Nhập môn Triết học chính trị - RAWLS (P8)

Posted on
  • Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • RAWLS
    1. Bối cảnh
    ·        2/21/21 - 11/24/02
    ·        giáo sư tại Harvard trong suất sự nghiệp hàn lâm (1962-1991)
    ·        hai tác phẩm chính: Một lý thuyết về công bằng (1971, được hiệu chỉnh lại vào năm 1999) và Chủ nghĩa tự do chính trị (1993)
    ………
    1.1 Tầm quan trọng của tác phẩm Một Lý thuyết công bằng
    Một lý thuyết công bằng (1971) là một bước ngoặt trong Triết học đạo đức. Cho đến nửa đầu thế kỉ 20, các nhà Đạo đức học không quan tâm đến các vấn đề thực hành, như “liệu chiến tranh, hay lạo phá thai có thể được biện minh hay không?”. Triết học chủ yếu quan tâm đến việc phân tích ngôn ngữ, như “chúng ta có thể rút ra ‘phải’ từ ‘’ được hay không?”, hay “’tốt’ có nghĩa là gì?” (đây là những câu hỏi thuộc về lĩnh vực Đạo đức học siêu hình, một lĩnh vực không đưa ra lời khuyên thực hành cho việc chúng ta nên sống như thế nào).
    Trong những năm 1960, có một áp lực đáng kể lên các giáo sự đại học đòi hỏi họ phải bàn nhiều về các vấn đề thực hành hơn là phân tích logic. Ngoài ra, sự tiến bộ công nghệ y học đã tạo ra một loạt các câu hỏi đạo đức mới. Cuối những năm 1960, nghề giảng dạy đại học trở nên khan hiếm. Các chương trình triết học sau đại học tạo ra những tiến sĩ không xin được việc. Trong khi các trường y khoa bắt đầu dạy các khóa học về đạo đức y khoa. Những người không phải là giáo sư triết học bắt đầu viết các bài báo về euthanasia, lạo phá thai …. Từ đó, đã có môt sự bùng nổ các bài báo do các triết gia viết về các vấn đề thực tế khoảng năm 1972, và lĩnh vực Đạo đức học ứng dụng ra đời.
    Cuốn sách của Rawls giúp khảo sát sự bùng nổ này. Nó quay trở lại với cách mà Đạo đức học được tiến hành nghiên cứu trong những thế kỉ trước, một sự quay trở lại với Đạo đức học quy phạm (khuyên chúng ta nên cư xử như thế nào) và rời bỏ Đạo đức học siêu hình. Lần đầu tiên nó đề ra một khả năng hiện thực thay thế cho Thuyết công lợi.
    1.2 Bối cảnh triết học của tác phẩm của Rawls
    Với Locke, chúng ta thấy sự xuất hiện của:
    Chủ nghĩa tự do -- lập trường chính trị đề cao tự do cá nhân; cá nhân có trước, và quan trọng hơn nhà nước – chức năng của nhà nước là để bảo vệ tự do cá nhân – cá nhân phải được phép theo đuổi mục đích của chính họ -- nhà nước tôn trọng sự đa dạng và không nỗ lực áp đặt một kiểu sống cho tất cả cá nhân.
    Làm sao để bảo vệ sự tự do cá nhân tốt nhất? Câu hỏi được theo sau bởi một chuỗi câu trả lời, mà hai trong số đó gắn liền với hai quan niệm khác nhau về tự do.
    quan niệm tích cực về tự do
    (tự do để):
    Đe dọa lớn nhất đối với sự tự do cá nhân là sự phân phối không công bằng của cải, nguồn lực, và cơ hội
    Rousseau
    Marx
    Rawls
    quan niệm tiêu cực về tự do
    (tự do khỏi):
    Đe dọa lớn nhất với sự tự do cá nhân
    là sự can thiệp tùy tiện bởi người khác
    Locke
    Mill
    Nozick
    2. Công bằng xã hội
    Dạng công bằng mà Rawls quan tâm là công bằng xã hội. Nó không phải là một điểm đặc trưng của các hành động cụ thể; thay vào đó nó là một điểm đặc trưng mà một “cấu trúc cơ bản của xã hội” phải có.
