Tiến trình Dân chủ hóa của Đài Loan

Posted on
  • Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • 1. Tiến trình dân chủ hóa của Đài loan
    Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản. Vào năm 1945, khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, quyền cai trị Đài Loan được trao lại cho Trung Hoa Dân Quốc lúc đó vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Quốc Dân Đảng (KMT).
    Tới năm 1949, KMT thất bại trước đảng Cộng Sản trong cuộc nội chiến nên phải rút quân từ Trung Quốc đại lục ra Đài Loan. Sau khi tới Đài Loan, KMT thi hành chính sách kinh tế thời chiến. Lệnh thiết quân luật được ban bố vào ngày 20 tháng 5, đồng thời Tưởng Giới Thạch cũng ban hành các chính sách điều tiết về sản xuất, tiêu dùng, tiết kiệm, thương mại, lưu thông hàng hóa.
    Để củng cố quyền lực nhà nước và vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, KMT đã tiến hành một loạt các cải cách chính trị và dân sự. Những biện pháp này được đưa ra nhằm giúp KMT gia tăng khả năng kiểm soát đảng viên, quân đội, công chức, thanh niên, nông dân, và công nhân. Do đó “một chế độ độc đoán cứng” đã được hình thành trên đất Đài Loan ngay từ những ngày đầu, khi mà KMT chi phối mọi hoạt động kinh tế - chính trị.
    Với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế, KMT đã tiến hành chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI) vào đầu những năm 1950. Sau đó, cùng với sự viện trợ kinh tế của Mỹ, KMT đã chuyển đổi thành công sang chính sách công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu (EOI) vào cuối những năm 1950. Cho tới những năm 1970, hai chính sách ISI và EOI đã giúp nền kinh tế Đài Loan thay đổi hoàn toàn.
    Trong khi Đài Loan đang phát triển mạnh từ đầu những năm 1960, thì những thay đổi kinh tế - chính trị bất lợi trên toàn cầu bắt đầu xuất hiện. Vào năm 1971, Mỹ, lực lượng bảo hộ chính cho Đài Loan, đã làm hòa với Trung Quốc, đồng thời gây áp lực buộc Đài Loan phải rút lui khỏi Liên Hợp Quốc. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng dầu mỏ nổ ra vào năm 1973, gây khó khăn cho nền kinh tế Đài Loan, một quốc gia vốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu. Tất cả những điều này buộc chính quyền KMT phải dựa vào thực lực trong nước, và bởi vậy KMT cần phải tự tiến hành cải cách chính trị.
    Trong thời kỳ “độc đoán cứng”, không ai ngó ngàng tới chuyện bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp. Chẳng hạn, KMT đã cấm các hoạt động biểu tình và đình công, và người dân chỉ được tham dự chính trị trong các cuộc bầu cử ở cấp địa phương. Tuy nhiên, ngay sau khi Mỹ làm hòa với Trung Quốc, chính quyền KMT đã tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia (vốn bị hoãn từ năm 1947) nhằm gia tăng tính chính danh của nó.
    Tháng 12 năm 1979, lực lượng đối lập nhân dịp Ngày nhân quyền quốc tế tổ chức các hoạt động vận động dân chủ. Chính quyền huy động cảnh sát, quân đội ngăn chặn người mít tinh ở thành phố Cao Hùng, xung đột đã xảy ra giữa hai bên. Chính quyền lấy cớ vụ xung đột bắt hàng loạt lãnh đạo của phe đối lập và đưa ra tòa xét xử. Sự kiện này được coi là một trong những dấu mốc quan trọng trên đường đến dân chủ của Đài Loan.
    Trong thập niên 80, lực lượng chính trị đối lập ngày càng lớn mạnh, các nhóm, mạng lưới ngày càng chặt chẽ và đã có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy dân chủ hóa. Phong trào “Ngoài đảng” (Tangwai) ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Nhìn chung, bảo vệ nhân quyền, tôn trọng hiến pháp dân chủ luôn được nêu lên như những đòi hỏi căn bản của phong trào.
    Do bất lợi từ môi trường quốc tế, cũng như sự chia rẽ trong nội bộ đảng, khiến cho Tưởng Kinh Quốc (con trai, người kế vị Tưởng Giới Thạch) quyết  tâm đổi mới chính trị. Tháng 12 năm 1985, khi chủ tọa Lễ Kỷ niệm 38 năm ngày Hiến pháp ra đời, ông có bài phát biểu khẳng định người nhà họ Tưởng sẽ không tiếp tục tranh cử chức Tổng thống và sau khi ông mất không cho phép thống trị bằng quân sự. Bài nói là một dấu hiệu tích cực, hứa hẹn xu hướng thuận lợi cho tiến trình dân chủ hóa.
