Con đường tới nô lệ

Posted on
  • Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Lê Anh Hùng dịch
     Đinh Tuấn Minh hiệu đính
    Tác phẩm Con đường tới nô lệ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Hayek. Trước khi nó ra đời, ông chỉ là một vị giáo sư kinh tế không tiếng tăm. Một năm sau khi tác phẩm được công bố, tên tuổi của ông lừng danh khắp thế giới. Con đường tới nô lệ là công trình mà ông được biết đến nhiều nhất, và có thể sẽ vẫn tiếp tục như vậy.
    Trong lời giới thiệu cuốn sách ông viết, nó là “sản phẩm xuất phát từ kinh nghiệm gần nhất có thể đến chuyện hai lần sống qua cùng một giai đoạn – hay chí ít cũng là hai lần quan sát cùng một quá trình tiến hoá tư tưởng.” Là một thanh niên trẻ tuổi ở Áo ngay sau Thế Chiến I, ông từng một lần trải qua giai đoạn khi người ta xem xét nghiêm túc việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất kinh tế. Sau Thế Chiến I, chính phủ Đức và Áo thông qua các đạo luật về quốc hữu hoá. Việc Mises khởi xướng cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ sự thôi thúc của diễn biến đương thời đó. Lúc này ông e sợ nước Anh có thể chuyển hướng theo chủ nghĩa xã hội cổ điển.
    Cho dù những cuốn sách tư tưởng không cần phải có lượng độc giả lớn để tạo ra ảnh hưởng thì chúng vẫn cần một nhóm người đọc đáng kể nào đó để đạt tới tầm ý nghĩa quan trọng nhất. Việc Hayek coi thành công nổi tiếng có liên quan đến tầm quan trọng của cuốn sách được minh chứng qua hy vọng của ông, trước khi xuất bản, là cuốn Hiến pháp của tự do cũng sẽ thành công như thế. Ông tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của tư tưởng. Phạm vi độc giả của một cuốn sách liên quan đến ảnh hưởng của nó. Tác phẩm Con đường tới nô lệ – cuốn duy nhất trong số các trước tác của ông – có ảnh hưởng nhất định đến quá trình hình thành quan niệm đương thời của quần chúng – dù không nhất thiết phải diễn ra ngay tức thời nhưng lại sâu sắc và trên quy mô lớn. Nó mang âm hưởng của tiếng kêu thét từ một kẻ đã lui mình vào hậu trường rằng chủ nghĩa xã hội cổ điển, nếu thành hiện thực, sẽ là chế độ nô lệ về chính trị, luân lý cũng như kinh tế. Điều này giờ đây đã trở thành chuẩn mực trí tuệ. Nhưng khi Hayek công bố ý tưởng của mình thì chưa phải vậy.
    Tuy nhiên, sự vĩ đại của tác phẩm Con đường tới nô lệ không chỉ bắt nguồn từ ảnh hưởng mà còn từ phẩm chất đích thực của nó. Phần lớn công trình này có thể được xem là sự phát triển theo hướng chính trị và luân lý của cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa, vốn không đơn thuần là sự đánh giá từ góc độ năng suất kinh tế mà chủ yếu là từ hình thái chế độ và xã hội mang tính tất yếu trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển. Năm 1941, trong bài phê bình “Bài toán xã hội chủ nghĩa: Giải pháp ‘cạnh tranh’” [Socialist Calculation: The Competitive ‘Solution’] – bài viết cuối cùng của ông thời bấy giờ về cuộc tranh luận – ông nhận định, “mức độ mà hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tránh khỏi tình trạng quản lý kinh tế tập trung rộng khắp mang ý nghĩa rất quan trọng, hoàn toàn nằm ngoài mối quan hệ của nó với hiệu quả kinh tế: Nó đóng vai trò thiết yếu đối với mức độ duy trì tự do cá nhân và tự do chính trị trong một hệ thống như thế.”
    Tác phẩm Con đường tới nô lệ là nỗ lực vượt lên trên đồng nghiệp kinh tế của ông, đến với lượng độc giả rộng lớn hơn thuộc giới khoa học xã hội và trí thức. Khi viết cuốn sách, ông không biết mình sẽ đi tới đâu, nhưng rõ ràng ông đã vượt xa toan tính của mình. Ông không nghĩ là mình có thể sẽ trở nên nổi tiếng khắp thế giới với tư cách tác giả của nó. Trên thực tế, ông không nhìn thấy trước vai trò tương lai của mình ngoài vị thế một giáo sư kinh tế, dù ông vẫn có những hy vọng cao xa hơn. Nhưng hy vọng không đồng nghĩa với sự trông đợi hợp lý. Mục tiêu mà ông đặt ra cho cuốn Con đường tới nô lệ là vươn tới một số lượng độc giả nam nữ có giáo dục, và thông qua việc gây ảnh hưởng đến họ để tác động đến chính sách xã hội. Ông nhận thấy nước Anh đã sẵn sàng dấn thân theo chủ nghĩa xã hội với quá trình quốc hữu hoá triệt để sau Thế Chiến II, và ông nghĩ đó sẽ là một sai lầm đau buồn.
    Giữa chừng cuộc chiến ông tuyên bố, “Đây là thời điểm cần thiết phải khẳng định một thực tế không lấy gì làm thú vị là chúng ta đang đứng trước nguy cơ lặp lại số phận của nước Đức.” Đối với thế hệ sau này, cũng như với nhiều người thuộc thế hệ ông, tuyên bố trên có vẻ như cường điệu. Làm thế nào mà nước Anh đầu thập niên 1940 lại có thể được cảm nhận là có nguy cơ trở thành một nước Đức Quốc xã khác cơ chứ? Luận điểm của ông là sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất – chủ yếu được giới trí thức hàn lâm suốt những năm 1930 và sau đó ủng hộ – sẽ tập trung quyền lực vào tay nhà nước theo cách thức tương tự như ở Đức Quốc xã và Liên bang Soviet.
    Keynes chỉ được đề cập hai lần trong cuốn Con đường tới nô lệ – một lần ở phần chú thích và một lần khi chính Keynes chỉ trích bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế của Đức trong Thế Chiến I. Mục tiêu của Hayek trong tác phẩm Con đường tới nô lệ không phải là nhà nước phúc lợi, như lúc bấy giờ bắt đầu được nhắc tới dưới cái tên đó; mục tiêu của ông không phải là Keynes. Trong lời tựa cho ấn bản năm 1976 của cuốn sách, ông đã cho thấy rõ là “giữa hai mốc thời gian thì thuật ngữ đã thay đổi và vì thế những gì mà tôi từng viết trong tác phẩm có thể bị hiểu nhầm. Vào thời điểm tôi viết cuốn sách thì chủ nghĩa xã hội mang ý nghĩa không thể nhầm lẫn là việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất cùng kế hoạch hoá kinh tế tập trung mà việc quốc hữu hoá đó khiến cho khả thi và trở nên cần thiết.” Đối thủ của ông trong cuốn sách cũng không phải là William Beveridge hay tác phẩm năm 1942 Báo cáo về bảo hiểm trợ cấp xã hội và các dịch vụ liên hoàn [Report on Social Insurance and Allied Services] của ông ta. Cả Beveridge lẫn Báo cáo Beveridge đều không được đề cập trong tác phẩm.
