CHỦ NGHĨA TỰ DO (LIBERALISM) (P2)

Posted on
  • Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • …..(tiếp P1)…..
    3. TRIẾT LÝ
    Chủ nghĩa tự do - cả như là một truyền thống chính trị và một truyền thống tư tưởng - là một hiện tượng hiện đại bắt đầu từ thế kỷ thứ 17, mặc dù một số ý tưởng triết học tự do có từ thời cổ đại. Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius ca ngợi "ý tưởng về một thành bang được cai trị với các quyền bình đẳng và tự do ngôn luận, và ý tưởng về một chính phủ quân chủ tôn trọng hầu hết tất cả các quyền tự do của người dân". Các học giả cũng công nhận một số nguyên tắc quen thuộc với chủ nghĩa tự do hiện đại xuất hiện trong các tác phẩm của một số nhà Ngụy biện và trong tác phẩm Funeral Oration của Pericles. Triết lý tự do tượng trưng cho một truyền thống trí tuệ rộng lớn, nó khảo sát và phổ biến một số nguyên tắc quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất của thế giới hiện đại. Số lượng các công trình học thuật và hàn lâm to lớn của nó chứng tỏ "sự phong phú và đa dạng"của nó, nhưng sự phong phú và đa dạng đó thường đồng nghĩa là chủ nghĩa tự do có nhiều dạng thức khác nhau và vì vậy trở thành một thách thức cho bất cứ ai tìm kiếm một định nghĩa rõ ràng về nó.
    3.1 Các chủ đề chính
    Mặc dù tất cả các học thuyết tự do sở hữu một di sản chung, nhưng các học giả thường cho rằng những học thuyết này chứa đựng những "dòng tư tưởng riêng biệt và thường mâu thuẫn với nhau". Mục tiêu của các nhà lý thuyết và các triết gia tự do khác nhau ở các thời điểm khác nhau, ở các nền văn hóa, và các châu lục khác nhau. Sự đa dạng của chủ nghĩa tự do có thể nhận thấy từ vố số những đặc điểm mà các nhà tư tưởng tự do và các phong trào đã gắn cho thuật ngữ chủ nghĩa tự do, bao gồm cổ điển, quân bình, kinh tế, xã hội, nhà nước phúc lợi, đạo đức, nhân văn, bản thể học, cầu toàn, dân chủ, thể chế,và vân vân. Dù những khác nhau này, tư tưởng tự do thể hiện một vài quan niệm rõ ràng và cơ bản. Tại gốc rễ của nó, chủ nghĩa tự do là một triết lý về ý nghĩa của con người và xã hội. Nhà triết học chính trị John Gray xác định các đặc điểm phổ biến trong tư tưởng tự do gồm: chủ nghĩa cá nhân, sự quân bình, sự tiến bộ, và sự phổ quát. Yếu tố cá nhân chủ nghĩa khẳng định tính ưu việt về đạo đức của con người chống lại những áp lực của chủ nghĩa tập thể xã hội, yếu tố quân bình quy định giá trị đạo đức và địa vị tương tự cho tất cả mọi người, yếu tố tiến bộ khẳng định rằng thế hệ kế tiếp có thể cải thiện các dàn xếp chính trị xã hội của họ, và yếu tố phổ quát khẳng định sự thống nhất về đạo đức của loài người và giảm bớt khác biệt văn hóa địa phương. Yếu tố tiến bộ là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi, được bảo vệ bởi các nhà tư tưởng như Immanuel Kant, người tin vào sự tiến bộ của con người, trong khi bị tấn công bởi các nhà tư tưởng như Rousseau, người ta tin rằng những nỗ lực của con người để cải thiện bản thân thông qua hợp tác xã hội là thất bại. Mô tả đặc điểm tự do này, Gray cho rằng nó "được truyền cảm hứng bởi sự hoài nghi về sự chắc chắn của sự mạc khải của tôn giáo ... nó tôn vinh sức mạnh của lý tính ngay cả khi, trong những một số hoàn cảnh khác, nó đã tìm cách hạ thấp các yêu sách của lý tính". Truyền thống triết học tự do tìm kiếm cơ sở cho sự xác nhận và biện minh thông qua một số dự án trí tuệ. Các giả định về đạo đức và chính trị của chủ nghĩa tự do dựa trên các truyền thống chẳng hạn như: quyền tự nhiên và thuyết công lợi, mặc dù đôi khi các nhà tự do thậm chí yêu cầu hỗ trợ từ khoa học và tôn giáo. Thông qua tất cả các nhánh và truyền thống này, các học giả đã xác định các khía cạnh phổ biến chủ yếu sau đây của tư tưởng tự do: tin vào sự bình đẳng và tự do cá nhân, ủng hộ sở hữu tư nhân và quyền cá nhân, ủng hộ ý tưởng về một chính phủ hợp hiến giới hạn, và nhận ra tầm quan trọng của các giá trị liên quan như chủ nghĩa đa nguyên, khoan dung, tự trị, toàn vẹn cơ thể và sự đồng thuận.
