Ích lợi của dân chủ: Dân chủ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng như thế nào?

Posted on
  • Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Morton Halperin, Joseph T. Siegle, và Michael Weinstein
    Tqvn2004 lược dịch
    Giới thiệu
    JOANNE MYERS: Vào tháng 11 năm 2003, để kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức Cổ vũ Dân chủ cấp Quốc gia (National Endowment for Democracy), Tổng thống Bush đã có một bài phát biểu với ngôn từ hết sức thận trọng nhằm đề cao những giá trị của dân chủ. Mặc dù ý đồ chính là đưa ra lý do hợp lệ cho việc tấn công Iraq, thông điệp quan trọng trong bài phát biểu này là dân chủ và phát triển là bạn đồng hành, và rằng sự thịnh vượng, sức sống và sự phát triển của con người liên quan trực tiếp tới mức độ tự do mà họ được hưởng hàng ngày.
    Nhìn lại 2 năm vừa qua, tôi chắc chắn rằng có nhiều thính giả có thể không đồng ý cách mà Tổng thống quảng bá quan điểm dân chủ của mình. Mặc dù vậy, những nghiên cứu gần đây, bao gồm cả nghiên cứu của khách mời của chương trình chiều nay, đã chỉ ra rằng thông điệp được đề cập trong bài phát biểu tháng 11 năm 2003 là có lý của nó. Nói một cách khác, các chính phủ dân chủ đã chứng tỏ mình có thể nâng cao mức sống của người dân và khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn nhiều so với các chính phủ độc tài.
    Thông qua nghiên cứu số liệu thống kê trong vòng 40 năm qua tại các lãnh thổ rất khác nhau, từ Trung Quốc và Ấn Độ tới Bun-ga-ry và Bê-la-rút, khách mời của chương trình hôm nay sẽ chỉ ra rằng ý tưởng “phát triển trước / dân chủ sau” không chỉ sai, mà còn dẫn tới những chính sách làm chôn vùi những nỗ lực quốc tế nhằm nâng cao mức sống của hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển. Nói cho cùng, dân chủ không phải là kẻ thù của sự phát triển, mà là một đồng minh không thể thiếu.
    Trong thời điểm mà các lãnh đạo đất nước chúng ta đang tán dương hiệu quả của nền dân chủ ra nước ngoài và các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại luôn gắn liền với những vấn đề về phát triển, tôi rất hân hạnh được đón chào các khách mời của chương trình ngày hôm nay, những người đã tìm hiểu các vấn đề này trên phương diện lý thuyết lẫn thực tế, và họ đã chuẩn bị để thuyết trình trước chúng ta một tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại của Mỹ, một chính sách bao hàm những giá trị tốt đẹp nhất của nền dân chủ và kinh tế Mỹ.
    Xin mời cùng tôi đón chào các vị khách, Mort Halperin, Joseph Siegle, và Michael Weinstein. Các bạn sẽ thấy tiểu sử của họ đính kèm với danh mục khách mời hôm nay.
    Phần phát biểu
    MORT HALPERIN: Michael, Joe, và tôi đề nghị trình tự thuyết trình như sau: Tôi sẽ giải thích tại sao chúng tôi viết cuốn sách, Joe sẽ nói về những gì chúng tôi phát hiện, và rồi Michael sẽ cung cấp cho các bạn những khuyến nghị về chính sách của chúng tôi.
    Chúng tôi có ý định viết về nghiên cứu này kể từ khi để ý tới một điều dường như là nghịch lý, đã tồn tại từ trước nhiệm kỳ của Bush, và vẫn đang tiếp diễn, bất chấp sự thay đổi về cách diễn đạt trong nhiệm kỳ Bush. Đó là, các vị Tổng thống liên tiếp của nước Mỹ đã nói, đặc biệt là sau thời kỳ chiến tranh lạnh, rằng mục đích chính của chính sách đối ngoại Mỹ là đẩy mạnh hoặc tăng cường dân chủ, và chính sách của chúng ta là nhằm hỗ trợ những ai đang đấu tranh để thiết lập và duy trì thể chế dân chủ.
    Thế nhưng nếu bạn nhìn vào hỗ trợ phát triển từ Hợp chủng quốc, từ các tổ chức tài chính quốc tế và thậm chí từ Châu Âu và Cộng đồng Châu Âu, bạn sẽ thấy không hề có lợi ích dân chủ. Đó là, các nước dân chủ, trên thực tế, nhận ít hỗ trợ phát triển hơn các nước không dân chủ. Bạn cũng có thể tìm thấy trong các bài phát biểu, thậm chí cả các hiến chương, của các tổ chức phát triển một niềm tin rằng dân chủ không phải công việc của họ. Họ nói ngày càng nhiều về “một chính phủ tốt” như một khía cạnh của phát triển, nhưng không nói về dân chủ. Những người điều hành USAID (www.usaid.gov) tin rằng công việc của họ là cổ vũ cho sự phát triển, chứ không phải dân chủ. Điều này cho phép họ cân nhắc những vấn đề liên quan đến “chính phủ tốt”, nhưng không đưa ra câu hỏi cơ bản: “Đây có phải là một xã hội dân chủ mà chúng ta muốn hỗ trợ?”.
    Thực vậy, các tổ chức tài chính quốc tế đã, với một ngoại lệ, đặt ra hiến chương trong đó yêu cầu họ không được cân nhắc giữa nước dân chủ và không dân chủ, hoặc như cách nói trong của hiến chương, không phân biệt thể chế chính trị.