    Ra đời ở Anh vào tháng 10 năm 1944, tác phẩm Con đường tới nô lệ thành công ngay lập tức và thu hút sự chú ý thực sự của công chúng. Sự xuất hiện của nó thật đúng lúc. Dù đồng ý hay không đồng ý với nó, cuốn sách cũng đã đánh vào cảm xúc của độc giả. Liệu nước Anh có đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cổ điển – quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất kinh tế – sau khi kết thúc chiến tranh hay không?
    Năm 1884, Sir William Harcourd, thủ lĩnh Đảng Tự do Anh, từng phát biểu câu nói nổi tiếng, “Tất cả chúng ta giờ đây đều là những nhà xã hội chủ nghĩa.” Trong cuốn sách của mình Hayek viết, “Nếu như bây giờ việc nhấn mạnh ‘tất cả chúng ta giờ đây đều là những nhà xã hội chủ nghĩa’ không còn gây ấn tượng nữa thì điều đó chỉ là vì thực tế đã quá hiển nhiên. Hiếm có ai nghi ngờ trước khả năng chúng ta phải tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, và hầu hết mọi người đang cố gắng làm chệch hướng trào lưu này đều chỉ đơn giản là vì lợi ích của một giai cấp hay một nhóm cụ thể nào đó.” Chủ nghĩa xã hội được coi là bước tiến mang bản chất đạo đức và thực nghiệm tiếp theo của xã hội, đặc biệt dưới con mắt các nhà trí thức hàn lâm.
     Cuốn sách được viết từ năm 1940 đến 1943, “chủ yếu là năm 1941 và 1942.” Hayek kể về tên tác phẩm, “ý tưởng đó đến từ Tocqueville, người từng nói về con đường dẫn đến sự nô lệ [servitude]; tôi thích chọn từ này, nhưng nó lại mang âm hưởng không hay lắm.
    Vì thế tôi đổi ‘servitude’ sang ‘serfdomi,’ chỉ đơn thuần là vì lý do ngữ âm.”  Ông đặc biệt chú trọng đến văn phong trong phần giới thiệu và hai ba chương đầu, “đọc đi đọc lại, đưa đẩy ý tứ.” Ông hẳn sẽ phải mất “hàng năm để làm như thế với toàn bộ cuốn sách.” Theo Hayek, phần mở đầu là những gì “hay nhất” mà ông từng viết.
    Ông trích dẫn tác phẩm Con người và xã hội trong kỷ nguyên tái thiết [Man and Society in an Age of Reconstruction, 1940] của Karl Mannheimii một số lần trong cuốn sách như một ví dụ về thứ triết lý mà mình phản đối. Công trình này cũng đáng để chúng ta dành chốc lát ở đây để nắm bắt tốt hơn những xu thế đương thời. Mannheim là nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa xuất chúng người Đức, ông buộc phải chuyển sang Anh sau khi bọn Quốc xã lên nắm quyền. Mannheim tin tưởng, ở “giai đoạn xã hội công nghiệp hiện nay, kế hoạch hoá dưới hình thức này hay hình thức khác là điều không tránh khỏi”; “kế hoạch hoá là quá trình tái xây dựng một xã hội đã phát triển về mặt lịch sử sang một thực thể thống nhất được con người điều tiết ngày càng hoàn hảo từ những vị trí trung tâm nhất định. Quá trình xã hội không còn chỉ đơn thuần là sản phẩm của xung đột và cạnh tranh. Nếu không nhận ra xu thế này, chúng ta không thể hiểu được kỷ nguyên mà mình đang sống”; và “thực tế đang ngày càng trở nên rõ ràng là sự thụ hưởng thu nhập cùng lãi suất và quyền định đoạt tư bản là hai thứ rất khác nhau. Khả năng là trong tương lai sự vật sẽ phát triển như vậy cho đến lúc, bằng việc đánh thuế phù hợp cùng với mục tiêu từ thiện bắt buộc, việc sử dụng [tư bản] không hạn chế đó có thể được thắt chặt, và quyền định đoạt tư bản có thể được định hướng từ một chủ thể trung ương thông qua các biện pháp kiểm soát tín dụng … rút một số chức năng nhất định của tư bản khỏi quyền năng của nhà tư sản.” Trước khi Friedman tái khái niệm hoá nguồn gốc tiền tệ của cuộc Đại Suy Thoái (Hayek luôn bất đồng với quan điểm này), và sự phồn vinh vĩ đại của giai đoạn hậu Thế Chiến II, điều mà người ta vẫn còn chưa làm rõ là cuộc đại suy thoái không phải là hậu quả từ những sai lầm của các nhà tư bản, những mâu thuẫn cố hữu trong lòng chủ nghĩa tư bản, và nhu cầu cần có sự thay đổi mang tính hệ thống. Hayek cũng trích dẫn công trình nổi tiếng đương thời của C.H. Waddington, người háo hức trông chờ một nền kinh tế “tập trung và chuyên chế theo nghĩa mọi khía cạnh phát triển kinh tế của những khu vực rộng lớn đều được kế hoạch hoá chủ định như là một thực thể thống nhất.”
    Đấy là những quan điểm nổi bật thời bấy giờ. Cho dù cảm tình xã hội chủ nghĩa của các đối thủ trí tuệ với Hayek nay xem ra đã lỗi thời, điều này cũng không làm giảm tính chất đại diện của nó cho một hệ phái đáng kể trong thế giới quan tư tưởng đương thời. Những nhận định của ông có lẽ sẽ kém vô bổ hơn nếu như, với cùng cái cách mà một số tư tưởng của Hayek trong tác phẩm Con đường tới nô lệ giờ đây có vẻ đã xa vời, chúng ta nhớ lại rằng quan niệm của những người cùng thời với ông cũng xa xôi đến nhường nào so với cuộc thảo luận hiện nay – dù chính xác là theo hướng ngược lại. Hayek đã đánh giá sai khả năng và thực tiễn của chính trị thời ấy. Ông tỏ ra quá bi quan khi bàn về khả năng của biến động xã hội chủ nghĩa nội tại ở các quốc gia Phương Tây cũng như khi đánh giá khả năng của một “đường lối trung dung” giữa chủ nghĩa xã hội nhà nước và hình thái chủ nghĩa tư bản phi cấu trúc [unstructured capitalism] nhằm đạt được năng suất kinh tế và tự do cá nhân tương đối. Trên thực tế, ông tán thành đường lối trung dung, tuy khá thiên về cánh hữu hơn so với Keynes và Beveridge, và dù ông không thừa nhận hay gọi nó là như thế.
