Bối Cảnh Việt Nam Buổi Giao Thời Âu-Á

Posted on
  • Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Đoàn Viết Hoạt
    Tổng quan mà nói, kể từ thời các vua Hùng cho đến giữa thế kỷ 19, Viêt Nam là một nước luôn phải nam tiến, có thể vì nhu cầu tìm hướng thoát ra khỏi tầm bành trướng và chi phối của Đại Hán phương bắc. Cuộc nam thiên đầu tiên là từ Động Đình Hồ vùng Hoa Nam di chuyển về vùng Phong Châu và Thăng Long trước khi Hán thuộc. Từ thế kỷ thứ 10, khi đã độc lập tự chủ, nước Đại Việt lại mở rộng về miền Trung, vượt qua phá Tam Giang, khỏi đèo Hải Vân, tiến xuống vùng Champa.
    Mỗi lần nam tiến như thế dân tộc ta lại tiếp thu thêm những chất liệu văn hóa tư tưởng, tôn giáo mới. Văn hóa Chàm đóng góp rất lớn vào nền văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, và ngay cả các làn điệu âm nhạc dân gian Việt vùng đất cổ Phong Châu, sông Hồng. Rồi gần 200 năm phân tranh Trịnh-Nguyễn lại thúc đẩy dân Việt tiếp tục nam tiến đến tận mũi Cà Mâu, đảo Phú quốc. Văn hóa Việt lại tiếp thu thêm những chất liệu văn hóa và nếp sống miền sông rạch Thủy Chân Lạp, tạo nên phong cách sống và một nền văn học nghệ thuật đặc thù của miền Tây Nam Bộ.
    Cuộc nam tiến chấm dứt khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, chọn kinh đô tại Huế để cân bằng hai đầu Bắc-Nam. Một nước Việt mới, trải dài từ Nam quan đến mũi Cà Mâu, lần đầu tiên qui về một mối sau gần 200 năm phân rẽ. Các chúa Nguyễn, xuất phát từ Thanh Hóa, dựng nghiệp tại miền Trung, phát triển hết miền Nam, xứng đáng tiêu biểu cho sự thống nhất Bắc-Trung-Nam của một nước Việt mới giữa thế kỷ 19.
    Nhưng thống nhất chỉ là về mặt chính quyền. Về mặt văn hóa tư tưởng, Tống Nho vẫn ngự trị tâm trí giới sĩ phu và quan lại triều đình, trong khi, như trên đã thấy, bao chất liệu văn hóa mới phi Hán nho đã thấm nhập vào đáy tầng xã hội và sinh hoạt dân gian. Tình trạng này đã làm gia tăng sự khác biệt vốn có giữa hai nền văn học, văn học bác học và văn học bình dân. Dân gian đa số không có học, không có chữ viết, nhưng lại có cả một kho tàng văn học, nghệ thuật, thơ, ca, mà về mặt số lượng chắc chắn nhiều hơn văn học bác học. Về mặt chất lượng, riêng về thơ lục bát, đã chứng tỏ tính trữ tình, hồn nhiên, phóng khoáng, rất “con người”, hơn hẳn các bài thơ đường luật khuôn phép gò bó.
    Nền văn học bác học là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo. Nền giáo dục này, hầu như không thay đổi qua suốt gần 10 thế kỷ du nhập Việt Nam, đã không thể tạo ra được những con người năng động, sáng tạo để lãnh đạo một dân tộc đã vươn tới mũi Cà Mâu, vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Tống nho phương bắc. Ngay từ giữa thế kỷ 18, theo Đào Duy Anh, nhà bác học Lê Quí Đôn đã thấy nền Nho học đã trở nên từ chương từ cuối thế kỷ 15 và thật sự suy tàn từ đầu thế kỷ 16. Vậy mà đến giữa thế kỷ 19, các vua quan nhà Nguyễn vẫn không thể sáng tạo ra được một hệ thống văn hóa tư tưởng và giáo dục nào khác để đào tạo nhân tài phục vụ việc xây dựng và phát triển một đất nước đã chia rẽ và suy kiệt vì chiến tranh loạn lạc suốt gần 2 thế kỷ. Dân chúng thì tự tồn, tự dưỡng trong thôn ấp với nếp sống, suy nghĩ và tình cảm của mình, không có chữ viết và không được học. Một đất nước như thế thì việc mất nước một cách nhanh chóng vào tay người Pháp, thật không có gì đáng ngạc nhiên.
    Tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh Pháp nã đại bác vào cảng Đà Nẵng, và sau đó đánh chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức phải ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm năm sau Pháp đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Toàn bộ miền Nam nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp. Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh miền Bắc và năm 1884 triều đình Huế buộc phải ký hiệp ước Patenôtre. Toàn cõi Việt Nam chịu dưới sự đô hộ của Pháp. Một giai đoạn lịch sử mới của Việt Nam chính thức bắt đầu: giai đoạn chịu ảnh hưởng của Tây phương.
    Thực ra Tây phương đã đến Việt Nam trước đó khá lâu rồi, qua đường truyền đạo. Những tu sĩ Ki tô giáo người Bồ Đào Nha đã đến miền Bắc Việt Nam từ đầu thế kỷ 16. Từ đầu thế kỷ 17 trở đi việc truyền đạo ngày càng mở rộng với việc chính thức thiết lập phái bộ truyền giáo dòng Jésuite tại Hà Nội năm 1615, và việc Alexandre de Rhodes đến Hà Nội năm 1620. Tòa thánh La Mã và các triều đình Âu châu bắt đầu biết đến Việt Nam. Năm 1650 tại Rome đã xuất hiện cuốn sách viết về Tonkin (Bắc kỳ) do Alexandre de Rhodes biên soạn. Năm 1651 Alexandre de Rhodes đã vẽ và ấn hành “bản đồ Annam”.
    Đây là những mốc thời gian đáng ghi nhớ, có tầm quan trọng ngang với thời điểm Phật giáo và Khổng giáo du nhập Việt Nam trước đó cả 2000 năm. Dù trên mặt tầng xã hội và chính quyền, Nho học và Phật giáo vẫn ngự trị cho đến cuối thế kỷ 19 nhưng dưới dân giã Ki tô giáo đã thâm nhập vào nhiều vùng nông thôn miền Bắc. Chính sách cấm đạo dưới triều vua Tự Đức có làm chậm lại nhưng không thể ngăn chặn sự phát triển Ki tô giáo. Có thể nói ngay từ đầu thế kỷ 17 Việt Nam đã không còn là một nước chỉ chịu ảnh hưởng tam giáo Phật, Lão, Khổng. Kể từ đó, thế giới đối với Việt Nam không chỉ còn là Ấn Độ và Trung Hoa của Đông phương nữa.
    Văn minh Tây Phương đến Việt Nam bằng súng đạn nên lúc đầu cũng bị chống cự lại quyết liệt bằng nổi dậy và bạo động. Giai đoạn cự tuyệt và đề kháng bằng bạo lực kéo dài suốt nửa thế kỷ. Cuộc kháng chiến thất bại của Phan Đình Phùng và Đề Thám có thể coi như chấm dứt giai đoạn kháng Pháp thuần túy bằng bạo lực. Một mặt tiêu diệt thẳng tay những cuộc nổi dậy, mặt khác, Pháp cũng tìm cách chinh phục giới sĩ phu Việt Nam qua chương trình giáo dục Tây học thay thế các trường Hán học.
