Chủ nghĩa tự do (Liberalism) (P1)

Posted on
  • Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • Chủ nghĩa tự do là một triết lý chính trị, hay một thế giới quan được hình thành trên các ý tưởng về tự do và bình đẳng. Nguyên tắc trước được nhấn mạnh trong chủ nghĩa tự do cổ điển, trong khi nguyên tắc sau nổi bật hơn trong chủ nghĩa tự do xã hội. Các nhà tư tưởng tự do ủng hộ đa dạng các quan điểm, tùy vào cách hiểu của họ về các nguyên tắc trên, nhưng nhìn chung họ đều ủng hộ các ý tưởng và các chương trình như: các quyền dân sự, thị trường tự do, xã hội dân chủ, chính phủ thế tục, và hợp tác quốc tế.
    Chủ nghĩa tự do lần đầu tiên trở thành một phong trào chính trị riêng biệt trong thời đại Khai sáng, khi nó trở nên phổ biến giữa các triết gia, và các nhà kinh tế trong thế giới phương Tây. Chủ nghĩa tự do bác bỏ những quan niệm, vốn phổ biến vào thời đó, về đặc quyền cha truyền con nối, tôn giáo nhà nước, chế độ quân chủ tuyệt đối, và thẩm quyền thần thánh của vua chúa. Nhà triết học thế kỷ 17, John Locke thường được coi là người đã xây dựng chủ nghĩa tự do trở thành một truyền thống triết học riêng biệt. Locke cho rằng mỗi người có một quyền tự nhiên như quyền sống, tự do và tư hữu, và thêm rằng, chính phủ không được vi phạm các quyền này. Các nhà tư tưởng tự do phản đối tư tưởng bảo thủ truyền thống và tìm cách thay thế chính thể chuyên chế bằng một nền dân chủ đại diện và sự cai trị theo pháp luật.
    Các cuộc cách mạng nổi tiếng như cuộc Cách mạng Vinh quang, cuộc Cách mạng Mỹ, và cuộc cách mạng Pháp đã dùng triết lý tự do để biện minh cho việc lật đổ vũ trang đối với chế độ mà họ xem là độc đoán. Chủ nghĩa tự do bắt đầu lan rộng nhanh chóng đặc biệt là sau cuộc Cách mạng Pháp. Thế kỷ 19 chứng kiến các ​​chính phủ tự do thành lập ở các quốc gia trên khắp châu Âu, Nam Mỹ, và Bắc Mỹ. Trong giai đoạn này, đối thủ tư tưởng chủ yếu của chủ nghĩa tự do cổ điển là chủ nghĩa bảo thủ, sau đó chủ nghĩa tự do tiếp tục sống sót trước những thách thức tư tưởng to lớn hơn từ các đối thủ mới, là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Trong thế kỷ 20, tư tưởng tự do thậm chí còn lan truyền rộng hơn nữa khi các quốc gia dân chủ tự do chiến thắng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, sự hình thành chủ nghĩa tự do xã hội đã trở thành một yếu tố quan trọng dẫn đến sự ra đời và phát triển của nhà nước phúc lợi. Ngày nay, phe tự do tiếp tục nắm giữ một quyền lực rất lớn và ảnh hưởng trên toàn thế giới.
    1. TỪ NGUYÊN VÀ ĐỊNH NGHĨA
    2. LỊCH SỬ
    2.1 Khởi đầu
    2.2 Cách mạng vinh quang
    2.3 Thời kì khai sáng
    2.4 Cách mạng Mỹ
    2.5 Cách mạng Pháp
    2.6 Chủ nghĩa cấp tiến
    2.7 Lý thuyết kinh tế tự do
    2.8 Sự phổ biến của chủ nghĩa tự do
    2.9 Chủ nghĩa tự do xã hội
    2.10 Những năm 1920
    2.11 Kinh tế học Keynes
    2.12 Chủ nghĩa tự do thời hậu chiến
    3. TRIẾT
    3.1 Các chủ đề chính
    3.2 Cổ điển và hiện đại
    3.3 Phế phán và ủng hộ
    4. TRÊN THẾ GIỚI
    4.1 Châu âu
    4.2 Mỹ
    4.3 Các khu vực khác
    5. TÁC ĐỘNG VÀ ẢNH HƯỞNG
    ………………………………………………………………………………………
    1. TỪ NGUYÊN VÀ ĐỊNH NGHĨA
    Những thuật ngữ như  liberal, liberty libertarian, libertine, tất cả có thể truy nguyên tới thuật ngữ Latin liber, có nghĩa là "tự do". Một trong những trường hợp đầu tiên ghi nhận về từ liberal xảy ra vào năm 1375, khi nó được sử dụng để mô tả các môn học tự do (liberal arts) trong một nền giáo dục đáng mong muốn cho một con người tự do. Sự liên quan ban đầu này của thuật ngữ với nền giáo dục cổ điển sớm nhường chỗ cho một sự gia tăng các biểu hiện và ý nghĩa khác nhau. Liberal có thể được đề cập đến như là "tự do trong việc tặng quà" năm 1387, "làm việc thoải mái" năm 1433, "được phép tự do" năm 1530, và "tự do khỏi sự kiểm soát" - thường là một nhận xét theo nghĩa miệt thị - trong thế kỷ 16 và 17. Trong thế kỷ 16 ở Anh, liberal có thể có các thuộc tính tích cực lẫn tiêu cực, dùng để nói đến sự hào phóng hay sự hớ hênh, không cẩn trọng của một ai đó. Trong tác phẩm Much Ado About Nothing, Shakespeare đã viết về "a liberal villaine" người "... đã thú nhận về các cuộc gặp gỡ thấp hèn của mình". Với sự đi lên của thời kì Khai sáng, thuật ngữ này có được những nội dung cực hơn, như là" tự do khỏi các thành kiến ​​hẹp hòi" năm 1781 và "tự do khỏi sự cố chấp" năm 1823. Năm 1815, việc sử dụng đầu tiên của từ liberalism xuất hiện ở Anh. Tại Tây Ban Nha, Liberales, nhóm đầu tiên sử dụng danh hiệu liberal trong một bối cảnh chính trị, đã chiến đấu cho việc thực hiện Hiến pháp năm 1812 trong nhiều thập kỷ. Từ 1820 đến 1823, trong thời gian Trienio Liberal, vua Ferdinand VII đã bị các liberales ép thề phải duy trì Hiến pháp. Vào giữa thế kỷ thứ 19, liberal được sử dụng như một thuật ngữ chính trị cho các đảng phái và các phong trào trên toàn thế giới.
