KHỦNG HOẢNG TÍNH CHÍNH DANH VÀ CÁCH MẠNG

Posted on
  • Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Một cách tiếp cận khác về tính chính danh so với cách tiếp cận của Weber được các nhà tân Marxist phát triển. Trong khi các nhà Marxist chính thống bác bỏ tính chính danh, coi nó là một thứ giả tạo hay một diễn ngôn của giai cấp tư sản, thì các nhà Marxist hiện đại, theo sau Gramsci, thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản được củng cố một phần nhờ vào khả năng của nó trong việc duy trì sự ủng hộ chính trị.
    Do đó, các nhà tân Marxist như Jürgen Habermas và Claus Offe không chỉ tập trung vào hệ thống giai cấp, mà còn vào cơ chế qua đó tính chính danh được duy trì (tiến trình dân chủ, cạnh tranh đảng phái, phúc lợi, cải cách xã hội, và vv). Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh vào điều mà họ xem là khó khăn cố hữu trong việc chính danh hóa một hệ thống chính trị vốn được đặt trên nền tảng giai cấp. Trong tác phẩm Legitimation Crisis (1973), Habermas xác định một loạt ‘các xu hướng khủng hoảng’ trong các xã hội tư bản mà khiến nó khó có thể duy trì sự ổn định chính trị của mình chỉ thông qua sự đồng thuận. Ông cho rằng trung tâm của sự xung đột này là sự mâu thuẫn giữa sự tích lũy tư bản và áp lực đại chúng mà tiến trình chính trị dân chủ tạo ra.
    Từ cách nhìn này, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được coi có xu hướng bành trướng rộng khắp do bị thôi thúc bởi động cơ lợi luận. Tuy nhiên, sự mở rộng của các quyền chính trị và xã hội nhằm xây dựng tính chính danh trong các hệ thống (dân chủ tư bản) như vậy đã tạo ra các phản áp lực. Cụ thể, tiến trình dân chủ đã dẫn đến thiết lập các yêu cầu cho phúc lợi xã hội, sự tham gia ngày càng tăng của người dân, cũng như bình đẳng xã hội. Sự mở rộng tất yếu của các trách nhiệm của nhà nước đối với đời sống kinh tế  xã hội, và sự gia tăng không thể tránh khỏi của thuế và chi tiêu công, do vậy ngăn chặn sự tích lũy tư bản bằng cách giới hạn mức độ lợi luận và làm nản lòng doanh nghiệp.
    Theo quan điểm của Habermas, nền dân chủ tư bản không thể làm thỏa mãn cả yêu cầu của người dân cho các quyền an sinh phúc lợi, lẫn yêu cầu của một nền kinh tế thị trường dựa trên lợi nhuận tư nhân. Bị buộc hoặc chống lại áp lực của người dân hoặc đối mặt với rủi ro sụp đổ kinh tế, các xã hội như vậy thấy ngày càng khó, và kì cùng là bất khả thi, trong việc duy trì tính chính danh.
    Một vấn đề tương tự xuất hiện từ những năm 1970 được gọi là chính phủ ‘quá tải’. Các tác giả như Anthony King (1975) and Richard Rose (1980) cho rằng các chính phủ đang thấy họ ngày càng khó khăn trong việc quản lý bởi vì có quá nhiều các yêu cầu đặt lên vai họ - quá tải. Điều này xảy ra một phần bởi vì các chính trị gia và các đảng chính trị cố gắng ‘vượt lên’ nhau trong nỗ lực chiến thắng bầu cử, cũng như bởi vì các nhóm áp lực có thể liên tục tác động lên chính phủ với các yêu cầu xung đột.
    Khả năng của chính phủ để thực thi chính sách bị làm xói mòn hơn nữa bởi sự chuyển dịch sang chủ nghĩa nghiệp đoàn vốn tạo ra sự phụ thuộc ngày càng tăng của các cơ quan chính phủ vào các nhóm có tổ chức và các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, trong khi các nhà tân Marxist tin rằng ‘các xu hướng khủng hoảng’ xuất hiện trong những năm 1970 là vượt quá khả năng mà các nền dân chủ tư bản có thể kiểm soát, các nhà lý thuyết quá tải kêu gọi một sự chuyển đổi lớn về các ưu tiên chính trị cũng như ý thức hệ, đó là rời bỏ cách tiếp cận chính phủ ‘lớn’.
    Ở một có độ nào đó, sự vươn lên của Cánh hữu Mới từ những năm 1980 được xem là một phản ứng với cuộc khủng hoảng tính chính danh hay khủng hoảng quá tải này. Quan ngại về cuộc khủng hoảng ngày càng tăng của nhà nước phúc lợi, Cánh hữu Mới nỗ lực thách thức và thay thế các lý thuyết cũng như các giá trị đã chính danh hóa cho quá trình mở rộng các trách nhiệm của nhà nước trước đó. Ở một mức độ nào đó, Cánh hữu Mới thực chất là một dự án cố gắng thiết lập một tập hợp các giá trị và lý thuyết ủng hộ cho cá nhân và thị trường. Vì vậy, hình thành một triết học công ca ngợi chủ nghĩa tự do cá nhân, và phỉ báng ‘nhà nước ôm đồm’.
    Sự thành công của dự án này có thể giải thích từ thực tế các đảng xã hội chủ nghĩa ở các nước như UK, Pháp, Tây Ban Nha, Úc đã điều chỉnh chính họ cho phù hợp với thời cuộc. Khi điều này xảy ra, nền văn hóa chính trị từng một thời nhấn mạnh công bằng xã hội, các quyền phúc lợi và các trách nhiệm công nhường đường cho một nền văn hóa trong đó lựa chọn, kinh doanh, cạnh tranh, các trách nhiệm cá nhân trở nên chi phối.
    Tuy nhiên, khủng hoảng tính chính danh có nhiều hệ quả to lớn hơn. Khi sự ủng hộ (đang suy giảm) cho một chế độ không còn có thể được điều chỉnh thông qua chính sách công hay thay đổi lãnh đạo, thì sự sụp đổ (hoàn toàn) của tính chính danh sẽ dẫn đến đàn áp hoặc một cuộc cách mạng. Trong khi, thay đổi kiểu tiến hóa thường được thực hiện thông qua cải cách, thì cách mạng liên quan đến một sự thay đổi triệt để. Cách mạng tái cấu trúc lại hoàn toàn trật tự chính trị, do đó dẫn đến một sự đứt gẫy hay đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ.
    Dù còn những tranh cãi lớn về nguyên nhân của cách mạng, song ít nghi ngờ rằng nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới. Cách mạng Mỹ (1776) dẫn đến tạo ra một nền cộng hòa hợp hiến độc lập với Anh. Cách mạng Pháp (1789) phá hủy trật tự cũ có dưới khẩu hiệu ‘tự do, bình đẳng, và tình anh em’, thúc đẩy các ý tưởng dân chủ và ‘một kỉ nguyên cách mạng’ ở Châu Âu vào cuối thế kỉ 19. Cách mạng Nga (1917), cuộc cách mạng cộng sản đầu tiên, cung cấp một mô hình cho các cuộc cách mạng sau đó trong thế kỉ 20, bao gồm Cách mạng Trung Quốc (1949), Cách mạng Cuba (1959), Cách mạng Việt Nam (1975). Các cuộc cách mạng Đông Âu (1989-1991) và các cuộc nổi dậy trong Mùa xuân Ả rập (2011) tái thiết lập lại quan hệ giữa cách mạng và dân chủ.
    Nguồn:
    -         Andrew Heywood. Politics.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org