Lịch sử dân chủ của Myanmar

Posted on
  • Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Những người nghèo ở Myanmar đã trải qua một lịch sử bi thảm kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Nền dân chủ non trẻ đã bị phá hủy bởi sự tiếm quyền của quân đội vào năm 1960, đưa đến một chế độ mà hầu như đóng cửa với phần còn lại của thế giới.
    Nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của quốc gia, vốn từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, rơi vào tay chế độ tham nhũng và bè phái, trong khi đó phần lớn dân số sống trong cảnh nghèo đói và chịu đựng cảnh lạm dụng nhân quyền kinh khủng.
    Nền kinh tế được điều hành bởi quân đội và bè phái của nó, đã tiến hành cướp bóc các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, ngọc bích, gỗ, cũng như tham gia vào buôn bán ma túy.
    Trong khi đó cuộc nội chiến giữa sắc tộc Bamar theo Phật giáo, chiếm đa số, do quân đội lãnh đạo, và hàng chục sắc dân tộc thiểu số sống ở miền núi và biên giới Myanmar (các sắc tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số đất nước) kéo dài từ thời kì độc lập đến nay.
    Chế độ quân sự gần như đã phá hủy nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, thể chế và xã hội của đất nước này. Tình trạng tồi tệ của người dân được phản ánh thông qua chỉ số "phát triển con người" của Myanmar chỉ ở mức 148/188 trên thế giới.
    Sau các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1988, chính phủ quân sự đã quyết định tổ chức bầu cử vào năm 1990. Nhưng sau đó, nó đã hủy bỏ kết quả bầu cử khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), dưới sự lãnh đạo của Aung San Suu Kyi, giành thắng lợi. Bà là con gái của Tướng Aung San, lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập của Myanmar từ Anh.
    Chính phủ đã bắt giam các nhà lãnh đạo NLD cũng như các nhà hoạt động. Aung San Suu Kyi đã bị giam giữ tại gia suốt 15 năm tiếp theo, và bà đã không thể tới tham dự lễ trao giải Nobel Hoà bình mà bà được trao tặng vào năm 1991. Từ đó, Hoa Kỳ và EU bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và thương mại nặng nề lên Myanmar.

    Các bước tiến tới dân chủ
    Năm 2003, chính phủ quân đội vạch ra lộ trình bảy bước cho "một nền dân chủ kỷ luật", theo đó quân đội vẫn giữ được nhiều quyền lực. Và vào năm 2008, họ đã soạn thảo một hiến pháp mới, sau đó được thông qua bởi một cuộc trưng cầu ý dân giả mạo.
    Đây là một hiến pháp rất đặc biệt, trong đó quân đội tiếp tục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của nó đối với quyền lực quốc gia; khi nó nắm 25% số ghế của quốc hội, và để thay đổi hiến pháp đòi hỏi sự tán đồng của hơn 75% nghị sĩ.
    Quân đội cũng kiểm soát ba bộ quan trọng, cụ thể là bộ quốc phòng, bộ các vấn đề biên giới, và bộ các vấn đề nội địa. Nó cũng có quyền chỉ định một trong hai phó tổng thống. Và còn Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cơ quan quyền lực nhất ở Myanmar, vốn có thể đình chỉ chính phủ; thì trong thành phần gồm 11 thành viên của nó, quân đội chiếm 6 vị trí.
    Quân đội sợ sự yêu mến của công chúng cho Aung San Suu Kyi đến nỗi họ đã soạn thảo một điều khoản trong hiến pháp ngăn cản không cho bà trở thành tổng thống. Điều khoản này cấm mọi người có vợ/chồng hoặc con cái người nước ngoài nắm giữ vị trí này (chồng bà là người Anh).

