Có “Hậu chủ nghĩa xã hội” chăng? (P2/2)

Posted on
  • Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Alan Charles Kors
    Ðông Hiến hiệu đính
    Lê K. Hiển dịch 
    Thái độ phản ứng của các nhà trí thức Tây phương khi xử sự với một bên là các thành tựu của xã hội của họ, và bên kia là lý tưởng xã hội chủ nghĩa rồi đến thực tế chủ nghĩa xã hội, làm chúng ta choáng váng. Ngay giữa xã hội Tây phương, nơi con người có cơ hội thăng tiến không đâu sánh được, họ gào lên “phân biệt giai cấp.” Trong một xã hội ngập tràn hàng hoá và dịch vụ, họ gào lên, lúc thì “nghèo khó” lúc thì “chủ nghĩa tiêu thụ.” Trong một xã hội ngày càng giàu có hơn, đa diện hơn, có năng suất cao hơn, tự chủ và có đời sống thoả mãn hơn, họ gào lên “bị bỏ rơi.” Trong một xã hội đã giải phóng được phụ nữ, các sắc tộc thiểu số, các tôn giáo thiểu số, và cả những người đồng tính luyến ái cả hai phái ở mức độ mà chỉ năm mươi năm về trước không ai có thể mơ tới được, họ gào lên “áp bức.” Trong một xã hội có những tổ chức từ thiện tư nhân rộng rãi đến vô biên, họ gào lên “keo kiệt.” Trong một xã hội mà hàng trăm triệu người đã thụ huởng miễn phí trên sự rủi ro, kiến thức, và đồng vốn của những kẻ khác, họ gào lên là những người thụ hưởng miễn phí nầy đã bị “bóc lột.” Trong một xã hội đã thay thế được phương thức cha truyền con nối bất tận bằng sự thăng tiến chỉ dựa trên tài năng cá nhân, thì họ lại gào lên “bất công.” Nhân danh những thế giới mộng tưởng và sự hoàn hảo chỉ có trong huyền thoại, họ đã tự bịt mắt và không chịu nhìn thấy những gì mà chúng ta xem là những phép lạ do chế độ cởi mở Tây phương mang đến: đó là tự do cá nhân, trách nhiệm cá nhân, tài năng cá nhân, và sự thoả mãn con người. Cũng như Marx, họ đã bỏ những từ như “tự do” vào trong ngoặc kép khi dùng các từ ấy để bàn về Tây phương. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta cần lưu ý một điểm là, trong trường hợp có một kẻ thù thực sự căm hận các nhà trí thức Tây phương xuất hiện – như chủ nghĩa phát xít và quốc xã – và khi việc đánh bại kẻ thù đó tuỳ thuộc vào lòng tự tin của Tây phương, thì những nhà trí thức Tây phương này lại chẳng có khó khăn gì trong việc phân định đâu là thiện và đâu là ác, và cả trong việc lôi cuốn quần chúng vào trong cuộc tỉ thí giữa thiện và ác. 

    Hành vi trí thức này là một bệnh lý với triệu chứng lục tìm, lựa chọn những giai đoạn trong lịch sử sao cho phù hợp với các mục tiêu của mình, rồi khư khư ôm lấy thời khắc đã đóng băng đó như một khuôn mẫu bất di bất dịch. Với những nhà trí thức mang căn bệnh trên, những đổ vỡ đầu tiên của công cuộc kỹ nghệ hoá tư bản bị định kiến như là mô hình của một xã hội tư bản tương lai sẽ xuất hiện từ các vận động đó, cứ y như là người ta không cần phải đếm xỉa đến tiến trình đã giúp được vô số người có được một cuộc sống tự do và được tôn trọng, và mang lại cho con người một khả năng vô tiền khoáng hậu để chống chọi lại những nguy cơ từ thiên nhiên và con người. Dưới góc nhìn bệnh lý này, nước Nga mãi mãi nằm trong thời kỳ từ 1914 đến 1917 và lối thoát duy nhất khỏi chủ nghĩa Stalin là chiến tranh và Rasputin, cứ y như là biểu đồ phát triển kinh tế và xã hội của nước Nga vào đầu thế kỷ thứ hai mươi chưa từng hướng về một sự thay đổi đầy năng lực và hứa hẹn. Một khi những người cộng sản đã huy động được những đám đông thật lớn vào bất cứ một thời điểm nào, họ đã giành được quyền lực một cách tuyệt đối và vĩnh viễn, cứ y như là Đảng Cộng hoà vào năm 1920, một đảng ít ra đã cũng thắng cử một cách lương thiện, đã thủ đắc được quyền cai trị nước Mỹ vĩnh viễn và có quyền chọn người kế vị trong nội bộ đảng. Căn bệnh này cũng cho phép người ta có thể chối bỏ lịch sử và cứ việc tuỳ tiện thay đổi lập trường của mình mà không một chút vướng bận hay có trách nhiệm gì đối với quá khứ. Ca bệnh đầu tiên là Stalin, sau đó là Castro, sau đó là Hồ Chí Minh và bè lũ Khmer Đỏ, và sau đó là những người Sandanista ở Nicaragua, danh sách những bệnh nhân còn kéo dài đến độ gây buồn nôn.
    Triệu chứng tinh thần của căn bệnh này, trong cả quá khứ và hiện tại, vẫn là một sự hoang tưởng tập thể, vô cảm với lịch sử và phong tục. Đó là niềm tin rằng trong các quan hệ giữa người với người, thiện tâm, trật tự ổn định, công lý, hoà bình, bình đẳng trước luật pháp, tương kính tương nhượng, và vị tha, là bản chất, còn sự nham hiểm, vô trật tự, bạo hành, ép buộc, bất bình đẳng trước luật pháp, cố chấp, và lòng ác độc là những điều lệch lạc khác thường cần được giải thích theo hoàn cảnh lịch sử. Vì đã sai lầm hiển nhiên và có hệ thống khi định nghĩa đâu là trạng thái bình thường, các nhà trí thức Tây phương đã không thể hiểu và trân trọng hình thái xã hội đã cho chúng ta khả năng biến cải các trạng thái đó. Bệnh lý này cũng chính là niềm tin điên khùng rằng ở những xã hội đã tiến hoá thành công, các nhà trí thức khi nắm quyền lực có thể tuỳ tiện sắp xếp lại mọi thứ, và rằng những nền văn hoá có năng suất cao nhất của nhân loại lại là những nền văn hoá hầu như bị trục trặc tổng thể.

