Luật Bất Công Không Phải Là Luật

Posted on
  • Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Lawrence W. Reed
    Nông Duy Trường chuyển ngữ


    Viết về một người mà ai cũng biết là một nhà thần học—một giám mục của thời kỳ Giáo hội Công Giáo đầu tiên—[chắc hẳn] ai cũng nghĩ rằng đây là một bài viết về những vấn đề tôn giáo. Augustine người xứ Hippo (sau này được phong thành Thánh Agustine) là một vĩ nhân, bất khả tự nghị của của tư tưởng và giáo huấn Cơ-đốc[1] trong những tài liệu ông viết ra vào đầu thế kỷ 15 sau Công nguyên. Cho đến ngày nay, Augustine cũng vẫn là một vĩ nhân trong những tín hữu Công Giáo, Tin Lành, và Chính thống Giáo Cơ-đốc Đông phương.
    Augustine là một anh hùng vì ông đã thay đổi cuộc đời hoang đàng, trụy lạc của mình và chuyển hóa [thành một đời sống thánh thiện]. Khi Augustine quyết định sống cuộcđời mình theo những tiêu chuẩn và hạnh kiểm cao nhất và sự chiêm nghiệm hàn lâm, ông cống hiến những trí huệ tiền phong về tự do, [khái niệm làm] nền tảng cho triết học Tây phương. Ta không cần phải là người theo đạo này hay đạo nọ để học từ một người sinh ra hơn 16 thế kỷ trước đây. Tỉnh Africa của La-mã sau này không sản sinh được một nhân vật nào như Agustine nữa. Ông sinh năm 354 sau CN ở Thagaste, nay gọi là Souk Ahras, thuộc Alegeria ngày nay.
    Được sống trong thời đại đó là được sống trong một thời đại quan trọng. Đến thế kỷ thứ tư, nền Cộng hòa La-mã cổ và những sự tự do của nó đã bị dập tắt hơn 400 năm rồi, và được kế tục bằng một nhà nước càng lúc càng thối nát, chuyên chế, bại liệt vì chiến tranh và dân ăn bám nhà nước: chế độ đó chính là Đế quốc La-mã. Chế độ này kéo dài gần được một thế kỷ sau khi Augustine sinh ra đời. Ông đã chứng kiến Visigoths phá hủy “Thành phố Vĩnh cửu” của La-mã năm 410. Hai mươi năm sau đó, khi quân Vandals bao vây thành phố Hippo của Augustine ở Bắc Phi, ông mất ở tuổi 75. Cuộc đời ông là một bằng chứng cho thấy ngay cả khi thế giới quanh ta có sụp đổ thành cát bụi, ta vẫn có thể tạo ra sự khác biệt hầu thăng tiến tương lai của nhân loại. Tuổi trẻ của Augustine chỉ chú trọng vào khoái lạc và chỉ nghĩ đến ‘cái tôi,’ dù cho ông được bà mẹ ông là Monica, người theo Thiên Chúa giáo thuần thành hết lòng cầu nguyện. Cha của Augustine là một người thâu thuế, tính tình hay thay đổi và hung dữ, nhưng khi lâm chung đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo, lúc đó Augustine còn là một thiếu niên. Augustine có một bản băng tình dục mạnh mẽ và đã làm ông dính dáng vào nhiều vụ tai tiếng khiến ông hối hận sau này.
    Dù là một sinh viên giỏi với khả năng hùng biện ngoại hạng, Augustine vẫn tìm được rất nhiều thì giờ rảnh rỗi để làm những điều xằng bậy. Những năm sau này trong cuốn tự truyện lừng danh của ông, cuốn Lời Xưng Tội, ông kể lại qua sự phân tích nội tâm một câu chuyện mà ông cùng bè bạn đi ăn cắp trái cây của nhà vườn. Ông không ăn cắp trái cây vì đói, nhưng chỉ vì “đó là hành vi bị cấm đoán.” Ghi nhận sự khiếm khuyết về hạnh kiểm này, Augustine giải thích, “Điều đó xấu, và tôi thích làm. Tôi yêu thích sự sai lầm của chính tôi—không phải vì nó mà tôi trở thành sai trái, nhưng chính vì điều sai trái đó.”