    3.2 Cổ điển và hiện đại
    Các triết gia khai sáng được cho là những người hình thành nên tư tưởng tự do. Thomas Hobbes đã cố gắng để xác định mục đích và sự biện minh cho thẩm quyền cai trị trong một nước Anh thời hậu nội chiến. Sử dụng các ý tưởng về trạng thái tự nhiên - một trạng thái chiến tranh giả thiết - viễn cảnh trước khi có Nhà nước - ông đã xây dựng ý tưởng về một khế ước xã hội mà các cá nhân tham gia vào để đảm bảo an ninh của họ và khi làm như vậy họ hình thành Nhà nước, và từ đó kết luận rằng chỉ có một chủ quyền tuyệt đối mới có thể duy trì một nền hòa bình như vậy. John Locke, dù áp dụng các ý tưởng về trạng thái tự nhiên và khế ước xã hội của Hobbes, song ông lại cho rằng khi các vị vua trở thành những kẻ bạo chúa, thì đó là một sự vi phạm khế ước xã hội. Ông kết luận rằng người dân có quyền lật đổ một bạo chúa. Bằng cách đặt cuộc sống, quyền tự do và tài sản như các giá trị tối cao, Locke xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa tự do dựa trên lý thuyết khế ước xã hội. Đối với các nhà tư tưởng khai sáng thời kì đầu, sự đảm bảo các tiện nghi thiết yếu của cuộc – mà tự do và sở hữu tư nhân nằm trong số đó – đòi hỏi hình thành một cơ quan nắm giữ "chủ quyền" có quyền lực phổ quát. Các nhà tư tưởng tự do cho rằng, trong một trạng thái tự nhiên, con người bị thúc đẩy bởi các bản năng sinh tồn, và cách duy nhất để thoát khỏi tinh trạng nguy hiểm như vậy là hình thành một sức mạnh chung và tối cao có khả năng phân xử những ham muốn xung đột của con người. Sức mạnh này có thể được hình thành trong khuôn khổ của một xã hội cho phép các cá nhân thực hiện một khế ước xã hội tự nguyện với chủ quyền tối cao, chuyển giao các quyền tự nhiên của mình cho cơ quan đó đổi lại cho sự bảo vệ cuộc sống, các quyền tự do và tài sản. Các nhà tự do thời kì đầu thường bất đồng về hình thức của chính quyền, nhưng họ đều có chung niềm tin rằng tự do là một quyền tự nhiên và những hạn chế đối với nó cần một sự biện hộ mạnh mẽ. Các nhà tự do thường thường tin tưởng vào một chính phủ hạn chế, mặc dù một số nhà triết học tự do bác bỏ hoàn toàn vai trò của chính phủ, như Thomas Paine viết rằng "chính phủ ngay cả trong dạng tốt nhất của nó vẫn nhất thiết là một thứ xấu xa".
    Là một phần của dự án hạn chế quyền hạn của Chính phủ, các nhà lý thuyết tự do khác nhau như James Madison và Baron de Montesquieu hình thành khái niệm về sự phân chia quyền lực, một hệ thống được thiết kế để phân phối đồng đều thẩm quyền giữa các cơ quan chính như hành pháp, lập pháp và tư pháp. Các nhà tư tưởng tự do khẳng định, các chính quyền phải thừa nhận rằng cự cai trị kém cỏi và sự không hợp pháp sẽ trao cho người dân thẩm quyền để lật đổ sự cai trị hiện hành với tất cả các phương tiện có thể, thậm chí thông qua bạo lực và cách mạng, nếu cần thiết. Các nhà tự do đương đại, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa tự do xã hội, tiếp tục ủng hộ một chính phủ hợp hiến và giới hạn trong khi cũng ủng hộ cho các dịch vụ nhà nước và các quy định để đảm bảo các quyền bình đẳng. Các nhà tự do hiện đại cho rằng sự bảo đảm về mặt hình thức các quyền cá nhân là không đủ khi họ thiếu các phương tiện vật chất cần thiết để có thể hưởng lợi từ các quyền đó và kêu gọi cho một vai trò lớn hơn của chính phủ trong việc quản lý các vấn đề kinh tế.
    Các nhà tự do thời kì đầu cũng đã đặt nền móng cho việc tách rời giữa nhà thờ và nhà nước. Là những người thừa kế của thời kì Khai sáng, các nhà tự do tin rằng bất cứ trật tự chính trị và xã hội nào cũng đều bắt nguồn từ tương tác của con người, không phải từ ý chí thần thánh. Nhiều nhà tự do đã công khai sự thù địch đối với niềm tin tôn giáo, nhưng hầu hết họ tập trung phản đối sự liên minh giữa thẩm quyền tôn giáo và thẩm quyền chính trị, và lập luận rằng đức tin có thể phát triển thịnh vượng trong lĩnh vực riêng của mình, mà không cần hỗ trợ hoặc sự quản lý của nhà nước.
    Ngoài việc xác định vai trò rõ ràng của chính quyền trong xã hội hiện đại, các nhà tự do cũng đã bị ám ảnh về ý nghĩa và bản chất của nguyên tắc quan trọng nhất trong triết học tự do: đó là nguyên tắc tự do. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, các nhà tự do - từ Adam Smith đến John Stuart Mill – đều khái niệm hóa khái niệm tự do như sự vắng mặt của sự can thiệp từ nhà nước và các cá nhân khác, tuyên bố rằng tất cả mọi người phải có quyền tự do phát triển các khả năng độc đáo của riêng mình mà không bị phá hoại bởi những người khác. Tác phẩm Bàn về tự do (1859) của Mill, một trong những văn bản kinh điển nhất trong triết học tự do, tuyên bố rằng "thứ tự do duy nhất xứng đáng với tên gọi của nó, đó là tự do theo đuổi lợi ích của mình theo cách riêng của mình". Sự ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản laissez-faire thường được kết hợp với nguyên tắc này, theo lập luận của Friedrich Hayek trong cuốn Đường về nô lệ (1944) thì sự tin tưởng vào thị trường tự do có thể ngăn ngừa sự kiểm soát độc tài của nhà nước.
    Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, một quan niệm mới về tự do bước vào đấu trường trí tuệ tự do. Dạng tự do mới này được gọi là tự do tích cực để phân biệt với phiên bản tiêu cực trước đó, và nó lần đầu tiên được phát triển bởi nhà triết học Anh Thomas Hill Green. Green bác bỏ ý tưởng cho rằng con người bị thúc đẩy chỉ bởi tư lợi, thay vào đó ông nhấn mạnh những hoàn cảnh phức tạp có liên quan đến sự phát triển đạo đức của chúng ta. Trong một bước đi rất sâu sắc đối với tương lai của chủ nghĩa tự do hiện đại, ông giao cho các thiết chế xã hội và chính trị nhiệm vụ tăng cường sự tự do và bản sắc cá nhân, và sự phát triển của đạo đức, ý chí và lý trí của họ. Và nhà nước tạo ra các điều kiện cho phép cho những điều trên, mang đến các cơ hội cho sự lựa chọn thực sự. Báo hiệu sự tự do mới như là sự tự do để hành động chứ không phải là để tránh sự can thiệp của người khác. Thay vì các quan niệm tự do trước xem xã hội bao gồm các cá nhân ích kỷ, Green xem xã hội như là một tổng thể hữu cơ mà trong đó tất cả các cá nhân phải có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích chung. Ý tưởng của ông nhanh chóng lan rộng và được phát triển bởi các nhà tư tưởng khác như LT Hobhouse và John Hobson. Trong một vài năm, chủ nghĩa tự do mới này đã trở thành chương trình xã hội và chính trị quan trọng của đảng Tự do ở Anh, và nó sẽ tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ 20. Ngoài việc khảo sát tự do tiêu cực và tích cực, các nhà tự do đã cố gắng để hiểu được mối quan hệ hợp lý giữa tự do và dân chủ. Khi họ đấu tranh để mở rộng quyền phổ thông đầu phiếu, các nhà tự do ngày càng hiểu rằng người dân bị loại ra khỏi quá trình ra quyết định dân chủ sẽ dẫn đến sự chuyên chế của đa số, một khái niệm được giải thích trong tác phẩm Bàn về tự do của Mill và Dân chủ ở Mỹ (1835) của Alexis de Tocqueville. Như một phản ứng, các nhà tự do bắt đầu yêu cầu các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn đa số trong những nỗ lực của họ để đàn áp các quyền của thiểu số.
    Ngoài sự tự do, các nhà tự do đã phát triển một số nguyên tắc quan trọng khác cho việc xây dựng các cấu trúc triết học của họ, chẳng hạn như bình đẳng, đa nguyên, và sự khoan dung. Nêu bật những sự nhầm lẫn về nguyên tắc đầu tiên, Voltaire đã nhận xét rằng "bình đẳng cùng lúc là thứ tự nhiên nhất và ảo tưởng nhất trong mọi thứ". Tất cả các dạng chủ nghĩa tự do đều cho rằng các cá nhân là bình đẳng. Khi khẳng định rằng mọi người đều bình đẳng từ tự nhiên, các nhà tự do giả định tất cả mọi người đều có cùng một số quyền tự do. Nói cách khác, không ai được trao quyền hưởng những lợi ích xã hội tự do hơn bất cứ người khác, và tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ngoài khái niệm cơ bản này, các nhà lý thuyết tự do bất đồng về cách hiểu của họ đối với bình đẳng. Triết gia người Mỹ John Rawls nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo không chỉ sự bình đẳng trước pháp luật, mà còn sự phân bình đẳng các nguồn lực vật chất mà cá nhân cần để phát triển các nguyện vọng của họ trong cuộc sống. Nhưng nhà tư tưởng tự do Robert Nozick không đồng ý với Rawls, thay vào đó ông đấu tranh cho phiên bản cũ của Locke về bình đẳng. Khi đóng góp cho sự phát triển của tự do, các nhà tự do cũng đã thúc đẩy các khái niệm như chủ nghĩa đa nguyên và sự khoan dung. Bởi sự đa nguyên, các nhà tự do muốn đề cập đến sự đa dạng của các ý kiến ​​và niềm tin, vốn là một đặc điểm của một trật tự xã hội ổn định. Không giống như nhiều đối thủ cạnh tranh và những người tiền nhiệm của họ, các nhà tự do không tìm kiếm sự tuân phục và sự đồng nhất; trên thực tế, các nỗ lực của họ hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ quản lý nhằm điều hòa và giảm thiểu các quan điểm trái ngược nhau, nhưng vẫn cho phép những quan điểm này tồn tại và phát triển. Đối với triết lý tự do, sự đa nguyên dễ dàng dẫn đến sự khoan dung. Các nhà tự do tranh luận rằng, vì các cá nhân có đa dạng các quan điểm, nên họ phải duy trì và tôn trọng các quyền của những người không đồng ý với họ. Từ quan điểm tự do, khoan dung trước tiên được nối kết với khoan dung tôn giáo, như Spinoza lên án về "sự ngu ngốc của việc đàn áp tôn giáo và các cuộc chiến tranh ý thức hệ ". Khoan dung cũng đóng một vai trò trung tâm trong các ý tưởng của Kant và John Stuart Mill. Cả hai nhà tư tưởng tin rằng xã hội sẽ có những quan niệm khác nhau về một đời sống đạo đức tốt lành và mọi người nên được cho phép đưa ra các lựa chọn của riêng mình mà không cần sự can thiệp của các cá nhân khác hoặc nhà nước.
