Từ
cuộc Cách mạng Công nghiệp cuối thế kỷ 18 đến nay, thế giới đã chứng kiến hai sự
kiện chưa từng có trong lịch sử: Một là sự tăng vọt mức sống của con người (nói
gọn là phát trỉển kinh tế), và hai là ngày càng nhiều quốc gia trở thành dân chủ.
Tuy hai làn sóng này xảy ra không đồng đều mọi nơi, và thường gián đoạn, có lúc
giật lùi, không thể không nghi ngờ rằng chúng có liên hệ ít nhiều với nhau.
Liên hệ ấy, và nói chung là liên hệ giữa phát triển kinh tế và thể chế chính trị,
không những là quan tâm của những người hoạt động chính trị mà còn là một chủ đề
học thuật hàng đầu. Trong lịch sử trí thức cận đại, có thể xem nó như “hậu
thân” của cuộc tranh biện giữa “kế hoạch” và “thị trường”, và xa hơn nữa là giữa
tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Vấn
đề có thể gút lại qua hai câu hỏi căn bản: (1) các quốc gia chuyên chế có phát
triển nhanh hơn các quốc gia dân chủ?, và (2) phát triển có sẽ đem lại dân chủ?
Rất tiếc, hai câu hỏi này thường được đặt ra không phải để thực tâm nghiên cứu
một cách khách quan, khoa học, song chỉ có tính tu từ, hùng biện, với câu trả lời
đã định trước, nhằm biện hộ cho một thể chế chính trị nào đó.[1] Vì không ai có thể phủ nhận phát triển
kinh tế là cần thiết, người ủng hộ chuyên chế thì tìm cách chứng minh rằng các
nước chuyên chế phát triển nhanh hơn (hoặc ít ra là không chậm hơn) những nước
được xem là “dân chủ”. Tất nhiên, những người ủng hộ dân chủ thì khẳng định ngược
lại: muốn phát triển nhanh, vững, thì phải có dân chủ.[2]
Nhìn
từ góc độ khoa học thì sự việc không đơn giản như vậy. Khoa học không cho phép
chủ quan lựa chọn vài đặc điểm trong kinh nghiệm cá biệt của vài nước (nhất là
khi kinh nghiệm ấy có nhiều cách diễn dịch khác nhau), trong một giai đoạn nào
đó, rồi suy diễn (thậm chí khẳng định) cho những nước khác, trong một giai đoạn
khác. Một công trình nghiên cứu chỉ có sức thuyết phục khi nó căn cứ trên một
khối lượng thống kê dồi dào và khả tín, trong nhiều lãnh vực (không chỉ kinh tế)
về nhiều nước, qua nhiều thời kỳ. Rồi cũng phải có những mô hình đủ quy mô,
phương pháp phân tích đủ “cơ bắp” để khai thác khối dữ kiện ấy.
Nên
để ý rằng liên hệ nhân quả (nếu có) giữa dân chủ và phát triển, không chỉ là từ
quá khứ đến hiện tại mà còn tùy vào kỳ vọng ở hiện tại hướng về tương lai. Một
thí dụ đơn giản: nếu dân chủ có ảnh hưởng đến thành tựu kinh tế thì một phần
không nhỏ của ảnh hưởng này hẳn là xuyên qua những quyết định về đầu tư, tức là
tùy thuộc vào kỳ vọng. Như thế,triển vọng dân chủ tương lai sẽ là một
nhân tố quyết định thành tích kinh tế hiện tại. Điều này có nghĩa
là, để thẩm định tác động kinh tế của dân chủ, ta phải nhìn xa hơn chế độ đương
thời, xét cả đến kỳ vọng của dân chúng (thậm chí của cả giới đầu tư nước ngoài)
về sự ổn định của chế độ ấy. Muốn bíết kỳ vọng này thì cần những cuộc thăm dò ý
kiến quy mô, hay khảo sát tác động của tin tức (qua các phương tiện truyền
thông) trong sự thiết lập kỳ vọng. Tất cả đều là những thách thức vô cùng to lớn
cho nhà khoa học muốn thực tâm nghiên cứu.
Công
bình mà nói, cho đến khoảng những năm 1980, giới nghiên cứu khó làm gì hơn được
vì “hộp đồ nghề” phân tích định lượng (như kinh lượng học) còn tương đối thiếu
sót, thô sơ. Rất may, gần đây họ được hai cú hích. Cú hích thứ nhất là tiến bộ
trong kỹ thuật phân tích, cách đặt vấn đề, phương pháp “xoa nắn” dữ kiện, đặc
biệt là những dữ kiện không thể định lượng. Cú hích thứ hai là sự thu thập nhiều
dữ liệu khá phong phú từ nhiều quốc gia, khắp các châu lục, qua nhiều năm.[3] Nhờ hai tiến bộ này, một số nghiên cứu
quy mô về liên hệ giữa chế độ chính trị và thành tích kinh tế đã xuất hiện.[4] Tuy vẫn còn nhiều “khoảng trống” to
lớn trong kiến thức về vấn đề này, giới học thuật đã phát hiện một số kết quả
đáng lưu ý.
Hầu
hết mọi nghiên cứu đều đồng ý rằng khó tìm ra câu trả lời trắng đen cho câu hỏi:
liệu hể có một thể chế chính trị nào đó thì phát triển tất sẽ nhanh? Song, cũng
chẳng phải là không có một kết luận rõ rệt nào cả. Điều cần thiết là phải gọt
giũa câu hỏi cho có ý nghĩa khoa học, tránh những ý niệm mơ hồ, chung chung, và
nhất là phải tìm những kỹ thuật thích hợp để phân tích, sàng lọc khối lượng
thông tin, dữ kiện (dù không bao giờ là đầy đủ) mà, may mắn thay, giới học thuật
thu thập ngày càng nhiều.