    Trong những năm hai mươi tuổi, Augustine được đưa đến học theo giáo phái Manicheism, một giáo phái kỳ lạ, tổng hợp Cơ-đốc, Phật giáo, Khả tri, thiên văn, và những phần tử dị giáo khác. Trong giai đoạn này ông cũng tìm hiểu cho biết triết phái Tân-Plato, một triết phái bắt nguồn từ Plato và một đệ tử sau này là Plotinis. Trong lúc bà Monica, mẹ của Augustin tuyệt vọng vì người con cứ theo đuổi những thứ trên trời dưới đất trong trí tưởng, thì có hai biến cố—đó là một cuốn sách và một người—đã cuối cùng giúp bà mãn nguyện và thay đổi cuộc đời của Augustine.
    Cuốn sách đó có nhan đề Hortensius do Marcus Tullius Cicero, một vĩ nhân của cộng hòa La-mã trước tác. Cuốn sách này hiện nay đã bị thất lạc, nhưng học giả đã khôi phục lại được ý tưởng chính yếu qua những đoạn trích dẫn của những học giả đương thời và của cả Augustine. Theo cuốn tiểu sử đồ sộ do Robin Lane Fox nhan đề Augustine: Từ Chuyển đạo đến Xưng tội, “Cicero định nghĩa triết học là ‘lòng yêu thích sự khôn ngoan’ (philo-sophia), những chữ đã làm rung động trái tim của người đọc trẻ tuổi.” Từ ngữ này đã làm cháy bùng lên cái mà Augustine gọi là “ngọn lửa hừng hực” trong trái tim ông để tìm chân lý và coi thường những triết gia giả hiệu, những kẻ đạo đức giả, và lừa bịp. Sự chú trọng của Cicero vào sự thu thập kiến thức sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tình dục của Augustine. Ông kết luận rằng sự cuồng nhiệt của xác thịt làm ông sao nhãng đi tình yêu chân lý đang dâng trào, dù giai đoạn chuyển tiếp này cũng phải mất một thời gian. Trước khi trở thành một tu sĩ độc thân, lúc tròm trèm 30 tuổi, ông đã hỏi Thiên Chúa một câu nổi tiếng: “Hãy cho con sự trinh bạch…nhưng khoan đã.”
    Cuộc tao ngộ với Ambrose, giám mục Milan, là biến cố thứ hai thay đổi vận mệnh của Augustine. Giám mục Ambrose được công nhận là nhà hùng biện vĩ đại nhất của thế giới La-mã. Hồi tưởng lại ảnh hưởng của Ambrose trên cuộc đời mình, Augustine cho rằng chính vị giám mục là yếu tố quyết định đưa đến sự chuyển sang đạo Thiên Chúa của ông. Sự chuyển đạo này xảy ra liên tục trong mọi lúc, mọi giờ từ khi Augustine thức giấc, cho đến hết nửa đời còn lại. Trước sinh nhật 40 tuổi,những người đương thời với Augustine cùng đồng ý rằng nhờ Cicero và Ambrose, và sau là nhờ bà Monica, mà Augustine đã phát triển một trí tuệ ngoại hạng khi tìm hiểu và phân tích cho tới ngọn nguồn với một lương tâm Cơ-đốc sâu thẳm. Những điều ông kể lại về sự chuyển đạo trong cuốn Lời Xưng Tội là kinh điển của thần học Thiên Chúa giáo và là văn bản nguyên thủy trong lịch sử của thể loại tự truyện hay hồi ký. Lời Xưng Tội được đời sau cho là “một sự tuôn tràn lòng biết ơn và ăn năn” và bao gồm trong đó những quan sát của ông về bản chất của thời gian, về tương quan nhân quả, ý chí tự do, và những chủ đề trọng yếu khác của triết học.
    Augustine là một nhà hùng biện kể cả về văn nói và văn viết. Cuốn Lời Xưng Tội từ đó đến nay được nhiều người đọc và đánh giá cao, nhưng cuốn Ngôi Thành của Thượng Đế cũng được đánh giá tương tự. Cuốn sách này là tiếng chuông phòng thủ của Thiên Chúa giáo trước những cáo buộc sai lạc rằng người La-mã từ bỏ những vị thần dị giáo đã đưa đến sự suy tàn của La-mã. Điều đặc biệt quan trọng theo tôi (Reed) là trong cả hai cuốn sách, cũng như trong những bài viết và bài giảng khác, Augustine đã nói lên những điều đồng cảm với những người yêu chuộng tự do.