    Năm 1885 trường Tây học đầu tiên được mở ở Hà Nội. Năm 1887, 2 trường nữ đầu tiên được mở cũng ở Hà Nội. Đến 1890 có 140 trường tân học trên toàn miền Bắc. Trong tất cả các trường tân học này, chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay thế dần chữ Hán. Năm 1908 Pháp cho mở trường Collège du Protectorat, sau đó đổi là Lycée du Protectorat, cũng gọi là trường Bưởi, sau này là trường Chu Văn An, dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Hán bị coi là môn phụ. Kỳ thi Hán học cuối cùng diễn ra năm 1919 ở Huế. Kể từ năm 1920 trở đi trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn các trường tân học, một số hoàn toàn dùng Pháp ngữ, đa số dùng quốc ngữ và Pháp ngữ, chữ Hán trở thành tử ngữ. Năm 1907 trường đại học Đông Dương được mở ở Hà Nội. Dù chỉ hoạt động được 1 niên học vì không đủ sinh viên nhưng đến năm 1917 trường này được mở lại và trở thành trường đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Ý đồ của Pháp đã rõ: tách Việt nam ra khỏi ảnh hưởng văn hóa Hán và đào tạo một tầng lớp trí thức mới theo Pháp.
    Giới trí thức mới theo Tây học xuất hiện sớm nhất tại Nam kỳ. Miền Nam là thuộc địa của pháp nên nền giáo dục cũ đã bị bãi bỏ ngay khi Pháp chiếm toàn bộ sáu tỉnh. Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ. Từ 1878 trở đi chữ Pháp hoàn toàn thay thế chữ Hán trong giấy tờ công văn của các cơ quan hành chánh. Chữ quốc ngữ được khuyến khích sử dụng thay chữ Hán. Năm 1865 chính quyền Saigon cho ra đời Gia Định Báo là tờ Công Báo đầu tiên, bằng chữ quốc ngữ. Về giáo dục, năm 1874 Pháp cho mở trường Chasseloup-Laubat ở Saigon hoàn toàn dậy bằng tiếng Pháp; ở Mỹ tho có trường trung học Le Myre de Vilers mở năm 1879. Chính những trường này đã sản sinh ra môt số trí thức Việt mới, yêu nước, đầu tiên của Việt Nam mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài kế tiếp. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến 2 người, xuất hiện khá sớm ở Nam Kỳ, trong bối cảnh giao thời Âu-Á cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
    Người thứ nhất là Trần Chánh Chiếu, sinh năm 1868 trong một gia đình điền chủ giầu có ở Rạch Giá, tốt nghiệp trường trung học d’Adran tại Sài Gòn. Sau một thời gian làm việc cho chính quyền Pháp, và kinh doanh thành công, năm 1900 ông lên Sài Gòn làm báo và tham gia phong trào duy tân. Năm 1906 ông làm chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm. Ông được Phan Bội Châu mời qua Nhật gặp Cường Để. Trở về nước ông tích cực vận động đưa thanh niên qua Nhật trong phong trào Đông du, và phổ biến các tác phẩm của cụ Phan. Năm 1907 ông ra báo Lục tỉnh tân văn và thành lập Nam kỳ minh tân công nghệ xã, một tổ chức xã hội đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Ông bị Pháp bắt hai lần năm 1908, 1917 và mất năm 1919.
    Người thứ hai là Bùi Quang Chiêu sinh năm 1872 ở Mỏ Cầy, Bến Tre. Ông du học Pháp năm 1894, lúc 20 tuổi, và trở thành Kỹ sư canh nông đầu tiên của Việt Nam. Ông thành lập Association mutuelle des Indochinois, một trong những tổ chức chính trị sớm nhất của người Việt tại Paris. Khi về nước ông tích cực hoạt động cho việc canh tân đất nước, ủng hộ Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy Tân và Đông Du. Năm 1919 ông thành lập đảng Lập Hiến Đông Dương, một chính đảng hoạt động công khai đầu tiên tại Việt Nam. Ông tích cực vận động cho quyền tự do căn bản của người dân, và quyền độc lập cho Việt Nam. Năm 1926 Bùi Quang Chiêu cùng các bạn trong đảng ứng cử và đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, chiếm trọn 10 ghế của người bản xứ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng. Ngày 29 tháng 9 năm 1945 ở Chợ Đệm ông bị Việt Minh thủ tiêu với tội danh làm “tay sai cho thực dân Pháp”vì ông chủ trương tranh đấu bất bạo động. Cùng bị giết với ông là năm người thân, trong đó có người con gái út mới 16 tuổi.