    Tuy nhiên, thành tựu của ông là đã nhận ra đúng vấn đề, điều mà rất nhiều người thuộc giới trí thức và khoa học hàn lâm cùng thời với ông sai lầm: Sự thực hành tư hữu cùng với việc kiểm soát tư nhân đối với nhiều phương tiện sản xuất trong xã hội đóng vai trò then chốt đối với tự do, phồn vinh, và dân chủ. Hơn thế, chủ nghĩa xã hội cổ điển dù đạt được bằng những biện pháp dân chủ vẫn sẽ mang bản chất chuyên chế.
    Cần nhấn mạnh đến bối cảnh nước Anh – về trí tuệ và lịch sử – khi ông viết cuốn sách. Khác với Mỹ, Anh là một xã hội giai cấp manh mún, bất bình đẳng, và chật hẹp về địa lý mà ở đó khái niệm tổ chức xã hội có vẻ như khả dĩ hơn so với ở Mỹ. Đặc biệt, sau khi trải qua Thế Chiến I và II, giai đoạn mà phần lớn nền kinh tế Anh được huy động cho nỗ lực chiến tranh theo những phương thức vượt xa nước Mỹ, ý tưởng cho rằng những hoạt động này có thể sẽ được tiếp tục theo đuổi trong thời bình xem ra là hết sức hợp lý. Về mặt tư duy, chủ nghĩa xã hội cũng có vẻ khả thi. Các tác gia kinh tế và chính trị vĩ đại người Anh từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đã dọn đường cho chủ nghĩa xã hội thông qua việc nhấn mạnh đến thế giới thực tại này, cả niềm vui, nỗi đau, và hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội được cho là sự vươn tới hạnh phúc vật chất thông qua bàn tay chính phủ.
    Dù vậy, chủ nghĩa xã hội rõ ràng là một sự thay đổi so với quá khứ – đặc biệt là biến thái của nó ở Châu Âu đại lục – cho dù nó thoát thai từ quá khứ. Ý tưởng tổ chức toàn bộ khía cạnh kinh tế của xã hội chưa thể hình thành cho đến sau cuộc cách mạng công nghiệp. Đơn giản là vì trước đó công nghệ chưa hiện hữu để có thể áp dụng sự kiểm soát như thế. Thông tin liên lạc thời tiền công nghiệp thì không hiệu quả. Một xã hội thiếu hệ thống điện báo và đường lát đá thì khó mà được tổ chức toàn diện. Dù những kẻ cai trị độc tôn thời tiền công nghiệp là những tên bạo chúa hay chuyên quyền, song nhìn chung họ vẫn phó mặc cho các thần dân tự xoay xở với hoạt động kinh tế của mình, những người này chịu sự lệ thuộc vào các phường hội, nhà thờ và các biện pháp kiểm soát ở địa phương, và phần lớn giới cai trị đều bằng lòng với chuyện chỉ đánh thuế thần dân.
    Cuộc đại suy thoái đã làm gia tăng đáng kể sự ủng hộ đối với chủ nghĩa xã hội cả ở Anh lẫn Châu Âu. Khi mà ở Phương Tây hàng chục triệu người bị thất nghiệp thì xem ra chủ nghĩa tư bản là một thất bại, tiên đoán của Marx về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là chính xác, và sự kiểm soát của tập thể và nhà nước đối với những phương tiện sản xuất, như ở Liên bang Soviet, là cách thức tốt nhất để đạt tới nền kinh tế ổn định và hiệu quả. Cuốn Con đường tới phản động [Road to Reaction, 1945], sự đáp trả cay độc của Herman Finer đối với Con đường tới nô lệ, đã biểu lộ rõ ràng quan niệm truyền thống về thất bại của chủ nghĩa tư bản xét từ góc độ hậu quả của những khiếm khuyết trên đối với việc duy trì chính phủ dân chủ. Finer viết, “cảm giác về sự tuyệt vọng bắt nguồn từ xu hướng gây kìm hãm của quá trình phá sản kinh tế đã khiến cho hệ thống chính trị trên toàn thế giới phải căng lên ghê gớm. Ở Đức, vẫn là hình thức chính phủ dân chủ, người dân đã quay sang cầu cứu những người đang chuẩn bị thay thế chính phủ phổ thông bằng một chính thể độc tài. Ở Pháp, xã hội của nó đang bị chia rẽ sâu sắc. Còn ở Mỹ và Anh, nơi mà hệ thống dân chủ có nền móng vững chắc hơn trong lịch sử và tính cách dân chúng, thì sức ép nghiêm trọng nhất, gần như đến điểm bùng nổ, đang đè nặng lên các thể chế, và thật khó mà trụ nổi.” Ngược lại, đối với Hayek, “Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới khiến cho dân  chủ khả thi,” và “Chúng ta đang dần dần từ bỏ thứ tự do ấy trong hoạt động kinh tế mà nếu không có nó thì tự do cá nhân và chính trị không bao giờ tồn tại trong quá khứ.” Luận điểm của ông mang tính thực nghiệm hơn là luân lý, theo đó chủ nghĩa tư bản thị trường tự do là hình thái kinh tế hiệu quả nhất mà nhân loại từng biết tới và nó dẫn đến một xã hội nhìn chung là tự do, khoan dung và dân chủ hơn. Hơn thế, theo ông chủ nghĩa xã hội cổ điển tất kìm hãm tâm hồn con người.
    Lý do Hayek viết tác phẩm Con đường tới nô lệ không chỉ như ông nói bề ngoài là ông muốn làm sáng tỏ rằng chủ nghĩa quốc xã không phải là sự phản ứng trước chủ nghĩa xã hội mà là hệ quả của nó, và vì không ai “đầy đủ tư cách hơn” để viết về chủ đề này nhờ có đồng nghiệp phục vụ trong chính phủ thời chiến. Cuốn sách là nỗ lực của cá nhân ông dành cho cuộc chiến, điều mà ông nhận thấy là “nghĩa vụ không thể lẩn tránh.”  Vì không có khả năng tham gia trực tiếp, nên ông gián tiếp đóng góp cho cuộc chiến. Thông điệp sống động của ông qua cuốn sách là sự bất tương thích giữa chủ nghĩa xã hội và tự do. Thông điệp đó tiếp sinh khí cho công trình nghiên cứu, vì nó mở rộng cuộc thảo luận về những thất bại của chủ nghĩa xã hội từ tính phi hiệu quả kinh tế đến sự bài trừ tự do. Phần lớn luận điểm của ông không phải cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể vận hành trên phương diện kinh tế (ông và những người khác từng nêu luận điểm này), mà là nó không thể dung hoà với quyền lựa chọn và sự tự do.