Bài
này lược duyệt một số khảo cứu kinh điển về liên hệ giữa phát triển và thể chế
chính trị, đặc biệt là giữa phát triển và dân chủ. Phần I tóm lược những ý kiến
tạm gọi là “xưa”, đa số xuất hiện trong những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước. Đại
để, những ý kiến này căn cứ trên vài “ấn tượng” tương đối rời rạc về một số quốc
gia (phần lớn là ở châu Âu) nhìn qua lăng kính kinh tế tân cổ điển và những suy
luận xã hội học. Phần II tường thuật những phát hiện của Adam Przeworski (và
các cộng sự) về thành tích kinh tế và dân chủ hóa. Dấu ấn của nhóm
học giả này là cách họ đặt đối tượng nghiên cứu: nhìn dân chủ hoá như một tiến
trình, rồi xem mức độ phát triển có ảnh hưởng gì không đến (a) sự xuất
hiện, và (b) sự tồn tại, của dân chủ. Phần III tóm tắt các công trình của Francesco
Giavazzi và Guido Tabellini. Hai nhà kinh tế này nêu câu hỏi: chính trị và kinh
tế liên hệ với nhau ra sao trong thứ tự thời gian của “cởi trói”? Phần IV là kết
luận.
I.
Những quan điểm “xưa”
Cho
đến khoảng giữa những năm 1980, hầu như mọi ý kiến về liên hệ giữa phát triển
kinh tế và dân chủ đều có tính giai thọai (ghi nhận chấm phá về một vài nước)
và căn cứ vào khung phân tích kinh tế tân cổ điển. Ở đây, “tiếp cận tân cổ điển”
có thể được hiểu là quan niệm cho rằng tiết kiệm và đầu tư (thay vì tiêu dùng)
là yếu tố quyết định của tăng trưởng. (Nói cách khác, trong tiếp cận này, vai
trò của lịch sử, điạ lý, thể chế, giáo dục, v.v. , trong tăng trưởng chưa được
để ý nhiều như ngày nay.) Như vậy, theo những người có ý kiến này, “dân chủ” sẽ
giảm tốc tăng trưởng bởi lẽ, trong thể chế ấy, (a) người có thu nhập thấp, là
đa số, sẽ đòi phân bố tài sản từ người giàu (có khuynh hướng tiết kiệm và đầu
tư cao) sang người nghèo (có tiết kiệm và đầu tư thấp), và (b) nhà nước sẽ bị
áp lực của đông đảo cử tri sử dụng ngân sách cho những tiêu dùng ngay hiện tại,
thay vì đầu tư cho tương lai.
Có
thể phân biệt hai dòng ý kiến (không hẳn là trái ngược nhau): Dòng thứ nhất xuất
phát từ khẳng định rằng phát triển sẽ đem lại dân chủ, hoặc nói khác hơn,
chuyên chế không thể tồn tại trong một xã hội đã phát triển. Dòng thứ hai cho rằng
phát triển cần chuyên chế.
1. Phát triển sẽ đem lại dân chủ?
Ý
kiến cho rằng kinh tế phát triển sẽ từng bước tạo nên các định chế dân chủ, cuối
cùng là dân chủ toàn bộ, thường dựa vào năm lập luận chính.
Thứ
nhất, phát triển kinh tế sẽ bành trướng giai cấp trung lưu, có học. Khi
đủ lớn, thành phần này sẽ đòi hỏi dân chủ, và chính họ sẽ là chỗ dựa cho chế độ
dân chủ ấy. Seymour Martin Lipset (1959) có lẽ là học giả đầu tiên đưa ra lý giải
này. Theo ông, dân chủ vừa là một hậu quả, vừa là một nhân tố của phát trỉển
kinh tế.
Thứ
hai, phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tư duy của đa số trong xã hội: hướng
tư duy ấy về cá nhân thay vì tập thể, tăng ý thức về cái riêng, về tự do cá
nhân và quyển tự quyết. Nói cách khác, phát triển kinh tế sẽ khơi dậy những
“giá trị chính trị” (political values) lấy cá nhân làm gốc. Theo những người có
ý kiến này, những giá trị ấy là mầm móng của dân chủ.
Thứ
ba, kinh tế phát triển sẽ nâng cao dân trí. Khi biết rõ hơn về cơ cấu chính trị,
ý thức hơn về quyền lợi và quyền hạn của họ, người dân sẽ bảo vệ quyền của họ
tích cực hơn, theo những đường lối có hiệu quả hơn. Đó là dân chủ.
Thứ
tư, phát triển sẽ làm giàu khu vực tư, tăng cường khả năng khu vực này trong
các hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào nhà nước, tăng sức nặng của xã hội
dân sự như một đối trọng đối với khu vực công. Hơn nữa, khi đời sống ngươì dân
càng sung túc thì xã hội càng hài hoà, giảm đi những đòi hỏi tái phân bố của cải,
dân chủ nhờ thế mà ổn định hơn.
Thứ
năm, vì phát triển thường đòi hỏi mở cửa kinh tế, một quốc gia phát triển cũng
là một quốc gia nhiều tiếp xúc với thế giới về văn hóa, xã hội cũng như chính
trị. Sự giao lưu này sẽ làm thông thoáng hơn các luồng thông tin mà chính quyền
chuyên chế khó kiểm soát, đồng thời kềm hãm sự chuyên chế ấy qua áp lực cuả các
đối tác quốc tế.
