Trong
năm qua, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tại Campuchia đã gia tăng áp lực
đáng kể lên các đối thủ chính trị và xã hội dân sự. Nền dân chủ ở Campuchia
luôn có lỗ hổng, và các cuộc bầu cử không hoàn toàn tự do và công bằng. Tuy
nhiên, cuộc đàn áp trong thời điểm hiện tại có quy mô lớn hơn, và đáng quan ngại
hơn, một phần vì nó được kích hoạt bởi sự thờ ơ của Mỹ đối với tiến trình dân
chủ ở Campuchia.
Thủ
tướng Hun Sen, người cầm quyền không phải là vua lâu đời nhất của Đông Á, đã sử
dụng quyền lực của mình để bịt miệng các nhà phê bình và các phương tiện truyền
thông thẳng thắn, trong đó có cả tờ báo độc lập, tờ Cambodia Daily.
CPP cũng đã trục xuất Viện Dân chủ Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tập
trung vào các quyền và dân chủ, và bắt giữ các đối thủ chính trị. Kem Sokha,
người đồng lãnh đạo đảng đối lập, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đã bị bắt vào
tháng Chín (2017) vì cáo buộc về tội phản quốc. Sam Rainsy, một nhân vật đối lập
nổi bật khác, vẫn đang lưu vong ở Pháp.
Tuy
nhiên, trong những tuần gần đây, Hun Sen đã gia tăng áp lực, về cơ bản là chấm
dứt những nỗ lực dân chủ yếu ớt ở Campuchia. Đầu tháng này, một tòa án được điều
hành bởi các đồng minh của CPP đã giải thể CNRP. Kết quả là, đảng CNRP rất có
thể sẽ không được tranh cử trong các cuộc bầu cử quốc gia trong năm 2018 và gần
như đảm bảo rằng Hun Sen sẽ giành được một nhiệm kỳ thủ tướng tiếp theo. Phán
quyết này cũng có thể giúp Hun Sen rốt cuộc trao quyền cho một thành viên khác
trong gia đình. Lo sợ cho sinh mạng của mình, khoảng một nửa các nhà lập pháp
CNRP đã rời khỏi Campuchia.
Hun
Sen hầu như không e ngại về những gì mà tờ Cambodia Daily gọi
trong số báo cuối cùng được xuất bản là “Sự trượt dài vào chế độ độc tài tuyệt
đối”. Trên thực tế, Hun Sen, như các nhà độc tài khác ở Đông Nam Á, vào thời điểm
hiện tại dường như tin rằng ông ta có toàn quyền tự do hành động nếu xét đến ưu
tiên thấp mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dành cho vấn đề nhân quyền.
Trong
quá khứ, áp lực của phương Tây đã kiềm chế Hun Sen. Viện trợ nước ngoài, trong
đó bao gồm cả viện trợ từ Hoa Kỳ, chiếm đến 40% ngân sách quốc gia của
Campuchia. Và, mặc dù chính quyền Tổng thống Barack Obama mở rộng hợp tác với
Campuchia, họ cũng liên tục nêu vấn đề vi phạm nhân quyền của Hun Sen, bao gồm
cả việc nêu vấn đề này trong chuyến thăm căng thẳng của ông Obama đến Phnom
Penh vào năm 2012.
Chính
quyền của Trump đã thu hẹp áp lực này, và một phần trong đó được thực hiện bằng
cách hạ thấp vấn đề nhân quyền và thúc đẩy dân chủ. Trong một bài diễn văn trước
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Trump đã nêu rõ ông sẽ ưu tiên chủ quyền
hơn các quyền khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson thậm chí đã từng
nghĩ đến việc loại bỏ mục tiêu thúc đẩy dân chủ ra khỏi các sứ mệnh của Bộ Ngoại
giao.
Hun
Sen gần như ngay lập tức tận dụng sự thay đổi này. Trong tháng Hai, ông đã so
sánh thái độ khinh thị của mình đối với các phương tiện truyền thông Campuchia
với sự hoài nghi của Trump đối với các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ.