    Ông bắt đầu sự phê phán của mình đối với chủ nghĩa xã hội bằng việc nhận định nó đầu tiên là một trào lưu phản tiến bộ chống lại chủ nghĩa tự do của cuộc cách mạng Pháp. Dù vậy, theo đà của các cuộc nổi dậy ở Châu Âu năm 1848, các nhà xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu đại lục bắt đầu liên kết với các nhà dân chủ. Các nhà xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu đại lục đã tiên đoán chính xác rằng dân chủ sẽ là làn sóng trong tương lai và không một phong trào nào theo đuổi quá trình tái định hình toàn bộ xã hội lại có thể kỳ vọng thuyết phục được giai cấp cầm quyền tự nguyện từ bỏ địa vị của mình. Thông qua việc cùng sát cánh với các lực lượng xã hội tiến bộ nhất, những người kêu gọi quyền bầu cử bình đẳng, chủ nghĩa xã hội bắt đầu được nhìn nhận như là bước tiến tiếp theo của nhân loại.
    Tuy nhiên, mối ràng buộc giữa chủ nghĩa xã hội và dân chủ còn sâu sắc hơn thủ đoạn chính trị thuần tuý. Hơn thế, các nhà xã hội chủ nghĩa Anh luôn là những nhà dân chủ. Truyền thống xã hội chủ nghĩa ở Anh khác với ở Châu Âu đại lục. Tại Châu Âu đại lục, chủ nghĩa xã hội nhìn chung không có tính dân chủ hay theo Thiên Chúa giáo. Marx, nhà xã hội chủ nghĩa Châu Âu lỗi lạc nhất, cũng chỉ coi trọng hình thức bầu cử dân chủ đôi chút, nếu có, và chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu đại lục nhìn chung là độc đoán và vô thần.
    Tình hình diễn ra ở Anh lại khác. Tác phẩm Xã hội lý tưởng [Utopia] của Thomas More đưa ra ý tưởng về một xã hội cộng sản thực sự, và trong cuộc cách mạng Thanh giáo [Puritan revolution] ở Anh thế kỷ 17, bên cạnh trào lưu chính, ôn hoà hơn đã xuất hiện một nhóm cấp tiến gọi là “Diggers” hay “True Levellers,” những kẻ tìm kiếm sở hữu cộng đồng đối với đất đai. Dù chỉ là một trào lưu ngắn ngủi song sự phản đối tư hữu của nó vẫn không bị lãng quên hoàn toàn.
     Robert Owen (1771–1858) thường được xem là nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội kiểu Anh và là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “xã hội chủ nghĩa.” Ông ủng hộ việc “bãi bỏ và cải biến từng bước” những đạo luật và thiết chế bất công, phản đối sự thay đổi mang tính cách mạng. Cuối thế kỷ 19, John Stuart Mill ủng hộ một kiểu chủ nghĩa xã hội khác, chủ trương hợp tác trong phạm vi nơi làm việc và cạnh tranh giữa những nơi làm việc với nhau. Sau Jeremy Benthami, Mill trở thành người đề xướng và vị thần hộ mệnh vĩ đại của công cuộc cải cách chính phủ ở Anh. Các nhà vị lợi chủ nghĩa Anh muốn sử dụng công cụ chính phủ nhằm thúc đẩy nhiều hạnh phúc nhất cho nhiều người nhất – thực sự là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội duy tâm kiểu Anh, đề cao mục đích hơn là phương tiện cụ thể nào đó.
    Thomas Hill Green, hiệu trưởng Đại học Oxford thập niên 1860 và thập niên 1870, là người có ảnh hưởng đáng kể đến giới trí thức Anh cho tới những năm đầu thế kỷ 20. Là một con chiên Cơ Đốc giáo ngoan đạo, Green nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, tin rằng chỉ khi con người được hiểu như một bộ phận của cộng đồng – với quyền và nghĩa vụ tương hỗ – người ta mới có thể hiểu được đôi chút hoặc về cá nhân hoặc về xã hội. Chủ nghĩa duy tâm đạo đức và mỹ học [ethical and aesthetic idealism] của các nhà thơ như John Ruskiniii và William Morrisiv cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa xã hội kiểu Anh suốt những thập niên cuối thế kỷ 19.
    Nguồn gốc có ý nghĩa quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội Anh thế kỷ 19 là Hiệp hội Fabian, ra đời năm 1883, với các thành viên đáng kể nhất là Sidney, Beatrice Webb và George Bernard Shaw. Sidney Webb đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập LSE, và đây là nơi mà rất nhiều nhà xã hội chủ nghĩa Anh từng giảng dạy, gồm Attlee, Wallas, Tawney, Dalton, Gaitskell, Durbin, Kaldor, Lerner và Laski.
    Viễn cảnh độc đáo của chủ nghĩa xã hội duy tâm Anh, khác với chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu đại lục, là việc tạo dựng một cộng đồng lý tưởng mà ở đó tình huynh đệ nhân văn sẽ thế chỗ cạnh tranh vì tiền bạc. Mục đích cuối cùng không phải là sự thay đổi bề ngoài đối với số phận con người trong cuộc sống hay trật tự kinh tế của họ mà là sự biến đổi nội tại. Dĩ nhiên, các thập niên 1920 và 1930 có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung và sự phát triển của cuộc thảo luận về chính trị và kinh tế. Thế Chiến I cùng cuộc đại suy thoái đã làm tan vỡ giấc mơ tự do vĩ đại thế kỷ 19 về một thế giới thanh bình và hài hoà được thống nhất nhờ hoạt động ngoại thương và thương mại tự do. Hơn thế, Liên bang Soviet là tấm gương vẫy gọi các nhà trí thức xã hội chủ nghĩa và tái định hướng chủ nghĩa xã hội Anh từ sự hợp tác tình nguyện sang sự chủ động và kiểm soát của nhà nước. Biến thái của chủ nghĩa tự do laissez faire thế kỷ 19 đã chết, hay chí ít là thực sự ở tình trạng chết lâm sàng.