    3.3 Phê phán và ủng hộ
    Chủ nghĩa tự do đã thu hút được cả những lời chỉ trích và ủng hộ trong lịch sử của nó từ các nhóm ý thức hệ khác nhau. Ví dụ, một số học giả cho rằng chủ nghĩa tự do đã đưa đến chủ nghĩa bình đẳng giới, song những người khác lại khẳng định rằng nền dân chủ tự do là không đủ cho việc hiện thực hóa các mục tiêu nữ quyền. Chủ nghĩa nữ quyền tự do, một truyền thống chi phối trong lịch sử của phong trào nữ quyền, hy vọng sẽ xóa bỏ tất cả các rào cản đối với sự bất bình đẳng giới - cho rằng sự tồn tại tiếp tục của những rào cản như vậy tước đi các quyền và sự tự do cá nhân được đảm bảo về mặt hình thức bởi một trật tự xã hội tự do. Nhà triết học người Anh, Mary Wollstonecraft được coi là người tiên phong của phong trào nữ quyền tự do, với  tác phẩm Một tuyên ngôn về các quyền của phụ nữ (1792), bà mở rộng ranh giới của chủ nghĩa tự do để bao gồm phụ nữ trong cơ cấu chính trị của xã hội tự do. Ít thân thiện hơn với các mục tiêu của chủ nghĩa tự do là chủ nghĩa bảo thủ. Edmund Burke, được coi là người đề xuất chính thức đầu tiên của tư tưởng bảo thủ hiện đại, đã cung cấp một sự phê phán sắc bén đối với Cách mạng Pháp bằng cách tấn công vào các kì vọng tự do đối với sức mạnh của lý tính và sự bình đẳng tự nhiên của tất cả mọi người.Các nhà bảo thủ cũng tấn công điều mà họ cho rằng sự theo đuổi tự do một cách thiếu thận trọng đối với sự tiến bộ và thịnh vượng vật chất sẽ làm suy yếu các giá trị xã hội truyền thống bắt nguồn từ cộng đồng và từ sự kế thừa liên tục. Tuy nhiên, một vài biến thể của chủ nghĩa bảo thủ, như chủ nghĩa bảo thủ tự do, cũng tán thành một số ý tưởng và nguyên tắc giống như những ý tưởng và nguyên tắc mà chủ nghĩa tự do cổ điển bảo vệ, bao gồm "chính phủ nhỏ và chủ nghĩa tư bản thịnh vượng".
    Có một số nhầm lẫn về mối quan hệ giữa chủ nghĩa tự do xã hội và chủ nghĩa xã hội, mặc dù thực tế nhiều biến thể của chủ nghĩa xã hội phân biệt chính nó một cách rõ rệt với chủ nghĩa tự do bằng cách chống lại chủ nghĩa tư bản, hệ thống cấp bậc, và sở hữu tư nhân. Chủ nghĩa xã hội được hình thành từ một nhóm các ý thức hệ khác nhau có liên quan với nhau trong thế kỷ 19 như chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo, chủ nghĩa cộng sản (với các tác phẩm của Karl Marx), và chủ nghĩa vô chính phủ (với các tác phẩm của Mikhail Bakunin), trong đó cả hai cái sau bị ảnh hưởng bởi Công xã Paris. Các ý thức hệ này – cũng như chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ - bị phân tán thành một số phong trào lớn nhỏ trong các thập niên sau đó. Marx bác bỏ các khía cạnh cơ bản của lý thuyết tự do, hy vọng sẽ tiêu diệt cả nhà nước và sự phân biệt giữa xã hội và cá nhân trong khi kết hợp cả hai thành một toàn bộ tập thể được thiết kế để lật đổ trật tự tư bản đang phát triển của thế kỷ 19. Ngày nay, các đảng phái và các ý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn là một lực lượng chính trị với những mức độ quyền lực và ảnh hưởng khác nhau ở tất cả các châu lục, và đang dẫn dắt các chính phủ quốc gia ở nhiều quốc gia. Chủ nghĩa xã hội tự do là một triết lý chính trị xã hội chủ nghĩa bao gồm các nguyên tắc tự do bên trong nó. Chủ nghĩa xã hội tự do không có mục tiêu xoá bỏ chủ nghĩa tư bản bằng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa; thay vào đó, nó ủng hộ một nền kinh tế hỗn hợp, bao gồm cả sở hữu công và sở hữu tư nhân. Các nguyên tắc mô tả "chủ nghĩa xã hội tự do" được dựa trên hoặc được phát triển bởi các nhà triết học sau đây: John Stuart Mill, Eduard Bernstein, John Dewey, Carlo Rosselli, Norberto Bobbio và Chantal Mouffe. Các nhà chủ nghĩa xã hội tự do quan trọng khác bao gồm Guido Calogero, Piero Gobetti, Leonard Trelawny Hobhouse, và RH Tawney. Chủ nghĩa xã hội tự do đặc biệt nổi bật trong nền chính trị Anh và Ý.
