CHỦ NGHĨA BẢO THỦ

Posted on
  • Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Minh Minh dịch
    Chủ nghĩa bảo thủ là một ý thức hệ thường được nghĩ về như tìm cách giữ gìn hay bảo tồn một số thực tại nào đó. Tuy nhiên, giống với chủ nghĩa tự do, ý thức hệ của chủ nghĩa bảo thủ khá phức tạp và đa chiều. Không có một hình thức chủ nghĩa bảo thủ duy nhất. Thực vậy, chúng ta đã thảo luận một dạng chủ nghĩa bảo thủ - chủ nghĩa bảo thủ tự do cổ điển [bài CHỦ NGHĨA TỰ DO]. Các nhà bảo thủ tự do cổ điển ủng hộ một chính phủ nhỏ và chủ nghĩa tư bản thịnh vượng. Tuy nhiên, có một nhóm khác của các nhà bảo thủ lấy các ý tưởng của họ từ những lời dạy của triết gia thế kỉ 18 Edmund Burke. Những nhà bảo thủ theo trường phái Burke này được gọi là các nhà bảo thủ truyền thống, và ý thức hệ của họ khác rất nhiều với ý thức hệ của các nhà bảo thủ tự do cổ điển.
    CHỦ NGHĨA BẢO THỦ TRUYỀN THỐNG
    Triết gia người Anh Edmund Burke (1729–1797) vừa là một học giả vừa là một thành viên của Quốc hội Anh. Trong cả hai vị trí, ông phản đối điều mà ông coi là các sai lầm của chủ nghĩa tự do. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Các phản tư về Cách mạng Pháp (1790), trong đó ông sử dụng ví dụ Cách mạng Pháp để phân tích về tầm quan trọng của việc bảo vệ truyền thống, quyền uy, và các giác trị đạo đức. Củng cố các giá trị truyền thống là một điều rất quan trọng đối với các nhà bảo thủ trong truyền thống của Burke. Thực vậy, như chúng ta sẽ thấy, đó là một động lực của chủ nghĩa bảo thủ.
    Burke bắt đầu sự thảo luận của ông về ý thức hệ chính trị với một phân tích phê phán về bản chất con người. Ông nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, Burke cho rằng bản chất con người không được đặc trưng hoàn toàn bởi tính duy lý. Theo Burke, dù các cá nhân có khả năng duy lý, nhưng khả năng này rất giới hạn. Hầu hết mọi người không lập luận một cách rành mạch. Dựa trên quan sát lịch sử, Burke tin rằng, chúng ta sẽ thấy tính cách con người thường không duy lý, rất cảm tính, và không thể dự đoán được. Hầu hết mọi người không sở hữu khả năng suy lý như Locke và các nhà tự do cổ điển tin tưởng. Tóm lại, Burke giải thích, cá nhân không có khả năng sử dụng lý tính của mình để điều khiển cuộc sống riêng của họ một cách trôi chảy. Thứ hai, theo Burke, con người không chỉ kém duy lý hơn những gì mà các nhà tự do tin, mà họ còn bất bình đẳng một cách tự nhiên. Burke khẳng định rằng sự khác biệt về tài năng tự nhiên sẽ phân chia con người theo các mức độ năng lực khác nhau. Chúng ta nhớ lại rằng các nhà tự do cổ điển mặc dù chưa bao giờ cho rằng con người bình đẳng về tất cả các năng lực của họ, nhưng bảo vệ ý tưởng cho rằng con người bình đẳng liên quan đến việc sở hữu các quyền tự nhiên như quyền sống, quyền tự do, và quyền sở hữu. Các nhà bảo thủ truyền thống như Burke tìm cách nhấn mạnh vào một điểm khác biệt, cụ thể là con người khác nhau về khả năng chính trị. Một số có khả năng hơn trong việc cai trị so với người khác. Do đó, xã hội được tổ chức tốt nhất khi những người có khả năng cai trị tự nhiên sẽ đảm nhiệm việc vai trị. Theo Burke, kêu gọi cho sự bình đẳng về pháp lý và đòi hỏi rằng tất cả mọi người phải được đặt cùng một mức độ trong việc ra quyết định là một sai lầm to lớn.