    Theo thời gian, ý nghĩa của từ "chủ nghĩa tự do (liberalism)" bắt đầu khác biệt ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, “Tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa tự do gắn liền với các chính sách nhà nước phúc lợi trong các chương trình New Deal dưới thời chính quyền của tổng thống Franklin D. Roosevelt, trong khi ở châu Âu, nó là thường liên quan đến sự cam kết đối vơi một Chính phủ hạn chế và các chính sách kinh tế laissez-faire. Do đó ở Mỹ, những ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân và kinh tế học laissez-faire mà trước đó gắn liền với chủ nghĩa tự do cổ điển [ở châu âu] thì nay đã trở thành cơ sở cho trường phái tư tưởng tư do mới”.
    2. LỊCH SỬ
    2.1 Giai đoạn đầu
    Những nhánh riêng biệt của tư tưởng tự do tồn tại trong triết học phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại, bắt đầu kết hợp lại với nhau tại thời điểm cuộc nội chiến Anh. Tranh chấp giữa Quốc hội và vua Charles I về thẩm quyền chính trị tối cao đã gây ra một cuộc nội chiến lớn trong những năm 1640, mà đỉnh điểm của nó là việc xử tử Charles và thiết lập một nền cộng hòa. Đặc biệt, những người Leveller, một phong trào chính trị cực đoan của thời kỳ này, công bố bản tuyên ngôn của họ, Khế ước của nhân dân, ủng hộ cho chủ quyền nhân dân, mở rộng quyền bầu cử, khoan dung tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật. Nhiều khái niệm tự do của Locke được báo trước trong các ý tưởng cấp tiến này đã được tự do thể hiện ở thời điểm đó. Algernon Sidney, chỉ đứng thứ hai sau John Locke về ảnh hưởng đối với tư tưởng chính trị tự do trong thế kỷ XVIII ở Anh, tin rằng chế độ quân chủ tuyệt đối là một sự xấu xa chính trị to lớn, và tác phẩm chính của ông, Khảo luận về Chính quyền, cho rằng các thần dân của vua phải được trao quyền chia sẻ công việc cai trị thông qua việc tư vấn và khuyên răn.
    Những ý tưởng này lần đầu tiên được thảo ra cùng nhau và hệ thống hóa như một hệ tư tưởng riêng biệt bởi triết gia người Anh, John Locke, người thường được coi là cha đẻ của chủ nghĩa tự do. Locke đã phát triển khái niệm cấp tiến cho rằng chính phủ phải nhận được sự đồng thuận của người dân, và sự đồng thuận phải luôn tồn tại để đảm bảo cho một chính quyền giữ được sự hợp pháp. Tác phẩm nhiều ảnh hưởng của ông Hai khảo luận (1690), một văn bản nền tảng của ý thức hệ tự do, phác họa những ý tưởng chính của ông. Ông nhấn mạnh rằng, một chính quyền hợp pháp không cần có một cơ sở siêu nhiên nào, là một đoạn tuyệt hoàn toàn với các lý thuyết cai trị chi phối lúc đó. Locke cũng định nghĩa khái niệm về sự tách rời giữa nhà thờ và nhà nước. Dựa trên nguyên tắc khế ước xã hội, ông cho rằng con người có một quyền tự nhiên đối với sự tự do của ý thức, thứ tự do mà ông tin phải được bảo vệ khỏi bất kỳ chính quyền nào. Ông cũng xây dựng một sự bảo vệ đối với sự khoan dung tôn giáo trong tác phẩm Các lá thư về lòng khoan dung. Locke bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng tự do của John Milton, một người ủng hộ trung thành cho sự tự do trong tất cả các hình thức của nó. Milton cho rằng sự tách rời giữa nhà thời và nhà nước là cách hiệu quả duy nhất để đạt được một sự khoan dung rộng mở hơn. Trong tác phẩm Areopagitica, Milton cung cấp một trong những luận điểm đầu tiên về tầm quan trọng của tự do ngôn luận - "sự tự do để biết, để nói ra, và để tranh luận một cách tự do theo tiếng gọi của lương tâm, đứng trên tất cả các quyền tự do khác".