    Phong trào dân chủ xã hội, một hệ tư tưởng ủng hộ cải biến một cách hòa bình chủ nghĩa tư bản xuất hiện vào thế kỷ 20 và bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nó không giống như chủ nghĩa xã hội vì nó không phải là chủ nghĩa tập thể, cũng như không chống chủ nghĩa tư bản. Nói được định nghĩa một cách rộng rãi như là một dự án thông qua cải cách chính phủ nhằm chỉnh sửa những gì được coi là những khiếm khuyết nội tại của chủ nghĩa tư bản bằng cách giảm sự bất bình đẳng, phong trào dân chủ xã hội cũng không chống lại nhà nước. Một số nhà bình luận đã ghi nhận sự tương đồng giữa chủ nghĩa tự do xã hội và dân chủ xã hội, và một nhà khoa học chính trị thậm chí gọi chủ nghĩa tự do Mỹ là "dân chủ xã hội lậu" do sự vắng mặt của một truyền thống dân chủ xã hội quan trọng tại Hoa Kỳ mà các nhà tự do đã cố gắng khắc phục. Một phong trào khác gắn liền với nền dân chủ hiện đại, là dân chủ Thiên chúa giáo, với hy vọng phổ biến các ý tưởng xã hội Công giáo và đã giành được một số lượng lớn người đi theo ở một số quốc gia châu Âu. Những gốc rễ ban đầu của nền dân chủ Kitô giáo được phát triển như là một phản ứng đối với sự công nghiệp hóa và đô thị hóa gắn liền với chủ nghĩa tự do laissez-faire trong thế kỷ 19. Mặc dù những mối quan hệ phức tạp này, một số học giả đã lập luận rằng chủ nghĩa tự do thực sự hoàn toàn là "tư duy phi ý thức hệ", phần lớn là vì một tư duy ý thức hệ có thể dẫn đến những kỳ vọng không thực tế cho xã hội loài người.
    4. TRÊN THẾ GIỚI
    Chủ nghĩa tự do thường được trích dẫn như là một hệ tư tưởng thống trị trong thời hiện đại. Về mặt chính trị, các đảng phái tự do được tổ chức một cách rộng rãi trên khắp thế giới. Các đảng phái tự do, think tanks, và các thiết chế khác phổ biến ở nhiều quốc gia, dù họ ủng hộ các nguyên tắc khác nhau dựa trên khuynh hướng tư tưởng khác nhau của họ. Các đảng phái tự do có thể là trung tả, ôn hòa, hoặc trung hữu tùy thuộc vào vị trí của họ.
    Họ cũng có thể được phân chia dựa trên sự kết hợp của họ với chủ nghĩa tự do xã hội hay chủ nghĩa tự do cổ điển, mặc dù tất cả các đảng phái và các cá nhân tự do đều chia sẻ nhiều nét tương đồng cơ bản, bao gồm ủng hộ các quyền dân sự và các thiết chế dân chủ. Ở mức độ toàn cầu, các nhà tự do được thống nhất trong liên đoàn Tự do Quốc tế (LI), với hơn 100 đảng phái và các tổ chức tự do giàu ảnh hưởng.
    Một số đảng phái trong LI là một trong những đảng nổi tiếng nhất trên thế giới, chẳng hạn như Đảng Tự do của Canada, trong khi một số khác là một trong những đảng nhỏ nhất, chẳng hạn như Đảng Tự do Gibraltar. Ở cấp độ khu vực, những  người tự do được tổ chức thông qua các thiết chế khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh địa chính trị hiện hành. Ví dụ, Đảng cải cách và dân chủ tự do Châu âu, đại diện cho quyền lợi của những người tự do ở châu Âu, trong khi Liên minh của những người Tự do và Dân chủ Châu âu là nhóm tự do chiếm ưu thế trong Nghị viện châu Âu.
    4.1 Châu Âu
    Tại châu Âu, chủ nghĩa tự do có một truyền thống lâu đời kể từ thế kỷ 17. Các học giả thường phân chia những truyền thống này thành phiên bản Anh và Pháp, với các phiên bản trước nhấn mạnh việc mở rộng các giá trị dân chủ và cải cách hiến pháp, trong khi phiên bản sau bác bỏ cơ cấu kinh tế và chính trị độc tài, cũng như tích cực tham gia vào việc kiến thiết quốc gia. Phiên bản Pháp lục địa bị chia rẽ sâu sắc giữa ôn hòa và cấp tiến, với những người ôn hòa có khuynh hướng hướng tới chủ nghĩa tinh hoa và ủng hộ một cách hòa bình việc phổ quát hóa các thiết chế cơ bản, chẳng hạn như bầu cử phổ thông, giáo dục phổ quát, và việc mở rộng các quyền sở hữu. Theo thời gian, những người ôn hòa thay thế những người cấp tiến như là những người bảo vệ chính của chủ nghĩa tự do châu Âu lục địa. Một ví dụ nổi bật của sự phân chia này là Đảng Dân chủ Tự do Đức, bị phân chia thành các phe tự do xã hội và tự do quốc gia.