    Bên dưới chính sách này của chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế là một tư tưởng về mối liên hệ giữa dân chủ và phát triển. Có một cách nhìn được nhiều người chấp nhận là nước nghèo cần trì hoãn dân chủ tới khi họ phát triển. Hồi tôi còn ở trường đại học, đây là cách nhìn của Scandinavi về dân chủ, rằng chỉ có các nước Scandinavi mới có đủ điều kiện để trở nên dân chủ, và rằng bạn phải có một tầng lớp trung lưu vững chắc trước khi bạn có thể thưởng thức dân chủ. Lý luận này tiếp tục – thể hiện trong bài viết của Samuel Huntington and Seymour Martin Lipset – rằng nếu các quốc gia nghèo trở nên dân chủ, bởi vì sức ép của nền dân chủ là phải đáp ứng quyền lợi của nhân dân, họ sẽ phải vay mượn rất nhiều và chi tiêu theo cách không có lợi cho phát triển – các lý luận này đang được Thủ tướng hiện tại của Mexico dùng để chỉ trích những người tiền nhiệm. Những quyết định tồi này sẽ khiến sự phát triển không xảy ra, và bởi người dân sẽ bực tức, họ sẽ quay lại với nền độc tài.
    Do đó, đơn thuốc là, hãy tìm cho mình một ông độc tài tốt bụng – người ta ít khi giải thích bằng cách nào bạn đảm bảo được ông độc tài đó tiêu tiền để phát triển đất nước thay vì chuyển nó tới tài khoản ngân hàng bên Thụy Sĩ – đợi đến khi ông độc tài đó tạo ra sự phát triển, nhờ đó tạo ra tầng lớp trung lưu, và rồi, không thể tránh khỏi, tầng lớp trung lưu sẽ yêu cầu tự do, và bạn sẽ có chính quyền dân chủ.
    Chúng tôi có linh cảm rằng kế hoạch nêu trên là không đúng. Chúng tôi cũng tin rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi có đủ dữ liệu thông kê để phân tich và trả lời câu hỏi: “Liệu một nước nghèo có thể hưởng lợi ích từ dân chủ hay không, khi mà nước đó mong muốn vừa phát triển vừa củng cố nền dân chủ?”
    Thông qua việc phân tích dữ liệu, chúng tôi đã đi đến một số kết luận về chính sách:
    JOSEPH SIEGLE: Có ba giả thiết về lợi ích của nền độc tài đối với nước nghèo và các giả thiết này hiện nay vẫn còn thịnh hành:
    1) Các nước nghèo thực thi chính sách phát triển kinh tế tốt hơn dưới sự điều hành của một nhà nước độc tài, bởi vì nhà nước độc tài có khả năng quản lý và sắp xếp nguồn lực có hạn tốt hơn.
    2) Một khi các nước nghèo đã đạt tới mức phát triển nhất định, các nước này có nền móng cho xã hội dân chủ và sẽ nhiều khả năng chuyển sang thể chế dân chủ thành công hơn.
    3) Nỗ lực dân chủ hóa khi thời cơ chưa chín muồi có khả năng dẫn tới chậm phát triển, và thậm chí cả nội chiến. Nó sẽ làm những khác biệt khó chịu thường thấy trong các quốc gia đa chủng tộc bộc lộ và điều này dẫn đến mất ổn định chính trị.
    Tôi sẽ đưa ra những bình luận của mình về ba giả thiết này, nhưng trước hết hãy làm rõ một vài giả thiết riêng của chúng tôi trong phần này:
    Thứ nhất, các phân tích của chúng tôi tập trung vào các nước nghèo với thu nhập đầu người dưới 2000USD một năm. Chúng tôi làm như vậy bởi vì không ai tranh cãi về việc các quốc gia giàu mạnh có nên đi theo con đường dân chủ hay không, và các nền dân chủ giàu mạnh đều phát triển và liên tục có tài sản và của cải để tích lũy theo thời gian. Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm thế nào để đạt được điều đó? Liệu có nên phát triển kinh tế trước?
    Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức để thực hiện phân tích một cách tỉ mỉ nhất: Chúng tôi quan sát tất cả các nước nghèo, đi lùi sâu về quá khứ ở mức độ dữ liệu cho phép, tức từ năm 1960 đến nay. Chúng tôi làm như vậy để tránh những ngộ nhận ảnh hưởng tới giới nghiên cứu trong 50 năm nay, trong đó những quốc gia đơn lẻ thường được dùng như mô hình để chỉ ra quá trình phát triển nên được thực hiện như thế nào.
    Thứ ba, chúng tôi sử dụng một định nghĩa dân chủ tương đối rộng. Chúng tôi muốn đi xa hơn định nghĩa “dân chủ tức là có bầu cử”, nghĩa là phải tính đến các yếu tố khác của nền dân chủ như: cơ chế chia xẻ quyền lực và kiểm tra chéo, cơ chế cho phép dân chúng tham gia quyết định quốc sách, bao gồm cả cơ chế bảo vệ quyền tự do cá nhân. Chúng tôi đã lượng hóa định nghĩa của mình bằng một vài chỉ số độc lập: Thứ nhất là Polity Index, tạo bởi Ted Gurr tại trường University of Maryland; và thứ hai, chỉ số hàng năm về tự do của Freedom House.
    Dựa vào các giả thiết nêu trên, tôi xin được quay lại với 3 giả thiết ban đầu về lợi ích của nền độc tài đối với nước nghèo và nói rõ kết quả phân tích thống kê của chúng tôi.
