Các điểm chính trong tư tưởng của Locke

Posted on
  • Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch

    1. Sự đồng thuận của người dân
    Một xã hội chính trị chỉ tồn tại khi mọi người đồng thuận xây dựng một chính quyền. Sự thề nguyện trung thành hay cam kết phục tùng một chính quyền không thể được thực hiện với sự ép buộc, mà phải trên cơ sở tự nguyện. Mọi người đồng thuận tham gia vào một khế ước và trao quyền lực cho chính quyền bởi vì họ muốn cuộc sống và tài sản của họ được bảo vệ. Dù họ từ bỏ một số sự tự do tự nhiên của mình, nhưng chính quyền mà họ tạo ra chỉ có những quyền mà họ đã trao cho nó. Sự ủy quyền này sẽ kết thúc khi chính quyền vi phạm các luật thực định của công quốc.
    Locke giải thích điều gì tạo thành sự đồng thuận. Rõ ràng là việc sở hữu tài sản trong một công quốc đồng nghĩa với việc người dân đã đồng thuận với luật pháp của công quốc đó. Ông cũng viết về sự đồng thuận “ngầm”, tức là khi bạn cư trú tạm thời hay đi lại trên các con đường của một công quốc thì chắc chắn bạn đồng ý tuân theo luật pháp của công quốc đó. Dĩ nhiên, mọi người được tự do sở hữu tài sản như họ muốn; và có thể rời bỏ một cồng đồng tới một cộng đồng khác, và đồng ý với luật pháp của cộng đồng mới này.
    Cuối cùng, nếu một người xâm chiếm một công quốc mà không tạo ra một khế ước giữa anh ta với những thần dân mới của ông ta, thì họ không có nghĩa vụ phải tuân phục ông ta. Vì vậy ý tưởng về sự cai trị với sự đồng thuận là xuyên xuất trong toàn bộ tác phẩm Khảo luận thứ hai.

    2. Bảo vệ quyền sở hữu
    Locke viết “bảo vệ quyền sở hữu là mục đích của chính quyền, và vì mục đích đó mà con người hình thành nên xã hội chính trị”. Lý thuyết về sở hữu của ông là một trong những bộ phận quan trọng nhất của Khảo luận thứ hai và thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm. Trong chương 5, ông giải thích rằng quyền sở hữu bao gồm quyền đối với sinh mạng và của cải. Trong trạng thái tự nhiên, mỗi người có quyền nắm giữ và sắp đặt tài sản của mình như mình muốn. Nhưng thật không may là, luôn có sự tranh chấp với người khác và không có bất cứ một bộ luật sẵn có nào để bảo vệ anh ta và tài sản của anh ta. Dù anh ta có các quyền tự nhiên để bảo vệ mình và trừng phạt kẻ gây hấn, nhưng trạng thái tự nhiên vẫn có nhiều khiếm khuyết. Do đó, mọi người đồng ý hình thành nên một chính quyền để bảo vệ tài sản của họ. Luật pháp được ban hành và được củng cố để bảo vệ các công dân.
    Bất cứ khi nào tài sản của người dân không được bảo vệ, thì họ đang ở trong một trạng thái còn tệ hơn trạng thái tự nhiên. Nếu những người cai trị công quốc là những người đe dọa đến quyền sở hữu của người dân, thì họ đang tạo ra một trạng thái chiến tranh giữa họ và người dân.

    3. Các vấn đề của các chế độ quân chủ chuyên chế
    Locke tin rằng một chế độ quân chủ chuyên chế không phù hợp với xã hội chính trị. Kinh nghiệm sống của chính ông tại nước Anh thế kỉ 17 đã mang lại cho ông vô số bằng chứng hiển nhiên về điều đó. Khi mọi người đồng thuận với một sự cai trị, thì sẽ là vô lý khi họ tự đặt mình dưới sự kiểm soát của luật pháp, mà lại chấp nhận để một người khác đứng bên ngoài luật pháp đó. Nếu mục đích của việc hình thành chính quyền là bảo vệ tài sản, thì sẽ là vô lý khi cho phép một ông vua chuyên chế tùy tiện làm những gì mà ông ta muốn với sinh mạng và tài sản của người dân.
    Một ông vua chuyên chế có xu hướng cai trị chủ quan, đồng bóng, và không thể đoán trước được. Vì không có bất cứ giới hạn nào đối với sự cai trị của ông ta, và không ai thông qua các phán quyết chống lại ông ta, người dân không thể kiện cáo. Ông ta không có tình cảm đối với người dân, và lý do duy nhất ông ta không hủy hại họ là bắt họ làm việc cho ông ta vì lợi ích của chính mình. 
    Locke tranh cãi về tính hợp lý tính của một ông vua chuyên chế như vậy. Ông không tin rằng Thượng đế đã hợp pháp hóa sự cai trị của ông ta và con cháu ông ta bởi vì một sự cai trị như vậy vi phạm luật tự nhiên. Các nhà lý thuyết chính trị và thần học khác, như Richard Filmer và William Barclay, thấy quyền cai trị của vua bắt nguồn từ quyền cai trị của Adam. Locke phủ nhận điều này bằng cách lập luận rằng không có cách nào để biết ai là hậu duệ của Adam, và dạng chính quyền duy nhất hợp pháp là chính quyền do nhân dân tạo ra.

