CÁC MÔ HÌNH DÂN CHỦ

Posted on
  • Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Bởi vì hiện nay thuật ngữ dân chủ đã trở nên quá phổ biến và gần gũi khiến cho mọi người cảm thấy rằng nó thật đơn giản. Tuy nhiên, trong thực tế, thuật ngữ này chứa đựng nội hàm rất phức tạp; có rất nhiều mô hình hay lý thuyết khác nhau về dân chủ, thậm chí xung đột với nhau. Trong bài này chúng ta tìm hiểu bốn mô hình dân chủ:
    -         Dân chủ cổ điển
    -         Dân chủ bảo vệ
    -         Dân chủ phát triển
    -         Dân chủ nhân dân

    Dân chủ cổ điển
    Mô hình dân chủ cổ điển được thể hiện trong mô hình của các nhà nước – thành bang Hi Lạp cổ đại, và đặc biệt là trong mô hình được phát triển bởi nhà nước thành bang quyền lực nhất và rộng lớn nhất trong các nhà nước thành bang của Hi Lạp cổ đại, tức Athen. Hình thức dân chủ trực tiếp vận hành ở Athen trong thế kỉ 4 và 5 trước CN thường được coi là hệ thống lý tưởng nhất về sự tham gia của người dân.
    Tuy mô hình này có ảnh hưởng lớn tới các nhà tư tưởng hậu thế như Rousseau và Marx (cũng như các mô hình mà hai nhà tư tưởng này phát triển), song nó những nét rất riêng biệt (so với các mô hình dân chủ sau này) và hiện này không còn được áp dụng nhiều trên thế giới. Nền dân chủ Athen thực chất là một hình thức tổ chức chính quyền trong đó các công việc được người dân trực tiếp giải quyết trong các cuộc họp toàn dân.
    Điều làm cho Athen trở thành nền dân chủ đáng kinh ngạc là mức độ tích cực về chính trị của các công dân của nó. Họ không chỉ tham gia đều đặn vào các buổi họp của Hội Đồng, mà họ còn sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm chính quyền cũng như đưa ra các quyền định chính sách.
    Phê phán quan trọng nhất đối với hình thức dân chủ này đến từ triết gia Plato. Ông công kích nguyên tắc bình đẳng chính trị bởi cho rằng đa phần người dân không sở hữu những tri thức hay kinh nghiệm cần thiết để cai trị một cách khôn ngoan. Giải pháp của ông, như được phát triển trong tác phẩm Cộng hòa, là chính phủ nên được đặt vào trong tay tầng lớp vua chúa song đồng thời phải là triết gia, về cơ bản đó là một dạng độc tài sáng suốt.
    Tuy nhiên, trong thực tế, mặt hạn chế quan trọng nhất của nền dân chủ Athen là nó chỉ có thể vận hành khi loại trừ một bộ phận lớn dân số khỏi các hoạt động chính trị. Sự tham gia chính trị chỉ dành cho những người nam sinh ở Athen trên 20 tuổi. Nô lệ (đa số dân số), phụ nữ và người ngoại quốc không có bất cứ quyền chính trị nào. Thực vậy, các công dân Athen có thể danh nhiều thời gian của họ để tham gia chính trị bởi vì nô lệ làm thay họ tất cả các công việc chân tay nặng nhọc, cũng như phụ nữ đã gánh vác tất cả các công việc trong gia đình.
    Tuy nhiên, mô hình cổ điển này về sự tham gia trực tiếp và liên tục của người dân vào đời sống chính trị hiện vẫn được duy trì ở các thị trấn ở New England của Mỹ, hay ở các hội đồng công xã trong các bang của Thụy Sĩ, cũng như trong các cuộc trưng cầu ý dân ngày càng được sử dụng rộng rãi.

    Dân chủ bảo vệ
    Khi các ý tưởng dân chủ được khôi phục lại vào thế kỉ 17 và 18, chúng mang hình thức rất khác so với nền dân chủ cổ điển của Hi Lạp cổ đại. Cụ thể, dân chủ giờ đây không còn được coi như cơ chế qua đó người dân có thể tham gia vào đời sống chính trị, mà chủ yếu là công cụ để công dân bảo vệ chính họ khỏi sự vi phạm của chính quyền, tức là ‘dân chủ bảo vệ’. Quan điểm này đặc biệt thu hút các nhà tư tưởng tự do cận đại, trong đó quan tâm chính của họ, trên mọi thứ khác, là tạo ra một phạm vi rộng mở nhất có thể cho tự do cá nhân.