    Thứ nhất, giả thiết rằng các nước độc tài thực hiện công cuộc phát triển đất nước tốt hơn. Trong 45 năm qua, không có chứng cứ nào chứng tỏ các nước độc tài nghèo tăng trưởng nhanh hơn các nước dân chủ nghèo. Nếu bạn bỏ qua Tây Á, bạn sẽ thấy các nước dân chủ nghèo phát triển nhanh hơn 50%, trung bình, trong giai đoạn này. Các nước Baltic, Botswana, Costa Rica, Ghana, và Senegal tăng trưởng nhanh hơn Angolas, Syrias, Uzbekistans và Zimbabwes. Đó là một thực tế, cho dù đến 25% các nước độc tài không công bố thông tin về nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng, nếu các nước này được tính vào con số thống kê, tốc độ tăng trưởng của các nước độc tài còn thấp hơn nữa.
    Các con số thông kê thu được khi chúng tôi nhìn vào các mặt phát triển xã hội - như khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ, chăm sóc sức khỏe – còn cách biệt xa hơn nữa. Lấy ví dụ, xét về tuổi thọ trung bình, các nước dân chủ nghèo thường có tuổi thọ trung bình dài hơn các nước độc tài nghèo khoảng 9 năm. Cơ hội học hết phổ thông trung học lớn hơn 40%. Tỷ lệ trẻ tử vong thấp hơn 25%. Sản lượng nông nghiệp cao hơn khoảng 25%, nếu xét trung bình giữa nước nghèo dân chủ và độc tài. Đây là một con số quan trọng, bởi tới 70% dân số nước nghèo sống ở vùng nông thôn.
    Có rất nhiều cách lý giải con số thống kê này, chúng tôi sẽ đề cập đến trong phần câu hỏi và trả lời. Một đặc điểm khá nổi bật là dân chủ thực hiện việc phòng tránh các thảm họa tốt hơn nhiều so với độc tài. Nếu chúng ta nhìn vào các khủng hoảng tài chính trong vòng bốn thập kỷ vừa qua và chọn ra 20 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất cho mỗi thập kỷ, chúng ta thu được 80 quốc gia và chỉ có 5 trong đó là quốc gia dân chủ. Tương tự, nếu bạn quan sát các quốc gia có sự sụt giảm GDP đầu người trên năm vào khoảng 10%, xác suất để quốc gia đó là nước dân chủ chỉ bằng một nửa so với nước độc tài.
    Chúng tôi rút ra những kết luận tương tự đối với các vấn đề nhân đạo. Khủng hoảng người tị nạn gần như lúc nào cũng là kết quả của hệ thống chính trị độc tài. Nếu bạn nhìn vào các làn sóng người tị nạn trong vòng 20 năm gần đây, bạn sẽ phải lục lọi trong số 88 trường hợp để tìm ra 1 trường hợp không phải do độc tài. Đó là trường hợp của Sierra Leone vào cuối thập kỷ 90.
    Amartya Sen, người đoạt giải Nobel kinh tế, đã rất nổi tiếng với phát hiện rằng “chưa từng có một nền dân chủ với tự do báo chí nào trên thế giới gặp phải nạn đói lớn”.
    Mọi người ngay lập tức nghĩ rằng tránh được nạn đói là vì áp lực của dân chúng mà các nước dân chủ nghèo phải đối mặt; do đó, chính phủ chi tiêu nhiều hơn vào lĩnh vực y tế và giáo dục, dẫn đến các vấn đề kinh tế vĩ mô khác. Trên thực tế, điều này không đúng. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên biết rằng, các nước dân chủ nghèo không chi tiêu nhiều vào y tế và giáo dục hơn các nước độc tài nghèo, xét theo tỷ lệ GDP. Họ cũng không nhận được viện trợ từ bên ngoài nhiều hơn các nước độc tài nghèo. Họ không bị thâm hụt ngân sách lớn. Đơn giản là họ biết sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả hơn thôi.
    Như vậy bí ẩn thành công của nền dân chủ, ở nhiều mặt, chính là sự ổn định theo thời gian. Có lẽ không có ví dụ nào tốt hơn nước Mỹ: Trong toàn bộ lịch sử, ít khi nước Mỹ đạt danh hiệu phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng, với tốc độ phát triển trung bình chỉ 2% GDP một năm, nó đã tích lũy một cách có hệ thống lượng của cai lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.
    Tôi xin phân tích tiếp giả thiết thứ hai, cho rằng một nước độc tài khi đạt tới mức thu nhập trung bình, họ sẽ chuyển sang dân chủ. Với tốc độ tăng trưởng hạn chế mà chúng ta thấy ở trên, tương đối ít nước độc tài “thực sự” đạt tới mức thu nhập trung bình. Trên thực tế, từ năm 1960 đến nay, chỉ có 6 nước độc tài đạt được GDP trung bình 2000USD một năm.
    Cuốn sách của Fareed Zakaria lý luận rằng, chúng ta không nên thúc đẩy nền dân chủ cho tới khi các nước này đạt thu nhập đầu người 6000USD một năm. Nếu chúng ta nghe lời cuốn sách, trong số 87 quốc gia dân chủ hiện nay, chỉ có 4 nước đủ tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa là các quốc gia vùng Baltics, Costa Rica, Balan, Nam Phi và nhiều nước khác chưa đủ điều kiện để trở thành quốc gia dân chủ.