Về
mặt kiểm nghiệm, những công trình theo chân Lipset thường bị chỉ trích là có
giá trị khá hạn chế vì chúng chỉ dùng những dữ kiện về mức thu nhập của nhiều
nước vào cùng một thời điểm. Lipset cũng nhìn nhận rằng ý kiến
của ông là rút từ kinh nghiệm của Tây Âu, và có thể không đúng cho nơi khác.
2. Phát triển có cần chuyên chế?
Khác
với quan điểm trên đây (cho rằng dân chủ là hậu quả tất nhiên của phát triển
kinh tế) là quan điểm cho rằng các chính sách kinh tế sẽ có hiệu quả hơn dưới
chế độ chuyên chế. Có thể nói rằng theo quan điểm này thì dân chủ là một xa xí
phẩm, chỉ nên có khi quốc gia đã phát triển.[5]
Dân
chủ bị cho là không thuận lợi cho phát triển vì nhiều lý do. Một là,
quyền sở hữu (property rights) của người giàu sẽ không được đảm bảo, bởi lẽ người
nghèo, là đa số, có thể dùng lá phiếu của họ để đòi phân chia tài sản. Hai
là, họat động chạy chọt (rent seeking) của các hội đoàn tranh giành quyền lợi
(special interest groups), qua các vận động chính trị với các đảng phái, các cơ
quan chính phủ, chẳng những sẽ làm phung phí nguồn lực quốc gia mà còn bóp méo
chính sách nhà nước. Ba là, bị áp lực của cử tri, các chính phủ dân
chủ sẽ chi tiêu quá mức cho hiện tại thay vì đầu tư cho tương lai [Galenson
(1959), Schweinitz (1959) Huntington (1968, 1975)]
Chuỗi
nhân quả được mô tả như sau: (1) Người có thu nhập thấp muốn tiêu dùng ngay,
(2) khi lao động có tổ chức (thành công đoàn) thì họ sẽ “đẩy” lương lên, giảm lợi
nhuận cho giới kinh doanh, làm nãn lòng người đầu tư, (3) áp lực của cử tri sẽ
làm nhà nước có khuynh hướng phân phối thu nhập ra khỏi đầu tư
(hoặc là đánh thuế nguời giàu thật nặng để phân phát cho người nghèo, hoặc là
tiêu ít hơn vào các dự án đầu tư công), (4) đầu tư thấp đi thì sẽ giảm tốc tăng
trưởng.
Những
ý kiến trên đây dựa vào giả định căn bản: (i) Vốn vật thể là nhân tố cốt lõi của
tăng trưởng. (ii) Chính quyền do dân bầu thường bị áp lực phải tiêu xài cho hiện
tại.[6] Đây là những giả định không phải
luôn luôn đúng: ngoài vốn vận thể còn có những yếu tố khác cần thiết cho phát
triên (ví dụ sự trong sạch của thể chế) mà chuyên chế thường không có, và chưa
chắc là chính phủ dân cử nào cũng thiển cận vung vãi tiêu xài thay vì chắt bóp
để đầu tư. Hơn nữa, ý kiến cho rằng phát triển sẽ nhanh hơn trong chuyên chế so
với dân chủ là dựa vào những lập luận tiêu cực thay vì tích cực. Những người
đưa ý kiến này không viện dẫn ưu thế (dù là chỉ theo họ) của chuyên chế mà chỉ
vạch ra những nhược điểm (theo họ) của dân chủ.[7] Để thấy một lỗ hổng của lập luận ấy,
chỉ cần hỏi: Dù dân chủ quả có ba nhược điểm nói trên, có gì bảo đảm rằng
chuyên chế không có những nhược điểm ấy?
Xem
vấn đề bảo đảm quyền sở hữu chẳng hạn. Trong chuyên chế thì tư pháp và lập pháp
đều trong một tay nhóm nhỏ, họ có toàn quyền đánh thuế, sung công, bội tín
trong các nghĩa vụ tài chính. Thực vậy, lịch sử cho thấy hầu hết các chế độ
chuyên chế đều có khuynh hướng lấy của công làm của riêng. Sao có thể cho rằng
quyền sở hữu sẽ được đảm bảo hơn trong chế độ ấy? Ví dụ nữa: Để giữ quyền lực,
các lãnh tụ độc tài thường ban phát đặc quyền, đặc lợi cho thuộc hạ (độc quyền
kinh doanh, trợ cấp, miễn thuế). Như vậy, hoạt động chạy chọt – và những lãng
phí của nó ̶
đâu phải là không có trong chế độ chuyên chế?
II.
Phát triển kinh tế và sự bền vững của dân chủ
Cùng
mục đích xác định tương quan giữa dân chủ và phát triển nhưng Adam Przeworski[8] nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác
những người đi trước. Ông cũng muốn biết chế độ chính trị có ảnh hưởng đến
thành tích kinh tế hay không, và ra sao, nhưng ông nghĩ rằng vấn đề ấy không thể
tách rời khỏi câu hỏi: Phát triển kinh tế có ảnh hưởng gì đến sự xuất
hiện và tồn tại của các chế độ chính trị? Theo Przeworski, chỉ sau khi
xem chế độ chính trị xuất hiện trong hoàn cảnh nào và tồn tại ra sao, thì mới
có thể phân biệt được (1) đâu là ảnh hưởng của thực trạng xung quanh một
chế độ chính trị, và (2) đâu là tác động của chính chế độ ấy. Nói cách khác,
theo Przeworski, phải tách hai câu hỏi ra khỏi nhau: (1) kinh tế phát triển có
đẫn đến dân chủ không? và (2) dân chủ có giúp phát triển nhanh hơn không?