Và mặc dù các quan chức cấp dưới của Hoa Kỳ, trong đó có cả Giám đốc cao cấp phụ
trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã gặp các đồng sự Campuchia để gây
áp lực về vấn đề về quyền, nhưng Trump đã không đưa ra tuyên bố tiêu cực nào về
các hành động của Hunsen. Trong một bài phát biểu vào đầu tháng 11, Hun Sen đã
ca ngợi Trump về thái độ không quan tâm và không can thiệp.
Các
nhà độc tài khác ở Đông Nam Á, hoặc các nhà lãnh đạo được bầu với khuynh hướng
độc tài, cũng đã tán dương chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên” của Trump.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ
chính phủ dân cử ba năm trước, được chào đón tại Nhà Trắng trong năm nay. Tương
tự là nhà lãnh đạo Malaysia Najib Razak, người có thể bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thẩm
vấn trong cuộc điều tra quy mô lớn về gian lận tại một quỹ đầu tư quốc gia của
Malaysia.
Trong
khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có một cuộc điện đàm thân thiện
với Trump hồi tháng Tư. Trump đã ca ngợi “cuộc chiến chống ma túy” tàn bạo và
trái pháp luật của nhà lãnh đạo nước này mà theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
(HRW) đã khiến hơn 12.000 người chết.
Trong
chuyến thăm của Trump tới Manila vào tháng 11/2017, Duterte đã hát tặng ông một
bài hát, và khi xuất hiện chung, Trump đã cười khi người đồng cấp Philippines nguyền
rủa các phương tiện truyền thông, gọi họ là “gián điệp”. (Theo Ủy ban Bảo vệ
Các nhà báo, Philippines là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối
với các nhà báo). Sau đó, Trump tuyên bố ông có đề cập ngắn gọn về vấn đề quyền
con người với Duterte, nhưng một phát ngôn viên của chính phủ Philippines cho
biết hai người đã không thảo luận gì về vấn đề này.
Như
Hun Sen, Duterte, và những người khác đã cho thấy, cách tiếp cận mới của Hoa Kỳ
dung dưỡng sự nhởn nhơ của các nhà lãnh đạo độc tài. Mặc dù các quốc gia tài trợ
khác, chẳng hạn như Canada và Pháp, cũng đôi khi nêu những vi phạm của Hun Sen,
chính chính phủ Hoa Kỳ, vốn là tác nhân có ảnh hưởng nhiều nhất, mới là người dẫn
dắt những chỉ trích này.
Tuy
nhiên, cách tiếp cận kiểu làm ngơ của chính quyền Trump đã cản trở khả năng của
các quốc gia khác trong việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Ví dụ, Thủ tướng
Canada Justin Trudeau, trong cuộc gặp song phương với Duterte tháng này, đã nêu
quan ngại về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ
của Mỹ, áp lực mà Trudeau gây ra sẽ thiếu các biện pháp đáng tin cậy đi kèm.
Chính
sách của Trump đang gây nguy hiểm cho các lợi ích lâu dài của Mỹ. Cũng như ở
Campuchia, những người châu Á ủng hộ mạnh mẽ nhất cho thay đổi dân chủ chính là
các nam nữ thanh niên. Các đảng đối lập ở Malaysia, Campuchia, và các nước Đông
Nam Á khác thu hút nhiều người trẻ tuổi, tương tự là nhiều tổ chức truyền thông
và các nhóm xã hội dân sự đang chịu áp lực hiện nay. Và, quan trọng nhất từ
quan điểm lợi ích quốc gia, Mỹ đã xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ nhất
với các nền dân chủ khác ở châu Á .
Các
chính sách làm ngơ nhân quyền và dân chủ sẽ không có lợi cho Mỹ hay khu vực.
Cách tiếp cận “nước Mỹ trước tiên” vốn không xem xét những vấn đề này – ở
Campuchia hay bất cứ nơi nào khác – cuối cùng sẽ chỉ làm nước Mỹ suy yếu hơn.
Joshua
Kurlantzick là nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối
ngoại, và là tác giả cuốn sách sắp xuất bản có nhan đề A
Great Place to Have a War: America in Laos and the Birth of a Military
CIA.