    Tháng 8 năm 1986, các thành viên của phong trào “Ngoài đảng” bất ngờ công bố thành lập đảng đối lập lấy tên là “Đảng Dân chủ tiến bộ” (DPP), ban đầu là một đảng bất hợp pháp, sau đó cùng với các đảng đối lập khác được hợp pháp hóa. Tháng 12 cùng năm, trong kỳ bầu cử Quốc hội, Đảng Dân tiến ra tranh cử và được thêm nhiều ghế. Đây là lần đầu tiên tranh cử có cạnh tranh hai đảng và sau đó hình thành nên chế độ hai đảng trong Quốc hội
    Từ năm 1987, chính quyền KMT đã thực hiện những bước đi lớn để tự do hóa xã hội và thực hiện cải cách dân chủ. Lệnh thiết quân luật, được ban hành vào tháng 5 năm 1949, cuối cùng cũng được dỡ bỏ vào tháng 7 năm 1987. KMT cũng bãi bỏ các rào cản đối với việc biểu tình, hoạt động nhóm, di chuyển qua lại tới Trung Quốc đại lục, và cả truyền thông đại chúng.
    Đầu năm 1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời, phó Tổng thống Lý Đăng Huy lên làm Tổng thống. Lý, một người gốc Đài Loan đầu tiên trở thành lãnh đạo của Quốc Dân đảng, đã kế tiếp người tiền nhiệm trong việc đóng góp vào tiến trình cải cách dân chủ.
    Vài năm sau đó, vào tháng 5 năm 1991, KMT cũng chủ động bãi bỏ Sắc lệnh Tạm thời – một sắc lệnh dùng để gia tăng quyền lực tổng thống cũng như xây dựng các thiết chế nằm ngoài hiến pháp nhằm thực thi các chức năng khẩn cấp. Đồng thời tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1946 lần đầu với 10 điều sửa đổi. Các sửa đổi quy định việc bầu cử định kỳ Viện Lập pháp và Quốc hội.
    Vào tháng 12 năm 1992, lần đầu tiên Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội, và Quốc hội mới ngay trong kỳ họp thứ nhất thông qua 8 điều sửa đổi, bao gồm: từ Quốc hội khóa ba, đại biểu được bầu lại sau mỗi bốn năm, tổng thống và phó tổng thống chỉ giữ tối đa hai nhiệm kỳ bốn năm, mở rộng quyền tự chủ địa phương, chủ tịch tỉnh được dân bầu trực tiếp, các thẩm phán cao cấp trong Viện tư pháp sẽ thành lập một tòa án hiến pháp để phán quyết về việc giải tán các chính đảng vi phạm hiến pháp.
    Năm 1994, Quốc hội lại thông qua 10 điều sửa đổi thay thế toàn bộ 18 điều sửa đổi trong hai lần trước, đặc biệt quan trọng là: Tổng thống và Phó tổng thống sẽ được dân bầu trực tiếp. Sau ba lần sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp được tổ chức vào năm 1996. Trong số 4 ứng cử viên dẫn đầu, Lý Đăng Huy giành được số phiếu cao nhất (54%) và trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan, ứng cử viên của Đảng dân tiến về thứ hai (21,1%).
    Trong cuộc bầu cử tháng 3 năm 2000, lần đầu tiên ghế tổng thống Đài Loan từ tay Quốc Dân Đảng chuyển sang phía đối lập. Trần Thủy Biển, lãnh đạo Đảng Dân Tiến, vốn là một luật sư nhân quyền từng tham gia vào vụ án Cao Hùng, trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn những nỗ lực vượt qua sợ hãi, đàn áp để đem đến “hoa trái của tự do và dân chủ”. Ông tiếp tục được bầu làm tổng thống bốn năm sau đó.
    Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng công cuộc cải cách thể chế của chính quyền KMT đã hoàn tất, và Đài Loan chính thức trở thành một nền dân chủ.Việc lựa chon người lãnh đạo được tổ chức thông qua các cuộc bầu cử đều đặn, tự do và công bằng. Sự độc quyền của KMT đối với hệ thống chính trị đã mất đi và không bao giờ có thể khôi phục được nữa. Tự do báo trí, ngôn luận được đảm bảo, khi Freedom House đánh giá Đài Loan là một trong những quốc gia có nền báo trí, truyền thông tự do nhất Châu Á. Các quyền tự do lập hội được mở rộng, và Đài Loan có một xã hội dân sự rất năng động. Về tổng thể, Đài Loan được Freedom House coi là một nền dân chủ tự do, và là một trong ba nền dân chủ tự do duy nhất của Châu Á (bên cạnh Hàn Quốc, và Nhật Bản).

