Dân Chủ Trong Thế Kỷ XXI

Posted on
  • Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  •  Joseph E. Stiglitz | Project Syndicate<br />
    Đỗ Kim Thêm dịch
    Sự đón nhận tác phẩm mới của Thomas Piketty Tư Bản Trong Thế Kỷ XXI tại Hoa Kỳ và các nước khác có nền kinh tế tiên tiến chứng tỏ được mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng bất công đang lan rộng. Tác phẩm của ông nhấn mạnh đặc biệt đến các chứng cớ, vốn dĩ đã tràn ngập trước đây, liên quan đến việc thu nhập và tích sản quá mức dành cho giới thượng lưu.
    Hơn thế, tác phẩm của Piketty đem lại một cái nhìn khác biệt về những năm 1930 hay những năm sau thời kỳ Đại Suy thoái và Đệ nhị Thếchiến. Ông xem thời kỳ này như một ngoại lệ lịch sử, có lẽ là do một tinh thần đoàn kết khác thường trong xã hội mà những biến cố đặc biệt có thể tác động. Trong trào lưu của tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, sự thịnh vượng được chia sẽ cùng khắp, tất cả mọi tầng lớp đều thăng tiến, nhưng đối với giới hạ tầng cũng có hưởng được phần lớn.
    Piketty cũng có giải thích mới hơn về “các cải cách“ do Ronald Reagan và Magaret Thatcher đề xuất trong những năm 1980, ông xem đó là những gia tốc cho tăng trưởng, mà tất cả đều hưởng lợi. Tiếp theo sau đợt cải cách này là thời kỳ tăng trưởng chậm lại và bất công toàn cầu lên đến cao điểm, và tăng trưởng chỉ sinh lợi cho phần lớn giai cấp thượng tầng.
    Nhưng công trình của Piketty đưa ra những chủ đề cơ bản liên quan vừa lý thuyết kinh tế lẫn tương lai của chủ nghiã tư bản. Ông dùng tư liệu để chứng minh về những tăng trưởng quy mô qua mối quan hệ giữa thịnh vượng và sản xuất. Trong lý thuyết cơ bản, việc tăng trưởng như thế kết hợp với việc lợi nhuận tư bản giảm và tiền lương tăng. Nhưng ngày nay, lợi nhuận tư bản dường như không giảm, dù tiền lương đang giảm. (Lấy thí dụ như tại Hoa Kỳ, mức lương trung bình giảm xuống khoảng 7% trong hơn bốn thập niên qua.)
    Lời giải thích hiển nhiên nhất cho vấn đề là sự gia tăng thịnh vượng đo lường được không tương xứng với đà gia tăng của tư bản có sinh lợi - và số liệu dường như hỗ trợ cho lối giải thích này. Nhiều gia tăng trong tài sản bắt nguồn từ chổ gia tăng giá trị bất động sản. Trước khủng hoảng tài chính năm 2008, bong bóng bất động sản là chuyện hiển nhiên tại một số nước; kể cả đến nay, việc sửa sai này không hoàn chỉnh. Sự gia tăng giá trị cũng có thể biểu hiện qua tinh thần cạnh tranh giữa giới nhà giàu khi họ mua những loại tài sản tạo thêm uy thế - thí dụ như mua nhà ở bờ biển hay một căn hộ tại Fifth Avenue của thành phố New York.
    Đôi khi, tình hình gia tăng của cải tài chính có thể đo lường được chỉ thuần là do sự biến dạng của cải không đo lường thành đo lường được - nhưng cách biến dạng này thực ra có thể phản ảnh tình trạng xuống giá của toàn bộ thành tựu kinh tế. Nếu độc quyền gia tăng hay nhiều doanh nghiệp (như nhiều ngân hàng) triển khai các phương pháp tốt hơn để bóc lột giới tiêu thụ bình dân, thì tác động này biểu hiện qua số doanh lợi cao hơn, khi doanh số này thành vốn tư bản, thì nó sẽ làm tăng tài sản tài chính.
    Nếu sự việc này xãy ra, thì dĩ nhiên, phúc lợi xã hội và hiệu năng kinh tế giảm xuống, ngay cả lúc chúng ta kiểm tra chính thức được là thịnh vượng có tăng lên. Chúng ta không hề nghiên cứu đến sự suy giảm tương ứng của giá trị về vốn con người - mà đó là tài sản của giới công nhân.