    Rousseau và tất cả các nhà trí thức Mác-xít hoá, những người đã phủ bóng tối của họ lên suốt một trăm năm qua và lâu hơn thế nữa, đã nhìn ngược mọi thứ trong lãnh vực này. Con người vốn dĩ đố kỵ, điều này không cần một lời giải thích về hoàn cảnh lịch sử, vì bản tính của con người là ác cảm với sự khác biệt. Ngược lại, chính khả năng - tuy không hoàn chỉnh nhưng cũng đủ để làm người ta kinh ngạc - mà một xã hội tư do có thể tạo ra và vận dụng để vượt qua chủ nghĩa bộ tộc và chủ nghĩa đố kỵ mới cần được làm sáng tỏ, trên tất cả những hiện tượng khác đã góp phần tạo dựng nên một kỳ tích có một không hai là nước Mỹ. Tương tự, hiện tượng độc tài và lạm quyền cũng là một bản tính tự nhiên của con người. Ngược lại, chính hiện tượng hạn chế được quyền lực và mang lại tự do cá nhân mới cần được giải thích về mặt lịch sử. Chế độ nô lệ, tự nó, không làm ai giật mình, bởi vì tự cổ chí kim, chế độ nô lệ là một trong những hình thái phổ biến nhất trong lịch sử loài người. Thật ra, chính quan niệm con người có quyền tự làm chủ lấy mình, con người phải có tự do, con người có quyền lao động theo ý muốn mình, mới cần phải được giải thích về mặt lịch sử. Chính sự kiện Tây phương đã có được những thang giá trị và những cơ chế có khả năng nhận diện và đánh giá được chế độ nô lệ là một tội ác, và tiến hành công cuộc xoá bỏ chế độ đó, mới là một điều phải làm cho chúng ta kinh ngạc. Khi các nhà trí thức Tây phương viết về sự nghèo khổ, họ viết như viết một bi kịch, cứ y như là sự nghèo khổ tương đối tại vài vùng biệt lập ở Tây phương phải làm chúng ta sững sờ, trong khi trên thực tế, danh từ mà mãi đến gần đây vẫn còn được dùng một cách đơn giản hoá, để mô tả những tình trạng nghèo khổ tuyệt đối, còn tệ hại khủng khiếp hơn những gì họ viết ra, chính là danh từ “đời sống.” Điều mà các đa số các nhà trí thức thế tục của chúng ta vẫn chưa đề cập tới là câu hỏi xem các giá trị, định chế, kiến thức, hành vi, tình thế, và quyền tự do nào đã cho phép Tây phương tạo dựng nên một mặt bằng chung thịnh vượng đến nỗi chúng ta phát hiện ngay được những tình trạng nghèo nàn tương đối đó, chưa nói đến việc chúng ta tin tưởng rằng có thể xoá bỏ sự nghèo nàn đó tận gốc. Quả là một thảm kịch khi chính những nỗ lực lật đổ hệ thống và thang giá trị tiến bộ của Tây phương lại sản sinh ra những ví dụ cực đoan nhất trong lịch sử về sự nhẫn tâm, tình trạng vô trật tự, bạo hành, đàn áp, bất bình đẳng pháp lý, thù hằn, và sự độc ác.