    Chúng tôi không nói rằng các nước dân chủ nghèo thực thi tốt hơn tất cả các nước độc tài nghèo. Rõ ràng có một số ngoại lệ. Tuy nhiên, thậm chí trong số các nước độc tài nghèo đang tăng trưởng, xác suất chuyển sang nền dân chủ khi họ đã tăng trưởng và đạt tới mức thu nhập trung bình cũng không cao hơn so với khi họ còn nghèo. Khi chúng tôi nhìn vào những điểm khác thường của những nước tăng trưởng này, hầu hết nằm ở Tây Á, chúng tôi đã hỏi câu hỏi tại sao họ lại khác biệt với các hệ thống độc tài khác và cái gì đặc biệt ở họ. Chúng tôi sau đó so sánh họ với 65 tới 70 nước độc tài khác với tốc độ phát triển tồi tệ để học tập kinh nghiệm, nhưng phát hiện ra rằng đó là một mô hình phát triển tồi.
    Giả thiết thứ ba và cũng là cuối cùng cho rằng dân chủ quá sớm sẽ đem lại bất ổn. Thống kê cho thấy không có cơ sở vững chắc cho giả thiết này. Điều chúng tôi thấy, rút ra từ những cuộc xung đột trong 15 năm qua, rằng nguyên nhân chủ yếu tạo ra xung đột là đói nghèo. Các nước nghèo thường dễ xảy ra xung đột hơn các nước giàu. Các quốc gia có thu nhập đầu người dưới 2000USD một năm có xung đột xảy ra trung bình một năm trong vòng năm năm, kể từ 1980. Trong khi đó những nước có thu nhập trên 4000USD một năm, xung đột xảy ra trung bình một năm trong 33 năm.
    Khi bạn nhìn vào các nước đang có biến đổi chính trị, bạn sẽ thấy các nước chuyển sang dân chủ có xác suất xảy ra xung đột không lớn hơn so với các nước nghèo khác. Từ sau chiến tranh lạnh, thậm chí họ còn ít bị xung đột hơn. Trong các nước tiểu vùng Sahara Châu Phi, nơi hầu hết các cuộc nội chiến diễn ra trong những năm gần đây, các nước dân chủ hóa có xác suất xảy ra nội chiến thấp hơn một nửa so với các nước nghèo trong cùng khu vực.
    Những quan sát này có ảnh hưởng quan trọng tới vấn đề an ninh thế giới. 30% các cuộc nội chiến tràn sang biên giới nước khác. Nội chiến ở một quốc gia có xu hướng kéo theo sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng trên đầu người của các nước lân cận, trung bình là 0.5% một năm. Điều này dẫn tới khả năng mất ổn định chính trị và biến động kinh tế. Các nước nghèo với cấu trúc nhà nước yếu là nơi các tổ chức quốc tế lợi dụng thiết lập chi nhánh và tiến hành hoạt động.
    Nhìn chung, ba giả thiết quan trọng nhất về lợi ích của độc tài từ trước đến này không được chứng thực bằng phân tích thông kê của chúng tôi. Điều chúng tôi thấy là dạng thức chính phủ hiện này ở một nước đang phát triển có ảnh hưởng quan trọng tới tốc độ phát triển mà nước đó thu được, và nếu cứ theo các giả thiết nói trên mà trì hoãn dân chủ, chúng ta thực tế đang kéo dài sự chậm phát triển và nâng cao khả năng xung đột chính trị và xung đột khu vực, cũng như trì hoãn thời điểm mà người dân có thể lãnh đạo đất nước.
    MICHAEL WEINSTEIN: Trong cuốn sách chúng tôi đưa ra 7 khuyến nghị chính. Tôi muốn chúng ta tập trung vào 3 điểm quan trọng nhất:
    1) Cho dù hình thức hỗ trợ là song phương hay đa phương, hãy chuyển tới các nước dân chủ và đang dân chủ hóa, chứ không phải các nước độc tài nghèo.
    Một số người sẽ phản đối: "Tại sao bạn không giúp dân nghèo ở Zimbabwe?"
    Câu trả lời của chúng tôi sẽ là: Một người nghèo ở đâu cũng là một người nghèo. Chúng tôi không có bất cứ lý do gì để ưa thích một nhóm người nghèo này hơn một nhóm người nghèo kia. Vì quỹ hỗ trợ cho người nghèo, đặc biệt ở Mỹ, sẽ không tới được tất cả những người nghèo trên thế giới, vậy tại sao không chuyển số tiền đó tới quốc gia mà tại đó số tiền đó sẽ giúp được người nghèo, thay vì lãng phí chúng cho các quốc gia mà chính phủ không thèm đoái hoài tới việc giúp người nghèo? Chúng tôi không muốn chuyển tiền cứu trợ tới Zimbabwe, nơi chúng tôi biết chắc rằng khoản tiền đó sẽ bị lãng phí vào một chính phủ tham nhũng và không có năng lực – trong khi chúng tôi có thể chuyển tới một chính phủ trong sạch và có năng lực – hoặc chí ít là dân chủ - và có nhiều khả năng khoản hỗ trợ sẽ đem lại lợi ích cho người nghèo. Tại sao lại không thiên vị cho dân chủ, khi chúng ta được quyền lựa chọn?
    Khi chúng ta đạt tới mục đích xóa sổ nghèo đói tại tất cả các quốc gia dân chủ nghèo, lúc đó hẵng tranh luận xem chính sách nào tốt nhất để hỗ trợ các nước không dân chủ.