    Cuộc bầu cử năm 2010 và 2012
    Chế độ độc tài quân sự của Miến Điện gây ngạc nhiên cho thế giới khi tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2010. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử này bị NLD tẩy chay, và chắc chắn chiến thắng thuộc về Đảng Liên minh Thống nhất và Phát triển (USDP), vốn do quân đội hậu thuẫn.
    Do đó, chính phủ quân sự đã được thay thế bởi một chính phủ dân sự mà quân đội hậu thuẫn do Tổng thống Thein Sein, cựu sĩ quan, làm lãnh đạo. Mặc dù các cuộc bầu cử bị cộng đồng quốc tế bác bỏ là giả mạo, nhưng chúng đã mở đường cho cải cách chính trị và kinh tế dần dần, và mở cửa đất nước.
    Một tuần sau cuộc bầu cử, Aung San Suu Kyi đã được phóng thích khỏi giam giữ tại gia và đồng ý hợp tác với chính phủ. Và đáp lại mong muốn của công chúng, vào năm 2011, tổng thống đã đình chỉ việc xây dựng một con đập thủy điện gây tranh cãi do Trung Quốc cung cấp vốn.
    Cải cách bao gồm việc thả nhiều tù nhân chính trị và các tù nhân khác, cùng việc cho giải ngũ binh lính trẻ em. Tự do lập hội của công đoàn được cho phép, việc kiểm duyệt truyền thông được nới lỏng, và các hiệp định ngừng bắn đã được ký kết với tám nhóm sắc tộc lớn, mặc dù các xung đột tiếp tục với các nhóm như Kachin, Shan và Wa.
    Cải cách kinh tế bao gồm tự do hóa đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng, cải cách tỷ giá. Nhờ mở cửa lĩnh vực viễn thông, hầu như giờ đây mọi người đều có thể sở hữu điện thoại thông minh và truy cập Internet.
    Nhưng hầu hết các lợi ích của cải cách đã rơi vào tay các trung tâm đô thị như Yangon. Quân đội và thân hữu được hưởng lợi rất lớn từ các hợp đồng tư nhân hóa và cơ sở hạ tầng.
    Nông thôn Miến Điện, nơi có khoảng 70% dân số sống và nghèo đói kinh niên, vẫn bị lãng quên. Thật vậy, nông dân đã bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cùng việc tước đoạt đất đai. Khoảng cách giữa giàu nghèo ở Myanmar là rất lớn.
    Năm 2012, các thành viên NLD, bao gồm Aung San Suu Kyi, đã giành 43 trong số 45 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội mang tính bước ngoặt. Trong cùng năm đó, Barack Obama trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Myanmar, sau chuyến thăm trước đó của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Mỹ và EU bắt đầu nới lỏng nhiều biện pháp trừng phạt.
    Nhưng cũng trong năm 2012, có một làn sóng lạm dụng nhân quyền tàn bạo, được cho là có sự tham gia của chính phủ, chống lại người Rohingya, một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở bang Rakhine. Hơn 100.000 người Rohingya hiện đang di cư bên trong (đất nước), sống trong các trại tị nạn. Đáng tiếc là Aung San Suu Kyi đã im lặng về vấn đề này, do lo sợ phản ứng dữ dội từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo cực đoan.

    Các cuộc bầu cử tháng 11 năm 2015
    Vào tháng 11 năm 2015, các cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức. NLD đã chiếm đa số trong cả hai viện quốc hội, với khoảng 80% số phiếu bầu. Theo hầu hết các nhà quan sát, cuộc bầu cử ở Myanmar là tự do và tương đối công bằng, và là một thành công vang dội.
    Hơn 6000 ứng cử viên quốc hội từ 93 đảng chính trị đã cạnh tranh trong các cuộc bầu cử (nhưng các ứng cử viên Hồi giáo đã bị loại khỏi danh sách NLD). Tổng thống sắp mãn nhiệm đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Và người đứng đầu quân đội, Min Aung Hlaing, ủng hộ quá trình chuyển đổi của đất nước.
    Ông Htin Kyaw, một người bạn trung thành của Aung San Suu Kyi, được bổ nhiệm làm Tổng thống. Quân đội bác bỏ cuộc vận động của bà Suu Kyi nhằm thay đổi hiến pháp để cho phép bà trở thành tổng thống. Bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao, cũng như "cố vấn quốc gia", một vị trí mà bà ám chỉ là "trên cả tổng thống".
    Một số người cho rằng đây là sự lật đổ Hiến pháp, đặt ra câu hỏi về tinh thần dân chủ của bà. Nhưng đây chỉ là phản ứng đối với một Hiến pháp giả tạo.
    Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận thấy rằng Suu Kyi có tính cách độc đoán và không linh hoạt, điều này có thể không tốt cho sự quản lý đa nguyên. Bà thường được trích dẫn với câu nói rằng "Tôi sẽ đưa ra tất cả các quyết định, bởi vì tôi là người lãnh đạo của đảng chiến thắng".
    Bản chất lai giữa dân sự và quân sự của chính phủ mới được nhấn mạnh bởi nhận xét của người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing trong cuộc diễu hành vào ngày 27 tháng 3 khi ông nhắc nhở công dân Miến Điện rằng quân đội "đảm bảo sự ổn định của đất nước" và "phải có vai trò lãnh đạo trong nền chính trị quốc gia."
    Thant Myint-U, một sử gia từ Myanmar, đã tổng kết tình hình một cách ngắn gọn như sau: đây "không phải là một cuộc bầu cử một chính phủ. Mà là một cuộc bầu cử cho một chính phủ chia sẻ quyền lực với quân đội".

