CHỦ NGHĨA TỰ DO

Posted on
  • Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  •  
    Dù chủ nghĩa tự do không xuất hiện như một ý thức hệ rõ ràng cho đến đầu thế kỉ 19, song các nguyên tắc tự do đã dần phát triển trong giai đoạn 300 năm trước đó. Chủ nghĩa tự do thời kì đầu phản ánh nguyện vọng của giai cấp trung lưu công nghiệp đang lên, và cũng vì vậy chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tự bản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
    Trong hình thức sớm nhất của nó, chủ nghĩa tự do là một học thuyết chính trị. Như được phản ánh trong tư tưởng của các nhà tư tưởng như John Locke, nó công kích chế độ chuyên chế và giới đặc quyền đặc lợi phong kiến, qua đó ủng hộ cho một chính quyền hợp hiến, và sau này, là một chính quyền đại diện.
    Vào đầu thế kỉ 19, một chủ thuyết kinh tế tự do được phát triển, trong đó ca ngợi sự ưu việt của laissez-faire cũng như phê phán tất cả các hình thức can thiệp của chính quyền (vào nền kinh tế). Nguyên tắc này đã trở thành trung tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển, hay chủ nghĩa tự do thế kỉ 19.
    Tuy nhiên, từ cuối thể kỉ 19, chủ nghĩa tự do xã hội xuất hiện, trong đó ủng hộ cho các cải cách phúc lợi và can thiệp nhiều hơn của nhà nước vào nền kinh tế. Những yếu tố này trở thành đặc trung của chủ nghĩa tự do hiện đại, hay chủ nghĩa tự do thế kỉ 20.

    Chủ nghĩa tự do cổ điển
    Nằm ở trung tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển là cam kết (cực đoạn) với chủ nghĩa cá nhân. Con người được xem như sinh vật vị kỉ, tư lợi và độc lập; họ cũng được xem như sở hữu chính mình cùng các khả năng của mình, và không mắc nợ gì xã hội hay cá nhân khác.
    Quan điểm này được củng cố bởi niềm tin vào tự do ‘tiêu cực’, tức tự do khỏi sự can thiệp, hay sự ràng buộc bên ngoài lên cá nhân. Điềy này đồng nghĩa với một thái độ cực kì ác cảm đối với chính quyền cũng như tất cả các hình thức can thiệp của nó.
    Theo lời của Tom Paine, nhà nước là một thứ ‘xấu xa cần thiết’. Nó ‘cần thiết’ bởi nó thiết lập trật tự và an ninh, và đảm bảo rằng các khế ước được củng cố. Tuy nhiên, nó ‘xấu xa’ bởi nó áp đặt ý chí tập thể lên xã hội, và qua đó giới hạn tự do và trách nhiệm của cá nhân.
    Do đó, nhà nước lý tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điển là nhà nước tối thiểu, hay nhà nước ‘gác đêm’, trong đó vai trò của nó chỉ giới hạn tới việc bảo vệ công dân khỏi sự xâm phạm của các công dân khác.
    Trong hình thức tự do kinh tế, quan điểm này (về nhà nước) được củng cố bởi niềm tin sâu sắc vào cơ chế của thị trường tự do, và rằng nền kinh tế vận hành tốt nhất khi không có sự can thiệp của nhà nước. Chủ nghĩa tư bản laissez-faire được xem như một sự đảm bảo cho thịnh vượng, tự do cá nhân, cũng như cho phép cá nhân thành công và thất bại theo tài năng, qua đó đảm bảo sự công bằng xã hội.