    Trước Thế chiến thứ I, các đảng phái tự do chi phối nền chính trị châu Âu, nhưng họ dần dần bị thay thế bởi các đảng phái xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội trong những năm đầu thế kỷ 20. Vận mệnh của các đảng phái tự do kể từ Thế chiến II khá trái ngược, một số đạt được sức mạnh trong khi một số khác phải chịu sự sụt giảm liên tục. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của Nam Tư vào cuối thế kỷ 20, cho phép hình thành nhiều đảng phái tự do khắp Đông Âu. Các đảng này phát triển các đặc điểm ý thức hệ khác nhau. Một số, chẳng hạn như đảng dân chủ tự do Slovenian hay đảng Tự do Xã hội Lithuania, đã được mô tả như là trung tả. Những đảng khác, chẳng hạn như đảng Tự do quốc gia Rumani, đã được xếp vào loại trung hữu.
    Ở Tây Âu, một số đảng phái tự do đã trải qua những sự đổi mới, từ đó trở lại với sân khấu chính trị sau những thất bại lịch sử. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là đảng Dân chủ Tự do ở Anh. Đảng Dân chủ Tự do là đảng thừa kế của Đảng Tự do hùng mạnh một thời, vốn đã bị mất đi sự ủng hộ rất lớn sang Đảng Lao động trong những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi gần như biến mất khỏi chính trường Anh, đảng Tự do cuối cùng kết hợp với Đảng Dân chủ Xã hội, một nhóm tách ra từ đảng Lao động, vào năm 1988 để thành lập đảng Tự do Dân chủ hiện tại, một đảng phái tự do xã hội. Đảng Dân chủ Tự do giành được sự ủng hộ đáng kể trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005 và trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương, đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ mà một đảng Anh với ý thức hệ tự do đạt được những thành công bầu cử như vậy. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010, Đảng Dân chủ Tự do thành lập một chính phủ liên minh với đảng Bảo thủ dẫn đến lãnh đạo đảng Nick Clegg trở thành Phó Thủ tướng Anh và nhiều thành viên khác trở thành bộ trưởng.
    Cả ở Anh và các nơi khác ở Tây Âu, các đảng phái tự do thường hợp tác với các đảng dân chủ xã hội và chủ nghĩa xã hội, bằng chứng là Liên minh tím ở Hà lan trong thời gian cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Liên minh tím, một trong những hệ quả quan trọng nhất trong lịch sử của Hà Lan, đã quy tụ đảng phái tự do cánh tả tiến bộ, đảng tự do, đảng trung hữu VVD, và đảng Lao động dân chủ xã hội - một sự kết hợp khác thường mà cuối cùng đã hợp pháp hóa các vấn đề hôn nhân đồng giới, chết nhân đạo, mại dâm trong khi cũng thiết lập một chính sách không có tính cưỡng bách đối với cần sa.
    4.2 Mỹ
    Tại Bắc Mỹ, không giống như ở châu Âu, thuật ngữ chủ nghĩa tự do từ hầu như chỉ đề cập đến chủ nghĩa tự do xã hội trong nền chính trị đương đại. Các đảng phái chi phối ở Canada và Mỹ, như Đảng Tự do và Đảng Dân chủ, thường xuyên được coi như là các đảng tự do hiện đại hay các đảng trung tả trong các tài liệu học tập. Tại Canada, Đảng Tự do chi phối lâu dài, được gọi một cách thông tục là Grits, cai trị đất nước trong gần 70 năm trong thế kỷ 20. Đảng đã tạo ra một số thủ tướng ảnh hưởng nhất trong lịch sử Canada, bao gồm Pierre Trudeau, Lester B. Pearson và Jean Chrétien, và chịu trách nhiệm chính cho sự phát triển của nhà nước phúc lợi ở Canada. Sự thành công to lớn của các đảng Tự do - hầu như chưa từng có trong bất kỳ nền dân chủ tự do khác - đã khiến nhiều nhà bình luận chính trị xem họ là đảng cai trị hiển nhiên của quốc gia. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử gần đây đảng thu được kết quả yếu kém, và bị suy yếu ở cấp độ liên bang so với hai đảng là Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ dân xã hội mới.
    Tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa tự do hiện đại có thể lần theo dấu vết lịch sử của nó tới vị tổng thống nổi tiếng Franklin Delano Roosevelt, người khởi xướng New Deal để ứng phó với cuộc Đại khủng hoảng và giành chiến thắng bốn cuộc bầu của liên tiếp, một điều chưa từng có. Liên minh New Deal được thành lập bởi Franklin Roosevelt đã để lại một di sản quyết định và ảnh hưởng đến nhiều tổng thống Mỹ trong tương lai, bao gồm John F. Kennedy, một người tự do tự xưng, người định nghĩa một người tự do như là "người nhìn về phía trước mà không về phía sau, người hoan nghênh những ý tưởng mới mà không phản ứng một cách cứng nhắc ... người quan tâm đến phúc lợi của nhân dân".
    Trong những năm cuối thế kỷ 20, một phản ứng dữ dội mang tính bảo thủ chống lại các dạng chủ nghĩa tự do được bảo vệ bởi  Roosevelt và Kennedy phát triển trong Đảng Cộng hòa. Nhánh bảo thủ này chủ yếu phản ứng chống lại tình trạng bất ổn dân sự và những thay đổi văn hóa diễn ra trong những năm 1960. Nó giúp một số người trở thành tổng thống như Ronald Reagan, George H W Bush, và George W. Bush. Khủng hoảng kinh tế trong những năm đầu thế kỷ 21 đã dẫn đến một sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do xã hội với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2008 của Barack Obama.