    2.2 Cách mạng vinh quang
    Ảnh hưởng của những ý tưởng này tăng dần trong suốt thế kỷ 17 ở Anh, mà đỉnh cao là Cách mạng Vinh quang năm 1688, trong đó ủng hộ chủ quyền của quốc hội và quyền cách mạng, và dẫn đến việc thành lập điều mà nhiều người xem là nhà nước tự do, hiện đại đầu tiên trong lịch sử. Những cột mốc lập pháp quan trọng trong giai đoạn này bao gồm Đạo luật Habeas Corpus (1679) củng cố quy tắc cấm giam giữ khi thiếu nguyên nhân hoặc chứng cứ đầy đủ. Tuyên ngôn Nhân quyền chính thức xác lập tính tối cao của pháp luật, của quốc hội so với vua và đặt ra các quyền cơ bản cho tất cả người Anh. Tuyên ngôn tuyên bố sự can thiệp của hoàng gia vào pháp luật và các cuộc bầu cử quốc hội là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định sự đồng ý của quốc hội là cần thiết cho việc thực hiện bất kỳ loại thuế mới, cũng như cấm duy trì quân đội thường trực trong thời bình mà không có sự cho phép của Quốc hội. Quyền thỉnh cầu nhà vua được trao cho tất cả mọi người và “những sự trừng phạt độc ác và không bình thường" được coi là bất hợp pháp trong bất cứ trường hợp nào. Điều này được tiếp nối một năm sau đó với Đạo luật khoan dung, mà nội dung tư tưởng của nó được rút ra từ tác phẩm Bốn lá thư của John Locke ủng hộ sự khoan dung tôn giáo. Đạo luật cho phép tự do thờ phụng đối với những người Lập dị, những người cam kết với các lời thề về sự Trung thành và Tính tối cao của Giáo hội Anh giáo. Năm 1695, Hạ viện Anh từ chối phục hồi lại đạo luật Sự cấp phép theo Đạo luật báo chí năm 1662, dẫn đến một giai đoạn tự do chưa từng có của báo chí.
    2.3 Kỷ nguyên khai sáng
    Sự phát triển của chủ nghĩa tự do tiếp tục trong suốt thế kỷ 18 với sự gia tăng của các lý tưởng khai sáng. Đây là thời kỳ với một sức sống trí tuệ sâu sắc, nó tra vấn tất cả các truyền thống cũ, và đã có ảnh hưởng đến một số chế độ quân chủ ở châu Âu. Trái ngược với Anh, sự trải nghiệm của Pháp trong thế kỷ 18 được đặc trưng bởi sự tồn tại kéo dài của feudal payments and rights, và chủ nghĩa chuyên chế. Các tư tưởng thách thức hiện trạng thường bị đàn áp khắc nghiệt. Hầu hết các philosophes (trí thức) của thời kì Khai sáng Pháp là những người cấp tiến và chủ trương cải cách hệ thống chính quyền Pháp theo hướng hợp hiến và tự do hơn.
    Baron de Montesquieu đã viết một loạt các công trình có ảnh hưởng lớn trong những năm đầu thế kỷ 18, bao gồm Các bức thừ của một người Ba Tư (1717) và Tinh thần pháp luật (1748). Tác phẩm sau đã gây ảnh hưởng to lớn, cả bên trong lẫn bên ngoài nước Pháp. Montesquieu ủng hộ một chính phủ hợp hiến, bảo vệ các quyền tự do dân sự và pháp luật, và ý tưởng cho rằng các thiết chế chính trị phải phản ánh các đặc điểm xã hội và địa lý của mỗi cộng đồng. Đặc biệt, ông lập luận rằng sự tự do chính trị yêu cầu việc phân chia các quyền của Chính quyền. Xây dựng trên nền tảng của tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền của John Locke, ông chủ trương các chức năng hành pháp, lập pháp, tư pháp của chính quyền phải được giao cho các cơ quan khác nhau. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được xét xử theo đúng thủ tục của luật pháp, bao gồm quyền được xét xử bởi một tòa án công bằng, sự giả định về sự vô tội và sự tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hình phạt. Một nhân vật quan trọng khác của thời kì Khai sáng Pháp là Voltaire. Ban đầu ông tin tưởng vào một vai trò chủ đạo của ông vua khai sáng có thể đóng trong việc nâng cao phúc lợi của người dân, nhưng cuối cùng ông đi đến một kết luận mới: "Đó là tùy chúng ta trồng trọt mảnh vườn của chúng ta". Các cuộc công kích có tính luận chiến và mãnh liệt nhất của ông đối với sự bất khoan dung và bách hại tôn giáo thực sự bắt đầu xuất hiện một vài năm sau đó. Mặc dù chịu nhiều sự ngược đãi, Voltaire vẫn là một người phát ngôn dũng cảm, người chiến đấu không mệt mỏi cho các quyền dân sự - quyền được xét xử công bằng và tự do tôn giáo - và là người tố cáo tính giả dối và bất công của Chế độ cũ.
    2.4 Cuộc cách mạng Mỹ
    Căng thẳng chính trị giữa Anh và các thuộc địa bắc Mỹ tăng lên sau năm 1765 về vấn đề đánh thuế không thông qua đại diện, và lên đến cực điểm của nó trong Tuyên ngôn Độc lập với sự ra đời của một nước cộng hòa mới.
    Tuyên ngôn Độc lập, được viết bởi Thomas Jefferson, tung hô các ý tưởng của Locke: "Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc". Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo thảo luận làm thế nào để tiến lên phía trước. Các điều khoản liên hiệp, được viết vào năm 1776, giờ đây cho thấy nó không đủ khả năng cung cấp an ninh chung, cũng như để cho một chính phủ tốt có thể vận hành. Quốc hội liên hiệp kêu gọi một Hội nghị lập hiến vào năm 1787 để viết một Hiến pháp mới của Hoa Kỳ.