    Augustine không tin tưởng lắm về quyền lực của thế gian. “Sự thống trị của những người xấu chính là sự độc hại cho chính những kẻ đó,” vì nó làm hủy hoại linh hồn của họ bởi sự ác hại không có gì kềm chế; trong khi những người bị phục vụ cho họ không bị đau đớn ngoại trừ bởi sự bất công. Vì đối với người công chính tất cả những điều xấu xa ác hại do kẻ cai trị bất công áp đặt lên họ, không phải là sự trừng phạt tội ác, mà là sự thử thách của đức hạnh. Người tốt, dù là nô lệ, là người tự do; kẻ ác, dù là đang cai trị, là một kẻ nô lệ, và không phải chỉ là nô lệ của một người riêng biệt nào, mà—tệ hơn nữa—là của nhiều chủ nhân cũng như những sự đồi bại mà hắn theo đuổi.
    Augustine không đồng ý với bất cứ khái niệm “thiên mệnh” nào của kẻ cai trị. Ông cũng không tin rằng sự lập pháp hay nghị định nên được thông qua mà không có sự bàn thảo. Ông nói “Luật bất công không phải là luật.” Đối với Augustine, chính quyền là một điều xấu nhưng cần phải có (necessary evil) và khi nó càng bành trướng  thì càng lúc càng trở nên xấu xa hơn. Trong một đoạn văn của cuốn Ngôi Thành của Thượng Đế, ông đặt vấn đề hợp pháp của chính quyền:
    Công lý khi bị tước bỏ đi, thì vương quốc cũng chẳng còn gì mà chỉ là một đảng cướp? Còn những sự cướp bóc, chính nó, chẳng phải là những tiểu vương quốc chăng? Đảng cướp tự nó là do những tên cướp tụ họp lại; nó được cai trị bởi quyền uy của một đảng trưởng, nó đoàn kết lại với nhau bằng một giao ước giữa những tên cướp với nhau; chiến lợi phẩm được chia theo luật lệ đã được ấn định. Nếu, những kẻ du thủ du thực được cho phép gia nhập, thì sự xấu xa này sẽ gia tăng tới một mức độ chiếm lãnh được những vùng miền, nhà cửa, chiếm đoạt tài sản của thành phố, và chinh phục con người; sự xấu xa này sẽ nhận cho nó cái tên gọi vương quốc, bởi vì thực tế đã hiển nhiên cho thấy như vậy, không phải vì lúc đó vương quốc không còn tham lam nữa mà vì nó đã được miễn tội. Thực ra, đó cũng là câu trả lời hợp cách và đúng đắn của một tên cướp biển trước mặt Đại đế Alexander. Khi nhà vua hỏi ý của tên cướp biển khi nói chiếm lãnh một vùng biển thù nghịch, gã cướp biển trả lời với lòng tự hào: “Ý cùa ngài thế nào khi chiếm lãnh toàn thế giới; nhưng vì tôi chỉ làm việc đó với chiếc tàu nhỏ nhoi, tôi bị gọi là tên cướp biển, trong khi ngài làm cùng việc đó với một hạm đội vĩ đại và được gọi là đại đế.”
    Will Harvard, trên blog “Thảo luận về Tự do” của mình, đã viết, “sự kiện con người thống trị con người không phải là một sản phẩm của thế giới do Thượng Đế tạo dựng, đó là kết quả của tội lỗi.”
    Augustine lập luận rằng một sinh vật có lý trí, được tạo nên bởi hình ảnh của Thượng Đế, là để thống trị thiên nhiên, chứ không phải đồng loại. Vào thời đó, khi nô lệ là một sự kiện bình thường và được hầu như chấp nhận, mà Augustine tuyên bố dứt khoát đó là tội lỗi, thì quả là một hành động táo bạo và sảng khoái một cách tích cực. Nhà học giả từ Thagaste (Augustine) cũng tấn công sự tra tấn và tội tử hình. Và trộm cắp, theo ông, là “sự nguy hại tuyệt đối” vì nó vi phạm một điều thiêng liêng: “luật pháp được viết trong tim của chúng ta.”
    La-mã chẳng thể đổ lỗi cho ai về sự suy tàn và yếu ớt của mình khi bị tấn công vì chính La-mã cũng có sự phi luân, sa đọa của nó, điều mà Augustine đã lớn tiếng công kích. Ông lập luận rằng những thần linh dị giáo không truyền đạt đạo đức cho những tín đồ ở cả La-mã lẫn Hy-lạp. Người La-mã đã để cho đức hạnh công và tư bị hoen rỉ. Nếu những binh đoàn bị thua không ngăn chặn được những cuộc tấn công mà họ họ đã đẩy lui được trước đó, đó là vì La-mã đã bị ruỗng nát từ gốc rễ. Sự mê đắm quyền lực và dùng thủ đoạn để dành của cải đã làm hư hỏng những người từng được lên chức vụ cao nhờ vào sự trung thực, tự chế, tương kính, và trách nhiệm. Tình trạng nhà nước vừa chiến tranh, vừa dân ăn bám của đế quốc cuối cùng trở thành hang ổ của tội lỗi cai trị ở trên bởi ổ rắn độc. Thế thì tại sao ta lại ngạc nhiên trước sự suy tàn như vậy?
