Cá nhân và cộng đồng

Posted on
  • Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Thưa tiến sĩ Adler,
    Chúng tôi được dạy bảo phải có tinh thần cộng đồng, hãy là công dân tốt, và hãy cống hiến sức mình cho lợi ích cộng đồng. Nhưng người ta cũng khuyên chúng tôi hãy phát triển mình như những cá nhân, bồi dưỡng những phẩm chất riêng của mình, và đẩy mạnh an sinh cá nhân. Bộ ở đây không có một xung đột giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân sao? Cái nào phải được ưu tiên cá nhân hay quốc gia?
    A.B.
    A.B. thân mến,
    Hai quan điểm đối cực này đã thống trị cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa cá nhân và quốc gia chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân.
    Theo quan điểm tập thể chủ nghĩa, hoặc chuyên chính, mọi cá nhân là thành viên của quốc gia, cũng như tay chân và các cơ quan phủ tạng là thành phần của một cơ thể, hoặc như các bánh răng và con ốc là những bộ phận của một cỗ máy. Các cá nhân không còn có ý chí riêng nữa, chẳng khác gì các cơ quan của cơ thể hay các bộ phận của máy móc. Các bộ phận hoạt động vì lợi ích của toàn thể. Khi nảy sinh xung đột giữa cá nhân và quốc gia, lợi ích của quốc gia phải luôn được ưu tiên hơn lợi ích của cá nhân.
    Theo quan điểm cá nhân thì sự thỏa mãn cho cá nhân phải ở hàng đầu. Quốc gia chỉ là một công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân. Quan điểm cá nhân chủ nghĩa sẽ hạn chế quốc gia vào một khuôn khổ rất nhỏ hẹp càng ít nhà nước càng tốt. Chủ nghĩa tập thể, ngược lại, muốn quốc gia nắm quyền chỉ đạo mọi hoạt động của con người. Với chủ nghĩa cá nhân, nhà nước là một anh cảnh sát giao thông hay nhân viên thu thuế; với chủ nghĩa tập thể, nhà nước là Thượng Đế trên mặt đất này.
    Một lý thuyết thứ ba cho rằng cả quan điểm cá nhân lẫn tập thể đã dựng lên sự đối kháng không có thật giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia. Những người theo quan điểm trung dung này khẳng định rằng nhà nước không chỉ phục vụ cho các mục tiêu chính trị hòa bình, trật tự, luật pháp mà còn phục vụ mục tiêu cao nhất của con người, đó là hạnh phúc. Một quốc gia ổn cố và có trật tự một cách công bằng sẽ đóng góp vào hạnh phúc của cá nhân trong quốc gia đó. Và một cá nhân có lương tri và tinh thần công dân cũng đóng góp vào hạnh phúc của người khác bằng cách chu toàn các bổn phận công dân của mình.
    Cả ba quan điểm trên đều nêu lên một câu hỏi căn bản về bản chất của con người, Người ta sẽ hoàn thiện mình trong thế cô lập hay trong cộng đồng? Một số nhà tư tưởng cho rằng sự hoàn thiện bản thân nằm trong sự tồn tại của cá nhân như một bộ phận của một tổng thể, tức là, của toàn nhân loại. Một số khác cho rằng cá nhân phải nâng mình lên khỏi đám đông, khỏi đại chúng, chủng tộc. Lại cũng có triết gia chủ trương rằng con người chỉ trở thành một cá thể trong một cộng đồng gồm những đồng loại của mình. Ba quan điểm trên cũng đặt vấn đề là, cộng đồng con người phải có hình thức nào để giúp con người sống hạnh phúc. Chủ nghĩa vô chính phủ chẳng hạn, chủ trương con người nên hợp tác với nhau để đạt tới lợi ích chung lẫn riêng. Nhưng chủ nghĩa này không cho rằng nhà nước, cùng những luật lệ, quan chức, tòa án và cảnh sát của nó, là phương cách để đạt được mục tiêu này. Những người vô chính phủ về triết học mong muốn có được một xã hội của những liên kết tự nguyện và đồng thuận trong đó con người trực tiếp tham dự vào mọi việc, ngược với kiểu tổ chức có tính cưỡng bách của nhà nước chính trị.
    Tuy nhiên, những triết lý chính trị chủ yếu của phương Tây lại chủ trương rằng quốc gia là một hình thức đúng đắn của cộng đồng con người. Họ nghĩ rằng những liên kết tự nguyện mà nhóm vô chính phủ xem là mẫu mực chỉ là sản phẩm của giai đoạn phát triển sơ kỳ của nhân loại. Hầu hết những nhà tư tưởng chính trị ngày nay cho rằng sự tự quản trọn vẹn mà những người vô chính phủ tìm kiếm là điều bất khả thi, con người và xã hội cứ mãi là như vậy.
    Nguồn: Sách Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org