    Hai nhân vật trên đều xuất thân tại Nam kỳ, đất thuộc Pháp, nên hoạt động tương đối dễ dàng. Hai ông tiêu biểu cho những người yêu nước muốn vận dụng Tây học và vị thế công dân Pháp để đấu tranh đòi lại chủ quyền cho người Việt.

    Bắc kỳ và Trung kỳ chỉ là đất bảo hộ nên đến đầu thế kỷ 20 vẫn tồn tại một khoảng trống văn hóa giáo dục. Nho học đã suy tàn ngay từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 nhưng Tây học vẫn còn quá mới. Nguyễn Khuyến, mất năm 1909, trước đó đã than rằng nếu đời có “mở khai tân thế giới”, cũng “nên theo nề nếp thủa xa xưa”. Gần 30 năm sau, Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn than trên báo Tiếng Dân: “Cái cũ đã qua mà cái mới chưa đến”. Người Pháp, nếu có mở trường tân học, ngay cả đại học, cũng chỉ nhằm khuất phục sĩ phu hơn là thực tâm mở mang dân trí.

    Trong khi đó giới trí thức Việt yêu nước chủ động tìm cách cung cấp cho thanh niên một nền giáo dục mới. Các trí thức yêu nước hiểu rằng Hán nho không còn đủ sức đương cự với Tây học nên muốn vận dụng nền tân học để vừa nâng cao dân trí vừa nung nấu lòng yêu nước chống lại sự đô hộ và đồng hóa của Pháp. Đồng thời lúc đó nước Nhật trở thành một tấm gương cho giới trí thức ở cả Trung Hoa và Việt Nam. Nhất là sau khi hạm đội Nhật đánh bại hạm đội Nga năm 1905 ngay ngoài khơi vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Sự kiện đó khơi dậy những phong trào canh tân đất nước do các sĩ phu yêu nước phát động: Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Đông du.
    Tại triều đình, vua quan không phải không ưu tư đến việc tìm giải pháp cho các vấn đề thực tế của đất nước. Trong khóa thi Đình năm 1865, đích thân vua Tự Đức ra đề thi nói đến tình trạng thiên tai đói kém và yêu cầu các thí sinh phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Thí sinh Trần Bích San được chấm đậu đầu bảng đã thẳng thắn phê bình nhà vua: dù Bệ hạ có thương dân, tình thương đó không đến được dân; dù Bệ hạ có đại độ với dân dân cũng không tin Bệ hạ.
    Đúng là vào cuối thế kỷ 19 vua quan triều Nguyễn đã không còn được dân tin yêu kính trọng. Sĩ phu, kể từ sau phong trào Cần vương và Vân thân, cũng không còn trông đợi gì vào triều đình nữa. Họ chủ động tập họp lại để tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà bằng nhiều cách khác nhau, ôn hòa và bạo động. Và kể từ đầu thê kỷ 20, nhiều phong trào canh tân cũng như cách mạng đã ra đời, đều thu hút được đông thanh niên yêu nước tham gia, với cùng mục đích: tranh đòi lấy độc lập, đưa đất nước thoát khỏi vòng Pháp thuộc. Chúng tôi sẽ phân tích các trào lưu chính trị và cách mạng này trong những bài sau.
    Tham khảo:

    – Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược
    – Nguyễn Thế Anh. Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn.Saigon, 1968 (2nd ed., 1970, 3rd ed. 2008)
    – Phan Khoáng. Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945). Saigon, 1961.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org