    Chủ nghĩa tự do hiện đại
    Trái với chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa tự do thể hiện thái độ thiện cảm với sự can thiệp của nhà nước. Thực vậy, ở Mỹ, thuật ngữ ‘tự do’ thường được sử dụng để ám chỉ sự ủng hộ cho ‘chính phủ lớn’ hơn là ‘chính phủ tối thiểu’. Sự chuyển đổi này (từ chủ nghĩa tự do cổ điển sang chủ nghĩa tự do hiện đại) đến từ sự thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã tạo ra các hình thức bất công mới và khiến cho đời sống người dân phụ thuộc vào sự thất thường của thị trường.
    Từ  ảnh hưởng của các tác phẩm của J.S. Mill, ‘các nhà tự do mới’ (gồm T. H. Green (1836–82), L. T. Hobhouse (1864–1929) và J. A. Hobson (1858–1940)) bảo vệ một quan điểm ‘tích cực’ và rộng hơn về tự do. Theo họ, tự do không chỉ có nghĩa là để tự cho một mình, điều có thể hàm ý không gì khác hơn là tự do để chết đói. Thay vào đó, tự do gắn liền với sự phát triển và thịnh vượng của cá nhân; nghĩa là, tự do là khả năng của cá nhân để đạt được thành tự của mình.
    Quan điểm này cung cấp cơ sở cho chủ nghĩa tự do xã hội hay chủ nghĩa tự do phúc lợi; vốn cho rằng sự can thiệp của nhà nước, đặc biệt dưới hình thức phúc lợi xã hội, có thể mở rộng tự do thông qua bảo vệ cá nhân khỏi những điều xấu xa trong xã hội (mà có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân) như đói khát, dốt nát, lười biếng, bẩn thỉu, và bệnh tật. Để giải quyết những thứ xấu xa này, không thể dựa vào chủ nghĩa tư bản laissez-faire, mà vào chủ thuyết kinh tế của J M Keynes, khi ông cho rằng tăng trưởng và phúc lợi có thể đạt được thông qua một hệ thống tư bản chủ nghĩa ‘điều tiết’, với việc trao cho nhà nước nhiều hơn các trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế.
    Một điều cần lưu ý là, sự ủng hộ của những người tự do hiện đại cho sự can thiệp của nhà nước luôn có điều kiện, đó là sự khốn khó của những người kém may mắn hay dễ tổn thương trong xã hội, vốn không thể tự giúp chính họ. Mục tiêu của họ là giúp các cá nhân này vươn lên tới điểm mà họ có thể tự chịu trách nhiệm cho chính hoàn cảnh và lựa chọn của mình. Ngoài ra, họ vẫn ủng hộ thị trường, tư hữu, cũng như pháp quyền.