    4. Trạng thái tự nhiên
    Trạng thái tự nhiên là trạng thái mà con người sống trước khi họ đồng thuận tạo nên một chính quyền. Locke đề cập tới điều này liên tục xuyên suốt tác phẩm Khảo luận thứ hai để giải thích trạng thái tự nhiên mà con người sinh ra, và tương phản nó với xã hội chính trị. Trong trạng thái tự nhiên, con người được cai trị bởi lý tính. Họ tìm cách bảo vệ mọi người và tôn trọng sinh mạng, sự tự do và tài sản của mọi người. Họ có thể tích lũy bao nhiêu tài sản mà họ muốn, dù lý tính quy định rằng họ không được lấy nhiều hơn những gì họ sử dụng vì nguy cơ lãng phí. Nếu ai sử dụng vũ lực để chống lại người khác, thì anh ta đặt mình vào trạng thái chiến tranh với người đó. Tất cả mọi người có quyền trừng phạt kẻ gây hấn bởi vì người đó đã vi phạm luật tự nhiên và gây ra sự bất bình trong cộng đồng.
    Trong khi Locke không có một cái nhìn bi quan về bản chất con người như Hobbes, thì ông thừa nhận là con người cần hình thành một xã hội chính trị để giải quyết những vấn đề xuất hiện khi người này vi phạm luật tự nhiên và đe dọa sinh mạng và tài sản của người khác.

    5. Bình đẳng
    Locke tin rằng Thượng đế tạo ra mọi người với địa vị bình đẳng. Khi họ sinh ra, họ cùng có một số quyền lợi như những người khác và có nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống của người khác nếu họ muốn cuộc sống của mình được bảo vệ. Thượng đế là tác nhân duy nhất có thể ban tặng một số sự khác biệt giữa con người như: “tuổi tác hay đức hạnh ….”. Tuy nhiên, tất cả mọi người có “sự tự do tự nhiên, và không phục tùng ý chí hay thẩm quyền của bất cứ ai khác”. Ngay cả khi người dân lựa chọn người để trao quyền, thì vẫn có một mức độ bình đẳng nhất định bởi vì lý tính quy định rằng chính quyền không được thi hành quyền lực tùy tiện, và tuyệt đối lên người dân.
    Bình đẳng là một chủ đề nằm trong các chương thảo luận về các mối quan hệ cha con, vợ chồng. Trong khi Locke không phải là người theo chủ nghĩa bình đẳng giới, ông đưa ra một vài ý tưởng quan trọng liên quan đến quan hệ giữa nam và nữ. Ông không tin rằng quyền của người cha là tuyệt đối; người mẹ cũng có nhiều quyền kiểm soát và ảnh hưởng tới con cái. Cha mẹ cùng nhau quản lý, và cả hai nhận được sự tôn vinh và tôn trọng từ các con của họ. Không ở đâu trong kinh thánh yêu sách con cái chỉ tôn vinh người cha, hoặc người chồng có quyền tuyệt đối với người vợ. Trong hôn nhân, người đan ông cần đưa ra quyết định cuối cùng cho cả hai nhưng điều này không làm gia tăng quyền lực của người đàn ông. Trong thực tế, vì mục đích của hôn nhân là sinh đẻ và nôi dưỡng con cái, nên khi những đứa con trưởng thành thì người vợ có quyền ly dị người chồng nếu thấy điều đó là thích hợp.