    Mỉa mai thay, các trường phái chính thống của cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa cộng sản đều tự nhận là phát xuất từ chủ nghĩa Mác, và những người Mác-xít thì đã nói một điều rất đúng: đó là, chung cục, chúng ta phải đánh giá các hệ thống xã hội không phải qua các lý thuyết và mô hình trừu tượng, mà qua thực tế và lịch sử. Nhưng thật là một sự bội tín không bút nào kể xiết khi những người Mác-xít chỉ áp dụng nguyên tắc ấy vào những sự việc khác, trừ những sự việc dường như là quan trọng nhất đối với họ. Trên khắp cả địa cầu, những nhà trí thức Mác-xít, những nhà tuyên truyền, các giáo sư, và những người biện hộ cho Mác-xít không bao giờ đem thực tại “thế giới xã hội chủ nghĩa” hiện có ra so sánh với những xã hội tự do của Tây Âu và Bắc Mỹ. Trái lại, họ chỉ đem một xã hội hoàn hảo trong trí tưởng tượng nhưng chưa từng tồn tại ra so sánh với một xã hội hiện có, một xã hội không toàn hảo nhưng đã thực sự đạt được những thành quả kỳ diệu. Những người Mác-xít thích phê phán những lối lý luận phi thực tiễn trên là “lý luận lý tưởng hoá” khi họ lên án lối triết lý đó ở những người khác. Tuy nhiên, chính họ mới là những kẻ cố tình thêu dệt ra một thế giới lý tưởng - chính họ mới là những kẻ phi thực tế nhiều hơn ai hết. Chẳng có gì lạ khi giờ đây, khi lịch sử đã lấy đi tất cả những gì chủ nghĩa Mác đã có, thì những người kế thừa của chủ nghĩa đó - những người hậu hiện đại chống Tây phương trong giới văn trí cánh tả – lại thu nhận chủ nghĩa phi thực tế một cách lộ liễu và lấy đó làm khuôn tư duy.

    Khoảng cách giữa kết quả thẩm định sát thực và hợp lý về giấc mơ xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ thứ hai mươi và thực tiễn xã hội chủ nghĩa là quá lớn và nhìn chung chưa được mấy ai để ý đến. Trong suốt ba thế hệ đã qua, chắc phải có nhiều cuộc thẩm định như thế này, và những ai đã thực sự hoàn thành tốt công trình thẩm định này đáng lý phải được ghi nhận với tư cách những nhà trí thức hàng đầu. Nhưng thực tế là, những người đã làm được việc này – trừ một thiểu số cá biệt được tuyên dương lẻ tẻ – lại là những người đã bị coi thường và cho ra rìa nhiều nhất. Cái hố sâu giữa kết quả thực tế của chế độ kế hoạch hoá tập trung và của xã hội tự do cộng với kinh tế tư nhân đáng lẽ phải là đề tài được khảo cứu nhiều nhất trong thời đại của chúng ta, vì cuộc đọ sức giữa hai quan điểm này đã cuốn hút biết bao tâm huyết trong cả hai lĩnh vực tri thức lẫn đạo đức. Thế mà nay chúng ta lại phải đi tìm một cách vô vọng tài liệu về kết quả của những công trình nghiên cứu đó - thậm chí chính bản thân nghiên cứu đó - trong các sách giáo khoa, trong các trường trung học, các trường cao đẳng, và các trường đại học, trong cả hai loại nghiên cứu do quỹ liên bang tài trợ và do các các quỹ nhân ái tài trợ. Những kinh tế gia có khả năng hiểu những chuyện này thì lại hiếm khi chịu viết về lịch sử kinh tế, mặc dù nếu làm được như vậy họ sẽ dùng được những trải nghiệm thực tế sâu đậm nhất của con người để soi sáng nhiều lãnh vực lý thuyết. Các sử gia nghiên cứu cái gọi là lịch sử kinh tế và xã hội của chủ nghĩa tư bản thì vẫn dạy về lịch sử của công cuộc giải phóng và nâng cấp đời sống con người lớn lao nhất thế giới như là lịch sử của sự áp bức (một cách khách quan và chủ quan), bè phái hoá, huyền bí hoá, suy đồi, và lãng phí. Ngay trong lòng những xã hội đã mang lại nhiều tự do, lựa chọn, và của cải cho nhân loại hơn bao giờ hết trong lịch sử, thì những ngành khoa học nhân văn nhìn chung đã trở thành những trường lớp dạy về “sự áp bức”. Người nào ưu tư về vấn đề trên chỉ cần dành một buổi chiều tản bộ giữa các kệ chứa sách chỉ định cho sinh viên trong một tiệm sách của trường đại học, hay đọc qua các giáo án đại học. Họ sẽ thấy thực tế còn tệ hơn mức tưởng tượng, ngay cả đối với một người bi quan.