    Trong bối cảnh của thời đại, Hiến pháp là một văn kiện mang tính cộng hoà và tự do. Nó thiết lập một chính phủ quốc gia mạnh với sự phân chia rõ ràng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Mười sửa đổi đầu tiên của hiến pháp, được gọi là Tuyên ngôn về các quyền con người, đảm bảo một số quyền lợi tự nhiên mà các nhà tư tưởng tự do sử dụng để biện minh cho cuộc cách mạng.
    2.5 Cuộc cách mạng Pháp
    Các nhà sử học thừa nhận rộng rãi rằng Cách mạng Pháp là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử. Cuộc cách mạng thường được coi là "bình minh của kỷ nguyên hiện đại" và những chấn động của nó gắn liền một cách rộng rãi với "chiến thắng của chủ nghĩa tự do".
    Cuộc cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789 với việc triệu tập hội nghị Estates-General vào tháng 5. Năm đầu tiên của cuộc Cách mạng chứng kiến ​​các thành viên của đẳng cấp Thứ ba tuyên bố Tennis Court Oath trong tháng 6, và phá ngục Bastille trong tháng 7. Hai sự kiện quan trọng đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa tự do là việc xoá bỏ chế độ phong kiến ​​ở Pháp vào đêm ngày 04 tháng 8 năm 1789, đánh dấu sự sụp đổ của các đặc quyền, cũng như những rào cản của truyền thống và phong kiến, và việc thông qua Tuyên bố về các quyền của con người và công dân vào tháng 8. Sự nổi lên của Napoleon như nhà độc tài vào năm 1799, báo trước một sự đảo ngược của nhiều thành tựu cộng hoà và dân chủ. Tuy nhiên Napoleon không khôi phục lại chế độ cũ. Ông giữ lại nhiều giá trị của chủ nghĩa tự do và áp đặt một bộ luật tự do, được gọi là Bộ luật Napoleon.
    Bên ngoài Pháp, Cách mạng có một tác động lớn và các ý tưởng của nó trở nên phổ biến. Hơn nữa, quân đội Pháp trong những năm 1790 và 1800 trực tiếp lật đổ các chế độ phong kiến ​​còn lại ở phần lớn Tây Âu. Họ giải phóng các luật sở hữu, chấm dứt đặc quyền của lãnh chúa, bãi bỏ phường hội của thương nhân và thợ thủ công để tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp thức hóa ly hôn, và đóng cửa các khu ổ chuột của người Do Thái. Chấm dứt sự tồn tại của Toàn án dị giáo cũng như Đế chế La mã thần thánh. Sức mạnh của các tòa án nhà thờ và thẩm quyền tôn giáo đã giảm mạnh, và bình đẳng theo pháp luật được tuyên bố cho tất cả mọi người.
    Artz nhấn mạnh những lợi ích mà người Ý có được từ cuộc Cách mạng Pháp như sau:
    Trong gần hai thập kỷ, người Ý đã có một số bộ luật xuất sắc, một hệ thống thuế công bằng, tình hình kinh tế tốt hơn, và tôn giáo và trí tuệ khoan dung hơn chúng đã là trong nhiều thế kỷ .... Mọi nơi các rào cản vật lý, kinh tế, và trí tuệ được lật đổ và người Ý đã bắt đầu được nhận thức của một quốc gia chung.
    Tương tự như vậy ở Thụy Sĩ, tác động lâu dài của cuộc Cách mạng Pháp được đánh giá  bởi Martin như sau:
    Nó tuyên bố các công dân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về ngôn ngữ, tư tưởng và đức tin; nó tạo ra người công dân Thụy Sĩ, nền tảng của dân tộc Thụy sĩ hiện đại, và phân chia quyền lực, một điều mà chế độ cũ không ý thức đến; nó rỡ bỏ thuế nội địa và các hạn chế kinh tế khác; thống nhất các hệ thống đo lường, cải cách luật dân sự và hình sự, cho phép hôn nhân hỗn hợp (giữa người Công Giáo và Tin Lành), dỡ bỏ sự tra tấn và cải thiện sự công bằng; phát triển giáo dục và các vấn đề công.
    2.6 Chủ nghĩa cấp tiến
    Phong trào tự do cấp tiến bắt đầu vào những năm 1790 ở Anh tập trung vào cải cách quốc hội và bầu cử, nhấn mạnh quyền tự nhiên và chủ quyền nhân dân. Tác phẩm Các quyền của con người (1791) của Thomas Paine là một đáp trả đối với tiểu luận bảo thủ Các phản tư về cách mạng Pháp của Burke. Trong cuộc tranh cãi kéo dài về Cách mạng, giữa vô số người khác, nổi lên một đại diện tiêu biểu là Mary Wollstonecraft, tác giả của tác phẩm ủng hộ bình đẳng giới đầu tiên, Tuyên bố về các Quyền của người phụ nữ. Các nhà cấp tiến ủng hộ các cải cách dân chủ cùng với việc bác bỏ chế độ quân chủ, quý tộc và mọi dạng đặc quyền đặc lợi. Đạo luật cải cách năm 1832 đã được thông qua với sự hỗ trợ của công chúng, cùng với các cuộc mít tinh của "liên hiệp chính trị", và các cuộc bạo loạn ở một số thành phố. Nó trao quyền bầu cử cho tầng lớp trung lưu, nhưng thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của những người cấp tiến. Sau Đạo luật Cải cách, các nhân vật Whig, chủ yếu là quý tộc, tại Hạ viện liên kết với một nhóm nhỏ các phần tử cấp tiến tại quốc hội, cũng như với một số lượng càng tăng của những nhân vật Whig trung lưu, và vào năm 1839 họ được gọi một cách không chính thức là “đảng Tự do”.  Những người tự do tạo ra một trong những thủ tướng Anh vĩ đại nhất - William Gladstone, người còn được biết đến như là Ông già vĩ đại, một nhân vật chính trị trụ cột của chủ nghĩa tự do trong thế kỷ 19. Trong thời kì của Gladstone, những người tự do tiến hành cải cách giáo dục, giải tán Giáo Hội của Ireland, và giới thiệu việc bỏ phiếu kín cho các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội.