    Ở Mỹ Latin, những băn khăn tự do diễn ra kể từ thế kỷ 19, khi các nhóm tự do thường xuyên chiến đấu và lật đổ bằng bạo lực các chế độ bảo thủ ở một số nước trong khu vực. Cuộc cách mạng tự do ở các nước như Mexico và Ecuador mở ra một thế giới hiện đại cho nhiều  nước Mỹ Latin. Các nhà tự do Mỹ Latin thường nhấn mạnh đến tự do thương mại, sở hữu tư nhân, và chống giáo sĩ. Ngày nay, các nhà tự do ở Mỹ Latin được tổ chức thành Red Liberal de América Latina (RELIAL), một mạng lưới trung hữu, bao gồm hàng chục các đảng phái và tổ chức tự do.
    4.3 Các khu vực khác
    Ở Úc, chủ nghĩa tự do chủ yếu được bảo vệ bởi Đảng Tự do trung hữu. Các đảng Tự do tại Úc ủng hộ thị trường tự do và gồm cả hai phe phái tự do xã hội và tự do cổ điển. Tại Ấn Độ, quốc gia dân chủ đông dân nhất trên thế giới, đảng Quốc đại (INC) đã chi phối lâu dài trong các vấn đề chính trị. Đảng INC được thành lập vào những năm cuối thế kỷ 19 bởi những người quốc gia tự do đòi hỏi tạo ra một nước Ấn Độ tự do và tự chủ. Chủ nghĩa tự do tiếp tục là ý thức hệ chính của nhóm trong suất những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng chủ nghĩa xã hội dần dần chi phối tư duy trong những thập kỷ kế tiếp.
    Ở châu Á, chủ nghĩa tự do là một hiện tượng chính trị non trẻ hơn nhiều so với ở châu Âu hay châu Mỹ. Các đảng phái tự do được tổ chức thành Hiệp hội các đảng Tự do và Dân chủ Châu Á, trong đó bao gồm các đảng mạnh như Đảng Tự do ở Philippines, đảng Tiến bộ Dân chủ ở Đài Loan, và đảng Pheu Thái ở Thái Lan. Hai ví dụ đáng chú ý về ảnh hưởng của phong trào tự do có thể được tìm thấy ở Ấn Độ và Úc, mặc dù các số quốc gia châu Á đã bác bỏ một số nguyên tắc tự do quan trọng.
    Cuộc đấu tranh nổi tiếng do INC lãnh đạo cuối cùng đã giành độc lập cho Ấn Độ từ Anh. Trong thời gian gần đây, đảng đã áp dụng nhiều nguyên tắc tự do hơn, bao gồm bảo vệ thị trường mở trong khi vẫn tìm kiếm công bằng xã hội. Nói chung, chủ đề chính của chủ nghĩa tự do châu Á trong vài thập kỷ qua là, sự gia tăng dân chủ là một phương pháp tạo thuận lợi cho việc hiện đại hóa kinh tế nhanh chóng của châu lục này. Tuy nhiên, trong các quốc gia như Myanmar, chế độ tự do dân chủ đã được thay thế bởi chế độ độc tài quân sự.
    Tại châu Phi, chủ nghĩa tự do tương đối yếu. Đảng Wafd là một đảng chính trị tự do dân tộc ở Ai Cập. Nó được cho là đảng chính trị nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của Ai Cập trong những năm 1920 và 30. Trong lục địa, các đảng tự do được tổ chức thành Mạng lưới châu Phi Tự do, trong đó có chứa các đảng có ảnh hưởng như Phong trào nhân dân ở Morocco, Đảng Dân chủ ở Senegal, và Liên minh của những người cộng hòa ở Côte d'Ivoire.
    Trong số các quốc gia châu Phi, Nam Phi đứng riêng rẽ vì nó có một truyền thống tự do đáng chú ý mà nhiều nước khác trên lục địa không có. Vào giữa thế kỷ 20, đảng Tự do được thành lập để phản đối chính sách phân biệt chủng tộc của chính phủ. Những người tự do thành lập một đảng đa sắc tộc mà ban đầu đã thu hút được sự hỗ trợ đáng kể từ người da đen ở thành thị và những người da trắng có giáo dục đại học. Nó cũng nhận được sự ủng hộ từ các "thành phần tây hóa của nông dân", và các cuộc họp công cộng của nó được rất nhiều người da đen tham gia. Đảng có 7.000 thành viên lúc cao điểm nhất, mặc dù sự hấp dẫn của nó đối với người da trắng là quá nhỏ để thực hiện bất kỳ thay đổi chính trị có ý nghĩa nào. Các đảng Tự do bị giải tán vào năm 1968 sau khi chính phủ đã thông qua một đạo luật cấm các đảng có các thành viên đa sắc tộc. Ngày nay, chủ nghĩa tự do ở Nam Phi được đại diện bởi Liên minh Dân chủ, đảng đối lập chính thức với đảng Đại hội Dân tộc châu Phi. Đảng Liên minh Dân chủ là đảng lớn thứ hai trong Quốc hội và hiện đang dẫn đầu chính quyền tỉnh Western Cape.