A.
Lỗi lầm thường gặp
Przeworski
lưu ý ba điểm chính:
Một
là, mỗi nước một khác, mỗi thời một khác, không thể so
sánh nước này với nước nọ, giai đoạn này và giai đoạn kia. Chính Przeworski đưa
ra ví dụ: vào năm 1985, Mali là một quốc gia độc tài, có tốc độ tăng trưởng
tương đối thấp (5,35%), song không thể kết luận rằng nếu năm ấy Mali là dân chủ
thì sẽ tăng trưởng nhanh hơn, vì đâu có quốc gia nào giống hệt Mali, nhưng dân
chủ, để so sánh? Cũng năm ấy thì nước Pháp (quả là dân chủ) chỉ tăng trưởng với
tốc độ 1,43%! Ai dám bảo rằng nếu Pháp là độc tài thì sẽ tăng trưởng nhanh hơn?[9] Nói chung, theo Przeworski, dù có thấy
rằng, vào một thời điểm nào đó, đa số nước nghèo là độc tài và đa số nước giàu
là dân chủ, cũng chưa thể kết luận rằng tăng trưởng là nhanh trong dân chủ hơn
trong độc tài. Tốc độ tăng trưởng của một quốc gia tuỳ thuộc vào xã hội, lịch sử,
địa lý… của quốc gia ấy, không nhất thiết là hậu quả của chỉ những gì mà chính
phủ nước ấy đang làm.
Hai
là, nếu không nhìn vào diễn biến trong khoảng thời gian
dài thì khó tránh những kết luận sai lầm. Ví dụ các quốc gia dân chủ dễ bị chao
đảo khi có khủng hoảng kinh tế (mà nguyên nhân có thể là do tác động từ ngoài),
còn các quốc gia độc tài thì ổn định hơn. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng “ngược
đời” là dân chủ có vẻ tăng trưởng nhanh hơn! Song (theo Przeworski) ta thấy như
vậy chỉ vì các chính thể dân chủ thường bị sụp đổ khi kinh tế gặp khó khăn, và trở
thành độc tài, có khả năng tồn tại, có thể sống được trong hoàn cảnh
khó khăn ấy. Nói cách khác, chế độ độc tài bị “mang tiếng” (trong trường hợp
này) là làm chậm phát triển có thể chỉ vì nó kế thừa một nền kinh tế đã trên đà
suy thoái.
Ba
là, hãy
nghĩ đến trường hợp có một yếu tố nào đó (tạm gọi là yếu tố X), tuy không hiển
hiện thường xuyên, đều đặn, song tác động đến chế độ chính trị lẫn tốc độ tăng
trưởng. Giả dụ yếu tố X là sự “sáng suốt”, nhìn xa thấy rộng của cấp lãnh đạo,
và vì sự sáng suốt ấy mà cấp lãnh đạo vừa chọn dân chủ, vừa có những chính sách
phát triển kinh tế hữu hiệu. Trong trường hợp này, nếu kết luận rằng tăng trưởng
nhanh là nhờ dân chủ, thì quả là sai, bởi vì sự thành công
kinh tế ấy là do yếu tố X, không phải do dân chủ.
Tóm
lại, một phân tích khoa học phải phân biệt bối cảnh (kinh tế, xã hội, lịch sử…)
xung quanh một chế độ, và sự thành bại của chế độ ấy. Muốn như vậy, cần xem:
trong tình huống nào mà chế độ xuất hiện, và hoàn cảnh nào mà chế độ vẫn tồn tại,
hoặc sụp đổ. Chỉ khi biết rõ như thế thì mới có thể xác minh thành tích kinh tế
nào là do thể chế chính trị, thành tích nào là do các yếu tố khác. Đây là một
bài toán phân tích cực kỳ khó khăn, may là James Heckman (1976, 1988) đã phát
minh nhiều thủ thuật kinh lượng để làm việc này.
B.
Kết quả của Przeworski
Przeworski
phát hiện một điều nổi bật: chế độ chính trị không ảnh hưởng đến
suất đầu tư và tốc độ tăng trưởng củatổng thu nhập cả nước. Tuy
nhiên, vì dân số thường tăng nhanh hơn trong các quốc gia độc tài,[10] thu nhập đầu ngườithường
tăng nhanh hơn trong các nước dân chủ. Przeworski kết luận: Không có lý
do nào để hy sinh dân chủ cho phát triển.
Năm
phát giác khác của Przeworski cũng đáng để ý:
(a)
Không có bằng cớ nào cho thấy phát triển kinh tế bao giờ cũng đem lại dân chủ.
Đặc biệt, nếu một quốc gia đã khá giàu có mà vẫn là độc tài thì ít khi quốc gia
ấy sẽ trở thành dân chủ.
(b)
Tuy đa số các nước giàu hiện nay là dân chủ, không có một mức thu nhập nào mà hể
trên mức ấy là độc tài sẽ sụp đổ, dân chủ sẽ xuất hiện.