    2.7 Lý thuyết kinh tế tự do
    Sự phát triển đi đến trưởng thành của chủ nghĩa tự do cổ điển đã diễn ra ở Anh cả trước và sau thời điểm Cách mạng Pháp, và dựa trên những khái niệm cốt lõi sau đây: kinh tế học cổ điển, tự do thương mại, chính phủ laissez-faire với một sự can thiệp và đánh thuế tối thiểu, và một ngân sách cân bằng. Các nhà tự do cổ điển cam kết với chủ nghĩa cá nhân, các quyền tự do và bình đẳng. Các nhà tư tưởng tự do chính trong thế kỷ 19 là Adam Smith và các nhà kinh tế học cổ điển, và Jeremy Bentham và John Stuart Mill.
    Tác phẩm Sự thịnh vượng của quốc gia của Adam Smith xuất bản năm 1776, đã cung cấp hầu hết các ý tưởng kinh tế học, ít nhất là cho đến khi xuất bản tác phẩm Các nguyên lý của JS Mill năm 1848. Smith giải thích động lực của hoạt động kinh tế, nguyên nhân của giá cả và sự phân phối của cải, và các chính sách nhà nước cần phải tuân theo để tối đa hóa sự giàu có.
    Smith đã viết rằng, bao lâu mà cung, cầu, giá cả, và cạnh tranh tự do khỏi sự can thiệp của Chính phủ, thì sự theo đuổi tư lợi vật chất, chứ không phải lòng vị tha, sẽ tối đa hóa sự giàu có của một xã hội thông qua việc sản xuất các hàng hóa và dịch vụ vì lợi nhuận. Một "bàn tay vô hình" sẽ hướng dẫn cá nhân và các công ty hoạt động hướng tới sự tốt lành của quốc gia, đó là một hệ quả không định trước của những nỗ lực để tối đa hóa lợi ích riêng của họ. Điều này cung cấp một sự biện minh đạo đức cho việc tích lũy của cải, điều mà trước đây được xem là tội lỗi bởi một số người.
    Ông nhấn mạnh đến lợi ích của sự tự do thương mại nội địa và quốc tế, điều mà ông nghĩ có thể làm tăng sự giàu có thông qua chuyên môn trong sản xuất. Ông cũng phản đối các ưu đãi nhằm hạn chế thương mại, trợ cấp nhà nước cho sự độc quyền. Chính phủ nên giới hạn chức năng đến quốc phòng, công trình công cộng, quản lý tư pháp, nguồn thu nên lấy từ thuế thu nhập. Smith là một trong những bậc tiền bối của ý tưởng vốn nằm ở trung tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển, và xuất hiện trở lại sách báo toàn cầu ở cuối thế kì 20 và đầu thế kỷ 21, đó là tự do thương mại thúc đẩy hòa bình.
    Thuyết công lợi cung cấp một sự biện minh chính trị cho việc thực hiện chủ nghĩa tự do kinh tế của chính phủ Anh, và nó đã chi phối các chính sách kinh tế từ những năm 1830. Mặc dù Thuyết công lợi thúc đẩy các cải cách pháp luật và hành chính, và các tác phẩm sau này của John Stuart Mill về đề tài này là điềm báo trước cho sự ra đời của các nhà nước phúc lợi, nhưng nó chủ yếu được sử dụng như một sự biện minh cho laissez-faire. Khái niệm trung tâm của thuyết công lợi, vốn được phát triển bởi Jeremy Bentham, cho rằng các chính sách công cần tìm cách mang lại "hạnh phúc lớn nhất của số lượng lớn nhất". Trong khi điều này có thể được hiểu như một sự biện minh cho các hành động của nhà nước để giảm bớt đói nghèo, thì nó cũng được các nhà tự do cổ điển sử dụng để biện minh cho việc không hành động với lập luận rằng lợi ích ròng của tất cả các cá nhân sẽ cao hơn. Triết lý của ông tỏ ra vô cùng có ảnh hưởng đối với các chính sách của chính phủ và dẫn đến các nỗ lực Benthamite nhằm kiểm soát xã hội, bao gồm các chính sách Metropolitan Police của Robert Peel, chính sách cải cách nhà tù, các trại tế bần và nhà thương cho bệnh nhân tâm thần.
    Việc bãi bỏ các luật Ngũ cốc vào năm 1846 là một bước ngoặt và thể hiện sự chiến thắng của tự do thương mại và kinh tế học tự do. Liên đoàn phản đối luật ngũ cốc quy tụ một liên minh gồm các nhóm tự do và cấp tiến ủng hộ tự do thương mại dưới sự lãnh đạo của Richard Cobden, và John Bright, những người phản đối chủ nghĩa quân phiệt và chi tiêu công. Các chính sách của họ về chi tiêu công thấp và thuế thấp sau này đã được áp dụng bởi William Ewart Gladstone, bộ trưởng bộ tài chính và sau đó là Thủ tướng Anh. Mặc dù các nhà tự do cổ điển Anh khao khát giảm đến mức tối thiểu các hoạt động của nhà nước, thì việc thông qua các đạo luật Nhà máy vào đầu thế kỷ 19 liên quan đến sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là theo các yêu cầu của chính họ.