    Vậy thì điều gì đáng lý phải xảy ra “sau chủ nghĩa xã hội”? Hãy đơn cử trường hợp của Hoa Kỳ. Suốt gần năm mươi năm, Hoa Kỳ đã hy sinh tài sản và, có lúc, tính mạng của những công dân trẻ tuổi, để ngăn chặn quân đội vũ trang của chủ nghĩa cộng sản. Các phi công gan dạ của Hoa Kỳ đã liều mạng lái máy bay rà sát những ngọn đồi ở Tây Âu (và nhất là ở Tây Đức) - việc tập luyện đầy nguy hiểm như vậy là điều kiện tiên quyết của bất kỳ biện pháp ngăn chặnvà phòng thủ nào - lại khiến cho những người đang vui chơi dưới mặt đất rất khó chịu, dù rằng những người này có được tự do là nhờ tinh thần chịu đựng hiểm nguy và nhiều khi, cả sự hy sinh của các phi công Hoa Kỳ. Các thuỷ thủ tàu lặn Hoa Kỳ đã bỏ lại tiện nghi, gia đình, và bè bạn trên đất liền để thực thi chiến lược ngăn chặn toàn diện. Hoa Kỳ đã làm bất cứ những gì có thể làm được để không cho những lực lượng vũ trang Bôn- Sê-Víc chiếm ưu thế chiến thuật và chiến lược. Đó là chủ trương chống cộng mà ta không được lầm lẫn, như bây giờ người ta đang lầm lẫn, với lịch sử các quan hệ ngoại giao bình thường và dài hạn giữa Hoa Kỳ và Nga. Hoa kỳ đã phải gánh chịu những khoản nợ quá sức để có thể đối phó với những bước chạy đua võ trang nước rút của nhà nước Sô Viết. Hoa Kỳ đã cương quyết duy trì chính sách, ngay cả khi giới trẻ, đội ngũ nghệ sĩ, giáo sư, văn sĩ, những nhà làm phim trong nước phản đối những nỗ lực bị coi là điên rồ đó. Hoa Kỳ đã bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống cộng sản, bởi bom và hoả tiễn của cả hai phe, mình và kẻ thù, và bởi chiến lược quốc phòng “đảm bảo cả hai bên đều bị tiêu diệt.” Đây là gánh nặng Hoa Kỳ đã tự chuốc lấy, và rồi, như có một phép lạ, những yếu điểm chết người của chế độ chuyên chế, kế hoạch hoá tập trung và phản tự do đã khiến khối cộng sản Ðông Âu sụp đổ. Giờ đây, Hoa Kỳ có thể tiến hành kết toán thực tế xem mình đã chiến đấu để bảo vệ những gì và ngăn chặn những gì. 

    Ít nhất cũng phải nói rằng, chưa có ai và sẽ chẳng có ai đổ xô đi làm việc tổng kết nói trên – mà đáng lý phải là công việc cấp bách nhất và đáng làm nhất ở một nước Mỹ đột nhiên không còn phải cáng đáng vai trò anh hùng dài hạn, và không còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi trầm trọng nhất. Một người lạc quan có thể mong đợi gì? Danh sách này rất dài: Sự khải huyền của chủ nghĩa chống cộng. Một lễ hội ăn mừng. Một mùa khai hoa của các công trình so sánh phe địch và phe ta. Một cuộc tổng kết tính sổ đầy đủ về hiện thực của chủ nghĩa cộng sản - trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, luân lý, môi sinh, xã hội, văn hoá, vân vân (Còn điều gì mà người ta lại không muốn biết không?) Một sự tái khẳng định niềm tin của chúng ta vào các nguyên lý nền tảng phe ta —những nguyên lý đã cấu thành những khác biệt giữa ta và địch. Một tập hợp những lời nhận lỗi sâu đậm, đầy khổ não, đầy ân hận day dứt từ những người, tuy không ác ý, nhng đã trót sai lầm thảm hại. Một sự cảnh giác cao độ với bản chất và các chính sách của những chế độ cộng sản còn lại. Một đợt cải cách giáo trình. Một sự công nhận đối với giá trị vô song của một chế độ tự do với bộ máy nhà nuớc tinh giản. 