    Các ý tưởng chính của chủ nghĩa tự do
    -         Chủ nghĩa cá nhân: đây là một trong những nguyên tắc cốt lõi của ý thức hệ tự do. Nó phản ánh niềm tin vào tầm quan trọng tối cao của con người trong tương quan với các thực thể tập thể như đoàn thể, xã hội. Con người được xem, trước hết, như là cá nhân; và vì vậy họ không chỉ bình đẳng về mặt đạo đức mà còn sở hữu bản sắc riêng biệt và duy nhất. Do đó mục tiêu của chủ nghĩa tự do là xây dựng một xã hội trong đó cá nhân có thể phát triển, mỗi người có thể theo đuổi cái ‘tốt lành’, như anh ta định nghĩa nó, tới mức tốt nhất trong khả năng của anh ta. Điều này khẳng định tính trung lập về mặt đạo đức của chủ nghĩa tự do, tức là nó đặt ra các quy tắc để cho phép cá nhân tự đưa ra các quyết định đạo đức của riêng họ.
    -         Tự do: tự do cá nhân cũng là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tự do; nó được ưu tiên hơn so với bình đẳng, công bằng, hay quyền uy. Điều này đến từ niềm tin tự nhiên vào cá nhân và ước muốn đảm bảo rằng mỗi cá nhân có thể hành động như anh ta lựa chọn. Tuy nhiên, các nhà tự do ủng hộ ‘tự do theo luật’, khi họ thừa nhận rằng tự do của một người có thể trở thành mối đe dọa cho tự do của người khác; tức tự do có thể trở thành tùy tiện. Do đo, họ ủng hộ ý tưởng là cá nhân phải được hưởng tự do tối đa nhất có thể song phải phù hợp với sự tự do của tất cả những người khác.
    -         Lý tính: các nhà tự do tin rằng thế giới có một cấu trúc duy lý, và có thể khám phá thông qua việc sử dụng lý tính của con người. Điều này dẫn họ đi đến tin vào khả năng của cá nhân trong việc đưa ra các quyết định khôn ngoan nhất và tốt nhất cho lợi ích của chính họ. Nó cũng khuyến khích các nhà tự do tin vào tiến bộ và khả năng của con người trong việc giải quyết sự khác biệt giữa họ thông qua lý lẽ, tranh luận, hơn là qua bạo lực và chiến tranh.
    -         Bình đẳng: chủ nghĩa tự do tin vào sự bình đẳng nền tảng: nghĩa là, các cá nhân được sinh ra bình đẳng, ít nhất về mặt đạo đức. Điều này được phản ánh trong cam kết của chủ nghĩa tự do đối với sự bình đẳng về pháp lý, cụ thể là bình đẳng trước pháp luật, và bình đẳng về chính trị, cụ thể là một người một phiếu. Tuy nhiên, vì các cá nhân không sở hữu cùng tài năng, ý chí phấn đấu...,nên các nhà tự do không ủng hộ bình đẳng xã hội hay bình đẳng kết quả. Thay vào đó, họ ủng hộ bình đẳng về cơ hội (‘sân chơi bình đẳng’) trong đó trao cho mọi cá nhân một cơ hội bình đẳng để hiện thực hóa các tiềm năng của mình. Do đó các nhà tự do ủng hộ nguyên tắc nhân tài, vốn nhấn mạnh đến tài năng và sự cố gắng.
    -         Khoan dung: các nhà tự do tin rằng khoan dung (nghĩa là sẵn lòng cho phép người khác suy nghĩ, nói, và hành động theo cách mà mình không đồng tình) không chỉ giúp đảm bảo cho tự do cá nhân mà còn là một phương tiện làm phong phú thêm cho xã hội. Họ tin rằng chủ nghĩa đa nguyên (sự đa dạng về văn hóa, đạo đức, và chính trị) là tốt lành: bởi nó thúc đẩy tranh luận và tiến bộ trí tuệ bằng cách đảm bảo rằng tất cả mọi niềm tin đều được kiểm tra trong một thị trường tự do của các ý tưởng. Hơn nữa, các nhà tự do có xu hướng tin rằng có một sự cân bằng hay hài hòa tự nhiên giữa các quan điểm và lợi ích đối nghịch, và do đó bác bỏ ý tưởng về sự xung đột không thể hòa giải.
    -         Đồng thuận: theo quan điểm tự do, thẩm quyền và quan hệ xã hội phải luôn được dựa trên sự đồng thuận hay thoả thuận tự nguyện. Do đó, chính quyền phải dựa trên sự đồng thuận của người dân. Theo nghĩa này, thẩm quyền đến từ ‘bên dưới’ và luôn phải dựa trên tính chính danh. Đây là một nguyên tắc khuyến khích các nhà tự do đi đến ủng hộ cho chính quyền dân chủ tự do. Tương tự, các tổ chức và hiệp hội được hình thành thông qua giao dịch tự nguyện của cá nhân khi theo đuổi lợi ích của họ.
    -         Chủ nghĩa hợp hiến: dù các nhà tự do xem chính phủ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự và ổn định của xã hội, họ cũng luôn ý thức về nguy cơ chính quyền có thể trở nên chuyên chế chống lại cá nhân (‘quyền lực có xu hướng xuy đồi’. Do đó, họ tin vào chính quyền giới hạn. Mục tiêu này có thể đạt được thông quan phân chia và kiểm soát quyền lực, cũng như thiết lập một bản hiến pháp thành văn trong đó có một tuyên ngôn nhân quyền quy định rõ mối quan hệ giữa nhà nước và người dân.

    Nguồn:
    -         Andrew heywood. Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org