    Xét mức độ mà chủ nghĩa xã hội thuyết pháp về bình đẳng, cả bản chất con người lẫn sự chia sẻ kết quả tương tác giữa người với người, hệ quả nhất quán là nó sẽ nhận thấy dân chủ – sự thực hành bình đẳng chính trị – là hình thức chính phủ thích hợp nhất. Cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội cổ điển là thông qua các biện pháp dân chủ, chính phủ đi đến sở hữu và quản lý các phương tiện sản xuất kinh tế. Mặc dù như Hayek khẳng định, dự định của các nhà xã hội chủ nghĩa là thuần khiết, mục đích của họ là cao thượng, họ có sự nhìn nhận chủ yếu là bình đẳng về bản chất con người, và họ là những nhà dân chủ, song họ lại ủng hộ việc chính phủ kiểm soát trực tiếp, mang tính cưỡng bách đối với phần lớn đời sống kinh tế - xã hội. Trong tác phẩm Con đường tới nô lệ, bằng sự so sánh tương phản, Hayek nhấn mạnh, “không phải nguồn gốc quyền lực mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.” Chủ nghĩa tập thể cũng không kém vậy bởi nó được đa số chuẩn thuận. Tiên đề theo đó dân chủ là điều kiện cần thiết để có chính phủ mẫu mực và xã hội tốt đẹp vừa không mang tính logic vừa chưa trải qua thử thách của thời gian.
    Lập trường dân chủ của Hayek giữ vai trò then chốt trong quan niệm của ông về sự trái lẽ của chủ nghĩa xã hội, thậm chí dù nó có thể được luật hoá một cách dân chủ. Theo ông, dân chủ mang bản tính trung lập, và nhấn mạnh là ông “không có ý định tôn sùng dân chủ quá mức. Thực tế có thể rất đúng là thế hệ chúng ta đã nói và nghĩ quá nhiều về dân chủ và quá ít về những giá trị mà nó phụng sự. Dân chủ thực chất là một phương tiện, một công cụ vị lợi chủ nghĩa nhằm bảo vệ hoà bình nội tại và tự do cá nhân. Theo đúng nghĩa, nó không hề là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ hay chắc chắn. Không có lý do gì để tin rằng một khi quyền lực được trao theo một trình tự dân chủ thì nó không thể chuyên quyền. Sự kiểm soát mang tính dân chủ có thể ngăn quyền lực khỏi trở nên độc đoán, nhưng nó không thực hiện điều đó chỉ bằng sự hiện hữu của mình.” Hayek tin tưởng, dân chủ tự nó không phải là mục đích.
    Quan niệm của Hayek về dân chủ không phù hợp với những quan niệm chủ trương quyền lợi thuộc về số đông, bất kể hành động khả dĩ nào của số đông, và ca ngợi bản chất của số đông. Theo John Stuart Mill, thậm chí chỉ một trong số một triệu người có ý kiến riêng của mình thì chuyện trấn áp anh ta cũng sẽ sai; bởi lẽ ý kiến của anh ta có thể đúng. Trong cách biểu đạt về dân chủ của mình, coi dân chủ là đáng mong muốn chủ yếu do tính chất phương tiện của nó, Hayek đã theo bước truyền thống Anh-Mỹ, vốn nhìn nhận dân chủ là “thể thức chính phủ tồi tệ nhất ngoại trừ tất cả những thể thức khác,” như lời của Churchill. James Madisoni đặt câu hỏi, “Chính phủ tự nó là gì, nếu không phải là sự phản ảnh lớn nhất về bản chất con người? Khi dựng lên một chính phủ theo đó nó sẽ được quản lý theo kiểu người cai trị người, vấn đề khó khăn nằm ở chỗ: đầu tiên bạn phải cho phép chính phủ kiểm soát những người chịu sự quản lý; bước tiếp theo là buộc nó phải kiểm soát chính nó.” Theo Hayek, vấn đề không đơn thuần là vì dân chủ theo đúng bản chất là đáng mong muốn, mà chủ yếu là vì không có một phương án đã biết nào khả dĩ thay thế nó trong việc thúc đẩy tự do cá nhân tương đối, cho phép sự thay đổi chính phủ diễn ra trong hoà bình, phát triển trật tự thị trường, và giáo dục công dân.
    Nếu không có mối quan hệ thực chất nào giữa tính tương thích với tự do của chủ nghĩa xã hội và sự luật hoá mang tính dân chủ của nó thì điều cần suy xét tiếp theo là tại sao chủ nghĩa xã hội lại cứ bất dung hoà với tự do. Không còn nghi ngờ gì, lý do đầu tiên là mức độ quyền lực được giao phó cho chính phủ trong chế độ xã hội chủ nghĩa cổ điển. Không thể có tự do cá nhân trong một xã hội mà ở đó cá nhân chỉ là một giá trị nhỏ bé nằm trong kế hoạch của nhà kế hoạch hoá. Trong “Tự do và hệ thống kinh tế,” bài luận về sau trở thành tác phẩm Con đường tới nô lệ, Hayek nhận xét, “đời sống kinh tế là việc quản lý các phương tiện nhằm phụng sự tất cả những mục đích khác nhau của chúng ta. Bất cứ ai chịu trách nhiệm về những phương tiện này cũng phải đưa ra quyết định là cần phục vụ những mục đích nào, những giá trị nào sẽ được đánh giá cao hơn, và những giá trị nào thấp hơn, nói tóm lại là những thứ mà con người cần tin tưởng và phấn đấu vì chúng. Và chính bản thân con người cũng trở thành một thứ gì đó chẳng hơn gì mấy so với cái vai trò công cụ nhằm hiện thực hoá những lý tưởng có thể dẫn đường cho nhà độc tài.”
    Trong tác phẩm “Bài toán xã hội chủ nghĩa: ‘Giải pháp’ cạnh tranh” [Socialist Calculation: The Competitive ‘Solution’] ông viết, với nền kinh tế do chính phủ chi phối, “toàn bộ các vấn đề kinh tế trở thành những vấn đề chính trị.” “Kiểm soát quá trình sản xuất ra của cải chính là kiểm soát đời sống con người,” là câu mà ông sử dụng như lời đề từ mở đầu chương “Kiểm soát kinh tế và chế độ toàn trị” [Economic Control and Totalitarianism] của cuốn sách. Bản thân ông cũng nói, “Bất cứ ai kiểm soát tất cả hoạt động kinh tế thì cũng kiểm soát mọi phương tiện phục vụ mục đích của chúng ta, và vì thế tất sẽ quyết định cái gì cần phải đáp ứng và cái gì không cần phải vậy. Đây thực sự là mấu chốt của vấn đề. Kiểm soát kinh tế không chỉ đơn thuần là việc kiểm soát một lĩnh vực nào đó của đời sống con người, có thể tách khỏi phần còn lại; nó chính là sự kiểm soát đối với những phương tiện nhằm phục vụ toàn bộ mục đích của chúng ta.”