    Nhưng nếu xét cụ thể bất kỳ nội dung nào trong danh sách những nguyện vọng hoàn toàn hợp lý kể trên, chúng ta sẽ rất nản lòng. Những người đang dạy, bình luận, hay viết về những điều ấy hiểu ra - chứ chưa nói đến thấu đáo tường tận - những chuyện đã xâảy ra không? Họ có tìm đọc Mises hoặc Hayek, hoặc các nhà đối kháng, hoặc số ít các sử gia hiếm hoi đã nói lên sự thật trong suốt thời gian qua, để nghiền ngẫm quan điểm của những người đã hiểu rất đúng và rất sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản không? Thậm chí họ đã bao giờ thấy mối liên hệ giữa Marx, Lenin, Stalin, Mao, và Castro không? Đâu rồi những lễ hội, những niềm vui tuôn trào, khi mà nền văn minh tự do đã chiến thắng? Leonard Bernstein đã chơi Bài Giao hưởng số 9 của Beethoven ở Berlin, duới bóng Bức Tường, và đã dùng từ Freiheit (Tự do) thay cho từFreude (Niềm vui). Ở đâu có những sự kiện tầm cỡ tương tự như thế? Và tại sao lại không có? Những tiếng kêu than về chuyện gọi là “thế giới đơn cực” đang bị trôi dạt về một nơi vô định đã lấn át tiếng reo vui ăn mừng khi lực lượng đại diện cho cái ác và sự áp bức được vũ trang với vũ khí nguyên tử bị thua trận. Thế nên khi Ronald Reagan thốt ra cụm từ gây tai tiếng “đế chế tàn ác” để mô tả Liên Xô thì lại bị hầu hết tất cả các nhà bình luận chế nhạo và không mấy ai hưởng ứng.

    Hãy thử tưởng tượng nếu Đại chiến thứ Hai kết thúc với phe quốc xã Châu Âu thành lập một đế quốc trải dài từ rặng U-ran đến eo biển Măng-sơ, và chẳng mấy chốc bắt đầu sản xuất được vũ khí nguyên tử, đối đầu trong thế một mất một còn với Hoa Kỳ, và hoà bình thế giới chỉ là kết quả của sự ngăn ngừa lẫn nhau. Hãy tưởng tượng Albert Speer lên nối nghiệp Hitler. Liệu khi đó, con cái của những người cánh tả có còn muốn bắt nhịp cho người ta hát các lời ca như “Chúng tôi chỉ mưốn nói một điều, là cho hòa bình một cơ hội” khi họ đứng dưới các biểu tượng của phong trào đòi đơn phương giải giáp các vũ khí hạt nhân? Thử hỏi, khi ấy Hoa Kỳ có bị lên án vì chống ảnh hưởng của quốc xã trên toàn thế giới, chưa nói đến việc chống quốc xã thiết lập những căn cứ trên Tây Bán cầu, và bị ngay người trong nước chụp mũ là đế quốc “sen đầm quốc tế” hay không? Thử hỏi, khi đó các nhà trí thức của chúng ta sẽ nhạo báng hay hoan hô cụm từ “đế chế tàn ác”? Điều gì khác sẽ xảy ra? Chết chóc? Những trại tập trung? Sự ly tán của phần xác và phần hồn? Còn điều này nữa, nếu chưa có lời giải đáp thoả đáng thì những xác chết vẫn chưa được yên nghỉ. Hãy nhớ là chúng ta đã ăn mừng ngày sụp đổ của chủ nghĩa quốc xã và bắn sập biểu tượng chữ Vạn tưng bừng như thế nào. Ngược lại, chúng ta đã câm nín như thế nào vào năm 1989, trong khi lẽ ra ít nhất chúng ta đã phải, và vẫn phải, kỷ niệm một cách trang trọng sự sụp đổ của bộ Búa Liềm hùng mạnh nhất thế giới, một biểu tượng của sự tàn sát triệt để. Nếu biểu tượng bị sụp đổ sau hai thế hệ chiến tranh lạnh là chữ vạn của Đức quốc xã (chứ không phải là búa liềm cộng sản-ND) thì chắc hẳn niềm vui sướng và xúc động sẽ thắp sáng những thành phố trên khắp nơi. Thử hỏi các nhà trí thức, các chính trị gia, và các giảng viên của chúng ta, họ tin hay không tin điều mà Solzhenitsyn đã phát biểu trực diện về chính quyền Sô Viết: 

    “Không có chế độ nào trên trái đất này có thể so sánh được với nó về số nhân mạng đã bị đưa vào cõi chết, về sự thô bạo, về tầm vóc của các tham vọng, về tính toàn trị triệt để không nhân nhượng - không, ngay cả chế độ của tên học trò của nó là Hitler cũng không thể sánh kịp.” [1] 