    Ngoài ra, Burke cũng bác bỏ sự nhấn mạnh của chủ nghĩa tự do cổ điển đối với các quyền tự nhiên. Các nhà tự do cổ điển sai lầm khi khẳng định rằng mục đích của chính quyền là bảo vệ các quyền tự nhiên. Burke khẳng định, sự nhấn mạnh này đến các quyền tự nhiên làm cho các công dân trở nên lẫn lộn. Mọi người nghe về việc có các quyền tự nhiên, và họ bắt đầu nhầm lẫn về quyền tự nhiên này như một sự hứa hẹn về quyền lực. Như Burke giải thích, nếu ai đó nói anh ta có quyền đối với một điều gì đó, thì anh ta bắt đầu mong đợi nó, và bắt đầu đòi hỏi nó. Những đòi hỏi này gây ra một áp lực quá mức lên xã hội, khi mọi người kêu gào cho quyền để thu hưởng những thứ mà họ được dạy là họ sở hữu chúng vì đó là quyền tự nhiên của họ. Do vậy, Burke kết luận, dù các quyền tự nhiên tồn tại về mặt kĩ thuật theo nghĩa trừu tượng, thì chúng không là cơ sở cho việc ra quyết định của chính quyền, chúng cũng không nên được nhấn mạnh trong ngôn ngữ chính trị và nghị trường. Nếu các chính phủ nhấn mạnh các quyền, thì họ gây ra một sự hi vọng không thực tế trong người dân.
    Theo Burke, chính quyền nên chăm sóc cho các nhu cầu của người dân hơn là bảo vệ các quyền tự nhiên. Burke tin rằng con người có một nhu cầu cơ bản cho sự trật tự và sự kiểm soát. Burke viết, do con người bị chi phối bởi các động cơ không duy lý, nên họ có một nhu cầu căn bản cho sự ổn định, cho một sự hướng dẫn để làm cho sự tồn tại xã hội của họ trở nên có ý nghĩa và hài hòa.
    Burke đưa ra một sự phân tích dài về những hàm ý của những ý tưởng trên. Ví dụ, ông bảo độc giả của mình suy nghĩ về những giới hạn của lý tính. Nếu lý tính yếu kém, thì nó không đáng tin. Do đó, ông kết luận, chủ nghĩa tự do cổ điển chắc chắn sai lầm ở hai điểm. Thứ nhất, bởi vì lý tính là yếu kém, nên nó không thể rút ra đạo đức (các luật tự nhiên) từ lý tính. Chúng ta cần một thứ khác hơn là lý tính để cho thấy đúng đắn từ sai lầm. Chẳng hạn, nếu tin cậy vào lý tính của chúng ta khi quyết định điều mà chúng ta tin đối với vấn đề euthanasia [làm cho những người mắc bênh nan y chế một cách nhẹ nhàng] chắc chắn chúng ta có thể nghĩ về các luận điểm duy lý để ủng hộ nó. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta cũng có thể tưởng tượng những luận điểm duy lý chống lại nó. Nếu lý tính có thể biện minh cho cả hai trường hợp, thì đâu là đúng trong việc quyết định các vấn đề đạo đức? Đây là luận điểm của Burek. Lý tính không thể được xem như một sự chỉ dẫn tin cậy trong việc đưa ra các quyết định đạo đức bởi vì một mình lý tính không đủ để mang lại sự rõ ràng. Thứ hai, nếu lý tính quá yếu như vậy, thì lý tính không xứng đáng là cơ sở chính hoặc duy nhất cho việc đưa ra các quyết định cá nhân và sự tự hướng dẫn. Nếu cá nhân không thể phụ thuộc vào lý tính để rút ra bất cứ luật tự nhiên nào, để chỉ ra các hệ quả của bất cứ quyết định tiềm năng nào, hay để lựa chọn một cách logic giữa bất cứ khả năng có thể nào, thì lý tính của anh ta không thể giúp đỡ anh ta điều gì.