(c)
Cũng không rõ ràng là tốc độ tăng trưởng có ảnh hưởng, hay không, đến sự bền vững
của chuyên chế. Trung bình, khả năng tồn tại của chính quyền độc tài trong một
nền kinh tế đang tăng trưởng thì cũng ngang bằng khả năng mà chế độ ấy tụt dốc
trong một, hai, hoặc ba năm. Vài chế độ độc tài sụp đổ sau nhiều năm tăng trưởng
liên tục, song cũng có chế độ độc tài sụp đổ sau nhiều năm kinh tế suy sụp liên
tục.
(d)
Vì không đủ thông tin, khó xác định ảnh hưởng của phân phối thu nhập. Tuy
nhiên, dường như độc tài càng dễ sụp đổ khi phân bố thu nhập càng chênh lệch.
(e)
Khi đem yếu tố khác (ví dụ như quá khứ chính trị, sự đa dạng ngôn ngữ, tỷ lệ
các tôn giáo chính, và truyền thống thuộc địa) vào mô hình thì kết quả cũng
không rõ rệt gì hơn.
Przeworski
nhận xét: các chế độ độc tài “chết” trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đôi khi nó
sụp đổ khi kinh tế khủng hoảng, lúc khác thì sau một thời kỳ thịnh vượng lâu
dài. Nhiều khi thì độc tài chết theo người sáng lập ra nó, lúc khác thì độc tài
chấm dứt khi một quốc gia bị thất trận. Và cũng có khi độc tài sụp đổ vì áp lực
quốc tế.
Sự
bền vững của dân chủ
Przeworski
khám phá rằng dù xuất hiện qua lộ trình lịch sử nào, dân chủ cũng bền vững
hơn trong các nước đã phát triển. Đặc biệt, chưa hề
có một nền dân chủ nào sụp đổ khi thu nhập đầu người vượt trên ngưỡng $6000/năm
(đo bằng đô la năm 1965). Giáo dục (đo theo số năm đến trường) cũng làm dân chủ
bền vững hơn. Tuy nhiên, dù giáo dục và thu nhập có tương quan khá chặt chẽ,
Przeworski đã có thể xác định là ảnh hưởng của giáo dục không mạnh bằng ảnh hường
của thu nhập đối với sự tồn tại của dân chủ. Nôm na: nước giàu mà dốt thì dân
chủ khó sập hơn nước có học nhưng hơi nghèo! Przeworski cũng phát giác rằng khó
xác định ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế đến sự tồn vong của dân chủ. Đúng là
dân chủ yếu và thu nhập trì trệ là hai hiện tượng thường đi đôi, song khó biết
là dân chủ thoi thóp vì nó không hiệu quả, hoặc nó không hiệu quả vì (dân chúng
cảm thấy là) nó sắp không còn?
Tuy
rằng giáo dục, phân bố thu nhập, định chế chính trị, và tương quan giữa các lực
lượng chính trị đều có vài ảnh hưởng đến sự bền vững của dân chủ độc lập với
thu nhập đầu người, ảnh hưởng của mức độ thu nhập là lớn nhất.
Przeworski
(2002) lý giải như sau: Ở các nước giàu, mọi người đều ủng hộ dân chủ bởi lẽ nếu
chống nó thì có thể mất mát rất nhiều. Ở các nước nghèo thì trái lại:
của cải xã hội không có là bao, cho nên nhóm nào chống lại dân chủ, dù bị thất
bại, cũng không có gì nhiều để mất. Ở các nước nghèo, thu nhập của những người
dưới ách độc tài cũng không thấp hơn thu nhập của những người sống trong dân chủ
(dù họ có thắng cử hay không). Ở nước giàu thì khác: khoảng chênh lệch thu nhập
giữa những người trong phe thất cử (trong dân chủ) và những người bị đàn áp
trong chế độ độc tài là rất lớn. Nói cách khác, ví dụ ngay như một nhóm nào đó
hi vọng là thu nhập của họ khi họ quay chống dân chủ sẽ là cao hơn trong dân chủ,
cái “cơ may” (possibility) là họ sẽ là bên bại trận sau khi độc tài thiết lập
là rất lớn (trong xã hội phồn thịnh) và do đó họ sẽ ngại chống dân chủ. Nói
chung, theo lập luận của Przeworski, thu nhập càng cao thì cái có thể bị mất
mát càng lớn, do đó ngay đến nhóm luôn luôn thất cử cũng thà chấp nhận kết quả
bầu cử còn hơn. Chính thái độ tránh rủi ro(risk aversion) là động
cơ khiến mọi người các nước trù phú tuân theo kết quả bỏ phiếu.[11]
Przeworski
tóm tắt: Lý do các nước dân chủ thường là các nước kinh tế phát triển,
và ít khi là các nước nghèo, không phải vì dân chủ thường xuất hiện như
là hậu quả của phát triển, song vì nó có hi vọng sống lâu hơn nếu nó may mắn xuất
hiện trong quốc gia đã phát triển. Đúng là lộ trình mà dân chủ xuất hiện
là rất đa loại, khó thể tiên đoán, nhưng, một khi nền dân chủ đã thành hình thì
sự tồn tại của nó tuỳ thuộc vào một số yếu tố rất dễ thấy. Đứng đầu
danh sách các yếu tố ấy là mức độ phát triển kinh tế, như được đo bằng thu nhập
đầu người. Các định chế chính trị cũng có ảnh hưởng.
C.
