Chính thể cộng hoà đại nghị

Posted on
  • Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Nguyễn Đăng Dung
    Chính thể cộng hoà đại nghị (hay còn được gọi là chính thể cộng hoà nghị viện) là chính thể mà ở đó nguyên thủ quốc gia được hình thành không thông qua con đường thế tập truyền ngôi, mà bằng phương pháp bầu cử và Nghị viện, về nguyên tắc, là cơ quan đóng vai trò quan trọng hơn mọi cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

    Nguyên thủ quốc gia không có thực quyền
    Phân tích dấu hiệu chính thể cộng hoà đại nghị, nhiều nhà nghiên cứu luật học và chính trị học cho rằng, chính thể cộng hoà đại nghị là chính thể có nhiều đặc điểm giống như chính thể quân chủ đại nghị, chỉ khác về nguyên thủ quốc gia. Nếu nguyên thủ quốc gia được hình thành do thế tập, truyền ngôi thì gọi là quân chủ đại nghị và nếu được hình thành thông qua bầu cử (thường là dựa trên cơ sở của Nghị viện) thì được gọi là cộng hoà đại nghị.
    Vì vậy, cộng hoà đại nghị là chính thể được tổ chức ở những nhà nước có nguyên thủ quốc gia do Nghị viện bầu ra, Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu không chịu trách nhiệm trước nguyên thủ quốc gia, mà chỉ chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
    Bên cạnh việc đồng ý với những dấu hiệu trên, có tác giả còn cho rằng, một số dấu hiệu không thể thiếu được của chính thể này, đó là việc tuyên bố nguyên tắc quyền lực tối cao của Nghị viện thành chế độ đại nghị; có chức danh Thủ tướng và sự tham gia một cách hình thức của nguyên thủ quốc gia vào việc thành lập chính phủ; nguyên thủ quốc gia được hiến pháp quy định rất nhiều quyền hạn, nhưng trên thực tế không trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các công việc của nhà nước.
    Nguyên thủ quốc gia của chính thể này được thành lập dựa trên cơ sở của Nghị viện, do Nghị viện bầu ra, hoặc dựa trên cơ sở của Nghị viện (có thêm các thành phần khác như là đại diện của các lãnh địa trực thuộc), mà không do nhân dân trực tiếp bầu ra. Chính việc không do nhân dân trực tiếp bầu ra Tổng thống, theo quan điểm của các nhà luật học, là nguyên nhân không cho phép nguyên thủ quốc gia có thực quyền.
    Ở tất cả các nước theo chính thể này, hiến pháp (hoặc tục lệ) không quy định nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu hành pháp và cũng không là thành viên của hành pháp. Nếu có quy định đi chăng nữa thì nguyên thủ quốc gia không bao giờ thực hiện được một cách đích thực những quyền này.

    Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện
    Cũng giống như đặc điểm hình thành nên chính thể quân chủ đại nghị, chính phủ – hành pháp, trung tâm của bộ máy nhà nước được hình thành dựa trên cơ sở của Nghị viện, nên Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Đây là đặc điểm chính yếu của chính thể đại nghị, kể cả cộng hoà đại nghị lẫn của quân chủ đại nghị.
    Nguyên tắc “Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện” là cơ sở cho việc Nghị viện có thể lật đổ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ có quyền hoặc yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán Nghị viện.

    Còn Tổng thống thì… vô trách nhiệm
    Về cơ bản, các nước theo chính thể cộng hoà đại nghị, giống như các nước theo chính thể quân chủ đại nghị, đều tuyên bố nguyên tắc: nguyên thủ quốc gia “không chịu trách nhiệm”. Điều 90 của Hiến pháp Italia tuyên bố: “Tổng thống nước cộng hoà không chịu trách nhiệm các hoạt động của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, trừ trường hợp phản bội Tổ quốc hoặc hành động xâm phạm tới Hiến pháp”. Hiến pháp của Hy Lạp cũng quy định một điều khoản tương tự (Khoản 1 Điều 49). Bên cạnh thông lệ này, còn có nước vẫn quy định trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia. Ví dụ, Hiến pháp của nước Cộng hoà Áo quy định việc chịu trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia: “Tổng thống liên bang chịu trách nhiệm việc thực hiện chức năng của mình trước Quốc hội liên bang” (Điều 142).
    Nói chung, khi bàn về nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia ở chính thể cộng hoà đại nghị, các nhà luật học tư sản đều thừa nhận rằng, thực chất nguyên thủ quốc gia không tham gia vào việc lãnh đạo quốc gia, không có quyền đích thực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và cũng không có những quyền hạn đặc biệt nào. Trong tác phẩm của mình, Bayme viết: “Chức danh Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức gắn liền với nhiệm vụ có tính cách đại diện hơn là thẩm quyền quyết định các công việc của nhà nước”.
    Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hoà đại nghị không khác nào địa vị của nhà vua hoặc nữ hoàng trong chính thể quân chủ đại nghị, theo nguyên tắc:
    “Nhà Vua trị vì nhưng không cai trị”
    Một số hiến pháp quy định tính trung lập không đảng phái của nguyên thủ quốc gia ở loại hình chính thể này, để tỏ rõ sự vô tư của nguyên thủ quốc gia. Khi một người được bầu làm tổng thống thì người đó phải từ bỏ đảng phái (CHLB Đức, Italia). Nhưng trên thực tế, quy định này rất khó thực hiện. Bởi vì, việc được bầu vào chức danh tổng thống, trước hết bắt đầu bằng việc được đảng giới thiệu ra ứng cử tổng thống, hoặc chí ít phải được sự ủng hộ của đảng khi ra tranh cử.
    Đặc biệt, khi phân tích chế định “phó thự”, có thể thấy rằng, nguyên thủ quốc gia không thể hoạt động trung lập. Mọi văn bản của Tổng thống chỉ có hiệu lực thực thi trên thực tế khi có chữ ký “phó thự” của các hàm bộ trưởng hoặc trên bộ trưởng (Thủ tướng người đứng đầu bộ máy hành pháp). Quy định này đã tước hẳn quyền quyết định đích thực của Tổng thống. Và cũng chính vì vậy, Tổng thống mới có cơ sở “là vô trách nhiệm”, chính người ký phó thự mới là người chịu trách nhiệm văn bản do Tổng thống ban hành. Theo thông lệ, không thể bắt người không có quyền lại phải đứng ra gánh chịu trách nhiệm.