    Một thứ gì đó bên ngoài lý tính là cần thiết. Thứ gì đó chắc chắn và đáng tin là cần thiết. Các giá trị truyền thống chính là thứ cần thiết đó. Thay vì nhờ vào lý tính để tìm ra các câu trả lời, chúng ta nhờ vào các hướng dẫn đạo đức đã được truyền qua nhiều thế hệ. Những hướng dẫn này phù hợp với bản chất nhân văn của con người, cung cấp sự an ủi trong những lúc khủng hoảng, thể hiện một sự rõ ràng về đạo đức trong những thời điểm không chắc chắn, và đề nghi sự khuyến khích và sức mạnh trong những lúc hỗn loạn về đạo đức. Các nhà bảo thủ truyền thống hỏi, điều gì chắc chắn hơn, khi cố gắng để suy luận một cách duy lý cuộc sống của chúng ta từ ngòi bút, hay khi bạn sống theo sau các quy tắc đạo đức vốn phục vụ con người qua nhiều thời đại? Từ điểm nhìn của một ý thức hệ chính trị, Burke đã nói với chúng ta một số điều rất quan trọng. Các nhà bảo thủ truyền thống không ca tụng các giá trị truyền thống chỉ như là “một kiểu mốt cũ”. Họ khuyên chúng ta bảo vệ nền đạo đức truyền thống bởi vì nếu không có đạo đức truyền thống, chúng ta đánh mất đi sự nối kết với sự chắc chắn đạo đức. Các giá trị truyền thống dạy chúng ta sự đúng đắn từ sai lầm theo cách mà lý tính, như chúng ta thấy trước đó, không thể. Lý tính chỉ có thể làm bối rối chúng ta bằng cách đề nghị rằng không có sự tuyệt đối đạo đức (bởi vì bất cứ mặt nào của bất cứ tình thế lưỡng nan đạo đức đều có thể có lý).
    Burke tin rằng, chúng ta sẽ khôn ngoan nếu chúng ta biết sự khác nhau giữa khuynh hướng và các giá trị đạo đức truyền thống. Một khuynh hướng là một thứ gì đó mới và khác biệt, như một mốt nhất thời. Trái lại, các giá trị truyền thống dựa trên những gì lâu dài sau khi những kiểu mốt đã bị lãng quên. Đạo đức không nên được coi giống như thời trang. Nó không nên bị bỏ đi vì nó cũ. Thực vậy Burke lập luận, những lời dạy đạo đức càng cũ, thì những lợi dạy đó càng có xu hướng đáng tin hơn. Từ đây, những người tin vào quan điểm của Burke chính là những nhà bảo thủ theo nghĩa đen, vì họ tìm cách duy trì trật tự, đạo đức hướng đến truyền thống, không thay thế chúng với cái gì đó mới nhân danh sự tiến bộ. Theo Burke, các thiết chế dân sự nên dạy đạo đức truyền thống. Các thiết chế dân sự là các tổ chức phi chính phủ trong xã hội. Ví dụ như gia đình và các thiết chế tôn giáo. Bằng cách truyền các giá trị đạo đức lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp, các thiết chế dân sự chuẩn bị cho cá nhân sống hòa bình và trật tự. Khi các thiết chế dân sự vận hành theo cách này, thì các hoạt động xã hội xẽ trôi chảy, mà không có bạo lực và chia rẽ gây ra bởi những dịch chuyển mạnh mẽ như Cách mạng Pháp.