    Trong cuốn Con đường tới nô lệ, đặc điểm quan trọng nhất của luận cứ mà ông sử dụng để chống lại kế hoạch hoá nhà nước chủ yếu là dựa trên tự do, chứ không phải hiệu quả kinh tế. Luận điểm của ông không chỉ đơn thuần rằng chủ nghĩa tư bản là chính đáng bởi nó đạt hiệu quả kinh tế cao hơn chủ nghĩa xã hội cổ điển, mà chủ nghĩa tư bản là chính đáng bởi chủ nghĩa xã hội cổ điển không thân thiện với tự do. Nếu luận điểm sau là đúng thì nó dường như có sức nặng hơn luận điểm kinh tế, vì nếu chủ đề chủ nghĩa xã hội được mô tả là về tự do thì cuộc tranh luận về nó sẽ chuyển từ những vấn đề thuần tuý về hiệu quả mang tính kỹ thuật sang phạm trù của những giá trị và đạo lý cuối cùng. Vào thời điểm mà Hayek viết tác phẩm Con đường tới nô lệ, nền kinh tế tập thể chủ nghĩa của Liên bang Soviet và của Đức Quốc xã thường được coi là hiệu quả hơn các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa đang suy đốn, vậy nên lúc ấy luận điểm chống chủ nghĩa xã hội cổ điển xuất phát từ quan điểm tự do là phù hợp hơn so với kể từ đấy về sau.
    Khi mà chủ nghĩa xã hội cổ điển dường như đi ngược lại với cả tự do lẫn hiệu quả kinh tế thì biến thái của nó trong trường hợp nhà nước quản lý toàn bộ phương tiện sản xuất kinh tế xem ra đã được kết luận. Dĩ nhiên, chủ đề tính hiệu quả của chủ nghĩa xã hội đã được các nhà xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh. Họ thực sự nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn chủ nghĩa tư bản. Chuẩn mực trí tuệ hiện nay là các nhà xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn sai lầm với đánh giá trên, và những dẫn chứng về Liên bang Soviet cũ cùng với một số quốc gia cộng sản trước đây đã cho thấy sự vô vị của kế hoạch hoá và sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất của xã hội. Nếu như chuẩn mực trí tuệ hiện nay là đúng, nó sẽ chỉ ra rằng chủ nghĩa xã hội cổ điển thật ít có đất sống. Nếu chủ nghĩa xã hội không đạt hiệu quả vật chất như chủ nghĩa tư bản thì luận điểm chính ban đầu của nó từ quan điểm của nhiều kẻ cổ suý cho nó cũng biến mất.
    Trong phần kết tác phẩm Con đường tới nô lệ, Hayek khẳng định, mục đích của cuốn sách không phải là nhằm “phác hoạ một cương lĩnh chi tiết về trật tự tương lai đáng mong muốn của xã hội.” Tuy vậy, qua những trang sách của nó người ta cũng có thể thu được khái niệm sơ lược về cái trật tự mà ông ủng hộ. Đầu tiên, đó là một xã hội cá nhân chủ nghĩa. Ông nhận xét về “truyền thống cá nhân chủ nghĩa vốn tạo nên nền văn minh Phương Tây,” và ca ngợi “sự tôn trọng dành cho con người cá nhân với tư cách con người.” Bản chất của cả chủ nghĩa tự do cổ điển [classical liberalism] lẫn chủ nghĩa tự do cá nhân [libertarianism] đều là sự đánh giá về tính nhân văn [humanity], vốn đặt điểm nhấn tối đa lên mỗi cá nhân. Không một chủ thuyết nào tin rằng cá nhân tìm thấy phẩm chất tốt đẹp nhất của mình trong một tổng thể chung mà bằng cách nào đấy lại lớn hơn những cá nhân cấu thành nó. Jeremy Bentham là người khẳng định hay nhất khía cạnh trên của chủ nghĩa tự do chân chính trong tác phẩm Giới thiệu những nguyên lý luân lý và luật pháp [An Introduction to the Principles of Morals and Legislation, 1789] khi ông viết, “cộng đồng là một thực thể tưởng tượng, gồm những con người cá thể được coi như vừa cấu thành nó vừa là thành viên của nó. Lợi ích của cộng đồng lúc ấy là gì? – là tổng cộng lợi ích của toàn thể thành viên của nó.” Cả chủ nghĩa tự do cổ điển cũng như chủ nghĩa tự do cá nhân đều dạy rằng: trạng thái mà ở đó các cá nhân hạnh phúc nhất và đạt tới tiềm năng cùng năng suất cá nhân tối đa có nhiều khả năng xẩy ra hơn cả khi họ được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân nhất có thể.
    Tư hữu và thị trường cạnh tranh gồm giá cả, lợi nhuận, cùng sự tự do trao đổi hàng hoá và dịch vụ đóng vai trò then chốt đối với xã hội tự do cổ điển hay xã hội tự do cá nhân chủ nghĩa. Hayek nhận thấy, “sự tăng trưởng thương mại gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển hoá từng bước một hệ thống có thứ bậc với tổ chức cứng nhắc sang một hệ thống khác mà ở đó con người chí ít là có thể tìm cách định hình cuộc sống của bản thân.” Những ghi chép sử học đã cho thấy, sự tôn trọng tương đối dành cho các quyền cá nhân và dân chủ đầu tiên chỉ xuất hiện và phát triển trong những xã hội mà ở đó có thị trường cạnh tranh ở mức độ đáng kể. Mặc dù không tin vào năng lực bất khả sai lầm của dân chủ, Hayek vẫn nghĩ rằng khả năng duy trì lớn nhất của nó là ở trong xã hội thị trường. Cả dân chủ cũng như tự do kinh tế đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân. Ở đâu mà mỗi cá nhân đều được coi là có giá trị và xứng đáng với sự tôn trọng, ở đó dân chủ và tự do kinh tế có khả năng tìm thấy bầu không khí mà chúng có thể hít thở. Khi tập thể đóng vai trò trung tâm thay vì cá nhân, dân chủ và tự do kinh tế sẽ bị đe doạ.
    Hayek nhận thấy chủ nghĩa cá nhân hình thành nên cốt lõi của nền văn minh Phương Tây ở giai đoạn phát triển đỉnh cao của nó. Từ quan niệm của người Hebrew theo đó tất cả nam nữ đều là con cái bình đẳng của Chúa, sự đề cao chủ nghĩa nhân văn của người Hy Lạp, những quan niệm Thiên Chúa giáo về sự bất tử của mỗi linh hồn, giá trị kèm theo của mọi con người, và tình yêu mà Chúa Trời dành cho tất cả, cho đến quan điểm của người La Mã về sự bình đẳng trước pháp luật – điều đã khiến cho nền văn minh Phương Tây khác biệt và tốt đẹp hơn so với các nền văn minh khác ở giai đoạn đỉnh cao của nó là sự nhấn mạnh vai trò quan trọng của mỗi cá nhân. Hayek nhận thấy, quá trình phát triển của sự tôn trọng cá nhân trong nền văn minh Phương Tây bắt đầu từ thời cổ đại, đến thời Phục Hưng, và qua thời Phục Hưng đến các thời kỳ cận đại. “Từ các thành phố thương mại ở miền Bắc Italia, quan niệm mới về cuộc sống đã lan toả cùng với hoạt động thương mại về phía tây và phía bắc, bén rễ chắc chắn tại bất cứ mà ở đó không có sự hiện diện của quyền lực chính trị độc tài hòng bóp nghẹt nó.”  Chủ nghĩa cá nhân bắt đầu được thiết lập vững chắc nhất ở Anh và Hà Lan, nơi mà nó “lần đầu tiên có cơ hội phát triển tự do và trở thành nền tảng của đời sống xã hội và chính trị ở những quốc gia này.”