Đánh giá Przeworski
Một
chỉ trích Przeworski và Limongi (xem Lời Dẫn Nhập của Bhardan trong Journal of
Economic Perspectives [1993]) là hai ông này chỉ dùng thu nhập làm thước đo
tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy là thu nhập có ảnh hưởng (dù
không lớn) đến dân chủ. Chẳng hạn như Londregan và Poole (1996) cho biết nếu
tăng thu nhập gấp đôi thì sẽ tăng “mức độ dân chủ” của các chế độ chuyên chế
khoảng 30% nếu nước ấy là chuyên chế “vừa phải” (moderately
authoritarian), nhưng nếu nước ấy là cực kỳ chuyên chế thì tăng đôi thu nhập
như thế chỉ tăng mức dân chủ chừng 5-15% mà thôi. Và nếu nước ấy đã tương đối
phóng khoáng thì tăng đôi thu nhập không tăng thêm mức độ dân chủ.
Cũng
nên kể thêm là kết quả của Barro (1996, bản thảo 1994) cho thấy là liên hệ giữa
dân chủ và phát triển có thể có dạng chữ U ngược: Tăng trưởng là chậm nhất ở
các quốc gia thiếu tự do nhất. Ở những nơi này, nếu thêm dân chủ một chút là
tăng trưởng tăng thấy rõ, đạt đến cao đỉnh vào khoản thu nhập trung bình. Và ảnh
hưởng này yếu đi khi dân chủ tăng lên ở các quốc gia thu nhập cao hơn thêm.
III.
Cởi trói kinh tế và cởi trói chính trị
Như
đã lược thuật ở Phần I, phần lớn ý kiến “xưa” về liên hệ giữa thể chế chính trị
và phát triển đều dựa vào nhận định đơn giản: muốn phát triển thì cần đầu tư, vậy
chế độ nào có tác động tăng đầu tư thì sẽ tốt cho phát triển. Nhận định này
ngày càng bị cho là thiếu sót. Những năm gần đây manh nha một lối nhìn khác, với
nhận định là phát triển cần cả một định chế chính trị thuận lợi, không chỉ ở mức
độ đầu tư. Do đó, muốn biết liên hệ giữa ảnh hưởng của chế độ chính trị đến
phát triển thì phải xem ảnh hưởng của chế độ ấy đến các định chế cần
thiết cho phát triển (xem thêm Rodrik [2004]). Các định chế ấy gồm
(1) luật pháp bảo vệ quyền sở hữu, (2) luật phát bảo vệ tự do cá nhân (vì tự do
ấy được xem như cần thiết để thúc đẩy óc sáng tạo và tinh thần kinh doanh), và
(3) những cơ chế “kiềm chế và đối trọng” (checks and balances) để ngăn ngửa
tham ô, lấy của công làm của riêng, thường thấy ở các quốc gia chuyên chế.
Francesco
Giavazzi và Guido Tabellini định nghĩa “cởi trói kinh tế” như là những cải cách
toàn diện để nới rộng thị trường, nhất là thị trường quốc tế, và dùng cụm từ “cởi
trói chính trị” như đồng nghĩa với dân chủ hoá.
Trong
một loạt bài từ đầu những năm 2000, hai nhà kinh tế ngưới Ý này đặt bốn câu hỏi:
(1) cởi trói kinh tế và cởi trói chính trị có ảnh hưởng đến thành tích kinh tế
(chẳng hạn như tăng trưởng và đầu tư), đến chính sách vĩ mô (chẳng hạn như lạm
phát và ngân sách), và chính sách cơ cấu (ví dụ như bảo vệ quyền sở hữu và kiềm
chống tham nhũng) hay không? (2) Có quả là cởi trói kinh tế khích động (induce)
cởi trói chính trị, hoặc ngược lại? Hoặc hai loại cởi trói ấy không dính dáng
gì đến nhau? (3) Hai loại cởi trói này tương tác qua lại ra sao (nói cách khác,
hiệu quả của hai loại cởi trói, nếu thực thi cùng lúc, có lớn hơn tổng cộng của
chúng nếu thực hiện riêng rẽ?) (4) Thứ tự thời gian của hai đợt cởi trói ấy (đợt
nào trước, đợt nào sau) có quan hệ gì không? Nói cách khác: nếu một nước đang
“đóng cửa”, và không dân chủ, quyền định “mở cửa” trong cả hai lãnh vực, thì khởi
điểm của nước ấy có quan hệ gì không?
Tất
nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà các câu hỏi ấy được đặt ra (ngay cả
Przeworski và Limongi cũng đã đề cập đến chúng), song trước Giavazzi và
Tabellini (và Persson cũng có đóng góp) thì hầu như tất cả đều phân tích hai loại
cởi trói đó riêng rẽ, bỏ mất cơ hội xem xét ảnh hưởng qua lại giữa chúng.
Cởi
trói nào trước?
Tiên
nghiệm (a priori) thì chiều nhân quả nào cũng là có thể: Thương mại có khuynh
hướng đem lợi ích cho đa số và chỉ tổn hại thiểu số, vậy có thể là số đông
(trong dân chủ) sẽ “đẩy” tự do thương mại (nhiều kết quả thực nghiệm xác nhận
điều này). Song cũng có thể là một nền kinh tế cởi trói sẽ tạo sức ép “đẩy”
chính trị về phía dân chủ, chẳng hạn vì nó tăng sức mạnh và quyển lực (kinh tế)
của giới trung lưu (như quan điểm “xưa”, nói ở Phần I). Theo Giavazzi và
Tabelllini thì chiều nhân quả có khuynh hướng đi từ chính trị đến kinh tế thay
vì ngược lại (nói nôm na, đừng tưởng là dân giàu thì sẽ đòi dân chủ!)