    2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ hóa của Đài Loan
    Khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của tiến trình dân chủ hóa Đài Loan, chúng ta có thể kể đến bốn yếu tố nổi bật như sau:
    Điều kiện kinh tế xã hội
    Trong giai đoạn 1953 – 1990, Đài Loan đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%. Lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 85% tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ biết chữ lên đến 90%. Mức độ người dân tiếp cận với truyền thông đại chúng tương đương với mức của nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu. Phân phối thu nhập của Đài Loan thuộc nhóm các nước bình đẳng nhất, và tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 40% dân số. Nhìn chung, đây là những điều kiện rất thuận lợi về kinh tế xã hội cho quá trình chuyển đổi dân chủ diễn ra, như lý thuyết hiện đại đã khẳng định: phát triển sẽ dẫn đến dân chủ.
    Tầng lớp chóp bu
    Bên cạnh các điều kiện kinh tế xã hội thì quyết định thúc đẩy dân chủ hóa của tầng lớp chóp bu cũng có vai trò quan trọng không kém. Trong những năm 1986 – 1987, Tưởng Kinh Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến cải cách. Ông thành lập một ủy ban để nghiên cứu các biện pháp cải cách như bãi bỏ việc thiết quân luật và hợp pháp hóa phe đối lập. Đồng thời, ông cũng bác bỏ lời kêu gọi đàn áp của một số nhân vật chóp bu trong KMT đối với Đảng Dân Tiến (DPP), khi Đảng này còn hoạt động bất hợp pháp.
    Vào tháng 1 năm 1988, trước khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, ông đã chỉ định Lý Đăng Huy làm người kế nhiệm. Với sự ủy nhiệm của Tưởng và được các lãnh đạo đảng và quân đội chấp thuận, Tổng thống Lý Đăng Huy tiếp tục tiến hành các cải cách tự do hóa và dân chủ hóa dù bị một bộ phận bảo thủ trong KMT phản đối. Do đó, nếu không có sự cam kết của giới chóp bu đối với việc chuyển đổi dân chủ, thì hoàn cảnh chính trị của Đài Loan rất có thể sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn giữa biểu tình bạo lực và đàn áp chính trị.
    Đối lập chính trị
    Các phong trào đối lập ở Đài Loan không phải là sản phẩm tức thời đến ngay sau các sáng kiến cải cách của KMT vào cuối những năm 1980. Thay vào đó, chúng phát triển dần dần từ những năm 1950. Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 1977 dẫn đến bạo loạn của quần chúng (Sự kiện Chungli) nhằm phản đối việc KMT vi phạm bầu cử, phong trào đối lập trở nên mạnh mẽ. Các nhà hoạt động – chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu mới xuất hiện, gồm các trí thức, các giáo sư – đã tổ chức các cuộc diễu hành đường phố, đồng thời họ cũng tạo các cuộc tranh luận trong cơ quan lập pháp, tận dụng áp lực bên ngoài từ Mỹ và tiến hành vận động hành lang ở nước ngoài nhằm gia tăng vị thế của họ khi thương lượng với KMT.
    Khi đối mặt với các thách thức ngày càng tăng của phe đối lập, ban đầu chính quyền sử dụng vũ lực, nhưng sau đó họ cho phép người dân tham gia chính trị một cách giới hạn, và cuối cùng chính quyền đã hợp pháp hóa sự tồn tại của phe đối lập.
    Cũng như nhiều tiến trình dân chủ hóa khác, Đài Loan cũng trải qua những đối đầu gay gắt và nhiều khả năng dẫn đến xung đột bạo lực. Tuy nhiên, các chiến thuật và khả năng kiềm chế của phe đối lập trong các cuộc biểu tình, cộng với các sáng kiến cải cách từng bước của KMT, đã giúp tình hình không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nhờ vậy mà Đài Loan đã không phải trải qua những sự kiện bạo lực nghiêm trọng như từng xảy ra trong tiến trình dân chủ hóa ở các nước khác như Hàn Quốc và các quốc gia Mỹ Latin.
    Các yếu tố bên ngoài
    Vào cuối những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế và đạt được những thành công nhất định. Những cải cách này giúp cho hệ thống của Trung Quốc không khác nhiều so với hệ thống của Đài Loan, vì cả hai cùng là nền độc tài phát triển. Do đó, vừa để tránh mối đe dọa từ một đất nước Trung Quốc mạnh mẽ, vừa để chứng minh sự ưu việt hơn trong hệ thống của mình, KMT đã tiến hành cải cách hệ thống chính trị của mình theo hướng tự do hóa.
    Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng gây áp lực rất lớn đòi chính quyền Đài Loan phải tiến hành dân chủ hóa. Trước năm 1970, do nhu cầu chống lại sự bành trướng của Cộng sản nên chính quyền Mỹ ít quan tâm đến kiểu chế độ của các quốc gia liên minh, dù có là độc tài chăng nữa. Song sau năm 1970, Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách, và coi việc thúc đẩy dân chủ là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của mình. Do Đài Loan nhận bảo hộ quân sự và viện trợ kinh tế từ Mỹ, nên khi đứng trước áp lực dân chủ hóa của Mỹ, giới chóp bu KMT ít có quyền lựa chọn.

    Tài liệu tham khảo:
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org