    Điều gì thúc đẩy những thay đổi chính trị đáng ngạc nhiên của Myanmar?
    Đã có nhiều tranh luận và suy đoán về các lý do cho những thay đổi chính trị đáng ngạc nhiên của Myanmar. Rõ ràng là các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU và các nước khác đối với chế độ quân sự của Miến Điện ít hiệu quả. Nếu có, thì các lệnh trừng phạt có thể chỉ làm gia tăng sự kiên định của chế độ. Myanmar cũng không phải là trường hợp mà tầng lớp trung lưu đang nổi lên của đất nước gây áp lực lên giới tinh hoa đòi chia sẻ quyền lực dẫn đến dân chủ hóa.
    Như Joshua Kurlantzick và nhiều người khác chỉ ra "sự mở cửa mới đây của Myanmar có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi của các nhà lãnh đạo về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh". Myanmar hầu như "đang trở thành một nhà nước khách hàng của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh cung cấp cơ hội buôn bán, viện trợ, đầu tư, và bảo vệ về mặt ngoại giao cho chế độ quân sự của Myanmar".
    Dân chủ hoá là cách duy nhất để hồi sinh mối quan hệ với Hoa Kỳ và EU, và do đó phá vỡ sự kiểm soát quá chặt chẽ của Trung Quốc. Priscilla Clapp, cựu Tham tán Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Myanmar, phát biểu ở một hội nghị tại Brookings vào năm 2015 như sau: "Trung Quốc coi đất nước này là một tỉnh của Trung Quốc, trong tầm ảnh hưởng của họ".
    Một nhân tố khác nữa là các nhà lãnh đạo quân sự không được dân chúng ủng hộ có thể đã cho rằng một quá trình cải cách dần dần có thể cho phép họ giữ được vị thế thống trị về kinh tế và chính trị, và tránh rủi ro của một cuộc nổi dậy bạo lực của dân chúng mà một số nước ở Trung Đông vừa trải qua trong Mùa xuân Ả Rập.
    Với cải cách của mình, quân đội Myanmar đạt được nhiều thành công. Họ đã cải thiện đáng kể sự ủng hộ của công chúng, cũng như chấm dứt được nhiều lệnh trừng phạt cùng tình trạng bị cô lập. Tuy nhiên, quân đội và bè phái của nó vẫn được hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế. Và việc quân đội vẫn duy trì sự kiểm soát chi phối đối với đất nước này khiến một số người gọi nền dân chủ của Myanmar là nền "dân chủ bị trói".
    Không có gì đáng ngạc nhiên, ngay cả sau bầu cử, Economist Intelligence Unit vẫn xếp Myanmar là "chế độ lai", với hạng 114 trong số 136 quốc gia được khảo sát; trong khi đó, Freedom House xếp Myanmar dạng "không tự do" về các quyền chính trị, tự do dân sự; còn Heritage Foundation’s Index of Economic Freedom xếp Myanmar vào danh sách "đàn áp", hạng 158 trong số 178 quốc gia khảo sát.
    Mặc dù tất cả những xếp hạng này, Myanmar và cuộc sống của người dân của nó đã thay đổi rất lớn trong vài năm qua. Hầu hết các nhà bình luận đều tin rằng sự trở lại với quá khứ là điều không thể. Một viễn cảnh lạc quan cho Myanmar là sự phát triển kinh tế liên tục và một tầng lớp trung lưu đang nổi lên, điều mà cuối cùng sẽ dẫn đến các áp lực cho một nền dân chủ hoàn chỉnh hơn.
    Tuy nhiên, một rủi ro lớn đối với đất nước này là quá trình chuyển đổi thời kỳ hậu Aung San Suu Kyi. Bà đã 70 tuổi, và mặc dù bà vẫn còn mạnh khỏe, song không còn nhiều thời gian. Các chính trị gia mới của Myanmar không có kinh nghiệm trong việc điều hành, và không có địa vị tốt để kế vị bà. (Trên thực tế, chính Aung San Suu Kyi không có kinh nghiệm quản lý.)
    Do đó, một viễn cảnh khác là Myanmar có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị sau khi bà qua đời, và quân đội tái khẳng định sự kiểm soát của nó đối với đất nước.