Những
quốc gia mà cải cách kinh tế đi trước dân chủ gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Chile,
Mexico. Ngươc lại thì có thể kể: Argentina, Brazil, Philippin, và Bangladesh.
Theo kết quả của Giavazzi và Tabellini, những quốc gia cải cách “kinh tế trước,
chính trị sau” có những thành tích tốt hơn. Cụ thể:
(1)
Thứ nhất, cởi trói kinh tế bởi một chính quyền chuyên chế có công hiệu
hơn bởi một chính quyền dân chủ. Có hai bằng cớ. Một là, khi nhà nước
chuyên chế cởi trói kinh tế thì kim ngạch ngoại thương sẽ tăng nhiều hơn khi
nhà nước đó đã là dân chủ. Hơn nữa, khi nhà nước đó trở thành dân chủ sau này
thì mức tăng đó cũng còn kéo dài hơn. Hai là, nếu cởi trói kinh tế trước (khi
chính trị vẫn còn là chuyên chế) thì lạm phát sẽ giảm nhanh hơn.
Theo
Giavazzi và Tabellini, sự khác biệt về mức công hiệu (và ảnh hưởng đến ngoại
thương) nói trên có thể là vì nội dung các chính sách kinh tế vĩ mô. Khi một
chính quyền chuyên chế ban bố thì nội dung này là khác khi nhà nước dân chủ ban
bố. Xem vấn đề mở cửa kinh tế chẳng hạn. Những nước dân chủ, khi mở cửa kinh tế,
cũng còn đặt nhiều rào cản thương mại (vì bị áp lực của các thành phần kinh tế
“nạn nhân” của mở cửa). Trong lúc đó, dù rằng các nước chuyên chế thường ít mở
cửa hơn, song khi mở cửa thì họ không bị áp lực của các “nhóm lợí ích”
(interest group) trong nước, và do đó ít có rào cản thưong mại hơn.[12]
(2)
Thứ hai, dân chủ hoá được tiến hành trong một không khí kinh tế “tự do” sẽ đem
đến một nền dân chủ “tốt” hơn. Có nhiều cách giải thích hiện tượng này.
Giải
thích thứ nhất là, khi một chế độ chuyên chế chính trị
cởi trói kinh tế thì chẳng những tăng trưởng nhanh hơn mà môi trường cũng có
nhiều cạnh tranh hơn. Nhờ thế, khi quốc gia ấy truất phế nhà độc tài và trở
thành dân chủ thì nó sẽ là một nền dân chủ tốt hơn bởi hai lý do. Một
là, nó đã sẳn mở cửa cho thương mại và cạnh tranh, và hai là, nhờ
đã phát triển khá, quốc gia ấy có đủ nguồn lực để phân phối cho dân chúng, một
điều mà mọi chính thể dân chủ đều cần làm. Mặt khác, một nền dân chủ phôi thai,
trong một nền kinh tế còn tương đối đóng kín, sẽ dễ bị tê liệt do các thế lực
đòi phân bố thu nhập, và sẽ đi quá xa trong những chính sách thoả mãn quần
chúng (populist policies), có tính lãng phí.
Giải
thích thứ hai là, có thể chính sự cởi trói kinh tế
trước cởi trói chính trị là lộ trình do một lãnh tụ nhìn xa thấy rộng định trước.
Trái lại, khi dân chủ hoá đến trước thì nó thường là hậu quả của một cuộc cách
mạng (hay đảo chánh) đột ngột, có tính xáo trộn. Như vậy, nó thường đi kèm với
những xáo trộn kinh tế.
Tóm
tắt, cởi trói kinh tế sẽ có hậu quả tốt về mọi mặt, bởi vì nó
sẽ đưa đến những chính sách tốt về cơ cấu cũng như về những mặt vĩ mô. Cởi
trói chính trị, trái lại, không có ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng và đầu
tư, dù có vẻ tăng chất lượng của các chính sách cơ cấu. Ảnh hưởng của cởi trói
chính trị đến chính sách vĩ mô thì có khi tốt, khi xấu. Tuy nhiên, Giavazzi và
Tabellini khám phá rằng, những quốc gia cởi trói kinh tế lẫn chính trị là khá
hơn cả.
Persson
and Tabellini (2006) đề nghị ý niệm “vốn dân chủ” (democratic capital) mà họ giải
thích như sau: Sự cảm nhận của dân chúng đối với giá trị của dân chủ không phải
ngày một ngày hai mà có. Trái lại, nó là một tiến trình dần dần, từng bước, như
là tích lũy “của cải” dân sự và xã hội, khi mà quốc gia ấy học được từ kinh
nghiệm của chính họ cũng như kinh nghiệm của các nước láng giềng.
IV.
Kết luận
Cần
khẳng định rằng những nghiên cứu định lương (hay cố gắng về hướng đó) như lược
duyệt trong bài này không nhất thiết sẽ là gần “chân lý” hơn những phân tích
không định lượng.[13] Tuy nhiên, khảo hướng này vạch trần
những khó khăn trong việc tim hiểu những liên hệ phổ quát giữa dân chủ và phát
triển, những khó khăn mà mọi nghiên cứu khách quan, khoa học, cần lưu tâm và khắc
phục.
