy mô lớn gần đây, Tính dữ kiện và hiệu lực (1992),
Habermas phát triển tiếp lí thuyết của ông trên lĩnh vực triết học pháp
quyền.
Một
số tác phẩm khác của Habermas: Lí thuyết và thực tiễn (1963,
mở rộng 1971); Về lô gích của các bộ môn khoa học xã hội (1967); Kĩ
thuật và khoa học với tư cách là hệ tư tưởng (1968); Cuộc
tranh luận về chủ nghĩa thực chứng trong ngành xã hội học Đức(viết chung với
T. W. Adorno, 1969); Các diện mạo triết học – chính trị (1971,
mở rộng 1981); Lí thuyết xã hội hay là công nghệ xã hội? (viết
chung với N. Luhmann, 1971),Văn hoá và phê phán (1973); Những
vấn đề hợp thức hoá của thời tư bản hậu kì (1973);Lí thuyết đồng
thuận về chân lí (1973); Dụng học phổ biến có nghĩa là gì? (1976); Tái
hiện chủ nghĩa duy vật lịch sử (1976); Ý thức đạo đức và hành
vi giao tiếp (1983); Các bài nghiên cứu chuẩn bị và bổ sung
cho Lí thuyết hành vi giao tiếp (1984); Tình trạng không thể bao quát mới
(1985); Diễn ngôn triết học hiện đại (1985); Một cách hạn chế hậu quả (1987);
Tư duy hậu siêu hình. Các luận văn triết học (1988); Tương quan hậu dân tộc.
Các luận văn chính trị (1998); Chân lí và biện hộ. Các bài viết triết học
(1999).
Nguồn
bản tiếng Đức:
http://www.zeit.de/2001/20/Schmerzen_der_Gesellschaft/komplettansicht
© Bản
dịch tiếng Việt: Trương Hồng Quang
[1] Cuộc
trao đổi giữa Jürgen Habermas và các trí thức Trung Quốc đã diễn ra vào giữa
năm 2001 tại Bắc Kinh và được công bố trên trở tuần báo “DIE ZEIT” (Thời đại) số
20/2001. Bản dịch tiếng Việt và phần giới thiệu của người dịch lần đầu tiên được
đăng trên trang mạng talawas vào ngày 03.11.2001. Sau hơn 13 năm những thông điệp
của cuộc trao đổi – và của cả phần giới thiệu ;) – dường như vẫn còn
nguyên vẹn ý nghĩa thời sự. Tôi đăng lại toàn văn bản dịch và phần giới thiệu,
chỉ với một số chỉnh sửa nhỏ về chính tả và từ ngữ và với tiêu đề mới – là
trích dẫn một câu nói của chính Jürgen Habermas trong buổi trao đổi ở Bắc Kinh
(Trương Hồng Quang)
Nguồn:https://drtruong.wordpress.com/2014/03/26/jurgen-habermas-nhung-thuong-ton-do-li-tri-gay-nen-co-chang-chi-co-the-do-li-tri-han-gan-duoc-ma-thoi/