    Henry Chadwick trong cuốn Augustine: Một Bài Giới Thiệu Rất Ngắn đã viết:
    Với khả năng kỳ diệu biết trước được những gì sẽ xảy ra cho Tây phương trong vòng một thế hệ sau khi ông mất, Augustine đề nghị rằng thế giới sẽ trở nên một nơi hạnh phúc hơn nếu những đế quốc vĩ đại và cao ngạo được kế tục bởi những nước nhỏ hơn. Vương quốc của Thiên Chúa có rất nhiều phòng cho cả những người Goths cũng như người La-mã.
    Tiếng nói của Augustine làm cho những người theo chủ nghĩa đế quốc tức giận. Augustine biết rằng đế quốc nào rồi thì cũng đến và đi. Ông không nghĩ [số mệnh của] đế quốc La-mã bị kết thúc, như một số kẻ bi quan cùng thời với ông đang nghĩ. La-mã sẽ bị suy sụp chỉ khi những con người La-mã suy sụp. Ta thường nguyền rủa thời gian mà ta đã sống; nhưng (theo chữ dùng của Augustine) “thời giant ta sống đó tốt hay xấu tùy ở phẩm chất đạo đức của cá nhân và đời sống xã hội, và hoàn toàn tùy theo ý của ta.” Mỗi thế hệ, ông nói, nghĩ rằng thời đại của họ thật là xấu xa, nào là đạo đức và tôn giáo chưa lúc nào bị đe dọa như vậy. Augustine nghĩ rằng đó là bổn phận của ông để đánh đổ cái chủ nghĩa định mệnh đã an bài và dấy động tinh thần trách nhiệm trong mỗi con người [để hành động] nếu thấy có điều sai trái. Họ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những gì xảy ra trong tương lai.
    Augustine là một người của hòa bình. Ông khuyến khích mọi người, nhất là những người theo Thiên Chúa giáo, là chỉ nên tương tác với nhau theo tinh thần tự nguyện, trừ khi và cho đến khi có một sự sai trái nghiêm trọng cần đến bạo lực để ngăn chặn. Quan niệm của ông, nói cho rõ hơn, là sự phòng vệ của sự tự-phòng vệ, và đó là khái niệm mà ngay nay những người theo phái duy tự do (libertarian) gọi là nguyên tắc bất gây hấn.
    Trong tất cả những đức tính cá nhân, Augustine dành chỗ cao nhất cho một đức hạnh mà vẫn thường bị bỏ qua trong thời đại của chúng ta, cũng như ngay cả trong thời đại của ông. “Khiêm nhượng,” ông quả quyết, “là nền tảng của tất cả những đức hạnh khác; như thế, trong tâm hồn [kẻ nào] mà không có đức hạnh này, thì không thể có những đức hạnh khác được, nếu có chỉ là bề ngoài mà thôi.” Ông có đánh giá sự khiêm nhượng quá cao không? Tôi (Reed) không nghĩ vậy.
    Cho đến thế kỷ 20, hầu hết những nền văn hóa đều cho rằng thái độ tự tôn của cá nhân là gốc rễ của hầu hết những rắc rối của thế giới. Tư cách xấu, hạnh kiểm xấu—từ nghiện hút đến sự tàn bạo của chiến tranh—là kết quả của sự tự tôn và kiêu ngạo, một sự kiêu ngạo của tinh thần cần phải được ngăn chặn hay kềm chế. Ý tưởng cho rằng ta vĩ đại hơn, tốt đẹp hơn, hay tự coi mình là công chính hơn, hay được miễn nhiễm trước luật lệ cai trị những người khác—Sự vắng mặt của lòng khiêm nhượng, nói cách khác, cho phép ta muốn làm những gì đối với người khác mà lại không cho phép họ làm những điều đó cho ta.
    Thế nhưng, ngày nay lại là một câu chuyện khác. Làm một người khiêm nhượng sẽ làm nhiều người khó chịu, những người được dạy dỗ dưới chiêu bài “nâng cao giá trị bản thân” [càng cao càng tốt] (self-esteem).[2] Ngay cả học đường của ta cũng thất bại trong việc dạy chúng ta những dữ kiện cơ bản và kỹ năng, lại dạy cho ta cảm thấy khoan khoái với sự dốt nát của mình. Ta giải thích cho những hành vi xấu xa là vì mặc cảm “giá trị thấp” của mình. Ta sản xuất ra hàng loạt những điều để biện giải cho những hành vi xấu, tạo thành những nhóm giúp đỡ[3] cho họ, và chống lại việc đưa ra những phán đoán đạo đức, vì sợ làm họ phật lòng. Ta không đòi hỏi sự ăn năn và tự-kỷ luật nhiều bằng sự đề cao cái “tôi” của họ.