    6. Giới hạn đối với quyền lực
    Khảo luận thứ hai tràn ngập với các ví dụ về cách làm thế nào để giới hạn quyền lực. Rõ ràng Locke không chấp nhận chế độ quân chủ chuyên chế, và theo ông công quốc phải được cai trị bởi chính quyền với quyền lực có giới hạn. Tuy nhiên, trước khi thảo luận về những giới hạn đối với quyền lực trong một công quốc, thì cần phải nhớ rằng ngay cả trong trạng thái tự nhiên với sự tự do hoàn hảo thì những sự ràng buộc vẫn tồn tại và có vai trò quyết định. Khi con người trừng phạt kẻ vi phạm luật pháp, thì họ chỉ trừng phạt anh ta trong trừng mực mà lý tính và lương tâm cho phép, tương xứng với sự vi phạm của anh ta”. Sự bồi thường và sự trừng phạt chỉ được biện minh khi không vượt quá bản chất của sự phạm tội.
    Trong công quốc, quyền lập pháp phải bị giới hạn. Luật pháp phải bền vững và công khai với mọi người dân. Quyền lực không được sử dụng tùy tiện và người dân cũng không thể bị đặt dưới sự kiểm soát của bất cứ thực thể nào khác, chẳng hạn các chính quyền bên ngoài. Nếu cơ quan lập pháp được hình thành từ những người đại diện, thì việc bầu cử phải được tổ chức theo thời gian quy định. Cơ quan hành pháp có thể sử dụng đặc quyền hành động, và có thể tự do đưa ra các quyết định vì lợi ích cộng đồng ngay cả khi vi phạm luật pháp, nhưng chỉ được sử dụng như vậy vì lợi ích của các công dân của công quốc. Đặc quyền hành động cũng bị giới hạn, dù người cai trị có thể thực thi nó với sự tự do rất lớn.  
    Những giới hạn này đối với quyền lực là để bảo vệ các công dân. Nếu quyền hành pháp hay lập pháp vi phạm sự ủy nhiệm giữa họ và người dân, thì người dân có quyền giải tán chính quyền. Đây là giới hạn tối cao đối với quyền lực.

    7. Thượng đế và mục đích của ngài
    Khảo luận thứ hai không phải là một tác phẩm tôn giáo, nhưng nó đề cập đến Thượng đế và mục đích của ngài đối với con người rải rác trong suốt tác phẩm. Locke viết Thượng đế tạo ra mọi người bình đẳng trong trạng thái tự nhiên – rằng “tất cả là tạo phẩm của một đấng tác tạo khôn ngoan vô hạn; tất cả là nô bộc của người, được gửi đến thế giới theo lệnh của người, và vì mục đích của người; và thuộc quyền sở hữu của người”. Vì là sở hữu của Thượng đế nên nhất thiết mọi người phải tôn trọng tất cả những người khác, vì họ cũng là tài sản của người. Luật tự nhiên là luật của Thượng đế. Sinh mạng, sự tự do, và tài sản phải được bảo vệ và sự bảo toàn loài người, tạo phẩm của thượng đế, là tiêu chuẩn tối cao.
    Về tài sản, Thượng đế “ban thế giới chung cho con người, và cũng ban cho họ lý tính để biết cách khai thác nó vì đời sống tốt đẹp nhất của họ”. Hoa trái và muôn thú trên trái đất là để cho con người sinh tồn. Thượng đế cũng lệnh cho con người lao động và khai phá trái đất, nhưng không muốn chúng bị lãng phí. Thượng đế muốn con người có tài sản nhưng không muốn vì nó mà con người trở nên phù phiếm, tham lam.
    Thượng đế cũng là người phán quyết cuối cùng mà con người trông cậy vào khi họ bị đối sử sai trái. Trong một công quốc khi mà người cai trị đi ra ngoài luật lệ và vi phạm đến cuộc sống hay tài sản của người dân, thì người dân có quyền chống lại. Trong trường hợp này, Thượng đế sẽ phán quyết liệu người dân có đúng đắn khi nổi loạn hay không. Khi không có một thẩm quyền trần thế, thì thượng đế là người phán quyết cuối cùng.
    Do đó, Thượng đế tạo ra con người bình đẳng, và muốn họ sống với người khác trong hòa thuận và tôn trọng, cho phép họ tích lũy tài sản nhưng yêu cầu không được tham lam hay phung phí.

     Nguồn:http://www.gradesaver.com/second-treatise-of-government/study-guide/themes
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org