    Chính phủ cần hỗ trợ cho các thiết chế dân sự bằng cách cung cấp một cơ sở đảm bảo trong đó chúng có thể hoạt động. Khi bảo vệ và nuôi dưỡng những thiết chế này, chính phủ trở thành một phần của một nhiệm vụ lớn hơn, đó là tham gia vào trong một quá trình vĩ đại mà mỗi thế hệ nối kết chính nó với những thế hệ trước họ, cũng như những lời dạy của quá khứ được bảo tồn. Mỗi trong số những điều này dẫn Burke tới một kết luận khác. Đạo đức quan trọng hơn sự tự do cá nhân vô độ. Tự do cá nhân phải thỏa hiệp để cá nhân phù hợp với những lời khuyên của các giá trị truyền thống. Tự do không nên bao gồm tự do để hành động theo cách phi đạo đức. Con người không nên nhấn mạnh vào sự tự do hành động theo các ham muốn và bản năng. Do đó, các nhà bảo thủ truyền thống tin vào tự do, nhưng tự do trong các ranh giới. Ví dụ, sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai khi đi ra ngoài và làm bất cứ điều gì mình muốn nhưng gây phá hoại. Đó không phải nhu cầu thực sự của bạn khi buông theo cai tôi bản năng và phi lý tính.
    Trong thế kỉ 19, hồng y người Anh John Henry Newman diễn đạt ý tưởng này bằng cách tương phản việc sử dụng tốt với việc sử dụng xấu sự tự do. Chẳng hạn, liên quan đến sự tự do ngôn luận, hồng y Newman giải thích rằng việc sử dụng thích hợp sự tự do sẽ củng cố đạo đức, trong khi việc sử dụng sai sự tự do sẽ vi phạm đạo đức truyền thống. Sự tự do xấu hay sự tự do không đúng đắn không thừa nhận có các luật lệ. Chẳng hạn, các nhà bảo thủ truyền thống đương đại cho rằng sự khiêu dâm là một dạng tự do như vậy. Một số người xuất bản các tài liệu khiêu dâm và cho rằng làm như vậy là một phần của sự tự do báo chí là đang mang sự tự do đi quá xa; anh ta đang thực hành một sự tự do lựa chọn khi anh ta biết sự cấm đoán của đạo đức truyền thống chống lại các hành vi như vậy. Do đó, các nhà bảo thủ truyền thống ủng hộ sự tự do bị giới hạn bởi tri thức về bổn phận sống phù hợp với điều thiện. Burke miêu tả xã hội mà ông ủng hộ trong một đoạn văn nổi tiếng rút ra từ Sự phản tư về cách mạng Pháp. Trong một xã hội tốt đẹp, chúng ta sống theo các luật của Chúa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp bởi các thẩm quyền truyền thống.

    CHỦ NGHĨA BẢO THỦ TRUYỀN THỐNG NGÀY NAY
    Các nhà bảo thủ truyền thống đương đại chia sẻ các mục tiêu của Burke khi đánh giá đời sống đạo đức của xã hội. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhìn vào Đảng bảo thủ của Na uy và tìm thấy những mối quan tâm của Burke được diễn đạt thông qua chương trình của đảng. Trong năm 1992, chương trình của Đảng bảo thủ bày tỏ sự ủng hộ các giá trị Ki tô giáo và cam kết chính nó với việc bảo vệ các giá trị đạo đức của đất nước. Giống như Burke, Đảng tuyên bố rằng cá nhân cần sự hướng dẫn được cung cấp bởi những lời dạy của các thiết chế truyền thống.