    2) Từ những kết luận trong cuốn sách, chúng tôi cho rằng không nên để Bộ Tài chính (US Treasury) một mình quyết định các chính sách viện trợ. Chúng tôi khuyến nghị rằng một hội đồng, gồm có Bộ trưởng Ngoại giao (Secretary of State), người đứng đầu tổ chức USAID và Bộ Tài chính, đưa ra những quyết định phân bổ viện trợ quan trọng. Lý do chính là để các vấn đề dân chủ và chính trị của Bộ Ngoại giao có tiếng nói bên cạnh các vấn đề tiền bạc của mấy nhà kinh tế học.
    3) Gợi ý thứ ba về chính sách này khá mới mẻ. Chúng tôi cho rằng các chính sách phát triển hiện nay đang chống lại nền dân chủ. Chúng không quan tâm đến các nhóm đang phôi thai, như các nhóm dân sự ở những nước nghèo, và ép các quốc gia này đi theo chính sách của Washington D.C., chứ không phải của các quốc gia liên quan. Dân chủ do đó trở thành nạn nhân bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
    Một cách so sánh gần gũi là môi trường. Nếu ai đã học qua lớp Economics 101 đều biết, nếu một nạn nhân im lặng, người đó sẽ bị đối xử tàn tệ. Ở nước Mỹ, nơi chúng ta luôn tính đến yếu tố môi trường, chúng ta đã thông qua luật yêu cầu Quốc hội khi làm bất cứ điều gì, đều phải có Báo cáo Ảnh hưởng Môi trường (Environment Impact Statement). Có thể nói Báo cáo Ảnh hưởng Môi trường đã trở thành một phần tất yếu của hệ thống quyết sách liên bang, cũng như trong chính sách của nhiều bang và địa phương.
    Ý tưởng trên cũng đúng cho dân chủ. Dân chủ có mối liên hệ rõ ràng tới phát triển và thịnh vượng đến mức chúng tôi yêu cầu phải đề cao dân chủ, sao cho dù là một chính phủ như chính phủ Hoa Kỳ, một văn phòng như USAID, một tổ chức song phương hoặc đa phương đang xây dựng chính sách viện trợ, họ phải có Báo cáo Ảnh hưởng Dân chủ. Hãy cho mọi người thấy những dự đoán về các chính sách viện trợ, nếu được thực hiện sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng dân chủ trong quốc gia nghèo nhận viện trợ
    JOANNE MYERS: Xin cảm ơn! Bây giờ tôi xin mời khán giả đặt câu hỏi.
    Câu hỏi và Trả lời
    CÂU HỎI: Ông có thể trả lời tại sao một nhà nước dân chủ lại giúp ích cho phát triển nhiều hơn là nhà nước độc tài?
    JOSEPH SIEGLE: Chúng tôi chia câu trả lời của mình ra ba phần chính: Phần thứ nhất giải thích vấn đề qua khía cạnh chia sẻ quyền lực. Ở nước dân chủ, bạn có cơ chế chịu trách nhiệm theo cả hai chiều: ngang và dọc. Chịu trách nhiệm chiều ngang kiềm chế nhà lãnh đạo không cho theo đuổi những chính sách bấp bênh như thường thấy ở trong hệ thống độc tài. Chịu trách nhiệm chiều dọc khuyến khích các thủ lĩnh chính trị khác lôi kéo sự ủng hộ của người bỏ phiếu. Điều này dẫn đến hiệu ứng điều hòa (moderating effects) thông qua sự kiểm tra và cân bằng (check and balance).
    Thứ hai, khái niệm “cởi mở” là một yếu tố quan trọng quyết định đâu là nền dân chủ, đâu là thể chế độc tài. Chế độ càng “cởi mở”, bạn càng có nhiều thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn hơn so với thể chế độc tài.
    Khi một quyết định sai lầm được đưa ra trong nền dân chủ, chuông cảnh báo sẽ gióng lên nhanh hơn nhiều so với thể chế độc tài. Các thủ lĩnh chính trị chịu áp lực rất lớn, bắt họ phải sửa sai hoặc điều chỉnh quyết định sai lầm kia, sao cho hậu quả được kiềm chế ở mức thấp nhất. Ngược lại, trong thể chế độc tài, các quyết định sai lầm thường kéo dài và dẫn tới khủng hoảng.
    Một khía cạnh khác của sự “cởi mở” dẫn tới “tính hiệu quả của thị trường”. Khi có sự cân bằng từ mọi phía của thị trường, người bán và người mua, bạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn và nhiều người mong muốn tham gia hơn. Điều này không xảy ra khi người ta không chắc chắn vì thiếu thông tin.
    Sự “cởi mở” còn dẫn tới mức độ minh bạch cao hơn và mức độ tham nhũng thấp đi. Dữ liệu cho thấy tham nhũng làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm một cách đáng kể.
    Phần thứ ba là khả năng thích ứng. Dân chủ không chỉ là một cơ chế tự điều chỉnh, mà còn là cơ chế để thay đổi những vị lãnh đạo không có khả năng một cách hệ thống. Điều này cho phép chuyển đổi ổn định tới khung chính sách mới, có hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề mà đất nước đang gặp phải, tương thích với một hoàn cảnh nhất định. Chính vì quá trình chuyển đổi này, bạn không thấy sự bất ổn trong nền dân chủ, những bất ổn làm giảm tốc độ tăng trưởng của các hệ thống khác, bởi sự đảo lộn chính trị hay nội chiến.
    MICHAEL WEINSTEIN: Chúng tôi thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa hoàn cảnh kinh tế của nền dân chủ và của thể chế độc tài, trong đó nền dân chủ chưa từng chịu nạn đói. Điều này gắn liền với phương thức chia sẻ quyền lực và lực lượng đối kháng có thể lên tiếng trong một nền dân chủ. Dân chủ không bị rơi khỏi vách đá và trượt xuống đáy như các thể chế độc tài.