    Mong muốn bảo vệ cá nhân khỏi quyền lực quá lớn của chính phủ có lẽ được thể hiện sớm nhất trong đáp trả của Aristotle với Plato: ‘Ai sẽ kiềm chế tầng lớp cai trị’. Một mối quan tâm tương tự với quyền lực không bị kiểm soát được đưa ra trong thế kỉ 17 bởi John Locke, người cho rằng quyền bầu cử được dựa trên các quyền tự nhiên, và đặc biệt là quyền tư hữu. Nếu chính quyền (thông qua hệ thống thuế), sở hữu quyền lực tước đoạt tài sản của người dân, thì người dân có quyền bảo vệ chính họ bằng cách kiểm soát cấu trúc của cơ quan quyết định chính sách thuế: tức quốc hội. Nói cách khác, dân chủ trở thành hệ thống trong đó ‘chính quyền hình thành từ sự đồng thuận’, và hoạt động thông qua cơ quan đại điện.
    Tuy nhiên, chính Locke không phải là một nhà dân chủ theo tiêu chuẩn hiện đại, khi ông tin rằng chỉ những người có của mới có quyền bầu cử, trên cơ sở là chỉ họ mới có các quyền tự nhiên có thể bị xâm phạm bởi chính quyền. Các quan niệm cấp tiến hơn về bầu cử phổ quát được phát triển từ cuối thế kỉ 18 bởi các nhà lý thuyết theo trường phái công lợi như Jeremy Bentham and James Mill. Sự ủng hộ của các nhà công lợi này cho dân chủ dựa trên nhu cầu bảo vệ hay thúc đẩy lợi ích cá nhân. Bentham tin rằng, vì mọi cá nhân tìm kiếm hạnh phúc và tránh đau khổ, nên phổ thông đầu phiếu là cách duy nhất thúc đẩy ‘hạnh phúc lớn nhất cho số lượng lớn nhất’ (nguyên tắc cốt lõi của thuyết công lợi).
    Nhìn chung, dân chủ bảo vệ là hình thức dân chủ giới hạn và gián tiếp. Trong đó, sự đồng thuận của người dân thể hiện thông qua việc tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đều đặn và cạnh tranh; điều này giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình của người cầm quyền. Sự bình đẳng chính trị ở đây được hiểu là quyền bầu cử bình đẳng cho mọi người. Và hơn hết, quan trọng nhất, đây là một hệ thống (dân chủ hợp hiến) hoạt động theo một tập hợp các quy tắc chính thức qua đó kiểm soát quyền lực của chính phủ. Nếu quyền bỏ phiếu là một phương tiện bảo vệ tự do cá nhân, thì tự do phải được bảo vệ hơn nữa thông qua việc phân chia quyền lực giữa các nhành khác nhau cũng như thông qua một tuyên ngôn về các quyền tự do dân sự và chính trị.
    Kì cùng, dân chủ bảo vệ hướng đến trao cho người dân một mức độ tự do rộng rãi nhất có thể để anh ta có thể sống như mình muốn. Do đó, nó tương thích với chủ nghĩa tư bản  laissez-faire và niềm tin rằng cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh kinh tế xã hội của họ. Chính vì vậy, dân chủ bảo vệ hấp dẫn đối với các nhà tự do cổ điển, và hiện nay là các nhà Cánh hữu Mới.

    Dân chủ phát triển
    Dù lý thuyết dân chủ thời kì đầu tập trung vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích của cá nhân, song nó cũng sớm phát triển một một tầm nhìn khác: trong đó quan tâm thúc đẩy sự phát triển của con người cá nhân cũng như cộng đồng; và đây chính là nền tảng của một mô hình dân chủ mới thường được gọi là mô hình dân chủ phát triển.
    Mô hình mới lạ, cấp tiến này được đưa ra đầu tiên bởi Jean-Jacques Rousseau. Nhìn chung, các ý tưởng của Rousseau đánh dấu một sự dịch chuyển khỏi mô hình dân chủ (bảo vệ) của trường phái tự do vốn chi phối trước đó, cũng như có một ảnh hưởng lớn tới truyền thống Marxist, vô chính phủ, và gần đây là phái Cánh tả Mới. Đối với Rousseau, dân chủ kì cùng là phương tiện mà qua đó con người có thể đạt được tự do, hay tự trị, theo nghĩa ‘tuân theo luật mà mình quy định cho chính mình’. Nói cách khác, các công dân chỉ ‘tự do’ khi họ tham gia trực tiếp và liên tục vào việc định hình đời sống của cộng đồng. Đây là một ý tưởng vượt lên trên quan niệm truyền thống trong nền dân chủ bầu cử (người dân chỉ đơn thuần đi bầu) và cung cấp cơ sở cho việc ủng hộ một nền dân chủ trực tiếp. Thực vậy, Rousseau là một người phê phán quyết liệt thực tiễn bầu cử ở Anh, như ông khẳng định trong Khế ước Xã hội (1762) như sau:
    Người dân Anh Quốc nghĩ rằng họ được tự do, nhưng thật ra họ chỉ được tự do mỗi năm năm một lần, sau đó họ trở lại chế độ nô lệ của họ”.