      Một điều rất quan trọng, đó là Đảng bác bỏ lời kêu gọi cho sự giới hạn quyền lực đối với nhà nước của những nhà bảo thủ tự do cổ điển. Vai trò của nhà nước không thể bị giảm thiểu, bởi vì mục đích của nhà nước là để hỗ trợ mạnh mẽ cho các thiết chế dân sự mà có thể cung cấp sự chắc chắn đạo đức cần thiết cho các công dân Na uy. Trong nền chính trị Mỹ đương đại, ý thức hệ bảo thủ truyền thống có nhiều người ủng hộ. Ý thức hệ của Burke được phản ánh trong các mối quan tâm của tác giả bảo thủ William Bennett về sự yếu kém của các thiết chế dân sự, bởi vì Bennett tin, những thiết chế đó là sống còn đối với sự thịnh vượng đạo đức của bất cứ xã hội nào. Các ý tưởng của Burke cũng thể hiện rõ trong nhiều luận điểm chống lạo phá thai được đưa ra bởi các thành viên Đảng Cộng hòa trong những năm gần đây như Robert K. Dornan của bang California. Hoặc Alan L. Keyes đã vận động cho việc trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa (2000) xung quanh các chính sách chống lại việc phá thai và dựa trên lập trường của chủ nghĩa bảo thủ truyền thống. Hội nghiên cứu gia đình (FRC) cũng duy trì lập trường bảo thủ của Burke trong các cuộc tranh luận chính sách ở Mỹ trong những năm gần đây. Các thành viên của (FRC) giám sát chặt chẽ các ứng viên tổng thống và đánh giá mức độ sẵn lòng của họ theo những tiêu chuẩn mà nhóm xem như là ủng hộ gia đình. FRC định nghĩa “ủng hộ gia đình” tức là bảo vệ truyền thống; đặc biệt, FRC phản đối quyền dân sự của người đồng tính, phê phán tình trạng sống chung không kết hôn, phản đối sự ly dị mà không có lỗi của bên nào, và ủng hộ các quan điểm như trẻ em nên được chăm sóc bởi người mẹ chứ không phải trung tâm chăm sóc. Tuy nhiên có lẽ không có nhóm nào kết hợp gần gũi hơn với chủ nghĩa bảo thủ truyền thống ở Mỹ hơn Liên minh Ki tô giáo. Được thành lập vào năm 1988, phần lớn thông qua các nỗ lực các bộ trưởng truyền hình Pat Robertson và Ralph Reed, Liên minh Ki tô giáo có chi nhánh ở 50 bang. Liên minh Ki tô giáo khẳng định những quan điểm sau:
    ·                    Chống nạo phá thai
    ·                    Phản đối hôn nhân đồng giới
    ·                    Ủng hộ việc cầu nguyện ở trường học
    ·                    Phản đối giáo dục giới tính ở trường học
    ·                    Phản đối chương trình Don’t Ask Don’t Tell
    Chú ý sự song hành với các ý tưởng của Burke. Liên minh trên tin rằng, sự tự do cá nhân phải bị giảm bớt nếu sự tự do hướng vào những lĩnh vực đạo đức cấm kị. Thực vậy, trong một cuộc khảo sát vào năm 1995 bởi Liên minh Ki tô giáo, hơn 60% thành viên của Liên minh cho rằng sự băng hoại đạo đức là vấn đề nghiêm trọng nhất của Mỹ. Để biết các chính sách hiện nay của Liên minh Ki tô giáo, hãy vào trang web http://www.cc.org. Thật mỉa mai, nếu sẽ là băng hoại đạo đức khi chúng ta ủng hộ cho sự lựa chọn của các nhân đối với các vấn đề lạo phá thai và giới tính, thì một trong những nhân tố đóng góp vĩ đại tới sự băng hoại đạo đức lại chính là chủ nghĩa bảo thủ - chủ nghĩa bảo thủ tự do cổ điển. Những người đi theo quan điểm của Locke đi đầu trong việc cho rằng cá nhân là người phán quyết tốt nhất trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống của riêng họ. Bởi vì nhiều người theo quan điểm của Locke gọi chính họ là bảo thủ từ cuối những năm 1800, họ và những người theo quan điểm của Burke chia sẻ một nhãn ý thức hệ nhưng không còn điểm gì chung khác. Kết quả, ý thức hệ bảo thủ bị chia rẽ sâu sắc, với các nhà bảo thủ tự do cổ điển tìm cách giảm thiểu các hoạt động của nhà nước còn các nhà bảo thủ truyền thống tìm cách sử dụng thẩm quyền của nhà nước để làm cho xã hội đạo đức hơn. Các nhà tự do cổ điển cố gắng để thuyết phục các cá nhân trở nên tự quyết, trong khi những người theo truyền thống của Burke có gắng thuyết phục mọi người tuân thủ thẩm quyền truyền thống. Không ngạc nhiên khi các nhà bảo thủ thường đi đến xung đột, như chúng ta thấy trong một số tranh cãi gần đây trong ý thức hệ chính trị bảo thủ.
    (Nguồn: Analyzing Politics: An Introduction to Political Science)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org