    Nguyên tắc công bằng xã hội là một tập hợp các nguyên tắc thực hiện hai điều sau:
    ·        quy định các quyền và bổn phận cho cá nhân không tùy tiện
    ·        phân bố hợp lý “lợi ích và trách nhiệm” từ sự hợp tác xã hội
     Một xã hội được cấu trúc công bằng khi nó được cấu trúc theo các nguyên tắc thực hiện hai điều trên. Nhưng, tất nhiên vẫn còn nhiều điểm bất đồng về điều gì được xem như là không tùy tiện, hay phân bố hợp lý. Ngoài ra, một lý thuyết về công bằng có thể là một lý thuyết tự do, hoặc có thể không:
    ·        lý thuyết công bằng tự do là: (a) một lý thuyết quy định các quyền, bổn phận, và nguồn lực được phân bổ như thế nào trong xã hội và (b) ưu tiên cá nhân và sự tự do cá nhân bên trên sự thịnh vượng của nhà nước
    ·        một lý thuyết công bằng phi tự do: là (b) một lý thuyết quy định các quyền, bổn phận, và nguồn lực được phân bổ như thế nào trong xã hội và (b) ưu tiên sự thịnh vượng của nhà nước bên trên cá nhân và sự tự do cá nhân
    Nhìn chung, người ta thừa nhận rằng lý thuyết công bằng tự do được ưa thích hơn lý thuyết công bằng phi tự do, nhưng vẫn còn sự bất đồng ở mức độ chi tiết. Rawls sẽ sử dụng lý thuyết công bằng tự do, nhưng ông đứng về phía cánh tả của chủ nghĩa tự do.
    3. Vị trí ban đầu
    Rawls thuộc về truyền thống khế ước xã hội trong triết học chính trị (cùng với Hobbes, Locke và nhiều người khác). Nhưng khế ước mà lý thuyết của ông sử dụng không phải là một khế ước để rời khỏi trạng thái tự nhiên và bước vào trong xã hội dân sự.
    “Thay vào đó, ý tưởng chính là: mục đích của khế ước ban đầu là đi tìm các nguyên tắc công bằng cho một cấu trúc cơ bản của xã hội. Chúng là các nguyên tắc mà những người tự do và duy lý sẽ chấp nhận trong một vị trí ban đầu tương đương, và là các điều kiện cơ bản của sự liên kết của họ”.
    Vì vậy Rawls bắt đầu với việc tìm kiếm một khế ước ban đầu mà các cá nhân sống ngoài tất cả các thiết chế xã hội sẽ chấp nhận để đi đến thiết lập các thiết chế như vậy. Ông gọi hoàn cảnh như vậy là Vị trí ban đầu, và các nguyên tắc công bằng là các nguyên tắc mà sẽ được lựa chọn bởi những người trong hoàn cảnh này.
    Con người trong vị trí ban đầu là:
    ·        Đứng đằng sau một Bức màn vô minh: đây là vị trí mà chúng ta hoàn toàn không có một số nhận thức nào đó, như là nhận thức về các đặc điểm cá nhân và vị trí của chúng ta trong xã hội. Tưởng tượng chúng ta không biết bất cứ đặc điểm cụ thể nào của chúng ta như: giới tính, chủng tộc, sự thông minh, tài năng, … Nhưng chúng ta vẫn có nhận thức về con người nói chung và về những sự khác biệt chung này giữa họ; tuy nhiên, chúng ta không biết địa vị cụ thể của tầng lớp mà chúng ta thuộc về.
    ·        Duy lý: tức là họ sử dụng các phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được mục đích của họ
    ·        Thờ ơ với nhau: tức là họ không quan tâm đến sự thịnh vượng của người khác
    ·        Bình đẳngtức là họ “có các quyền bình đẳng khi lựa chọn các nguyên tắc; mỗi người có thể đề nghị các nguyên tắc, và đưa ra các lý do giải thích tại sao họ lại chấp nhận các nguyên tắc đó…”
    Các nguyên tắc công bằng là các nguyên tắc sẽ được lựa chọn bởi những người ở Vị trí ban đầu, vị trí mà họ không biết về hoàn cảnh cá nhân của họ. Họ lựa chọn các nguyên tắc để quản trị xã hội của mình một khi bức màn vô minh được kéo lên. Ý tưởng đằng sau việc sử dụng Vị trí ban đầu để xác định các nguyên tắc công bằng xã hội là: nếu bạn không biết các đặc điểm cá nhân của bạn là gì, thì bạn không thể xây dựng các thiết chế bảo vệ lợi ích của những người mà bạn cùng chia sẻ những đặc điểm đó. Đây là vai trò của fairness (sòng phẳng) trong lý thuyết của Rawls “các nguyên tắc công bằng được đồng ý trong một vị trí ban đầu là sòng phẳng” và là lý do tại sao Rawls gọi lý thuyết của ông là “công bằng như sòng phẳng”.