    Sau nhiều thế hệ tranh chấp giữa hai hệ thống, bây giờ có ai còn hứng thú khảo cứu đối chiếu hai hệ thống này không? Lịch sử giờ đây đã mở ra cho các kinh tế gia, các nhà khoa học xã hội về phái tính và tình dục học, cho tới các nhà môi sinh học, v.v… một vùng đất rộng lớn để nghiên cứu thực tế về những khác biệt giữa tư hữu và công hữu, giữa thị trường và kế hoạch, và giữa quyền cá nhân và quyền lợi tập thể. Liệu những người trong Phong trào Xanh, khi họ viết những bài khảo cứu đầy bức xức về nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước do kế hoạch hoá từ trung ương, họ có phát hiện ra được “thảm kịch cánh đồng chung” (Tragedy of the commons) không? Các sử gia, họ đã có thay đổi gì khi giảng dạy học trò của họ về những hậu quả của những thị trường tự do trên đời sống con người, trong một thế giới có thật của những hiện tượng có thể so sánh được? Và những người theo Foucault và những người hậu hiện đại của chúng ta, liệu họ đã xét lại những tiền đề của họ sau khi đã tham khảo các công trình nghiên cứu sâu rộng về phái tính và tình dục sau bức Màn Sắt, hoặc, gần đây hơn, ngay tại Cu Ba không? Thật là một điều bất thường khi chúng ta không có được những thống kê về mặt tri thức, luân lý, và nhất là, lịch sử, để xem xét ai đúng ai sai, và tại sao như vậy, trong các công trình phân tích về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội sau khi nắm quyền. Chúng ta đang sống với một sự nguỵ tín đáng kinh sợ.

    Sự ganh đua về phương thức tổ chức xã hội và tầm nhìn giữa phe dân chủ tự do và phe xã hội chủ nghĩa đã từng là điều kiện định dạng cho đời sống và tranh luận ở Tây phương, vậy mà bây giờ chẳng có ai cất công làm một việc tính sổ lại về thực tiễn và đạo lý? Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản chỉ gây được ảnh hưởng tại Pháp (dẫu rằng, không lâu lắm sau khi cuốn sách này được xuất bản, một loạt các dân biểu và bộ trưởng thuộc Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp vẫn đắc cử) Còn nơi nào nữa? Tại sao nó không bao giờ xâm nhập đời sống nước Mỹ - hay chí ít là các tiệm sách đại học - khi nó có lời giải đáp cho câu hỏi đáng lý phải được đặt ra trước tiên trong tâm trí chúng ta? Chúng ta sẽ dạy con cái những gì? Ví dụ, chiến thuật ngăn cản, có đáng bỏ công áp dụng hay không? Ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, trường trung học của các con tôi, trong một học khu bảo thủ - và đây không phải là một trường hợp ngoại lệ - bỏ một tuần ra để học về chiến tranh lạnh. Tài liệu độc nhất để bổ sung vào việc thảo luận của học sinh là cuốn phim phê phán đường lối quốc phòng Tuyệt đối không có sự cố (Fail-Safe). Một năm sau, bắt đầu có sách giáo khoa dạy cho các cháu biết là ông Gorbachev thánh thiện đã dìu dắt ông “cao-bồi” Reagan vào con đường đi đến hoà bình như thế nào. Tệ, tệ hại hơn thế nhiều nữa, là con cái chúng ta không biết những gì đã xảy ra, trong bất kỳ lãnh vực nào, trong các chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những người phụ thuộc vào thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng và phim ảnh của chúng ta chắc hẳn không biết được những điều đó. Nền văn minh của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại, thịnh vượng và hùng mạnh theo bất cứ tiêu chuẩn lịch sử nào, nhờ vào sức mạnh của một hệ thống kinh doanh tự do, dù chỉ ở mức tương đối, và một chính quyền có quyền hành bị giới hạn, dù cũng chỉ ở mức tương đối. Tuy nhiên nền văn minh đó tồn tại mà không có niềm tin vào chính mình, mà không thấu hiểu ý nghĩa tinh thần của chỗ đứng của mình trong cái bi kịch của lịch sử đời sống có tổ chức của loài người, và không có một sự tính sổ đối với cả hai hạng mục - một bên là hàng chục triệu người đã bỏ mạng và một bên là những chế độ và đức tin đã đẩy họ vào chỗ chết.

    Không thấy sự phục sinh của những nguyên lý đã phân biệt chúng ta với những nhà nước xã hội chủ nghĩa. Câu nói “Các anh đặt quyền tư hữu cao hơn con người” vẫn còn là một lời nguyền rủa cực mạnh, cứ như là chúng ta chưa hề học đủ bài học rằng, chính “quyền tư hữu” là cơ sở cho sự phồn thịnh, tự do, phẩm giá, và đời sống của “con người” vậy. Câu “Các anh để lợi nhuận lên trên người dân” vẫn còn có một sức mạnh tương tự như câu trước, cứ như thể chúng ta chưa học đủ bài học rằng lợi nhuận chính là phương tiện để thoả mãn các nhu cầu và ham muốn của người dân. Thật ra, chính vì muốn tránh khơi sống lại các nguyên lý tự do cổ điển nên các thầy giáo, các giáo sư, đội ngũ truyền thông, và các nhà làm phim đã lờ tịt đi nhu cầu khảo cứu đối chiếu mà thời đại này đang cấp thiết đòi hỏi.