    Trong một tiểu luận đặc sắc đăng trên tờ New York Times năm 2002, với nhan “Vấn đề với ‘tự cảm nhận’,” nhà tâm lý học Lauren Slater kết luận rằng “những người cảm nhận họ có giá trị cao tạo ra một sự đe dọa lớn hơn cho những người xung quanh hơn là những người có cảm nhận giá trị thấp, và cảm thấy buồn bã về chính họ không phải nguyên nhân của những vấn nạn xã hội tốn kém nhất và lớn nhất của nước ta.”
    Augustine, người đã từng nghe quen những lời lẽ khoa trương rỗng tuếch của những kẻ mị dân thời Đế quốc La-mã đã chết, chắc chắn sẽ đồng tình với nhận định này.
    Trong nửa đời còn lại của mình, Augustine tập trung cao độ vào sự tìm kiếm chân lý và sự khôn ngoan. Ông biết rằng một người khiêm nhượng là một người có thể dạy được vì người đó không quá tự đắc để đóng kín tâm trí. Một người khiêm nhượng tự cải tạo mình trước khi mưu tính cải tạo thế giới. Một người khiêm nhượng đối xử với mọi người với lòng kính trọng, gồm cả sinh mạng, quyền và tài sản của người ấy. Một người khiêm nhượng chấp nhận sự chỉ trích hay sự bất lợi như một cơ hội để trưởng thành, để xây dựng đức tính. Một người khiêm nhượng biết rằng sự tốt nghiệp ở học đường không phải là chung điểm của sự học nhưng chỉ là một sự khởi đầu đáng ghi nhận của sự mạo hiểm suốt đời của mình. Augustine xem những kẻ “cái-gì cũng-biết và khao-khát-quyền lực” trong thời đại của ông cũng giống như F.A. Hayek, người sinh sau ông 15 thế kỷ và là nhà kinh tế học người Áo đã đoạt giải Nobel từng gọi là “những kẻ trung ương hoạch định” là những thằng dốt được vũ trang bằng kiến thức dỏm.”
    Augustine có ảnh hưởng sâu rộng tới những nhân vật hàng đầu trên thế giới qua nhiều thế kỷ: những người, cả nam lẫn nữ, như Thomas Aquinas, Martin Luther, John Calvin, Soren Kierkegaard, Russell Kiek, Hannah Arendt, và một danh sách dài nữa gồm những giáo hoàng, giáo sĩ, triết gia, và chính trị gia.
    Nhưng ngay cả trong thời đại của ông, Augustine tạo niềm hứng khởi cho nhiều người thuộc những thành phần khác nhau. Chỉ trong vòng một tuần sau khi ông chết năm 430, quân Vandal chấm dứt cuộc bao vây Hippo, nhưng lại trở lại ngay sau đấy và đốt rụi thành phố này. Họ chỉ để lại hai tòa nhà: Nhà thờ Augustine và thư viện của ông.
    ©Học Viện Công Dân February 2017 


    [1] Cơ-đốc là tiếng Hán Việt để chỉ đạo Thiên Chúa. Catholic vẫn thường được gọi là Công Giáo, theo giáo hội La-mã
    [2] Self-esteem là một thuật ngữ trong tâm lý học dùng để chỉ sự tự cảm nhận về giá trị của mỗi cá nhân. Nếu cá nhân cảm thấy mình có giá trị hơn những người khác, tình trạng này dễ đẫn đế thái độ tự cao, ngạo mạn; ngược lại nếu cá nhân cảm thấy mình thua kém người khác sẽ dẫn đến tình trạng tự ti, mặc cảm, nhút nhát…Xin được mở dấu ngoặc tại đây về “low self-esteem”, đó thực sự là một bệnh tâm lý ảnh hưởng đến rất nhiều người, từ thuổi thiếu niên tới trưởng thành, trong đời sống và nghề nghiệp của họ.
    [3] Nhóm giúp đỡ (support group) gồm những người đồng bệnh tương lân họp nhau lại để giúp đỡ và động viên nhau

    Nguồn: http://www.icevn.org/vi/node/3116
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org