    4. Các nguyên tắc công bằng
    4.1 Không phải là nguyên tắc công lợi
    Trước khi đi đến các nguyên tắc sẽ được lựa chọn trong Vị trí ban đầu, Rawls cho rằng Nguyên tắc công lợi sẽ không được lựa chọn:
    “Dường như điều sau đây là không thể, đó là: những người xem mình là bình đẳng, và được phép áp đặt các yêu sách của mình lên người khác, sẽ đồng ý với một nguyên tắc mà yêu cầu một viễn cảnh tệ hại hơn cho một số người để mang lại một tổng số lợi ích lớn hơn cho người khác. Vì mọi người đều muốn bảo vệ lợi ích của riêng họ, không ai có lý do để bằng lòng với một sự thiệt hại lâu dài để mang về một tổng số lớn hơn lợi ích cho người khác….nguyên tắc công lợi mâu thuẫn với quan niệm về một sự hợp tác xã hội giữa những người bình đẳng vì lợi ích của nhau”.   
    1.2  Nguyên tắc công bằng thứ nhất: TỰ DO
    Nguyên tắc công bằng thứ nhất, nguyên tắc mà mọi người sẽ chọn ở vị trí ban đầu, là nguyên tắc về các quyền tự do.
    Nguyên tắc công bằng thứ nhất. “Mỗi người có quyền bình đẳng đối với một hệ thống các quyền tự do cơ bản rộng mở nhất tương thích với một hệ thống các quyền tự do tương tự của người khác”; tức là, mỗi người sẽ có một mức độ tự do tối đa tương thích thích với mức độ tự do tương tự của người khác. Ý tưởng nằm đằng sau nguyên tắc này là: tự do là ưu tiên hàng đầu trong số những điều tốt đẹp; nếu bạn không có tự do để theo đuổi các ý tưởng riêng của bạn về một đời sống tốt, thì bạn sẽ không thể có được những điều tốt đẹp khác. Theo Rawls có những quyền tự do sau:
    “… Tự do chính trị (quyền bầu cử và đảm nhận các vị trí công), tự do ngôn luận và lập hội; tự do lương tâm và tự do tư tưởng; tự do khỏi áp bức về mặt tâm lý, sự tấn công bạo lực, sự toàn vẹn của cơ thể; quyền sở hữu và tự do khỏi sự bắt giữ tùy tiện. Theo nguyên tắc thứ nhất, những sự tự do này là như nhau với mọi người.”
    4.3 Nguyên tắc công bằng thứ hai: nguyên tắc phân phối công bằng
    Nguyên tắc thứ hai liên quan đến “phân phối lợi ích kinh tế và xã hội” như tài sản, sự giàu có, quyền lực, và trách nhiệm.
    Nguyên tắc công bằng thứ hai: “sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội được phân bố sao cho chúng: (a) mang lại lợi ích lớn nhất cho những người ít thuận lợi nhất….và (b) quy định các chức vụ và vị trí mở cho tất cả mọi người theo điều kiện bình đẳng về cơ hội”
    Tức là: sự bất bình đẳng trong phân phối những điều kiện thuận lợi (của cải, thu nhập, quyền lực…) chỉ được biện minh nếu (a) chúng mang lại thuận lợi cho những người ít thuận lợi trong xã hội và (b) các vị trí mà mang lại nhiều lợi ích và quyền lực hơn phải được mở rộng cho tất cả mọi người.
    “ ... bất công chỉ có thể chấp nhận được khi nó cần thiết để tránh một sự bất công lớn hơn.
    … sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, chẳng hạn như bất bình đẳng về sự giàu có và quyền lực, chỉ công bằng nếu chúng mang lại lợi ích cho mọi người, đặc biệt là những người kém may mắn trong xã hội” .
    Điều (a) được biết đến như là Nguyên tắc khác biệt; và điều (b) được biết đến như là Nguyên tắc bình đẳng về cơ hội.