    Điều mang đến cho mô hình của Rousseau sự mới lạ là việc ông cho rằng tự do kì cùng có nghĩa là tuân theo ý chí chung. Rousseau tin rằng ý chí chung là ý chí ‘đúng đắn’ của mỗi công dân, trái với ý chí ‘riêng tư’ hay vị kỉ của anh ta. Bằng cách tuân theo ý chí chung, các công dân không làm gì khác hơn là đang tuân theo bản chất ‘đúng đắn’ của con người mình, ý chí chung trở thành điều mà cá nhân sẽ ý chí nếu họ hành động một các không vị kỉ. Theo quan điểm của Rousseau, một hệ thống dân chủ cấp tiến như vậy không chỉ đơn thuần đòi hỏi sự bình đẳng chính trị, mà còn đòi hỏi một mức độ bình đẳng tương đối cao về kinh tế. Dù không ủng hộ sở hữu chung, tuy nhiên Rousseau đề nghị rằng ‘không công dân nào trở nên giàu có quá mức đủ để mua chuộc người khác và không ai quá nghèo khó đến mức bị buộc phải bán chính mình’.
    Lý thuyết của Rousseau góp phần định hình ý tưởng về nền dân chủ tham gia được các nhà Cánh tả Mới đưa ra trong những năm 1960s và 1970s. Mô hình này ca ngợi ưu điểm của ‘một xã hội tham gia’, trong đó mỗi công dân đạt được sự tự phát triển của mình bằng cách tham gia vào trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời của họ. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua thúc đẩy một sự cởi mở hơn, trách nhiệm giải trình lớn hơn, và phi tập trung hơn trong mọi thiết chế chính của xã hội: gia đình, nơi làm việc, cộng đồng địa phương cũng như trong các thiết chế chính trị như đảng phái, nhóm lợi ích, và các hội đồng lập pháp. Ở trung thâm của mô hình này là ý tưởng về ‘nền dân chủ cơ sở’; nghĩa là niềm tin rằng quyền lực chính trị nên được thực hành ở mức độ thấp nhất có thể.
    Tuy nhiên, các lý thuyết của Rousseau bị phê phán bởi sự phân biệt giữa ý chí ‘đúng đắn’ và ý chí ‘riêng tư’. Nguy hiểm của điều này nằm ở chỗ, nếu ý chí chung không thể đạt được chỉ đơn giản bằng cách hỏi người dân điều họ muốn (bởi vì họ có thể bị chi phối bởi sự vị kỉ), thì dẫn đến ý chí chung cần được định nghĩa từ bên trên, có lẽ bởi một nhà độc tài khi ông ta tuyên bố hành động vì ‘lợi ích chung’ của xã hội. Chính vì lý do này mà đôi khi Rousseau được cho kiến trúc sư của cái gọi là ‘nền dân chủ độc tài’.
    Tuy nhiên, một phiên bản dân chủ phát triển khác, ôn hòa hơn cũng đã được phát triển, và đặc biệt, nó tương thích với hình thức chính quyền đại diện (không giống như mô hình của Rousseau, chỉ áp dụng cho nền dân chủ trực tiếp). Mô hình dân chủ phát triển bắt nguồn từ các tác phẩm của John Stuart Mill. Đối với Mill, ưu điểm trung tâm của dân chủ là thúc đẩy sự phát triển ở mức ‘cao nhất cũng như hài hòa nhất’ các khả năng của cá nhân. Khi tham gia vào trong đời sống chính trị, người dân tăng cường nhận thức của họ, và do đó khiến cho họ cảm nhận tốt hơn và đạt được mức độ phát triển cao hơn (về chính trị). Tóm lại, dân chủ về cơ bản là một trải nghiệm mang tính giáo dục. Vì vậy, Mill đề nghị mở rộng sự tham gia của người dân, khi cho rằng phổ thông đầu phiếu nên được mở rộng tới rất cả ngoại trừ những người mù chữ. Theo thời gian, ông đề nghị (khá cấp tiến so với thời ông) bao gồm cả phổ thông đầu phiếu cho phụ nữ. Ngoài ra, ông ủng hộ cho việc tản quyền, với các chính quyền địa phương mạnh và độc lập, bởi ông tin rằng điều này sẽ mở rộng cơ hội của người dân trong việc nắm giữ các chức vụ công.