    CÂU HỎI: Có quan niệm rằng một số quốc gia dân chủ, do chính sách ngoại giao và vị trí địa chính trị không quan trọng so với thế giới, không có khả năng cung cấp sự thịnh vượng, dân chủ và ổn định.
    Câu hỏi thứ hai của tôi liên quan đến Nam Mỹ. Một số quốc gia ở đây, đi theo con đường dân chủ từ 10 năm nay, hiện nay đang gặp phải thách thức lớn đòi quay trở lại, bởi tham nhũng, mất ổn định và thiếu sức mạnh của thể chế. Bởi tham nhũng, các nền dân chủ ở đây làm việc không hiệu quả. Nếu ông xem các thăm dò gần đây nhất trên [URL="http://www.latinobarometro.org/"]Latinobarometer[/URL], nơi hầu hết mọi người tham gia thăm dò đều nói rằng, vâng, họ ủng hộ nhà nước dân chủ, nhưng nếu được hỏi “Bạn có sẵn sang đổi dân chủ lấy thức ăn, dịch vụ mà bạn cần và an ninh công cộng không?”, sẽ có một số lớn người nói rằng “Tôi sẵn sàng đánh đổi để đạt được những gì có thể đạt được”.
    Ông có trả lời bất kỳ câu hỏi nào trên đây trong cuốn sách của mình?
    MORTON HALPERIN: Tôi nghĩ đó là một lựa chọn sai lầm. Cuốn sách chỉ ra rằng bạn cũng không đạt được gì hơn cho dù bạn quay mặt đi với nền dân chủ. Vâng, có nhiều nền dân chủ không thực hiện được những gì dân chúng mong muốn, nhưng cách để đạt được điều dân chúng mong muốn là củng cố nền dân chủ để chống lại tham nhũng và mất cân bằng xã hội, và đừng nghĩ rằng quay mặt lại với dân chủ, bạn sẽ làm được điều gì đó tốt hơn. Những bằng chứng chỉ ra rằng tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn nếu bạn làm vậy.
    JOSEPH SIEGLE: Chúng tôi không tranh cãi rằng mọi nền dân chủ đều phát triển tốt hơn. Một số nền dân chủ quả thực gặp khó khăn. Chúng tôi có nói tới Nam Mỹ bởi nó là một tiến trình tiến hóa thú vị liên quan đến các câu hỏi ở trên. Bất chấp những lời bình luận không tốt về khu vực này, chỉ còn 3 quốc gia ở Nam Mỹ có thu nhập đầu người thấp hơn so với thu nhập năm 1990. Thu nhập hiện nay của Nam Mỹ tăng 25% trung bình so với năm 1990.
    Với một xã hội “cởi mở” hơn, mọi người thường nói về các vấn đề, về tham nhũng, và về sự thù ghét của họ với các nhà lãnh đạo chính trị. Các vấn đề tham nhũng và tiêu cực đó không phải là mới. Có một mối quan hệ ngược trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu, khi mà bạn có cảm giác tình hình tồi tệ đi, mặc dù trên thực tế mọi thứ được cải thiện. Công khai và minh bạch là một yếu tố bắt buộc.
    MICHAEL WEINSTEIN: Rõ ràng là có mối tương đồng giữa Nam Mỹ và Đông Âu sau năm 1990. Nền kinh tế thường xuyên ở trong tình trạng bất ổn và kết quả đạt được không giống những gì người ta mong đợi. Kết quả là những bước lùi, như chúng ta thấy ở Đông Âu, nơi có các xu hướng chính trị lúc thăng lúc giáng. Nam Mỹ, nếu nhìn ở khía cạnh này, là một trường hợp không mới.
    MORTON HALPERIN: Điều mà tôi thấy đáng ngạc nhiên là các nền kinh tế yếu kém lại rất ít khi dẫn tới sự kết thúc của một thể chế dân chủ. Sự kiện này diễn ra ít hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi.
    Chúng ta có nhiệm vụ giúp các nước đã chọn con đường dân chủ đi tới thành công. Một phần là cung cấp tăng cường viện trợ. Một phần là nỗ lực chứng minh cho Washington thấy rằng những lời khuyên của họ dành cho các nước nghèo nhằm phát triển kinh tế là không khả thi, bởi chưa có nước nào theo lời khuyên đó mà thành công cả.
    CÂU HỎI: Dân chủ đem lại lợi ích, chủ yếu bởi vì những người không được làm những điều họ muốn làm trước đây, nay bỗng nhiên được làm. Con số thống kê cho thấy một lượng lớn viện trợ từ Ngân hàng Thế giới và USAID chuyển từ chính phủ Mỹ tới chính phủ các nước được viện trợ, và điều này khiến nền dân chủ phát triển hơn. Trên thực tế, điều này không đúng. Tiền viện trợ chỉ củng cố vị trí của những người lãnh đạo, dưới tên gọi Cộng hòa hay Dân chủ, thay vì Cộng sản. Sự tăng trưởng của các nước này không phụ thuộc vào những người lãnh đạo này.
    Mặc dù vậy, dân chủ có thể đem lại lợi ích cho những tầng lớp dưới trong nền kinh tế. Ở Armenia, chúng ta chỉ cần cấp một chút vốn cho một người nghèo khổ là họ có thể làm ăn buôn bán nhỏ. Chúng ta khuấy động nền kinh tế từ dưới đáy, điều này có ý nghĩa cho việc phát triển cả dân chủ và kinh tế.