    5. TÁC ĐỘNG VÀ ẢNH HƯỞNG
    Các yếu tố cơ bản của xã hội hiện đại có nguồn gốc tự do. Những làn sóng đầu tiên của chủ nghĩa tự do kinh tế phổ biến chủ nghĩa cá nhân kinh tế trong khi mở rộng thẩm quyền của chính phủ hợp hiến và quốc hội. Một trong những thành tựu lớn nhất là việc thay thế bản chất xấu xa sự cai trị tuyệt đối của hoàng gia bằng một quá trình ra quyết định được quy định trong luật. Các nhà tự do tìm kiếm và thiết lập một trật tự hợp hiến trong đó đề cao các quyền tự do cá nhân quan trọng, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận và lập hội, và một nền tư pháp độc lập và xét xử công khai bởi bồi thẩm đoàn, và bãi bỏ các đặc quyền quý tộc.
    Những thay đổi sâu rộng này về thẩm quyền chính trị đánh dấu sự chuyển tiếp từ sự cai trị tuyệt đối đối sang sự cai trị theo hiến pháp. Việc mở rộng và thúc đẩy thị trường tự do là một thành tựu tự do to lớn khác. Tuy nhiên, trước khi có thể thiết lập thị trường, các nhà tự do phải phá hủy các cấu trúc kinh tế cũ của thế giới. Theo cách đó, các nhà tự do đã đặt dấu chấm hết cho chính sách trọng thương, độc quyền hoàng gia, và các hạn chế khác nhau đối với hoạt động kinh tế. Họ cũng đã tìm cách xóa bỏ các rào cản đối với thương mại nội bộ -. loại bỏ phường hội, thuế địa phương, các công xã và cấm việc bán đất dọc đường.
    Làn sóng gần đây của tư tưởng tự do hiện đại bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhu cầu mở rộng các quyền dân sự. Trong những năm 1960 và 1970, làn sóng nữ quyền thứ hai ở Hoa Kỳ đã được ủng hộ phần lớn bởi các tổ chức nữ quyền tự do như Tổ chức Quốc gia của phụ nữ. Ngoài sự ủng hộ cho sự bình đẳng giới, các nhà tự do cũng ủng hộ cho sự bình đẳng chủng tộc trong nỗ lực thúc đẩy các quyền dân sự của họ, và một phong trào đòi quyền dân sự toàn cầu trong thế kỷ 20 đã đạt được một số mục đích hướng tới cả hai mục tiêu trên. Trong số các phong trào khu vực và quốc gia khác nhau, phong trào dân quyền tại Hoa Kỳ trong năm 1960 nêu bật những nỗ lực tự do cho quyền bình đẳng. Mô tả những nỗ lực chính trị của thời kỳ này, một số nhà sử học đã khẳng định rằng "chiến dịch vận động cho quyền bỏ phiếu đánh dấu ... sự hội tụ của hai lực lượng chính trị ở đỉnh cao của nó: các chiến dịch vì sự bình đẳng của người da đen và phong trào cải cách tự do”. Các dự án xã hội vĩ đại đưa ra bởi Tổng thống Lyndon B. Johnson giám sát việc tạo ra Medicare và Medicaid, thành lập Head Start và Job Corps như là một phần của cuộc chiến chống đói nghèo, và việc thông qua Đạo luật về các quyền dân sự (1964) -  một loạt các sự kiện xảy ra nhanh chóng khiến một số nhà sử học đã đặt tên cho lúc đó là Thời khắc của Tự do.
    Một thành tựu tự do lớn khác bao gồm sự đi lên của chủ nghĩa quốc tế tự do, đã được ghi nhận với việc thành lập các tổ chức toàn cầu như Liên hiệp các quốc gia, và sau Thế chiến II, là Liên Hợp Quốc. Ý tưởng về việc xuất khẩu chủ nghĩa tự do ra toàn thế giới và xây dựng một trật tự quốc tế tự do hài hòa đã chi phối tư tưởng của chủ nghĩa tự do kể từ thế kỷ thứ 18. Một nhà sử học đã viết "Bất cứ nơi nào chủ nghĩa tự do phát triển mạnh mẽ ở trong nước, thì nó được đi kèm với một chủ nghĩa quốc tế tự do". Tuy nhiên, sự chống đối đối với chủ nghĩa quốc tế tự do là sâu sắc và cay đắng, vì các nhà phê bình cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ toàn cầu ngày một tăng sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền quốc gia và các nền dân chủ đại diện cho một trật tự suy đồi không có khả năng quản trị trong nước hoặc toàn cầu.
    Các học giả khác đã ca ngợi ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc tế tự do, cho rằng sự nổi lên của toàn cầu hóa "tạo nên chiến thắng của tầm nhìn tự do vốn lần đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ thứ 18", trong khi cũng viết rằng tự do là "tầm nhìn toàn diện và đầy hy vọng duy nhất đối với các vấn đề của thế giới". Những gì đã đạt được của chủ nghĩa tự do có ý nghĩa quan trọng. Năm 1975, khoảng 40 quốc gia trên thế giới đã được mô tả như là các nền dân chủ tự do, nhưng con số này đã tăng lên hơn 80 vào năm 2008. Hầu hết các quốc gia giàu có nhất và hùng mạnh mẽ của thế giới là các quốc gia dân chủ tự do với các chương trình phúc lợi xã hội rộng lớn.
    ……(Hết)……..

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org