    Những thách thức mà chính phủ mới của Myanmar đang phải đối mặt
    Nhìn chung, nền độc tài quân sự của Miến Điện đã để lại đất nước trong tình trạng tệ hại.
    Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỷ qua, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua của Myanmar khoảng 5.000 USD, vẫn là một trong những nước nghèo nhất ở châu Á, chỉ đứng trước các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Nepal và Pakistan. Nó có tỉ lệ đói nghèo thuộc dạng cao nhất Đông Nam Á, với 26% dân số sống dưới chuẩn nghèo (Tỷ lệ đói nghèo cao gấp đôi ở nông thôn, nơi có 70% dân số sống).
    Cơ sở hạ tầng và khả năng cạnh tranh của đất nước vẫn ở trong tình trạng tồi tệ. Theo "Báo cáo Kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới, Myanmar vẫn là một trong những quốc gia khó làm ăn kinh doanh nhất, đứng thứ 167 trong số 189 nước được khảo sát.
    Sự giàu có và quyền lực kinh tế được tập trung vào tầng lớp thượng lưu của quân đội và những người họ hàng của họ.
    Myanmar là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới, theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới, nó được xếp hạng 147 trong số 168 quốc gia khảo sát. Đây cũng là một trong những nước yếu nhất trong lĩnh vực pháp quyền khi mà theo chỉ số của Dự án Tư pháp Thế giới, nó xếp hạng 92 trong số 102 quốc gia khả sát.
    Myanmar cũng là một trung tâm buôn bán ma túy chính ở châu Á, là một nguồn cung thuốc phiện, và là một nhà xuất khẩu heroin quan trọng, chỉ đứng sau Afghanistan.
    Nói tóm lại, chính phủ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc quản lý ba quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống - từ xung đột đến hòa bình, từ độc tài đến dân chủ, và từ nền kinh tế khép kín đến một nền kinh tế mở. Ngay cả trong tình huống lạc quan nhất, sẽ mất vài thập kỷ để Myanmar có thể bắt kịp với các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

    Những thách thức quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt là gì?
    Thử thách lớn nhất mà chính phủ phải đối mặt là làm việc cùng với quân đội, vốn vẫn giữ được quyền lực rất lớn song không chịu trách nhiệm trước bất kỳ cơ quan dân sự nào.
    Thật không may, phần lớn ngân sách của chính phủ được chi tiêu cho quân đội ở thời điểm mà nó cần phải đầu tư rất nhiều cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.
    Tiếp tục mở cửa và tự do hóa nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến một số cuộc xung đột với quân đội và bè phái của nó. Xóa bỏ tham nhũng tràn lan và các hoạt động bất hợp pháp khác cũng là một thách thức lớn.
    Điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc cũng là một điều quan trọng. Trong khi Myanmar từng trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thì việc hợp tác với Trung Quốc hứa hẹn rất lớn cho nền kinh tế, với biên giới chung của họ, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lao động giá rẻ và con đường tiếp cận với Ấn Độ Dương của Myanmar.
    Cuối cùng, thì sự kiên nhẫn là điều rất cần thiết cho thành công, do đó cần phải rất khéo léo trong việc điều chỉnh những kì vọng cao của công chúng những người vốn bị đàn áp và thiếu cơ hội trong hơn sáu thập kỷ.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org