    Mặt khác, Mill, cùng với các nhà tự do, quan tâm về những mặt trái của dân chủ. Thực vậy, ông (vốn vẫn trong dòng chính của tư tưởng tự do) bác bỏ ý tưởng về sự bình đẳng chính trị. Theo sau Plato, Mill không tin rằng tất cả mọi quan điểm chính trị đều có giá trị như nhau. Hệ quả, ông đề nghị một hệ thống bỏ nhiều phiếu: chẳng hạn, người công nhân không có kỹ năng chỉ có một phiếu, người công dân có kỹ năng có hai phiếu, người có học thì có năm hoặc sáu phiếu. Sự e dè của ông đối với dân chủ đền từ nỗi sợ hãi (điển hình của những người tự do) đối với cái mà Tocqueville gọi là ‘chuyên chế của đa số’. Nói cách khác, dân chủ luôn chứa đựng nguy cơ là tự do cá nhân và quyền thiểu số có thể bị chà đạp nhân danh nhân dân. Một nguy cơ khác nữa của dân chủ, theo Mill, là nó có thể làm xói mòn đời sống tranh luận, phê phán và tư tưởng thông qua thúc đẩy mọi người chấp nhận ý chí của đa số, do đó, thúc đẩy sự đồng phục và tuân phục thụ động. Nhìn chung, Mill ủng hộ cho nền dân chủ thảo luận hay dân chủ đại nghị.

    Dân chủ nhân dân
    Thuật ngữ nền dân chủ (của) nhân dân bắt nguồn từ các chế độ cộng sản chính thống, mô phỏng theo mô hình Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, ở đây, thuật ngữ này được sử dụng để đề cập đến đa dạng các mô hình dân chủ mà truyền thống Marxist đã tạo ra. Dù chúng có những sự khác biệt, song các mô hình này cho thấy một sự tương phản rõ ràng với các mô hình dân chủ tự do. Các nhà Marxist thường bác bỏ hoặc khinh thường mô hình dân chủ tự do (dân chủ nghị viện), xem nó là một dạng dân chủ ‘tư sản’. Họ sử dụng khái niệm dân chủ  nhân dân với hàm ý quân bình rõ ràng; đó là thể chế mang lại bình đẳng xã hội thông qua sở hữu chung tài sản, tương phản với dân chủ ‘tự do’, vốn chỉ thiết lập một sự bình đẳng hình thức (bình đẳng trước pháp luật).
    Marx tin rằng việc lật đổ chủ nghĩa tư bản sẽ là bước khởi đầu cho phép một nền dân chủ thực sự ra đời. Theo quan điểm của ông, một xã hội cộng sản thực sự chỉ có thể xuất hiện sau một giai đoạn quá độ với ‘sự độc tài cách mạng của giai cấp vô sản’. Kết quả, hệ thống dân chủ ‘tư sản’ sẽ bị thay thế bởi một hệ thống dân chủ rất khác, nền dân chủ ‘vô sản’. Dù Marx từ chối miêu tả cụ thể xã hội quá độ này nên được tổ chức như thế nào, song chúng ta có thể phần nào hình dung ra ý tưởng của nó thông qua sự khâm phục của ông với Công Xã Paris 1871, vốn là một thử nghiệm dân chủ trực tiếp ngắn ngủi.
    Tuy nhiên, hình thức dân chủ nhân dân trong các nhà nước cộng sản ở Thế kỉ 20 chịu ảnh hưởng nhiều bởi các ý tưởng của Lê nin hơn là của Marx. Dù khẩu hiệu năm 1917 của Lê nin: ‘tất cả quyền lực thuộc về tay các Xô Viết’ (tức các hội đồng của công nhân, binh sĩ, thủy thủ), thể hiện ý tưởng về một nền dân chủ kiểu công xã, song trong thực tế quyền lực nhanh chóng rơi vào tay đảng Bolshevik (sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản). Theo quan điểm của Lê nin, đảng này chỉ là ‘đội tiên phong của giai cấp lao động’. Được trang bị với chủ nghĩa Marx, đảng tuyên bố rằng nó có thể hiểu được lợi ích thực sự của giai cấp vô sản và do đó hướng dẫn giai gấp này hiện thực hóa tiềm năng cách mạng của mình. Lý thuyết này trở thành nền tảng của ‘nền dân chủ Lê nin’ và được chấp nhận bởi tất cả các chế độ cộng sản chính thống. Tuy nhiên, điểm yếu của mô hình này là Lê nin đã thất bại trong việc tạo ra trong nó các cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng Cộng Sản (đặc biệt giới lãnh đạo đảng), cũng như đảm bảo rằng nó sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình với giai cấp vô sản. Trong trường hợp này, chúng ta có thể sử dụng lại câu nói của Aristotle, ‘Ai sẽ kiềm chế Đảng cộng Sản’.
     Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org