    2.8 Sự lan rộng của chủ nghĩa tự do
    Phong trào bãi nô và mở rộng quyền bầu cử lan rộng cùng với những lý tưởng đại diện và dân chủ. Pháp đã thiết lập một nước cộng hòa ổn định trong những năm 1870, và một cuộc chiến tranh tồi tệ diễn ra ở Hoa Kỳ để đảm bảo tính toàn vẹn của đất nước, cũng như bãi bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam. Trong khi đó, một sự pha trộn của các tình cảm tự do và dân tộc chủ nghĩa ở Ý và Đức đã đem lại sự thống nhất cho hai nước trong những năm cuối thế kỷ 19. Tình cảm tự do ở Mỹ Latin dẫn đến độc lập khỏi đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
    Tại Pháp, cuộc Cách mạng Tháng Bảy năm 1830, được tổ chức bởi các chính trị gia và các nhà báo tự do, loại bỏ chế độ quân chủ Bourbon và truyền cảm hứng cho các cuộc nổi dậy tương tự ở những nơi khác của châu Âu. Sự thất vọng với bước tiến của tiến trình chính trị trong những năm đầu thế kỷ 19 đã gây một cuộc cách mạng vĩ đại hơn vào năm 1848. Cuộc cách mạng lan rộng khắp đế quốc Áo, các bang của Đức, và các bang của Ý. Các chính phủ nhanh chóng xụp đổ, và những người theo chủ nghĩa quốc gia tự do yêu cầu hiến pháp thành văn, hội đồng đại diện, quyền phổ thông đầu phiếu mở rộng hơn, và tự do báo chí. Nền cộng hòa thứ hai được công bố ở Pháp. Chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở các nước Phổ, Galicia, Bohemia và Hungary. Metternich, một người bất khuất, người xây dựng chế độ cai trị bảo thủ của Áo, đã gây sốc châu Âu khi ông từ chức và bỏ trốn sang Anh trong hoảng loạn và ngụy trang.
    Tuy nhiên, cuối cùng thì sự thành công của các cuộc cách mạng dần dần mất đi. Không có sự giúp đỡ của Pháp, người Ý đã dễ dàng bị đánh bại bởi người Áo. Với một chút may mắn và kỹ năng, Áo cũng đã kiểm soát được tình cảm dân tộc ở Đức và Hungary, và một phần là do từ sự thất bại của Quốc hội Frankfurt để thống nhất Đức thành một quốc gia duy nhất. Tuy nhiên, hai thập kỷ sau, những người Ý và người Đức đã hiện thực hóa giấc mơ của họ đối với sự thống nhất và độc lập. Thủ tướng của Sardinian, Camillo di Cavour, một nhà tự do khôn ngoan, người hiểu rõ rằng rằng cách hiệu quả nhất cho người Ý giành độc lập là nếu người Pháp đứng về phía họ. Napoleon III đã đồng ý với yêu cầu hỗ trợ của Cavour và Pháp đánh bại Áo trong cuộc Chiến tranh Pháp - Áo năm 1859, tạo điều kiện cho sự độc lập của Ý. Sự thống nhất nước Đức diễn ra dưới sự lãnh đạo của Otto von Bismarck, người đã tàn sát những kẻ thù của nước Phổ bằng các cuộc chiến, cuối cùng với chiến thắng trước Pháp vào năm 1871 và tuyên xưng Đế chế Đức ở Hall of Mirrors tại điện Versailles, kết thúc một câu chuyện trong nỗ lực thống nhất quốc gia. Pháp tuyên bố nền cộng hòa thứ ba sau khi họ thua cuộc chiến.
    2.9 Chủ nghĩa tự do xã hội
    Đến cuối thế kỷ XIX, các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cổ điển ngày càng bị thách thức bởi suy thoái kinh tế, một ý thức ngày càng tăng của các tệ nạn do nghèo đói, thất nghiệp và sự nghèo đói tương đối hiện diện trong các thành phố công nghiệp hiện đại, cũng như mối lo âu về lực lượng lao động ngày một có tổ chức. Lý tưởng cá nhân tự lập, những người thông qua lao động vât vả và tài năng có thể tạo ra vị trí của mình trong thế giới, dường như không còn hợp lý. Một phản ứng chính trị lớn chống lại các thay đổi do công nghiệp hóa và chủ nghĩa tư bản laissez-faire tạo ra đến từ phe bảo thủ vốn quan tâm đến sự cân bằng xã hội. Một số tác giả của thời kì Victoria – gồm Charles Dickens, Thomas Carlyle, và Matthew Arnold - trở thành những nhà phê bình sớm nhất và giàu ảnh hưởng đối với sự bất công xã hội.