    Thật vậy, người ta sẽ không sửa đổi giáo trình chính là vì người ta không muốn dạy những bài học mà tri thức và sự thật sẽ dạy. Ít ra là trong suốt một thế hệ, sự dị ứng của giới trí thức đối với mô hình xã hội cởi mở - như một nền văn minh, một tập hợp các định chế, một giải ngân hà của tư tưởng - luôn được đúc làm cốt lõi của khoa học nhân văn và các ngành xã hội học mềm. Tình trạng này, không hề giảm đi mà còn mỗi ngày một trầm trọng hơn, mặc dù bây giờ, trên bình diện tri thức, không còn có lý do nào nữa để biện minh cho thái độ bỏ qua những sự thật hiển nhiên. Chúng ta biết sự trao đổi tự nguyện giữa các cá nhân một cách có trách nhiệm về mặt đạo lý, và phù hợp với quy định của pháp luật đã mang đến cho con người cả sự sung túc lẫn cơ hội chọn lựa đa dạng chưa từng có. Mô hình xã hội cởi mở còn là một điều kiện tiên quyết của trách nhiệm và quyền tự do cá nhân. Ngược lại, các chế độ kế hoạch hoá tập trung đã tạo nên sự nghèo khó và dẫn đến sự hình thành và phát triển tất yếu của chủ nghĩa toàn trị và những hình thái lạm quyền ghê gớm nhất. Những xã hội có thị trường tự do, năng động, với nền tảng là chủ nghĩa cá nhân thực quyền, đã thay đổi toàn bộ quan niệm của con người về tự do và phẩm giá của những nhóm người mà trước đây đã bị xã hội bỏ ngoài rìa. Ngược lại, toàn bộ cuộc “thí nghiệm xã hội chủ nghĩa”, đã chấm dứt trong bế tắc, xung đột sắc tộc, sự thiếu vắng của những tiền đề tối thiểu cho sự khôi phục kinh tế, xã hội, và chính trị, và sự đè nén tuyệt đối đối với cả việc phát triển cá nhân lẫn quyền lợi của các nhóm thiểu số. Con cái chúng ta không biết sự khác biệt thực tế này.

    Khi các nhà lãnh đạo chính trị và truyền thông của chúng ta xem xét các chế độ cộng sản đương đại – Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, và Cam Pu Chia – dù những chế độ đó có thay đổi đến mức nào đi nữa và những tính chất nói trên có khi hiện hữu, có khi không, nhưng trong nhận thức, họ phải ý thức được về thực tế lịch sử mà chúng ta đã biết, và về những xác người mà chúng ta cố tình lờ đi không muốn biết. Lại một lần nữa, chúng ta phải nghĩ về cái lối phán xét lịch sử nước đôi, bất nhất đó. Khi nhân vật phái hữu Joerg Haider vừa gặt hái được thành công chính trị tại nước Áo – bằng con đường dân chủ thực sự – các chính quyền Tây Âu đã coi ông ta như một nhân vật hạ đẳng hay như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật vì hai thế hệ về trước, ông ta đã có những lời phát biểu hay những biểu hiện có dính dáng đến Hitler. Thế cũng được đi. Nhưng đối với những lãnh đạo cộng sản là những người kế thừa của Stalin và Mao hiện vẫn đang nắm quyền thì sao? Về mặt chết chóc và đày ải, các trại lao cải Trung Quốc phải tai tiếng hơn là những trại tập trung ở Đức và ở những nơi Đức xâm chiếm, và, thật ra, một điều bất thường hơn là những trại lao cải đó vẫn đang tồn tại song song với chúng ta. Theo những tính toán nghiêm túc nhất, có khoảng năm mươi triệu người đã phải trải qua các trại cải tạo đó. [2] Những nghiên cứu có chất lượng ước tính rằng vào những thập niên 1950 và 1960, khoảng 10 phần trăm những tù nhân là người Tây Tạng không bao giờ trở về từ các trại tù, và quá trình đàn áp chính trị và tiêu huỷ một trong những nền văn minh đáng chú ý của thế giới vẫn được tiến hành không chút suy giảm. [3] Cu Ba, với dân số mười một triệu, nay có hai triệu người đang sống ở nước ngoài, và chúng ta sẽ không bao giờ có những thống kê đầy đủ về con số rất lớn những người đã mất mạng khi tìm cách đào thoát. [4] Trên thực tế, tại tất cả các nước theo chế độ cộng sản, quyền di trú – nói một cách dân dã nhất là “thương thì ở, ghét thì đi” mặc dù thực tế còn khắc nghiệt hơn hàm ý đó nhiều lần, thực sự vẫn bị coi là một tội hình. Tại Bắc Hàn, một quốc gia đang chế tạo vũ khí hạt nhân, cả một dân tộc đang đói vì sự điên khùng của những kẻ lập kế hoạch nhà nước, trong khi đó, bên kia biên giới, Nam Hàn đã phát triển một cách nhân bản và hiệu quả về cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị chỉ trong một thế hệ ngắn ngủi. Đồng ý rằng, hoà bình thế giới, ổn định toàn cầu, thậm chí một chiến lược nhằm thay đổi các xã hội bị áp bức, rất có thể sẽ kêu gọi chúng ta nên bình thường hoá quan hệ với tất cả các chế độ sát nhân kia. Tuy nhiên, chúng ta phải làm việc đó với nhãn quan tỉnh táo, và phải làm tối đa những gì có thể làm được cho các nạn nhân. Thêm vào đó, phải xác định rõ những lằn ranh đạo lý mà dứt khoát chúng ta không được vượt qua.