    4.3.1 Nguyên tắc bình đẳng cơ hội
    Nguyên tắc này khẳng định sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội chỉ được biện minh về mặt đạo đức nếu nó “gắn các chức vụ và vị trí cho tất cả mọi người theo điều kiện bình đẳng về cơ hội. “Điều này có nghĩa là mọi cá nhân đều có tư cách bình đẳng cho các vị trí và chức vụ vốn mang lại quyền lực và lợi ích”.
    Nhưng nguyên tắc này cũng đòi hỏi các hành động của xã hội để làm cho các nhân có được tư cách bình đẳng này:
    “... sự bình đẳng về cơ hội có được nhờ thông qua một tập hợp các thiết chế nào đó đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội giáo dục và văn hóa, và giữ cho các vị trí và chức vụ mở với tất cả mọi người trên cơ sở phẩm chất và sự nỗ lực”.
    4.3.2 Nguyên tắc khác biệt
    Chính từ nguyên tắc này mà lý thuyết của Rawls được xem như một lý thuyết quân bình. Nguyên tắc này khẳng định rằng sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội được biện minh về mặt đạo đức chỉ nếu chúng mang lại “lợi ích lớn nhất cho những người ít thuận lợi nhất” Với “lợi ích lớn nhất cho những người ít thuận lợi nhất” Rawls muốn nói điều gì?
    Ông muốn nói rằng sự bất bình đẳng làm cho tình trạng của những người bất hạnh trở nên tốt hơn so với khi họ ở trong một trạng thái mà tất cả những thuận lợi xã hội chính được phân phối công bằng: tưởng tượng một trạng thái xã hội trong đó những thuận lợi xã hội chính (giàu có, thu nhập, các quyền, trách nhiệm) được phân phối bình đẳng giữa tất cả mọi người (Rawls phân biệt những thuận lợi xã hội chính này với những thuận lợi tự nhiên như sức khỏe, mạnh mẽ, trí tuệ, và óc tưởng tượng).
    Nếu một sự bất bình đẳng nào đó trong sự phân phối một số thuận lợi chính của xã hội làm cho tình trạng của những người kém may mắn tốt hơn thì đó là một sự bất bình đẳng công bằng. Ví dụ, sự tồn tại của các bác sĩ và chủ doanh nghiệp được trả lương cao sẽ nâng cao điều kiện sống của mọi người, bao gồm những người kém may mắn (người ốm yếu và người nghèo).
    Bất cứ sự bất bình đẳng mà không mang lại lợi ích cho những người kém may mắn hơn trong xã hội thì không thể được bảo chữa, và vì vậy chính quyền cần can thiệp để làm giảm bớt sự bất bình đẳng đó.
    4.3.2.1 Vượt qua sự may rủi tự nhiên
    Rawls nhận ra rằng một số cá nhân được sinh ra với tài năng, trí tuệ, và vẻ đẹp lớn hơn so với người khác, và tương tự như vậy đối những người được sinh ra trong gia đình giàu có. Các phẩm chất tự nhiên mà một người sở hữu, và hoàn cảnh gia đình mà mỗi người sinh ra với, là một vấn đề may rủi, điều mà Rawls miêu tả như là sự may rủi tự nhiên.
    Từ sự may rủi tự nhiên này, các cá nhân nhận được một sự chia sẻ không công bằng về những thuận lợi (như những thuận lợi về kinh tế -- nếu họ sinh ra trong gia đình giàu có, họ kế thừa nhiều tiền hơn người sinh ra trong gia đình nghèo khó; và nếu họ từ tự nhiên đã thông minh hơn, họ sẽ kiếm được một nghề trả lương cao hơn so với những người kém thông mình hơn).
    Những người như vậy không xứng đáng với phần thưởng bất bình đằng này; sự bất bình đẳng bắt nguồn từ may rủi tự nhiên là không công bằng, do vậy nó phải được điều chỉnh bằng sự tái phân phối.
    4.4. Những nguyên tắc này liên hệ với nhau như thế nào
    Nguyên tắc thứ nhất có sự ưu tiên so với nguyên tắc thứ hai, điều này có nghĩa là “bất cứ sự vi phạm các quyên tự do cơ bản được bảo vệ bởi nguyên tắc thứ nhất là không thể bảo chữa. Nói cách khác, lý thuyết của Rawls không cho phép các cá nhân từ bỏ các quyền căn bản để đạt được những thuận lợi về tài sản, thu nhập.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org