    Pháp trị [rule of law] là sự bảo vệ mang tính thể chế quan trọng nhất đối với chủ nghĩa cá nhân. Hayek tin tưởng, không một thuộc tính nào của trật tự chính trị - xã hội lại đóng vai trò quan trọng hơn pháp trị. Ở đâu không có pháp luật, mà là nhân trị, ở đó không ai được tự do và áp bức là điều không tránh khỏi. Ông mở đầu chương “Kế hoạch hoá và pháp trị” [Planning and the Rule of Law] với lời khẳng định, “Không có gì giúp phân biệt rõ ràng hơn điều kiện ở một nước tự do với điều kiện ở một nước nằm dưới sự cai trị của một chính phủ độc đoán bằng sự tuân thủ những quy tắc vĩ đại gọi là Pháp Trị ở đất nước tự do. Loại trừ hết những khía cạnh kỹ thuật, điều này có nghĩa là trong toàn bộ hoạt động của mình, chính phủ chịu sự ràng buộc của những quy tắc cố định và được ban bố trước – những quy tắc có thể cho thấy trước với mức độ chắc chắn đáng kể việc chính quyền sẽ sử dụng quyền lực của nó như thế nào trong những tình huống nhất định và có thể cho phép cá nhân hoạch định công việc của mình dựa trên tri thức ấy.” Đây chính là bản chất của trật tự xã hội đáng mong muốn của Hayek – không phải là một xã hội phi pháp luật mà là một xã hội tuân thủ pháp luật. Tự do là sự thống trị của pháp luật.
    Khái niệm trật tự xã hội tối ưu của ông không hề dựa trên quan niệm rằng một xã hội vẫn có thể tồn tại khi thiếu vắng chính phủ và pháp luật. Trên thực tế, lập trường của ông là hoàn toàn ngược lại. Ông nói, “Có lẽ không điều gì lại từng gây nhiều tác hại đến chính nghĩa tự do như chuyện cứ khăng khăng đòi phải áp dụng những nguyên tắc kinh nghiệm thô thiển, mà trên hết là nguyên lý laissez fairei.” Ông không coi chính phủ thể hiện bản chất rất tồi tệ khi nó cần được định hướng và duy trì ở mức tối thiểu khả dĩ.
    Chủ nghĩa tự do cổ điển không phải là sự thiếu vắng nhà nước, như một số người chủ trương cũng như một số kẻ phản đối vẫn nhìn nhận một cách sai lầm. Hayek đã bộc lộ quan điểm hết sức rõ ràng về vấn đề này. Xã hội tối đa hoá tự do không kéo theo “sự thiếu vắng hoạt động của chính phủ. Vấn đề chính phủ nên hay không nên ‘hành động’ hay ‘can thiệp’ đặt ra sự lựa chọn hoàn toàn sai lầm, và thuật ngữ laissez faire là sự mô tả rất mơ hồ và sai lạc về những nguyên lý nền tảng của thể chế chính phủ tự do [liberal polity].” “Cố nhiên, mọi nhà nước đều phải hành động và mọi hành động của nhà nước đều can dự đến cái này cái khác. Nhưng vấn đề không phải nằm ở đó.” “Nếu nhà nước không làm gì cả thì không một hệ thống nào lại có thể biện hộ được một cách duy lý.” Mọi xã hội đều cần thiết một hình thái tổ chức nào đó, thực sự xác định nên xã hội.
    Hơn thế, ông không phản đối các quy tắc và quy chuẩn mới của chính phủ và xã hội nhằm xác lập và củng cố chế độ tự do chủ nghĩa cổ điển, và tư tưởng của ông về vấn đề này thường bị hiểu lầm. Ông trình bày rõ trong “Tự do và hệ thống kinh tế” [Freedom and the Economic System], bài viết của ông trước khi tác phẩm Con đường tới nô lệ ra đời:
    Chúng ta có thể “hoạch định” một hệ thống quy tắc chung, có thể áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người và với dự định là nó sẽ tồn tại lâu dài; nó tạo ra một khuôn khổ thể chế mà ở đó những quyết định liên quan đến chuyện làm gì và làm như thế nào để kiếm sống thuộc về trách nhiệm của cá nhân. Nói cách khác, chúng ta có thể hoạch định một hệ thống trong đó sáng kiến cá nhân được dành cho phạm vi rộng rãi nhất có thể kèm theo cơ hội tốt nhất nhằm tạo ra sự phối hợp hữu hiệu giữa các nỗ lực cá nhân. Nhiệm vụ tạo dựng khuôn khổ pháp lý này chưa hề được các nhà tự do chủ nghĩa buổi đầu thực hiện một cách nhất quán. Tuy ủng hộ những nguyên lý khái quát của tư hữu và tự do hợp đồng trên cơ sở vị lợi chủ nghĩa, song họ vẫn chưa áp dụng cùng điều kiện đó cho những hình thái lịch sử cụ thể của pháp luật về tài sản và hợp đồng. Ngoài ra, một điều mà lẽ ra đã trở nên hiển nhiên ở đây là vấn đề nội dung chính xác và những hạn chế cụ thể của các quyền tài sản, và việc nhà nước sẽ bắt buộc thực thi hợp đồng như thế nào và khi nào, cũng đòi hỏi nhiều cân nhắc như chính cái nguyên lý chung vậy.
    Trong tác phẩm Con đường tới nô lệ, ông cũng lập luận tương tự, “luận điểm của chủ nghĩa tự do là ủng hộ việc khai thác tối đa sức mạnh của cạnh tranh như là phương tiện phối hợp nỗ lực của con người, chứ không phải là luận điểm ủng hộ việc phó mặc sự vật như chúng vốn có. Luận điểm này dựa trên niềm tin là ở đâu có thể tạo ra cạnh tranh hiệu quả thì đó chính là cách thức định hướng nỗ lực của con người tốt nhất. Nó không phủ nhận mà thậm chí còn nhấn mạnh rằng, để cho sự cạnh tranh ấy diễn ra theo hướng có lợi thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý được suy xét kỹ, và những quy tắc pháp lý hiện tại cũng như trong quá khứ đều không tránh khỏi những khiếm khuyết hệ trọng.”