    Một người đàn ôn đem TV từ Tây Âu về, sửa chúng tại Romania và bán trong nước có thể tạo ra hàng trăm công việc. Điều này không thể có ở dưới thời Cộng sản, nhưng trong một hệ thống dân chủ hơn, bạn có thể làm. Đó chính là điều chúng ta cần hy vọng.
    Chúng ta cần thay đổi phương hướng viện trợ, thay vì chuyển giữa chính phủ tới chính phủ, những người đã và đang gây ra sự suy sụp kinh tế - hãy chuyển tới những người ở tầng lớp dưới, những người sẽ trở thành động lực của nền kinh tế trong tương lai. Tôi muốn được thấy sự chuyển dịch viện trợ theo hướng hỗ trợ gắn liền với người nghèo, để họ thực sự hưởng lợi khi nhận được một số tiền viện trợ.
    MICHAEL WEINSTEIN: Luôn luôn có thể mắc sai lầm khi nhảy từ một nguyên tắc chung này sang nguyên tắc chung khác trong quá trình tìm kiếm bằng chứng có tính hệ thống. Những bài viết về phát triển còn tương đối yếu, nhất là về phương thức nào hiệu quả nhất để phát triển kinh tế một quốc gia. Tôi không nói rằng những gì ông lập luận ở trên là không đúng, nhưng chúng ta biết rõ ràng rằng không có một tài liệu khoa học nào nói về hiệu ứng này cả.
    Một phần lớn trong cuốn sách của chúng tôi nói về viện trợ, cần làm thế nào và không nên làm gì. Chúng ta cung cấp nhiều viện trợ mà trên thực tế không phải viện trợ chút nào. Ví dụ như việc trả cho Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Hãy đừng gọi đó là tài trợ kinh tế. Hãy để cho Bộ Quốc phòng chi trả khoản tiền này, hãy để nó mang tính tạm thời, với kế hoạch để ngừng. Nhưng xin đừng gọi những thứ không dính dáng đến phát triển kinh tế là ‘viện trợ’.
    Một vấn đề khác mà chúng tôi gặp phải khi đo lường ảnh hưởng của viện trợ là chúng ta đang sử dụng tên giống nhau cho các luồng tiền mà mục đích và chủ ý hoàn toàn khác nhau, cũng như kết quả trông đợi hoàn toàn khác nhau.
    JOSEPH SIEGLE: Một trong những vấn đề và rào cản của phát triển là bạn có cả độc tài trong kinh tế lẫn chính trị. Đây thường là một đặc tính của chế độ độc tài. Nếu bạn vẫn có thể phân tách cơ hội kinh tế với quyền lực chính trị, bạn sẽ có khả năng phát triển tốt hơn. Thông qua việc hướng nguồn viện trợ qua chính phủ, chúng ta có xu hướng giúp duy trì sự hội tụ của hai thứ này. Điều này làm giảm thiểu cơ hội phát triển.
    CÂU HỎI: Đối mặt với nhiều hình thái dân chủ hiện nay, làm thế nào để chúng ta đưa ra quyết định viện trợ hay trợ giúp tài chính? Ông có đề cập đến một số tiêu chí do ông phát triển để phân biệt nước nào là dân chủ. Liệu 3 hay 5 tiêu chí có đủ không? Hay chỉ 1 tiêu chí? Liệu tiêu chí nào dẫn đến quyết định hỗ trợ?
    JOSEPH SIEGLE: Các tiêu chí mà chúng tôi đề cập, cả 3 đều phải có. Chúng tôi đã thử sử dụng một tiêu chuẩn tương đối mạnh. Ở cuối cuốn sách, chúng tôi có chỉ ra các chỉ số để cho các bạn thấy ví dụ về các nước có đủ khả năng đáp ứng tiêu chí đó.
    Không có nền dân chủ tuyệt đối. Thậm chí ngay trong những nước dân chủ đã công nghiệp hóa, vẫn còn những thiếu sót. Dân chủ là một quá trình không ngừng. Các nước này; sau khi thiết lập hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực, có luật bảo vệ xã hội dân sự và tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng tham gia quản lý, đều sử dụng nguồn lực thành công hơn. Họ đã chứng tỏ bằng nền kinh tế và xã hội phát triển mạnh, và như vậy là mục tiêu tốt để chúng ta viện trợ.
    CÂU HỎI: Ông có thể nói một chút về trường hợp ngoại lệ ở Đông Á, nơi đang là tâm điểm của các cuộc tranh luận về dân chủ và phát triển? Nếu so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ai phát triển tốt hơn? Cuối cùng, xin đừng cung cấp viện trợ cho Pakistan qua Bộ Quốc phòng. Qua đường đó, sẽ chẳng có đồng tiền nào tới được quỹ phát triển kinh tế.
    MORTON HALPERIN: Bộ Quốc phòng đã tiêu đủ rồi. Chúng tôi muốn dùng một phần số tiền đó vào việc khác, chứ không phải chi thêm vào mục đích này.
    Chúng ta thường được dạy rằng việc so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ chỉ ra rằng muốn phát triển phải có nhà nước độc tài. Tôi nghĩ rằng việc so sánh thực chất chỉ ra rằng bạn cần các chính sách hợp lý hơn để phát triển. Ấn Độ hiện nay phát triển rất nhanh bởi nó đã thay đổi nền kinh tế và chính sách quản lý của chính phủ.