    Chúng ta vẫn đang chờ đợi một cách vô vọng những lời hối lỗi, nhưng đa số vẫn tuyên bố là họ không biết, hay chọn cách bưng mắt bịt tai không chịu biết. Khi Eisehnower nghe được rằng những cư dân Đức tại một thị trấn lớn ngay gần một trại giết người tập trung, gần đến độ mùi xác thối thế nào cũng đã bay tới tận mũi, nói rằng họ “không biết” về trại này, ông bắt những thị dân này ăn mặc chỉnh tề, xếp hàng đi ngang qua những xác người đang thối rữa, và bắt họ giúp thu dọn những xác chết đó. Nay chúng ta thiếu uy quyền như của ông. Milan Kundera, nhà văn đối kháng Tiệp trong thời kỳ cộng sản, dùng bi kịch - thể loại văn chương duy nhất phù hợp, để viết về thực trạng đạo đức. Hãy lấy ví dụ cực đoan nhất, ông đề nghị. Thế những người có thiện ý, sẽ ra sao đây? Ông hỏi trong tác phẩm Kiếp người như lông hồng mà mang nặng tựa Thái Sơn (The Unbearable Lightness of Being.) Thế thì với những người vô tri, những người đã vô tình hành động với niềm xác tín, phải làm sao đây? Kundera đã viết như thế này về Oedipus: 

    “Y không biết người đàn ông y đã giết trên núi là cha của y, và người đàn bà y đã cùng chăn gối là mẹ của y. Cùng trong lúc ấy, định mệnh đã mang tai hoạ đến các thần dân của y, và đầy đoạ họ bằng những trận dịch hạch lan rộng. Một khi Oedipus nhận thức được chính y là cội nguồn của những nỗi khổ đau của họ, y tự móc mắt mình, và trở thành một người mù lang thang rời xa khỏi thành Thebes… Không thể nào chịu đựng nổi cảnh tượng của những điều bất hạnh y đã gây nên “vì không biết”, y tự móc lấy mắt, và trở thành một người mù lang thang rời xa khỏi thành Thebes…” [5] 

    Ai đọc câu chuyện trên mà chẳng cảm thấy ám ảnh? Về phần tôi, tôi xin mở một con đường xá tội. Hãy để những người theo chủ nghĩa xã hội, những người đồng hành của họ, những kẻ biện minh cho họ, những kẻ xét lại, công nhận những sự chết chóc, hãy để họ chôn cất những người đã chết, dạy cho những người khác những gì họ đã học được, và ăn năn hối lỗi với những nạn nhân đã chết. Nhược bằng, với mức độ kinh hoàng của những tai hoạ đã xảy ra, hãy để họ tự tìm cách chuộc tội sau khi đã tự móc lấy mắt, và trở thành những người mù lang thang rời xa khỏi Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, hay thành Thebes. Hãy để các nhà trí thức Tây phương nhắc lại những câu thơ trong tập Requiem, một tác phẩm được Anna Akhmatova, nhà thơ vĩ đại nhất nước Nga trong thế kỷ hai mươi sáng tác trong giai đoạn khủng bố dưới thời Stalin:

    Mọi lúc và mọi nơi,
    Tôi luôn nhớ về họ
    Dù vật đổi sao dời
    Tôi không thể quên họ. [6] 

    Những xác người đang đòi một cuộc thống kê, một lời xin lỗi, và một lời ăn năn. Không có những việc này, sẽ không có thời đại “hậu chủ nghĩa xã hội”.

    Bản tiếng Việt © 2008 talawas




    [1]Solzhenitsyn, Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago), 3:28. 14.
    [2]Xem Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản (The Black Book of Communism), 498–507 và các ghi chú tham khảo ở trong đó.
    [3]Sđd, 542-46 và các chú thích ở trong.
    [4]Sđd, 663-65.
    [5]Milan Kundera, Kiếp người nhẹ như lông hồng mà mang nặng tựa Thái sơn (The Unbearable Lightness of Being), dịch giả, Michael Henry Heim (New York: Harper Perennial, 1991), 175–77.
    [6]Anna Akhmatova, Tuyển tập thơ của Anna Akhmatova, chủ bút Roberta Reeder, dịch Judith Hemschemeyer (Brookline, MA: Zephyr, 2000), 151.

    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13794&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org