    John Stuart Mill có đóng góp vô cùng to lớn cho tư tưởng tự do bằng cách kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa tự do cổ điển với điều mà cuối cùng được biết đến là chủ nghĩa tự do mới. Tác phẩm Bàn về tự do (1859) của Mill xác định bản chất và các giới hạn của quyền lực, mà có thể được thực thi một cách hợp pháp bởi xã hội lên cá nhân. Ông đã đưa ra một sự bảo vệ mạnh mẽ cho tự do ngôn luận, và cho rằng tự do thảo luận là một điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ trí tuệ và xã hội. Mill định nghĩa "tự do xã hội" là sự bảo vệ khỏi "sự chuyên chế của nhà cầm quyền chính trị." Ông giới thiệu một dạng số chuyên chế khác nhau, đó là chuyên chế xã hội, và sự chuyên chế của đa số. Tự do xã hội có đồng nghĩa sự giới hạn đối với quyền lực của người cai trị thông qua việc thừa nhận các loại tự do hay các quyền chính trị, và bằng việc thành lập một hệ thống "kiểm tra hiến pháp".
    Tuy nhiên, mặc dù triết lý kinh tế ban đầu của Mill ủng hộ thị trường tự do và cho rằng đánh thuế lũy tiến là không công bằng với những người làm việc chăm chỉ hơn, nhưng sau đó ông thay đổi quan điểm của mình hướng đến một xu hướng xã hội chủ nghĩa hơn, và thêm một số chương vào tác phẩm Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học của ông nhằm bảo vệ một tầm xã hội chủ nghĩa, và một số nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, bao gồm đề nghị một cách cấp tiến rằng hệ thống lương toàn bộ phải bị thay thế bằng một hệ thống lương hợp tác.
    Một nhà tự do khác ủng hộ sự can thiệp lớn hơn của chính phủ là Thomas Hill Green. Chứng kiến những ảnh hưởng của rượu, ông tin rằng nhà nước nên tăng cường bảo vệ môi trường xã hội, chính trị và kinh tế cho phép các cá nhân có được cơ hội tốt nhất để hành động theo lương tâm của họ. Nhà nước can thiệp khi nào có một xu hướng rõ ràng từ tự do dẫn đến việc nô dịch hóa các cá nhân. Green xem nhà nước quốc gia là hợp pháp chỉ trong phạm vi mà nó duy trì một hệ thống các quyền và nghĩa vụ, mà có khả năng nhất để thúc đẩy sự phát triển các năng lực của cá nhân.
    Các nhánh này bắt đầu hợp lại thành chủ nghĩa tự do xã hội vào đầu thế kỷ XX ở Anh. Các nhà tự do mới, bao gồm những nhà trí thức như LT Hobhouse, và John A. Hobson, xem sự tự do cá nhân là một cái gì đó chỉ có thể đạt được trong những hoàn cảnh kinh tế xã hội và thuận lợi. Theo quan điểm của họ, sự nghèo khổ, bẩn thỉu, và sự thiếu hiểu biết mà nhiều người sống khiến cho sự tự do và cá tính không thể phát triển. Các nhà tự do mới tin rằng những điều kiện này có thể được cải thiện thông qua các hoạt động tập thể được điều phối bởi một nhà nước can thiệp, mạnh, hướng đến sự thịnh vượng. People's Budget (1909), được bảo vệ bởi David Lloyd George và người bạn tự do của ông Winston Churchill, giới thiệu các loại thuế chưa từng có trước đó đối với những người giàu có ở Anh và các chương trình phúc lợi xã hội cấp tiến đối với các chính sách của đất nước. Đây là ngân sách đầu tiên với mục đích công khai trong việc phân phối lại của cải trong dân chúng.
    2.10 Năm 1920
    Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do lên đến đỉnh cao của nó. Thành trì của chế độ chuyên chế, Nga hoàng ở Nga, bị lật đổ trong cuộc cách mạng tự do tháng hai năm 1917, và chiến thắng của phe Liên minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng như sự sụp đổ của bốn đế quốc dường như đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa tự do trên khắp lục địa châu Âu, không chỉ trong phe chiến thắng, mà còn ở Đức và các quốc gia mới được tạo ra ở Đông Âu. Chủ nghĩa quân phiệt, mà tiêu biểu là Đức, đã bị đánh bại và mất uy tín. Như Blinkhorn nhận xét, các chủ đề tự do đang đi lên bao gồm: "chủ nghĩa đa nguyên văn hóa, khoan dung tôn giáo và sắc tộc, tự quyết dân tộc, kinh tế thị trường tự do, chính quyền đại diện và trách nhiệm, thương mại tự do, chủ nghĩa công đoàn, và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua một cơ quan mới, Liên hiệp các quốc gia".
    Chủ nghĩa tự do đã bị đánh bại ở Nga khi những người Cộng sản lên nắm quyền dưới thời Vladimir Lenin vào tháng 10 năm 1917, trong khi ở Italy Mussolini thiết lập chế độ độc tài vào năm 1922, ở Ba Lan vào năm 1926 dưới  thời Józef Piłsudski, và Tây Ban Nha vào năm 1939 sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Nhật Bản, nhìn chung được xem là tự do trong những năm 1920, nhưng sau đó dần tàn lui đi trong những năm 1930 dưới áp lực của quân đội.
    Đại suy thoái trên toàn thế giới, bắt đầu vào năm 1929, đẩy nhanh sự mất uy tín của các nền kinh tế tự do và sự kêu gọi cho sự kiểm soát nhà nước đối với hoạt động kinh tế được tăng cường. Khủng hoảng kinh tế khiến tình trạng bất ổn lan rộng trong thế giới chính trị châu Âu, dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Sự nổi lên của chúng lên đến đỉnh điểm vào năm 1939 trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Phe liên minh, trong đó bao gồm hầu hết các quốc gia tự do quan trọng cũng như cộng sản Nga, đã giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới II, bằng việc đánh bại phát xít Đức, phát xít Ý, và quân phiệt Nhật Bản. Sau chiến tranh, đã có một sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây, và chiến tranh lạnh mở ra vào năm 1947 giữa Đông Âu Cộng sản và liên minh phương Tây tự do.