    Ông nhấn mạnh, “trong các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tự do, không có gì khiến cho nó trở thành thứ chủ thuyết đứng yên. Nguyên lý cơ bản với khả năng áp dụng vô tận là trong quá trình sắp xếp hệ thống công chuyện của mình, chúng ta cần khai thác tối đa những sức mạnh tự phát của xã hội và hạn chế tối thiểu việc phải viện đến biện pháp cưỡng bách. Cụ thể là có sự khác nhau hoàn toàn giữa việc chủ định tạo lập một hệ thống mà ở đó cạnh tranh sẽ diễn ra ở mức độ tốt nhất có thể với việc chấp nhận thụ động những thiết chế như chúng vốn có.”
    Luận điểm của ông không phải là việc chính phủ cần chấp thuận bất kỳ quy tắc nào hiện hữu trong xã hội. Ông lập luận, chính phủ cần thay đổi các quy tắc xã hội nhằm tạo ra mức độ cạnh tranh và tự do lớn hơn. Trong một cuộc thảo luận trên đài phát thanh về tác phẩm Con đường tới nô lệ với hai thành viên có thái độ thiếu thân thiện do Đại học Chicago tài trợ, ông đã bộc lộ ý kiến rõ ràng như sau:
    Có hai phương thức thay thế trong việc tạo dựng trật tự cho các hoạt động xã hội – cạnh tranh và sự kiểm soát của chính phủ. Tôi phản đối sự can thiệp của chính phủ, nhưng tôi lại muốn làm cho cạnh tranh diễn ra…. Theo cách mà các vị dùng từ “kế hoạch hoá” trong cuộc thảo luận này thì nó mơ hồ đến mức gần như vô nghĩa. Dường như các vị gọi hết thảy hoạt động của chính phủ là kế hoạch hoá và cho rằng có những người phản đối tất cả hoạt động của chính phủ. Có khá nhiều người phản đối kế hoạch hoá song lại không muốn thông qua sự phản đối ấy để nói rằng theo họ không nên có bất kỳ kiểu chính phủ nào. Họ muốn giới hạn chính phủ trong phạm vi những chức năng nhất định.… Cuộc thảo luận ở đây, như bất cứ ở đâu khác, đã rất rối. Điều mà tôi đang cố gắng chỉ ra là có hai phương thức thay thế trong quá trình sắp đặt hệ thống công việc của chúng ta. Một mặt là phương thức dựa vào cạnh tranh, mà nếu muốn có hiệu quả, nó sẽ đòi hỏi mức độ hoạt động đáng kể của chính phủ, hướng tới việc làm cho nó có hiệu quả cũng như bổ trợ ở những chỗ mà nó không thể có hiệu quả.… Tất cả những gì mà tôi đang tranh luận là, nơi nào mà các vị có thể tạo ra điều kiện cạnh tranh thì các vị nên dựa vào cạnh tranh. Tôi luôn nói là tôi ủng hộ mức thu nhập tối thiểu cho mọi người trong cả nước. Tôi không phải là người vô chính phủ. Tôi không gợi ý rằng hệ thống cạnh tranh vẫn có thể vận hành khi không tồn tại một hệ thống pháp lý nào hữu hiệu và được xây dựng một cách thông minh.
    Hayek ủng hộ tự do cho con người. Theo ông, con người cần có tiêu chuẩn cuộc sống vật chất cao nhất có thể. Hai thành viên trong ban thảo luận trên đài phát thanh của ông là Charles Merriam, nhà khoa học chính trị xuất sắc của Đại học Chicago, và Maynard Krueger, cựu ứng cử viên phó tổng thổng của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Mỹ [United States Socialist Party]. Người viết tiểu sử của Merriam thuật lại cuộc thảo luận, “Thính giả hẳn sẽ phải sửng sốt trước tốc độ mà sự đối địch bắt đầu.… Điều mà họ không biết là buổi tập dượt kéo dài sáu giờ vào tối hôm trước đã nóng lên đáng kể so với bình thường và Merriam cùng Hayek hiếm khi còn nói chuyện với nhau kể từ thời điểm bắt đầu chương trình.”
    Khi bị những người đối thoại chất vấn, Hayek đáp lại, “Tôi không lung lay trước những gì mà các vị nói. Như các vị thấy, các vị vẫn đang nói về thứ gây tranh cãi cũ rích – chuyện chính phủ cần phải hành động hay không hề cần phải hành động. Toàn bộ nỗ lực trong cuốn sách của tôi là nhằm thay thế cái ý tưởng kỳ cục và mơ hồ cũ bằng sự khác biệt mới. Tôi từng nhận ra một số kiểu hoạt động của nhà nước là hết sức nguy hiểm. Vì thế, toàn bộ nỗ lực của tôi là nhằm phân biệt giữa hành động hợp lý và bất hợp lý. Tôi đã cố gắng thực hiện điều này bằng việc khẳng định: chừng nào mà chính phủ hoạch định để thúc đẩy cạnh tranh và can thiệp khi hoạt động cạnh tranh không thể diễn ra thì không có gì phải phản đối; dù vậy, tôi vẫn tin rằng tất cả những hình thức hoạt động khác của chính phủ đều rất nguy hiểm.” Trật tự tự do cổ điển không nhất thiết là trật tự mà ở đó vai trò chính phủ bị tối thiểu hoá, mà là trật tự mà ở đó cạnh tranh được tối đa hoá, và một lần nữa nó đòi hỏi giá cả, lợi nhuận, tư hữu, thị trường cạnh tranh, khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ, hợp đồng, và pháp trị.
    Hayek say sưa viết về cái mục tiêu khiêm tốn nhưng bao quát là việc tạo nên những xã hội cho phép cá nhân “có cơ hội trong tự do và hoà bình để xây dựng thế giới nhỏ bé của mình.” Mục tiêu của ông không phải là một thực thể tập thể bằng cách nào đấy lại vĩ đại hơn những cá nhân cấu thành nó, mà là “lý tưởng tối thượng về tự do và hạnh phúc cá nhân.”
    Trong lời tựa cho ấn bản năm 1976 của cuốn Con đường tới nô lệ, Hayek cho biết là sau tác phẩm này, dù “rất cố gắng để quay trở lại kinh tế học thực chất,” nhưng ông vẫn không thể nào “giải phóng” nổi bản thân khỏi “cái cảm giác là những vấn đề” mà mình đã “bắt tay vào một cách không chủ định lại thách thức và quan trọng hơn” những vấn đề mà mình từng suy xét trước đó trong lý thuyết kinh tế học kỹ thuật. Hơn thế, nhiều thứ mà ông viết trong tác phẩm Con đường tới nô lệ còn đòi hỏi phải “làm sáng tỏ và phân tích chi tiết.” Ông đã dấn thân vào một hành trình mới.

    Nguồn: Chương 16, tác phẩm Freidrich Hayek - Cuộc đời và tư tưởng
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org