    Một trong những câu chuyện ưa thích của tôi về ảnh hưởng của ‘nền dân chủ mở rộng’ tới phát triển kinh tế là câu chuyện về Luật Tự do Ngôn luận ở Ấn Độ. Người chủ trương cho luật này tới từ một làng nhỏ địa phương. Ông ta có được bản báo cáo về việc chính phủ chi bao nhiêu tiền để phát triển làng và các khoản chi ra sao. Một đám đông đi tới và cùng chui vào một ngôi nhà 4 mặt tường nhưng không mái. Ông ta kể với họ, trước hết, là bao nhiêu tiền đã được chi. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên, bởi họ không tưởng tượng được số tiền đó đã bị tiêu hết thế nào. Sau đó ông ta nói “Hãy nhìn xem khoản tiền được tiêu thế nào. Mục đầu tiên là để xây mái trường”. Tất cả mọi người đều cười. Ông ta ngửng mặt lên và hỏi “Tại sao lại cười?”. Bọn họ đáp “Chúng ta đang ở trong trường đây này”. Tiền đã không được dùng để xây mái, mà chuyển vào túi ai đó.
    JOSEPH SIEGLE: Rất thú vị khi so sánh các con hổ độc tài Đông Á, đã và đang phát triển, với các nước độc tài khác, bởi sự khác biệt rõ rệt. Lấy ví dụ, các con hổ Đông Á đã tạo khoảng trống cho khu vực tư nhân và thị trường tự do từ khá sớm. Cơ hội kinh tế và quyền lực chính trị tách biệt là sự khác biệt quan trọng so với các hệ thống độc tài khác.
    Tương tự, tồn tại sự kiểm tra và cân bằng tương đối cao lên các vị lãnh đạo ở những con hổ Đông Á, so với các nước độc tài ở Châu Âu, Trung Á hay Nam Mỹ; điều này giúp họ đưa ra những chính sách mềm mỏng hơn. Xuất phát điểm của những người lãnh đạo chính là từ dân chúng, điều này tạo cho họ cảm giác có trách nhiệm và gần gũi với nhân dân hơn.
    Rất nhiều con hổ Đông Á có nguồn gốc dân chủ và chịu sự ảnh hưởng cao của dân chủ. Qua cơ cấu thuộc địa Anh Quốc, thể chế dân chủ đã được tạo lập tại Indonesia cho phép họ tạo cơ cấu chính quyền cho việc phát triển kinh tế. Đài Loan và Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Mỹ - chính trị, quân sự và tài chính – điều này điểu chỉnh hướng đi của họ, cả kinh tế lẫn chính trị. Khả năng thâm nhập thị trường Mỹ cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của các nước này.
    MICHAEL WEINSTEIN: Điều mà chúng tôi phát hiện ra khi nghiên cứu các trường hợp này, là đây là những trường hợp đặc biệt. Nếu bạn nghĩ có thể lặp lại điều kỳ diệu tại Đông Á, hãy thử xem. Rất nhiều quốc gia đã cố gắng thực hiện điều này, nhưng đã thất bại thảm hại.
    CÂU HỎI: Liệu những quốc gia Hồi giáo có khả năng phát triển thành quốc gia dân chủ có hiệu quả?
    MORTON HALPERIN: Vài năm trước đây khi tôi làm việc cho chính phủ, tôi đã tham gia một cuộc thảo luận chuẩn bị cho cuộc họp [URL="http://www.ccd21.org/"]Cộng đồng Dân chủ[/URL] tại Warsaw. Paul Wolfowitz lúc đó là đại diện của tổ chức phi chính phủ (NGO) Freedom House. Đóng vai một nhân viên chính phủ tận tụy, tôi đã đọc những gì người ta đưa cho tôi để đọc trước cuộc họp. Đáp lại một câu trả lời tương tự thế này, tôi đã nói dữ liệu chỉ ra rằng phần lớn người dân Đạo Hồi đang số ở nước dân chủ hoặc trong một nền dân chủ.
    Paul Wolfowitz chuyển cho tôi một mẩu giấy, trên đó có ghi “Ông lấy thông tin này ở đâu vậy? Điều này hoàn toàn sai.” Tôi trả lời tôi không biết, tôi là một nhân viên, tôi chỉ nói những gì người ta bảo tôi nói và tôi sẽ kiểm chứng lại thông tin này khi tôi quay trở về văn phòng. Khi tôi quay lại văn phòng, tôi nói “Paul Wolfowitz nói thông tin này sai. Chúng ta lấy nó ở đâu vậy?”. Họ nói “Chúng tôi lấy nó từ Freedom House.”
    Tôi đã gửi cho Paul một tin nhắn nói rằng, "Thông tin này chúng tôi lấy từ bên ông, vậy ông cần kiểm tra lại thông tin, chứ không phải tôi."
    Indonesia hiện đang làm rất tốt việc chuyển đổi sang thể chế dân chủ. Nigeria tuy chuyển đổi không tốt lắm, nhưng nó vẫn đang là nước trên con đường dân chủ so với nhiều nước Châu Phi khác. Đạo Hồi ở Ấn Độ hỗ trợ nền dân chủ không khác gì Đạo Hindu.
    Tôi không thấy điều gì chứng tỏ văn hóa hay tôn giáo Hồi giáo có thể cản trở con đường dân chủ.
    JOANNE MYERS: Xin cảm ơn tất cả đã tham gia cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa dân chủ và phát triển.
    (Hết)
    Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20090301/ich-loi-cua-dan-chu-dan-chu-thuc-day-hoa-binh-va-thinh-vuong-nhu-the-nao-phan-dau
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org