Dù
rằng liên hệ giữa phát triển kinh tế và thể chế chính trị (cụ thể là dân chủ)
đã được nhiều người khẳng định (và là một cương lĩnh tuyên truyền của nhiều
chính phủ), cho đến nay chứng cớ khoa học cho liên hệ này vẫn chưa rõ ràng và,
theo tôi, sẽ không thể rõ ràng, vì có quá nhiều thông số. Nó hết sức phức tạp,
tùy vào thể chế, lịch sử cuả quốc gia và, thật vậy, vào chính mức độ phát triển
hiện tại của quốc gia ấy nữa. Ngay từ căn bản: thế nào là phát triển, và thế
nào là mức độ dân chủ, cũng khó có một thước đo mà mọi người đều đồng ý, và như
Tabellini và Giavazzi nhấn mạnh, mỗi hình thức dân chủ (dân chủ đại nghị, dân
chủ tổng thống, vv ) có những hậu quả khác nhau.
Nhưng
đặt câu hòi về liên hệ giữa dân chủ và phát triển (như đo bằng mức thu nhập) có
thể là quá hẹp hòi, bởi vì “dân chủ” phải đuợc xem như một phương tiện để thực
hiện những ao ước khác của con người, đó là sống một cuộc đời mà khả năng được
phát triển toàn vẹn. Đó là tự do.
Người
phân tích sâu sắc nhất về tự do và phát triển có lẽ là Amartya Sen (1999). Theo
ông, sự bành trướng tự do[14] là (1) mục tiêu bậc nhất (primary
end) và (2) phương tiện chính (principal instrument) của phát triển. Có thể gọi
vai trò thứ nhất của tự do là vai trò thành tố, và vai trò thứ hai
là vai trò công cụ. Theo Sen, phát triển, chính nó, có thể được
xem như là một tiến trình mở rộng tự do cho con người, nói cách tổng quát. (Nên
nhớ là trong vai trò công cụ, tự do có nhiều loại (a) tự do chính trị, (b) tự
do kinh tế, (c) cơ hội thăng tiến trong xã hội, (d) bảo đảm tính minh bạch
(transparency guarantees).) Như vậy, theo Sen, câu hỏi thật sự quan trọng là
liên hệ giữa tăng trưởng và tự do, không phải giữa dân chủ và phát triển. Và nếu
hỏi như vậy thì, theo Sen, câu trả lời thật quá rõ ràng: tự do sẽ gia tốc tăng
trưởng, và tăng trưởng sẽ nới rộng tự do (cụ thể là không còn bị đe dọa bởi đói
khát, có nhiều cơ hội học hành, …)[15]
Tách
rời dân chủ và phát triển (không phủ nhận, cũng không khẳng định) như hai mục
tiêu khác nhau còn giúp “giải phóng” nhà khoa học khỏi những thiên kiến ngoài
kinh tế. Cần tập trung vào những yếu tố không thể phủ nhận (1) tham nhũng, lãng
phí, bất công xã hội chắc chắn sẽ làm trì trệ phát triển, và (2) “tự do” có một
giá trị to lớn, tự tại, biệt lập với phát triển kinh tế. Cũng nên thêm một nhận
xét: dù có cho rằng dân chủ sẽ có lợi cho phát triển, lộ trình dân chủ hoá của
một quốc gia không đang là dân chủ tuỳ thuộc vào bối cảnh lịch sử, xã hội, và
chính trị cá biệt của quốc gia ấy. Hoặc có cho rằng dân chủ và phát triển là
hai mục tiêu đánh đổi, thì vấn đề tiếp theo sẽ là thể chế nào là tốt nhất để
làm quyết định đánh đổi này.
Nguồn:
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai10/200710_THDung.htm
——————–
Chú
thích
[1] Trong
số này cũng có thể kể một bài báo khá nổi tiếng gần đây, tuy có nhiều nhận xét
mới lạ và hữu ích, nhưng khá phiến diện và không có tính học thuật cao, đó là
bài của De Mesquita và Downs (2005). Đúng ra, hai tác giả này chỉ là áp dụng lý
thuyết của Chong (1991) và Chwe (1998, 2001) cho “thời đại Internet”.
[2] Tuy
nhiên, cũng có nhiều người không đồng ý là phát triển là cần thiết, thậm chí
dân chủ cũng là không cần thiết. Xem, chẳng hạn, Gordon Graham, The
case against the democratic state, Imprint Academic, 2002. Về vấn đề
phát triển có thực sự đem lại hạnh phúc cho con người không, xem, chẳng hạn,
Richard Layard, Happiness: Lessons from a new science, Penguin,
2006
[4] Hai
bài “mở đường” cho những tiến bộ này là Lucas (1988) và Barro (1991), nhưng
công trình có ảnh hưởng nhất phải là Barro (1996) – tuy được in năm 1996 nhưng
bản thảo đã được giới học giả chuyền tay nhau xem từ đầu thập kỷ 1990.
[5] Điển
hình là Galenson (1959), Schweinitz (1959), La Palombara (1963), Huntington và
Nelson (1976)
[6] Một
giả định nữa là thu nhập càng thấp thì khuynh hướng tiêu dùng càng cao. Giả định
này giải thích tại sao dân chủ là có thể đi đôi với tăng trưởng khi mức thu nhập
(bình quân) đã là cao, nhưng không như vậy khi thu nhập (bình quân) còn là thấp.
[9] Quốc
gia độc tài trù phú nhất giữa 1951 và 1990 là Singapore, có thu nhập đầu người
là $11.698, tức là cũng không giàu bằng Pháp.
[11] Độc
giả quen thuộc với thuyết trò chơi (game theory) hẳn đã thấy ngay ảnh huởng của
thuyết này trong lý giải của Przeworski.