    2.11 Kinh tế học Keynes
    Trong khi đó, phản ứng tự do dứt khoát nhất đối với cuộc Đại suy thoái đã được đưa ra bởi nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883-1946). Keynes "được giáo dục" như một nhà tự do cổ điển, nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông ngày càng trở thành một nhà tự do phúc lợi, hay tự do xã hội. Là một tác giả sung mãn, trong số rất nhiều công trình, ông đã thực hiện một công trình lý thuyết khảo sát về mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp, tiền bạc và giá vào cuối những năm 1920. Tác phẩm Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ của ông đã được xuất bản vào năm 1936, và phục vụ như là một sự biện minh lý thuyết cho các chính sách can thiệp mà Keynes ủng hộ nhằm giải quyết tình trạng suy thoái. Lý thuyết tổng quát thách thức các mô hình kinh tế cổ điển trước đó vốn cho rằng, miễn là được giải phóng khỏi sự can thiệp của chính phủ, thì thị trường sẽ tự thiết lập một sự cân bằng của việc làm đầy đủ.
    Cuốn sách ủng hộ các chính sách kinh tế tích cực của chính phủ để kích cầu trong thời gian tỷ lệ thất nghiệp cao, như bằng cách chi tiêu vào các công trình công cộng. Ông viết vào năm 1928 là: "Điều chúng ta hãy làm, là sử dụng các nguồn lực nhàn rỗi của chúng tôi để gia tăng sự giàu có của chúng ta". "Với những người đàn ông thất nghiệp và các nhà máy bỏ hoang, sẽ rất vô lý khi nói rằng chúng ta không thể cung cấp những sự phát triển mới. Nói một cách chính xác đó là, với các nhà máy và những người đàn ông này chúng ta sẽ cung cấp những sự phát triển mới". Ở đâu mà thị trường thất bại trong việc phân bổ các nguồn lực đúng đắn, thì nhà nước được yêu cầu để kích thích nền kinh tế cho đến khi các quỹ tư nhân có thể bắt đầu chảy một lần nữa. Chiến lược “kích thích ban đầu” được thiết kế để thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
    Các chương trình tự do xã hội được đưa ra bởi Tổng thống Roosevelt tại Hoa Kỳ vào năm 1933, đã giảm tỷ lệ thất nghiệp từ khoảng 25% đến khoảng 15 % vào năm 1940. Sự mở rộng chi tiêu nhà nước, cùng các chương trình, và các công trình công cộng rất lớn phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cuối cùng đã kéo Hoa Kỳ ra khỏi cuộc Đại suy thoái. Từ năm 1940 đến 1941, chi tiêu chính phủ tăng 59 phần trăm, tổng sản phẩm trong nước tăng 17 phần trăm, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 10 phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1929.
    Nhà nước phúc lợi toàn diện được xây dựng ở Anh sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù phần lớn được thực hiện bằng bởi đảng Lao động, nhưng nó chủ yếu được thiết kế bởi John Maynard Keynes, người đã đặt nền móng kinh tế, và William Beveridge, người đã xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, hầu hết các nước trên thế giới có nền kinh tế hỗn hợp, trong đó kết hợp chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa tự do kinh tế.
    2.12 Chủ nghĩa tự do thời hậu chiến
    Chiến tranh lạnh được đặc trưng bởi cuộc cạnh tranh ý thức hệ sâu rộng và nhiều cuộc chiến ủy nhiệm, nhưng cuối cùng nỗi lo về một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã không bao giờ xảy ra. Trong khi các quốc gia cộng sản và dân chủ tự do cạnh tranh với nhau, thì một cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1970 đã truyền cảm hứng cho một sự chuyển hướng khỏi kinh tế học Keynes, đặc biệt là dưới thời Margaret Thatcher ở Anh và Ronald Reagan ở Mỹ.
    Sự phục hồi của chủ nghĩa tự do cổ điển, được gọi theo nghĩa xấu là "tân tự do" bởi các đối thủ của nó, kéo dài suốt thập niên 1980 và 1990, mặc dù gần đây, cuộc Đại suy thoái (2008) đã kích thích một sự hồi sinh tư tưởng kinh tế của Keynes. Trong khi đó, cuối thế kỷ 20, các nước cộng sản ở Đông Âu sụp đổ khiến cho nền dân chủ tự do là hình thức chính phủ chủ yếu duy nhất của phương Tây.
    Vào lúc bắt đầu của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới giống vẫn như 45 năm trước đó. Sau năm 1945, các nền dân chủ tự do mở rộng rất nhanh chóng, nhưng sau đó dẫn rút lui. Trong tác phẩm Tinh thần dân chủ, Larry Diamond cho rằng ở năm 1974, "chế độ độc tài, chứ không phải dân chủ, là con đường của thế giới", và "chỉ một phần tư của các quốc gia độc lập lựa chọn chính phủ của họ thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh, tự do và công bằng". Diamond tiếp tục nói rằng nền dân chủ hồi phục trở lại vào năm 1995 khi thế giới "chủ yếu là dân chủ". Chủ nghĩa tự do vẫn còn phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là với sự tăng trưởng phi thường của Trung Quốc, với một sự kết hợp giữa mô hình của chính phủ độc tài và chủ nghĩa tự do kinh tế.
     (còn tiếp)
    (Dịch từ http://en.wikipedia.org/wiki/Liberalism)

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org