    Nhưng vẫn cần có nguyên thủ quốc gia
    Về mối quan hệ giữa nguyên thủ quốc gia với chính phủ, đa số các nước tư sản theo loại hình chính thể cộng hoà đại nghị đều quy định Tổng thống có quyền bổ nhiệm người đứng đầu chính phủ. Nhưng quy định bổ nhiệm và tiêu chuẩn của người đứng đầu chính phủ như thế nào lại không được pháp luật quy định rõ.
    Thay cho sự thiếu hụt này của hiến pháp thành văn là quy định của tập tục không thành văn: Người đứng đầu bộ máy hành pháp phải có sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong nghị viện. Hay nói một cách khác hơn, nguyên thủ quốc gia – Tổng thống nước cộng hoà đại nghị – không thể bổ nhiệm một người nào đó khác hơn là thủ lĩnh của đảng chiếm đa số ghế trong nghị trường làm người đứng đầu bộ máy hành pháp.
    Những điều phân tích trên có bao hàm nghĩa, nguyên thủ quốc gia không còn một vị trí vai trò nào đích thực trong chính thể đại nghị. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, vai trò của nguyên thủ quốc gia của chính thể cộng hoà đại nghị cũng như của nhà vua trong chính thể quân chủ đại nghị chỉ có thể được đánh giá cao trong những trường hợp đất nước bị khủng hoảng. Trong tình trạng khủng hoảng, Tổng thống mới có điều kiện độc lập hành động mà không phụ thuộc vào các đảng phái chính trị. Nguyên thủ quốc gia như là một chế định tiềm tàng của nhà nước hòng giải quyết những tình trạng khủng hoảng chính trị có thể xảy ra.
    Theo quy định của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức, Tổng thống liên bang có quyền đề nghị ứng cử viên Thủ tướng để Hạ nghị viện bỏ phiếu. Trong vòng 14 ngày, nếu ứng cử viên của Tổng thống không nhận được đa số tuyệt đối số phiếu thuận thì Hạ nghị viện có quyền bầu ứng cử viên của mình. Trong trường hợp vẫn không bầu được Thủ tướng, Tổng thống có quyền bổ nhiệm Thủ tướng theo ý mình người nào có nhiều phiếu hơn hoặc giải tán Hạ nghị viện.
    Nói tóm lại, ở loại hình chính thể cộng hoà đại nghị có nhiều đặc điểm cơ bản như chính thể quân chủ đại nghị, chỉ khác chính thể quân chủ ở chỗ, nguyên thủ quốc gia không do thế tập truyền ngôi, mà do Nghị viện hoặc dựa trên cơ sở nghị viện bầu ra, mặc dù được hiến pháp quy định là một quyền hạn hết sức rộng rãi, nhưng mọi hoạt động của nguyên thủ đều có sự đề nghị, yêu cầu từ phía hành pháp. Nhánh hành pháp cùng với người đứng đầu hành pháp ngày càng trở thành cơ quan trung tâm thực hiện chủ yếu quyền lực nhà nước, được thành lập dựa trên cơ sở của Nghị viện và phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện; Chính phủ – hành pháp chỉ được hoạt động khi vẫn còn sự tín nhiệm của Nghị viện. Khi không còn sự tín nhiệm, thì chính phủ có thể bị lật đổ và kèm theo đó, Nghị viện có thể bị giải tán. Đó cũng là những dấu hiệu quan trọng của chế độ quân chủ đại nghị.



     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org