    Ngoài ra, nếu những ngân hàng tiếp tục sử dụng ảnh hưởng chính trị để quốc hữu hoá mọi thua lỗ và giữ lại càng lúc càng nhiều hơn các doanh lợi bất chánh, thì những tài sản trong lĩnh vực tài chính, khi được kiểm tra, có gia tăng. Nhưng chúng ta lại không kiểm tra mức suy giảm tương ứng trong tài sản của người trả thuế. Cũng tương tự như vậy, khi doanh nghiệp thuyết phục được chính quyền trả giá cao hơn để mua sản phẩm của họ (như các doanh nghiệp dược phẩm đã làm thành công), hoặc là cho họ mua được các nguồn tài nguyên công cộng với giá rẻ hơn giá thị trường (như các doanh nghiệp khai thác quặng mỏ đã làm thành công), biện pháp ưu đãi này làm cho tài sản tài chính của doanh nghiệp có tăng lên trong các báo cáo, cho dù tài sản của toàn dân không tăng.
    Những gì mà chúng ta đang quan sát - tình trạng lương bổng bị đình trệ và bất công lan rộng, ngay cả khi thịnh vượng gia tăng - không phản ảnh được phương cách làm việc của nền kinh tế thị trường bình thường, nhưng đó là một nền kinh tế mà tôi gọị là "loại hình thay thế cho chủ nghiã tư bản". Vấn đề có lẽ không phải là cơ chế thị trường phải hay hoạt động như thế nào, nhưng với hệ thống chính trị của chúng ta, hệ thống này đã không đảm bảo cho thị trường có được canh tranh và đề ra những luật lệ chỉ làm duy trì tình trạng xáo trộn mà các doanh nghiệp và giới giàu có thể bóc lột mọi người khác (đây là một chuyện không may nhưng lại đang xãy ra)
    Dĩ nhiên, cơ chế thị trường không hiện diện trong một khoảng không vô nghĩa. Ở đó cũng phải có quy luật cho một trò chơi và luật chơi này được đặt ra qua những tiến trình chính trị. Bất công kinh tế ở mức độ cao tại những nước như Hoa Kỳ, và các nước khác theo mô hình kinh tế này ngày càng tăng, đưa tới bất ổn chính trị. Trong một hệ thống chính trị như thế, thì những cơ hội thăng tiến kinh tế trở nên bất công, làm cho mức độ năng động xã hội giảm đi.
    Chính vì thế mà tiên đoán của Piketty về tình trạng bất công đang còn ở cao độ không phản ảnh được quy luật cưỡng chế của Kinh Tế học. Những thay đổi đơn thuần - gồm cả trong lĩnh vực đánh thuế trên lợi nhuận cao của tư bản và di sản, gia tăng công phí để mở rộng cơ hội giáo dục, chấp hành nghiêm chỉnh về các luật lệ cạnh tranh, cải cách việc điều hành doanh nghiệp để hạn chế việc trả lương cho lãnh đạo, và những luật lệ tài chính để thanh lọc khả năng ngân hàng trong việc bóc lột toàn xã hội - tất cả biện pháp này sẽ làm giảm đi đáng kể về tình trạng bất công và gia tăng công bình về cơ hội.
    Nếu chúng ta đề ra nhũng quy luật cho trò chơi này nghiêm túc, chúng ta có thể phục hồi nhanh chóng và chia sẻ thành quả của tăng trưởng kinh tế cho mọi người, mà đặc điểm chính là cho giới trung lưu như trong các xã hội ở giữa thế kỷ XX. Vấn đề chủ yếu hiện nay mà chúng ta phải đối phó thực ra không phải là tư bản, mà là dân chủ trong thế kỷ XXI.
    Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế và là Giáo sư Đại học Columbia. Ông đã làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế cho Tổng Thống Bill Clinton và Phó Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới. Tác phẩm mới nhất của ông viết chung với Bruce Greenwald là Creating Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.
    Nguồn:https://www.danluan.org/tin-tuc/20140910/joseph-e-stiglitz-dan-chu-trong-the-ky-xxi
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org